- Con giun xéo mãi cũng quằn

Bé 4 tuổi cầm gậy bảo vệ bà, đuổi đội trật tự đô thị
15/04/2016 09:08:23

Gần đây, trên mạng xã hội có lan truyền một đoạn video “Cậu bé Trung Quốc đánh trả đội trật tự đô thị”, khi họ đến đập phá quầy hàng bán rong, và dùng vũ lực với bà nội của cậu…


Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Tại Trung Quốc, đội giữ trật tự đô thị thường hay sử dụng bạo lực để trấn áp người bán hàng rong, vì thế đã không ít lần gây bức xúc cho người dân. 

Trong đoạn video này, cậu bé khoảng 3 đến 4 tuổi, tỏ ra rất uất ức, cầm ông tuýp chĩa về phía đội giữ trật tự đô thị và quát lớn: “Không được động tới bà nội tôi, không được ăn hiếp bà nội tôi” .

Công an là bộ mặt của chính quyền nên phải ứng xử văn hóa

http://www.baomoi.com/nguoi-bi-cong-an-quat-nga-o-sai-gon-nghi-bi-xuat-huyet-nao/c/19134743.epi

17/04/2016 06:24:49

"Công an thực hiện công vụ không phải cho bản thân họ mà cho nhà nước, là bộ mặt của chính quyền nên phải thể hiện ứng xử văn hóa", luật sư Nguyễn Văn Đức, TP HCM, viết.

Trong vòng một tuần, ngành công an đón nhận hai tin không vui. Đầu tiên là việc trung úy Nguyễn Văn Bắc, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) đòi khám xét nhà dân vào nửa đêm nhưng bị từ chối. Liền đó, vị cảnh sát này kê mặt sát cửa nhà và làm một động tác mà người bị đòi khám nhà cho là nhổ nước bọt vào mặt.

Khi câu chuyện của vị cảnh sát "phun nước bọt" chưa kịp lắng, thì tại TP HCM lại xảy ra vụ thượng sỹ Lương Việt Hà, cảnh sát khu vực phường 4 (quận 6) quật ngã một người bán hàng rong đến mức phải nhập viện.

Ngay lập tức, clip này tràn ngập trên mạng xã hội và nhận được những ý kiến trái chiều.

Thượng sỹ Hà đánh ngã người bán hàng rong. Ảnh: Cắt từ clip.

Gọi đúng tên là hành vi lạm quyền
Ý kiến bênh vực thượng sỹ Lương Việt Hà cho rằng, vị này đã hành xử đúng trong khi thi hành công vụ, còn người bán hàng rong phải nhận kết quả như vậy là xứng đáng vì có hành vi lấn chiếm lòng lề đường và không hợp tác với lực lượng chức năng.

Luồng ý kiến thứ hai không đồng tình, cho rằng cần phải xử lý thượng sỹ Hà.

Người viết hoàn toàn ủng hộ chủ trương xóa bỏ nạn lấn chiếm lòng lề đường và buôn bán hàng rong, nhưng việc dẹp bỏ cũng cần hành xử có văn hóa từ phía lực lượng thực thi công vụ. Có như vậy, người dân mới tâm phục khẩu phục.

Phải sòng phẳng một điều là hành vi của người bán hàng rong trong vụ việc thượng sỹ Hà là sai khi để xe bán trái cây lấn chiếm lòng đường. Nhưng hành vi này chỉ là vi phạm hành chính và bị xử phạt hành chính, không phải là tội phạm.

Bản thân người bán hàng rong cũng chỉ bỏ đi để gây khó cho việc lập biên bản, thu giữ tang vật vi phạm, hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy anh ta dùng vũ lực hoặc cầm hung khí để chống đối người thi hành công vụ.

Điều này cho thấy, ngay lúc đó, anh ta không thể và không có khả năng hoặc tiềm ẩn khả năng dùng vũ lực để gây thương tích cho lực lượng thực thi công vụ. Ở phía ngược lại, tại thời điểm đó, ngoài thượng sỹ Hà còn có một số nhân viên bảo vệ dân phố có mặt.

Như vậy, xét về mối tương quan thì người bán hàng rong này hoàn toàn không đủ điều kiện để hành hung hoặc chống đối lực lượng chức năng. Ngược lại, thượng sỹ Hà và lực lượng chức năng đủ khả năng làm chủ tình thế lúc đó và có nhiều lựa chọn.

Thay vì chọn giải pháp hợp lý và nhân văn hơn thì thượng sỹ Hà túm ngực và dùng đòn quét chân nghiệp vụ để đá vào chân trụ người bán hàng rong - một hành vi hết sức bạo lực.

Một người có nghiệp vụ và trình độ như thượng sỹ Hà thì càng nhận thức rõ hơn, lẽ ra không được làm thì tiếc thay, thượng sỹ Hà lại chọn cách làm đó. Việc làm này, gây sự bất bình của người dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sỹ công an nhân dân là điều hết sức đáng tiếc.

Hành vi của thượng sỹ Hà cần phải xem là hành vi bất tương xứng, tấn công trong điều kiện người bị tấn công không có khả năng chống trả.

Luật sư Nguyễn Văn Đức 
Hành động của thượng sỹ Hà gọi đúng tên của nó là một hành vi lạm quyền. Bởi lẽ, như đã nói, trong trường hợp cụ thể này, thương sỹ Hà không được quyền và không có quyền dùng vũ lực đối với một người vi phạm hành chính không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc hung khí để chống trả.

Cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép
Nguyên tắc của pháp luật là cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng thực thi công vụ chỉ được phép dùng vũ lực trong trường hợp thật sự cần thiết để ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhả nước và công dân.

Tuyệt nhiên không được lạm dụng tính chất công vụ để xâm phạm tính mạng sức khỏe công dân nếu người dân không có hành vi đe dọa, tấn công hoặc chống trả bằng hung khí.

Vì thế, hành vi của thượng sỹ Hà cần phải xem là hành vi bất tương xứng, tấn công trong điều kiện người bị tấn công không có khả năng chống trả.

Hành vi lạm quyền của thượng sỹ Hà càng rõ hơn khi người có trách nhiệm của Công an TP HCM - đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu trả lời báo chí nói rằng thượng sỹ Hà không được lãnh đạo phân công nhiệm vụ mà tự ý thực hiện công việc.

Như vậy, sự xuất hiện của thượng sỹ Hà dọn dẹp lòng đường, dẫn đến đánh anh hàng rong không phải là hành vi thực thi công vụ. Do vậy, hành vi đánh người của thượng sỹ Hà không thể xem là vượt quá giới hạn khi thực thi công vụ.

Một nhà nước có vững mạnh hay không, được lòng dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh thân thiện của cán bộ công chức đối với dân.

Trưa 14/4, một clip dài hơn 4 phút quay lại cảnh một thượng sĩ công an quật ngã một người đàn ông bán hàng rong tại đường Phạm Phú Thứ, gần khu vực chợ Bình Tiên (phường 4, quận 6, TP HCM).

Thượng sĩ công an tên là Lương Việt Hà, công tác tại Công an phường 4, quận 6. Trả lời Zing.vn , đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, khẳng định hành động của cảnh sát Lương Việt Hà là sai. Người phát ngôn của Công an TP cho biết quan điểm của Công an TP sẽ xử lý nghiêm khắc. "Hành động của đồng chí Hà sai đến đâu, xử lý đến đó", thượng tá Quang khẳng định.

Nạn nhân Phạm Thiện Minh Phong nghi bị xuất huyết não, chấn thương sọ não, đang được điều trị tại Bệnh viện 115.


Công an đánh người bán hàng rong có thể bị xử lý hình sự

17/04/2016 12:33:42

Theo luật sư, nếu đúng là thượng sĩ Lương Việt Hà không được phân công làm nhiệm vụ dẹp hàng rong mà có hành vi gây ra thương tích cho người bán hàng rong thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (tùy mức độ thương tật của nạn nhân).

Hành vi quật ngã anh Phạm Thiện Minh Phong (người bán hàng rong) của thượng sĩ Lương Việt Hà trong ngày 14/4 khiến dư luận hết sức bất bình. Bởi chỉ vì vi phạm hành chính mà người công an viên này đã dùng vũ lực tấn công người bán hàng rong, khiến anh này bị hôn mê, xuất huyết não. 

Hành vi sử dụng vũ lực để xử lý vi phạm hành chính của người công an này là quá mức cần thiết

Để làm rõ mức độ vi phạm của thượng sĩ Lương Việt Hà, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh về vụ việc này.

Thưa ông, dưới góc độ của một công dân thì ông thấy hành vi của người công an trong clip như thế nào? Có thái quá đối với một người đang thi hành công vụ hay không?

Hành vi của chiến sĩ cảnh sát trong clip này là hơi nặng tay cũng như ứng xử thái quá. Bởi lẽ, nếu anh Phong (người bán rong) vi phạm thì ở đây cũng chỉ là vi phạm pháp luật hành chính, chứ không phải là tội phạm. Việc dùng vũ lực, quật ngã anh Phong xuống đường, gây ra những thương tích là không đúng. Nhất là vụ việc xảy ra ở nơi đông người, có thể gây thêm phức tạp tình hình.

Việc xử lý mạnh tay với những người có hành vi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là đúng, nhất là để đảm bảo trật tự, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, xử lý ở đây có nhiều cách và những người thực thi công vụ rất cần “cái đầu lạnh” để bình tĩnh, ứng xử chừng mực. Vì họ đại diện cho công quyền nên nếu làm không đúng sẽ gây ra những hình ảnh phản cảm, làm giảm sút niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước.

Theo lãnh đạo Công an TP, thượng sĩ Lương Việt Hà không được phân công làm nhiệm vụ dẹp hàng rong trong ngày 14/4. Như vậy, khi anh này tranh chấp với người bán hàng rong không phải là đang thi hành công vụ? Vậy với hành vi tấn công người bán hàng rong, nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tật trên 11% thì thượng sĩ Hà có thể bị xử tội “cố ý gây thương tích” không, thưa luật sư?

Theo quy định tại Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Ở đây, nếu đúng là Thượng sĩ Hà không được phân công làm nhiệm vụ dẹp hàng rong và gây ra thương tích cho anh Phong thì tùy mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính Phủ, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Trong trường hợp không thể xử lý hình sự vì tỷ lệ thương tật thấp, theo ông thì hành vi này phải bị xử lý như thế nào theo pháp luật và theo quy chế ngành công an?

Hành vi này có thể điều chỉnh theo Điều 42 Luật Công an Nhân dân 2014 quy định về xử lý vi phạm. Theo đó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý thích hợp.

Trong vụ việc này, người bán hàng rong có thể đòi bồi thường trách nhiệm dân sự không? Đơn vị quản lý thượng sĩ Hà có chịu trách nhiệm liên đới không, hay chỉ mình anh này phải bồi thường?
Anh Phong có thể yêu cầu người gây ra thương tích cho mình phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe của mình.

Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2005, anh Phong có thể đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm : Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Tùng Nguyên (ghi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét