- Có nên hay không?

Mạng xã hội vùi dập công an quật ngã người bán hàng rong


Cộng đồng mạng lan truyền những tấm ảnh riêng tư của viên công an quật ngã người bán hàng rong. - See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160415/mang-xa-hoi-vui-dap-cong-an-quat-nga-nguoi-ban-hang-rong-co-nen-hay-khong#sthash.1gna5fzl.dpuf

Hai ngày nay mạng xã hội sôi sục, bức xúc trước clip, tin tức công an viên tên Hà đánh người bán hàng rong tại đến mức xuất huyết não chợ Bình Tây, TpHCM. Mọi người share rần rần hành vi đáng lên án và những hình ảnh đáng xấu hổ của một con người đang khoác trên mình chiếc áo công vụ. Mình nhìn ra được sự phẫn nộ lúc này dành cho Hà không chỉ dành riêng cho anh ta mà còn là sự bùng phát những bức xúc âm ỉ trong lòng dân đối với ngành công an lâu nay.

Những lập luận chính đáng được đưa ra để bảo vệ cậu bé bán hàng rong và phản đối hành động bạo ngược của người công an. Công vụ không phải là đánh dân, học võ không phải để đánh người. Người có nghiệp vụ sẽ phải phân tích và đưa ra được hướng xử lý tình huống hợp lý chứ không thể dùng đòn nghề và quyền hạn để thỏa mãn phần con hung hăng trong người mình. Chắc chắn rằng anh ta sai và không như nhiều vụ chìm vào quên lãng khác, Hà sẽ phải chịu trách nhiệm với những sai phạm của mình bởi clip đang lan truyền trên mạng kia là một bằng chứng không thể xóa hủy trước dư luận. Vấn đề đang dấy lên trong sự tức giận của công chúng là Hà sẽ chịu trách nhiệm đến đâu và bị xử lý ra sao mà thôi.

Trước vô số những cái chết bí ẩn trong đồn công an, hay có liên quan đến công an, những sự vụ bị công an hành hung mà không có sự giải quyết thỏa đáng trước pháp luật, dư luận đã phản ứng gay gắt bằng những lời miệt thị, những cái nhổ toẹt vào bộ mặt công an thay vì trông chờ và hy vọng vào công lý thực thi.

Điều này khiến mình mở lòng được với những câu chửi đôi khi quá tục tĩu hay những lời mạt sát khó nghe của một số cư dân mạng dành cho những kẻ lạm quyền.

Nhưng mình cũng chợt nghĩ, những người công an kia họ cũng có trái tim, có cảm xúc, họ đã sai nhưng chẳng lẽ không thể cho họ một cơ hội sửa chữa hay sao? Người Việt mình là vậy, nóng lên rất nóng, nhưng lại dễ nguôi ngoai và bao dung khi nhận được sự hối lỗi chân thành.

Có nên đăng những hình ảnh và lời kêu gọi trả đũa bằng bạo lực đối với viên công an này không? - See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160415/mang-xa-hoi-vui-dap-cong-an-quat-nga-nguoi-ban-hang-rong-co-nen-hay-khong#sthash.1gna5fzl.dpuf

Mình không thích công an, nhất là những kẻ gây ra tội nhưng lại hống hách, cậy quyền không nhận sai thì càng không thể chấp nhận. Nhưng với những người nhìn nhận được lỗi lầm, dù muộn, thì có lẽ mình vẫn muốn dành ra một sự quan sát để họ có thể thay đổi và bù đắp những gì họ gây ra.

Đọc tin, mình có thấy người công an tên Hà này đang túc trực trong viện nơi cậu bé bán hàng rong nằm, mình mong sao đây là sự hối lỗi chân thành của một người biết sai mà không phải của một kẻ sợ tội. Trên thực tế thì sự mềm lòng của công luận, hay sự tha thứ của gia đình người bị hại chỉ là về mặt dân sự và tình cảm giữa người với người, để được xem là tình tiết giảm nhẹ tội vụ gây ra còn về phương diện luật pháp, trách nhiệm hình sự anh sai đến đâu anh phải chịu xử lý đến đó. Không thể cho rằng Hà đã tạm bị đình chỉ công tác và đã có hành động sửa sai là xong.

Quay trở lại với việc miệt thị, chửi bới kẻ khoác áo công vụ gây tội, vì nó có liên quan đến tiêu đề mà mình đặt ra. Việc bức xúc trước cái sai mà không kìm lời được là hoàn toàn chính đáng. Cũng như ở trên mình hiểu và mình cũng đã nhiều lần không ngăn được sự tức giận mà chửi bới như vậy. Nhưng tác động khiến mình phải viết những dòng này có lẽ là việc nhiều người đang bới móc sự riêng tư của Hà công an với một cô gái, nhiều người vô tư đăng hình cô ấy lên, thậm chí có người mạt sát, xúc phạm, chửi rủa luôn cô ấy dù không biết cô ấy là ai. Thật sự có nên làm vậy không? Mình thấy sự phản cảm trong hành động ấy, cô gái ấy không có lỗi trong chuyện này. Chúng ta luôn đòi hỏi sự tự do, sự tôn trọng nhưng lại không biết cách tôn trọng người khác. Nên hay không?

Rồi mình nghĩ nhiều hơn khi mà đa phần người dân chửi những viên công an như Hà, nhưng lại chấp nhận im lặng, chịu đựng một cơ chế tạo ra nhiều Hà khác nhau, một cơ chế không đảm bảo trật tự ổn định tối thiểu chứ đừng nói đến đưa cuộc sống của người dân tiến bộ đến mức tối đa.

Theo FB Trịnh Kim Tiến (Dân luận)
Tiết lộ bất ngờ của người bán hàng rong bị công an quật ngã

Hoàng An Thứ Bảy, ngày 16/04/2016 15:24 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Người bán hàng rong bị thượng sĩ công an quật ngã dẫn đến chấn thương sọ não cho biết trước đó, anh đã từng bị một nhân viên của phường gạ phải “nộp thuế” với mức giá 700.000đ/tháng.

Trao đổi với Dân Việt trưa nay, 16.4, anh Phạm Thiện Minh Phong (28 tuổi, ngụ 97/5 Phạm Phú Thứ, phường 3, quận 6 – TP.HCM) – người bị thượng sĩ công an Lương Việt Hà quật ngã hôm 14.4 chia sẻ: Hơn tháng trước, tôi từng bị lực lượng trật tự đô thị (TTĐT) của phường 4 bắt xe chở hàng đưa về trụ sở. Sau đó họ giải tỏa, cho mang xe cùng hàng về.

 
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy hành động quật ngã anh Phong của thượng sĩ Lương Việt Hà ngày 14.4.

“Lúc đó có một nhân viên của lực lượng này ra giá với tôi rằng, muốn làm ăn yên ổn thì “nộp thuế” 700.000 đồng/tháng, để mỗi lần lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa lòng lề đường thì sẽ gọi điện báo biết trước (?)”, anh Phong tiết lộ.

Khi phóng viên hỏi anh Phong có nhớ mặt nhân viên trật tự đô thị ra giá “nộp thuế” và đã có người bán hàng rong nào chịu “chi” chưa, anh Phong cho biết đã có người chấp nhận “nộp thuế”.

“Vì bản thân mỗi ngày bán hàng lời lãi chẳng bao nhiêu nên không thể chấp nhận mức “thuế” đó. Tôi cũng không nhớ mặt nhân viên trật tự đô thị nào đã ra giá” (?) - anh Phong cho biết.

Để rộng đường dư luận, Dân Việt đã tìm cách liên lạc với lãnh đạo phường 4, quận 6 để xác nhận thông tin anh Phong tiết lộ. Ông Dư Xuân Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy phường 4 khẳng định với Dân Việt là không hề có chuyện nhân viên trật tự đô thị của phường mình đòi "chung chi" hay bắt người bán hàng rong phải "nộp thuế" như lời anh Phong nói.

Trước đó vào ngày 14.4, trên trang Facebook đăng đoạn video clip dài hơn 4 phút về cảnh giằng co giữa thượng sĩ Lương Việt Hà với Phong trên một con phố trong chợ Bình Tiên (P.4, Q.6).

Trong lúc giằng co, thượng sĩ Hà đã quật anh Phong ngã xuống đường gây chấn thương khiến nhiều người dân bức xúc phản ứng. Anh Phong được đưa vào Bệnh viện Đa khoa quận 6 để sơ cấp cứu, rồi chuyển sang Bệnh viện Ngoại thần kinh quốc tế (Q. Tân Phú) với chẩn đoán xuất huyết vỏ não bán cầu phải.

Anh Phong sau đó được chuyển lên Bệnh viện Cấp cứu 115 cũng với chẩn đoán bị xuất huyết màng não bán cầu bên phải, đau đầu bên trái, mạch huyết áp ổn định.

Ngày 15.4, Công an quận 6 đã chỉ đạo lãnh đạo Công an phường 4 đến Bệnh viện 115 để thăm hỏi, hỗ trợ chi phí khám, chữa trị và thuốc cho gia đình nạn nhân, đồng thời đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thượng sĩ Lương Việt Hà để kiểm điểm, xác minh mức độ sai phạm và báo cáo lên Công an TP.HCM để có hướng xử lý.

Trả lời báo chí, đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng phòng Tham mưu (Chánh Văn phòng – PV) Công an TP.HCM khẳng định trong vụ việc này, thượng sĩ Hà mắc 2 lỗi, đó là trong sáng 14.4, thượng sĩ Lương Việt Hà không được phân công làm nhiệm vụ dọn dẹp người buôn bán lấn chiếm lề đường. Tuy nhiên chiến sĩ này tự ý tham gia.

Cái sai thứ 2 là quá trình xảy ra vụ việc, công an này đã có hành động không khéo, xử lý không đúng kỹ năng, quá nóng nảy trong ứng xử...

Về phía người bán hàng rong, đại tá Quang cho rằng, anh Phong cũng có cái sai là phản ứng hơi thái quá, làm kích động tinh thần thượng sĩ Hà.

Chị Nguyễn Ngọc Thúy (SN 25 tuổi, vợ anh Phong) cho biết, đến thời điểm hiện tại sức khỏe của chồng chị đã có tiến triển, đã ăn được, đi lại được và tự làm vệ sinh cá nhân. Cũng theo chị Thúy, sau khi sự việc xảy ra, thượng sĩ Hà và gia đình có tới thăm hỏi và bản thân thượng sĩ Hà cũng tỏ ra rất ân hận khi lỡ tay để xảy ra vụ việc trên. Mọi chi phí khám - chữa bệnh cho Phong cũng do gia đình thượng sĩ Hà lo.

Luật nào cho phép 'hốt hàng' của dân
 Chủ nhật, 17 Tháng 4 2016 09:57

Bài viết của tác giả Trần Đình thu, là một luật gia, đạo diễn sống tại TP.HCM. 
Ông thường xuyên cộng tác với mục Tôi viết của Báo Thanh Niên.

Việc “hốt hàng” của người dân vừa vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng vừa gây phản cảm trên bình diện quốc gia rộng lớn. Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng, tác hại nhiều mặt trong xã hội. Không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một đất nước dân chủ, văn minh.


Mấy ngày qua chúng ta đã đề cập đến nhiều mặt của câu chuyện thiết lập trật tự đường phố. Nay tôi muốn đi sâu vào các quy định pháp luật để xem có luật nào cho phép lực lượng dân phòng tịch thu tài sản của người buôn bán nhỏ trên đường phố mà không lập biên bản không. 

Pháp luật quy định thế nào?
Tôi chỉ xin nói các văn bản luật hiện hành, không nói đến các văn bản luật cũ trước đây nữa. Hiện chúng ta có hai văn bản luật liên quan đến vấn đề này. Một là luật Giao thông đường bộ năm 2008, hai là luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (và các văn bản dưới luật kèm theo).

Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ điều chỉnh việc tạm giữ các phương tiện tham gia giao thông như xe hai bánh, xe ô tô, xe cơ giới…. Còn việc tạm giữ hàng hóa của người buôn bán nhỏ như rau dưa củ cải, cá mắm hoặc phương tiện buôn bán như xe đẩy hàng rong thì căn cứ vào luật Xử lý vi phạm hành chính, là luật chung cho các vấn đề vi phạm hành chính.

Khoản 1 Điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nêu rõ, việc tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm chỉ được thực hiện “trong trường hợp thật cần thiết”, bao gồm: Nếu không tạm giữ thì không có cơ sở xử phạt hoặc nếu không tạm giữ thì tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Đặc biệt, Khoản 9 Điều 125 nhấn mạnh: “Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản”.

Như vậy việc lực lượng thiết lập trật tự đô thị không lập biên bản tạm giữ mà chỉ “hốt hàng” của người dân quăng lên xe công vụ để đưa về phường là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc “hốt” có nằm trong trường hợp thật cần thiết chưa như quy định của pháp luật cũng cần phải xem lại. Theo tôi thì chưa thật cần thiết. Bởi nếu muốn lấy bằng chứng thì cách tốt nhất vẫn là quay phim chụp hình, còn việc “hốt” thì ngược lại nó làm thay đổi hiện trường, làm sao phục vụ cho việc củng cố chứng cứ vi phạm hành chính?

* Tại sao lực lượng công vụ thích “hốt hàng”?

Theo tôi, có hai lý do sau:
1. Khi hàng hóa, vật dụng của người dân bị “hốt” về phường, người dân phải lên xin lại nếu cần. Từ đây hình thành cơ chế quyền lực xin - cho.

2. Có một số người dân không đi xin lại hàng hóa vật dụng vì chi phí bỏ ra đôi khi lớn hơn giá trị hàng hóa nhận lại. Như vậy thì tồn tại một lượng hàng hóa vật dụng có một giá trị nào đó, sẽ có lợi cho ai đó. Hơn nữa một số hàng hóa như trái cây, cá thịt… do không lập biên bản nên ai đó có thể lấy bớt.

Đó là hai lý do làm cho lực lượng công vụ thích “hốt hàng” hơn là thiết lập trật tự đúng nghĩa.

Cần có chỉ thị cấm "hốt hàng" của dân
Như đã phân tích, việc “hốt hàng” của người dân vừa vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng vừa gây phản cảm trên bình diện quốc gia rộng lớn. Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng, tác hại nhiều mặt trong xã hội. Không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một đất nước dân chủ, văn minh.

Vì vậy theo tôi, các cơ quan hữu quan cần có ý kiến kiến nghị đến Thủ tướng việc này để Thủ tướng ra ngay chỉ thị cấm “hốt hàng” của người dân.

Theo THANH NIÊN ONLINE


Công an quật ngã người bán rong bị người lạ đe dọa giết cả nhà

Nhiều cuộc điện thoại sặc mùi xã hội đen gọi đến đòi giết chết cả nhà anh Lương Việt Hà, thượng sĩ công an 'quật ngã' người bán hàng rong ở chợ Bình Tiên (TP.HCM) hôm 14/4.


Tối hôm qua (16/4), khi chúng tôi đến thăm anh Phạm Thiện Minh Phong (27 tuổi) - người bán hàng rong bị thượng sĩ CA Lương Việt Hà quật ngã tại chợ Bình Tiên (P.4, Q.6, TP.HCM) hôm 14/4, cùng lúc anh Hà có mặt trong đó để hỏi thăm sức khỏe anh Phong.

Đứng cạnh anh Hà ngoài hành lang bệnh viện chỉ 15 phút, chúng tôi chứng kiến 4 cuộc điện thoại từ số máy lạ gọi đến.

Bị gọi điện đe dọa đòi giết cả nhà
Cuộc điện thoại đầu tiên có vẻ là mẹ của anh, bằng giọng nghèn nghẹn, anh tiếp chuyện: “Dạ con nghe đây”, “dạ không có gì đâu mẹ, con vẫn khỏe, mẹ cứ yên tâm”,…

Sau đó, những cuộc gọi khác liên tiếp gọi đến...

Anh bắt máy chào: “Tôi nghe đây” thì đầu dây bên kia liên tục mắng nhiếc, chửi bới với lời lẽ chói tai: “Đồ chó, đồ súc vật, mày đi chết đi…”, “tụi tao biết nhà mày, mày không yên đâu, tụi tao sẽ giết hết cả gia đình mày…”, “tụi tao sẽ giết mày, sau đó là gia đình mày”,…

Anh im lặng đứng nghe, không một câu trả lời. Mắng nhiếc sướng miệng, người bên kia tắt máy, rồi những số lạ lần lượt thay nhau gọi đến xỉ vả, dọa “cắt tiết” cả nhà anh Hà.

Anh cười buồn: “Tôi quen rồi, từ lúc xảy ra vụ việc, một ngày có hơn 100 cuộc điện thoại như thế, nhưng tôi vẫn bắt máy, vẫn tiếp họ chứ không trốn tránh việc mình đã làm”.

Nói xong anh cho xem một loạt số lạ đã gọi đến trong thời gian qua, cùng những tin nhắn sặc mùi bạo lực đe dọa đến cuộc sống của cả gia đình.

Chúng tôi ngỏ ý muốn anh chia sẻ về câu chuyện ngày 14/4/2016, vì sao anh quật ngã anh Phạm Thiện Minh Phong trước chợ Bình Tiên. Việc gì đã xảy ra ban đầu, những tình huống anh cho rằng những clip trên mạng chưa quay được.

Công an Hà cho biết, hiện tại anh không thể cung cấp sự việc khi chỉ huy chưa cho phép. Anh khẳng định trong lúc đó anh đang làm nhiệm vụ, và thừa nhận đã xử lý hơi mạnh tay với anh Phong.

Anh cho biết: “Tôi thấy có lỗi vì đã không kềm chế được mình khi xử lý vi phạm của anh Phong. Tôi sẽ cố gắng khắc phục hậu quả mình gây ra, và chấp nhận mọi hình thức kỷ luật mà cấp trên đề ra. Hiện tại, tôi đã bị cấp trên đình chỉ công tác”.


Tối hôm qua, bà con tại chợ Bình Tiên (P.4, Q.6) cũng đã đến thăm và gửi cho anh Phong thêm 400.000 đồng.

Thái độ của người bán hàng rong đảo ngược chỉ sau 2 ngày
Tiếp xúc với anh Phong trong phòng bệnh, cảnh sát Hà mở lời: “Tôi biết rằng mạnh tay với anh là tôi đã sai. Tuy nhiên, tôi mong anh tôn trọng sự thật, và tự mình thuật lại diễn biến ngày hôm đó một cách chính xác cho mọi người được rõ”.

Trả lời anh Hà, anh Phong cho rằng điều anh cung cấp cho báo chí những ngày qua là hoàn toàn đầy đủ, đúng sự thật và không có gì là bịa đặt. Phong còn nhấn mạnh: "Tôi biết tận nhà anh đó".

Sau đó thì cuộc gặp trở nên căng thẳng hơn vì những người khách lạ trong phòng bệnh, một người tự giới thiệu là em họ của anh Phong quay sang gắt gỏng với anh Hà.

Được biết trong suốt 2 ngày trước đó, vợ chồng anh Phong vẫn chấp nhận thành ý của anh Hà, khi anh theo suốt quá trình cấp cứu, điều trị, chi trả tiền viện phí cho anh Phong từ BV Q.5 đến BV Nhân dân 115, nhận 600.000 đồng tiền anh Hà gửi để lo chi phí.

Chị Nguyễn Ngọc Thúy (vợ anh Phong) cũng có sự cảm thông với mẹ anh Hà khi bà vào thăm chị.

Tuy nhiên, đến tối qua (ngày 16/4) thì thái độ vợ chồng anh Phong khác hẳn. Trả lời câu hỏi thăm về sức khỏe của cảnh sát Hà, Phong bốp chát: “Tôi chưa chết”.

Trong suốt ba ngày tại bệnh viện, chúng tôi luôn gặp những người lạ mặt đến thăm Phong với nhiều mục đích khác nhau.

Hầu hết họ khuyên anh Phong không được nhận lời xin lỗi của công an, không được nhận tiền mà cảnh sát Hà đưa để lo viện phí. Họ cũng đề nghị Phong kể lại quá trình để quay hình, và nhất quyết khẳng định anh Hà vừa đến không nói gì đã quật ngã anh.

Tuy nhiên, khi có người hỏi, xem clip thấy Phong có vung tay, phản ứng với anh Hà, sau đó mới bị quật ngã thì Phong im lặng.

Hiện tại, anh Phong đã khỏe, ăn được hai chén cơm một bữa, có thể tiếp chuyện rõ ràng, tuy còn đau vai và choáng, nhưng anh có thể tự mình đi lại mà không cần người dìu đỡ.

Hàng rong và trật tự đô thị

19/04/2016 01:14:41


Những đô thị lớn chịu áp lực trong việc quản lý trật tự đô thị bởi dòng người từ khắp cả nước đổ về mưu sinh. Trong đó, vấn đề đau đầu nhất là lực lượng bán hàng rong khắp hang cùng ngõ hẻm

Nhìn ở góc độ nào đó, những người buôn bán hàng rong góp phần đem lại sự tiện lợi và giá hợp lý cho người tiêu dùng; cũng chính họ gửi về vùng quê xa xôi một khoản tiền để giúp người già, trẻ nhỏ có bữa ăn hằng ngày, quần áo tươm tất, thoát khỏi đói nghèo… Tuy nhiên, bên cạnh những cái được đó, chúng ta phải đánh đổi những gì?

Ùn tắc, tai nạn, ngộ độc thực phẩm….
Ai sinh sống ở TP HCM cũng đã từng chứng kiến và bất bình với cảnh trước bệnh viện, trường học, chợ đủ loại xe, tủ, gánh hàng rong chiếm toàn bộ lòng lề đường khiến việc lưu thông qua lại cực kỳ khó khăn; xe ba gác, xe đẩy vô tư đi ngược chiều hoặc vượt đèn đỏ bất chấp nguy hiểm (đã từng nhiều lần xảy ra) với những người đang tham gia giao thông. Không ít trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm do ăn phải bò bía, cóc, xoài ngâm… của xe đẩy ở ngã tư đường. Hay những người có sạp bán trái cây trong chợ đăng ký và nộp thuế đầy đủ phải “ngậm đắng nuốt cay” do bị các xe đẩy bán sầu riêng, dừa, táo… chắn hết phía trước giành khách mua hàng...

Thế nhưng, khi thấy người của chính quyền cương quyết dẹp “chợ chồm hổm” và những gánh hàng rong, nhiều người trong chúng ta quay ra lên án chính quyền, ác cảm với những người thực thi công vụ. Không cần biết trước đó chính quyền đã nhiều lần kêu gọi, nhắc nhở và người buôn bán hàng rong không ít lần cam kết nhưng vẫn cứ vi phạm, giằng co, lôi kéo, tạo ra cảnh tượng xô đẩy vô cùng phản cảm khi bị giữ gánh hàng hay xe đẩy.

Trên thực tế, nơi nào làm nghiêm với việc lấn chiếm lòng lề đường, nơi đó đường sá thông thoáng, người đi bộ thoải mái bước đi mà không cần phải tránh né anh bán cóc, ổi; chị bán mía ghim, bắp luộc; những gian hàng quần áo di động... Ngược lại, nơi nào dễ dãi, hàng rong tấp nập tràn xuống đường, người bán hàng rong mặc nhiên cho mình cái quyền không cần quan tâm biển báo giao thông hay ùn tắc đường; vô trật tự trong một xã hội đang rất cần duy trì trật tự để bảo đảm công bằng cho tất cả mọi người cùng sinh sống và phát triển. Một đô thị như thế sẽ mãi nhếch nhác, lộn xộn. Thế sao chúng ta lại cổ xúy cho những hành động không công bằng và không tôn trọng pháp luật?


Dễ dàng bắt gặp xe hàng rong lấn chiếm lòng đường trên nhiều tuyến đường ở TP HCM. (Ảnh chụp trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10). Ảnh: Hoàng Triều

Thượng tôn pháp luật phải từ hai phía
Nghèo không phải tội nhưng nhân danh cái nghèo để biện minh cho sự bất tuân quy tắc của xã hội, coi thường và thực hiện những hành vi trái pháp luật là có tội. Những ai nhân danh lòng nhân từ để ủng hộ và cổ xúy cho người nghèo vi phạm pháp luật thì không những chẳng giúp được gì cho họ mà còn góp phần kéo lùi sự phát triển. Sự kiện thượng sĩ công an quật ngã anh bán hàng rong ở quận 6 vừa qua là một ví dụ cho sự yếu kém về ý thức tôn trọng pháp luật, từ người vi phạm, người dân chứng kiến và một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng.

Hành vi của anh thượng sĩ công an đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và xử lý. Trường hợp lạm quyền dẫn đến chấn thương cho anh bán hàng rong, anh công an phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi chi phí điều trị, mất thu nhập cũng như những tổn thất về tinh thần.

Về phía anh bán hàng rong, không thể vì nghèo và bị chấn thương mà biện minh cho rất nhiều cái sai của anh: điều khiển phương tiện tự chế không có giấy tờ, không có đăng kiểm; không đội mũ bảo hiểm; đưa hối lộ; bán hàng hóa không có giấy phép; lấn chiếm lòng lề đường; không chấp hành lệnh của người có thẩm quyền. Ngoài ra, theo lời anh bán hàng rong kể sau khi tỉnh táo tại bệnh viện, anh biết vi phạm và đã rất nhiều lần bị lập biên bản về hành vi lấn chiếm lòng lề đường nhưng vẫn vi phạm. Thử hỏi trật tự đô thị sẽ như thế nào khi mà mọi người cứ hành xử như anh bán hàng rong này?

Để một xã hội trật tự hơn, mọi người thượng tôn pháp luật, cần phải từ cả 2 phía: chính quyền và người dân. Chính quyền, mà đại diện ở đây là lực lượng công an, cần rà soát lại cán bộ, chiến sĩ của mình, xử lý nghiêm những hành vi lạm quyền, loại bỏ khỏi ngành những “con sâu” tham nhũng, nhũng nhiễu người dân. Về phía người dân, phải tuyệt đối chấp hành luật pháp, chấp hành lệnh của người có thẩm quyền, tôn trọng, tự giác không làm sai kỷ cương trật tự đô thị.

Qua câu chuyện này, tôi nghĩ, trong lĩnh vực trật tự đô thị, cần giao hẳn cho lực lượng trật tự đô thị. Cơ quan công an chỉ ra tay khi việc xử lý vi phạm vượt ngoài tầm kiểm soát của lực lượng trật tự đô thị, có dấu hiệu của hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu rộng ý thức tuân thủ pháp luật, bảo đảm trật tự cho những người bán hàng rong, khoanh vùng khu vực được buôn bán hàng rong… Đặc biệt, bảo đảm sự công bằng trong việc xử lý vi phạm, không thể xử lý người bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường mà làm ngơ cho những nhà hàng, cửa hiệu, quán xá lấn chiếm lề đường. Luật phải được áp dụng nghiêm và công bằng cho tất cả mọi đối tượng.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Dẹp hàng rong lấn chiếm lòng lề đường là điều bắt buộc phải làm để đem lại đường thông hè thoáng và sự văn minh cho đô thị. Điều này đa số người dân đều mong muốn. Tuy nhiên, khi nhân viên công lực ra tay dẹp hàng rong lại nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí bất hợp tác của người dân và một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng. Vì sao như vậy? Làm như thế nào để không tái diễn chuyện hàng rong, không xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát giữa những người thực thi nhiệm vụ và người dân? Lực lượng nào sẽ làm công việc này và cần làm như thế nào để hợp lý, hợp tình?

Kính mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Hàng rong và trật tự đô thị”. Ý kiến và bài viết xin gửi về địa chỉ bandoc@nld.com.vn.

Tòa soạn Báo Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét