26 năm bán rau xin áo cho người nghèo
“Ông từ thiện” là cách gọi trìu mến mà người dân trong vùng dành cho ông Nguyễn Đức Thành (74 tuổi) ở xã Tân Minh (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội).
Tâm sự với PV báo Người đưa tin, ông đau đáu, sau này, khi ông không còn đủ sức để đi nữa, chỉ mong sẽ có người nối bước công việc ông đang làm để dân nghèo được ăn no, mặc ấm.
Chạy chợ, bán rau để xin quần áo cũ
Biết ông thường xuyên vắng nhà để lo cho việc từ thiện nên chúng tôi phải tranh thủ tìm đến đúng giờ cơm trưa. Căn nhà cấp 4 tuy nhỏ nhưng từ cái kho ngoài sân đến 4 góc nhà, ông đều dành để đồ đạc, thùng giấy và quần áo cũ.
Khi chúng tôi hỏi về cảm nghĩ khi mọi người gọi là “ông từ thiện”, ông cười hiền bảo: “Mình làm việc thiện xuất phát từ cái tâm. Người ta yêu quý mình nên mới gọi như thế. Ban đầu nghe cũng ngại ngại nhưng suốt rồi cũng quen, thấy vui”.
Tìm hiểu về gia cảnh của ông, chúng tôi càng cảm phục trước những việc ông đang âm thầm làm cho người nghèo. Có thể vì đã từng trải qua thời gian thơ ấu nghèo khổ, đầy truân chuyên nên ông thương người và giúp đỡ người nghèo vô điều kiện như hiện nay.
Ông chia sẻ: “Tôi vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khó, cơm không đủ ăn. Nhiều khi phải ăn củ sắn, củ khoai sống qua ngày. Khi tôi lên 3 tuổi, mẹ tôi mất. Đến khuôn mặt mẹ như thế nào tôi cũng không nhớ rõ”.
Nói đến đây, giọng ông chậm lại, khóe mắt ngấn lệ. Đưa tay gạt nước mắt, ông tiếp tục trò chuyện với chúng tôi: “Từ bé, tôi đã mồ côi mẹ, gia đình lại khốn khó, nhà có 9 anh chị em thì phải chạy loạn kiếm sống, lạc mất 6 người.
Để có cơm ăn, áo mặc, tôi phải đi ở đợ 14 năm, hết nhà này sang nhà khác. Bởi vậy, tôi thấu hiểu được cảnh ngộ nhiều người như tôi, thấy được sự đồng cảm và muốn làm từ thiện để tích đức cho con cháu sau này”.
Ông Thành đang sắp xếp lại hàng từ thiện để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới.
Được biết, khi còn trong quân ngũ, đơn vị ông đóng quân ở một số tỉnh miền Tây Bắc bộ. Chứng kiến hoàn cảnh của đồng bào khó khăn, ông rất trăn trở. Nhiều người còn không có nổi một manh áo ấm mặc trong mùa giá rét. Nhìn cảnh tượng đó, ông hồi tưởng về tuổi thơ của mình. Đó cũng là động lực thôi thúc để ông bắt đầu những chuỗi ngày thiện nguyện hướng tới người nghèo.
Ông Thành bồi hồi, nhớ lại: “Mùa đông đến, nhìn lũ trẻ co ro trong cái rét, thấy thương quá nên tôi quyết định vận động anh em trong đơn vị làm thiện nguyện. Nếu ai được phép về nhà thì thu gom quần áo cũ không dùng đến đưa lên giúp đỡ bà con dân bản”.
Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông Thành nung nấu thực hiện ước mơ mà bấy lâu nay ấp ủ là phải lập ra một hội thiện nguyện có quy mô để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.
Tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin và tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước, ông quyết định kêu gọi thêm một số cựu chiến binh vào hội để làm cho hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là lúc cái khó bắt đầu nảy sinh.
Thông thường các hội khác khi bắt đầu khởi nghiệp họ đã chuẩn bị sẵn kinh phí, thậm chí còn có nhà tài trợ riêng cho mình. Còn hội của ông lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Tham khảo ý kiến anh em trong hội, có người bảo: “Nếu không có tiền thì chỉ có cách vào từng nhà để xin thôi”. Nhưng ông lại nghĩ, không lẽ cứ gõ cửa từng nhà chỉ để xin quần áo cũ? Họ không cho thì đã đành, có khi họ lại nghĩ mình gàn dở hay thuộc phường lừa đảo thì chuyện bị đuổi đánh cũng rất có thể xảy ra. Phương án ban đầu đưa ra không khả thi khiến tôi trằn trọc, bao đêm mất ngủ”.
Cái khó ló cái khôn, trong lúc đang thơ thẩn ngoài vườn, ông chợt nảy ra ý tưởng khá táo bạo đó là kết hợp vừa đi chợ bán rau vừa đi xin quần áo. Với suy nghĩ ấy, mấy ngày đầu, ông chở rau bằng xe đạp từ vườn ra chợ thị trấn cách đó gần chục cây số để bán.
Lúc đầu, ông xin quần áo cũ, rồi dùng rau đổi lấy quần áo cũ hoặc bán rau lấy tiền của ông, mua quần áo cũ mang về. Cảm phục tấm lòng của ông, số lượng người cho quần áo cũng nhiều lên.
“Nhưng đến lúc này một số người lại nghi ngờ là tôi xin nhiều như thế mặc sao hết, rồi bảo tôi là xin về để bán nên họ không cho nữa. Khi đó tôi mới nói thật là xin về làm từ thiện. Họ nghe ra, thông cảm rồi giúp tôi nhiều hơn. Sau này còn có người đóng gói quần áo đã giặt sẵn mang đến tận nhà tôi”, ông chia sẻ.
Khi đã có quần áo cũ, ông tự tay giặt, phơi khô rồi mới đóng gói. Vợ ông hốt hoảng lo lắng thấy ông mang về nhà quần áo của người lạ, sự dính bệnh tật, mang họa vào thân. Bà quyết không cho ông làm.
Nhưng sau này thấy ông quá tâm huyết, rồi được ông giải thích, vợ con ông cũng đồng thuận. Giờ đây, trong mỗi gói hàng từ thiện được đóng gói cẩn thận đều có một phần đóng góp âm thầm của người vợ tần tảo, hiểu chồng.
Thành tích đáng nể
Với cách làm như vậy, sau 26 năm, ông Thành và hội thiện nguyện của mình đã có một địa bàn rộng khắp Hà Nội. Để không bị gián đoạn công việc, ông lại kêu gọi thêm nhiều thành viên khác nữa thành lập hội chuyên chạy xe đạp để thu gom quần áo cũ.
Hiện tại phối hợp với ông có hai đội xe đạp, một đội có 70 xe, một đội có 40 xe, riêng đội do ông thành lập có 38 xe hoạt động khắp Hà Nội. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của hội thì mạng lưới các thành viên chạy xe đạp thiện nguyện cũng đã có mặt tại tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng...
Có một điều đặc biệt là những bộ quần áo cũ xin được, ông đều đưa vào các trung tâm mồ côi, các trại phong, các gia đình nghèo.
Nếu ở khu vực Hà Nội thì ông tự đi xe đạp đến trao tận tay. Còn nếu ở các tỉnh miền núi hoặc các tỉnh xa hơn, ông lại bỏ tiền túi thuê xe tải để chở lên cho những người khốn khó.
Ông Nguyễn Đức Thành
Ông Lê Xuân Phúc - Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Tân Minh cho biết: “Theo con số thống kê sơ bộ, tôi cũng ghi nhận những thành tích đánh nể mà ông Thành làm được. Hiện tại, đã có 90 vỏ chăn, 57 chiếc màn, 559 đôi dép, 7.900 khăn mặt, 33 triệu đồng tiền mặt được ông Thành trao tận tay cho người nghèo và đồng bào bị lũ lụt”.
Ông Phúc cũng cho biết, mặc dù bận rộn với công việc thiện nguyện nhưng ông Thành vẫn tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, để khơi dậy phong trào làm từ thiện cho mọi người. Hiện ông là thành viên Câu lạc bộ xe đạp người cao tuổi huyện Thường Tín, hội viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam.
Với những đóng góp ấy, ông Thành đã được UBND TP. Hà Nội và các tổ chức xã hội vinh danh, tặng nhiều bằng khen như: Bằng khen về gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2015, Bằng khen của hội Chữ thập đỏ 2014, Bằng khen của UNESCO 2014...
Nói về những thành tích của mình, “ông từ thiện” mộc mạc chia sẻ: “Nếu còn đạp được xe, còn có người cho quần áo, còn có người nghèo cần quần áo thì tôi vẫn tiếp tục hành trình”.
Tâm huyết với việc từ thiện
Ông Nguyễn Văn Lộc – Hội trưởng hội từ thiện Bắc Ái, xã Tân Minh cho biết: “Sau khi kêu gọi được ông Thành gia nhập thì hội cũng đã có nhiều thay đổi. Với sự năng nổ, nhiệt huyết của ông Thành, rất nhiều bà con trên khắp cả nước đã có quần áo ấm, chăn ấm mùa đông.
Nói thật, phải là con người rất tâm huyết, trăn trở với người nghèo khó thì mới gắn bó được với hội, nếu không chỉ vào được vài ngày là họ rẽ rút lui ngay”.
Theo Trung Dũng/nguoiduatin.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét