An ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông không chỉ là vấn đề lợi ích của các quốc gia ven biển trong khu vực mà còn là lợi ích của hầu hết các nước trên thế giới.
Sáng 23-1, bên lề Đại hội XII, đại biểu Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và vấn đề bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Lập trường về Biển Đông của chúng ta rất rõ ràng
- Đường lối đối ngoại của Việt Nam đang thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, như vậy trong quan hệ với các nước lớn có xung đột lợi ích, chúng ta phải xử lý như thế nào để không phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc?
- Đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá chúng ta đã kế thừa từ các đại hội và thực hiện một cách đúng đắn. Việt Nam đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình và phát triển. Chúng ta bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, thực hiện bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dựa trên pháp luật quốc tế, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi. Trong quan hệ quốc tế, chúng ta cũng đòi hỏi các nước phải tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta.
Tôi nghĩ đấy là những nguyên tắc hết sức đúng đắn trong đường lối đối ngoại mà chúng ta đang thực thi. Trong văn kiện cũng đã nói rõ và từ nhiều năm nay đã thực hiện, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây là những nguyên tắc nhất quán trong đường lối đối ngoại của chúng ta.
- Trong chính sách đối ngoại với các nước lớn, tại bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có nêu giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay còn có khác biệt trên biển Đông. Vậy khác biệt này sẽ được giải quyết như thế nào thông qua chính sách đối ngoại?
- Tôi nghĩ về vấn đề biển Đông lập trường của chúng ta rất rõ ràng. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc hay nói rộng hơn là sự khác biệt của 5 nước 6 bên đang có tranh chấp ở khu vực này là một thực tế.
Chính vì sự khác biệt đó nên nhiều năm qua các quốc gia đang nỗ lực để giải quyết và cần có những công cụ để giải quyết sự khác biệt. Công cụ đó là những căn cứ pháp lý lịch sử, là những quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 và các quy tắc, nguyên tắc như Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và đang nỗ lực hướng tới Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), để có đầy đủ hơn các công cụ giải quyết khác biệt.
Còn đối với chúng ta thì phải khẳng định chủ quyền quốc gia là lợi ích tối cao, là thiêng liêng. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhưng chúng ta kiên trì giải quyết bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở pháp luật quốc tế và đó là cách giải quyết để đảm bảo sự hoà bình, ổn định của khu vực này.
Việt Nam phản đối việc sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Chúng ta kêu gọi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật quốc tế và phải đề cao trách nhiệm, phải đứng trên lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển để giải quyết vấn đề. Đó là đòi hỏi trách nhiệm quốc gia rất lớn.Việc giải quyết tranh chấp không phải một sớm một chiều nhưng quan trọng nhất để giải quyết, chúng ta phải có những nguyên tắc như trên.
Phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực
- Chúng ta có niềm tin về việc thông qua COC hay không khi hiện nay Trung Quốc đã có những dấu hiệu trì hoãn rất rõ ràng?
- Thông qua COC không đơn giản vì liên quan đến lợi ích và sự toan tính của các quốc gia. Tuy nhiên việc cần có COC là rất cần thiết vì hiện nay chúng ta đã có pháp luật quốc tế, Công ước về luật biển nhưng vẫn cần thiết có những công cụ khác để giải quyết. Điều này đòi hỏi các quốc gia thực sự thành tâm, nỗ lực giải quyết để làm sao đạt được mục đích đảm bảo sự ổn định của khu vực để phát triển. Chúng ta là một quốc gia rất cố gắng về vấn đề này và bên cạnh Việt Nam cũng có những quốc gia khác rất cố gắng để COC được thông qua.
- Trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền cần kiên quyết và kiên trì đấu tranh nhưng có ý kiến cho rằng mới chỉ nhận thấy sự kiên trì?
- Giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia là vấn đề xảy ra ở nơi này nơi khác, thậm chí có những lúc nó xảy ra ở nhiều nơi. Đó là vấn đề không dễ dàng nên không thể giải quyết một sớm một chiều, chúng ta phải kiên trì, kiên quyết. Kiên quyết ở đây là thể hiện thái độ của chúng ta, chúng ta luôn nhất quán giải quyết bằng biện pháp hoà bình nhưng cũng tỏ thái độ thẳng thắn, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
- Trong đường lối, chính sách đối ngoại chúng ta sẽ tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn như thế nào để giải quyết vấn đề Biển Đông?
- Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước đang có tranh chấp ở biển Đông thì tiếng nói của cộng đồng quốc tế rất quan trọng. Bởi nó thể hiện trách nhiệm của các quốc gia đối với sự ổn định khu vực. Tôi nhấn mạnh một điều rằng sự ổn định về an ninh, an toàn, tự do hàng hải của khu vực này không chỉ là vấn đề lợi ích của các quốc gia ven biển trong khu vực mà còn là lợi ích của nhiều quốc gia khác, thậm chí là hầu hết các nước trên thế giới, nên các nước đều phải có trách nhiệm. Việt Nam sẽ gắn lợi ích của các quốc gia đó với Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét