- Những liệu pháp ngâm chân tốt cho sức khỏe

Ngâm chân có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm mệt mỏi, giúp ngủ ngon, giảm đau đầu... Các cách ngâm chân không giống nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau.

1. Ngâm với gừng tươi
Trong đông y, gừng là vị thuốc mang tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giải cảm và rất hiếm tác dụng phụ. Theo y học hiện đại gừng có tác dụng kích thích mao mạch, cải thiện lưu thông máu và trao đổi chất. Người sợ lạnh hoặc hay bị lạnh chân tay có thể ngâm chân với gừng tươi.

Cách làm
Dùng khoảng 20-30g gừng tươi, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 40 độ C. Không nên ngâm ngập mắt cá chân sẽ không tốt, thậm chí có thể khiến cho bệnh còn nặng hơn.

2. Ngâm bằng nước muối
Ngâm chân bằng nước muối sẽ làm cơ thể ấm lên từ bên trong, điều này giúp máu tuần hoàn tốt hơn, xua tan mệt mỏi và làm tinh thần thoải mái. Muối hột là một trong những cách đơn giản để chăm sóc tốt nhất cho đôi chân, đặc biệt là với người trung tuổi.

Cách làm
Lấy một thìa muối, hòa với nước ấm ở nhiệt độ dưới 40 độ C, sau đó cho chân vào ngâm khoảng 20 phút.

3. Ngâm với cây lô hội
Lá của cây lô hội chứa rất nhiều hợp chất tác dụng tiệt trùng, giải nhiệt, giảm viêm và giải độc... Dùng lá lô hội ngâm chân sẽ giúp cơ thể xúc tiến quá trình tuần hoàn máu, tăng thân nhiệt, giảm đau thần kinh, chứng tê thấp, đau lưng và các chứng bệnh khác.

Cách làm
Dùng lá lô hội cắt thành khúc dài 1mm, bỏ vào nồi đun cùng nước khoảng 20 phút. Cho thêm nước nguội để điều chỉnh nhiệt độ xuống khoảng 40 độ C và ngâm chân trong khoảng 20 phút.

4. Ngâm với ngải cứu
Ngải cứu là vị thuốc mang tính ấm, vị đắng không có độc tính. Nó có tác dụng hồi dương khí, giải hàn, cầm máu, an thai. Dùng ngải cứu ngâm chân có tác dụng cải thiện chức năng phổi, rất tốt đối với các bệnh nhân viêm phế quản mãn tính và những người thường xuyên bị ho có đờm.

Cách làm
Dùng khoảng 30-50g ngải cứu tươi, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút. Sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước cho nhiệt độ khoảng 40 độ thì ngâm hai chân. Chú ý không được ngâm quá mắt cá chân.

5. Ngâm bằng nước chè xanh
Chè xanh rất giàu chất phenol và nhiều hợp chất khác có tác dụng cho cơ thể như tiêu nóng, kháng khuẩn, tăng cường thể chất, chống lão hóa...

Cách làm
Lấy lá chè rửa sạch cho vào đun sôi hoặc ngâm trong nước sôi khoảng 10 phút. Điều chỉnh cho nhiệt độ xuống khoảng 40 độ C thì ngâm chân từ 15-20 phút.

6. Ngâm với vỏ quế và hoa tiêu
Vỏ quế và hoa tiêu đều là loại hương liệu rất dễ mua, dùng quế và hoa tiêu ngâm chân có tác dụng rất tốt trị chứng phù thũng. Phù thũng có liên quan đến chức năng bài tiết của thận.

Cách làm
Dùng 15g vỏ quế và hoa tiêu cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút. Sau đó đổ ra chậu pha thêm nước lã cho nhiệt độ khoảng 40 độ C là được. Chú ý cũng không được ngâm quá mắt cá chân.

7. Ngâm bằng vỏ bưởi
Theo các nhà khoa học thì tác dụng vỏ bưởi rất nhiều và có thể dùng để ngâm chân. Trong vỏ bưởi chứa nhiều tinh dầu, vitamin A, vitamin C nên khi ngâm chân sẽ giúp tăng cường miễn nhiễm, giúp tâm thần thư thái .

Cách làm
Lấy vỏ của 1-2 quả bưởi phơi khô, cho vào bếp nướng khoảng 4 phút, lấy ra để nguội, cắt thành miếng nhỏ và bỏ vào túi vải. Ngâm chiếc túi đó với nước nóng khoảng 10 phút. Sau đó đổ nước vào chậu ngâm chân trong khoảng 20 phút.

8. Những lưu ý khi ngâm chân
Sau khi ăn một tiếng không nên ngâm chân. Sau khi ăn cơ thể chuyển phần lớn máu về đường tiêu hóa, nếu ngâm chân bằng nước nóng ngay sau khi ăn, số máu vận chuyển đến được tiêu hóa sẽ chuyển xuống chân. Lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ và gây thiếu dinh dưỡng.

Khi ngâm rửa chân cần theo dõi nhiệt độ của nước, không được quá nóng hay quá lạnh để tránh gây tổn thương chân.

Thời gian ngâm không quá lâu, khoảng 15 - 30 phút là đủ. Khi ngâm mạch máu sẽ dẫn xuống chân, não bộ dễ cung cấp thiếu máu.

Người cao tuổi, trẻ em hay người bệnh không tự chủ được hành vi khi ngâm rửa chân cần có người khác giúp đỡ để tránh xảy ra tai nạn.

Khi dùng nước thuốc ngâm rửa chân, cần chọn các vị thuốc thích hợp, tính năng của thuốc phải phù hợp với từng chứng bệnh.

Thời gian ngâm chân tốt nhất là 5 - 7h tối, bởi đây là lúc thận hoạt động mạnh nhất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét