Chỉ áp dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, tự sáng chế ra nhiều mẹo hữu ích với tỏi, ớt, rượu để đuổi trừ sâu bệnh, nhiều năm ròng, vườn rau nhà anh Nguyễn Văn Hóa chưa bao giờ phải sử dụng một loại phân, thuốc hóa học.
Chỉ áp dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, tự sáng chế ra nhiều mẹo hữu ích với tỏi, ớt, rượu để diệt trừ sâu bệnh, nhiều năm ròng, vườn rau nhà anh Nguyễn Văn Hóa chưa bao giờ phải sử dụng một loại phân, thuốc hóa học nào mà cây rau vẫn rất đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Anh Hóa đang kiểm tra bể lọc nước.
Nói đến anh Nguyễn Văn Hóa (tổ 2, ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), người dân quanh xã ai cũng rành. Anh là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong việc sản xuất rau sạch. Với anh, trồng rau sạch không dừng lại ở việc hạn chế, cách ly các loại thuốc, phân bón hóa học đối với cây rau, mà phải tuyệt đối không được sử dụng.
Có hơn 17 năm kinh nghiệm trong việc trồng rau, nhưng 6 năm đầu tiên, anh mải miết với việc kiếm tìm nguồn vốn phát triển kinh tế, nên vườn rau sản xuất hoàn toàn theo hướng thủ công, phân, thuốc hóa học sử dụng rất nhiều.
Mặc dù vẫn đảm bảo thời gian cách ly trước khi đem ra thị trường, sản phẩm không dư thừa chất hóa học, nhưng hậu quả để lại cho anh lại rất lớn. Toàn bộ 2ha diện tích đất làm rau của gia đình đã bị bạc màu, biến chất, cây rau không thể phát triển được nữa.
Gần 3 năm ròng loay hoay với nhiều lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, anh tự bổ sung kiến thức trồng trọt của mình bằng các khóa học kéo dài hàng tháng trời, hay các buổi tập huấn do huyện tổ chức. Nhờ phương tiện truyền thông, anh tăng cường kiến thức làm nông nghiệp sạch từ những mô hình kỹ thuật tiên tiến ở Đà Lạt và cả nước ngoài…
Cũng trong 3 năm này, anh chập chững từng biện pháp cải tạo đất. Vừa cho đất nghỉ, vừa tăng cường biện pháp kỹ thuật xử lý độ mặn của đất. Bước sang năm thứ 4, hầu hết diện tích đất của gia đình anh đã được phục hồi.
Từ đây, anh lần lượt áp dụng tất cả những gì mình đã học để phát triển rau sạch. Đối với phân bón, anh Hóa chỉ sử dụng duy nhất phân bò đã được ủ hoai mục trong 3 tháng.
Giải thích về điều này, anh cho biết: “Bản thân phân hữu cơ vô cùng nhiều chất dinh dưỡng, nhờ ủ hoai mục đúng thời gian nên chất dinh dưỡng trong đất sẽ dồi dào, cây thỏa sức phát triển”.
Anh tính toán rằng, lượng chất trong phân hữu cơ đủ để cho cây rau phát triển ổn định, giàu dinh dưỡng, không cần thiết phải bón thêm bất cứ loại phân hóa học nào khác nữa. Với anh, cái chính là phải bón đầy đủ, vừa phải, tránh dư thừa hay thiếu.
Đối với các loại sâu bệnh hại cây, nếu không sử dụng các loại thuốc hóa học, thì phải có mẹo, và cần nhất là hiểu đặc tính phát triển của từng loại rau, cũng như sức đề kháng của nó.
Các sản phẩm rau của anh Hóa không sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào
Để phòng chống côn trùng cũng như ngăn ngừa các loại sâu hại khác, anh nghiên cứu ra một loại chất hỗn hợp bao gồm ớt, gừng, tỏi xay nhuyễn, ngâm với rượu. Hỗn hợp này sẽ tạo thành chất khiến các loại sâu bệnh trên cây rau bị chết, triệt đến tận gốc. Các loại côn trùng muốn lại gần bị mùi hương của loại hỗn hợp này cản trở, xua đuổi nên bỏ đi.
Làm phép tính kinh tế, anh cho biết: “Với 2 ha rau của gia đình, nếu sử dụng thuốc hóa học sẽ mất tới 8 triệu tiền chi phí, trong khi cách này chỉ mất chưa đến 2 triệu là có thể tưới dư. Hơn nữa, bản thân cây rau nếu được đáp ứng đủ chất dinh dưỡng sẽ tự sản sinh ra kháng thể ngăn ngừa sâu bệnh, nên tỷ lệ rau bị thiệt hại do sâu bệnh hại vô cùng thấp”.
Ngoài ra, để đảm bảo lượng nước tưới cũng phải kháng khuẩn, anh xây dựng các bể lọc phục vụ tưới nước riêng, được lọc bằng cát và than hoạt tính.
Sau một năm ngưng sản xuất để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, giờ đây, vườn rau của anh Hóa lại xanh um, tươi tốt. Với 2 ha rau, mỗi ngày anh cung ứng cho thị trường 1 tấn rau sạch, chủ yếu phục vụ cho các bếp ăn trong trường học, nhà hàng, công ty. “Niềm vui của tôi là mang đến sản phẩm rau sạch cho cộng đồng, loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi xã hội này”,
Anh chia sẻ. (Số điện thoại liên hệ: Nguyễn Văn Hóa: 01682782969).
Theo Ngô Trường (Nông nghiệp Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét