- VN chế tạo máy bay trinh sát tầm xa 4.000km: Sẵn sàng ra biển lớn

"Sản phẩm đã được bay thử nghiệm thành công tại Tây Nguyên và đã sẵn sàng ra Biển Đông", Bộ trưởng Quân vui mừng thông báo.
Hình ảnh mẫu máy bay không người lái tầm xa do Việt Nam chế tạo

Thông tin Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng phối hợp với Bộ Công an cho ra đời sản phẩm máy bay trinh sát không người lái tầm xa để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và bảo vệ an ninh quốc phòng được coi là dấu ấn rất quan trọng.

Trao đổi với báo Đất Việt chiều 5/1, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân cho biết, đây là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ngành, trung ương. Bộ trưởng cũng đánh giá cao thành tựu bước đầu, trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu, nâng cấp nhằm phục vụ tốt nhất công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, phục vụ an ninh quốc phòng."Sản phẩm đã được bay thử nghiệm thành công tại Tây Nguyên và đã sẵn sàng ra Biển Đông", Bộ trưởng Quân vui mừng thông báo.

Nói về nhiệm vụ quan trọng trong việc giám sát, theo dõi các động thái trên Biển Đông, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: "Đúng vậy. Mục đích chính là như vậy".

PGS.TS Phạm Ngọc Lãng - Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu cho biết, sản phẩm là kết quả của Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết hợp với Bộ Công an nghiên cứu chế tạo thành công và sẽ bắt đầu bay thử nghiệm ngoài Biển Đông vào mùa hè năm 2016.

Máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa được đặt tên là HS-6L, với sải cánh 22m, tải trọng 1.350kg, cự ly bay trên 4.000km hành trình, 35 giờ bay liên tục, có sử dụng vệ tinh dẫn đường và trên máy bay được tích hợp các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và thiết bị trinh sát điện tử phục vụ mục đích An ninh Quốc gia.

"Việt Nam đã có đủ khả năng chế tạo máy bay không người lái tầm xa để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc", PGS.TS Phạm Ngọc Lãng khẳng định.

Bước dần tới tự chủ

Ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội cho biết, Việt Nam cũng như các quốc gia khác, đều có quyền tự vệ và quyền bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Vì thế, việc áp dụng các phương tiện khoa học, kỹ thuật công nghệ cao nhằm chia sẻ nhiệm vụ, cùng gánh vác với con người là điều rất đáng vui mừng.

"Đó là chiều hướng đúng, và nó cũng nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của Chính phủ, nhằm đáp ứng được yêu cầu đảm bảo trang bị cho lực lượng công an, quân đội... thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ", ông Trường nói.

Trên thực tế Việt Nam cũng đã có nhiều thiết bị thực hiện chức năng theo dõi, giám sát trên Biển Đông, tuy nhiên có thể nói thời gian qua nhiều thông tin được phản ánh một cách chậm chạp.Vì thế, ông Trường đặt kỳ vọng, máy bay trinh sát không người lái tầm xa sẽ là công cụ có khả năng kiểm soát được toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam (Theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật biển).

"Ý nghĩa lớn nhất được ghi nhận là chúng ta đang bước dần tới khả năng chủ động sản xuất được vũ khí, khí tài để phục vụ mục đích quân sự, bảo vệ an ninh quốc phòng. Điều này cũng đã khẳng định, Việt Nam đủ năng lực, đủ khả năng giành quyền chủ động, nâng cao tự chủ của mình trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước", ông Trường nhấn mạnh.

Nguồn: Baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét