- Trả Nghĩa Bằng Việc Trị Bệnh Cứu Người

Sống lại sau trận ốm “thập tử nhất sinh”, quyết chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cứu người

Ông Nguyễn Văn Hoàng tâm niệm trả nghĩa bằng việc trị bệnh cứu người.

Mắc trên người đủ các thứ bệnh sơ gan, tiểu đường, mỡ máu… số phận tưởng như khép lại với ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1940) vào năm 2013. Khi đó, ông dần rơi vào trạng thái mất trí nhớ, không còn biết được vợ con mình là ai. Kỳ lạ là khi lâm chung, lúc vợ con anh em xa gần đứng bên cạnh kêu khóc, ông Hoàng bỗng nhiên tỉnh dậy, đi đến bàn thờ gia tiên thắp hương cảm ơn tổ tiên kèm theo lời hứa từ giờ tới cuối đời sẽ trả nghĩa bằng việc trị bệnh cứu người.


Sinh ra lần thứ 2 ở tuổi 68

Người dân ở ấp Rạch Mùn, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang không còn lạ gì ông Nguyễn Văn Hoàng bởi tài chữa bệnh và tấm lòng từ thiện, sẵn sàng giang rộng vòng tay cứu những người có hoàn cảnh nghèo khó của ông. Ít ai biết rằng, để có được tâm huyết đó, ông Hoàng đã phải trải qua nhiều sóng gió. Ông bảo: “Có những lúc tôi và người thân đã tuyệt vọng khi bệnh tật đầy người, bao nhiêu thuốc uống vào cũng không thuyên giảm, vô vọng, buông xuôi. Nhưng số phận đã mỉm cười, không cho tôi chết mà để tôi sống. Tôi cảm thấy mình thật may mắn…”.

Ông Hoàng được người dân trong vùng trìu mến đặt cho biệt danh Hai Cọp bởi dáng người nhỏ thó nhưng rất khỏe mạnh, không quản ngại khó khăn băng rừng, lội suối đi khắp nơi tìm cây thuốc về phát miễn phí cho người bệnh. Nói về việc làm của mình, ông Hoàng tâm sự: “Gần đây, tôi mới phát thuốc, khám bệnh cho người dân, chứ lúc trước bài thuốc này chỉ để cho người thân trong nhà sử dụng chứ không hề tiết lộ ra ngoài. Nhưng tin đồn về chuyện của tôi mỗi ngày lan xa nên nhiều người đã tìm đến nhà xin thuốc chữa bệnh. Họ đều là những người nghèo khổ, đã đi khắp nơi, đến hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ trong cả nước chữa mà bệnh không thuyên giảm. Nhìn họ, tôi lại nhớ tới cảnh mình năm xưa mà động lòng thương cảm, coi bệnh nhân đang đau đớn như chính bản thân mình đang mắc bệnh nên không nỡ từ chối. Và hơn hết, vì tôi mang ơn người đời, cũng như muốn thực hiện đúng lời hứa của mình trước tổ tiên, nên tôi đáp trả lời “cầu cứu” của họ”.

Cuộc đời của ông Hoàng sang trang mới khi ông đã bước sang tuổi 68. Đó là những ngày đầu năm 2013, ông Hoàng được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng sơ gan, tiểu đường, mỡ máu… Dù cất công đi khắp nơi để chữa bệnh nhưng sức khỏe của ông ngày càng suy kiệt. Ông Hoàng lâm bệnh nặng hơn, đầu óc không còn tỉnh táo, không nhớ, biết bất cứ chuyện gì. “Khi ấy, ai cũng nói tôi chết là cái chắc rồi. Cả tuần chỉ nằm một chỗ, ăn uống chẳng được, phải nhờ người đút, mớm. Mọi người còn bàn nhau chuẩn bị đưa tiễn tôi về với đất mẹ”, ông Hoàng nhớ lại quá khứ.

Vào cái ngày ông Hoàng rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh, tưởng đã lâm chung, người thân ở bên kêu khóc thảm thương, bất ngờ ông choàng tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh, rồi đứng dậy, đi lại như một người bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Ngay sau khi rời chân xuống giường bệnh, ông Hoàng không nói không rằng, một mạch tới trước bàn thờ tổ tiên thắp nén hương.

Cho thuốc miễn phí, sẵn sàng cứu người
Nói về nguyên nhân thoát khỏi cái chết trong gang tấc, ông Hoàng cho rằng, có thể là nhờ bài thuốc dân gian mà một người bạn đã truyền lại cho ông trước đó. Sau khi sử dụng bài thuốc ấy, bệnh tình của ông nặng hơn, người nhà không ai còn tin vào khả năng của bài thuốc ấy nữa. Mãi tới khi ông tỉnh dậy, họ mới nghĩ rằng nó quả thực hiệu nghiệm. Từ ngày “trở về từ cõi chết”, ông Hoàng tận tâm, tận lực cho việc bào chế bài thuốc đó để phân phát cho nhiều người.

Ông Hoàng cho biết: “Bài thuốc này tôi được một người bạn cho biết, nhưng người ấy chỉ bảo tôi uống thử chứ không đảm bảo kết quả ra sao. Khi ấy, vì trong người tôi cũng có nhiều chứng bệnh, đi khắp nơi, uống cả mấy chục triệu tiền thuốc nhưng không thuyên giảm, nhờ uống mấy thang thuốc của bạn cho mà thoát được cái chết… Số phận chưa cho nên tôi không thể nào chết được, tôi sẽ cố gắng trả ơn đời. Đến nay, tôi vẫn sắc bài thuốc ấy dùng hàng ngày”.

Ông Hoàng không hề giấu giếm bài thuốc giúp mình “cải tử hoàn sinh” và sẵn sàng chia sẻ: Bài thuốc có các loại cây như dây nhãn lồng, dây cá, nổ đồng tiền… Người bệnh chỉ cần sắc nước uống 4 lần/ngày, uống 1,5 lít nước thuốc sắc/ngày. Người bình thường cũng có thể dùng, nhưng với liều lượng ít hơn, để phòng bệnh. Thuốc có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn nhanh, hạ nhiệt trong cơ thể nên khi uống thuốc, người dùng sẽ đi vệ sinh nhiều lần trong ngày. Đó là biểu hiện tốt, người dùng không cần hoang mang. Mỗi người sẽ lấy 1 túi thuốc dùng trong vòng 10 ngày, nếu thấy không có tác dụng thì có thể ngưng sử dụng.

Theo ông Hoàng, bất kỳ ai cũng có thể dùng bài thuốc này để chữa bệnh và phòng bệnh. Biết mình không có đủ kiến thức để giúp nhiều người nên ông Hoàng cố gắng bồi dưỡng thêm kiến thức về y học và sưu tầm dược thảo. Ông cũng không ngại đường xa, theo học lớp tập huấn về đông y - y học cổ truyền tại Hội Đông y Trường Đại học Hùng Vương (TPHCM) và được cấp giấy chứng nhận. Sau đó, ông được kết nạp làm hội viên Hội Đông y Việt Nam.

Đa số người bệnh đến với ông thường mắc các chứng như viêm gan, tiểu đường, sỏi thận…, họ tới từ khắp nơi trong vùng như Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bình Phước... Để đáp ứng nhu cầu thuốc, chữa bệnh của người dân, ông Hoàng và các thành viên trong gia đình đã phải bỏ công bỏ việc, cất công đi khắp nơi để tìm nguyên liệu.

Sân thuốc của ông Hoàng. 

“Thuốc không phải là tiên đơn”
Ban đầu, biết đây là bài thuốc quý, ông Hoàng khuyên những người trong gia đình dùng thường xuyên. Một thời gian sau thấy có hiệu quả, người trong gia đình ông lại chỉ cho những người hàng xóm làm theo. Tin đồn về khả năng kì diệu của bài thuốc đã khiến danh tiếng của ông Hoàng được nhiều người biết đến. Theo ông Hoàng, thời gian đầu, nhiều người không tin nên cứ tìm tới theo kiểu dò la thực hư, sau khi thấy nhiều người đến xin thuốc về uống có hiệu nghiệm họ mới thật sự tin tưởng.

Là một trong những số người đầu tiên được ông Hoàng cho thuốc về nhà chữa bệnh, bà Trần Thị Ngọc Quế (58 tuổi, ngụ xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết, mấy năm trước, bà bị chứng tê nhức chân tay, xương ở các khớp đau đớn vô cùng, cộng với việc bị chứng tiểu đường nặng nên bệnh càng thêm bệnh. “Ấy thế mà, uống đến bọc thuốc thứ 2 ông Hoàng đưa thì tôi thấy người khỏe hơn rất nhiều, ăn được, ngủ được và chân tay không còn nhức nữa; đi bệnh viện khám thì tiểu đường đã hết hẳn”, bà Quế nói.

Ông Hoàng chia sẻ, thực tế có nhiều người đến xin thuốc nhưng ông đành phải từ chối, bởi ông chỉ trị được các loại bệnh bình thường. “Nhiều người nghĩ tôi là một thần y chữa bá bệnh, túi thuốc nam của tôi là “tiên đơn”, nên cứ bác sĩ chê thì tìm tới tôi. Nhưng có bệnh tôi cứu được, có bệnh không. Có người bị bệnh thận, gia đình đem đến. Họ bảo rằng bệnh nhân bị chứng hư thận, một tháng ít nhất phải chạy thận 9 - 10 lần. Nghe xong mà tôi phát hoảng, vội vàng khuyên nhủ họ: “Thật sự, tôi xin lỗi gia đình, bệnh quá nặng tôi không thể nào chữa trị được. Các bệnh bình thường thì tôi có thể khám bệnh, cho thuốc uống, chứ căn thận này đã hư trầm trọng rồi, tôi không cứu được”. Tôi khuyên mọi người, thuốc không phải là tiên đơn, điều quan trọng là mỗi người hãy tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân chứ đừng để bị bệnh mới tìm đến thuốc chữa trị”, ông Hoàng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ấp Rạch Mùng, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông - khẳng định, việc ông Hoàng từng rơi vào trạng thái sức khỏe suy yếu, sau đó, sống lại mạnh khỏe và trở thành một lương y được nhiều người bệnh tìm tới là hoàn toàn có thật. “Khi ấy, tôi cũng báo cho chính quyền về trường hợp ông Hoàng phát thuốc cứu người. Ban đầu, tôi có khuyên ông ấy nên đi học cái bằng đông y để khẳng định mình hơn. Nghe vậy, ông ấy đã làm theo. Đến nay, thường ngày có rất nhiều người tìm đến nhà xin thuốc. Ông ấy chỉ chữa các bệnh thường như gan, thận, tiểu đường… chứ không chữa được các bệnh nan y”, ông Hùng nói.

Đoán Bệnh Qua Các Cơn Đau


Cơ thể chúng ta là một cỗ máy hoàn hảo có liên quan chặt chẽ đến nhau. Vì vậy, khi có cơ quan nào bị bệnh chúng sẽ báo hiệu cho chúng ta biết qua các cơn đau ở những vị trí khác nhau.


Khi thiếu nước cơ thể sẽ “nhắc nhở” chúng ta bằng những cơn khát, những mảng da bong tróc… Khi đói cơ thể lại báo hiệu bằng cách đau bụng, sôi bụng, hoa mắt…

Điều này cho thấy cơ thể chúng ta là một cỗ máy hoàn hảo có liên quan chặt chẽ đến nhau. Vì vậy, khi có cơ quan nào “bị bệnh” chúng sẽ báo hiệu cho chúng ta biết qua các cơn đau ở những vị trí khác nhau.

1. Bệnh tim


Nếu bạn mắc các bệnh liên quan đến tim cơ thể thường biểu hiện bằng những cơn đau ở ngực hoặc có thể lan sang cánh tay trái, xương bả vai, và một phần trên cổ.

2. Thận



Nếu chủ quan, không để ý, đau thận có thể nhầm lẫn với đau lưng đơn thuần. Sự khác biệt giữa đau lưng và đau thận chính là đau ở vị trí sâu hơn (dưới xương sườn) và có thể lan ra ở bắp đùi.

3. Ruột non



Bệnh về ruột non thường gây đau ở vùng rốn. Nếu cơn đau kéo dài và gây khó chịu khi cúi người hoặc đi bộ, bạn cần đi khám bác sĩ ngay nhé!

4. Ruột già



Đau ở vùng bụng dưới bên phải cùng với táo bón thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về ruột già.

5. Phổi


Phổi không có dây thần kinh cảm giác đau nên khi phổi gặp vấn đề chúng sẽ nhắc nhở chúng ta bằng những cơn đau nhói ở ngực và những cơn ho, khó thở.

6. Ruột thừa



Ruột thừa nằm ở vùng dưới bên phải của bụng, nhưng đau ruột thừa có thể ảnh hưởng đến toàn bộ vùng bụng hoặc các bộ phận xung quanh nó. Đau ruột thừa cũng có thể gây ra đau đùi phải. Ngoài ra các dấu hiệu khác như: buồn nôn, sốt, táo bón hoặc tiêu chảy…cũng báo hiệu ruột thừa của bạn đang gặp vấn đề.

7. Dạ dày



Các vấn đề dạ dày gây đau ở bụng giữa (phía trên xương sườn) và cũng có thể xuất hiện ở vị trí đối xứng ở phía sau lưng. Đau dạ dày rất dễ bị lẫn lộn với đau tim. Chỉ có bác sĩ mới có thể giúp bạn tìm ra cơ thể đang muốn nhắc nhở bạn về bệnh gì?

8. Túi mật và gan


Các vấn đề về túi mật và gan có thể gây đau ở vùng bụng trên bên phải hay vị trí đối xứng ở phía sau lưng. Cảm giác chua trong miệng cũng như vàng da cũng là dấu hiệu của bệnh gan.

9. Tuyến tụy


Nếu bạn cảm thấy đau ở bụng trên phần giữa, đặc biệt sau bữa ăn và khi bạn nằm, cơn đau càng dữ dội hơn, có thể tuyến tụy đang không được khỏe.

Khi bị đau ở những vị trí trên nghĩa là tim, phổi, thận, ruột non...của bạn đang gặp vấn đề, chúng cần được chữa trị và chăm sóc. Hãy lắng nghe cơ thể để đi khám bác sĩ, có biện pháp chữa trị đúng đắn và kịp thời nhé! Bạn nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/ lần để có sức khỏe tốt nhất!

Chúc bạn mạnh khỏe!

Theo Brightside - Nguyễn Mai (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét