Tôi đã mất bạn thân vì đa cấp như thế nào?
Chuyện xảy ra cũng khá lâu rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại vì mỗi khi nghĩ đến, luôn thấy đó là cả một khoảng ký ức tăm tối, đầy hối tiếc, đau khổ lẫn những nỗi tủi hờn không biết nói cùng ai. Trách người ta nhẫn tâm lừa mình một, tôi càng tự trách mình gấp 10 lần.
Chiếc bánh vẽ màu mỡ với thu nhập cả ngàn đô/tháng
Tôi lớn lên ở một vùng quê cách Hà Nội chỉ khoảng 40-50km. Nhà nghèo, đông con những 5 anh, chị em và không ai được ăn học đàng hoàng ngoài tôi là con út.
Lên Hà Nội học ĐH, mỗi tháng bố mẹ tôi chỉ cho khoảng 800.000 đồng (tôi vừa đóng học phí, vừa trả tiền phòng rồi còn biết bao nhiêu thứ cần chi tiêu khác). Cuộc sống khốn khó khiến tôi luôn nung nấu ý định tìm một công việc làm thêm. Tôi quay cuồng giữa rất nhiều thông tin tuyển dụng trên mạng và trong lúc bối rối, tôi gặp Tuấn - một người bạn cùng quê, học trên tôi một khóa.
Biết tôi có ý định kiếm tiền, Tuấn liền bảo: "Đi làm thêm mấy việc vặt ở quán cafe, cửa hàng quần áo thì được bao nhiêu tiền. Mình giờ là sinh viên, có chút kiến thức thì không tội gì phải đi làm mấy công việc chân tay, lương bèo bọt ấy".
Tuấn gợi ý tôi nên đi bán hàng, vừa kiếm được nhiều tiền, vừa mở rộng các mối quan hệ xã hội. Anh giới thiệu với tôi về công ty mình đang làm việc, nói ở đó, mọi người ai cũng đều giàu có mà công việc lại nhàn hạ, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Tôi nhìn sang Tuấn, không khỏi bất ngờ vì vốn là một sinh viên tỉnh lẻ, gia đình thuộc diện trung bình nhưng Tuấn lại dùng điện thoại rất sang, đi xe tay ga và ăn mặc bóng lộn.
Sau nhiều lần hẹn gặp cafe, giới thiệu về công ty mình, Tuấn nói tôi nên đến dự một buổi hội thảo do công ty anh tổ chức. Tuấn đưa tôi đến một tòa nhà sang trọng trên đường Phạm Hùng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân vào một cuộc hội thảo, thấy ai cũng áo quần lịch sự, nét mặt rất nghiêm túc.
Tôi cũng không nhớ rõ họ nói những gì, chỉ nhớ là có rất nhiều người lên thuyết trình trên máy chiếu về cách làm giàu. Tuấn cũng lên thuyết trình còn tôi thì nghe trong sự say mê điên cuồng. Anh nói: "Người giàu và người nghèo khác nhau ở sự sợ hãi. Người nghèo thì luôn chờ đợi cơ hội còn người giàu sẽ biết nắm bắt cơ hội". Cơ hội ở đây chính là tham gia vào mạng lưới đa cấp và nỗi sợ hãi chính là phải bỏ ra khoản "vốn" ban đầu gần 10 triệu để mua 2 hộp thực phẩm chức năng.
Ngày ấy, tôi chưa hiểu nhiều về đa cấp. Chỉ biết là cứ lôi kéo thêm được 2 người tham gia vào hệ thống, tôi sẽ được thăng thêm một cấp ở công ty. Hộp thực phẩm chức năng kia, tôi có thể đem bán cho những người mới gia nhập, cần mua sản phẩm để có thể bắt đầu kiếm tiền. Tuy nhiên, tiền bán hàng không quan trọng bằng tiền thu được do giới thiệu người tham gia công ty. Kéo được 2 người, tôi nhận được 5 triệu, kéo được 4 người, số tiền sẽ nhân gấp đôi và cứ như thế, con đường để tôi trở thành tỷ phú sẽ chẳng còn bao xa.
Tuấn nói, ở vị trí cấp cao như anh ta, không cần làm gì cũng có tiền.
Tôi không có tiền nên rất ngần ngại. Tuấn lại tiếp tục dẫn tôi tham dự một hội thảo khác gần trường ĐH Bách Khoa và lần này người kéo đến đông như trẩy hội. Họ mời rất nhiều những bác sĩ, nhân viên văn phòng lên chứng minh thu nhập 40 triệu/tháng của mình. Những bọc tiền đô la xòe ra trước mắt tôi, không chỉ một lần mà là rất nhiều lần như thế. Tham gia nhiều hội thảo, tôi dần tin tưởng chắc chắn, đa cấp chính là con đường tốt nhất giúp mình "đổi đời".
Cú sa lầy vào "bẫy lừa" và chuyện bị bạn thân từ mặt
Tôi đồng ý gia nhập công ty của Tuấn và vì không có tiền, Tuấn gợi ý tôi nên bán đi chiếc laptop được bố mẹ, anh, chị dành dụm tiền mua tặng ngày nhập học và cắm thẻ sinh viên, CMND vay nặng lãi. "Mình giàu nhanh mà em lo gì không tả hết nợ, mua được chiếc khác xịn hơn".
Tin lời Tuấn, tôi đã làm theo. Không suy nghĩ nhiều, tôi nhanh chóng bắt đầu công việc.Tôi hẹn những người mà tôi quen biết ra cafe để nói chuyện, và dĩ nhiên gần hai tuần uống nước đó, tôi phải tự trả, số tiền chi đã lên đến tiền triệu mà vẫn không ai đồng ý làm.
Tôi kể chuyện này với Tuấn và anh gợi ý tôi nên ăn mặc xinh đẹp, xài điện thoại sang, tỏ ra mình là người giàu có. "Mình sắp kiếm cả ngàn đô/tháng cơ mà. Em ăn mặc quê thế sao người ta tin em". Thế là tôi gọi điện về nhà, nói mình cần đi học thêm khóa tiếng Anh, cần có 5 triệu đồng để đóng học phí.
Ngày cầm 5 triệu tiền mẹ gửi từ quê lên, tôi như muốn khóc vì đã nói dối cả gia đình nhưng rồi lại tự nhủ, đây chỉ là một cuộc đầu tư chắc chắn sinh lời thôi.
Những người tham gia vào đa cấp đều rất say mê, cuồng nhiệt.
Tôi cứ quyết tâm làm. Ngày nào cũng hẹn, cũng gặp nhưng vẫn không ai tin tôi. Khoản tiền 10 triệu thực sự quá lớn và không mấy ai dám liều. Không mời được ai, số tiền vay nặng lãi, chỉ sau 2 tuần đã đội lên từ 4 triệu thành 6 triệu đồng.
Tôi vô cùng lo lắng nhưng Tuấn lại bảo, tất cả là do kinh nghiệm bán hàng, mời người của tôi còn rất kém. Anh gợi ý tôi nên đi học một lớp tập huấn bên Thái Lan. "Chi phí hết có 7 triệu thôi mà sau khi dự hội thảo đó, em chắc chắn sẽ kiếm được tiền".
Một lần nữa tôi bị "cuốn theo chiều gió", tôi về tiếp tục vay mượn, thêm 7 triệu nữa để thu xếp đi Thái Lan học lớp đào tạo. Tuấn nói lớp đào tạo bên đó chỉ dành cho nhân sự cấp "director" như anh trở lên nhưng vì thấy thương tôi nên đã năn nỉ sếp cho tôi được đi. Tiền vé vào học là 7 triệu, chưa kể vé máy bay là khoảng 3 triệu nữa.
Đi học về, chưa mời được thêm ai thì tôi đã bị Tuấn hối thúc đóng tiền duy trì thang điểm trong công ty. "Em phải mua thêm sản phẩm để duy trì vị trí vì em vào đây đã cả tháng mà chưa mời được ai. Nếu em mua nhanh, sẽ được xem xét tăng cấp, cuối năm còn cơ hội đi du lịch Singapore".
Tuấn lại giới thiệu mối cho vay nặng lãi và tôi vẫn tin anh. Còn cách nào khác đâu. Tôi nghĩ mình đã mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho đa cấp, không thể từ bỏ dễ dàng như thế được.
Từ một người không mang nợ, chỉ vì nghe theo Tuấn, tôi đã mắc phải gánh nặng 30 triệu đồng chưa kể tiền lãi phát sinh đã lên đến con số gần 10 triệu đồng nữa.
Tôi quay cuồng với đa cấp, càng không kiếm được tiền, tôi càng thấy ngưỡng mộ sự tài giỏi, giàu có của Tuấn. Làm sao anh lại mời được nhiều người như thế? Tuấn nói, muốn bán được hàng, tôi nên mời gọi từ những người thân thiết với mình nhất.
Tôi đã tin Tuấn, dùng mọi cách chèo kéo 2 đứa bạn thân nhất với mình. Cách làm giống hệt với cách Tuấn đã làm với tôi. Hai nhỏ bạn học ĐH Nông Nghiệp bên Gia Lâm, chưa nghe đến đa cấp bao giờ, khi biết đến thì cũng thấy rất hấp dẫn và phần nhiều là họ tin tôi.
Có được 2 người gia nhập hệ thống, tôi nhận 10 triệu thật nhưng số tiền ấy giờ đây đã chẳng thấm vào đâu vì tiền tôi nợ giờ đây đã lên cả gần trăm triệu. Lý do là lãi mẹ sinh lãi con cộng thêm việc tôi liên tục vay nợ để ăn diện, thiết đãi những đứa bạn thân tiền ăn uống, cafe.
Họ không làm gì khác ngoài việc tổ chức các buổi hội thảo, diễn thuyết về cách làm giàu.
Trong lúc tôi vẫn quay cuồng với đa cấp và vẫn say mê với chút ái tình vụn của Tuấn, có một lần, tôi tình cờ đến phòng anh mà không hẹn trước. Bất chợt, qua cánh cửa phòng, tôi nghe thấy Tuấn nói chuyện với người khác. Hắn nói: "Em lừa thêm được cái Hạnh rồi đó chị. Có điều con bé này "cứng" hơn cái Ân. Ân nó ngu mà ham tiền quá nên dễ xử chứ bé này cũng mất công đi lại mòn mỏi".
Tôi tưởng như tim mình bắn ra vỡ tung khi nghe thấy tên mình được nhắc đến bằng cái giọng khinh miệt như vậy. Tôi chết lặng người và như bị chôn chân ở đó. Tôi nghe tiếp và biết là chuyến đi Thái, Tuấn không mất đồng nào vì tất cả đã nhờ có... tôi bao.
Đắng cay, giận dữ, tôi xông thẳng vào phòng muốn nói chuyện cho ra lẽ. Trái lại, Tuấn rất bình thản. Hắn nói đa cấp chỉ là trò người này lừa người khác thôi và hắn không tin tôi vì biết thế mà dám rút ra vì tôi đã nợ quá nặng nề.
Bỏ qua vẻ hào nhoáng, tất cả nhân viên đa cấp đều là những con nợ kếch xù.
Tôi đau đớn, ê chề, tôi khóc như mưa. Lúc này, Tuấn thú nhận, chính hắn cũng là một con nợ kếch xù. Tôi nghĩ lại và tôi thấy mình thật ngu quá. Nếu Tuấn giàu, vì sao vẫn ở nhà trọ tồi tàn. Nếu Tuấn giàu vì sao bao lần tôi thiếu tiền, anh ta không cho tôi vay luôn mà lại dụ dỗ tôi vay nặng lãi. Đến lúc này, tôi cũng mới biết, xe cộ, điện thoại sang mà Tuấn có đều là nhờ đi vay nặng lãi giống tôi cả.
Tôi ôm mặt khóc. Khóc vì mình ngu, mình đã bị lừa. Hóa ra bao nhiêu viễn cảnh giàu có tôi đã từng tin chỉ là những trò dối trá. Tuấn vẫn đinh ninh là tôi sẽ không thể rút chân ra được, sẽ tiếp tục phải làm việc giống hắn nên đã kể cho tôi nghe hết mọi thứ. Hắn nói thứ thực phẩm chức năng ấy thực ra không có ích lợi gì và số tiền tôi đóng để duy trì vị trí đáng lẽ chỉ có 10 triệu thôi nhưng hắn đã bắt tôi đóng 20 triệu. Hắn nói đó là cách lừa nhanh nhất và dạy tôi nếu muốn giàu thì phải giống hắn. Tuấn nói: "Trước em chưa hiểu thì anh còn e dè nhưng giờ đã biết rồi thì coi như anh có lòng tốt muốn chỉ bảo cho em thôi".
Trong bất giác, tôi kịp tát cho Tuấn một cái và chạy như bay khỏi căn phòng kia. Tôi suy nghĩ rất nhiều và nhắn tin cho 2 nhỏ bạn kia. Chúng là con nhà khá giả hơn tôi một chút vả lại cũng vay nợ chưa nhiều, tôi hy vọng họ đừng giống tôi. Tôi đã mất Tuấn, người tôi luôn tôn thờ nên không muốn mất thêm bạn thân nữa.
Đã có lúc tôi tưởng như mình có thể tự tử vì đa cấp.
Chặng đường tiếp theo của Thu, tôi không còn theo dõi sát sao nữa nhưng chỉ biết là, sau sóng gió ấy, tình cảm giữa ba chúng tôi đã đi vào ngõ cụt. Tôi từ mặt Thu vì nó vẫn đâm lao theo lao còn Thủy thì hận tôi vì tin tôi mà mất tiền oan.
Tôi thú nhận với bố mẹ và họ đã phải bán ruộng đất đi để trả nợ thay tôi. Đó là một nỗi nhục nhã quá lớn mà suốt đời tôi không thể nào quên cũng không bao giờ muốn nhắc lại. Nhưng những ngày này, khi câu chuyện công ty Liên Kết Việt lừa đảo hơn 60.000 người nhẹ dạ cả tin, tôi lại thấy chua xót quá.
Hóa ra sau 4 năm, dù được báo đài nhắc đến nhiều nhưng vẫn còn không ít người tham lam, ngu ngốc giống tôi. Tôi xin kể lại câu chuyện của mình, những mong nó sẽ góp phần giúp ai đó thoát khỏi kiếp nạn lừa đảo mang tên "đa cấp". Xin hãy tin tôi! Đa cấp chỉ là một trò dối trá.
Thu Hường (Trithuctre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét