- Lạm Bàn Về Thiện Ác & Giáo Dục

Câu đầu tiên của Huấn Mông TAM TỰ KINH 訓蒙 三字經 là:
 " Nhân chi sơ, Tánh bản thiện 人之初、性本善 ". 

Ý muốn nói: "Con người lúc ban sơ khi mới được sanh ra, thì bản tính vốn hiền lành lương thiện".
 Điều nầy gần như là hiển nhiên mà mọi người đều thấy rõ, đứa bé mới sinh vô tư hiền lành như tờ giấy trắng. 
Mọi khả năng, mọi tình huống, mọi biến chuyển về sau của đứa bé đều do một chữ THIỆN của lúc ban đầu nầy mà ra!


Vậy, THIỆN là gì? Lần theo từ nguyên ta sẽ thấy ...

甲骨文
金文 Kim Văn
金文大篆 Đại Triện
小篆 Tiểu Triện
繁体隶书 Lệ Thư

Ta thấy ...
Theo Kim Văn (Chung đĩnh Văn) và Đại Triện, chữ THIỆN gồm có chữ DƯƠNG 羊 là Con Dê là Điềm Lành ở giữa, hai bên là hai chữ NGÔN 言 là Lời Nói, đến Tiểu Triện thì hai chữ NGÔN 言 được nhập làm một, cho đến chữ LỆ, thì chữ NGÔN lại được rút ngắn lên như chữ viết hiện nay 善.

Nên ...
THIỆN 善 là Hiền, Lành, là trái với ÁC, như từ kép Thiện Lương 善良 là Hiền Lành, Thiện Tâm Thiện Ý 善心善意 là Lòng Dạ hiền Lành. 

Ta hay nghe câu:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người THIỆN TÂM.

Ngoài nghĩa HIỀN ra, THIỆN còn có nghĩa là Thân Mật, như Thân Thiện 親善, Hòa Thiện 和善.

THIỆN là Giỏi giắn, Chuyên về việc gì đó là Thiện nghệ 善藝.

THIỆN KỴ 善騎: Giỏi về Cỡi Ngựa.

THIỆN XẠ 善射: Giỏi về Bắn Cung, bắn Súng.

THIỆN CHIẾN: Giỏi về Đánh Trận, Đánh Giặc.....

THIỆN còn có nghĩa là TÔT, như:
THIỆN HẬU 善後: là Hậu Vận Tốt, Già có nơi nương tựa.

THIỆN CHUNG 善終: là Chết Tốt, là Chết An Lành.

THIỆN ĐỨC 善德: thì không tốt tí nào, nói lái lại sẽ biết!

THIỆN còn có nghĩa là DỄ, như:
THIỆN BIẾN 善變 : Dễ Thay đổi.

THIỆN VONG 善忘: Dễ Quên.

ĐA SẦU THIỆN CẢM 多愁善感 : là Đa sầu và Dễ Cảm xúc!

Cuối cùng THIỆN là một trong Bách Gia Tính: Họ THIỆN.

Kết Luận :....
THIỆN là Dễ, Hiền, Lành, Tốt, Giỏi. Nên nói theo học thuyết của Manh Tử 孟子 (72–289 trước công nguyên):"Nhân chi sơ, Tính bổn Thiện " là " Cái tính ban sơ của con người vốn Hiền Lành, nên Dễ Giỏi, Dễ trở nên Tốt Lành. 

 Và "Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên 苟不教,性乃遷 "Nếu không được dạy dỗ thì cái tánh đó sẽ bị thay đổi (Xấu đi chẳng hạn!).
(Mạnh Tử)


Nói theo đạo Phật, con người sanh ra là đã có sẵn cái THIỆN DUYÊN 善緣 rồi, phải biết vun bồi và phát huy cái Thiện Duyên đó. 

Đó chính là cái THIỆN NGUYỆN 善願 để kết nên cái Thiện Duyên đã có sẵn trong mỗi con người. 

Tăng Quảng Hiền Văn của Nho Gia cũng nói rằng:
Nhân hữu THIỆN NGUYỆN, 人有善願,
Thiên Tất hựu chi. 天必祐之。 

Có nghĩa:
Người mà có cái Thiện Nguyện, thì Trời sẽ giúp đỡ phù hộ cho (được toại nguyện).

Nhưng theo TUÂN TỬ 荀子 (313 TCN – 238 TCN), cũng là một nhà tư tưởng của thời Chiến Quốc, thì "Nhân chi sơ, Tính bản ÁC 惡" Con người mới sinh ra đã cất tiếng khóc cùng quằn với cuộc sống, đòi ăn đòi bú, quơ được tờ giấy thì muốn nhào nát hoặc xé rách nó đi ... 

Cái tính bản ÁC 惡 đó cần phải được uốn nắn dạy dỗ, giáo duc thì mới trở nên tốt lành được.

Bây giờ thì ta truy nguyên tận nguồn gốc của chữ ÁC 惡 nầy nhé! 

Ta thấy...
ÁC 惡 là chữ thuộc dạng Hài Thanh, gồm chữ Á 亞 ở trên chỉ ÂM, và chữ TÂM 心 ở dưới chỉ Ý. Nên, ÁC là một sự biểu hiện tình cảm ở trong lòng. 

Nếu cố giảng theo Hội Ý thì ...Á 亞 chỉ sự thua sút, kém cỏi (như Á quân, Á Hậu, Á Thánh...), còn TÂM 心 là Tâm lý, là Tình cảm trong lòng. Tình Cảm thì Một là TỐT, Hai là XẤU mà thôi. 

Nên Á ghép với TÂM là Tình Cảm hạng 2, là Tình Cảm Xấu. Vì vậy nghiã trước tiên của chữ ÁC là XẤU! 

Như ...
ÁC CẢM 惡感: là Có Cảm giác Xấu về ai đó.

ÁC DANH 惡名: là Tiếng Xấu, Tiếng Không Tốt.

ÁC TẬP 惡習: là Tập quán Xấu, tức là chỉ Thói Xấu ... 

ÁC ĐỨC 惡德: là Cái Đức Xấu. Hành Vi Xấu Xa.

ÁC là HUNG DỮ, như:

ÁC ĐỘC 惡毒: Ta nói là Độc Ác!

ÁC BÁ 惡霸: là Người Hung Ác, Dữ Dằng.

ÁC PHỤ 惡婦: là Người Đàn bà Hung dữ. Tương tự, ta cũng
có từ ÁC PHU 惡夫. Bạn bè thường hay nói chơi là:

Hiền Phụ đánh Ác Phu: là Vợ Hiền đánh Chồng dữ!
HUNG ÁC 兇惡: là Hung Dữ và Tàn Ác.

HIỄM ÁC 險惡: la Hung Hiễm và Ác Độc.

ÁC là Động Từ thì đọc là Ố, có nghĩa là GHÉT, như:
KHẢ Ố 可惡: là Đáng Ghét !

HỈ NỘ ÁI Ố 喜怒愛惡: là Mừng Giận Yêu Ghét!

Trong Tiểu thuyết võ hiệp Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã đặt tên rất hay cho Tứ Ác Nhân của mình, bằng cách xem chữ ÁC nằm ở vị trí nào trong Ngoại Hiệu để biết được vai vế của người đó trong Tứ Ác như sau:
:
* Lão đại, Ác nhất, nên chữ ÁC đứng đầu, hiệu là ÁC QUÁN MÃN DOANH 惡貫滿盈 : là Tội ÁC đã đầy ăm ắp, hết chỗ chứa luôn ! Chính là Thái Tử Đoàn Diên Khánh.
* Lão Nhị, Ác nhì, nên chữ ÁC đứng ở vị trí thứ 2 là: VÔ ÁC BẤT TÁC 無惡不作: Có nghĩa là Không Có Cái ÁC Nào Mà Không làm, là Diệp Nhị Nương, mẹ của nhà sư Hư Trúc.

* Lão Tam, Ác thứ 3, nên chữ ÁC cũng ở vị trí thứ 3 là: HUNG THẦN ÁC SÁT 兇神惡煞: là Dữ dằng sát khí như một Hung Thần, chính là Nam Hải Ngạc Thần.

* Lão Tứ, Ác thứ Tư, nên chữ ÁC ở vị trí cuối cùng là: CÙNG HUNG CỰC ÁC 窮兇極惡 : là Hung dữ vô cùng và Ác hết chỗ nói, đó chính là Vân Trung Hạc.
Kết luận ...

ÁC là Xấu Xa, Dữ Dằng, Đáng Ghét ! Nên theo Tuân Tử thì vì con người "Tính bản Ác" nên cũng cần phải được chú trọng giáo dục đào tạo thì mởi trở nên người tốt được.

Ta thấy ...
Dù cho con người tính bản THIỆN hay tính bản ÁC, dù là học thuyết của Mạnh Tử hay Tuân Tử gì ... đều phải chú trọng đến giáo dục. 
"Ngọc bất trác, bất thành khí. 
Nhân bất học, bất tri lý" 

Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
Sự tuy tiểu bất tác bất thành, 事雖小不作不成,
Tử tuy hiền bất giáo bất minh. 子雖賢不教不明。
Có nghĩa:
- Việc tuy nhỏ, nhưng không làm thì sẽ không xong,
- Con tuy hiền, nhưng nếu không dạy thì sẽ không sáng suốt.

Tuân Tử thì bảo rằng:
"君子曰:学不可以已。 青,取之于蓝而青于蓝;冰,水为之而寒于水" 
Quân tử viết: Học bất khả dĩ dĩ. Thanh, thủ chi vu lam nhi thanh vu lam. Băng, thuỷ vi chi nhi hàn vu thuỷ ". Có nghĩa:

"Người quân tử nói rằng: Sự HỌC không thể ngừng nghỉ được. Màu xanh được lấy từ cây chàm, nhưng lại xanh hơn chàm. Băng được đông lại bởi nước, nhưng lại lạnh hơn nước". 
Nếu chiụ học thì sóng sau sẽ dồn sóng trước, người càng về sau sẽ giỏi hơn người đi trước!

Mạnh Tử thì cho là: "學而不思則罔,思而不學則殆。Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi". Có nghĩa:

"Học mà không biết suy luận thì cũng uổng cho sư học. Biết suy luận mà không chiụ học thì cũng như không".

Nói chung, là con người thì luôn luôn phải cầu học mới tiến bộ, mới hoàn thiện bản thân và mới giúp ích cho xã hội nhân quần được!
Về phần chữ DỤC, xin mời đọc lại bài viết về GIÁO DỤC dưới đây:

GIÁO DỤC
Giáo Dục luôn luôn là đề tài muôn thuở gắn liền với đời sống con người. Bất cứ nơi đâu trên trái đất, bất cứ màu da nào, dân tộc nào đều cũng có một nền giáo dục riêng biệt, đặc trưng của mình. 

Ngay cả trong mỗi gia đình đều có một nề nếp riêng của gia đình đó, mà người chủ gia đình là đầu tàu dẫn dắt theo cái hướng đi của gia đình mình và của cái xã hội mà gia đình mình đang hiện hữu. 

Nên từ ngàn xưa ông bà ta cũng đã cảnh báo là: "Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa" 養不教,父之過。教不嚴,師之惰。Có nghĩa: "Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha. Dạy mà không nghiêm, là do sự biếng nhác của người Thầy". 

Vậy nên ...
Muốn Giáo Dục có hiệu qủa tốt, thì cần phải kết hợp chặc chẽ giữa người dạy, người học và người theo dõi đôn đốc nữa! Tức là phải kết hợp giữa Học Đường và Gia Đình, phải điều phối hợp lý chặc chẽ giữa Học Sinh, Thầy Cô Giáo và Phụ Huynh! 
GIÁO DỤC luôn là vấn đề bức xúc, tế nhị và lâu dài, không phải trong một ngày một buổi mà đem lại hiệu qủa trông thấy được.

Bây giờ thì ta hãy thử Chiết Tự để tìm hiểu một cách thấu đáo hơn về 2 chữ GIÁO DỤC nhé!

* GIÁO 教 là chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书

Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư 

Ta thấy các chữ trên ...
Bên Trái phía trên là 2 dấu chéo chỉ SỰ KIỆN, phía dưới là hình chữ Tử 子 là NGƯỜI, là Thằng Nhỏ. Bên Phải là hình của một Người hai tay dang ra, tay phía trên có cầm một cây Roi giơ cao như đang chỉ huy. 

HỘI Ý những hình trên lại: Trong xã hội nô lệ, thường thì chủ nô lệ phải cầm roi để chỉ huy, ra lệnh, dạy bảo đám người nô lệ. 

Nên ...
GIÁO 教 đầu tiên có nghĩa là Chỉ Bảo, Ra Lệnh. 

Như :
- GIÁO HUẤN 教訓: là Dạy Dỗ, chỉ bảo, bắt buộc phải làm theo. 

Huấn còn có nghĩa là Huấn Tập, Huấn luyện cho thành thạo. 

Nghĩa phát sinh hiện nay thì Giáo Huấn có nghĩa là: Dạy cho một bài học cho nên thân!
- GIÁO ĐẠO 教導: Chữ ĐẠO 導 nầy có bộ THỐN 寸 là Tấc ở dưới, Ý chỉ dò dẵm từng tấc đất một. 

Nên ĐẠO là Chỉ Dẫn để đi cho đúng Đường là Hướng Đạo đó. 
Nên GIÁO ĐẠO là Dạy dỗ và Hướng dẫn để đi cho đúng với con đường phải đi.

- GIÁO DƯỠNG 教養: Chữ DƯỠNG có bộ THỰC 食 bên dưới, nên Dưỡng là Cho Ăn, là NUÔI. 
Nên GIÁO DƯỠNG là Nuôi Dạy.

Nuôi dạy là phạm vi của Gia đình, của Cha mẹ đối với Con cái. Nhưng nghĩa rộng của Giáo Dưỡng là Giáo dục và Bồi Dưỡng. 

Có nghĩa dạy xong rồi, còn phải củng cố bồi dưỡng cho kiến thức được vững chắc lâu dài!

- GIÁO HỌC 教學: là DẠY và HỌC, nên Giáo Học là Dạy Học. 

Công Việc Giáo Học là Công việc truyền thụ kiến thức cho người khác, nhưng GIÁO HỌC cũng có nghĩa Dạy tức là Học đó. 

Càng DẠY thì lại càng HỌC được nhiều kiến thức hơn, càng Giỏi hơn ra.
Đó là chung quanh các chữ GIÁO mà có liên quan đến DỤC. 

Vậy DỤC là gì? Ta hãy xem nguồn gốc của chữ DỤC dưới đây:
甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书

Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư

Ta thấy:
* Chữ Đại Triện: Có bộ MẪU 母 là Mẹ bên trái, bên phải là chữ Tử 子 là Con lật ngược đầu xuống, dưới cùng là chữ Tiểu 小 là Nhỏ. 
Ý chữ là: Bà mẹ đang sanh ra đứa con nhỏ, nên chữ Tử 子 mới để ngược đầu trở xuống. 
Và chữ DỤC 育 ở đây có nghĩa là SANH RA. 

Như :
- Sinh Dục 生育 nghĩa như Sinh Sản.
- Tiết Dục 節育 là Hạn chế Sinh đẻ.
- Đoạn Dục 斷育 là Nghỉ đẻ luôn!

* Chữ Tiểu Triện: Phần trên là chữ TỬ 子 trở ngược đầu, phần dưới là bộ NHỤC 肉 là THỊT, (được viết cách điệu như chữ Nguyệt 月 là Trăng). 

Ý chữ là: Đang đút cho đứa bé ăn thịt, nên DỤC 育 có nghĩa là NUÔI NẤNG. 

Như:
- Dưỡng Dục 養育: là từ kép của Nuôi, là Nuôi Nấng.

- Đức Dục 德育: Nuôi Nấng về mặt Đạo Đức.

- Trí Dục 智育: Nuôi Nấng về mặt Trí Thức.

- Thể Dục 體育: Nuôi Nấng cho cơ thể Khỏe Mạnh.

- Mỹ Dục 美育: Nuôi Nấng về khiếu Thẩm Mỹ.

.... và cuối cùng là ...
- GIÁO DỤC 教育: Là Nuôi Nấng về mặt Dạy Dỗ.

Nhưng, Nuôi như thế nào? Nuôi bằng cách rèn luyện cho người được nuôi có được Phẩm Chất Đạo Đức Tốt (Đức Dục). 

Nuôi bằng cách truyền thụ cho người được nuôi mở mang trí hóa với các kiến thức căn bản (Trí Dục). 
Nuôi cho người được nuôi có được một cơ thể cường tráng (Thể Dục) và có được cái năng khiếu về thẩm mỹ mỹ thuật, biết thưởng thức được những cái đẹp của cuộc sống chung quanh ta (Mỹ Dục). 

Còn ...
DẠY thì phải ra sao? 
Dạy cho nắm bắt được kiến thức cơ bản của xã hội mà ta đang sống, có được một kỹ năng kiếm sống và biết sống cho đáng sống (Giáo Huấn). 
Dạy cho biết bồi dưỡng cập nhật và thích ứng với xã hội luôn luôn phát triển không ngừng (Giáo Dưỡng). 
Dạy cho biết phải đi đúng đường đúng hướng của đạo làm người trong tập thể mà ta đang sống (Giáo Đạo) và cuối cùng là Dạy cho ta biết phải luôn luôn học hỏi và không ngừng cầu tiến để thăng hoa hơn con người của bản thân ta (Giáo Học). 

Cho nên ...
Giáo mà không Huấn sẽ không tinh, không giỏi được. Giáo mà không Dưỡng sẽ không lâu dài bền vững được. 

Giáo mà thiếu chỉ Đạo sẽ dễ bị chệch hướng, "Tẩu hỏa nhập ma", lầm đường lạc lối, còn Giáo mà không chịu trao dồi Học hỏi thêm sẽ bị lạc hậu ngay, như câu nói:

Học như nghịch thuỷ hành chu, 學如逆水行舟,
Bất tiến tắc thoái dã! 不進則退也!

Có nghĩa:
- Chuyện học hành như là đang đi thuyền nước ngược vậy,
- Nếu không cố gắng tiến lên, thì sẽ bị nước đẩy cho lùi trở xuống! (chớ không thể đứng một chỗ được).

Hai chữ GIÁO DỤC thấy như đơn giản, nhưng lại bao hàm đầy đủ các mặt NUÔI DẠY cần thiết để đào tạo con người. 

Cho nên, Công Tác Giáo Dục cũng là Công Tác vô cùng phức tạp và hết sức thiêng liêng và Hiệu Qủa Giáo Dục thì không phải là chuyện một ngày một buổi mà có được. 

Ngạn ngữ Trung hoa xưa có câu:
Nhất niên thọ đạo, 一年樹木,
Thập niên thọ mộc, 十年樹稻,
Bách niên thọ nhơn. 百年樹人!

Có nghĩa:
- Vì lợi ích trong một năm thì trồng lúa,
- Vì lợi ích của mười năm thì trồng cây,
- Vì lợi ích của trăm năm thì phải đào tạo con người!

Mong rằng những người làm Công Tác Giáo Dục phải biết cân nhắc, châm chước và trân trọng!

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét