C. W. LEADBEATER
Mục đích của quyển sách nhỏ này là góp nhặt và sắp xếp lại những hiểu biết có liên quan đến cõi trung giới, được trình bày rải rác trong những tác phẩm Minh Triết Thiêng Liêng.
Thêm vào đó có những dữ kiện mới mà chúng tôi quan sát được. Xin hiểu rằng những điều chúng tôi thêm vào chỉ là kết quả do sự nghiên cứu của một số ít người, do đó không nên xem như những điều phải tin tưởng tuyệt đối. Chúng tôi trình bày những điều quan sát được chỉ vì chúng tôi nhận thấy nó có giá trị.
CÕI TRUNG GIỚI
(The astral plane)
Tô Hiệp và nhóm dịch thuật Krotona
2010
Mục đích của quyển sách nhỏ này là góp nhặt và sắp xếp lại những hiểu biết có liên quan đến cõi trung giới, được trình bày rải rác trong những tác phẩm Minh Triết Thiêng Liêng.
Thêm vào đó có những dữ kiện mới mà chúng tôi quan sát được. Xin hiểu rằng những điều chúng tôi thêm vào chỉ là kết quả do sự nghiên cứu của một số ít người, do đó không nên xem như những điều phải tin tưởng tuyệt đối. Chúng tôi trình bày những điều quan sát được chỉ vì chúng tôi nhận thấy nó có giá trị.
MỤC LỤCLỜI TỰA … … … … 5
LỜI GIỚI THIỆU … … … .7
CHƯƠNG I: QUAN SÁT TỔNG QUÁT … 15
CHƯƠNG II: QUANG CẢNH CÕI TRUNG GIỚI … 23
CHƯƠNG III: CƯ DÂN CÕI TRUNG GIỚI … 33
A. NHÂN LOẠI … … … … … … … … … 33
a) NGƯỜI CÒN GIỮ XÁC THÂN … …33
1- Chân Sư và những đệ tử … … … … …33
2- Người đã phát triển khả năng tâm linh … 34
3- Người bình thường … … … … … …35
4- Nhà hắc thuật và đệ tử của họ … … … 37
b) NGƯỜI KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN …38
1- Vị Ứng Thân … … … … … … … 38
2- Đệ tử chờ tái sinh … … … … … … … 39
3- Người bình thường sau khi chết … … … 40
4- U hồn … … … … … … 49
5- Ma hình … … … … … … 51
6- Ma hình được làm sinh động … … …52
7- Người tự tử hoặc người chết bất thần … …53
8- Ma cà rồng và ma sói … … … … … 55
9- Người ở thế giới xám … … … … … … 57
10- Nhà hắc thuật và đệ tử của họ …59
B. KHÔNG THUỘC NHÂN LOẠI … … … 59
1- Loài tinh hoa chất … … … …61
2- Thể vía loài thú … … … … … … 69
3- Loài tinh linh thiên nhiên … … … …70
4- Các thiên thần … … … … … …73
C. NHÂN TẠO … … … … … 78
1- Loài tinh linh do vô ý tạo ra … … … 78
2- Loài tinh linh do cố ý tạo ra … 83
3- Con người nhân tạo … … … … … 85
CHƯƠNG IV: CÁC HIỆN TƯỢNG … …90
A. HIỆN TƯỢNG MA … … … … … 91
1- Ma ở nghĩa trang … … … … 91
2- Người hấp hối … … …91
3- Nơi bị ma ám … … … … … 92
4- Ma trong gia đình … … … … … 92
5- Ma rung chuông … … … … … … … 93
B. TINH LINH VÀ CÁC THỰC THỂ LIÊN LẠC…93
1- Các nàng tiên … … … … … … … … … 93
2- Các thực thể liên lạc … … … … … …94
C. SỬ DỤNG NĂNG LỰC CÕI TRUNG GIỚI …95
1- Sự hiểu biết về năng lực và rung động … … … 95
2- Nhãn thông … … … … … … 96
3- Tiên tri và nhãn quan thứ hai … … … … … … 96
4- Năng lực cõi trung giới … … … … … … … 97
a. Dòng lưu chuyển dĩ thái
b. Áp lực của dĩ thái
c. Năng lực tiềm ẩn
d. Rung động đồng cảm - thần chú
5- Phân tán vật thể … … … … … … … 99
6- Sự hiện hình … … … … … … 100
7- Chụp ảnh bóng ma … … … … … … 101
8- Nhân đôi vật thể … … … … …102
9- Sự kết tụ … … … … … … … … … 102
10- Viết lên bảng đá … … … … 103
11- Thuật khinh thân … … … … … 103
12- Ánh sáng ma … … … … … 104
13- Nắm lửa trong ta … … … … … 104
14- Sự biến chất … … … … … 105
15- Sự phản hưởng … … … … … …105
CHƯƠNG V: KẾT LUẬN … … … … …107
PHỤ LỤC: Lời cầu nguyện của người da đỏ Hopi … 109
LỜI TỰA
Tôi xin có vài lời giới thiệu về quyển sách nhỏ này đến quí độc giả. Đây là quyển thứ năm trong loạt sách trình bày đơn giản Minh Triết Thiêng Liêng để đáp ứng nhu cầu công chúng. Một số độc giả phàn nàn sách vở hội Thông Thiên Học quá trừu tượng, quá kỷ thuật và khó hiểu đối với những người bình thường. Chúng tôi hy vọng loạt sách này sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của quần chúng. Minh Triết Thiêng Liêng không chỉ dành riêng cho các học giả, mà cho mọi người. Có lẽ một số người khi đọc những quyển sách này lần đầu tiên sẽ nhận ra ý nghĩa tổng quát của nó, muốn tìm hiểu sâu xa hơn về Minh Triết Thiêng Liêng, muốn đối diện với những vấn đề khó khăn hơn với lòng hăng hái của một sinh viên nhiệt tâm. Đối với những người ấy, sẽ có những tác phẩm lớn, sâu xa hơn dành cho họ. Tuy nhiên, những quyển sách nhỏ mà chúng tôi giới thiệu nơi đây không phải chỉ dành riêng cho những sinh viên nhiệt thành, không khó khăn ban đầu nào có thể làm họ nản lòng, mà nó cũng được dành cho những người đang bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, muốn tìm hiểu một vài chân lý cao cả để hướng dẫn đời sống họ bớt nặng trĩu, và đồng thời giúp họ đối diện sự chết dễ dàng hơn. Chúng tôi, những người phụng sự các vị Chân Sư, viết nên những quyển sách này không ngoài mục đích giúp ích quần chúng.
LỜI GIỚI THIỆU
Trong tủ sách Thông Thiên Học, quyển sách nhỏ này nổi bật với vài tính chất đặc biệt. Nó cố gắng mô tả thế giới vô hình bằng phương pháp của nhà thực vật học, khi nghiên cứu một vùng đất mới trên địa cầu mà trước đó chưa một ai biết đến.
Phần nhiều các tác phẩm trình bày thần học và huyền bí học đều thiếu tính cách chính xác của khoa học hiện đại. Nó trình bày ý nghĩa của sự việc thay vì mô tả chính sự việc. Trong quyển sách này, tác giả mô tả thế giới vô hình trên quan điểm của khoa học hiện đại. Là người chép lại bản thảo cho nhà in, nên tôi có thể kể lại tác phẩm được viết ra như thế nào.
Quyển sách này được viết vào năm 1894, lúc đó ông C.W. Leadbeater là thư ký của chi bộ Thông Thiên Học Luân Đôn, còn ông A.P. Sinnet là chi trưởng. Lúc đó, hoạt động của chi bộ không được truyền bá rộng rãi trong công chúng, không thường xuyên tổ chức những buổi giảng công cộng, nhưng mỗi năm có 3 hay 4 lần họp tại nhà ông hội trưởng, thiệp mời được gởi đến các hội viên của chi bộ và một số người thuộc tầng lớp “thượng lưu” mà ông Sinnet nghĩ rằng họ thích thú tìm hiểu Minh Triết Thiêng Liêng. Ông Sinnet thường mời ông Leadbeater làm diễn giả trong những buổi họp này.
Đề tài “Cõi Trung Giới” thật là thích hợp với ông Leadbeater, vì tác giả đã được huấn luyện về khả năng nhãn thông, nhờ nó mà ông có thể nghiên cứu các hiện tượng ở cõi trung giới một cách khoa học. Trong quyển “Thông Thiên Học đã đến với tôi như thế nào” tác giả đã mô tả sự huấn luyện của ông như sau:
SỰ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỜ
“Lúc ấy, tôi không có một khả năng tâm linh nào, và cũng không bao giờ nghĩ mình có được sự nhạy cảm. Tôi tin rằng một người phải có vài khả năng tâm linh bẩm sinh và một cơ thể nhạy cảm, mới có thể phát triển được theo chiều hướng ấy. Do đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể phát triển khả năng đó trong kiếp này. Nhưng tôi hy vọng nếu trong kiếp này tôi cố gắng theo chiều hướng đó, thì kiếp sau tôi có thể được sinh ra với một xác thân phù hợp hơn trong việc phát triển khả năng tâm linh.
Cho đến một ngày, tôi vinh hạnh được Chân Sư Kuthumi viếng thăm, Ngài hỏi tôi: Có khi nào thử áp dụng một vài phương pháp tham thiền liên quan đến sự phát triển năng lực thần bí gọi là luồng hỏa hậu chăng? Dĩ nhiên tôi có nghe nói đến năng lực ấy, nhưng sự hiểu biết rất thô thiển, và tôi luôn cho rằng nó vượt quá khả năng của người Phương Tây. Tuy nhiên, Ngài khuyến khích tôi cố gắng thực tập vài phương pháp, và dặn tôi không được tiết lộ cho bất cứ ai, trừ khi được Ngài cho phép; và cho biết sẽ đích thân quan sát công việc luyện tập của tôi, để ngăn ngừa mọi điều nguy hiểm có thể xảy ra.
Dĩ nhiên tôi vâng lời, và với cố gắng mãnh liệt liên tục từ ngày này qua ngày khác, thực hành phương pháp tham thiền đặc biệt được Ngài chỉ dạy. Phải công nhận đó là một công việc rất cực nhọc, và đôi lúc gây đau đớn, nhưng tôi vẫn kiên trì và cuối cùng đã đạt được kết quả mong đợi. Một vài kinh huyệt cần được khai thông, và một vài vách ngăn cần phải phá bỏ. Ngài cho biết, nếu cố gắng mãnh liệt và liên tục, thời gian trung bình để đạt được kết quả là 40 ngày. Đến ngày thứ 42, tôi cảm thấy mình sắp đến mức thành công cuối cùng. Khi ấy đích thân Chân Sư đến giúp tôi vượt qua giai đoạn cuối để hoàn tất công phu, từ đó tôi có thể sử dụng khả năng nhãn thông cõi trung giới trong lúc tâm thức hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trần. Nói khác đi, có sự liên tục của tâm thức và trí nhớ ở cõi trung giới, dù cho xác thân thức tỉnh hay đang ngủ. Chân Sư cho biết, nếu tự cố gắng tôi có thể vượt qua giai đoạn cuối lâu hơn 24 giờ, tuy nhiên Ngài đã can thiệp để tôi vượt qua sớm hơn, vì Ngài muốn tôi làm ngay một vài công việc.
HUẤN LUYỆN TÂM LINH
Chúng ta đừng nghĩ, khi đạt được khả năng nhãn thông là đã hoàn tất việc huấn luyện huyền môn. Trái lại, đó chỉ là bước đầu của một năm cố gắng khó nhọc nhất mà từ trước đến nay tôi chưa từng trải qua. Tôi ở một mình trong căn phòng bát giác cạnh bờ sông, nhiều giờ dài dằng dặc mỗi ngày, và được giữ không cho bất cứ ai đến quấy rầy, ngoại trừ giờ cơm. Thỉnh thoảng có vài vị Chân Sư đến thăm tôi và khuyên nhủ đôi lời; nhưng chính Chân Sư Djwal Kull dạy tôi nhiều điều quan trọng nhất. Được sự ưu ái nầy có lẽ vì tôi và Ngài đã có liên hệ gần gũi trong tiền kiếp, khi tôi được học với Ngài ở đạo viện Pythagore do Ngài sáng lập tại Athens, và tôi còn được vinh dự điều hành đạo viện ấy, khi Ngài qua đời. Tôi thật không biết phải làm gì để đền đáp lại công lao to lớn và khó khăn mà Ngài phải gánh chịu trong việc huấn luyện tâm linh cho tôi. Ngài luôn kiên nhẫn lặp đi lặp lại nhiều lần công việc tạo ra hình tư tuởng sống động, và hỏi tôi: “Anh thấy gì?” Khi tôi cố gắng hết sức để mô tả, thì câu trả lời sau được lặp lại nhiều lần: “Không phải, không phải, anh thấy không đúng, không trọn vẹn, hãy đào sâu hơn trong anh, hãy sử dụng cả thị giác thể trí lẫn thể vía, hãy tiến xa hơn chút nữa, cao hơn chút nữa.”
Tiến trình này thường được lặp lại nhiều lần cho đến khi Ngài hài lòng. Người sinh viên huyền môn được trắc nghiệm bằng mọi cách, và dưới mọi điều kiện. Vào giai đoạn cuối, những tinh linh thiên nhiên hay đùa nghịch được đặc biệt gọi đến, và nhận chỉ thị bằng mọi cách cố làm cho người quan sát bối rối và nhầm lẫn. Dĩ nhiên đó là công việc rất khó nhọc và căng thẳng, tuy chưa quá sức chịu đựng của con người. Nhưng cuối cùng công việc huấn luyện cho kết quả rất xứng đáng, vì nó trực tiếp đưa đến sự kết hợp giữa phàm ngã và chân ngã, làm cho con người hiểu biết chắc chắn dựa trên kinh nghiệm, mà bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai cũng không thể lung lạc được[1].”
Tôi ở chung với ông Leadbeater, lúc ông đang soạn thảo bài diễn văn cho Chi Bộ Luân Đôn, còn tôi đang học thi. Đức Giám Mục[2] Leadbeater có thói quen là không bao giờ vứt bỏ những bao thư mà ông nhận được. Ông rọc nó ra và dùng mặt bên trong để viết các bản thảo, ông vẫn giữ thói quen này đến ngày ông mất. Sau khi đọc bài diễn văn theo bản ghi chép, ngày 21-11-1894, công việc kế tiếp của ông là viết lại để đăng trong tờ Diễn Đàn số 24 của Chi Bộ Luân Đôn. Ông bắt đầu viết mỗi lần một ít trên các bao thư cũ rọc ra, và bổn phận của tôi là sao chép lại các bản thảo ấy vào những trang giấy trống của một quyển nhật ký cũ. Như thế, chữ viết trong tác phẩm viết tay này là của tôi. Công việc sáng tác này mất độ 3 hay 4 tuần lễ, vì ông còn phải bận rộn với nhiều công việc lo cho đời sống, nên chỉ có thể viết được vào lúc rảnh rỗi.
Khi bản in thử của tờ Diễn Đàn Chi Bộ Luân Đôn từ nhà in đưa về cho ông Leadbeater, thì bản thảo viết tay của tôi cũng được trả về. Thường khi bản viết tay được nhà in giao trả thì đã dính đầy dấu tay của thợ sắp chữ, của người sửa chữa trên những trang giấy này. Điều này cũng không quan trọng, vì khi được in xong thì bản thảo viết tay cũng phải vứt bỏ.
Nhưng một chuyện bất thường xảy ra làm cho ông Leadbeater rất bối rối. Một buổi sáng ông cho tôi biết là Chân Sư K.H. muốn có tập bản thảo để đặt vào Bảo Tàng Viện của Đại Đoàn Chưởng Giáo. Chân Sư giải thích rằng quyển “Cõi Trung Giới” là một tác phẩm đặc biệt, nó đánh dấu một giai đoạn lịch sử về sự mở mang trí tuệ của nhân loại. Ngài nói thêm, từ xưa đến nay, dù dưới thời văn minh cao tột ở châu Atlantis, những vị đạo sư của các môn phái bí truyền đã không diễn tả những sự kiện thiên nhiên theo quan điểm khoa học hiện đại, mà theo một quan điểm khác. Những vị đạo sư huyền môn thuở xưa chỉ chú trọng đến ý nghĩa bên trong, mà ta có thể gọi là “sự sống” của thiên nhiên, mà ít chú trong đến phần “hình thể” của thiên nhiên. Phần lớn kiến thức về những điều bí nhiệm của thiên nhiên được các vị cao cả ở những nền văn minh quá khứ góp nhặt. Cho đến nay, những hiểu biết này không được tổng hợp theo phương pháp khoa học, mà theo phản ứng của tâm thức đối với phương diện “sự sống”.
Đây là lần đầu tiên trong giới huyền môn, cõi trung giới được nghiên cứu trọn vẹn với đầy đủ chi tiết, theo phương pháp tương tự như phương pháp mà nhà thực vật học dùng khi nghiên cứu rừng Amazon, để phân loại các loài cây cỏ và viết lịch sử thực vật của cánh rừng. Vì lý do ấy, quyển sách nhỏ “Cõi Trung Giới” đúng là một trụ mốc; và Đức Thầy, như là người giữ gìn hồ sơ những biến cố xảy ra trên địa cầu, muốn đặt bản thảo của nó trong Bảo Tàng Viện vĩ đại.
Bảo tàng viện này lưu trữ nhiều loại đồ vật khác nhau được chọn lựa kỹ lưỡng, những đồ vật có liên quan đến lịch sử, mà Đức Thầy nhận thấy quan trọng, đặc biệt đối với những đệ tử trong việc học hỏi ở trình độ cao. Bảo tàng viện này cũng chứa những văn kiện ghi lại sự phát triển của nhân loại trong mọi lãnh vực hoạt động. Thí dụ những quả địa cầu mẫu diễn tả hình dạng của mặt đất trải qua những thời đại khác nhau. Từ những quả địa cầu mẫu này mà ông Leadbeater đã vẽ ra bản đồ châu Atlantis trong bài viết của W. Scott-Elliot in trên tờ Diễn Đàn của Chi Bộ Luân Đôn. Trong số những đồ vật mang ý nghĩa quan trọng, là một khối thủy ngân đồng vị (isotope) ở thể đặc. Bảo tàng viện này cũng chứa đủ loại tài liệu xưa, liên hệ đến các tôn giáo hiện tại và những tôn giáo thời xa xưa, cùng những tài liệu hữu ích khác giúp cho sự tìm hiểu tác động của “Luồng Sóng Sinh Hoạt” (Life Wave) trên địa cầu.
Tôi nhớ từ trước đến nay, chỉ một lần tôi thấy ông Leadbeater “bối rối”, đó là lúc ông nhận được lời yêu cầu của Chân Sư muốn có bản thảo viết tay của quyển sách nhỏ này; vì bản thảo đã bị vấy bẩn sau khi nhà in đã dùng nó. Mặc dù vậy, việc Đức Thầy yêu cầu vẫn phải được thi hành. Còn một vấn đề khác là làm thế nào gởi bản thảo ấy đến Tây Tạng. Việc này chẳng làm bận lòng ông Leadbeater chút nào, vì ông có vài quyền năng thần bí mà ông không tiết lộ cho người khác, tuy chỉ riêng tôi có vài dịp quan sát được.
Bản thảo được gởi đi bằng phương pháp phân tán vật chất (dematerialisation), khi đến Tây Tạng sẽ được làm trở lại nguyên dạng bằng phương pháp hoàn nguyên vật chất (rematerialisation).
Tôi có một dây lụa màu vàng, bề ngang chừng 7 phân, tôi quấn dây lụa chung quanh tập bản thảo xếp làm tư, và cột chặt lại thành một gói. Tôi rất khích động khi nghĩ đây là cơ hội rất tốt để có được bằng chứng của “hiện tượng”. Nếu tập bản thảo được đặt trong một cái hộp khóa kín, và tôi luôn luôn giữ chìa khóa bên mình, rồi sau đó bản thảo biến mất, thì tôi sẽ có được một hiện tượng tuyệt vời để kể lại.
Nhưng thật lạ kỳ, vào lúc ấy những đồ dùng của ông Leadbeater và của tôi, không có thứ nào có thể khóa lại được chắc chắn. Có một cái rương cũ bằng da bò, nhưng khóa của nó đã bị gãy. Chúng tôi có rất ít xách tay, nhưng không cái nào còn khóa. Có một hộp gỗ bên trong lót bằng đồi mồi, đó là chiếc hộp làm việc của mẹ Ngài lúc xưa, nhưng chìa khóa cũng lạc mất từ lâu.
Như thế, chỉ có cách tốt nhất là để tập bản thảo trong chiếc hộp ấy và đặt nhiều cuốn sách chồng lên trên. Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi dỡ chồng sách ra và nhìn vào trong hộp, tập bản thảo không còn đó nữa! Mất đi một dịp chứng kiến hiện tượng, nỗi buồn của tôi vẫn không nguôi khi ông Leadbeater cho biết chính tôi, trong thể vía , đã mang tập bản thảo ấy đến đức Thầy.
Trong một tài liệu khác, tôi có viết về việc không thể nào tìm được bằng chứng về tác động của năng lực siêu nhiên, nó hoàn toàn khép kín đối với giới khoa học có óc hoài nghi hay chỉ trích.
Mỗi khi ta có dịp chứng minh các hiện tượng huyền bí một cách xác thực, thì luôn luôn có vài sự việc xảy ra ngăn cản bằng chứng cuối cùng ấy. Trong giai đoạn đầu của phong trào giáng ma thuật (spiritualism), có những hiện tượng rõ rệt xảy ra như: những đồ vật bị dời chỗ rất xa, cho thấy thành phần tâm linh có thể sử dụng những năng lực phi thường. Nhưng trong mỗi trường hợp đều bị mất “một khoen của sợi dây xích”; như thế, luôn luôn có một lỗ hổng cho sự nghi ngờ. Cũng thế, những hiện tượng phi thường do Chân Sư tạo ra liên quan đến công việc của bà Blavatsky tại Simla, một thành phố ở miền bắc Ấn Độ. Đó là việc chuyển tờ “Thời Báo” vừa mới phát hành từ Luân Đôn đến Simla, trong cùng một ngày như được đề nghị, công việc này quá dễ dàng đối với Ngài. Do một vài lý do nào đó, mỗi hiện tượng xảy ra đều thiếu sót một vài bằng chứng hiển nhiên.
Chúng tôi được biết các vị Chân Sư cố ý làm cho những hiện tượng tâm linh không thể được chứng minh một cách rõ ràng. Trong giai đoạn tiến hóa của nhân loại hiện tại, có nhiều người phát triển mạnh mẽ về thể trí, nhưng trình độ đạo đức còn thấp kém, do đó các Ngài không muốn những người đầu óc không cẩn mật và bất toàn ấy có cơ hội tin tưởng hoàn toàn về sự hiện hữu của quyền năng siêu nhiên. Chừng nào mà họ còn hoài nghi về quyền năng này thì nhân loại còn chưa bị họ lợi dụng. Chúng ta cũng thừa biết những người ích kỷ đã chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên, bóc lột nhân loại về phương diện kinh tế và kỹ nghệ như thế nào rồi. Với một ít tưởng tượng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những tai họa lớn lao có thể xảy ra, nếu những người ích kỷ sử dụng năng lực siêu nhiên trong việc khai thác trục lợi.
Ông Leadbeater gặp bà Besant lần đầu vào năm 1894. Năm sau bà mời ông Leadbeater và tôi đến ở trụ sở của hội tại Luân Đôn, nơi mà bà Blavatsky mất năm 1891. Kể từ đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ông và bà Besant cho đến cuối đời. Năm 1892, bà Besant bắt đầu viết một loạt sách khổ nhỏ tóm lược giáo lý Minh triết Thiêng Liêng về nhiều đề tài khác nhau. Theo thứ tự, bốn quyển sách đầu là: Bảy Thể Của Con Người, Luân Hồi, Nhân Quả, Sự Chết Và Tình Trạng Sau Khi Chết. Bà cũng yêu cầu ông Leadbeater cho in những bài viết của ông ở Chi Bộ Thông Thiên Học Luân Đôn vào loạt sách kể trên, thành quyển thứ năm được phát hành.
Vào năm 1895, hai vị cùng phối hợp nghiên cứu cơ cấu những chất khinh khí, dưỡng khí, đạm khí và một chất thứ tư mà chúng tôi tạm đặt tên là “Huyền Linh Chất” (Occultum), chất này chưa được khoa học khám phá. Cũng trong năm ấy, hai vị nghiên cứu sâu rộng về cơ cấu, điều kiện và cư dân ở các cảnh thấp và cao của cõi thượng giới, theo cùng phương pháp mà ông Leadbeater đã dùng để nghiên cứu cõi trung giới. Bà Besant và ông quan sát từng trường hợp những chân ngã ở cõi chân phúc (Devachan), còn gọi là cõi cực lạc hay thiên đàng, nơi đây con người sống trong trạng thái hạnh phúc hoàn toàn, sau khi rời bỏ cõi trần và cõi trung giới. Vì bà Besant bận rộn với nhiều công việc khác, nên ông Leadbeater viết lại những gì mà hai vị đã quan sát được, từ đó chúng ta có quyển thứ sáu trong loạt sách nhỏ nói về Minh Triết Thiêng Liêng, đó là quyển “Cõi Trời Chân Phúc” (The Devachanic Plane).
Quyển “Cõi Trung Giới” và “Cõi Trời Chân Phúc” là hai công trình nghiên cứu rất công phu; hai vị đã quan sát một cách rất kỹ lưỡng và khách quan theo phương pháp khoa học những sự việc thực tế trong hai cõi ấy, nhờ đó mà chúng ta có được hai tác phẩm rất giá trị nói về thế giới vô hình. Đối với người nhiệt tâm muốn tìm hiểu một cách vô tư và không thành kiến, sau khi đọc kỹ và phân tích, dù chưa thể tin tưởng ngay những gì được diễn tả, nhưng ít ra cũng có một ý niệm tổng quát về tính cách khách quan của hai quyển sách. Hai vị đã diễn tả sự vật như được nhận thấy qua một kính hiển vi hay viễn vọng kính, chớ không chủ quan như tiểu thuyết gia diễn tả dài giòng những tình tiết của câu chuyện.
Tóm lại, đây là lược thuật về câu chuyện làm thế nào quyển sách nhỏ, quí giá này được viết ra, quyển “Cõi Trung Giới”.
C. Jinarajadasa
CHƯƠNG I
Con người sống trọn cuộc đời trong một thế giới vô hình, rộng lớn, đông đúc dân cư, nhưng phần đông hoàn toàn không ý thức được. Khi các giác quan thể xác tạm thời ngưng hoạt động, như trong lúc ngủ hoặc trong trạng thái xuất thần, con người có thể nhận thấy được phần nào thế giới ấy, và đôi khi tỉnh lại có thể nhớ một cách mơ hồ về những điều đã nghe thấy. Khi con người từ bỏ cõi trần, người đời gọi là “chết”, con người vẫn sống tại đây, nhưng thật sự họ đã “bước vào” thế giới vô hình, và sống qua nhiều thế kỷ dài trước khi được tái sinh nơi cõi trần. Phần lớn thời gian dài giữa hai kiếp luân hồi, con người được sống trong cõi trời chân phúc (cõi này được mô tả trong quyển sách thứ sáu). Trong quyển sách này, chúng ta chú ý đến phần thấp nhất của cõi vô hình, nơi mà con người bước vào ngay sau khi rời bỏ xác thân. Cõi này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: âm phủ hay thế giới bên dưới của người Hy Lạp, cõi luyện tội hay trạng thái trung gian của Thiên Chúa Giáo, cõi trung giới của phái luyện kim thời trung cổ, v.v…
Mục đích của quyển sách nhỏ này là góp nhặt và sắp xếp lại những hiểu biết có liên quan đến cõi trung giới, được trình bày rải rác trong những tác phẩm Minh Triết Thiêng Liêng. Thêm vào đó có những dữ kiện mới mà chúng tôi quan sát được. Xin hiểu rằng những điều chúng tôi thêm vào chỉ là kết quả do sự nghiên cứu của một số ít người, do đó không nên xem như những điều phải tin tưởng tuyệt đối. Chúng tôi trình bày những điều quan sát được chỉ vì chúng tôi nhận thấy nó có giá trị.
Mặt khác, chúng tôi rất thận trọng trong khả năng quan sát của mình để bảo đảm chính xác tối đa. Không một sự kiện nào, dù cũ hay mới, được ghi vào quyển sách này mà chưa được ít nhất hai quan sát viên đã được huấn luyện trong nhóm chúng tôi, quan sát riêng rẽ và xác nhận. Ngoài ra nó còn được các sinh viên huyền môn kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm hơn về sự kiện, xem lại để bảo đảm sự chính xác. Dù chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng những dữ kiện diễn tả trong quyển sách này rất xác thực và đáng tin cậy.
(Kể từ ấn bản đầu tiên đến nay đã được 40 năm, tôi có thể nói thêm rằng kinh nghiệm hàng ngày của tôi trong suốt thời gian ấy, cũng xác nhận sự đúng thực của những sự kiện được nghiên cứu lúc trước. Nhiều sự việc trước kia có vẻ lạ lùng và mới mẻ, giờ đây đã trở nên quen thuộc vì được gặp thường xuyên, và vô số chứng cớ được thu thập thêm. Mặc dù có một ít chữ được thêm vào ở vài nơi, nhưng thực tế không có gì thay đổi.)
Vấn đề đầu tiên cần được nêu rõ trong việc mô tả cõi trung giới là sự hoàn toàn “thực tại” của nó. Khi nói “thực tại” (reality), tôi không đứng trên quan điểm siêu hình; vì theo quan điểm này, ngoại trừ “Cái Duy Nhất Không Thể Hiện” (The One Unmanifested), còn lại tất cả đều không thực, vì không trường tồn. Tôi dùng từ “thực tại” với ý nghĩa rõ ràng, mà hàng ngày chúng ta thường dùng, tôi muốn nói: sự vật và cư dân ở cõi trung giới đều có thật, như bàn ghế, nhà cửa, lâu đài hay xác thân chúng ta. Giống như những sự vật ở cõi trần, những sự vật ở cõi trung giới không tồn tại vĩnh viễn, nhưng theo quan điểm bình thường, dù sao chúng cũng là thật khi chúng còn hiện hữu; sự hiện hữu mà chúng ta không thể bỏ qua, dù phần đông nhân loại không cảm biết hay chỉ cảm biết một cách mơ hồ.
Tôi biết, thật khó khăn để người bình thường chấp nhận tính chất thực tại của những sự việc mà họ không thể thấy bằng đôi mắt trần. Ta cần biết thị giác của con người rất giới hạn. Con người sống thường trực trong một thế giới rộng lớn, nhưng chỉ thấy được một phần hết sức nhỏ. Khoa học cho ta biết chắc rằng có những sinh vật rất bé nhỏ mà với mắt thường ta không nhận thấy được. Tuy bé nhỏ nhưng chúng rất quan trọng, sự hiểu biết về thói quen và điều kiện sinh sống của một số loại vi trùng có thể giúp cho ta giữ gìn sức khoẻ, và trong nhiều trường hợp cứu được mạng sống con người.
Theo một chiều hướng khác, giác quan con người cũng bị giới hạn, như ta không thể thấy được không khí bao quanh ta. Thị giác con người không nhìn thấy được sự hiện hữu của không khí, trừ khi nó di chuyển và ta cảm nhận được nó qua xúc giác. Tuy vô hình đối với ta, nhưng sức mạnh của không khí có thể nhận chìm chiếc tàu to lớn nhất và xô ngã tòa nhà vững chắc nhất. Rõ ràng là chung quanh ta có nhiều năng lực mạnh mẽ, mà các giác quan thô sơ và bất toàn của ta không cảm nhận được. Vậy ta phải cẩn thận, đừng vướng mắc vào sự lầm lẫn tai hại thường tình, khi cho rằng những gì ta thấy được là tất cả, ngoài ra không còn gì khác.
Chúng ta như bị nhốt trong một cái tháp, các giác quan của ta giống như những cửa sổ rất nhỏ, mở ra theo vài hướng nào đó, còn những hướng khác, ta hoàn toàn bị che kín. Nhãn thông hay thị giác cõi trung giới mở thêm cho ta một hay hai cửa sổ nữa, để ta có thể thấy được một thế giới mới rộng lớn hơn, nhưng đó chỉ là một phần của toàn thể thế giới mà trước kia ta chưa được biết đến.
Ta chỉ có thể hiểu rõ giáo lý của Tôn Giáo Minh Triết[3] khi nắm vững sự kiện là trong thái dương hệ có những cõi hoàn toàn xác định, mỗi cõi được cấu tạo bằng chất liệu của chính cõi đó với những mức độ đậm đặc khác nhau. Ngoài cõi trần, những người có khả năng có thể thăm viếng và quan sát một số cõi khác, giống như ta đi thăm viếng và quan sát một nước khác. Do so sánh với những điều quan sát được của các vị thường xuyên làm việc ở những cõi đó, quan sát viên sẽ có được chứng cớ rõ ràng về sự hiện hữu cũng như bản chất của những cõi mà họ thăm viếng, giống như sự hiện hữu của các đảo Greenland (ở bắc Mỹ) và Spitzbergen (thuộc Na Uy). Bất cứ người nào có phương tiện và chịu khó đều có thể đi thăm viếng các hòn đảo nói trên; cũng thế, bất cứ ai chịu khó sống một đời xứng đáng, một ngày kia tự mình cũng có thể thăm viếng các cõi cao hơn cõi trần.
Sau đây là tên gọi các cõi trong thái dương hệ, dựa theo mức độ đậm đặc của chất liệu cấu tạo, từ thô kệch đến thanh nhuyễn: cõi trần, cõi trung giới, cõi thượng giới (hay cõi trí tuệ), cõi bồ đề và cõi niết bàn. Còn có hai cõi cao hơn nữa, tạm thời không đề cập nơi đây vì vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Ta có thể so sánh sự khác biệt về chất liệu cấu tạo của một cõi đối với cõi thấp hơn kế nó như hơi nước so với chất đặc, dù sự khác biệt lớn hơn rất nhiều. Thật ra, trạng thái của vật chất mà ta gọi là: đặc, lỏng, hơi chỉ là vật chất của ba cảnh[4] thấp thuộc cõi trần.
Cõi trung giới mà tôi cố gắng mô tả là cõi thứ nhì trong các cõi vĩ đại của thiên nhiên, nó là cõi kề cận bên trên (hay bên trong) cõi trần. Người ta thường gọi nó là vùng ảo ảnh, không phải vì nó hư ảo hơn cõi trần, mà chỉ vì những người chưa được huấn luyện sau khi quan sát cõi trung giới trở về, có cảm nhận như nó thay đổi rất bất thường.
Để hiểu rõ sự thay đổi bất thường này, ta cần chú ý đến hai đặc tính chính của cõi trung giới. Đặc tính thứ nhất là nhiều cư dân ở cõi trung giới có năng lực kỳ diệu, tự làm thay đổi hình dạng một cách rất nhanh chóng, và có nhiều trò đùa để trêu chọc người nào mà chúng muốn. Đặc tính thứ hai là thị giác cõi trung giới là một quan năng khác biệt và mở rộng hơn rất nhiều so với thị giác cõi trần. Một đồ vật được nhìn thấy một lượt từ mọi phía, cả bên trong lẫn bên ngoài, như được mở toang ra. Do đó rất khó cho người chưa có kinh nghiệm ở thế giới mới này hiểu đúng thật những gì họ thấy, và còn khó khăn hơn nữa nếu họ muốn diễn tả lại bằng ngôn ngữ bình thường.
Một thí dụ điển hình về sự sai lầm thường gặp phải, là ở cõi trung giới người ta thấy các con số thường bị đảo ngược, thí dụ số 139 có thể được thấy là 931 v.v…Đối với sinh viên huyền môn đã được Chân Sư huấn luyện, sự lầm lẫn như thế sẽ không thể xảy ra, trừ trường hợp họ quá vội vàng, không cẩn thận. Người ấy thấy được chính xác vì đã trải qua một chương trình huấn luyện lâu dài về cách nhìn đúng đắn ở cõi trung giới. Chính Chân Sư hoặc những đệ tử cao cấp được Ngài giao phó, huấn luyện người sinh viên bằng cách đưa mọi hình thể có thể gây ảo ảnh cho người sinh viên nhìn, và trắc nghiệm xem anh ta thấy có đúng không; mọi câu trả lời sai lầm đều được sửa chữa và giải thích lý do. Sự trắc nghiệm được lặp lại nhiều lần cho đến khi người sinh viên thấy thật đúng, và cảm thấy tự tin trong việc quan sát những hiện tượng cõi trung giới.
Sinh viên huyền môn không những phải học quan sát đúng đắn, mà còn phải học cách diễn dịch chính xác qua trí nhớ những điều đã thấy ở một cõi khác. Để đạt được điều này, người sinh viên phải học cách giữ tâm thức không gián đoạn từ cõi trần đến cõi trung giới hay thượng giới và ngược lại. Trước khi đạt được khả năng giữ tâm thức liên tục, người ấy không thể nhớ lại đầy đủ, và những điều đã thấy được thường bị biến dạng do khoảng trống chia cắt giữa hai giai đoạn tâm thức của hai cõi khác nhau. Khi đạt được khả năng này một cách hoàn hảo, người sinh viên có thể sử dụng mọi quan năng thể vía, không những trong lúc ngủ hay xuất thần, mà cả lúc họ hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trần.
Một số học giả Minh Triết Thiêng Liêng thường có thói quen khinh thường khi nói đến cõi trung giới, và cho rằng nó không đáng được chú ý đến; nhưng với tôi, đó là một quan điểm sai lầm. Chắc hẳn mục đích chúng ta nhắm đến là sự sống của linh hồn, thật tai hại nếu người sinh viên quên mục đích cao cả đó, mà chỉ bằng lòng dừng lại với tâm thức cõi trung giới. Do nghiệp quả, một số người có thể phát triển những quan năng cao của thể trí trước, tạm thời vượt bỏ giai đoạn phát triển ở cõi trung giới, nhưng đó không phải là phương pháp thông thường được các vị Chân Sư Minh Triết áp dụng cho đệ tử.
Có thể việc khai mở trước những quan năng thể trí không gây trở ngại gì, vì cái cao thường bao gồm cái thấp, nhưng đối với phần đông chúng ta, sự tiến hóa nhảy vọt, đốt giai đoạn, có thể gây nhiều lỗi lầm tai hại; phương pháp tốt nhất là nên đi từ từ, từng bước một. Cõi trung giới ở kế cận cõi trần, và những kinh nghiệm đầu tiên về thế giới siêu hình thường có liên quan đến nó. Như thế, cõi trung giới rất quan trọng đối với người mới bắt đầu công việc nghiên cứu về thế giới vô hình. Khi biết rõ những điều bí nhiệm của cõi trung giới, chúng ta không những hiểu được nhiều hiện tượng khó giải thích ở các buổi chiêu hồn thuật, ở các căn nhà bị ma ám v.v… mà còn bảo vệ cho chính chúng ta và người chung quanh tránh khỏi những điều nguy hiểm.
Lần đầu tiên, con người có ý thức về cõi rộng lớn này theo nhiều cách khác nhau. Một số người, trong suốt cuộc đời chỉ có một lần do vài ảnh hưởng bất thường, đã trở nên nhạy cảm và nhận thấy một người thuộc cõi trung giới. Vì kinh nghiệm này không được lặp lại, theo thời gian họ nghĩ rằng điều mà họ thấy khi trước chỉ là ảo ảnh. Người khác thấy hoặc nghe được hiện tượng cõi vô hình ngày càng thường hơn, trong khi những người chung quanh như mù và điếc đối với những hiện tượng đó. Nhưng kinh nghiệm thông thường nhất đối với phần đông là bắt đầu nhớ lại càng ngày càng rõ ràng hơn những gì mình đã thấy và nghe ở cõi trung giới trong lúc ngủ.
Cần biết mỗi người chúng ta đều có tiềm năng nhận thức khách quan ở mọi cõi, nhưng phần đông nhân loại tiến hóa rất chậm chạp, phải một thời gian lâu dài tâm thức mới hoàn toàn linh hoạt ở những cõi cao. Đối với người trí thức thuộc những giống dân tiến hóa, tâm thức họ chẳng những có đủ khả năng ứng đáp được mọi rung động cõi trung giới, mà còn có thể sử dụng thể vía như một dẫn thể, hay dụng cụ.
Phần đông chúng ta đều thức tỉnh ở cõi trung giới trong lúc thể xác đang ngủ, tuy nhiên ta chỉ cảm nhận mơ hồ những gì xảy ra chung quanh. Vì trong lúc ngủ, ta vẫn bị bao phủ bởi những tư tưởng lúc thức, những tính toán về công việc ở cõi trần, chẳng còn thì giờ để chú ý đến môi trường sống động ở trung giới. Để có thể hoạt động hữu hiệu ở cõi trung giới, trước tiên ta phải loại bỏ thói quen bận rộn của tư tưởng, và học cách quan sát thế giới mới lạ, đẹp đẽ ấy. Dù đã tự chủ hoàn toàn ở cõi trung giới, không nhất thiết là khi thức dậy ta có thể nhớ lại được những sinh hoạt ở cõi đó. Sự kiện nhớ lại được những gì xảy ra ở cõi trung giới trong lúc ngủ, là một vấn đề hoàn toàn khác, và cũng không ảnh hưởng gì đối với khả năng hoạt động ở cõi đó.
Trong số người tìm học về đề tài cõi trung giới, một số cố tập luyện phát triển nhãn thông trung giới bằng cách nhìn chăm chú vào một quả cầu thủy tinh, hoặc bằng những phương pháp khác, trong khi một số người rất diễm phúc được một vị thầy có khả năng hướng dẫn trực tiếp, sẽ thức tỉnh hoàn toàn ở cõi trung giới lần đầu tiên dưới sự bảo vệ đặc biệt của Ngài. Sau đó vị thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn học trò, cho đến khi qua những cuộc thử thách, Ngài nhận thấy người học trò chứng tỏ không còn sợ hãi và an toàn đối diện với những nguy hiểm có thể xảy ra. Dù bất cứ trường hợp nào, lần đầu tiên nhận thức thực sự mình đang ở giữa một thế giới rộng lớn, sống động mà phần đông con người vẫn hoàn toàn không ý thức, là một kinh nghiệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời.
Cuộc sống cõi trung giới rất phong phú và đa dạng, thường gây bối rối cho người mới đến lần đầu; dù với người có nhiều kinh nghiệm, cũng không dễ dàng phân loại và liệt kê thứ tự các sự việc ở cõi đó. Giống như người thám hiểm một khu rừng rậm miền nhiệt đới mà loài người chưa từng biết đến; sau đó được yêu cầu chẳng những kể lại các chi tiết chính xác về các loại thực vật và khoáng sản, mà còn liệt kê từng loài động vật, với vô số côn trùng, chim chóc, dã thú và loài bò sát trong khu rừng, có thể người ấy sẽ e sợ trước công việc quá to lớn đó. Điều này cũng không thể so sánh được với sự khó khăn và bối rối của người khảo sát tâm linh cõi trung giới, vì cõi này phức tạp hơn nhiều. Trước hết là sự khó khăn trong vấn đề diễn dịch lại những gì mà người ấy đã thấy từ cõi trung giới qua cõi trần. Khó khăn thứ nhì là ngôn ngữ thông thường hoàn toàn không thích ứng, cũng như không đầy đủ để diễn đạt những sự việc ở cõi trung giới.
Giống như công việc của người thám hiểm cõi trần, người thám hiểm cõi trung giới bắt đầu diễn tả tổng quát quang cảnh và đặc tính của nó. Như thế, chúng ta nên bắt đầu mô tả sơ lược cõi trung giới, cố gắng đưa ra vài ý niệm về bối cảnh cho những sinh hoạt kỳ diệu, luôn biến đổi của nó. Đây chỉ là bước đầu của một công việc khó khăn mà chúng ta phải đối phó với vấn đề rất phức tạp này. Những người có khả năng nhãn thông cõi trung giới đều đồng ý rằng, diễn tả cho người chưa có khả năng nhãn thông biết rõ quang cảnh sống động của cõi trung giới, cũng khó khăn như diễn tả cho một người khiếm thị biết được quang cảnh đầy màu sắc tuyệt đẹp buổi hoàng hôn. Như thế, dù diễn tả chi tiết và công phu, cũng không chắc người nghe nhận biết được hình ảnh đúng thật của nó.
CHƯƠNG II
Trước hết ta cần biết cõi trung giới được chia thành bảy cảnh[5], mỗi cảnh được cấu tạo bằng chất liệu có độ đậm đặc và trạng thái riêng. Vì không đủ từ ngữ, chúng ta phải gọi cảnh này “cao” hay “thấp” hơn cảnh kia, nhưng không phải những cảnh này tách rời nhau, chiếm vị trí riêng biệt trong không gian, chồng chất lên nhau như một kệ sách, hoặc bao bọc nhau như những lớp vỏ của một củ hành, mà chất liệu của mỗi cõi hay mỗi cảnh đều xuyên thấm vào những cõi hay cảnh thấp hơn nó. Như thế, tất cả mọi cõi và cảnh đều hiện tồn trên mặt đất chúng ta đang sống, dù chất liệu của cõi cao hơn thì vươn ra xa hơn khỏi mặt đất so với cõi thấp hơn.
Khi nói một người tiến lên từ một cõi hay cảnh này đến một cõi hay cảnh khác, ta biết rằng không phải người ấy di chuyển trong không gian, mà người ấy chỉ chuyển di tâm thức từ mức độ này đến mức độ khác. Dần dần người ấy không còn đáp ứng những rung động của một loại vật chất thấp, và bắt đầu đáp ứng những rung động của loại vật chất cao hơn và thanh nhẹ hơn. Như thế, quang cảnh và cư dân của một thế giới dần dần phai mờ trước thị giác của họ, thay vào đó một thế giới khác thanh cao hơn hiện ra.
Có một quan điểm biện minh cho cách dùng từ “cao hơn” hay “thấp hơn”, và so sánh những cõi và cảnh như những lớp vỏ đồng tâm. Trên mặt đất có chất liệu của tất cả các cõi và cảnh, nhưng cõi trung giới rộng lớn hơn cõi trần rất nhiều và lan rộng ra hàng ngàn dặm khỏi mặt đất. Định luật về trọng lực[6] cũng tác dụng đối với chất liệu cõi trung giới, nếu không bị khuấy động, nó sẽ lắng đọng và sắp xếp thành những lớp vỏ đồng tâm. Nhưng quả đất luôn di động, tự xoay quanh nó và xoay quanh mặt trời, thêm vào đó mọi ảnh hưởng và mọi lực liên tục tác động lên nó, nên tình trạng yên tĩnh lý tưởng không bao giờ có được, và các chất liệu pha trộn lẫn nhau. Dù có sự pha trộn, nhưng thật sự khi càng lên cao thì chất liệu thô kệch, nặng nề càng ít đi.
Sự tương đồng này khá rõ rệt ở cõi trần: đất, nước, không khí (chất đặc, chất lỏng, chất hơi) đều hiện diện trên mặt đất. Nhưng chúng ta có thể nói một cách tổng quát là chất đặc ở thấp nhất, kế đến là chất lỏng, và cao hơn là chất hơi. Nước và không khí xuyên thấm vào trong đất đến một mức độ nào đó. Nước bốc hơi lên thành những đám mây trên không, nhưng chỉ đến một độ cao giới hạn. Chất đặc cũng có thể được phóng lên cao trong bầu không khí bởi những rung chuyển mãnh liệt, như ngọn núi lửa Krakatoa bùng nổ vào năm 1883. Khi ấy tro bụi của núi lửa bay cao đến 17 dặm (hơn 27 cây số), và phải mất ba năm mới lắng đọng hết lại. Do sự bốc hơi, nước được đưa lên cao và trở lại mặt đất bằng những cơn mưa. Càng lên cao không khí càng loãng, và sự kiện này cũng đúng đối với chất liệu cõi trung giới.
Cõi trung giới rất rộng lớn, chúng ta chỉ có thể phỏng định một cách gần đúng, khi nói ranh giới của nó chạm mặt trăng khi mặt trăng ở vào điểm gần trái đất nhất, nhưng không chạm đến mặt trăng khi mặt trăng ở vào điểm xa trái đất nhất[7]. Lẽ dĩ nhiên ranh giới ấy chỉ dành cho chất liệu thanh nhẹ nhất của cõi trung giới.
Hãy đếm các cảnh của cõi trung giới từ cảnh cao nhất với chất liệu thanh nhẹ nhất, xuống cảnh thấp nhất với chất liệu thô kệch nhất, ta sẽ thấy chúng chia ra ba nhóm một cách tự nhiên: nhóm một gồm cảnh 1,2,3; nhóm hai gồm cảnh 4,5,6; nhóm ba chỉ có cảnh số 7, là cảnh thấp nhất. Sự khác biệt về chất liệu cấu tạo giữa nhóm này với nhóm kia có thể ví như sự khác biệt giữa chất đặc và chất lỏng; trong khi sự khác biệt về chất liệu cấu tạo giữa những cảnh trong cùng một nhóm có thể ví như sự khác biệt giữa hai loại chất đặc, thí dụ như thép và cát. Trừ cảnh thứ 7, ta có thể nói nhóm cảnh 4,5,6 của cõi trung giới có bối cảnh liên hệ đến cõi trần mà chúng ta đang sống với đầy đủ mọi vật thể quen thuộc. Đời sống ở cảnh thứ sáu không khác gì với đời sống bình thường ở cõi trần, ngoại trừ không có xác thân và những nhu cầu. Khi lên đến cảnh thứ năm và thứ tư thì mức độ vật chất càng lúc càng ít đi, và con người càng tách rời khỏi thế giới thấp và ảnh hưởng của nó.
Như thế, cảnh vật ở những cảnh thấp này giống như ở cõi trần, nhưng trên thực tế nó có nhiều phương diện hơn, nhất là khi ta nhìn nó từ một khía cạnh khác. Với thị giác thể vía, dù nhìn một vật thể ở cõi trần cũng thấy nó hoàn toàn khác. Như đã nói qua ở phần trước, người có nhãn thông cõi trung giới nhìn thấy đồ vật cùng lúc từ mọi phía, chính ý niệm này cũng đủ làm cho người thường bối rối và lẫn lộn. Thêm vào đó, người có nhãn thông cũng thấy được rõ ràng mọi phần tử bên trong của đồ vật. Như thế, dù đối với một vật rất quen thuộc, người chưa có kinh nghiệm vừa mới gặp nó có thể không nhận ra được.
Tuy nhiên khi đã quan sát quen, ta sẽ biết rằng thị giác cõi trung giới xác thực hơn thị giác cõi trần. Thí dụ ở cõi trung giới, ta nhìn thấy mọi mặt của một khối vuông[8] thủy tinh đều bằng nhau -- đúng như sự thật -- trái lại ở cõi trần, theo viễn cảnh, ta thấy mặt ở xa nhỏ hơn mặt ở gần, và đó chỉ là ảo giác. Do đặc tính này mà một số tác giả cho rằng thị giác cõi trung giới thuộc chiều đo thứ tư, cách mô tả này rất gợi ý.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác gây lầm lẫn, làm cho vấn đề càng thêm phức tạp, như thị giác ở cõi cao có thể nhận thấy hình thể bằng những chất liệu thuộc vật chất thuần túy tạo ra chúng, mà trong điều kiện bình thường, thị giác cõi trần không nhận thấy được. Thí dụ về các chất này là những thành phần tạo ra bầu khí quyển như: những loại bốc hơi[9] phát ra từ mọi sinh vật, và bốn cấp độ chất liệu rất thanh nhẹ thuộc cõi trần mà ta thường gọi là chất dĩ thái[10]. Các chất dĩ thái thuộc một hệ thống riêng, chúng có thể xuyên thấm dễ dàng vào mọi chất liệu khác thuộc cõi trần. Sự quan sát những rung động và đặc tính của chúng khi bị tác động bởi những năng lực cao, là một ngành nghiên cứu rộng lớn và hấp dẫn đối với người sở hữu khả năng nhãn thông và có tinh thần khoa học.
Dù với sự tưởng tượng và nắm vững trọn vẹn các sự kiện được mô tả, ta cũng chưa hiểu được phân nửa vấn đề phức tạp này. Vì ngoài những hình thể mới thuộc vật chất cõi trần, còn có nhiều vật thể rất phức tạp ở cõi trung giới. Trước hết nên ghi nhớ rằng mỗi vật thể ở cõi trần cũng như mỗi thành phần của nó, đều có một đối phần hay phó bản[11] ở cõi trung giới, các phó bản này không phải là một hình thể đơn giản, mà rất phức tạp và được cấu tạo bởi nhiều chất liệu khác nhau của cõi trung giới. Hơn nữa, mỗi sinh vật được bao bọc bởi một bầu không gian riêng, thường được gọi là hào quang; riêng hào quang của con người, là một đề tài rất hấp dẫn để nghiên cứu. Hào quang của con người giống như một khối sương mù hình bầu dục sáng chói, cơ cấu rất phức tạp, vì nó giống hình trứng nên thường được gọi là noãn hào quang[12].
Độc giả Thông Thiên Học có lẽ rất hài lòng khi biết rằng dù ở giai đoạn đầu của sự phát triển, khi bắt đầu sở đắc khả năng nhãn thông, người đệ tử có thể quan sát trực tiếp để bảo đảm tính xác thực của những giáo lý do bà Blavatsky, vị sáng lập viên vĩ đại hội Thông Thiên Học chỉ dạy, nhất là những đề tài liên quan đến bảy thể của con người. Khi nhìn một người, đệ tử không chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài của họ, mà còn thấy rõ thể phách và sinh lực[13] đang được hấp thụ. Sinh lực này được chuyên biệt hóa và lưu chuyển như một luồng sáng màu hồng đi khắp cơ thể; ở người khoẻ mạnh, sinh lực này tỏa ra chung quanh cơ thể với hình dạng thường thay đổi.
Phần sáng chói và dễ thấy nhất của hào quang được cấu tạo bằng chất liệu thanh nhẹ cõi trung giới, phần này rất sinh động, màu sắc luôn thay đổi do những ham muốn khác nhau xuất hiện từng lúc xuyên qua trí óc con người, phần này chính là thể vía. Phần kế gồm những chất liệu thanh nhẹ hơn thuộc những tầng lớp sắc tướng cõi thượng giới, đó là thể trí hay hào quang của hạ trí. Màu sắc của hào quang hạ trí thay đổi chậm theo nếp sống con người, nó biểu lộ khuynh hướng tư tưởng, tính tình và đặc tính riêng của họ. Cao hơn nữa và rất đẹp đẽ, là ánh sáng sống động của nhân thể (causal body), thể này thuộc chân ngã và được phát triển ở người tiến hóa cao; nhân thể biểu lộ giai đoạn phát triển của chân ngã xuyên qua các kiếp luân hồi. Để thấy được các thể ấy, đệ tử phải khai mở nhãn thông đến cõi của nó.
Cũng thế, khi xuống cõi trung giới, chân ngã luân hồi sử dụng những chất liệu của cõi này để tạo nên thể vía (hay cảm dục thể), đồng thời vẫn giữ nguyên những thể trước. Khi xuống đến cõi thấp nhất, tức cõi trần, thì thể xác được thành hình theo khuôn mẫu thể phách do các vị Nghiệp Quả Tinh Quân[14] tạo ra. Trong quyển “Con người hữu hình và vô hình” do tôi biên soạn, có nói khá đầy đủ về những hào quang này; nơi đây, qua sự diễn tả ở phần trên, cũng đủ cho chúng ta biết hào quang các thể của một người chiếm cùng một vị trí trong không gian, hào quang thanh nhẹ xuyên thấm hào quang thô kệch hơn. Để phân biệt rõ thể này với thể kia, người mới tập quan sát phải tốn nhiều công sức nghiên cứu và thực tập. Dù sao, một phần hay toàn thể hào quang con người là một trong những vật thể trung giới mà người chưa trải qua sự huấn luyện nhìn thấy trước tiên, và thường dễ bị nhầm lẫn.
Hào quang thể vía có màu sắc sáng chói nên thường dễ nhận thấy, trong khi chất dĩ thái của hệ thần kinh và thể phách tuy là chất liệu đậm đặc hơn thuộc cõi trần, cũng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu dùng khả năng nhãn thông quan sát thể xác một em bé mới sinh, ta sẽ thấy nó được xuyên thấm bởi mọi loại chất liệu cõi trung giới với những độ đậm đặc khác nhau, và những cấp độ khác nhau của chất dĩ thái. Nếu chịu khó tìm hiểu những thể bên trong này đến tận nguồn gốc, ta sẽ thấy những chất dĩ thái thuộc về thể phách, tức cái khuôn mà từ đó thể xác được tạo ra, do những thành viên trực thuộc các vị Nghiệp Quả Tinh Quân. Trong khi đó, những chất liệu trung giới được gom góp lại thành thể vía một cách tự động, không ý thức, khi linh hồn trên đường đi xuống xuyên qua cõi trung giới.
Thể phách được tạo nên bằng đủ mọi cấp độ chất dĩ thái, và tỷ lệ của những chất dĩ thái trong thể phách rất khác nhau, tùy theo một số yếu tố như: giống dân chánh, giống dân phụ, đặc tính của mỗi người và nghiệp quả của họ. Bốn loại dĩ thái hình thành theo nhiều cách phối hợp, và những phối hợp này lại kết tụ tạo nên những hỗn hợp đi vào trong thành phần “nguyên tử” của những “nguyên tố”[15] hóa học, do đó thể thứ nhì của con người (tức thể phách) rất phức tạp và có thể thay đổi không ngừng. Như thế, dù nghiệp quả của một người rất phức tạp và bất thường, thì thể phách cũng có thể được tạo ra đúng với khuôn mẫu, để theo đó thể xác được thành hình phù hợp với nghiệp quả của người đó. Muốn biết thêm về vấn đề nghiệp quả, độc giả cần tham khảo thêm những tài liệu minh triết thiêng liêng có liên hệ đến đề tài này.
Một điểm khác cần lưu ý là khi phát triển đầy đủ, nhãn thông cõi trung giới hay cõi cao hơn có khả năng phóng đại các phần tử vật chất cực nhỏ thành lớn bao nhiêu tùy ý, như nhìn qua kính hiển vi, và độ phóng đại này lớn hơn rất nhiều lần độ phóng đại của bất cứ loại kính hiển vi nào đã được khoa học làm ra và sẽ được làm ra. Sinh viên huyền môn thật sự nhìn thấy được những phân tử và nguyên tử mà khoa học ước định, và họ nhìn thấy bản chất của phân tử và nguyên tử phức tạp hơn nhiều so với những gì mà khoa học khám phá được. Đây là một lãnh vực nghiên cứu rộng lớn rất hấp dẫn, cần đề cập trong một quyển sách riêng. Nếu một nhà khảo cứu khoa học có nhãn thông trung giới hoàn hảo, chẳng những họ nghiên cứu các hiện tượng thông thường dễ dàng hơn, mà còn thấy cả một chân trời hiểu biết hoàn toàn mới, suốt đời cũng không thể khảo sát hết được.
Người có nhãn thông sẽ thấy được những màu sắc hoàn toàn mới mẻ, bên ngoài giới hạn của quang phổ, mà mắt thường không nhìn thấy được; thí dụ, với nhãn thông trung giới một người có thể thấy rõ những tia tử ngoại và hồng ngoại, trong khi chúng chỉ được khoa học khám phá bằng phương tiện máy móc. Tuy nhiên trong giới hạn quyển sách, chúng ta phải trở lại ý chính là quang cảnh tổng quát cõi trung giới.
Những vật thể bình thường của cõi trần làm nên phối cảnh sống động cho vài cảnh thấp cõi trung giới, những vật thể này được nhận thấy trung thực hơn và có đặc tính khác biệt hơn nhiều so với sự thấy mà chúng ta quen thuộc. Thí dụ một vật đơn giản như tảng đá, khi được nhìn bằng nhãn thông có huấn luyện, sẽ thấy nó không chỉ đơn giản là một khối bất động. Trước nhất, toàn thể chất liệu vật chất của tảng đá đều được thấy, thay vì chỉ một phần nhỏ ở mặt ngoài. Thứ nhì, những rung động của các phần tử vật chất cấu tạo nên tảng đá đều được nhận thấy. Thứ ba, nó được nhìn thấy có một đối thể cấu tạo bằng những chất liệu trung giới khác nhau, và những phần tử này cũng liên tục chuyển động. Thứ tư, Sự Sống Thiêng Liêng của Vũ Trụ (Universal Divine Life) được nhận thấy đang tác động trong tảng đá cũng như trong mọi vật thể khác, và Sự Sống ấy biểu lộ rất khác biệt ở mỗi giai đoạn kế tiếp nhau trên đường đi xuống vào vật chất, mà chúng ta tiện gọi mỗi giai đoạn bằng một tên khác nhau. Trước hết là ba loài tinh hoa chất (elemental kingdoms): khi nó vào loài kim thạch, ta gọi là chân thần kim thạch (mineral monad); khi nó vào loài thảo mộc, ta gọi là chân thần thảo mộc (vegetable monad) v.v…
Hiện nay chúng ta chưa biết có một loại vật chất nào gọi là vật chất “chết” cả.
Hơn nữa, tảng đá còn được nhìn thấy có hào quang bao bọc chung quanh, tuy hào quang này không vươn xa và ít thay đổi hơn hào quang của các loại cao hơn. Trong loài đất đá, ta còn thấy những loài tinh linh ở những vùng thích hợp, thường được gọi là thổ tinh linh (gnomes), là một trong những loài tinh linh thiên nhiên (nature-spirit)[16]. Trong chương sau có nói thêm một số chi tiết về vấn đề tinh linh, nếu độc giả muốn biết rõ hơn vấn đề này, xin đọc thêm những tài liệu minh triết thiêng liêng khác. Ở loài thảo mộc, thú cầm và con người, dĩ nhiên lại càng phức tạp hơn.
Vài độc giả cho rằng hầu hết những nhà tâm linh thuật (psychics) đôi khi thoáng thấy cõi trung giới, hoặc các thực thể (entities) “giáng hạ” trong những buổi chiêu hồn thuật (seances) đều mô tả cõi trung giới có vẻ không phức tạp như thế, chúng tôi sẽ thảo luận thêm về vấn đề này. Những người, còn sống hay đã chết, chưa được huấn luyện, chỉ nhìn thấy sự vật đúng như thật, sau một thời gian dài kinh nghiệm. Ngay đối với người đã có nhãn thông, đôi khi cũng rất kinh ngạc và bối rối trong việc hiểu hay nhớ lại những sự việc. Trong số người có thể thấy và nhớ, ít người có thể diễn tả lại được các sự việc đã thấy ở cõi trung giới bằng ngôn ngữ cõi trần. Nhiều nhà tâm linh chưa được huấn luyện, không bao giờ có thể phân tích rõ rệt một cách khoa học sự việc mà họ thấy, họ chỉ có được ấn tượng gần đúng, hoặc chỉ đúng phân nửa, hoặc hoàn toàn sai lạc.
Thêm vào đó, những cư dân vui tính ở cõi trung giới thường đùa giỡn, phá khuấy, làm sai lệch sự quan sát của những người chưa được huấn luyện và không phòng bị. Cũng nên biết các cư dân bình thường ở cõi trung giới với những điều kiện thông thường, chỉ ý thức được những vật thể cõi trung giới, còn những vật thể cõi vật chất hoàn toàn vô hình đối với họ, cũng như những vật thể cõi trung giới hoàn toàn vô hình đối với đa số người ở cõi trần. Như đã được đề cập ở phần trước, mỗi vật thể ở cõi trần đều có một đối thể ở cõi trung giới mà các cư dân ở đó có thể nhận thấy được, sự khác biệt giữa vật thể và đối thể rất nhỏ, và đó là phần thiết yếu của sự đối xứng vật thể.
Nếu một cư dân cõi trung giới thường xuyên làm việc và tiếp xúc với cõi trần qua trung gian đồng cốt, thì những giác quan tinh tế thuộc thể vía của họ dần dần trở nên thô kệch, không còn nhạy cảm với chất liệu thanh cao cõi trung giới, khi ấy họ chỉ thấy được các vật thể ở cõi trần như sự thấy của chúng ta. Chỉ những người được huấn luyện khai mở tâm thức ở cả hai cõi, mới có thể nhìn cùng lúc cả hai nơi một cách rõ ràng. Chỉ khi nào nhận thức đầy đủ và phân tích một cách khoa học mới chắc chắn không bị lừa phỉnh hay lầm lạc.
Cảnh thấp nhất cõi trung giới, tức cảnh thứ bảy, cũng có phối cảnh là cõi trần, mặc dù những gì được nhìn thấy nơi đó chỉ là hình ảnh méo mó, không toàn vẹn của những vật thể cõi trần, vì những gì tốt đẹp, sáng sủa đều dường như vô hình ở cảnh này. Hơn 4.000 năm trước ở Ai Cập, Scribe Ani đã mô tả cảnh này trên loại giấy làm bằng cây chỉ thảo: “Tôi đã đến một nơi rất kỳ lạ, không có nước, không có không khí, nó sâu thẳm, không dò được, nó tối đen như đêm tối nhất, có những người đi lang thang vô vọng, nơi đây con người không thể sống với tấm lòng yên tĩnh.” Đối với những người bất hạnh ở cõi này, thật đúng là: “Tất cả mặt đất đều đen tối và đầy dẫy cư dân độc ác,” nhưng đó là sự đen tối phát ra từ bên trong con người, làm cho đời sống họ trở thành đêm dài vô tận, đầy khổ sở hãi hùng, một địa ngục thật sự, mặc dù cũng như mọi địa ngục khác, hoàn toàn do tự họ tạo ra.
Tôi không nói cảnh này hoàn toàn do tưởng tượng, không có thật. Một phần nhỏ của cảnh này ở trên mặt đất, phần lớn còn lại ở dưới mặt đất, xuyên thấm vào lớp vỏ đặc của trái đất. Tôi xác định rằng, không người nào sống cuộc đời bình thường, trong sạch, đứng đắn, cần phải đến vùng mà không ai muốn đến, và cũng không cần biết đến sự hiện hữu của nó. Nếu một người bị rơi vào cảnh này, hoàn toàn do họ có hành động, lời nói hay tư tưởng quá tàn nhẫn, độc ác.
Phần lớn các sinh viên huyền môn khi nghiên cứu cảnh này đều cảm thấy rất khó chịu. Vật chất đậm đặc và thô kệch ở đó làm nảy sinh cảm giác ghê tởm không thể tả, làm họ có cảm tưởng như bị xô đẩy vào một chất lỏng lầy nhầy đen tối, và những cư dân mà họ gặp rất thô tục đáng ghê sợ.
Mặc dù chiếm cùng một vị trí trong không gian, cảnh thứ nhất, nhì và ba gây nên cảm giác như thoát khỏi thế giới vật chất nặng trược. Các cư dân ở những cảnh này không nhìn thấy cõi trần và những vật thể vật chất; họ hoàn toàn chú tâm đến riêng họ và tạo nên môi trường riêng biệt để tránh sự nhận thấy của những thực thể khác và cả những người có nhãn thông. Đây là “vùng đất trường hạ” (Summerland) mà chúng ta nghe kể lại rất nhiều ở các buổi chiêu hồn, và những thực thể từ vùng ấy “giáng hạ” thường diễn tả đúng trong giới hạn mà họ hiểu biết được. Ở những cảnh này, “tinh linh” tạm thời tạo ra nhà cửa, trường học và thành phố theo tư tưởng của cư dân ở đây. Những vật thể này quả “có thật” trong một thời gian, mặc dù với nhãn quan thông tuệ hơn, thấy chúng giả tạm, đáng thương, không có gì đáng thích thú như những cư dân tạo ra nó mong muốn. Dù sao, nhiều sự tưởng tượng đã tạo ra hình thể rất thật và đẹp đẽ, nhưng chỉ tạm thời. Một du khách không biết gì cao xa hơn, sẽ thích thú đi dạo lang thang giữa cảnh núi rừng, hồ ao và những vườn hoa, tất cả đều đẹp hơn nhiều so với cõi trần; hoặc họ cũng có thể tạo ra quang cảnh chung quanh phù hợp với sự tưởng tượng của họ. Những chi tiết về sự khác biệt giữa ba cảnh cao này sẽ được đề cập nhiều hơn, khi xét đến những cư dân thuộc thành phần con người ở những cảnh đó.
Việc mô tả quang cảnh cõi trung giới sẽ thiếu sót nếu ta không đề cập đến điều thường được gọi một cách sai lầm là “ký ảnh cõi trung giới”, thực ra nó là hình thức vật chất hóa ký ức thiêng liêng, một phản ảnh sống động của mọi sự việc đã xảy ra trong vũ trụ. Thực ra, những ký ảnh ghi khắc thường trực ở một cõi cao hơn nhiều, và chỉ phản ảnh một cách không đều đặn ở cõi trung giới. Những người chỉ mở nhãn thông cõi trung giới, chưa phát triển loại nhãn thông cõi cao hơn, thì chỉ thỉnh thoảng thấy được những hình ảnh đứt đoạn của quá khứ, thay vì một sự kiện liên tục. Nhưng dù sao, những hình ảnh phản chiếu mọi biến cố quá khứ, thường xuyên lặp lại ở cõi trung giới, tạo thành một phần quan trọng của quang cảnh nơi đây cho những quan sát viên. Trong khuôn khổ quyển sách, tôi chỉ đề cập sơ lược về vấn đề này, độc giả muốn tìm hiểu thêm, xin tìm đọc chương bảy trong quyển “Nhãn Thông” (Clairvoyance), cũng do tôi biên soạn.
CHƯƠNG III
Sau khi phác họa sơ lược toàn cảnh bức tranh, bây giờ chúng ta thêm vào những hình ảnh mô tả cư dân cõi trung giới. Có rất nhiều “thực thể” hay cư dân khác nhau sống ở đây, làm cho cách sắp xếp và phân loại cực kỳ khó khăn. Có lẽ phương pháp tiện dụng nhất là chia các cư dân sống ở cõi trung giới thành ba loại chính như sau: nhân loại, không thuộc hàng ngũ nhân loại, và nhân tạo.
A. NHÂN LOẠI
Nhân loại ở cõi trung giới được phân chia một cách tự nhiên thành hai nhóm: người còn sống và người đã chết, nói đúng hơn là người còn giữ xác thân và người không còn giữ xác thân.
a) NGƯỜI CÒN GIỮ XÁC THÂN
Ta c ó thể chia những người còn đang sống ở cõi trần xuất hiện trên cõi trung giới ra làm bốn nhóm:
1. Chân Sư và những đệ tử
Thường những người này không sử dụng thể vía, mà sử dụng thể trí, được tạo bằng chất liệu lấy ra từ bốn cảnh thấp, hay bốn cảnh sắc tướng của cõi thượng giới, kề cận bên trên cõi trung giới. Lợi điểm của thể này là người sử dụng nó có thể di chuyển nhanh như chớp, từ cõi thượng giới qua cõi trung giới và ngược lại, và họ luôn luôn có được năng lực mạnh mẽ hơn, giác quan nhạy bén hơn.
Lẽ tự nhiên, nhãn quan thể vía không thể nhìn thấy được thể trí, do đó, nếu muốn những cư dân cõi trung giới nhìn thấy được để giúp đỡ họ hữu hiệu hơn, người đệ tử làm việc ở cõi này phải học cách thu góp chung quanh mình chất liệu cõi trung giới, làm thành một bức màn tạm thời bao bọc thể trí để có thể được nhìn thấy. Thể tạm thời này được gọi là “huyễn thể” (mayavirupa), thường được Chân Sư tạo ra lần đầu tiên cho đệ tử, và sau đó Ngài chỉ dạy và hướng dẫn cho đến khi người đệ tử có thể tự tạo nó một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy thể này rất giống với người sử dụng nó, nhưng không liên hệ gì với thể vía người ấy; nó tương xứng với thể vía, giống như sự hiện hình tương xứng với thể xác vậy.
Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, người đệ tử có thể phải sử dụng thể vía như mọi người khác. Khi được một vị thầy đầy đủ khả năng hướng dẫn vào cõi trung giới, dù sử dụng bất cứ thể nào, họ cũng có tâm thức hoàn toàn thức tỉnh và có thể hoạt động dễ dàng ở mọi cảnh của cõi trung giới. Thật ra họ cũng vẫn là họ, giống hệt như các bạn bè đã biết họ tại cõi trần, chỉ khác là họ không có thể xác và thể phách trong trường hợp họ sử dụng thể vía, và không có cả thể vía trong trường hợp họ sử dụng thể trí. Ngoài ra họ có nhiều năng lực và khả năng hơn để thực hiện hữu hiệu những công việc thuộc minh triết thiêng liêng trong lúc ngủ, mà trong lúc thức họ thuờng nghĩ đến. Khi thức tỉnh ở cõi trần, họ có thể nhớ trọn vẹn và chính xác những điều đã học hay làm được ở cõi khác, tùy thuộc phần lớn vào khả năng chuyển di tâm thức không gián đoạn từ trạng thái này sang trạng thái kia.
Người quan sát cõi trung giới đôi khi gặp những sinh viên huyền môn từ mọi nơi trên thế giới, có những sinh viên thuộc về những môn phái không liên hệ đến các vị Chân Sư mà hội Thông Thiên Học được biết, họ thường là những người hy sinh, chân thành tìm chân lý. Tuy không trực tiếp liên hệ đến các vị Chân Sư thuộc Đại Đoàn Chưởng Giáo ở Hy Mã Lạp Sơn, nhưng họ đều biết có sự hiện diện của các Ngài, và họ cũng biết trong số các Ngài có những vị Chân Sư cao cả nhất trên địa cầu.
2. Người đã phát triển khả năng tâm linh, nhưng chưa được Chân Sư hướng dẫn.
Những người này có thể đã, hay chưa tiến hóa về phương diện tinh thần[17], vì hai vấn đề này không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Một người sinh ra với khả năng tâm linh là do những cố gắng của họ ở kiếp trước, những cố gắng ấy có thể có đặc tính cao thượng, vị tha, mà cũng có thể do thiếu hiểu biết, bị hướng dẫn lầm lạc, không giúp ích cho sự tiến hóa.
Người như thế thường hoàn toàn tỉnh thức khi ra khỏi xác thân (xuất vía), nhưng vì không được huấn luyện đúng mức, nên sự quan sát thường nhầm lẫn. Họ có thể vượt qua những cảnh khác nhau của cõi trung giới, như trường hợp những đệ tử được kể ở đoạn trước; nhưng đôi khi họ bị thu hút đến một vùng đặc biệt nào đó, mà không ra khỏi được. Sự nhớ lại những gì đã thấy có thể bị thay đổi rất nhiều, tùy theo mức độ phát triển, từ rất rõ ràng đến hoàn toàn bị biến dạng, hoặc không nhớ được gì cả. Những người thuộc loại này chỉ xuất hiện được trong thể vía, vì chưa biết cách sử dụng thể trí.
3. Người bình thường.
Lúc thể xác ngủ, người bình thường chưa phát triển khả năng tâm linh, trôi nổi bềnh bồng với thể vía, kề cận với thể xác trong tình trạng vô thức nhiều hay ít. Trong giấc ngủ say, những bản thể cao[18] ngụ trong thể vía, gần như hoàn toàn thoát ra khỏi thể xác và bay quanh quẩn gần thể xác. Đối với người hoàn toàn chưa tiến hóa, trong giấc ngủ họ thường ngủ say trong thể vía.
Một số người có thể vía ít hôn mê hơn, trôi nổi mơ màng theo những dòng lưu chuyển trung giới[19], đôi khi họ nhận thấy những người khác trong tình trạng tương tự, và gặp nhiều kinh nghiệm đủ loại, thích thú hoặc không vui. Khi nhớ lại những sự kiện này, họ cảm thấy thật lộn xộn với những hình ảnh kỳ dị như trong các tranh vẽ hoạt kê (caricature), làm cho họ nghĩ rằng đêm qua họ đã trải qua một giấc mộng lạ lùng.
Người trí thức thuộc những giống dân tiến bộ trên thế giới hiện nay, có những giác quan thể vía khá phát triển. Vì thế, nếu trong giấc ngủ họ đủ tỉnh thức để quan sát quang cảnh thực tế ở chung quanh, họ sẽ học hỏi được ở đó rất nhiều, nhưng trong đa số trường hợp, những người này chưa đủ tỉnh thức. Phần lớn thời giờ trong giấc ngủ, họ bị thu hút sâu xa bởi một tư tưởng riêng về bất cứ điều gì quan trọng nhất trong trí trước khi đi ngủ. Khả năng thể vía của họ linh hoạt, nhưng ít khi họ sử dụng được, với khả năng này đáng lẽ họ phải tỉnh thức, nhưng họ không tỉnh thức chút nào ở cõi trung giới. Do đó họ chỉ ý thức được một cách mơ hồ, hoặc chẳng ý thức được gì cả đối với môi trường chung quanh.
Khi người như thế trở thành đệ tử của một trong những vị Chân Sư Minh Triết, họ thường được đánh thức ra khỏi tình trạng ngủ mơ màng. Họ sẽ hoàn toàn thức tỉnh đối với môi trường thực tại chung quanh thuộc cõi trung giới, học hỏi và làm việc ở đó. Giấc ngủ của họ không còn là những giờ trống rỗng, mà đầy hoạt động hữu ích, không cần nghỉ ngơi do tình trạng mệt mỏi của xác thân. (xin xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”)
Ở người kém tiến hóa thuộc những giống dân chưa phát triển, thể vía khi xuất ra khỏi xác thân thường không có hình dạng cố định, và đường nét không rõ rệt. Nhưng khi con người đã phát triển trí tuệ và tâm linh, thể vía xuất ra thường có hình dạng rõ rệt hơn và giống với thể xác hơn. Người ta thường hỏi: thể vía của người chưa phát triển có đường nét không rõ rệt, mà phần đông nhân loại đều chưa phát triển, vậy làm sao nhận biết được một người khi họ ở trong thể vía? Để trả lời câu hỏi này, ta nên hiểu rằng người có nhãn thông thấy thể xác con người được bao quanh bởi “hào quang”, giống như một đám mây có màu sắc chiếu sáng, có hình dạng gần như quả trứng, và vươn ra khỏi xác thân chừng 45 phân[20] về mọi phía. Mọi sinh viên huyền môn đều biết hào quang này có cấu trúc rất phức tạp, nó chứa chất liệu của tất cả những cảnh cấu tạo nên các thể khác nhau của con người. Chúng ta hãy xét xem trường hợp người có nhãn thông cõi trung giới, nhưng chưa phát triển loại nhãn thông cao hơn, sẽ thấy hào quang hiển hiện như thế nào.
Người như thế chỉ nhìn thấy hào quang chứa đựng chất liệu trung giới, và nó sẽ là một vật thể đơn giản hơn cho sự nghiên cứu. Chất liệu cõi trung giới không những chỉ bao quanh mà còn thâm nhập vào bên trong thể xác, ở phần hào quang bên trong thể xác chất liệu ấy càng kết tập đậm đặc hơn phần hào quang bên ngoài. Điều này dường như do sự thu hút một số lượng lớn chất liệu đậm đặc cõi trung giới, kết hợp lại để tạo thành đối phần của những tế bào thể xác. Dù sao đi nữa, sự thật vẫn là chất liệu của thể vía ở bên trong thể xác đậm đặc gấp nhiều lần hơn chất liệu của thể vía ở bên ngoài thể xác.
Khi thể vía thoát ra khỏi thể xác trong lúc ngủ, sự sắp xếp ấy vẫn tồn tại, và người có nhãn thông nhìn thể vía ấy, thấy nó vẫn giống như lúc nó còn nhập chung với thể xác trong lúc thức, tức một hình dạng giống như thể xác với hào quang bao quanh. Hình dạng thể vía lúc thoát ra khỏi thể xác được tạo nên hoàn toàn bằng chất liệu cõi trung giới, nhưng độ đậm đặc khác biệt giữa phần bên trong và phần “sương mù” bao chung quanh đủ để phân biệt rõ ràng hình dạng, dù cho hình dạng phần bên trong cũng là một khối sương mù, nhưng dày đặc hơn.
Chúng ta hãy xem thể vía của người chưa tiến hóa khác với thể vía của người tiến hóa như thế nào. Ở trường hợp người chưa tiến hóa, những đặc điểm và hình dạng phần bên trong thể vía, dù mờ nhạt và không rõ nét, nhưng luôn luôn cũng có thể nhận biết được. Còn phần bên ngoài, tức hào quang hình trứng, không còn đúng với cái tên này nữa, nó chỉ là một đám sương mù không có hình dạng rõ rệt, với đường nét bên ngoài không liền lạc và thường thay đổi.
Đối với người tiến hóa, có sự thay đổi rất rõ rệt ở phần hào quang bên ngoài cũng như phần hình dạng bên trong. Phần hình dạng bên trong hiện ra rõ ràng, và ổn định hơn, nó giống với thể xác hơn. Phần hào quang bên ngoài, thay vì là một đám sương mù trôi nổi bềnh bồng, ta thấy nó có hình bầu dục rõ nét, như cố giữ vững hình dạng này không bị thay đổi bởi các dòng lưu chuyển cõi trung giới luôn xoáy quanh nó.
Nhân loại đang trên đường tiến hóa, mọi người đang ở vào những giai đoạn phát triển riêng, tự nhiên hạng người bình thường dần dần sẽ tiến lên và hòa nhập vào hạng người tiến hóa cao hơn.
4. Nhà hắc thuật và đệ tử của họ.
Hạng người này cũng giống như hạng thứ 1 (Các vị Chân Sư và đệ tử), ngoại trừ sự phát triển của họ được dùng làm điều xấu ác thay vì điều tốt lành, và quyền năng họ thủ đắc, được sử dụng cho mục đích hoàn toàn ích kỷ thay vì cho lợi ích của nhân loại. Cấp bực thấp thuộc hạng này gồm có những thầy mo của các bộ lạc còn dã man, và những người thuộc giống dân da đen Phi Châu, họ thực hành những nghi lễ gớm ghiếc và các loại bùa chú để trù ếm. Kế đến là những nhà hắc thuật Tây Tạng, họ cao hơn loại người kể trên về phuơng diện trí thức, vì thế họ càng đáng trách hơn; họ được người Âu Châu gọi một cách sai lầm là Dugpas. Trong quyển “Phật Giáo Tây Tạng” của Waddell có giải thích Dugpas là tên gọi chi phái Bhotan của tín ngưỡng Kargyu. Phái này là một phần của Phật giáo Tây Tạng chưa được cải cách hoàn hảo.
Phái Dugpas (phái Mũ Đỏ)[21] có liên hệ mật thiết với vạn pháp kỳ môn (Tantrik magic), là chi phái hoàn toàn không được cải cách của phái Nin-ma-pa, và ở cấp rất thấp của phái này là chi phái Bon-pa, gồm những người sùng tín tôn giáo nguyên sơ, họ không chấp nhận bất cứ hình thức nào của Phật Giáo. Tuy nhiên, ta không nên cho rằng chỉ có phái Gelugpa (phái Mũ Vàng) là chánh, còn mọi chi phái khác ở Tây Tạng đều bất hảo. Muốn có cái nhìn đúng đắn về các môn phái, ta cần có tinh thần rộng rãi và cởi mở, và nên để ý đến tỷ lệ giữa những người ích kỷ, tìm lợi lộc cá nhân, với những người có tinh thần cải cách nghiêm ngặt trong môn phái.
b) NGƯỜI KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN
Trước hết, từ “chết” là một lầm lẫn rõ rệt, vì hầu hết các thực thể được xếp loại trong phần này đều hoàn toàn sống động như chúng ta, thường khi họ còn sống động hơn chúng ta. Như thế, ta nên hiểu một cách đơn giản người đã “chết” là người không còn bị trói buộc vào xác thân vật chất. Ta có thể phân ra 10 hạng chính như sau:
1. Vị Ứng Thân (Nirmanakaya).
Nirmanakaya là vị đắc đạo cao, có quyền thụ hưởng vĩnh viễn cõi niết bàn, nhưng từ chối sự hưởng thụ ấy, và trở lại giúp đỡ nhân loại. Đề cập đến các vị nầy để cho bảng liệt kê được đầy đủ, thật ra họ rất ít khi xuất hiện ở cõi thấp. Khi các Ngài cần làm công việc cao cả có liên quan đến cõi trung giới, các Ngài sẽ dùng chất liệu cõi trung giới để tạo thành thể vía tạm thời, như cách làm của vị Chân Sư đang ở trong thể trí qua cõi trung giới, vì những thể tinh anh của các Ngài đều vô hình đối với nhãn quan trung giới. Để có thể hoạt động không chậm trễ ở bất cứ cõi nào, các Ngài luôn luôn duy trì bên trong vài nguyên tử thuộc mỗi cõi, chúng tác dụng như một nhân tố giúp các Ngài thu nạp ngay tức khắc chất liệu và tạo ra thể thích hợp với cõi mà các Ngài muốn hiện thân. Muốn tìm hiểu thêm về địa vị và công việc của các vị Ứng Thân, xin xem quyển “Tiếng Vô Thinh” của bà Blavatsky và quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình” do tôi biên soạn.
Trong các sách Minh Triết Thiêng Liêng thường đề cập đến trường hợp người đệ tử khi đã tiến triển đến một giai đoạn nào đó, với sự giúp đỡ của Chân Sư, họ có thể thoát khỏi tác động của luật thiên nhiên, mà trong trường hợp bình thường tác động của luật này là đưa con người vào cõi trời chân phúc, sau khi chấm dứt cuộc sống cõi trung giới. Ở cõi trời chân phúc, con người sẽ hưởng kết quả do năng lực tinh thần và ước vọng cao cả mà họ đã thể hiện trong đời sống ở thế gian.
Theo lý thuyết, đệ tử là người có đời sống trong sạch và tư tưởng cao thượng, do đó năng lực tinh thần của họ rất mạnh mẽ, nếu họ vào cõi trời chân phúc thì họ sẽ sống ở cõi này rất lâu. Thay vì chấp nhận cuộc sống thụ hưởng phúc lạc ở thiên đàng, họ chọn Con Đường Từ Bỏ (the Path of Renunciation); như thế, dù còn thấp kém trên đường đạo, người đệ tử cũng noi theo bước chân của đức Phật, vị Thầy Từ Bỏ Vĩ Đại. Đệ tử có thể sử dụng năng lực ấy vào chiều hướng khác có lợi cho nhân loại, dù cho sự đóng góp ấy rất nhỏ nhoi, họ cũng dự một phần khiêm tốn vào công việc của các đấng Ứng Thân. Theo con đường này, chắc chắn đệ tử phải hy sinh niềm phúc lạc tuyệt vời trong nhiều thế kỷ, nhưng đổi lại họ được lợi điểm rất lớn, vì có thể tiếp tục đời sống hoạt động và tiến triển không gián đoạn.
Khi đệ tử quyết định thực hiện theo đường lối này, họ thoát ra khỏi xác thân như trước kia họ vẫn thường làm, và chờ đợi ở cõi trung giới cho đến lúc thích hợp để tái sinh; việc này thường được Chân Sư của họ sắp xếp. Đây là sự đi chệch hướng khỏi lề lối thông thường, trước khi bắt đầu tiến trình này, phải được sự cho phép của các cấp cao. Vì năng lực của luật thiên nhiên rất mạnh, cho nên dù đã được phép, đệ tử cũng phải rất cẩn thận tự giới hạn mình luôn luôn trong cõi trung giới, trong khi chờ đợi sự sắp xếp. Nếu họ chạm vào cõi thượng giới, dù chỉ một lúc ngắn ngủi, họ cũng có thể bị dòng năng lực mạnh mẽ cuốn hút theo con đường tiến hóa thông thường, không thể nào cưỡng lại được.
Trong vài truờng hợp rất hiếm, đệ tử được cho phép tránh những phiền toái của sự tái sinh, bằng cách nhập thẳng vào một thể xác người lớn đã bị chủ nhân của nó bỏ phế, dĩ nhiên ít khi có được một thể xác thích hợp.
Rất nhiều trường hợp, đệ tử phải chờ đợi một thời gian khá lâu ở cõi trung giới, cho đến khi có cơ hội thích hợp cho sự tái sinh. Tuy nhiên, đó không phải là thời gian vô ích, vì họ đã hoàn toàn linh hoạt tại cõi này, nên có thể tiếp tục công việc mà Chân Sư giao phó. Họ làm công việc phụng sự hiệu quả và nhanh chóng hơn lúc còn giữ xác thân, và cũng không còn bị sự mệt mỏi làm trở ngại. Tâm thức người đệ tử phát triển gần như hoàn toàn ở cõi trung giới, và họ có thể di chuyển dễ dàng theo ý muốn, xuyên qua mọi cảnh của cõi này.
Tuy ở cõi trung giới không có nhiều đệ tử chờ đợi tái sinh, nhưng thỉnh thoảng ta thấy có sự hiện diện của họ, nên cũng được xem như một thành phần trong các cư dân ở đó. Nhân loại càng ngày càng tiến hóa hơn, và số người bước vào Thánh Đạo càng ngày càng nhiều, thì thành phần đệ tử chờ đợi tái sinh sẽ trở nên đông đúc hơn.
3. Người bình thường sau khi chết.
Thành phần này nhiều gấp triệu lần những thành phần được kể ở trên, họ có đặc tính và điều kiện rất khác biệt nhau. Những người có đặc tính tương tự cũng khác nhau về thời gian mà họ đã trải qua ở trung giới, có người chỉ mới qua đây vài ngày hay vài giờ, có người đã ở đây nhiều năm hay nhiều thế kỷ.
Chỉ người có tinh thần cao thượng và trong sạch mới có thể làm được điều này, vì họ đã chinh phục mọi đam mê thế tục; sức mạnh của ý chí họ hướng về con đường cao cả hơn, và như thế sẽ không còn nhiều năng lực dành cho ham muốn thấp kém cần phải tinh luyện ở cõi trung giới. Do đó thời gian họ phải sống ở cõi này rất ngắn ngủi, và thường thì họ chỉ có phân nửa ý thức như trong giấc mơ cho đến khi chìm vào giấc ngủ say, khi ấy các “nguyên lý”[22] cao của họ sẽ tự giải thoát ra khỏi lớp áo trung giới, và vào đời sống chân phúc cõi thượng giới.
Đối với người chưa bước vào đường phát triển tâm linh thì những gì mô tả ở đoạn trên chỉ là lý tưởng, rất ít người đạt được. Người trung bình không thể nào thoát khỏi hết mọi ham muốn thấp kém trước khi chết, họ cần phải trải qua một thời gian dài ở những cảnh khác nhau của cõi trung giới, có thể thức tỉnh nhiều hay ít, và chờ cho các lực mà họ đã phát ra dần dần tiêu tan để chân ngã được giải thoát.
Sau khi chết, mọi người đều phải trải qua tất cả các cảnh của cõi trung giới, trên đường đến cõi thượng giới, nhưng không nhất thiết là họ ý thức tất cả các cảnh ấy. Thể xác được cấu tạo bằng chất liệu cõi trần với mọi trạng thái: đặc, lỏng, hơi và dĩ thái; giống như thế, thể vía cũng chứa những chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, mặc dù tỷ lệ giữa các chất liệu ấy thay đổi rất lớn tùy theo từng trường hợp.
Ta nên nhớ, ngoài chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, thể vía còn thu hút các tinh hoa chất (elemental essence) tương ứng; trong suốt đời sống của thể vía, tinh hoa chất này tách rời khỏi biển cả tinh hoa chất tương tự ở chung quanh, và trong thời gian ấy nó trở thành một loài tinh linh nhân tạo (artificial elemental). Tạm thời nó có đời sống riêng, và theo đuổi dòng tiến hóa hướng hạ, tức đi sâu vào vật chất, mà không để ý gì đến sự thuận tiện và lợi ích của linh hồn. Điều này tạo nên sự tranh chấp liên tục giữa ý muốn của thể xác và ý muốn của tinh thần, mà các tôn giáo thường đề cập đến.
Dù “luật của những thành viên thường đối nghịch với luật của trí tuệ,”[23] nếu con người tuân theo thay vì kiểm soát nó, sự tiến hóa của họ sẽ bị cản trở nghiêm trọng. Thật ra chính nó không xấu, vì luật là luật! đó chỉ là sự tuôn tràn của năng lực thiêng liêng theo trật tự ấn định, gặp lúc năng lực này trên đường đi xuống tiến sâu vào vật chất, thay vì đi lên rời khỏi vật chất như trong giai đoạn con người.
Khi chết, con người rời khỏi cõi trần, lực phân hủy của thiên nhiên bắt đầu tác động lên thể vía. Khi ấy, loài tinh linh trước đây vẫn bám vào thể vía nhận thấy có nguy cơ đối với đời sống riêng của nó. Để tự vệ, nó cố gắng giữ cho thể vía tồn tại càng lâu càng tốt, bằng cách sắp xếp lại chất liệu cấu tạo nên thể vía thành những lớp vỏ đồng tâm, phần chất liệu của cảnh thấp nhất, tức thô kệch nhất ở ngoài cùng, vì ít bị ảnh hưởng của sự phân hủy nhất.
Sau khi chết, con người phải ở cảnh thấp nhất của cõi trung giới, cho đến khi họ trút bỏ hết các chất liệu thuộc cảnh ấy ra khỏi thể vía. Kế đó tâm thức họ tập trung vào lớp vỏ kế tiếp, lớp vỏ này do chất liệu của cảnh thứ sáu; nói khác đi, họ chuyển sang cảnh kế tiếp, tức cảnh thứ sáu cõi trung giới. Ta có thể nói, khi thể vía không còn bị thu hút bởi một cảnh nào, thì phần lớn chất liệu thô kệch của cảnh ấy bị rơi ra, và thể vía có hấp lực với trạng thái sống cao hơn. Trọng lực của nó giảm dần, và nó được liên tục nâng lên từ tầng lớp đậm đặc đến tầng lớp thanh nhẹ hơn, chỉ ngưng nghỉ trong một lúc khi có sự quân bình.
Sự kiện này giải thích lời các vong linh thường nói trong các buổi cầu hồn rằng họ sắp lên một vùng cao hơn, từ nơi đó họ không thể, hoặc rất khó liên lạc qua đồng cốt. Thật vậy, một người ở cảnh cao nhất của cõi trung giới, hầu như không thể nào liên hệ được với người đồng cốt bình thường.
Ta biết rằng thời gian con người phải ở một cảnh nào của cõi trung giới tùy thuộc vào số lượng chất liệu của cảnh đó trong thể vía, và số lượng chất liệu này được thu hút vào cơ cấu của thể vía do lối sống và những ham muốn của họ khi còn ở cõi trần. Như thế, một người có đời sống trong sạch và tư tưởng thanh cao, sẽ làm giảm chất liệu thuộc những cảnh thấp của cõi trung giới trong thể vía họ, nâng thể vía lên mức độ gọi là “điểm tới hạn”, để khi lực phân hủy vừa bắt đầu tác động sẽ làm tan rã ngay sự kết dính của chất liệu thô kệch, và trả nó về tình trạng nguyên thủy, khi đó con người tức khắc được giải thoát và bước qua cảnh cao hơn.
Đối với người có đời sống hoàn toàn tinh thần, sự kiện nâng cao này có thể đạt được ở tất cả mọi cảnh của cõi trung giới; khi rời bỏ xác thân, họ lập tức đi xuyên qua khỏi cõi này và tâm thức họ thức tỉnh trở lại ở cõi thượng giới. Như đã được giải thích, không có sự phân chia giữa cảnh này với cảnh kia trên phương diện không gian, mà những cảnh xuyên thấu vào nhau. Như thế, khi ta nói một người đi từ cảnh này qua cảnh kia, không có nghĩa là họ di chuyển trong không gian, mà là sự tập trung tâm thức chuyển từ lớp vỏ bên ngoài vào bên trong.
Chỉ những người có dục vọng thấp hèn và thú tính thô bạo, những kẻ nghiện ngập, trác táng… mới thức tỉnh ở cảnh thấp nhất cõi trung giới. Họ phải ở đây lâu hay mau tùy theo sức mạnh của dục vọng, họ thường rất đau khổ vì sức mạnh dục vọng vẫn còn mà không có cách gì để thỏa mãn, vì không còn xác thân, trừ khi họ ám ảnh được một người có bản chất tương tự và thỏa mãn một cách gián tiếp qua người đó.
Đối với một người bình thường, không có gì để giữ họ lại ở cảnh thứ bảy cả. Tuy nhiên, nếu ham muốn và tư tưởng của họ tập trung vào những công việc trần gian, họ thường được ở vào cảnh thứ sáu, và quanh quẩn những nơi và những người mà họ có liên hệ gần gũi ở cõi trần. Cảnh thứ năm và thứ tư có đặc tính tương tự nhau, ngoại trừ khi nâng cao từ cảnh tứ năm lên cảnh thứ tư, sự liên hệ với cõi trần trở nên càng ít đi, và người quá cố tiến dần vào thế giới của tư tưởng.
Cảnh thứ ba có đặc tính khác hẳn, con người sống trong những đô thị tưởng tượng của riêng họ. Khác với cõi thượng giới, mỗi đô thị này không được hoàn toàn tạo ra do tư tưởng của riêng họ, mà họ chỉ thừa hưởng và thêm thắt vào các cấu trúc được tạo nên bởi tư tưởng của những người đi trước. Nơi đây có nhà thờ, trường học và nơi cư trú của những người tin tưởng vào “thế giới trường hạ”, thường được mô tả trong các buổi cầu hồn. Tuy nhiên, đối với một quan sát viên không thành kiến, cảnh tượng này ít thực và ít huy hoàng hơn đối với những cư dân đã tạo ra nó.
Mức độ thức tỉnh của con người ở một cảnh nào đó của cõi trung giới có thể được điều chỉnh. Sau đây là một thí dụ hơi thái quá để chúng ta hiểu được cách thức tác động của sự điều chỉnh này:
Do nghiệp quả kiếp trước, một người tái sinh với thể vía có nhiều chất liệu của cảnh thứ bảy, là cảnh thấp nhất cõi trung giới. Tuy nhiên, lúc còn trẻ trong đời sống hiện tại, người ấy may mắn học được cách kiểm soát tư tưởng, và với sự cố gắng, người ấy có thể loại trừ những khuynh hướng xấu xa. Nếu thành công, những chất liệu thô trược trong thể vía sẽ dần dần được thay thế bằng chất liệu thanh nhẹ hơn. Tiến trình thay thế thường xảy ra chậm chạp, và rất có thể người ấy lại chết, khi việc thay thế mới được nửa chừng. Trong trường hợp này, chất liệu thô kệch của cảnh thứ bảy vẫn còn nhiều trong thể vía, đủ để giữ người ấy ở cảnh thấp nhất cõi trung giới. Tuy trong kiếp sống vừa qua, dù không còn thói quen theo đuổi những ham muốn thấp hèn, người ấy vẫn phải lưu lại cảnh thấp nhất này chờ cho chất liệu thô kệch tan rã hết. Trong thời gian lưu lại ở cảnh thứ bảy, người ấy hoàn toàn không tỉnh thức, như ngủ một giấc dài, và không bị ảnh hưởng khó chịu của cảnh thấp này.
Sau khi chết, người bình thường gần như lúc nào cũng bất tỉnh, họ chỉ tỉnh lại ở cảnh thích hợp, do sự sắp xếp chất liệu thể vía bởi những tinh linh dục vọng (desire-elemental). Họ chỉ có thể cảm nhận được những rung động từ bên ngoài phù hợp với loại chất liệu lớp vỏ ngoài cùng của thể vía do tinh linh sắp xếp, và tầm nhìn của họ bị hạn chế trong cảnh ấy. Con người bằng lòng với sự hạn chế như một phần của cuộc sống mới, thật ra họ không ý thức được sự giới hạn, và tưởng là đã thấy được tất cả, vì họ không biết gì về tinh linh và tác động của chúng.
Khi thấu hiểu Minh Triết Thiêng Liêng, học giả biết sự hạn chế ấy không cần thiết. Họ lập tức kháng cự lại hành động của tinh linh dục vọng, và cố giữ thể vía ở nguyên tình trạng như lúc họ còn sống ở cõi trần, tức những phần tử chất liệu thể vía hòa lẫn nhau và di động tự do. Kết quả là họ có thể cảm nhận đồng loạt rung động từ những chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, và toàn thể cõi trung giới mở rộng trước mắt họ. Họ có thể tự do di chuyển qua mọi cảnh cõi trung giới, như trong lúc còn sống họ đã làm khi xác thân ngủ say, và họ có thể tìm gặp bất cứ ai, ở bất cứ cảnh nào của cõi trung giới.
Cách thức chống với sự sắp xếp lại và duy trì thể vía nguyên tình trạng như trước khi chết, tương tự như sự cố gắng chống lại một ham muốn mạnh mẽ lúc còn sống. Sau khi thể xác chết, với tâm thức mơ màng, tinh linh rất sợ không còn chỗ nương tựa, nó cố truyền sự sợ hãi đó cho con người, làm cho người ấy luôn cảm thấy bất an về một hiểm nguy khó tả, mà họ chỉ có thể tránh được nếu để yên cho thể vía được sắp xếp lại. Nếu họ vẫn cương quyết chống lại cảm giác sợ hãi vô lý ấy bằng cách sử dụng trí tuệ, và bình tĩnh khẳng định rằng không có lý do gì phải sợ, thì họ sẽ làm yếu dần sự đối kháng của tinh linh, giống như họ đã nhiều lần chống lại những ham muốn lúc còn sống. Được vậy, họ trở thành một năng lực sinh động trong suốt đời sống cõi trung giới, họ có thể thực hành công việc cứu trợ kẻ khác như họ thường làm khi tại thế, trong lúc ngủ.
Cũng như ở cõi trần, do thiếu kiến thức, sự giao tiếp giữa những cư dân cõi trung giới thường bị hạn chế. Trong khi những đệ tử sử dụng được năng lực thể trí, có thể giao tiếp bằng tư tưởng một cách nhanh chóng với những cư dân ở đó, bằng cách gây ấn tượng lên trí não họ. Cư dân cõi trung giới thường không thể sử dụng được năng lực tư tưởng này, do đó họ bị giới hạn như ở cõi trần, nhưng ít khắt khe hơn. Kết quả là ta thấy những hội đoàn được thành lập rải rác đó đây, nhiều nhóm người tụ hợp nhau do đồng sở thích, cảm nghĩ, tư tưởng và cùng ngôn ngữ.
Vì thiếu hiểu biết mà trong thi thơ có ý tưởng cho rằng sau khi chết mọi người đều như nhau. Thật ra trong hầu hết mọi trường hợp sau khi rời bỏ xác thân, tính tình và trí tuệ con người không thay đổi, do đó có nhiều cấp bậc trí tuệ khác nhau trong số những người mà ta gọi là đã chết, cũng như những người còn sống.
Các tín ngưỡng bình dân ở Tây phương thường kể một cách rất sai lạc rằng: một người dù thông minh đến đâu, sau khi chết và tỉnh lại ở cõi trung giới, cũng thường cảm thấy mình lú lẫn. Thực sự, người mới rời bỏ xác thân lên cõi trung giới, cảm thấy tình trạng của họ khác xa với những gì mà tín ngưỡng bình dân đã dạy, làm cho họ không tin là mình đã bước qua cửa tử. Hơn nữa, vì tin tưởng vào sự bất tử của linh hồn, nên khi cảm thấy mình vẫn còn ý thức, con người cho đó là bằng chứng rõ rằng họ chưa chết.
Giáo lý khủng khiếp về sự trừng phạt đời đời, hoàn toàn không có nền tảng vững chắc, phải chịu trách nhiệm cho sự sợ hãi đáng thương của những người vừa mới đến cõi trung giới. Trong nhiều trường hợp, họ phải chịu đau khổ tinh thần dữ dội trong một thời gian lâu dài, trước khi họ có thể tự giải thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của lời dọa dẫm khủng khiếp ấy. Cuối cùng, họ mới biết thế giới không bị cai quản bởi những hung thần có tính khí thất thường, khoái trá trước nỗi thống khổ của nhân loại, mà được quản trị bởi luật tiến hóa cao đẹp và từ ái. Nhiều người bình thường sau khi chết, chưa hiểu rõ luật tiến hóa, họ phải trải qua thời gian sống không mục đích ở cõi trung giới, như họ đã trải qua cuộc sống không mục đích ở cõi trần. Cũng như lúc sống, sau khi chết chỉ có một số ít người hiểu được sơ lược mục đích đời người và biết làm gì tốt nhất; số đông chưa hiểu biết, ít khi chịu nghe theo lời hướng dẫn của những người hiểu biết hơn.
Tuy nhiên, dù người đã chết thuộc trình độ trí thức nào, luôn luôn có sự thay đổi, vì hạ trí sẽ được kéo lên trên do bản chất tinh thần tác động từ bên trên, và năng lực dục vọng cố giữ lại từ bên dưới. Như thế, có sự dao động giữa hai lực thu hút ấy, mà lực hướng thượng luôn có khuynh hướng càng ngày càng tăng, trong khi dục vọng thấp hèn sẽ tiêu hao dần.
Sau khi chết, một người ngu dốt, hạ đẳng có thể học hỏi và được nâng cao hơn, nếu tiếp xúc với người đồng đứng đắn trong các buổi cầu hồn có sự kiểm soát của những người đáng tin cậy. Nhưng trong trường hợp người bình thường, sau khi chết, tâm thức được đều đặn nâng từ cảnh thấp lên cảnh cao hơn, thì rõ ràng là không có lợi cho sự tiến hóa, nếu phần thấp đang trong tình trạng vô thức tự nhiên, bị đánh thức và kéo trở xuống để tiếp xúc với trần gian qua đồng cốt. Một điều đặc biệt nguy hiểm là khi phần thấp thường trở lại cõi trần, trong lúc con người thật từ từ rút vào bên trong, với thời gian con người không còn kiểm soát và điều khiển được phần thấp ấy nữa, cuối cùng nó hoàn toàn tách rời và đủ sức gây thêm nghiệp quả, xấu nhiều hơn tốt.
Một sự việc khác, thường xảy ra và có ảnh hưởng làm chậm trễ nghiêm trọng con đường đến thượng giới của những người đã rời bỏ xác thân, đó là sự buồn rầu quá đáng, không kiểm soát được của thân nhân và bạn bè còn ở lại. Do sự hiểu biết sai lầm tai hại và quan điểm phi tôn giáo, hàng bao thế kỷ qua, chúng ta, những người Phương Tây chẳng những tự làm cho mình đau khổ không cần thiết, mà còn làm hại rất nhiều cho người mà ta thương mến, khi họ chỉ tạm thời rời xa chúng ta.
Khi người thân chúng ta từ giã cõi trần, chìm dần một cách tự nhiên và bình an vào vô thức, trước khi tỉnh lại ở cõi trời chân phúc huy hoàng, thì người ấy thường bị đánh thức khỏi giấc mộng êm đềm bởi những kỷ niệm sống động trong cuộc đời thế gian, do tác động của sự đau buồn luyến tiếc từ những người thân còn ở cõi trần. Sự đau buồn này khơi dậy những rung động tương ứng trong thể tình cảm của người quá cố, làm cho người ấy cũng cảm thấy rất đau khổ.
Những ai có bạn bè đã ra đi, cần hiểu biết các điều trên vì lợi ích của người quá cố. Bổn phận người ở lại là tự kiềm chế sự bi thương, dù đó là tình cảm tự nhiên phát xuất từ bên trong, nhưng bản chất vẫn có sự ích kỷ. Những giáo huấn huyền môn này không dạy ta quên hẳn người quá cố, mà nó chỉ gợi ý rằng lòng thương nhớ đối với người thân đã ra đi là một sức mạnh, nếu được hướng đi đúng đường sẽ là năng lực chúc lành, đưa người quá cố bình an vượt qua trạng thái trung gian ở cõi trung giới, và mau đến cõi trời chân phúc. Được vậy sẽ hữu ích cho người đã ra đi, sự phí sức thương tiếc và mong ước người thân trở lại, không những vô ích mà còn có hại. Do khuynh hướng đúng đắn, tự nhiên, mà Ấn Độ Giáo tổ chức lễ Shraddha, và các nhà thờ Thiên Chúa Giáo tổ chức lễ cầu nguyện cho người chết.
Đôi khi, người đã ra đi cũng muốn liên lạc với người còn sống, vì họ có vài điều đặc biệt muốn nói với người ở lại, mà trước khi chết họ không kịp tiết lộ. Những điều tiết lộ của họ đôi khi cũng quan trọng, như chỉ nơi cất giấu tờ di chúc, nhưng thường họ chỉ kể lể những điều nhỏ nhặt. Dù cho điều muốn tiết lộ là gì đi nữa, nhưng nếu nó ám ảnh sâu đậm đến tâm trí người chết, thì họ sẽ không yên lòng khi ý muốn ấy không được thực hiện, và tâm thức họ dễ bị kéo xuống cõi trần, khó thoát lên các cảnh giới cao. Trong trường hợp này, họ có thể được giúp đỡ qua một người thông linh (Psychic) hiểu được họ, hoặc nói hay viết qua trung gian một đồng cốt (medium).
Tại sao vong linh không thể nói hay viết nếu không có đồng cốt làm trung gian? Lý do là khi người chết đang ở một cảnh nào đó của cõi trung giới, thường chỉ có thể tác động lên cảnh thấp hơn kế đó. Thể vía đã loại bỏ hết chất liệu thô kệch thuộc các cảnh thấp hơn, nên họ không thể tạo ra rung động trong vật chất cõi trần để truyền ra không khí thành tiếng nói, và cũng không thể di động được cây viết chì nếu không mượn chất liệu trung gian từ thể phách người đồng; đây là phương cách truyền rung động từ cảnh này qua cảnh kia. Người chết không thể mượn chất liệu từ một người bình thường, vì các thể của người bình thường liên kết nhau rất chặt chẽ, không thể tách rời do ý muốn của người chết. Trái lại ở người đồng, các thể tách rời ra dễ dàng, và người chết có thể mượn chất liệu họ cần dùng từ người đồng để biểu lộ ở cõi trần.
Nếu người chết không thể tìm được người đồng, hay không biết cách sử dụng đồng cốt, đôi khi họ tự cố gắng một cách vụng về và sai lầm để liên lạc với người sống. Với sức mạnh của ý muốn, họ tạo ra năng lực khiến cho các tinh linh tác động một cách mù quáng, khi ấy có thể xảy ra những hiện tượng ngoài ý muốn như ném đá, rung chuông v.v… Thường khi một người có khả năng thông linh hay một người đồng đến nơi đang bị những hiện tượng kể trên phá quấy, dễ khám phá được ý muốn của người chết, và có thể làm chấm dứt sự quấy rầy. Tuy nhiên, các hiện tượng kể trên có thể do những nguyên nhân khác, vì các tinh linh tác động theo những động lực khác nhau.
4. U Hồn (The shade)
Đối với đa số người đời, chỉ cố gắng lấy lệ trong việc loại bỏ những khuynh hướng thấp hèn, họ tự làm cho mình chẳng những phải lưu lại rất lâu ở cõi trung giới , mà còn phải bị “mất một phần hạ trí.”
Đây là cách diễn đạt “cụ thể hóa” về phản ảnh của thượng trí trong hạ trí, nhưng giả thuyết đúng hơn cho biết, trong mỗi kiếp tái sinh, nguyên lý trí tuệ gởi một phần của nó xuống cõi thấp, ta gọi phần ấy là hạ trí, và mong mỏi sẽ thu hồi được nhiều kinh nghiệm gặt hái được từ phần ấy sau khi kiếp sống trần gian chấm dứt. Người bình thường hay chạy theo làm nô lệ cho những ham muốn thấp hèn, nên một phần của hạ trí bị đan chặt vào thể cảm dục (thể vía). Vào lúc chấm dứt cuộc sống cõi trung giới, khi hạ trí tách rời thể vía, thì một phần hạ trí bị “xé rách” và dính lại với thể vía đang tan rã.
Thể vía này gồm có những phần tử chất liệu cõi trung giới, cộng với phần hạ trí còn dính chặt vào đó, khi con người qua cõi trời chân phúc bỏ lại nó, mảnh hạ trí bị tách rời này còn giữ lại được một phần trí tuệ. Tỷ lệ chất liệu thuộc mỗi cảnh của cõi trung giới hiện diện trong thể vía này tùy thuộc vào tình trạng vướng mắc của cái trí với các dục vọng thấp hèn. Khi thể hạ trí chuyển từ cảnh thấp qua cảnh cao, một phần của nó bị kết dính với chất liệu thể vía của cảnh thấp, và trong thể vía còn lại cho thấy có một số chất liệu thô kệch đã thành công trong việc duy trì liên hệ với nó.
Như thế, xuất hiện một thực thể gọi là u hồn (shade), mà nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy nó không phải là con người thật, vì người ấy đã chuyển qua cõi thượng giới. Thực thể này, ngoài hình dáng giống hệt người cũ, nó còn có một ít trí nhớ và những đặc tính nhỏ nhặt cố hữu của người ấy, do đó ta dễ bị nhầm lẫn là người thật, như ở những buổi cầu hồn. Nó không có ý thức về sự mạo nhận, vì cái trí giới hạn, nó chỉ nghĩ được rằng nó chính là cá nhân đó. Bạn bè của người quá cố sẽ ghê sợ khi biết họ đã bị đánh lừa để chấp nhận là bạn, một mớ các bản chất thấp kém nhất, không có linh hồn của người quá cố.
Thời gian u hồn tồn tại tùy thuộc vào số lượng chất liệu hạ trí còn lại làm cho nó sinh động, chất liệu này sẽ giảm dần với thời gian, nên trí khôn của u hồn cũng giảm theo, dù còn vài xảo quyệt thú tính. Đến gần cuối sự sống của nó, u hồn vẫn có thể liên hệ qua đồng cốt bằng cách mượn tạm trí khôn của người đồng. Do bản chất, u hồn rất dễ bị ảnh hưởng bởi mọi lực bất hảo. Vì đã tách rời khỏi chân ngã, trong cơ cấu của nó không còn gì có thể đáp ứng được với điều cao cả, nên nó thường bị các người hắc đạo bậc thấp sử dụng trong những việc nhỏ nhặt. Khi chất liệu thuộc hạ trí dần dần tan rã hết và trở về cõi của nó, u hồn từ từ phai nhạt và trở thành thực thể khác gọi là ma hình.
5. Ma hình (The shell)
Một đặc tính khác của ma hình là nó mù quáng đáp ứng lại một số rung động, thường là rung động thấp hèn, như thường xảy ra ở cuối giai đoạn sống của u hồn. Như thế, nếu người còn nhiều dục vọng hoặc đam mê xấu xa tham dự buổi cầu hồn, sẽ bị các ma hình không ý thức làm cho tính xấu của họ gia tăng.
Ngoài ra có một loại “vỏ” khác cần được kể ra, nó thuộc về giai đoạn khi con người vừa mới chết. Sau khi chết, thể vía rút ra khỏi thể xác và thường nhanh chóng tái sắp xếp, khi ấy thể phách cũng tách rời ra và tan rã từ từ giống như sự tan rã của vỏ thể vía ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên thể phách không trôi nổi đi xa như thể vía, mà nó chỉ quanh quẩn gần thể xác vài thước, và có thể được nhìn thấy bởi những người khá nhậy cảm, đó là đề tài của nhiều câu chuyện ma ở các nghĩa trang. Một người có khả năng linh thị khi đi ngang qua các nghĩa địa, có thể nhìn thấy nhiều hình dạng như sương màu trắng xanh, bay phất phơ bên trên những ngôi mộ mới, cảnh tượng này gây cho người chứng kiến có cảm giác rất khó chịu.
Giống như vỏ thể vía, thể phách hoàn toàn không có ý thức và không có trí khôn, nhưng trong vài trường hợp, nó có thể được làm sống động tạm thời, trở thành một hình thể khủng khiếp bởi vài nghi lễ gớm ghiếc của các nhà hắc thuật hạ đẳng, mà chúng ta càng ít nói đến càng tốt.
Như thế, tiến trình từ lúc chết đến lúc vào cõi trời chân phúc, con người đã cởi bỏ và để cho tan rã dần dần ba thể: xác thân, thể phách và thể vía. Sự tan rã này cho ra những nguyên tố của các cảnh liên hệ, để rồi sẽ được sử dụng lại như những chất liệu mới, bởi nguyên lý hóa học tuyệt diệu trong thiên nhiên.
6. Ma hình được làm sinh động (Vitalized shell)
Lẽ ra thực thể này không được liệt kê chung trong phần nói về nhân loại, vì nó chỉ là lớp áo bên ngoài, thụ động, lớp vỏ không cảm giác, mà đã có lần nó thuộc thành phần con người. Sự sống, trí khôn, ham muốn và ý thích mà nó có được là do các tinh linh nhân tạo làm linh hoạt, và dù do tư tưởng xấu của con người tạo ra, nó cũng không thuộc hàng ngũ nhân loại. Có lẽ chúng ta sẽ đề cập đầy đủ hơn về các ma hình được làm sinh động này trong nhóm những thực thể nhân tạo.
Hầu hết các ma hình đều gây ảnh hưởng xấu, mức độ xấu ác mà nó ảnh hưởng tùy thuộc vào sức mạnh làm nó sinh động. Cũng như các u hồn, nó thường được sử dụng bởi các nhóm hắc thuật hạ đẳng để trù ếm, bùa ngải, như Voodoo hay Obead. Một vài tác giả gọi nó là “âm ma” (elementary), nhưng từ ngữ này được dùng để chỉ nhiều thực thể khác nhau sau khi chết, và ý nghĩa của nó không được rõ ràng, nên chúng ta tránh dùng nó.
7. Người tự tử và ngưòi chết bất thần.
Một người bị tách rời khỏi xác thân một cách vội vã trong lúc còn khỏe mạnh và dồi dào sinh lực, do tai nạn hay do tự tử, sẽ đến cõi trung giới trong tình trạng rất khác biệt với những người chết vì tuổi già hay bệnh hoạn. Chắc hẳn người già và người bệnh lâu ngày, không nhiều thì ít sự ham muốn vật chất ở thế gian cũng giảm bớt, và thể tình cảm của họ loại bỏ rất nhiều chất liệu thô kệch. Sau khi rời bỏ xác thân, những người này thường thức tỉnh ở cảnh thứ sáu hoặc thứ năm cõi trung giới, và có thể còn cao hơn. Các “nguyên lý” (principles) đã chuẩn bị dần cho sự tách rời, nên khi ra đi họ không bị chấn động mạnh.
Trong trường hợp tự tử hoặc chết bất thần, không có sự chuẩn bị như trên, các nguyên lý phải rút ra khỏi thể xác một cách đột ngột, ví như hạt bị tách ra khỏi trái cây chưa chín. Phần lớn chất liệu thô kệch cõi trung giới vẫn còn kết chặt với thể vía, do đó họ sẽ bị giữ lại ở cảnh thứ bảy, tức cảnh thấp nhất cõi trung giới, cảnh này, như đã được miêu tả, không phải là nơi thú vị để sống. Điều đó không có nghĩa là tình trạng của những người phải trải qua một thời gian ở đấy đều giống nhau. Những người đã sống một cuộc đời trong sạch, cao quí, bị chết thình lình do tai nạn, họ không có hấp lực với cảnh đó, và thời gian họ bị bắt buộc phải lưu lại nơi đó được mô tả như: “niềm hạnh phúc vô thức đầy quên lãng, hoặc trong trạng thái ngủ yên đầy mộng đẹp.”
Trái lại nếu ở cõi trần, họ có đời sống thấp hèn, tàn ác, ích kỷ và nuông chiều theo dục vọng, thì họ sẽ có đầy đủ ý thức ở cảnh mà không ai muốn tới. Họ sẽ có thể trở thành những hồn ma bóng quỷ ghê rợn, bị thiêu đốt bởi mọi loại thèm muốn khủng khiếp mà không thể nào được thỏa mãn vì đã mất xác thân. Họ chỉ còn cách thỏa mãn những đam mê bẩn thỉu xuyên qua đồng cốt hoặc bất cứ người nào dễ bị họ ám ảnh. Họ có thể tìm được lạc thú thấp hèn bằng mọi cách gây ảo tưởng mà cõi trung giới sẵn sàng tiếp sức, để xúi giục kẻ bị ám ảnh làm những hành động quá đáng, tai hại.
Sau đây là một đoạn trích dẫn từ những tác giả thời trung cổ viết về đề tài này: “ Những hồn ma liêu trai, nam hay nữ, quyến dụ người nằm mộng ái ân với chúng, những ma quỷ đói khát, đầy dục vọng, tham lam, gian xảo, hung ác và tàn bạo, xúi giục nhũng người bị ám ảnh phạm những tội ác khủng khiếp, và hoan lạc say sưa thế cho chúng.” Những loại ma quái ấy đã được kinh sách Cơ Đốc Giáo mô tả là sự cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên, theo thời gian, sức mạnh của chúng sẽ tàn lụi trước sự trong sạch hóa của thể trí, và chúng sẽ chẳng làm gì được một người bình thường, ngoại trừ người ấy có sẵn tính xấu mà chúng muốn lợi dụng.
Người có nhãn thông, thường thấy những đám vong linh vô phước ấy bám theo các hàng bán thịt, quán rượu, hoặc các nơi tồi tệ hơn, những nơi mà chúng tìm được sự thỏa mãn các dục vọng thấp hèn qua những người nam hay nữ ở thế gian có tính tình giống như chúng. Thật vô phước cho vong linh như vậy nếu gặp đồng cốt hợp với nó, chẳng những làm cho nó kéo dài rất lâu thời gian khủng khiếp ở cảnh thấp cõi trung giới, mà còn có thể thêm sức cho nó tạo thêm nghiệp quả xấu xa, làm cho kiếp tái sinh tương lai trở nên thấp hèn hơn, ngoài ra còn có nguy cơ bị mất phần lớn trí thông minh. Trái lại, nếu may mắn không gặp người dễ thụ cảm với nó để thỏa mãn dục lạc, thì những ham muốn không được thỏa mãn sẽ dần dần tự tan rã, và sự đau khổ nó phải chịu đựng có thể làm giảm bớt các nghiệp quả mà nó đã gây ra trong kiếp vừa qua.
Tình trạng của người tự tử còn phức tạp hơn nhiều, vì hành động thiếu suy nghĩ ấy làm giảm năng lực của chân ngã thu hồi phần thấp của nó về, và có thể đem lại thêm nguy hiểm cho họ. Tuy nhiên tội tự tử khác biệt rất nhiều tùy theo mỗi trường hợp, từ hành động không đáng trách về phương diện luân lý như của Seneca hoặc Socrates, đến mọi cấp độ thấp kém như tự tử để trốn tránh trách nhiệm về tội ác đã gây ra của những hung phạm, và tình trạng sau khi chết của những người tự tử cũng khác nhau.
Những vong linh thuộc loại này cũng như u hồn và ma hình được làm sinh động, đôi khi được gọi chung là “ma cà rồng cơ hội”, vì khi có dịp, chúng thường kéo dài đời sống bằng cách rút sinh lực từ những người mà chúng ảnh hưởng được. Vì vậy mà đồng cốt và những người phụ tá chung quanh thường bị suy yếu và mệt lả sau buổi cầu hồn. Sinh viên huyền môn được dạy cách thức giữ mình, tránh bị những thực thể này thu hút sinh lực. Người thiếu hiểu biết khó tránh khỏi bị tổn hại khi đến gần những nơi chúng tụ họp.
8. Ma cà rồng và ma sói (Vampire and Werewolf)
Chúng ta thuộc giống dân chánh thứ năm, đã tiến hóa khỏi giai đoạn có thể chịu số phận đáng sợ của một trong hai loại vừa kể, gần như những sinh vật này chỉ được nhắc đến trong những truyện cổ tích thời trung cổ. Ngày nay chúng ta có thể biết một vài thí dụ xảy ra ở một chi chủng thuộc giống dân thứ tư ở các nước như Nga Sô và Hung Gia Lợi. Những chuyện cổ tích về đề tài này được truyền khẩu ở thôn quê các nước Đông Âu, và thường bị thêm thắt quá đáng, tuy nhiên cũng có một phần sự thực bên trong. Đặc tính chung của các chuyện ấy đã quá quen thuộc, nên chúng ta chỉ cần nói phớt qua. Chuyện điển hình về ma cà rồng, dù chỉ được trình bày như một chuyện tưởng tượng, là chuyện “Carmilla”, và câu chuyện đáng kinh tởm hơn: “Dracula”. Có một hình thức bất thường khác đáng để ý về sinh vật này được trình bày trong quyển “Nữ Thần Isis Được Tiết Lộ” (Isis Unveiled)
Độc giả Thông Thiên Học cần hiểu: có người hoàn toàn xấu xa, ích kỷ, hung ác và thô bạo, đến nỗi hạ trí của họ vướng mắc hoàn hoàn với dục vọng và tách rời khỏi nguồn gốc tâm linh của chân ngã cao cả. Đời sống xấu xa làm cho người ấy mất hết nhân phẩm, bóp nghẹt các tia sáng của tinh thần, đến nỗi không còn một điểm tốt nào có thể bù lại. Vài môn sinh còn cho rằng ta có thể thường gặp loại người “mất linh hồn” này hàng ngày trên đường phố. May thay điều đó không đúng, tuy có những người hoàn toàn xấu, nhưng chỉ là một thiểu số, và từ hàng ngũ những kẻ hoàn toàn xấu này sinh ra loại ma cà rồng.
Những thực thể tự đánh mất mình như thế sẽ sớm nhận thấy họ không thể ở cõi trung giới được, và họ sẽ bị lôi kéo vào “nơi riêng của họ”, mà không cưỡng lại được, trong tình trạng thức tỉnh hoàn toàn, đó là cõi thứ tám huyền linh (còn gọi là cõi A-tỳ)[25], nơi đây, sau khi chịu đựng những kinh nghiệm, họ bị tan rã từ từ, mà tốt hơn chúng ta không nên nói đến. Khi người như vậy bị chết đột ngột hay tự tử, trong vài trường hợp nếu họ biết về hắc thuật, họ có thể giữ mình khỏi rơi vào số phận hãi hùng ở cõi A-tỳ, và chọn sống đời gớm ghiếc của loại ma cà rồng.
Vì cõi thứ tám không thể “bắt” được họ chừng nào thể xác của họ chưa thật sự chết, nên họ cố giữ xác thân sống cố định trong một tư thế, như người đang xuất thần. Với thể vía được vật chất hóa phân nửa (semi-materialized), họ dùng thủ đoạn gớm ghiếc là đi hút máu người khác, đem về truyền cho cái xác bất động của họ, để duy trì sự sống cho thể xác. Như vậy, họ tạm thời gác lại được vận số cuối cùng bằng cách phạm vào hàng loạt án mạng. Người bình dân tin tưởng khá đúng rằng phương pháp dễ dàng và có hiệu quả nhất là khai quật tử thi và hỏa thiêu, như thế sẽ làm mất điểm tựa của ma cà rồng. Khi ngôi mộ được khai quật thì thấy xác chết còn tươi và quan tài thường dính đầy máu. Ở các nước có phong tục hỏa táng, thì không thể có ma cà rồng.
Ma sói cũng rất kinh khiếp, nhưng do loại nghiệp quả khác với ma cà rồng, ta có thể xếp vào loại cư dân “còn sống” hơn là vào loại “đã chết” của cõi trung giới, vì nó luôn luôn bắt đầu xảy ra trong lúc con người còn đang sống. Người ấy cần phải có một số hiểu biết về huyền thuật, đủ để có thể phóng thể vía ra.
Khi một người rất độc ác và tàn bạo, phóng thể vía ra ngoài, thì có vài trường hợp thể xác của họ có thể bị sử dụng bởi những thực thể khác ở cõi trung giới để hiện hình thành những loại thú hoang, thường là chó sói. Trong hình dạng ấy nó chạy quanh vùng, giết hại các thú vật khác và cả con người, để thỏa mãn sự thèm khát máu tươi cho nó và cho loại ma quỷ đang điều khiển nó.
Trong trường hợp này, như thường xảy ra trong sự hiện hình, bất cứ con sói bị thương tích gì, thì xác thân người ấy cũng bị thương tích như thế, do hiện tượng “phản hưởng” (repercussion). Sau khi thể xác chết, thể vía của người ấy vẫn có thể tiếp tục giữ hình thể cũ, nhưng ít nguy hiểm hơn. Nó không thể hiện hình hoàn toàn, trừ khi nó tìm được một đồng cốt thích hợp. Sự hiện hình này, được kết hợp bởi nhiều chất liệu thuộc thể phách, và chất lỏng cũng như chất hơi thuộc thể xác. Trong cả hai trường hợp, hình thể hiện có thể đi rất xa khỏi xác thân, vì hình thể này có chứa một số chất dĩ thái.
Dân chúng thời hiện tại thuờng nhạo báng những điều mê tín ngớ ngẩn của người dân quê khờ khạo. Tuy nhiên, sinh viên huyền môn phải hết sức cẩn thận, quan sát kỹ lưỡng các chân lý tiềm ẩn, bị quên lãng của thiên nhiên nằm sau các sự việc, và phải thận trọng trong việc chấp nhận cũng như bác bỏ các hiện tượng. Những người có ý định thám hiểm cõi trung giới không cần phải sợ hãi về những thực thể gây phiền toái như được mô tả trong phần này, vì chúng rất hiếm, và may mắn thay với thời gian số lượng cũng giảm dần. Có lẽ do bản chất thích bám víu vào vật chất, trong mọi trường hợp, chúng chỉ hiện diện gần với thể xác chúng.
9. Người ở thế giới xám (The man in the Grey World)
Tôi đã giải thích ma cà rồng và ma sói là những thực thể ở sai thời đại, chúng thuộc về giai đoạn tiến hóa của giống dân trước. Còn một loại khác là hạng người cố bám víu một cách vô vọng vào cuộc sống trần gian, vì họ không biết là có đời sống ở các cõi khác. Vì quá thiên về vật chất, họ không có ý tưởng hay quan niệm về đời sống nào khác ngoài đời sống cõi vật chất, họ sợ hãi một cách điên cuồng khi nhận thấy mình sắp phải lìa bỏ cuộc sống trần gian.
Những người đó cố gắng cuồng nhiệt để được tiếp xúc trở lại với thế gian bằng một hình thức nào đó, nhưng phần đông không thành công và dần dần từ bỏ ý định. Khi bỏ ý định trở lại cõi trần, tự nhiên họ sẽ rơi ngay vào tình trạng vô thức trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tỉnh thức lại ở cõi trung giới. Trái lại, những người kiên trì và có ý chí đủ mạnh, có thể tạm thời thành công trong việc giữ lại ít nhất vài mảnh của thể phách họ, và đôi khi có thể thu hút được những phần tử thuộc thể xác.
Như chúng ta biết, định nghĩa của sự chết là: sự tách rời cuối cùng và trọn vẹn của thể phách ra khỏi thể xác[26], nói khác đi là sự tan rã của thể xác do sự rút lui của phần dĩ thái khỏi phần thấp hơn. Cho nên, khi nào vẫn còn có sự nối liền giữa thể phách và thể xác, thì ta có những tình trạng như: cơ thể giữ nguyên dạng (catalepsy), xuất thần (trance), hoặc hôn mê (anaesthesia); khi sự nối kết bị đứt lìa, ta có tình trạng “chết”.
Lúc chết, con người rút ra khỏi thể xác (thể đậm đặc), họ cũng đem theo luôn thể phách, tức phần dĩ thái của xác thân. Phần dĩ thái của xác thân, mà ta có thói quen gọi là “thể phách”, thật ra chính nó không phải là một “thể”, mà chỉ là một phần của xác thân. Như vậy, khi con người vẫn còn bám vào thể phách, thì họ không thuộc cõi trần, mà cũng không thuộc cõi trung giới. Họ đã mất giác quan của thể xác, trong khi không thể sử dụng được giác quan thể vía, vì họ vẫn còn bị đám mây của thể phách bao bọc. Họ phải sống một thời gian ngắn -- cũng may là chỉ một thời gian ngắn -- trong một thế giới mờ xám rất khó chịu và không yên ổn. Trong thế giới này, họ không thể thấy rõ những gì xảy ra ở cõi trần cũng như ở cõi trung giới, tuy nhiên, đôi khi họ cũng thoáng thấy cả hai, như qua đám sương mù dày đặc, trong đó họ đi lang thang, lạc lõng và bơ vơ.
Không có lý do gì để bất cứ người nào phải chịu khổ như thế. Chỉ vì lúc lâm chung, con người sợ rằng khi mất một phần nhỏ ý thức cuối cùng là sẽ mất đi vĩnh viễn tất cả ý thức, và đối với họ là bị hủy diệt hoàn toàn; vì thế, họ cố bám víu một cách tuyệt vọng vào cái gì còn lại. Tuy nhiên theo thời gian, dù muốn hay không, con người cũng phải để mọi việc trôi chảy, vì thể phách sẽ bắt đầu tan rã, và tự nhiên họ sẽ đi vào một đời sống rộng rãi, đầy đủ và hạnh phúc hơn.
Trong cõi trung giới, đôi khi ta thấy những người như thế trôi nổi khổ sở, và kêu khóc thảm thương. Khuyên giải và thuyết phục họ là một trong những công tác khó khăn của những vị cứu trợ, làm cho họ biết họ chỉ cần quên nỗi sợ hãi, thư dãn các căng thẳng, để cho tâm trí êm ả chìm vào lãng quên và bình an. Hình như tâm trạng của người như thế đối với lời khuyên, gần giống với tâm trạng của người đắm tàu giữa biển khơi đầy sóng gió, được khuyên hãy bỏ cái phao mà họ đang ôm chặt, để tin tưởng vào chính mình.
10. Nhà hắc thuật và đệ tử của họ
Ta có thể chia nhóm người này thành những nhóm phụ, tùy theo mục đích của họ, phương pháp họ áp dụng và thời gian họ ở lại cõi trung giới. Đây không phải là một đề tài hấp dẫn để nghiên cứu, sinh viên huyền môn chỉ cần biết làm cách nào để tránh xa họ. Duy có một điều cần ghi nhận là họ muốn kéo dài sự sống ở cõi trung giới ngoài giới hạn ấn định của thiên nhiên, do hấp thu sinh lực của người khác bằng mọi cách.
B. KHÔNG THUỘC NHÂN LOẠI
Điều khá rõ ràng là thiên nhiên sắp đặt mọi sự vật gần gũi, ảnh hưởng đến chúng ta ở cõi trần, hoàn toàn không phải cho tiện nghi hay lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, những người còn ấu trĩ, nghĩ rằng thế giới này và mọi vật nó chứa đựng đều dành riêng cho họ sử dụng và vì lợi ích của họ. Trong thời đại hiện tại, ta cần loại bỏ ảo tưởng ấy để nhận ra vị trí thích hợp và bổn phận của chúng ta đối với thế giới.
Trong cuộc sống hàng ngày, phần lớn con người vẫn chưa ý thức được điều đó, họ làm nhiều việc tác hại đến những vật chung quanh, nhất là sự ác độc của những người tự cho là văn minh, với mục đích thể thao, đi săn bắn giết hại, gây căm phẫn đối với giới cầm thú. Dù người mới học hỏi chút ít về huyền môn, cũng nên biết mọi sự sống đều thiêng liêng, và nếu không có lòng từ ái thì không thể có tiến bộ thực sự. Khi tiến lên trên đường học hỏi, con người sẽ hiểu biết nhiều hơn về sự tiến hóa, và nhận thức được vị trí khiêm tốn của nhân loại trong toàn thể thiên nhiên.
Con người đã biết rõ đất, nước, không khí nuôi dưỡng vô số hình thức sự sống, mà mắt thường không trông thấy được, nhưng được thấy với kính hiển vi. Cũng giống thế, các cõi cao nối tiếp với cõi trần, chứa đông đảo những cư dân mà bình thường chúng ta không hề biết đến. Khi hiểu biết nhiều hơn, con người sẽ xác quyết rằng sự tiến hóa là điều cần thiết. Dù con người nhận thấy hình như trong thiên nhiên có những lực bị lãng phí hay bị bỏ quên, thật ra đó không phải là kế hoạch của vũ trụ lầm lỗi, mà vì chúng ta chưa hiểu thấu đáo cách thức vận hành của nó.
Trong phần nghiên cứu về các thực thể không thuộc loài người ở cõi trung giới, ta nên để qua một bên những hình thức sơ khai của sự sống vũ trụ, chúng đang tiến hóa theo một đường hướng nào đó mà ta ít hiểu biết về chúng; như những thành phần của nguyên tử, phân tử và tế bào. Loài thấp nhất, tức loài tinh linh, loài này rất đông đúc ở cõi trung giới, mà ta chỉ mới biết được đôi chút, không thể mô tả rõ ràng và đầy đủ chi tiết trong quyển sách nhỏ này.
Cách sắp xếp thuận tiện nhất là chia các thực thể không thuộc nhân loại thành bốn loại. Trong trường hợp này, mỗi loại không phải chỉ là một nhóm nhỏ như ở phần trước, mà là cả một giới to lớn trong thiên nhiên, giống như ở cõi trần ta có giới động vật hoặc giới thực vật. Một số loại có sự tiến hóa thấp kém hơn con người, một số ngang hàng, và một số cao hơn con người rất nhiều về đức tính cũng như về năng lực. Vài loài có cùng đường tiến hóa với nhân loại, có nghĩa là chúng đã hoặc sẽ trở thành con người; vài loại tiến hóa theo đường hướng hoàn toàn khác biệt với đường tiến hóa của ta. (xin xem sơ đồ sự tiến hóa trong quyển “Khía Cạnh Ẩn Khuất của Sự Vật” (The Hidden Side of Things).
Trước khi bắt đầu, để cho đầy đủ, ta cần nêu lên hai sự hạn chế. Thứ nhất, không đề cập đến sự thỉnh thoảng xuất hiện của các vị Chân Sư từ những hành tinh khác trong thái dương hệ, hoặc các vị “Du Khách” đáng tôn kính từ những thế giới xa hơn, vì vấn đề này không thích hợp để mô tả trong một bài tiểu luận dành cho công chúng, vả lại cũng khó giải thích cho người bình thường hiểu vì sao các nhân vật cao cả như thế lại cần biểu hiện ở một cõi thấp như trung giới. Nếu cần làm như vậy vì một lý do đặc biệt, các Vị phải tạm thời tạo ra một thể thích hợp bằng chất liệu thuộc cõi trung giới, giống như trường hợp các vị Ứng Thân.
Thứ nhì, có hai đường tiến hóa lớn khác, hiện tại đang sử dụng chung bầu trái đất với nhân loại, hai đường tiến hóa này không liên hệ gì đến bốn loại được liệt kê trong phần này. Trong giai đoạn hiện tại, những điều có liên quan đến hai đường tiến hóa này đều bị cấm tiết lộ. Hình như trong tình trạng bình thường, họ không ý thức gì đến sự hiện hữu của nhân loại, cũng như nhân loại không ý thức về họ. Rất ít khi chúng ta gặp các vị ấy, nếu có thì chỉ ở cõi trần, vì họ rất ít khi liên hệ đến cõi trung giới. Họ chỉ xuất hiện do sự tình cờ khó xảy ra trong một buổi tế lễ ma thuật, may thay, chỉ có những người phù thủy cao cấp mới thực hiện được. Tuy nhiên, sự tình cờ hiếm hoi đã xảy ra ít nhất một lần, và có thể xảy ra nữa, do đó sự cấm đoán kể trên cần phải ghi vào quyển sách này.
1. Loài tinh hoa chất thuộc đường tiến hóa của chúng ta (The Elemental Essence belonging to our own evolution)
Vì từ ngữ “âm ma” (elementary) đã được nhiều tác giả dùng để chỉ mọi trạng thái của con người sau khi chết, nên từ ngữ “tinh linh” (elemental) được sử dụng trong nhiều trường hợp để chỉ những thực thể không thuộc nhân loại, từ những vị cao cả như Đại Thiên Thần xuống các tinh linh thiên nhiên (nature spirit), đến những loài tinh hoa chất không hình thể thâm nhập vào giới kim thạch. Sau khi đọc qua vài quyển sách, độc giả có thể hoàn toàn bị lạc lối do sự trình bày mâu thuẫn của các danh từ ấy. Trong quyển sách này, chúng ta nên hiểu từ ngữ “tinh hoa chất” (elemental essence) chỉ là tên gọi cho một vài giai đoạn tiến hóa đến “tinh chất chân thần” (monadic essence), mà ta có thể định nghĩa “tinh chất chân thần” là sự tuôn tràn của tinh thần, hay năng lực thiêng liêng vào vật chất.
Trước khi tiến đến loài kim thạch, tinh chất chân thần đi xuyên qua ba loài tinh linh và được truyền thêm năng lượng, khi đó nó được gọi là “tinh hoa chất” (elemental essence). Muốn hiểu bản chất và phương cách nó biểu lộ, ta cần nhận biết cách mà tinh thần tự bao bọc trên đường đi vào vật chất.
Khi tinh thần đang ở một cõi (bất kỳ là cõi nào, hãy gọi là cõi số 1), muốn đi xuống cõi thấp hơn kế cận (hãy gọi là cõi số 2), thì nó phải tự bao bọc bằng chất liệu của cõi số 2. Cũng vậy, khi nó tiếp tục đi xuống cõi số 3, nó phải thu hút chất liệu của cõi số 3 để tạo thành nguyên tử thân thể của nó, hay lớp bao bọc quanh nó. Ở giai đoạn này, phần sinh lực bên trong, gọi tổng quát là linh hồn, không phải là phần tinh thần trong tình trạng ở cõi số 1, mà nó là lực thiêng liêng cộng thêm lớp màn vật chất của cõi số 2. Khi tiếp tục xuống cõi số 4, thì nguyên tử của nó càng trở nên phức tạp hơn, vì nó có một thân thể thuộc chất liệu cõi số 4, được làm sinh động bởi phần tinh thần đã được bao bọc bằng hai lớp màng bằng chất liệu của cõi số 2 và 3. Tiến trình này được lặp lại đối với mỗi cảnh của các cõi trong thái dương hệ, cho đến lúc lực nguyên thủy xuống đến cõi vật chất, thì nó được bao bọc kín đến nỗi con người không còn nhận ra nó là tinh thần nữa.
Theo tiến trình tự bao bọc này, giả sử tinh chất chân thần đã đi xuống đến cảnh thứ nhất cõi thượng giới (tức mức độ nguyên tử cõi thượng giới), thay vì từ đó nó đi xuống từng cảnh của cõi thượng giới (tức cảnh thứ 2, thứ 3…đến thứ 7), nó lại lao trực tiếp xuống cõi trung giới. Nơi đây nó thu nạp chung quanh nó một thể nguyên tử chất liệu cõi trung giới, mà nó là sự sống sinh động ở bên trong. Sự phối hợp này là tinh hoa chất của cõi trung giới, nó thuộc loại thứ ba trong ba loài tinh hoa chất, nếu xếp theo thứ tự thì vị trí của loài tinh hoa chất thứ ba ở ngay trước loài kim thạch. Trong tiến trình phân biệt 2,401 lần của nó ở cõi trung giới, nó thu nạp vào nhiều hợp chất khác nhau từ một số cảnh của cõi này. Nhưng những hợp chất này chỉ tạm thời, và chủ yếu là nó vẫn duy trì cùng một loại, có đặc tính là tinh chất chân thần liên kết với mức độ nguyên tử (cảnh số 1) cõi thượng giới, nhưng biểu hiện qua nguyên tử chất liệu cõi trung giới.
Hai loài tinh hoa chất cao hơn chỉ hiện tồn và hoạt động ở những cảnh cao và thấp cõi thượng giới, nhưng ta không nghiên cứu hai loài này nơi đây.
Ta nhận thấy có một kho vô tận những tinh hoa chất, chứ không phải “một” tinh hoa chất như vài tác giả diễn tả. Chúng vô cùng nhạy cảm đối với mọi thay đổi của tư tưởng con người, chúng đáp ứng một cách rất tinh vi, nhanh chóng từng sát-na[27], đối với một rung động phát ra từ ý muốn hoặc dục vọng của con người, dù ý muốn hay dục vọng này chỉ xảy ra trong vô thức.
Khi chịu ảnh hưởng của tư tưởng hay ý muốn phát ra, tinh hoa chất sẽ được đúc khuôn thành một lực sống động, mà đôi khi nó được mô tả như một tinh linh, khi ấy nó không còn thuộc vào loại mà chúng ta đang đề cập nơi đây, mà thuộc vào nhóm tinh linh nhân tạo. Sự hiện tồn riêng rẽ của tinh linh nhân tạo thường không bền, khi xung động đã tạo nên nó chấm dứt nó trở vào trong khối chưa phân hóa của loại tinh hoa chất đặc biệt mà từ đó nó xuất ra.
Phân loại các loài tinh hoa chất là công việc rất nhàm chán, nếu liệt kê ra cũng rất khó hiểu, ngoại trừ người chuyên nghiên cứu về chúng, có thể gọi chúng hiện ra trước mặt để so sánh. Tuy nhiên muốn hiểu biết một vài loại chính cũng không khó lắm, và điều này rất hữu ích.
Trước hết là cách phân loại tổng quát tùy theo loại chất liệu mà loài tinh hoa chất cư ngụ. Theo đặc tính “thất phân” của sự tiến hóa, chúng được chia thành bảy nhóm chính, liên hệ đến bảy trạng thái của vật chất: đất, nước, không khí, và lửa; chuyển dịch từ biểu tượng thời trung cổ sang từ ngữ hiện đại là: chất đặc, chất lỏng, chất hơi, và 4 trạng thái của chất dĩ thái.
Từ lâu, chúng ta có thói quen thương hại lẫn khinh thường sự thiếu hiểu biết của các nhà luyện kim thời trung cổ, vì họ gọi là “nguyên tố” những chất mà các nhà hóa học hiện đại đã khám phá ra là những hợp chất. Phê bình như thế là bất công quá đáng, vì kiến thức của họ về vấn đề ấy rộng rãi hơn, chớ không hạn hẹp hơn chúng ta. Có thể họ có hoặc không có bảng danh mục của tám hay chín mươi chất mà chúng ta gọi là những nguyên tố, nhưng chắc rằng họ không dùng cùng một tên gọi như chúng ta hiện nay, vì khoa huyền bí học đã dạy họ: theo một ý nghĩa thì chỉ có Một “nguyên chất”, từ đó biến thể ra tất cả mọi hình thức vật chất. Sự thật này đã được một số nhà hóa học nổi tiếng hiện nay bắt đầu nghĩ đến.
Thật ra trong trường hợp đặc biệt này, sự phân tích của các vị tiền bối ấy đã đi vài giai đoạn sâu xa hơn chúng ta. Họ đã hiểu biết và quan sát chất dĩ thái, mà khoa học hiện đại chỉ mới đưa ra giả thuyết. Họ đã nhận biết dĩ thái thuộc vật chất cõi trần, và có bốn trạng thái riêng biệt của chất dĩ thái ở bên trên chất hơi, sự kiện này hiện nay chưa được khám phá ra. Họ biết mọi vật thể ở cõi trần đều gồm có một hoặc nhiều chất liệu thuộc bảy trạng thái này, và mỗi cơ thể sống đều được cấu tạo bằng tất cả bảy trạng thái với mức độ nhiều ít khác nhau. Những câu chuyện về các hỏa tinh, thủy tinh hay “tinh chất” có vẻ kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng thật ra họ dùng những danh từ ấy với ý nghĩa là “những thành phần cấu tạo”, chứ không chỉ các chất không còn có thể phân tách ra được nữa. Họ cũng hiểu mỗi loại vật chất được dùng làm căn bản cho việc biểu lộ một loại tinh chất chân thần đang tiến hóa, do đó họ đặt tên là “tinh hoa chất”.
Theo cách nói của những học giả thời trung cổ, ta nhận thấy trong mỗi phân tử chất đặc đều có chứa một số lượng tinh hoa chất sống động của đất tương ứng, cũng thế, mỗi phân tử của vật chất ở trạng thái lỏng, hơi, và dĩ thái đều chứa tinh hoa chất của nước, không khí, và lửa. Như thế, loài tinh hoa chất thứ ba được phân chia thành nhiều phân loại, và sự phân chia này được xếp theo hàng ngang, mỗi phân loại lại chia thành bảy tiểu phân loại, tất cả khác biệt về độ đậm đặc, tuy mỗi bậc có sự chênh lệch rất nhỏ, như chúng ta cũng thấy rõ là có nhiều độ đậm đặc khác nhau trong các chất đặc, lỏng và hơi.
Ngoài ra, còn sự phân hạng theo chiều dọc, khó hiểu hơn, chỉ có những huyền bí gia mới nắm vững mà thôi. Tuy nhiên, nói một cách tổng quát là ở mỗi phân loại thuộc hàng ngang, ta có thể tìm gặp bảy loài tinh linh hoàn toàn khác nhau, sự khác biệt giữa chúng không còn là vấn đề độ đậm đặc của vật chất, mà chỉ là tính chất và hấp dẫn lực của chúng.
Mỗi chủng loại phản ứng trên các chủng loại khác, nhưng các tinh chất không trộn lẫn. Mỗi chủng loại chia làm bảy phân loại, khác nhau bởi màu sắc đặc biệt do ảnh hưởng từ nguồn gốc của nó. Cách phân chia theo chiều thẳng đứng hoàn toàn khác với cách chia theo chiều ngang, vì nó ổn định và căn bản hơn. Sự tiến hóa của loài tinh hoa chất rất chậm chạp, lần lượt qua những loại và “phân loại” khác nhau theo chiều ngang .
Điều cần nhớ là, sự tiến hóa của loài tinh hoa chất đôi khi được gọi là sự tiến hóa theo chiều đi xuống của vòng cung, tức là tiến sâu và vướng mắc vào vật chất mà ta nhận thấy trong giới kim thạch, thay vì tiến ra xa khỏi vật chất như hầu hết sự tiến hóa khác. Như thế, sự tiến hóa của nó có nghĩa là đi xuống vào trong vật chất, thay vì đi lên những cõi cao hơn. Trước khi hoàn toàn hiểu được mục đích của nó, ta thấy có sự đảo lộn lạ lùng. Nếu học giả không giữ vững ý niệm trên rõ ràng trong trí, họ sẽ bị bối rối bởi những điều khác thường phức tạp ấy.
Mặc dù được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhưng vẫn còn một vài đặc tính chung cho tất cả các loài tinh hoa chất khác nhau. Vì các đặc tính này hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã quen thuộc ở cõi trần, nên rất khó khăn trong việc mô tả chúng cho những người không thể tự quan sát những sinh hoạt của chúng.
Hãy giả thử khi một phần nào đó của tinh hoa chất, trong một lúc hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì từ bên ngoài (điều kiện này rất khó thực hiện), nó không có hình dạng riêng biệt, dù nó vẫn di chuyển nhanh chóng không ngừng nghỉ. Nhưng chỉ một xáo động nhẹ, như khi có một dòng tư tưởng thoáng qua, nó tức khắc bị xáo trộn, thay đổi hình thể, khi ẩn khi hiện nhanh chóng như những bọt trên mặt nước đang sôi.
Nói chung, hình thể của những sinh vật luôn biến dạng ấy, có khi hình người hoặc các loài khác, không cho thấy sự tồn tại riêng rẽ những thực thể trong tinh chất, mà giống như sự thay đổi của những lượn sóng trên mặt hồ lúc gặp cơn gió mạnh thổi qua. Hình như chúng chỉ là phản ảnh từ kho chứa vĩ đại của cõi trung giới, chúng thích ứng đối với đặc tính của dòng tư tưởng tạo ra chúng, mặc dù gần như luôn luôn có những biến dạng kỳ lạ, với những hình dáng kinh dị khó coi.
Một câu hỏi thường được nêu lên: cái trí khôn nào đã tác động trong sự lựa chọn một hình dạng thích hợp, hay sự biến dạng ấy? Nơi đây, ta không đề cập đến loại tinh linh nhân tạo mạnh mẽ và có đời sống lâu dài, được tạo nên bởi một tư tưởng mạnh mẽ chính xác. Ta chỉ xem xét đến kết quả được tạo nên bởi dòng ý thức mơ màng, và những tư tưởng không chủ tâm mà phần đông nhân loại để cho chúng vu vơ lướt qua trí não họ. Như thế, ta thấy rõ là trí khôn tác dụng vào chúng không đến từ cái trí của người suy tưởng, và chắc rằng chính tinh hoa chất cũng không có trí khôn đó, vì chúng thuộc về chủng loại còn lâu mới được cá tính hóa, lâu hơn cả kim thạch, do đó tính chất trí tuệ chưa được thức tỉnh.
Vì chúng có sự thích ứng tuyệt diệu, nên một trong những sách xuất bản ở buổi ban đầu đã mô tả chúng là “những sinh vật nửa tinh khôn của cõi trung giới.” Ta sẽ thấy rõ hơn về năng lực này của chúng trong đoạn nói về tinh linh nhân tạo. Khi đề cập đến một thực thể nhân tạo, hoặc một trong những loại tinh linh thiên nhiên, ta không nên gán cho chúng tính chất tốt hay xấu.
Tuy nhiên, có khuynh hướng và thành kiến cho rằng hầu hết những chi nhánh tinh linh có vẻ thù địch hơn là thân thiện với loài người. Người mới đến cõi trung giới thường có ấn tượng đầu tiên là bị bao vây bởi nhiều ma quái có hình dạng thay đổi, tiến đến gần họ với vẻ hăm dọa, nhưng chúng luôn luôn rút lui hay biến mất mà không gây hại gì, nếu người ấy đối mặt với chúng bằng vẻ tự tin. Những tác giả thời trung cổ cho rằng con người nên cám ơn sự hiện diện của các tinh linh. Vào thời hoàng kim, trước thời mạt pháp hiện nay, nói chung con người ít vị kỷ và hướng về tâm linh nhiều hơn, khi ấy các tinh linh rất thân thiện với con người. Hiện nay không như vậy nữa, vì con người không còn để ý đến chúng, và cũng không có thiện cảm với chúng, cũng như với những sinh vật khác.
Tinh hoa chất đáp ứng một cách rất tinh tế và tuyệt diệu đối với mọi phát xuất dù yếu ớt của tư tưởng hoặc ham muốn, như thế, một cách tổng quát ta thấy phần nhiều loài tinh linh do tư tưởng tập thể của con người tạo nên. Suy nghĩ trong chốc lát, ta sẽ thấy ảnh hưởng lớn lao của tư tưởng tập thể trong thời hiện tại, và sẽ không ngạc nhiên với tư tưởng “con người sẽ gặt hái những gì họ đã gieo”. Tinh hoa chất không có năng lực nhận thức, chúng chỉ mù quáng nhận và phản ảnh lại những gì đã đưa đến chúng, cho nên chúng thường phô bày những đặc tính bất thiện cảm.
Chắc chắn ở những giống dân hoặc cuộc tuần hoàn kế tiếp, con người sẽ tiến hóa cao hơn, khi ấy tư tưởng tốt lành của đa số nhân loại sẽ liên tục ảnh hưởng lên loài tinh linh, làm chúng không còn thù địch với nhân loại nữa, trái lại chúng thuần thục và sẵn sàng trợ giúp con người; cũng vậy, các loài thú vật sẽ hợp tác và trợ giúp con người nhiều hơn. Ta hãy để qua một bên những gì xảy ra trong quá khứ, và hướng nhìn về một thời đại hoàng kim tương lai, lúc mà phần đông nhân loại trở nên cao thượng, không ích kỷ, thì những năng lực thiên nhiên sẽ hợp tác đầy thiện chí với con người.
Vì ta có thể ảnh hưởng đến loài tinh linh, nên ta phải có trách nhiệm đối với chúng, cũng như đối với cách thức mà ta sử dụng ảnh hưởng của chúng. Khi xét đến những điều kiện hiện tồn của các tinh linh, ta thấy rõ chúng bị ảnh hưởng bởi mọi tác động thuộc tư tưởng và dục vọng của tất cả những sinh vật có lý trí đang cư trú trong cùng hệ thống thế giới này, tác động đó là một yếu tố trong sự tiến hóa của chúng.
Bất chấp giáo huấn của các tôn giáo lớn, phần đông nhân loại vẫn hoàn toàn không ý thức gì đến trách nhiệm của họ trên cõi tư tưởng. Người ta thường tự hào về lời nói và hành động của mình không gây hại gì cho người khác, họ tin rằng họ đã làm đúng tất cả những gì mà họ phải làm. Nhưng trên phương diện tư tưởng, trong nhiều năm họ đã gieo rắc ảnh hưởng hẹp hòi, xấu xa đến những người chung quanh, và lấp đầy khoảng không gian chung quanh bằng những sáng tạo bất thiện gây nên bởi những ý tưởng đê hèn. Còn một khía cạnh quan trọng khác của vấn đề này sẽ được thảo luận khi ta bàn về loại tinh linh nhân tạo. Đối với loài tinh hoa chất, ta đã biết rõ rằng ta có đủ năng lực thúc đẩy hoặc làm trì trệ sự tiến hóa của chúng, tùy theo cách mà ta sử dụng tư tưởng, hữu thức hay vô thức, trong cuộc sống hàng ngày.
Khuôn khổ quyển sách nhỏ này không thể giải thích đầy đủ mọi phương cách sử dụng các năng lực khác nhau của loài tinh hoa chất, điều này chỉ có thể thực hiện được bởi người đã được huấn luyện chuyên nghiên cứu về chúng. Phần lớn các buổi tế lễ ma thuật tùy thuộc vào sự điều khiển các tinh linh, hoặc trực tiếp do ý chí của thuật sĩ, hoặc gián tiếp bởi vài thực thể cõi trung giới được gọi đến để sai khiến.
Hầu hết các hiện tượng vật chất trong những buổi cầu hồn đều do các tinh linh gây ra, trong nhiều trường hợp, chúng cũng là tác nhân chính gây ra các hiện tượng ném đá, rung chuông ở những ngôi nhà bị ma ám. Những hiện tượng này có thể do cố gắng vụng về của vong linh còn quyến luyến cõi trần để gợi sự chú ý, hoặc cũng có thể do những trò đùa tinh nghịch của những tinh linh thiên nhiên thuộc hạng thứ ba. Nhưng đừng nghĩ các tinh linh có thể tự chủ động mọi việc, chúng chỉ là năng lực tiềm ẩn, cần có một động lực từ bên ngoài làm cho chúng hoạt động.
Dù mọi loài tinh hoa chất đều có năng lực phản ảnh những hình ảnh cõi trung giới như đã mô tả, nhưng sự bén nhạy của loại này khác với loại kia trong việc tiếp nhận những ấn tượng. Sự kiện này có thể do bản chất tự nhiên của chúng thích hợp với một loại hình thể nào đó, khi bị kích thích đúng tần số thích hợp với chúng, thì hình thể chúng tạo ra có huynh hướng tồn tại lâu hơn bình thường.
Trước khi chấm dứt chương này, độc giả cần lưu ý phân biệt loài tinh hoa chất với tinh chất chân thần[28] biểu hiện qua loài kim thạch. Trong một giai đoạn, tinh chất chân thần biểu hiện qua loài tinh hoa chất, ở giai đoạn kế đó nó biểu hiện qua loài kim thạch. Cả hai thể của tinh chất chân thần trong những giai đoạn tiến hóa khác nhau này đều biểu hiện cùng một lượt và cùng chiếm một vị trí trong không gian, nhưng không ảnh hưởng lẫn nhau.
2. Thể vía của loài thú
Một số ít thú vật nhà đã đạt được cá nhân tính, sẽ không còn tái sinh vào hình hài thú vật nữa, chúng ở lại cõi trung giới lâu hơn và sinh động hơn những thú vật chưa tiến hóa, đến giai đoạn cuối ở cõi trung giới chúng chìm đắm dần vào trạng thái chủ quan, trạng thái này có thể kéo dài khá lâu. Trong “Giáo Lý Bí Truyền” của bà Blavatsky, có đề cập đến thể vía của loài khỉ giống người (anthropoid apes), chúng đã được cá nhân tính hóa, sẵn sàng đầu thai vào hình thể con người ở cuộc tuần hoàn sắp tới, trong đó, có lẽ một số ít sẽ được chuyển kiếp sớm hơn.
3. Loài tinh linh thiên nhiên
Có rất nhiều loài tinh linh thiên nhiên khác nhau, muốn nghiên cứu đầy đủ cần phải có một tác phẩm riêng dành cho đề tài này. Tuy nhiên chúng có những đặc tính chung, mà ta sẽ cố gắng trình bày nơi đây.
Trước nhất, cần phải nhận thức đây là những thực thể hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta đã nghiên cứu trước đây. Mặc dù ta đã xếp tinh hoa chất và thể vía của thú vật vào mục “không thuộc nhân loại,” nhưng tinh chất chân thần sinh động trong chúng, trong tương lai sẽ tiến hóa đến mức độ có thể biểu hiện qua hình thể nhân loại như chúng ta hiện nay. Nếu có thể nhìn lại quá khứ xa xăm về sự tiến hóa của chính chúng ta trong những chu kỳ tuần hoàn trước, ta sẽ thấy nhân thể chúng ta trên đường hướng thượng cũng đã trải qua những giai đoạn tương tự như các loài kể trên.
Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của loài tinh linh thiên nhiên, chúng không phải và sẽ không bao giờ là thành phần của nhân loại. Chúng theo đường tiến hóa hoàn toàn khác hẳn với đường tiến hóa của con người, và chỉ liên hệ với con người do tạm thời cư trú trên cùng một hành tinh. Là láng giềng của nhau, con người có bổn phận đối xử tốt với chúng nếu có dịp gặp nhau. Vì hai đường tiến hóa rất khác biệt, nên rất khó có thể giúp ích được nhiều cho nhau.
Nhiều tác giả đã xếp loại những tinh linh thiên nhiên chung với loài tinh hoa chất, vì chúng là tinh hoa của những hình thức tiến hóa cao hơn. Mặc dù chúng tiến hóa cao hơn loài tinh hoa chất thuộc đường tiến hóa của con người, chúng cũng có vài đặc tính chung với loài tinh hoa chất. Chúng cũng được chia thành bảy chủng loại lớn, cư ngụ, thẩm thấu vào trong bảy trạng thái của vật chất như đã được mô tả cho từng loại tinh hoa chất tương ứng. Để dễ hiểu hơn, ta có thể chia ra: tinh linh của đất, nước, không khí và lửa (hay dĩ thái), đó là những thực thể có trí khôn, cư ngụ và hoạt động trong những môi trường vật chất kể trên.
Một câu hỏi được nêu lên: loại sinh vật nào có thể sống trong chất đặc như tảng đá, hay trong vỏ cứng của quả đất? Câu trả lời là: vì loài tinh linh thiên nhiên được cấu tạo bằng chất liệu cõi trung giới, vật chất như đất, đá không làm ngăn trở sự di động và nhãn quan của chúng, và vật chất ở trạng thái đặc là nguyên tố tự nhiên của chúng, do đó chúng đã quen thuộc và cảm thấy như là nhà của chúng. Cũng giống như thế đối với những tinh linh sống trong nước, không khí và dĩ thái.
Trong các kinh sách thời trung cổ, những tinh linh đất còn được gọi là thổ thần (gnomes), tinh linh nước là thủy thần (undines), tinh linh không khí là không tinh (sylph), tinh linh dĩ thái hay lửa là hỏa thần (salamanders). Trong dân gian, chúng còn được biết với nhiều tên khác như: tiên nữ, chú lùn, thiện thần, tiểu quỷ, yêu tinh, thần mỏ, thần núi, thần rừng, thần ao hồ v.v…có khi nhiều tên được gọi cho cùng một loại.
Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, thường có vẻ giống con người, nhưng nhỏ bé hơn. Giống như hầu hết mọi cư dân cõi trung giới, chúng có thể thay đổi hình dạng theo ý muốn. Tuy nhiên, chúng có hình dạng xác định riêng, đó là hình dạng mà chúng ưa thích, nếu không có mục đích nào cần thay đổi hình dạng, thì chúng trở về hình dạng này. Trong tình trạng bình thường, con người không thể nhìn thấy chúng, nhưng nếu muốn, chúng có khả năng hiện hình để con người có thể thấy được.
Có rất nhiều phân loại hay chủng loại tinh linh thiên nhiên, những cá thể trong mỗi phân loại lại khác nhau về trình độ trí khôn và phẩm chất, giống như đối với nhân loại. Phần đông chúng thích lẩn tránh con người, vì con người có thói quen và sự “tiết xuất” (emanations) làm cho chúng khó chịu. Hơn nữa, những dòng lưu chuyển liên tục cõi trung giới mang theo những lo lắng, những ham muốn không được kiểm soát của con người làm quấy nhiễu chúng. Mặt khác, cũng có những tinh linh thiên nhiên kết bạn với con người và trợ giúp họ trong khả năng của chúng, như trong những câu chuyện về các thiện thần ở Tô Cách Lan, hay những hỏa thần được kể trong các chuyện về thuật giáng ma, thái độ thân thiện này tương đối hiếm.
Trong hầu hết các trường hợp, khi gặp con người, những tinh linh thiên nhiên tỏ ra không chú ý, không thích, hoặc lấy làm thích thú khi dùng những trò bịp bợm trẻ con để đánh lừa con người. Nhiều câu chuyện điển hình như thế được kể lại ở các làng mạc hẻo lánh hay những vùng núi non. Những người thường tham dự các buổi cầu hồn để tìm những hiện tượng lạ, có thể bị chọc phá, thường không có ác ý, điều này cho thấy có sự hiện diện của loại tinh linh thiên nhiên bậc thấp.
Có một sức mạnh lạ lùng trợ giúp tinh linh thiên nhiên trong các trò phá phách ấy, do đó chúng có khả năng làm mê hoặc những người chịu xuôi theo ảnh hưởng của chúng. Khi ấy, nạn nhân tạm thời chỉ nghe và thấy những điều mà các tinh linh này gieo ấn tượng lên họ, giống như trường hợp một người bị thôi miên nghe, thấy, cảm giác và tin tưởng những điều mà nhà thôi miên muốn. Tuy nhiên, các tinh linh thiên nhiên không có năng lực thôi miên để khống chế ý chí con ngưòi, ngoại trừ người tâm trí quá yếu, hoặc người tự buông xuôi để rơi vào tình trạng quá sợ hãi, tạm thời mất ý chí. Chúng không có khả năng đi xa hơn là lường gạt giác quan con người. Chúng là “bậc thầy” trong nghệ thuật này, có những trường hợp chúng mê hoặc được cùng lúc một số đông người. Nhờ sự trợ giúp của chúng mà các nhà ảo thuật Ấn Độ thực hiện được những trò hết sức lạ lùng: trọn cử tọa bị mê hoặc với ảo giác, tưởng mình đã thấy và nghe hàng loạt sự việc mà thật ra chẳng có gì xảy ra.
So với nhân loại ở cõi trần, ta có thể xem các tinh linh thiên nhiên như là nhân loại của cõi trung giới, tuy không có tinh linh nào – dù là bậc cao nhất – có chân ngã trường tồn. Có một điểm khác biệt giữa đường tiến hóa của chúng và của con người là trí tuệ của chúng được mở mang rất nhiều trước khi cá tính hóa. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về những giai đoạn tiến hóa đã qua và sẽ đến của chúng.
Thời gian sống của các phân loại tinh linh thay đổi rất lớn, vài loài có đời sống rất ngắn, vài loài sống lâu hơn con người. Ta hoàn toàn đứng ngoài lề cuộc sống của chúng, cũng như chúng đứng ngoài lề đối với cuộc sống con người, vì thế ta khó có thể hiểu rõ tình trạng cuộc sống của chúng. Nói chung, cuộc sống của chúng có vẻ đơn giản, vui tươi, không có trách nhiệm, chúng giống những đứa trẻ vui đùa, hạnh phúc như sắp bước vào cuộc sống đầy tiện nghi.
Mặc dù hay tinh nghịch và bịp bợm, nhưng chúng ít khi độc ác, trừ khi bị gây hấn bởi những kẻ phá đám, quấy rầy chúng. Một cách tổng quát, chúng có cảm giác nghi ngờ đối với con người, vì thế chúng thường có vẻ bực bội khi có người mới đến cõi trung giới, nên chúng thường hù dọa người ấy bằng cách hiện ra hình dáng khó coi, dễ sợ. Nếu con người tỏ ra không sợ hãi khi đối diện với sự chọc phá, chúng sẽ nhanh chóng coi sự hiện diện của họ như là một điều không mong muốn, nhưng bắt buộc phải chấp nhận và không còn để ý đến nữa. Sau một thời gian, đôi khi cũng có vài tinh linh kết thân với người đến cõi trung giới, và chúng tỏ ra vui vẻ khi gặp lại họ.
Vài hạng tinh linh đứng đắn, ít tinh nghịch hơn, từ hạng này mà ta có các vị thần cấp thấp, thường được dân chúng gọi là thần rừng cây, thần làng mạc (hay thành hoàng)[29]. Những thực thể này rất nhạy cảm và vui thích đối với sự tâng bốc và tôn kính của con người, đáp lại, chúng thường sẵn lòng giúp đỡ dân chúng trong vài việc lặt vặt.
Khi cần, các vị Chân Sư biết cách sử dụng tinh linh thiên nhiên trong công việc hữu ích, nhưng các pháp sư bình thường muốn được chúng trợ giúp phải dùng nghi thức cầu đảo hay triệu thỉnh, những nghi thức này có tính cách gợi sự chú ý của các tinh linh thiên nhiên bởi những lời cầu xin hay thương lượng, hoặc gắng sức tạo ảnh hưởng buộc chúng phải vâng lời. Cả hai phương pháp, cầu xin hay bắt buộc, đều không nên dùng, và phương pháp buộc chúng phải vâng lời lại càng nguy hiểm hơn, vì nó tạo nên lòng căm thù nơi chúng, rất dễ quay ngược lại làm hại vị pháp sư. Người có học về huyền bí học với một Chân Sư đúng nghĩa, không bao giờ được phép thử làm những việc như thế.
4. Các Thiên Thần (The Devas)
So sánh với sự từ bỏ cao cả của vị Ứng Thân (Nirvanakaya), người chấp nhận đi theo đường tiến hóa của Thiên Thần đôi khi bị sách vở cho là “nhượng bộ sự cám dỗ để trở thành Thần Minh”. Câu này không có ý trách móc đối với người đã chọn con đường này, vì các vị không chọn con đường ngắn nhất, mà chọn con đường rất vinh quang. Khi mở mang được trực giác để hối thúc sự tiến bộ trên con đường này, chắc chắn nó rất phù hợp với khả năng của các vị. Nên nhớ, về phương diện tinh thần cũng như vật chất, không phải bất cứ ai cũng có thể chịu đựng được sự căng thẳng khi leo trên con đường quá dốc đứng; đối với phần đông, con đường thoai thoải hơn có thể là khả năng duy nhất. Chúng ta sẽ không xứng đáng là người theo chân các bậc đại Tôn Sư, nếu vì dốt nát mà coi thường những người chọn con đường khác với con đường của chúng ta.
Do thiếu hiểu biết về những khó khăn trong tương lai, ta không thể nào biết trước được sau nhiều kiếp bền chí cố gắng, đến lúc có quyền lựa chọn tương lai của mình, ta sẽ làm thế nào? Đối với người “nhượng bộ sự cám dỗ để trở thành Thần Minh”cũng có một tương lai huy hoàng. Tuy rằng cũng có một ý xấu khi nói “trở thành Thần Minh”, nhưng đối với vị đã tiến hóa cao thì không thể có sự cám dỗ nào lay chuyển được.
Trong những kinh sách Đông Phương, từ “ThiênThần” (Devas) được dùng một cách mơ hồ để chỉ hầu hết các thực thể không thuộc nhân loại, nó bao gồm từ những tinh linh thiên nhiên và các tinh linh nhân tạo chí đến những vị thần thánh cao cả. Tuy nhiên, nơi đây từ “Thiên Thần” được dùng giới hạn để chỉ những vị có trình độ tiến hóa cao.
Dù liên hệ đến địa cầu, nhưng các Thiên Thần không bị hạn chế nơi đây, vì trọn bảy bầu hành tinh trong dãy tiến hóa hiện tại đều là thế giới của các vị, sự tiến hóa của các vị xuyên qua bảy dãy thuộc một hệ thống to lớn. Phần lớn những thành phần trong nhóm của các vị được chọn từ nhân loại thuộc các hệ thống thái dương hệ khác, một số thấp hơn và một số cao hơn thái dương hệ chúng ta. Cho đến nay, chỉ có một số ít nhân loại đã đạt đến trình độ có thể gia nhập hàng ngũ các vị. Tuy vậy, cũng có một vài hạng trong hàng ngũ các vị chưa tiến hóa hơn trình độ của nhân loại.
Hiện tại, ta không thể hiểu rõ về các vị, nhưng có điều ta biết chắc là mục đích con đường tiến hóa của các vị cao siêu hơn mục đích của nhân loại rất nhiều. Có thể nói, mục đích sự tiến hóa theo đường nhân loại là nâng cao một phần nhân loại phát triển tâm linh đến một mức độ nào đó vào cuối cuộc tuần hoàn thứ bảy, trong khi mục đích sự tiến hóa theo đường Thiên Thần là đưa các vị thuộc hạng cao đến một trình độ cao hơn nữa trong cùng một thời hạn. Đối với các vị cũng như đối với chúng ta, có con đường dốc đứng nhưng ngắn hơn đưa đến đỉnh cao tuyệt vời dành cho người cố gắng chân thành.
Như thế chỉ có phần thấp của cơ cấu vĩ đại ấy có liên hệ đến đề tài cõi trung giới của chúng ta. Ba hạng thấp nhất (kể từ dưới lên) thường được gọi là: Cảm Dục Thiên Thần (Kamadevas), Sắc Tướng Thiên Thần (Rupadevas), và Vô Sắc Thiên Thần (Arupadevas). Nếu so sánh với con người, ta có xác thân là thể thấp nhất mà bình thường ta sử dụng, trong khi thể bình thường mà các vị Cảm Dục Thiên Thần sử dụng là thể vía. Như thế, các vị ấy đang ở vị trí mà nhân loại sẽ tiến đến khi qua bầu F[30]. Bình thường, các vị sống trong thể vía, và sẽ chuyển qua sống trong thể trí khi lên cõi cao hơn, như con người sau khi bỏ thể xác sẽ sống trong thể vía. Khi phát triển đầy đủ các vị sẽ sống với nhân thể (causal body), cũng như chúng ta sẽ sống với thể trí.
Cũng giống vậy, thể thông thường của các vị Sắc Tướng Thiên Thần là thể trí, vì các vị cư trú ở bốn cảnh thấp, tức các cảnh sắc tướng của cõi thượng giới. Còn các vị Vô Sắc Thiên Thần cư trú ở ba cảnh cao, tức các cảnh vô sắc tướng của cõi thượng giới, như thế các vị này gần nhất với nhân thể. Rất hiếm khi các vị Sắc Tướng và Vô Sắc Thiên Thần biểu hiện ở cõi trung giới, cũng hiếm như các thực thể cõi trung giới hiện hình tại cõi trần, cho nên chúng ta chỉ cần liệt kê mà thôi.
Đối với hạng thấp nhất, Cảm Dục Thiên Thần, không phải tất cả các vị ấy đều tiến hóa cao hơn chúng ta, vì có một số các vị đến từ nhân loại, trong vài khía cạnh nào đó, còn kém hơn những người có trình độ tâm linh cao. Một cách tổng quát, họ tiến hóa cao hơn phần đông nhân loại, vì các vị đã trừ bỏ tất cả những tính xấu. Giữa các vị cũng có nhiều trình độ rất khác nhau, một người ở thế gian có nếp sống tâm linh cao, tính tình cao thượng, không ích kỷ, có trình độ tiến hóa cao hơn một số các vị ấy.
Một vài loại ma thuật có thể gây sự chú ý của các vị Thiên Thần, nhưng chỉ có những Chân Sư cao cấp mới có thể điều khiển các vị ấy. Thông thường họ rất ít ý thức đến sự có mặt của chúng ta ở cõi trần, song đôi khi những khó khăn của con người được vài vị biết đến, làm khơi dậy lòng thương hại nơi các vị và ra tay giúp đỡ, cũng như con người đôi khi giúp đỡ một con thú đang gặp khó khăn vậy. Nhưng các vị hiểu rõ rằng, trong giai đoạn hiện tại, mọi sự can thiệp vào công việc của nhân loại thường có hại hơn là có lợi. Trên các vị Vô Sắc Thiên Thần còn có bốn cấp bậc lớn hơn, và ngoài thiên giới còn có những vị cao cả hơn mà chúng ta không thể đề cập trong quyển sách này.
Mặc dù không thể xếp các vị ấy vào thứ hạng nào, nhưng nơi đây ta có thể kể đến vài thực thể quan trọng và cao cả, đó là Tứ Đại Thiên Thần (Devarajas). Trong danh từ này, chữ Thiên Thần (Deva) không được sử dụng với ý nghĩa bình thường, vì các Ngài không thuộc giới Thiên Thần. Các Ngài coi sóc bốn loại “nguyên tố”: đất, nước, không khí và lửa, trong đó chứa đựng sự sống của những tinh linh thiên nhiên và các loài tinh hoa chất, các Ngài là bốn vị vua của chúng. Ta không thể biết được theo đường tiến hóa nào mà các vị đạt đến mức độ cao tột về quyền năng và trí tuệ như thế, ta chỉ biết rằng, dường như đường tiến hóa của các vị ấy hoàn toàn không giống với đường tiến hóa của nhân loại.
Sách vở thường mô tả các Ngài như những vị cai quản địa cầu, hay Thiên Thần của bốn phương chánh. Kinh sách Ấn Độ gọi các Ngài là Tứ Đại Thiên Vương, có tên riêng biệt là: Dhritarashtra, Virudhaka, Virupaksha và Vaishravana. Cũng trong quyển sách ấy, bốn đoàn thể tinh linh phụ thuộc các vị đại Thiên Thần này có tên lần lượt là: Gandharvas, Kumbhandas, Nagas và Yakshas, tương ứng với bốn hướng: Đông, Nam, Tây và Bắc; màu sắc biểu tượng là: Trắng, Xanh, Đỏ, Vàng. Trong quyển Giáo Lý Bí Truyền gọi họ là “Những quả cầu có cánh và những bánh xe lửa” (winged globes and fiery wheels). Trong kinh thánh Thiên Chúa Giáo cũng cố gắng mô tả các vị ấy với những danh từ tương tự. Ta có thể gặp các vị ấy trong biểu tượng của hầu hết các tôn giáo, các vị luôn luôn được dành cho một địa vị đáng tôn kính, như là những vị bảo vệ nhân loại.
Các vị đại Thiên Thần này coi sóc nhân quả cho đời sống con người ở địa cầu, và giữ vai trò rất quan trọng cho số mạng con người. Vị Đại Thiên Thần nhân quả của vũ trụ (Giáo Lý Bí Truyền gọi là Nghiệp Quả Tinh Quân “Lipika”)[31] cân nhắc, ghi chép hành vi của từng cá nhân vào lúc cuối giai đoạn sống ở cõi trung giới, khi ấy các thể phân ly nhau, để đến khi con người sắp tái sinh, Ngài tạo ra nhị xác thân (hay thể phách: etheric double) như là cái khuôn thích hợp cho xác thân mới. Nhưng công việc tạo ra khuôn thể phách này được thi hành do vị Đại Thiên Vương cai quản những tinh linh, kết hợp và sắp xếp với tỷ lệ các chất liệu theo đúng chủ ý của vị Nghiệp Quả Tinh Quân.
Chính các vị này luôn theo dõi suốt cuộc đời con người, để làm cân bằng lại những thay đổi không ngừng xảy ra trong cuộc sống, do sự tự do ý chí của chính con người và của những người chung quanh. Do đó, không bao giờ có sự bất công, và nghiệp quả được thể hiện chính xác bằng cách này hay cách khác. Các vị cao cả này có khả năng hiện thân thành hình dáng con người, nếu muốn, có một số trường hợp như vậy đã được ghi nhận. Trong Giáo Lý Bí Truyền có diễn tả khá đầy đủ về các vị.
Tất cả các tinh linh thiên nhiên thuộc hạng cao và nhóm tinh linh nhân tạo đều hành động như người thừa hành trong những công tác kỳ diệu, mọi sự chỉ huy và trách nhiệm đều nằm trong tay các Thiên Thần. Rất ít khi các vị biểu hiện ở cõi trung giới, nhưng khi có sự hiện diện của các vị, thật là một sự kiện đáng chú ý. Sinh viên huyền môn đều biết rằng có bảy đại chủng loại tinh linh thiên nhiên và bảy đại chủng loại tinh hoa chất, như thế cũng có bảy cấp bậc Đại Thiên Thần chứ không phải chỉ có bốn, nhưng ba đại Thiên Thần cấp bậc quá cao, vượt ngoài hệ thống điểm đạo, ít được biết và nhắc đến trong kinh sách.
C . NHÂN TẠO
Đây là loại lớn nhất trong số những thực thể cõi trung giới, và cũng là những thực thể quan trọng nhất đối với con người. Những thực thể này hoàn toàn do con người tạo ra, nên có liên quan tương tác lẫn nhau do sự trói buộc của nhân quả, chúng tác động trực tiếp và liên tục lên con người. Đó là một khối to lớn những thực thể đơn sơ, có một phần trí tuệ, chúng khác biệt với nhau như sự khác biệt của tư tưởng con người, trên thực tế ta không thể nào sắp xếp hay phân loại chúng. Sự phân chia duy nhất và hữu ích có thể thực hiện được là phân biệt loài tinh linh nhân tạo do phần đông nhân loại không ý thức tạo ra, và loài tinh linh nhân tạo do các thuật sĩ cố ý tạo ra. Ngoài ra có một số ít thực thể nhân tạo, không phải là tinh linh được xếp vào loại thứ ba.
1. Loài tinh linh do vô ý tạo ra
Có rất nhiều loài tinh hoa chất bao bọc chung quanh con người, chúng rất nhạy cảm với tư tưởng con người. Tư tưởng thường ngày của con người đi lang thang và tác động vào loài tinh hoa chất, làm bùng lên thành một đám mây di động nhanh chóng, tạo ra những hình dạng mau phai nhạt như đã được mô tả. Bây giờ ta xét đến những tư tưởng hay ước muốn mạnh mẽ, có chủ đích xác định, ảnh hưởng thế nào đối với tinh hoa chất?
Tư tuởng mạnh mẽ, có chủ đích rõ rệt, gây ra ảnh hưởng có bản chất rất nổi bật. Tư tưởng bám lấy tinh chất mềm dẻo, tức khắc khuôn đúc chúng thành một thực thể sống động với hình thể thích hợp. Khi thực thể được tạo ra, sẽ không còn dưới sự kiểm soát của người tạo ra nữa. Nó có đời sống riêng biệt, thời gian tồn tại tỷ lệ với cường độ của tư tưởng hay ước muốn đã tạo ra nó, và sự tồn tại này kéo dài đến khi nào tư tưởng còn đủ mạnh để giữ chúng. Hầu hết tư tưởng con người quá yếu và không dứt khoát, nên những tinh linh được tạo ra chỉ tồn tại vài phút hoặc vài giờ, nhưng một tư tưởng thường được lặp lại, hay một ước muốn chân thành sẽ tạo nên tinh linh tồn tại trong nhiều ngày.
Vì tư tưởng của người bình thường chỉ chú trọng cho riêng mình, nên những tinh linh được tạo ra cũng lảng vảng quanh họ. Những tinh linh này luôn luôn có khuynh hướng khơi dậy trong trí con người, để họ lặp lại ý tưởng giống như ý tưởng đã tạo ra chúng, vì khi lặp lại ý tưởng cũ, thay vì tạo ra tinh linh mới, nó chỉ củng cố thêm sinh lực cho tinh linh đã có sẵn. Nếu một người thường xuyên ước muốn điều gì, sẽ tạo ra ở trung giới một thực thể luôn luôn sinh động, vì nó tiếp tục được nuôi dưỡng bởi cùng một tư tưởng càng ngày càng tươi mới hơn. Càng được nuôi dưỡng, thực thể này càng mạnh thêm và ảnh hưởng ngược lại người ấy, nó có thể ám ảnh người ấy qua nhiều năm. Nếu là điều ước muốn xấu xa, sẽ gây ảnh hưởng tệ hại đến bản chất đạo đức của người ấy.
Ngoài ảnh hưởng lên chính họ, tư tưởng của một người cũng có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đối với người khác. Trong trường hợp này, tinh linh được tạo ra không những chỉ bay lơ lửng quanh người đã tạo ra nó, mà còn lảng vảng quanh đối tượng được người ấy nghĩ đến. Một tư tưởng tốt, hay một sự chúc lành chân thành cho một người nào, sẽ tạo ra và phóng đến người ấy một tinh linh nhân tạo thân thiện. Nếu điều chúc lành có mục đích xác định, như muốn cho người bạn được khỏi bệnh, thì tinh linh được tạo ra sẽ là một lực luôn bay lượn lẩn quẩn bên người bạn, trợ lực cho bạn chóng bình phục, và che chở cho bạn khỏi ảnh hưởng xấu. Đó là việc làm khôn ngoan và biết thích ứng trong cách sử dụng tư tưởng. Thật ra đó chỉ là cách dùng một lực, để nó tác động theo đường lối ít bị cản trở nhất, gây áp lực liên tục theo một chiều hướng, và tìm bất cứ con đường nào thuận lợi nhất, cũng như nước trong một bể chứa lớn, tìm một đường ống còn mở trong hàng tá đường ống đã khóa kín, để thoát ra ngoài.
Nếu điều ước muốn không xác định, mà chỉ là sự tốt đẹp tổng quát, với đặc tính mềm dẻo tuyệt vời, tinh hoa chất sẽ đáp ứng đúng với ý tưởng không rõ ràng ấy, và thực thể được tạo ra sẽ tiêu dùng lực của nó theo bất cứ chiều hướng nào có lợi cho người mà nó gặp. Trong mọi trường hợp, sức mạnh của lực nó phải tiêu dùng, và thời gian nó tồn tại để sử dụng lực ấy, tùy thuộc hoàn toàn vào sức mạnh của sự ước muốn hay tư tưởng đầu tiên đã tạo ra nó. Nó có thể được tiếp sức làm cho mạnh thêm, và kéo dài đời sống bởi những ước muốn tốt đẹp hay những tư tưởng thân thiện cùng chiều hướng.
Cũng như hầu hết các thực thể khác, nó dường như được thúc đẩy bởi bản năng muốn kéo dài sự sống, vì thế nó tác động lên người tạo ra nó, làm cho họ luôn trở lại cùng một ý tưởng ban đầu. Nó cũng tạo ảnh hưởng tương tự đối với những người mà nó tình cờ gặp, dĩ nhiên sự liên hệ này không được hoàn toàn.
Trong chiều hướng ngược lại, những ước muốn xấu xa hay những tư tưởng giận dữ, cũng tạo nên cùng một đáp ứng của tinh hoa chất giống như trên. Nếu kể đến khối lượng những đố kỵ, căm thù, hiểm độc và mọi sự bất nhân trên thế giới, ta sẽ hiểu được tại sao trong số những tinh linh nhân tạo, có quá nhiều sinh vật thật khủng khiếp. Một người có tư tưởng đầy thù hận, tàn bạo, vật dục, tham lam, khi di chuyển mang theo một bầu không khí độc hại, chứa đầy những thực thể ghê gớm do họ đã tạo ra và trở thành bạn đồng hành với họ. Không những chính họ là người xấu xa đáng buồn, mà còn nguy hiểm và phiền phức cho người chung quanh, gây ảnh hưởng xấu cho những ai vô phước tiếp xúc với họ, vì có thể bị truyền nhiễm bởi những điều xấu xa bao quanh họ.
Một tư tưởng đố kỵ, ghen ghét hay thù hận đối với người khác, sẽ gửi tinh linh nhân tạo xấu xa, lảng vảng chung quanh người đó và tìm điểm yếu để xâm nhập. Nếu tư tưởng xấu ấy vẫn còn tiếp tục, sinh vật ấy sẽ luôn được nuôi dưỡng và tồn tại lâu. Tuy nhiên, nó chỉ làm hại được khi người ấy có sẵn ý tưởng xấu làm điểm tựa tương ứng. Nếu gặp hào quang tốt đẹp của một người có tư tưởng trong sạch và nếp sống thanh khiết, nó không thể bám vào hay xâm nhập được. Theo luật phản hồi, nó quay trở lại người tạo ra, với tất cả sức mạnh tai hại.
Vì nhiều lý do, thỉnh thoảng có một tinh linh nhân tạo không thể tác động được trên người mà nó nhắm đến hay trên người tạo ra nó. Trong trường hợp này nó trở thành một yêu quái lang thang, sẵn sàng bị thu hút bởi người có tư tưởng giống như nó, khi ấy nó có thể kích thích tư tưởng của người ấy để rút thêm sinh lực cho chính nó, hoặc tuôn đổ những sự xấu xa mà nó chứa đựng vào người ấy qua những khuyết điểm của anh ta. Nếu nó có đủ sức mạnh để chiếm cứ một ma hình nào, thường thì nó sẽ nắm lấy cơ hội, vì sự chiếm đoạt được chỗ cư trú tạm thời giúp nó bảo toàn được năng lực khủng khiếp của nó. Trong hình thể ấy, nó có thể biểu hiện qua một đồng cốt và giả danh một người nổi tiếng để có ảnh hưởng đến quần chúng.
Những điều trên đây cho thấy rằng chúng ta phải thận trọng trong việc kiểm soát tư tưởng. Có người tỏ ra tốt bụng trong lời nói và hành động, nhưng lại thả cho tư tưởng lang thang hỗn loạn, vì nghĩ rằng tư tưởng là của riêng họ chứ không liên quan đến kẻ khác. Họ không biết là họ đã phóng vào thế giới một đám sinh vật bất thường. Những người này cần hiểu biết về hiệu quả của tư tưởng và sự ham muốn, cũng như về sự sinh hoạt của những tinh linh nhân tạo do tư tưởng và lòng ham muốn tạo ra.
Mặt khác, hiểu biết được những điều này là niềm an ủi cho những người biết ơn, muốn đền đáp kẻ thi ân mà không có phương tiện, không biết làm cách nào để trả ơn. Dù nghèo hay giàu, ai cũng có thể tạo được tư tưởng tốt đẹp để gửi đến người mà họ thương yêu, ở bất cứ nơi nào.
Nhiều khi tư tưởng thương yêu của người mẹ và lời cầu nguyện đã biến thành một thiên thần hộ mệnh, giúp đỡ và bảo vệ đứa con, trừ trường hợp gần như không thể có, là đứa trẻ không có bản năng đáp ứng với ảnh hưởng tốt. Người có nhãn thông có thể thấy những thiên thần như vậy, có trường hợp một trong các vị thiên thần này có đủ năng lực hiện hình trong chốc lát cho người thường có thể thấy được.
Một sự kiện lạ đáng ghi nhận nơi đây là một bà mẹ sau khi đã bước vào cõi trời chân phúc, tình thương bà tuôn tràn đến các đứa con mà bà tưởng là vẫn ở quanh bà, có tác dụng đến các đứa con còn ở cõi trần, và nó thường thêm sức cho vị thần hộ mạng mà bà đã tạo ra khi còn tại thế, cho đến khi những đứa con ấy qua đời. Bà Blavatsky có nói: “Tình thương của người mẹ luôn luôn được các con cảm nhận trong cơ thể, nó cũng thể hiện trong những giấc mơ của chúng, và thường là yếu tố bảo vệ để thoát nạn trong mọi biến cố, vì tình thương là cái khiên che chở chắc chắn, vượt không gian và thời gian.” (Chìa Khóa Thông Thiên Học). Tuy nhiên, mọi câu chuyện về Thiên Thần hộ mệnh, không phải đều do tác động của tinh linh nhân tạo, có nhiều trường hợp vị “thần” ấy là một người vẫn còn sống hay vừa từ giã cõi trần, và đôi khi, tuy rất hiếm, cũng có thể là một vị Thiên Thần (Devas). (xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”)
Sức mạnh của sự ham muốn chân thành, đặc biệt là nếu được lặp lại thường xuyên, sẽ tạo ra một tinh linh sống động, luôn cố gắng theo chiều hướng đạt được mục đích. Đó là cách giải thích khoa học cho người sùng đạo nhưng kém hiểu biết, gọi là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện. Có trường hợp mà nghiệp quả của người cầu xin có thể cho họ được hưởng sự giúp đỡ trực tiếp của một vị Chân Sư hay đệ tử của Ngài, hiếm hơn nữa là sự can thiệp của một vị Thiên Thần hay vài tinh linh thiên nhiên thân thiện. Trong các trường hợp như vậy, cách dễ nhất để trợ giúp là làm tăng thêm sức mạnh của tinh linh nhân tạo đã được sinh ra bởi ước muốn của người cầu nguyện, hoặc hướng dẫn tinh linh này đi theo một hướng khôn ngoan hơn.
Một trường hợp lạ lùng về sự tồn tại rất lâu của loài tinh linh nhân tạo trong điều kiện thuận lợi, đã được một trong những người nghiên cứu của nhóm chúng tôi ghi nhận. Những ai đã đọc qua các sách về đề tài này đều biết có nhiều gia tộc xưa ở Anh quốc có truyền thống là được báo trước ngày chết của một người nào đó trong gia đình. Thường vài ngày trước khi một người trong gia đình chết, có hiện tượng lạ xảy ra. Một thí dụ điển hình là câu chuyện về con chim trắng của Oxenhams, sự xuất hiện của nó được nữ hoàng Elizabeth ghi nhận rằng đó là điềm báo trước sự ra đi của một thành viên trong gia tộc. Một thí dụ khác là bóng ma của một chiếc xe ngựa được nhìn thấy chạy lên cửa của một lâu đài ở hướng bắc khi một tai họa gần kề.
Một hiện tượng tương tự xảy ra cho gia đình một hội viên, hiện tượng này xảy ra thường hơn, nhưng không rõ rệt như những trường hợp kể trên. Đó chỉ là âm thanh trang trọng của một bài nhạc truy điệu buồn, được nghe văng vẳng trong không gian, ba ngày trước khi có người qua đời. Người hội viên này đã nghe được hai lần âm thanh huyền bí ấy, và cả hai trường hợp điềm báo đều chính xác. Người ấy cũng biết rằng, theo truyền thống gia đình, sự việc ấy đã xảy ra từ nhiều thế kỷ. Điều này thúc đẩy người ấy tìm hiểu nguyên nhân ẩn tàng của hiện tượng lạ lùng đó bằng phương pháp huyền môn.
Kết quả ngoài sự mong đợi, nhưng rất đáng chú ý. Đó là vào thời xa xưa khoảng thế kỷ thứ mười hai, một người trưởng tộc đã tham dự vào cuộc viễn chinh của thập tự quân. Để khuyến khích mình trong trận thánh chiến, ông đem theo đứa con trai út mà ông thương nhất, với lòng mong ước đứa trẻ sẽ thành công trong tương lai. Rủi thay, đứa trẻ bị tử trận, làm người cha rất đau khổ, thất vọng, vì mất con và mất cả đời sống trẻ trung đầy hứa hẹn của nó.
Quá đau buồn, người cha từ bỏ chiến bào, hiến thân vào tu viện với ý nguyện dâng hiến trọn cuộc đời còn lại để cầu nguyện, trước là cho linh hồn con ông, và thứ đến là sẽ không có người hậu duệ nào gặp phải sự nguy hiểm kinh khủng là chết mà không được báo trước. Ngày qua ngày, trong nhiều năm ông đã dùng tất cả năng lực tinh thần cho lòng ước muốn mạnh mẽ ấy. Ông có lòng tin vững chắc rằng bằng cách này hay cách khác, kết quả của sự mong muốn ấy sẽ được thực hiện.
Người có học khoa huyền bí đều biết kết quả tạo ra bởi một tư tưởng xác định và lâu dài. Vị tu sĩ ấy đã tạo nên một tinh linh nhân tạo có năng lực vô biên để thực hiện mục đích đặc biệt, tinh linh được tạo ra này đã tích trữ một kho năng lực dồi dào giúp nó hoàn thành lời ước nguyện đến một thời gian vô tận. Một tinh linh nhân tạo giống như một “bình nạp điện” hoàn hảo, không dò rỉ. Trong trường hợp này năng lượng ban đầu được tích trữ rất nhiều, mà cách nó sử dụng tương đối ít, cho nên đến bây giờ nó vẫn còn sống động, và có thể báo trước cho các hậu duệ của người chiến binh Thập Tự Giá ngày sắp lìa trần, bằng cách lặp lại bài hát chiêu hồn tử sĩ cho đứa con đã tử trận 800 năm trước tại Palestine.
2. Loài tinh linh do cố ý tạo ra
Những tinh linh nhân tạo được mô tả ở trên đều do sức mạnh của tư tưởng tạo ra, mà người tạo ra nó không hề biết đến. Nếu một thuật sĩ hiểu rõ vấn đề, ông ta có thể cố ý tạo ra và sử dụng một sức mạnh rất lớn theo đường lối ích kỷ của ông. Sự thật là các nhà huyền môn thuộc bạch phái (chánh đạo), cũng như hắc phái (tà đạo) đều sử dụng tinh linh nhân tạo trong công việc của họ. Khi một tinh linh nhân tạo được tạo ra một cách khoa học, và được điều khiển khéo léo thì ít khi nó bị thất bại trong công tác. Người hiểu biết rõ việc này thường giữ sự liên hệ với tinh linh mà họ đã tạo ra và điều khiển nó dù ở rất xa, như vậy nó vẫn có thể hoạt động khôn ngoan như chủ của nó.
Đôi khi một “Thiên Thần” hộ mệnh cũng được tạo ra theo cách thức này, tuy nhiên còn tùy theo nhân quả, đến lúc phải trả nghiệp quả thì hiếm khi vị “Thiên Thần” hộ mệnh này có thể can thiệp được. Trường hợp đệ tử của các Chân Sư đang làm việc phụng sự cho các Ngài, không đủ sức đuơng đầu với sự tấn công của những lực lượng xấu, thì các Ngài có thể gởi một vị thần hộ mạng năng lực mạnh mẽ, thường trực bảo vệ người đệ tử.
Những người hắc phái cao cấp cũng có thể tạo ra tinh linh có năng lực rất lớn, gây ra nhiều tội ác. Tuy nhiên cũng giống như loại tinh linh do vô ý tạo ra, khi không hại được đối tượng có đời sống trong sạch đạo đức, thì chúng sẽ quay lại với một sức mạnh khủng khiếp hại người đã tạo ra chúng. Như thế, câu chuyện về một thù thủy thời trung cổ bị tà ma do chính ông ta tạo ra và nuôi nấng, xé xác ra từng mảnh, không phải hoàn toàn hoang tưởng mà có căn bản xác định. Một trường hợp điển hình của định luật này đã xảy ra trước đây trong thời gian đương nhiệm của vị hội trưởng trước.
Vì nhiều nguyên do khác nhau, đôi khi tinh linh nhân tạo thoát khỏi sự kiểm soát của người muốn sử dụng chúng, và trở thành yêu tinh lang thang không mục đích, như đã được đề cập ở phần trước. Tuy nhiên, loại mà chúng ta đang đề cập nơi đây có nhiều trí khôn, năng lực và đời sống kéo dài hơn, và cũng nguy hiểm hơn. Chúng luôn tìm cách để kéo dài thêm đời sống, bằng cách hút sinh lực con người, giống như ma cà rồng hút máu, hoặc gây ảnh hưởng để con người cung cấp sinh lực cho chúng. Ở các bộ lạc bán khai, do có một phần trí khôn, chúng thường thành công trong việc làm cho dân chúng chấp nhận như những thần linh của làng mạc hay gia đình.
Cấp thấp và đáng ghê tởm nhất của các thần linh thuộc loại này thường đòi hỏi sự cúng tế có máu. Những cấp ít xấu hơn, có khi bằng lòng với vật thực cúng tế như cơm gạo và các thức ăn nấu chín đủ loại. Hiện tại ở Ấn Độ cũng còn vài nơi thờ cúng những vị thần kể trên, và ở Phi Châu tương đối còn nhiều hơn.
Do thụ hưởng những vật thực cúng tế, và cũng do sinh lực rút ra được từ những người ngưỡng mộ, chúng có thể tiếp tục kéo dài sự sống đến nhiều năm hay nhiều thế kỷ, và vẫn còn đủ năng lực thực hiện vài hiện tượng thấp thỏi, để kích thích lòng tin và sự sốt sắng của dân làng. Chúng cũng tỏ ra khó chịu bằng cách này hay cách khác, khi sự dâng cúng thường lệ bị lãng quên. Thí dụ ở một làng nọ của xứ Ấn Độ, dân chúng thấy rằng vì một lý do nào đó họ không dâng cúng vị thần trong làng như thường lệ, thì một chòi tranh trong làng tự nhiên bị bốc cháy, đôi khi ba hay bốn cái bốc cháy một lượt, mà họ không thể nghi ngờ là do con người gây ra. Những câu chuyện tương tự cũng được thấy ở khắp các miền thôn dã xa xôi của mọi quốc gia.
Các thuật sĩ thời Atlantis có kỹ thuật đặc biệt tạo ra các tinh linh nhân tạo mạnh mẽ và độc hại, đó là những vị “thần mặt đen.” Trong “Giáo Lý Bí Truyền” có kể một thí dụ về những con thú lạ lùng biết nói ở châu Atlantis, chúng chỉ chịu yên lặng khi được dâng máu tươi, chúng đánh thức chủ của chúng và báo động về nguy cơ bị hủy diệt sắp xảy ra. Ngoài những con thú lạ kỳ ấy, họ còn tạo ra những thực thể nhân tạo có sức mạnh kinh khủng, mà một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù đã trải qua hơn mười một ngàn năm kể từ khi tai họa khủng khiếp đã nhận chìm các chủ nhân của chúng. Một nữ thần khủng khiếp của Ấn Độ, nữ thần Kali đáng kinh khiếp, thường xúi giục những người tôn sùng phạm tội ác giết người cướp của, cho đến ngày nay cũng còn được sùng bái bằng những nghi lễ rất ghê sợ. Đây là di tích còn lại của một cơ cấu đã bị tiêu diệt, với cái giá của sự nhận chìm một lục địa (châu Atlantic) với 65 triệu người.
3. Con người nhân tạo
Loại thực thể này rất ít, chỉ vài cá nhân, nhưng có liên hệ đến một trong những phong trào rất quan trọng của thời hiện tại. Những thực thể này tuy đúng là con người, nhưng không được xếp theo nhóm nhân loại, vì đã từ lâu bị loại ra khỏi đường tiến hóa bình thường. Loại này hoàn toàn là sản phẩm của ý chí từ bên ngoài, nên được xếp vào hàng những thực thể nhân tạo.
Cách dễ nhất để mô tả chúng là bắt đầu xét về lịch sử của chúng, như thế, ta cần trở về thời của giống dân Atlantic. Sự kiện quan trọng vào thời ấy là có sự hiện diện của các vị Chân Sư và các trường phái huyền bí, nhưng vào giai đoạn cuối của giống dân ấy đã có những người thực hành ma thuật rất khủng khiếp. Trước giai đoạn sa đọa, ích kỷ của dân chúng, châu Atlantic có một nền văn minh rực rỡ, cao quí đáng ngưỡng mộ, và trong số những người lãnh đạo thời ấy, hiện nay đã đạt được quả vị cao cả nhất của loài người.
Trong số các đạo viện huyền môn dành cho những đệ tử dự bị điểm đạo, được thành lập do các vị Chân Sư chánh đạo, có một đạo viện ở một nơi nào đó của châu Mỹ, phụ thuộc vào một hệ thống lãnh đạo lớn, đó là “Những Vị Cai Quản Thiêng Liêng của Kim Môn” (the Divine Rulers of the Golden Gate). Dù đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm lạ lùng, trụ sở phải dời từ nước này sang nước khác, và đến lượt mỗi nơi lại bị nền văn minh vật chất xâm lấn, nhưng đạo viện ấy vẫn tồn tại đến ngày nay. Đạo viện ấy vẫn còn giữ nguyên những nghi thức cổ xưa, và dạy một loại ngôn ngữ linh thiêng bí ẩn, cùng một ngôn ngữ của người Atlantic đã dùng nhiều ngàn năm trước.
Nó vẫn giữ được y như buổi đầu, là một đạo viện huyền môn với mục đích bác ái trong sáng, có thể hướng dẫn các môn sinh xứng đáng đi khá xa trên đường phát triển trí tuệ, nhưng năng lực tâm linh chỉ trao tặng cho những môn sinh xứng đáng, đã vượt qua những cuộc trắc nghiệm nghiêm chỉnh. Các vị thầy trong đạo viện chưa đạt đến cấp bậc Chân Sư, hàng trăm môn sinh trong đạo viện học cách đi vào đường đạo dẫn đến quả vị thánh sư ở những kiếp tương lai. Dù không trực tiếp thuộc về Đại Đoàn Chưởng Giáo ở Hy Mã Lạp Sơn, nhưng vài vị trong đạo viện đã có liên hệ với đoàn thể này trong những kiếp trước, nên vẫn giữ mối liên hệ thân hữu hơn bình thường. Tôi nhớ có lần ông viện trưởng của đạo viện ấy, khi nhìn thấy bức ảnh của một trong các vị Chân Sư Minh Triết, tức khắc quì mọp xuống trước bức ảnh, tỏ lòng tôn kính sâu xa.
Các vị viện trưởng của đạo viện, dù luôn giữ cho mình và đạo viện xa lánh xã hội bên ngoài, nhưng đôi khi nếu có dịp, cũng trợ giúp phổ biến chân lý cho thế giới. Khoảng một thế kỷ trước, sự lan tràn của chủ nghĩa duy vật đã gần như làm tắt nghẽn sự phát triển tâm linh ở Âu Châu và Mỹ Châu, nên các vị quyết định thử chống lại ảnh hưởng ấy bằng phương thức mới: các vị đưa cơ hội đến cho những người biết suy nghĩ hợp lý, để họ có thể có được bằng chứng tuyệt đối về một đời sống khác, tách rời khỏi đời sống của thể xác, đời sống mà khoa học có khuynh hướng phủ nhận. Những hiện tượng được trưng bày không phải hoàn toàn mới, vì dưới vài hình thức, con người đã nghe nói đến qua lịch sử, nhưng cách tạo ra và sắp xếp các hiện tượng ấy rõ ràng là mới đối với thế giới tân tiến hiện nay.
Các vị khơi động dần dần và tạo được cấu trúc rộng lớn của phong trào giáng thần học hiện đại. Tuy các vị khởi xướng cũng có phần nào trách nhiệm về những hậu quả gây ra về sau, nhưng ta phải công nhận rằng các vị đã đạt được mục đích là gây sự tin tưởng vững chắc cho số đông nhân loại đời sống tương lai, tức đời sống sau khi bỏ xác thân. Đó là một kết quả vĩ đại, dù phải trả một giá quá đắt.
Phương pháp được sử dụng là chọn vài người bình thường sau khi chết, giúp cho họ thức tỉnh hoàn toàn ở cõi trung giới, dạy cho họ sử dụng vài năng lực để họ có thể làm các việc thuộc cõi này, và để cho họ lãnh trách nhiệm hướng dẫn bên trong một nhóm giáng thần. Sau đó họ lại huấn luyện một số người vừa từ trần để làm việc theo cùng đường lối. Những người này sẽ tác động lên các người tham dự buổi cầu hồn, làm cho họ trở thành những đồng cốt, do đó phong trào giáng thần phát triển rất mạnh. Những thành viên còn sống của đạo viện đôi khi cũng sử dụng thể vía của chính mình đến tham dự các nhóm giáng thần, có lẽ các vị vẫn còn làm như vậy cho đến ngày nay. Tuy nhiên, thường thì các vị ấy chỉ đóng vai trò huấn luyện cho các vong linh mà các vị giao phó trách nhiệm. Phong trào giáng thần đã phát triển nhanh hơn sự mong đợi, và chẳng bao lâu vượt quá sự kiểm soát của đạo viện, nhất là càng về sau, các vị không còn đủ sức gánh vác trách nhiệm trực tiếp nữa.
Sự kéo dài cuộc sống cõi trung giới của những người lãnh trách nhiệm hướng dẫn ở những nhóm giáng thần, đã làm chậm trễ con đường tiến hóa tự nhiên của chính họ, dù sự chậm trễ cũng sẽ được đền bù thỏa đáng do nghiệp quả tốt mà họ đã giúp người khác hiểu được chân lý. Các vị trong đạo viện nhận thấy rằng nếu dùng những “vong linh hướng dẫn” quá một thời gian nào đó, sẽ có thể gây tổn thương nặng nề và vĩnh viễn cho họ. Đôi khi vong linh hướng dẫn được thay thế bởi vong linh khác. Có những trường hợp, vì một lý do nào đó, sự thay thế như vậy sẽ bất lợi, và một phương pháp đặc biệt được sử dụng để cho ra đời một loại sinh vật mà ta gọi là “con người nhân tạo”.
Sau một thời gian chậm trễ trên đường tiến hóa, những thể cao của “người hướng dẫn” được tách ra để chuyển qua cõi trời chân phúc, nhưng u hồn (the shade) của họ để lại cõi trung giới được giữ cho sống động và làm cho mạnh thêm để có thể vẫn hoạt động trong những nhóm giáng thần. Việc làm mạnh thêm cho u hồn này, lúc đầu được thực hiện bởi những nhân viên trong đạo viện, nhưng công việc có vẻ buồn chán hoặc không thích hợp, nhất là làm lãng phí năng lực, và có cùng bất tiện như việc dùng một tinh linh nhân tạo. Do đó các vị trong đạo viện quyết định chọn những người chết kế tục làm “vong linh hướng dẫn”, sử dụng u hồn hay ma hình của người hướng dẫn trước bỏ lại, bằng cách khoác lấy bên ngoài họ.
Có vài thành viên của đạo viện không đồng ý việc làm ấy, vì cho rằng dù mục đích hoàn toàn tốt đẹp nhưng là một sự phỉnh lừa. Ý kiến chung cho rằng dù sao u hồn được sử dụng vẫn là một, và nó cũng còn chứa đựng một phần thể hạ trí của người trước, nên không có vấn đề phỉnh lừa. Có những trường hợp sự thay đổi từ người hướng dẫn đã ra đi, bởi người sau sử dụng lại u hồn của người trước, không gây nên nghi ngờ trong nhóm giáng thần. Trái lại, có vài người chuyên khảo sát về phong trào giáng thần, sau một thời gian quan sát, ghi nhận có sự đổi khác trong cử chỉ và phong cách của “vong linh”. Cần nói rõ, không có vị nào trong Đại Đoàn Chưởng Giáo đã tạo ra một thực thể nhân tạo như vậy, nhưng các vị cũng không can thiệp vào những việc mà người khác nghĩ rằng đúng. Nhược điểm trong việc làm ấy là có nhiều người khác ở bên ngoài đạo viện có thể sử dụng cùng cách thức, và cũng không thể ngăn cản được các thuật sĩ hắc đạo đã và đang làm giống như vậy với mục đích xấu.
Đến đây chúng ta có thể kết luận cuộc khảo sát về các cư dân cõi trung giới; thêm phần sau, có thể nói chúng ta đã liệt kê tương đối khá đầy đủ những vấn đề thuộc cõi trung giới. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, quyển sách này chỉ trình bày sơ lược về một đề tài rất rộng lớn, mà sự nghiên cứu chi tiết đòi hỏi một công trình nặng nhọc kéo dài cả một đời người.
CHƯƠNG IV
Theo một quan điểm, chương này đáng lẽ phải được xếp ở đầu quyển sách, vì từ những hiện tượng được kể ra trong phần này làm nảy sinh ra nhu cầu tìm hiểu những vấn đề khác. Trong kiếp này, tôi đã nợ ông phó hội trưởng A. P. Sinnett, vì ông đã có công giới thiệu tôi vào hội Thông Thiên Học. Ông luôn đặc biệt ưu ái tôi, và trong thời gian tôi sống ở nhà ông, chúng tôi thường gặp nhau mỗi sáng Chúa Nhật trong thư viện của ông để thảo luận về các vấn đề minh triết thiêng liêng. Một lần, ông đã nói ông không nghĩ rằng cho đến nay, những gì đã được dạy về minh triết thiêng liêng có thể giúp chúng tôi hiểu rõ hết những hiện tượng tâm linh mà cả hai chúng tôi đều đã gặp nhiều lần. Thay vì ngạc nhiên và đồng ý về ý tưởng ấy, tôi lại giữ vững lập trường là minh triết thiêng liêng đã giải thích rất rõ ràng, và tôi bắt đầu đưa ra những chứng minh.
Dường như ông Sinnett có ấn tượng tốt về ý kiến của tôi, ông yêu cầu tôi giảng về đề tài này tại hội quán Luân Đôn. Khi chuẩn bị cho bài diễn thuyết này, tôi mới nhận ra là nếu muốn cho thính giả hiểu được, tôi phải bắt đầu mô tả tổng quát về cõi trung giới, với những điều kiện và năng lực, cũng như khả năng của các cư dân ở đó. Tôi biết là mình đã nhận một công tác rộng lớn hơn là mình nghĩ, nhưng tôi cũng cố gắng hết sức để hoàn thành, và bài giảng này tại hội quán, đã được đăng tải trong tờ tạp chí của hội số 24.
Trong khi đó, bà Besant đang cho xuất bản một số sách Thông Thiên Học, bà có ý tốt là đăng luôn bài tiểu luận này, vì thế, nó đã được xuất bản.
Trong những chương trước, chúng ta đã đề cập và giải thích nhiều hiện tượng siêu nhiên; trước khi kết luận, ta nên tóm lược các hiện tượng mà người nghiên cứu thường gặp, và những tác nhân thường gây ra các hiện tượng ấy. Cõi trung giới rất đa dạng, mỗi hiện tượng xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên chúng ta chỉ có thể đưa ra những nguyên tắc tổng quát cho sự việc.
A. HIỆN TƯỢNG MA
Các thực thể hiện hình, hay “ma” là thí dụ điển hình về ý kiến nói trên, vì theo ý nghĩa chung, danh từ “ma” có thể để chỉ hầu hết mọi cư dân cõi trung giới. Những người đã phát triển khả năng tâm linh, luôn nhìn thấy những thực thể ấy, nhưng đối với người bình thường, khi họ nói “thấy ma”, có thể là: hoặc con “ma” ấy đã hiện hình để họ có thể thấy được, hoặc trong lúc đó chính họ tạm thời lóe lên một nhận thức tâm linh. Cả hai trường hợp đều ít khi xảy ra, nếu không, ta sẽ gặp “ma” đầy đường phố như gặp những người sống vậy.
1. Ma ở nghĩa địa
Nếu “ma” được thấy lảng vảng quanh một ngôi mộ, thường đó là thể phách của người mới chết, cũng có thể là thể vía của một người còn sống, trong giấc ngủ đến thăm mộ người chết, hay là một hình tư tưởng hiện hình, đó là một tinh linh nhân tạo do sức mạnh tư tưởng tạo ra bởi một người nghĩ mình đang hiện diện tại nơi đó. Người đã quen sử dụng nhãn thông cõi trung giới dễ dàng phân biệt các loại này, nhưng người không có kinh nghiệm thường gọi chung tất cả là “ma”.
2. Người đang hấp hối hiện hình
Sự hiện hình của một người vào lúc sắp từ trần rất thường xảy ra. Ngay trước lúc mà chúng ta thường gọi là “tách rời”, người sắp ra đi thường có ý muốn thăm một người thân, việc này được thực hiện ở cõi trung giới. Trong trường hợp này, một hình tư tưởng được tạo ra do ước muốn chân thành mạnh mẽ gặp một người thân lần cuối trước khi chết. Đôi khi sự viếng thăm ấy xảy ra ngay sau khi lìa trần, thay vì trước đó, và trong trường hợp này người đi viếng thăm thật sự là “ma”, nhưng vì những lý do khác nhau, trường hợp này ít xảy ra hơn trường hợp trước.
3. Những nơi bị ma ám
Sự hiện hình ở nơi đã xảy ra án mạng thường do hình tư tưởng của kẻ sát nhân phóng ra. Sau án mạng, kẻ sát nhân dù còn sống hay chết, đặc biệt là chết, thường liên tục suy tưởng trở lại quang cảnh nơi xảy ra án mạng. Những tư tưởng ấy thường sống động trong trí kẻ phạm tội vào ngày tròn năm, nên thường khi đúng vào dịp ấy, hình tư tưởng do kẻ sát nhân tạo ra đủ mạnh có thể hiện hình để mắt thường nhận thấy được; có nhiều trường hợp sự hiện hình từng chu kỳ như thế đã được ghi nhận. Đối với người phạm tội sát nhân nhiều lần, họ quá chai đá để có thể bị kích động bởi một vụ án mạng, trong trường hợp này, có nhiều yếu tố khác xen vào.
Một điểm khác cần nói thêm về hiện tượng này là bất cứ sự xáo trộn kinh hoàng nào trong tâm trí, hoặc nỗi kinh sợ, đau đớn, buồn khổ, oán ghét, hoặc cơn đam mê quá mạnh, sẽ gây ấn tượng sâu đậm ảnh hưởng đến chất liệu cõi trung giới, mà một người dù có rất ít khả năng tâm linh cũng cảm nhận được. Chỉ cần một chút kích thích làm tăng cường tạm thời sự nhạy cảm là họ có thể thấy lại trọn cảnh tượng đã xảy ra với đầy đủ chi tiết, trong trường hợp này, họ cho rằng nơi đó đã bị ma ám, và họ đã thấy ma.
Những người không có khả năng tâm linh, thường cảm thấy khó chịu khi đến những nơi kể trên. Thí dụ, có nhiều người cảm thấy nặng nề khi đi ngang qua nơi xử tử tội nhân tại Luân Đôn thuở xưa, hoặc không thể ở lâu trong “căn phòng hãi hùng” của bà Tussaud, dù họ không hề hiểu rằng cảm giác khó chịu đó là do ấn tượng khủng khiếp trong chất liệu cõi trung giới bao quanh, và những đồ vật đã thấm nhuần sự kinh khiếp của tội ác, hơn nữa những thực thể trung giới đáng ghê tởm cũng thường tụ tập ở đấy.
4. Ma trong gia đình
Trong nhiều câu chuyện siêu nhiên, có kể những con ma trong dòng họ ở những lâu đài cổ thời phong kiến. Đó có thể là một hình tư tưởng, hay hiếm hơn nữa là một ấn tượng sống động trong chất liệu cõi trung giới, cũng có thể là một người tổ tiên trong dòng họ, sau khi chết còn quyến luyến cõi trần, ám ảnh nơi mà ý tưởng và hy vọng của ông đã tập trung trọn cả cuộc đời.
5. Rung chuông, liệng đá, v.v…
Loại ám ảnh khác như: rung chuông, liệng đá, hay đập bể đồ sành sứ, hầu hết là do các tinh linh làm ra. Những hiện tượng này có thể là cố gắng vụng về, gây ra bởi một vong linh dốt nát, mù quáng, tìm cách lôi kéo sự chú ý của người thân còn sống, hoặc do các tinh linh thiên nhiên quỷ quái cố ý gây ra để chọc phá con người. Những hiện tượng như vậy được gọi là “yêu tinh phá phách.”
B. TINH LINH VÀ CÁC THỰC THỂ LIÊN LẠC
1. Các nàng tiên (Fairies)
Có thể nói, phần lớn các hiện tượng lạ lùng trong các buổi giáng thần đều do các tinh linh ấy gây ra, hoặc hoàn toàn do các sinh vật tinh nghịch ấy điều khiển. Những trò ấy có thể gồm nhiều việc như: trả lời những câu hỏi hay nhắn tin bằng tiếng gõ hoặc làm nghiêng một đồ vật, làm phát ra “ánh sáng ma”, đem một vật từ xa lại gần, đọc tư tưởng của người hiện diện, viết hay vẽ, và ngay cả hiện hình.
Những tinh linh thiên nhiên có thể làm được nhiều việc lạ lùng trong các buổi cầu hồn. Dù có nhiều hiện tượng khó thực hiện đối với chúng, nhưng với khả năng đặc biệt, chúng có thể khiến cho toàn thể cử tọa đều tin rằng sự việc xảy ra như họ đã thấy, trừ phi người quan sát đã được huấn luyện kỹ và thấu hiểu những trò xảo quyệt của chúng. Nói một cách tổng quát, trong một buổi giáng thần xảy ra việc trêu chọc lố bịch, hay pha trò rẻ tiền, thì ta có thể nghĩ rằng ở đó có sự hiện diện của những tinh linh thiên nhiên hạ cấp, hoặc vong linh con người thấp kém, vui thích những trò ngu ngốc như lúc còn sống.
2. Các thực thể liên lạc (Communicating entities)
Có rất nhiều thực thể liên lạc với con người ở các buổi giáng thần, chúng ám ảnh hoặc nói qua các đồng tử, khó có thể biết chúng thuộc vào loại nào trong các cư dân cõi trung giới, nhưng gần như chắc chắn là chúng không thuộc những cấp bậc cao. Ở một buổi giáng thần đứng đắn được tổ chức nghiêm chỉnh bởi những người học thức, vong linh hiện ra thường tuyên bố đúng sự thật. Thông thường thì không được như vậy, ta khó phân biệt được thực hay giả, vì những thực thể ở cõi trung giới có khả năng gạt người cõi trần, mà không thể nào kiểm soát được.
Nếu một vong linh nhập vào đồng cốt và tự xưng là một người, thí dụ là đứa em đã chết từ lâu của một người anh hiện diện trong buổi cầu hồn, tiết lộ một vài sự việc mà chỉ có hai anh em biết, người anh cũng chưa thể tin là thật, vì vong linh có thể đọc được tư tưởng của người anh, và thấy được môi trường chung quanh ở cõi trung giới. Tiến xa hơn, nếu người đồng nói những chuyện có liên hệ đến người em đã chết, mà chính người anh cũng không để ý, nhưng sau đó kiểm chứng thấy đúng, người anh cũng nên biết vong linh đó có thể đọc được sự việc từ ký ảnh cõi trung giới, hoặc thực thể nhập vào đồng cốt chỉ là u hồn của người em bỏ lại cõi trung giới, u hồn này có một phần trí nhớ của người em. Tuy nhiên cũng không phải trong một lúc có thể gạt bỏ tất cả những gì vong linh nhập vào đồng cốt cho biết, nếu những gì nó tiết lộ rất chính xác. Tất cả sự việc được nêu ra đây để cho biết rằng đối với một người bình thường đến viếng buổi giáng thần, nhất là buổi giáng thần công cộng, có thể bị lừa gạt một cách thảm thương bằng hàng chục cách khác nhau. Nếu muốn nghiên cứu trường hợp giáng thần đứng đắn, có bằng chứng hiển nhiên, đáng tin cậy, xin đọc quyển “Bằng Chứng Về Đời Sống Sau Khi Chết” của C. D. Thomas.
Để thúc đẩy phong trào tâm linh, có vài trường hợp các thành viên của đạo viện huyền môn đã tác động qua đồng cốt và cho nhiều bài giáo lý có giá trị. Những buổi giáng thần như vậy chỉ hoàn toàn có trong nội bộ gia đình, chứ không khi nào ở những nơi công cộng, lấy tiền vào cửa.
C. SỬ DỤNG NĂNG LỰC CÕI TRUNG GIỚI
1. Sự hiểu biết về năng lực và rung động
Để hiểu được cách tạo ra một phần lớn những hiện tượng vật chất, ta cần biết rõ những năng lực khác nhau mà một người ở cõi trung giới có thể sử dụng được. Đây là một phần của đề tài mà ta khó nói rõ, vì nó được bảo vệ và hạn chế. Ta nên nhớ rằng trong nhiều khía cạnh, cõi trung giới được coi như phần nối tiếp cõi trần, và vật chất của nó có thể ví như ở thể dĩ thái (mặc dù ta không cảm nhận được chất dĩ thái, nhưng nó cũng thuộc cõi trần), điều này có thể giúp ta hiểu được bằng cách nào chúng lại hòa tan vào nhau được. Theo quan niệm của người Ấn về Jagrat, hay “trạng thái tỉnh thức” (the waking state), thì cõi trần và cõi trung giới được kết hợp nhau; như thế, bảy cảnh của “kết hợp” này tương đương với: bốn trạng thái của chất liệu vật chất, và ba nhóm rộng lớn của chất liệu trung giới như đã giải thích ở phần trước[32].
Với ý nghĩ ấy, ta dễ dàng tiến tới một bước xa hơn, và hiểu được thế nào là nhãn quan trung giới, hay sự nhận thức ở cõi trung giới; nói khác đi, là khả năng nhận thức được nhiều loại rung động với những tần số khác nhau. Một nhóm nhỏ rung động ảnh hưởng đến ta như âm thanh; một nhóm nhỏ rung động khác nhanh hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến ta như ánh sáng; một nhóm nhỏ khác như điện lực. Tuy nhiên, còn rất nhiều loại rung động trung gian không gây ảnh hưởng nào trên các giác quan của xác thân. Nếu hiểu được rằng tất cả, hay chỉ một số những rung động trung gian ấy, với những độ dài sóng (wave-length) khác nhau, đều có thể nhận biết được ở cõi trung giới, thì sự hiểu biết về thiên nhiên của chúng ta sẽ có nhiều tiến bộ, và ta có thể hiểu thêm nhiều điều mà cho đến nay vẫn còn ẩn giấu.
2. Nhãn Thông
Việc chấp nhận một số các rung động đi xuyên qua chất đặc khá dễ dàng, giúp ta hiểu một cách khoa học về đặc tính của nhãn quan dĩ thái (etheric vision). Đối với nhãn thông, hay nhãn quan cõi trung giới (astral sight), lý thuyết về chiều đo thứ tư giải thích rõ ràng và đầy đủ hơn. Khi có được nhãn thông cõi trung giới, con người sẽ làm được nhiều việc đối với chúng ta có vẻ phi thường, thí dụ như: đọc được một đoạn trong quyển sách khép kín, đọc được tư tưởng, nhất là khi tư tưởng ảnh hưởng đến cảm xúc. Hơn nữa, nếu khả năng ấy được kết hợp với hiểu biết về sự phóng chiếu của các dòng lưu chuyển trung giới, thì ta có thể quan sát được một vật thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Như thế, nhiều hiện tượng nhãn thông có thể giải thích được mà không cần nâng tâm thức lên cõi trung giới. Nếu muốn nghiên cứu tường tận hơn vấn đề này, nên xem quyển “Nhãn Thông” do tôi biên soạn, sách ấy liệt kê, giải thích, và có nhiều thí dụ về các loại nhãn thông.
3. Tiên tri và nhãn quan thứ hai
Loại nhãn thông chính xác, được huấn luyện, đáng tin tưởng hoàn toàn, là một khả năng khác hẳn, thuộc về cõi cao hơn cõi trung giới, nên không được đề cập trong quyển sách này. Khả năng tiên đoán chính xác cũng thuộc về cõi cao hơn, tuy có những lúc nó lóe lên, hay phản ảnh xuống, và có thể nhận thấy được bởi nhãn quan trung giới. Đặc biệt ở những người có đầu óc đơn giản, trong những điều kiện thích hợp, sự thấy này được gọi là “nhãn quan thứ hai”, thường gặp ở người dân miền cao nguyên xứ Tô Cách Lan (Scotland).
Một sự kiện khác cần biết là, bất cứ cư dân có trí khôn nào ở cõi trung giới, chẳng những có thể nhận biết các rung động của dĩ thái, mà còn có thể học cách sử dụng chúng theo ý muốn.
4. Năng lực cõi trung giới (Astral forces)
Trong thời hiện tại, những năng lực siêu nhiên và các phương pháp sử dụng chúng là những đề tài không thể viết rõ trong một quyển sách dành cho công chúng, dù ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa nhân loại sẽ biết cách sử dụng một hoặc hai loại năng lực ấy. Để không vượt khỏi giới hạn được cho phép, ta chỉ đề cập một cách đại cương về cách thức mà vài hiện tượng được tạo ra.
Người đã từng chứng kiến những hiện tượng trong các buổi giáng thần có thể thấy bằng chứng hiển nhiên về năng lực mạnh mẽ được sử dụng, thí dụ như dời chỗ một vật rất nặng. Với óc khoa học, người ta tự hỏi năng lực ấy từ đâu mà có và tác động như thế nào? Có nhiều cách thực hiện những hiện tượng cõi trung giới, nhưng nơi đây chúng ta chỉ liệt kê bốn phương cách tiêu biểu.
a. Dòng lưu chuyển dĩ thái (Etheric currents): Có những dòng lưu chuyển vĩ đại của chất dĩ thái luôn lướt trên bề mặt địa cầu, từ cực này đến cực kia, khối lượng của dòng lưu chuyển này tạo nên một sức mạnh không cưỡng lại được như dòng thủy triều đang lên. Có những phương pháp an toàn để sử dụng năng lực kỳ diệu này, nhưng những toan tính vụng về để sử dụng nó có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm đáng sợ.
b. Áp lực dĩ thái (Etheric pressure): Có thể nói áp lực dĩ thái tương tự như áp lực không khí, nhưng lớn hơn rất nhiều. Trong đời sống bình thường tuy ta ít chú ý đến những áp lực này, nhưng nó vẫn hiện tồn. Nếu khoa học có thể rút hết dĩ thái ra khỏi một khoảng không gian nào đó, như đã làm được với không khí và tạo nên khoảng “chân không”, thì sẽ nhận rõ áp lực của nó. Việc này rất khó làm, vì chất dĩ thái tự do xuyên thấm mọi trạng thái vật chất đậm đặc hơn nó. Cho đến nay các nhà vật lý học chưa tách riêng được chất dĩ thái ra khỏi những chất khác, nhưng các huyền bí gia đã làm được việc ấy, và có thể sử dụng được áp lực mạnh mẽ của dĩ thái.
c. Năng lực tiềm ẩn (Latent energy): Có một kho dự trữ to lớn năng lực tiềm ẩn, năng lực này ngủ yên trong vật chất suốt thời gian tiến hóa hướng hạ, từ thanh nhẹ xuống trọng trược. Do sự thay đổi trạng thái của vật chất, vài năng lực ấy có thể được phóng thích và sử dụng, thí dụ như năng lực tiềm ẩn dưới hình thức sức nóng có thể được phóng thích khi trạng thái của vật chất thay đổi.
d. Sự rung động đồng cảm (Sympathetic vibration): Năng lực gây ra do sự rung động đồng cảm cho những kết quả rõ rệt. Những thí dụ lấy từ cõi vật chất thường chỉ áp dụng được một phần và không làm sáng tỏ hiện tượng cõi trung giới. Tuy nhiên khi mô tả hai sự việc đơn giản trong đời sống hàng ngày, có thể cho chúng ta thấy rõ được phần nào năng lực này.
Ta biết khi một trong những sợi dây của cây đàn thụ cầm (harp) được khảy lên cho rung động thật mạnh, sẽ gây nên những rung động đồng cảm ở những sợi dây tương đồng của bất cứ cây đàn thụ cầm nào khác đặt chung quanh nó, nếu những sợi dây ấy được điều chỉnh cùng một độ căng. Ta cũng biết khi một đạo quân lớn đi bộ qua một chiếc cầu treo, họ phải bỏ ngay bước đi đồng nhịp, vì bước đi đồng nhịp của nhiều người sẽ tạo nên sự rung động trong chiếc cầu, và sự rung động này càng lúc càng tăng cường lên với mỗi nhịp đi, cho đến lúc nó vượt quá sức đề kháng của vật liệu làm cầu, thì cầu có thể bị sập.
Hai thí dụ trên cho ta hiểu thêm về tầm quan trọng của sự tạo ra rung động, và chủ âm (keynote) của mỗi loại vật chất. Một người có thể phát ra một chủ âm và tạo ra một số rất lớn những rung động đồng cảm. Khi việc ấy được thực hiện ở cõi trần, thì không có sự phát triển thêm năng lượng. Nhưng chất liệu cõi trung giới linh hoạt hơn vật chất cõi trần, khi những rung động đồng cảm tác động lên nó, năng lực sống động của chất liệu này sẽ thêm vào xung lực tác động ban đầu, làm tăng thêm sức mạnh gấp nhiều lần. Với sự lặp lại các rung động ban đầu một cách nhịp nhàng, như trường hợp bước chân của những binh sĩ trên cầu, sự rung động có thể được tăng cường đến độ cho ra kết quả vượt mức so với nguyên nhân. Thật vậy, không thể nào định được giới hạn năng lực này khi nó được sử dụng bởi những vị Chân Sư cao cả đã hoàn toàn nắm vững nguyên lý đó. Chính sự thành lập vũ trụ cũng là kết quả của rung động phát xuất từ “Lời Nói” (Spoken Word).
Thần chú (mantras or spells): có những loại thần chú tạo ra kết quả không phải do sự kiểm soát vài loài tinh linh, mà do sự lặp lại vài âm thanh đặc biệt, sự hiệu nghiệm ấy cũng tùy thuộc vào tác động của rung động đồng cảm.
5. Sự phân tán vật thể (Disintegration)
Hiện tượng phân tán vật thể cũng có thể do tác động của những rung động cực nhanh, tạo ra một lực vượt quá lực kết hợp những phân tử của vật thể, cho ra những phân tử rời rạc nhau. Có một loại rung động khác thuộc cấp độ cao hơn, làm tách rời những phân tử này, cho ra những nguyên tử cấu tạo cơ bản. Bằng cách ấy một cơ thể được thu về tình trạng dĩ thái, có thể di chuyển rất nhanh theo dòng lưu chuyển trung giới từ nơi này đến nơi kia; khi năng lực tác động rút lui thì áp lực dĩ thái sẽ làm nó trở về trạng thái cũ.
Tân sinh viên huyền môn cảm thấy khó hiểu, làm sao vật bị phân tán, khi hồi phục trở lại còn giữ đúng hình thể cũ? Như một vật bằng sắt, thí dụ cái chìa khóa, bị nung chảy và nâng lên thành thể hơi do sức nóng, khi sức nóng rút đi, thì nó sẽ trở lại thành thể đặc, nhưng không phải là cái chìa khóa nữa, mà chỉ là một mảnh sắt. Luận cứ này cũng có lý, nhưng phương pháp loại suy không vững chắc. Loài tinh hoa chất thấm nhuần chất sắt của chìa khóa đã bị phân tán do điều kiện thay đổi, không phải vì tinh chất ấy bị ảnh hưởng bởi sức nóng, nhưng khi thể tạm thời của nó bị hủy hoại (thể đặc), nó trở về kho dự trữ to lớn của cùng loại tinh chất; dù không bị hủy hoại bởi sức nóng, nó vẫn buộc phải rút ra khỏi thể vật chất đang bị lửa hủy hoại.
Khi chìa khóa nguội lại và trở về thể đặc, thì tinh hoa chất thuộc thể đặc quay trở lại sẽ không đúng y như trước, và như thế sẽ không có lý do gì để giữ được hình dạng cũ. Nếu dùng phương pháp phân tán để đem chìa khóa theo dòng lưu chuyển trung giới từ nơi này đến nơi kia, ta phải cẩn thận giữ cùng tinh hoa chất trong cùng hình dạng, cho đến khi sự di chuyển hoàn tất. Khi lực ý chí rút đi, thì tinh hoa chất này sẽ làm phận sự như một cái khuôn để tiếp nhận sự đông đặc lại của những phân tử chất sắt, và ta có cái chìa khóa giữ nguyên hình dạng như cũ, trừ khi năng lực tập trung của người đang tạo hiện tượng bị mất đi giữa chừng.
Bằng cách này mà trong những buổi giáng thần tâm linh, những đồ vật được dời đi tức khắc với một khoảng cách rất xa. Khi được phân tán, đồ vật có thể dễ dàng đi xuyên qua bất cứ chất đặc nào, như: mặt của một cái hộp khóa kín, bức tường nhà; sự kiện này thường được gọi là “vật chất xuyên thấu vật chất”. Khi hiểu nguyên tắc này, ta thấy sự kiện đơn giản như nước chảy qua sàng lược, hay chất hơi xuyên qua chất lỏng trong những thí nghiệm hóa học.
6. Sự hiện hình (Materialiazation)
Khi biết một vật có thể được biến đổi từ thể đặc sang thể dĩ thái bằng cách thay đổi các rung động, ta dễ dàng hiểu tiến trình ngược lại của sự biến đổi từ chất dĩ thái sang chất đặc. Một hiện tượng được giải thích bằng sự phân tán vật thể, hiện tượng ngược lại được giải thích bằng sự “vật chất hóa” hay “sự hiện hình”. Trong trường hợp phân tán vật thể, cần cố gắng liên tục của ý chí để ngăn giữ vật thể không cho nó trở lại hình dạng ban đầu; trường hợp hiện hình cũng giống như thế, cần một cố gắng liên tục để ngăn cản vật thể đang hiện ra, không trở lại thể dĩ thái.
Ở các buổi giáng thần bình thường, sự hiện hình được thực hiện nhờ mượn chất liệu từ thể phách của người đồng, sự kiện này làm tổn hại sức khỏe của người đồng và cũng không tốt đẹp về nhiều phương diện khác. Trong trường hợp này, hình thể hiện ra thường ở gần bên người đồng, có một lực luôn lôi kéo trở về cái thể từ đó nó xuất phát, do đó hình hiện ra không giữ được lâu. Khi hình hiện ra tan biến thì chất liệu tạo ra nó trở về thể dĩ thái và quay lại ngay với thể phách người đồng
Có vài trường hợp thật rõ ràng là hình hiện ra bằng chất liệu vật chất đậm đặc, chất liệu này được mượn tạm từ cơ thể người đồng, hiện tượng này khó giải thích hơn. Chính tôi đã chứng kiến sự việc như vậy, với bằng chứng là sức nặng của cơ thể người đồng bị giảm rõ rệt. Có những trường hợp tuơng tự được kể lại trong quyển sách của Đại Tá Olcott “Con Người Từ Thế Giới Khác” (People from Other World), và trong quyển sách của M. A. Aksakow “Một Trường Hợp Phân Tán Vật Thể” (Un Cas de Dematerialization). Một trường hợp khác rất đáng chú ý được bà Esperance kể lại trong quyển “Thế Giới Của Bóng Tối” (Shadowland).
Có câu hỏi là: vì sao sự hiện hình trong những buổi giáng thần cần phải có bóng tối? Những thực thể điều khiển buổi giáng thần cảm thấy dễ chịu hơn nếu căn phòng ở trong bóng tối hay được che bớt ánh sáng, vì năng lực của chúng thường không thể duy trì được hình hiện ra hay chỉ một bàn tay hiện ra, lâu quá vài giây giữa sự rung động quá mạnh của ánh sáng chói.
7. Chụp ảnh bóng ma
Những người thường xuyên tham dự các buổi giáng thần, đều ghi nhận có ba loại hiện hình: thứ nhất là hình hiện ra có thể đụng chạm, nhưng không thấy được; thứ hai là có thể nhìn thấy, nhưng không sờ đụng được; thứ ba là hình hiện ra có thể nhìn thấy và sờ đụng được. Loại thứ nhất rất thường gặp, có “bàn tay vô hình” sờ vào mặt những người hiện diện, hoặc di chuyển đồ vật nhỏ trong phòng, và cũng có thể phát ra tiếng nói. Trường hợp này “kẻ vô hình” sử dụng một loại chất liệu không phản chiếu và cũng không cản ánh sáng, nhưng trong một số điều kiện nó có thể tạo ra những rung động trong bầu không khí để phát ra thành tiếng nói. Một biến thể của loại hiện hình này, dù không phản chiếu ánh sáng để có thể thấy được, nhưng có thể ảnh hưởng đến các tia cực tím, do đó đã để lại ít nhiều dấu vết trên phim ảnh, và tạo thành những “hình ảnh bóng ma”.
Khi năng lực không đủ để tạo ra sự hiện hình hoàn hảo, ta thấy hình ảnh mờ ảo thuộc loại thứ hai, khi ấy “vong linh” thường báo với các người tham dự là không được đụng chạm vào hình hiện ra. Loại hiện hình thứ ba ít khi xảy ra, trong trường hợp này, thực thể có đủ năng lực để giữ cho hình thể hiện ra trong một lúc, hình thể này có thể thấy và sờ đụng được.
Khi vị Chân Sư hay đệ tử thấy cần thiết để cho thể trí hay thể vía hiện hình, họ không rút chất dĩ thái từ thể phách của chính họ hay của bất cứ người nào khác, vì họ biết phương pháp rút trực tiếp chất liệu từ môi trường dĩ thái bao quanh.
8. Nhân đôi vật thể (Reduplication)
Hiện tượng này được thực hiện bằng cách tạo ra một hình ảnh trong trí giống y như vật muốn sao, để làm thành cái khuôn, và gom góp các chất liệu cần thiết thuộc cõi trung giới và cõi trần cho vào cái khuôn đó. Muốn làm được như vậy, mọi phân tử từ bên trong lẫn bên ngoài phải được giữ vị trí chính xác, do đó cần đến khả năng tập trung cao độ mới thực hiện được. Những người không đủ khả năng rút chất liệu trực tiếp từ dĩ thái chung quanh, đôi khi mượn chất liệu từ vật thể mẫu, trong trường hợp này vật mẫu sẽ bị giảm trọng lượng.
9. Sự kết tụ (Precipitation)
Một số sách Thông Thiên Học có đề cập đến sự kết tụ, làm xuất hiện chữ và hình ảnh trên giấy. Sự kiện này có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Vị Chân Sư muốn viết cho một người, có thể đặt tờ giấy ở trước mặt, tạo nên hình ảnh thể trí những chữ muốn viết, và rút từ dĩ thái các chất liệu để cụ thể hóa những dòng chữ ấy. Ngài cũng có thể tạo ra kết quả y như vậy trên một tờ giấy đặt trước mặt người mà Ngài muốn gởi tới, dù ở cách Ngài rất xa.
Phương pháp thứ ba, thường được áp dụng hơn vì nó tiết kiệm được thời giờ, bằng cách gieo ấn tượng toàn bộ bức thư lên thể trí của một đệ tử, và để cho người đệ tử làm công việc kết tụ bức thư. Người đệ tử đặt tờ giấy trước mặt, tưởng tượng thấy các chữ viết do chính bàn tay Đức Thầy, và thực hiện việc kết tụ như được mô tả ở trên. Nếu đệ tử cảm thấy khó khăn vì phải thực hiện hai việc cùng một lúc: rút chất liệu từ dĩ thái bao quanh và kết tụ nó trên tờ giấy, người ấy có thể để một ít mực viết hay ít bột màu trên bàn, sẵn sàng được rút ra khi cần.
Quyền năng này nếu ở trong tay những người thiếu đạo đức sẽ là một khí giới nguy hiểm, vì họ có thể bắt chước chữ viết của người khác mà không cách nào khám phá được sự giả mạo. Một đệ tử có liên hệ mật thiết với Đức Thầy, luôn luôn có cách trắc nghiệm để biết xem những bức thư gởi cho họ có phải từ Đức Thầy hay không. Còn đối với những người khác, bằng chứng về nguồn gốc của bức thư chỉ có thể dựa vào nội dung và “mùi vị tinh thần” của bức thư, chứ không thể dựa vào nét chữ để khám phá là thật hay giả, vì nét chữ có thể bị giả mạo giống hệt.
Một đệ tử mới học cách sử dụng năng lực kết tụ, mỗi lúc chỉ có thể tuởng tượng ra vài chữ, cho nên sử dụng năng lực kết tụ này còn chậm hơn viết bức thư theo lối thông thường. Nhưng người có nhiều kinh nghiệm, có thể hình dung trong trí trọn một trang hoặc trọn cả bức thư, sẽ làm công việc dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Bằng cách ấy, ở các buổi giáng thần những bức thư thật dài được thể hiện trong vài giây.
Phương pháp kết tụ một bức hình cũng giống như thế, nhưng điều tuyệt đối quan trọng là toàn cảnh phải được hình dung trong trí cùng một lúc. Nếu bức tranh càng có nhiều màu sắc thì công việc càng phức tạp hơn, vì phải giữ cho chúng không trộn lẫn nhau, và tạo trở lại chính xác các sắc thái của màu trong bức tranh. Về phương diện này cần phải có năng khiếu của họa sĩ, vì thế, không phải bất cứ cư dân nào ở cõi trung giới cũng có khả năng kết tụ một bức tranh đẹp như nhau. Một họa sĩ có tài, lúc còn sống đã có đôi mắt nghệ thuật, khi đến cõi trung giới sẽ thành công hơn người bình thường trong việc kết tụ một bức tranh đẹp.
10. Viết lên bảng đá (Slate-writing)
Trong những điều kiện trắc nghiệm, vài đồng tử đã trở nên nổi tiếng nhờ viết chữ lên bảng đá[33]. Việc trắc nghiệm như sau: một mảnh bút chì được đặt giữa hai tấm bảng đá có khoảng cách rất hẹp, chỉ đủ cho một bàn tay tâm linh hiện hình sử dụng để viết.
11. Thuật khinh thân (Levitation)
Thuật khinh thân thường được thực hiện bởi các nhà yogi Đông Phương, và đôi khi cũng xảy ra ở các buổi giáng thần; đó là cách làm cho xác thân con người nâng cao lơ lửng trong không khí. Ở một buổi giáng thần, chắc chắn là đồng tử được một bàn tay tâm linh nâng lên cao. Để thực hiện việc này, còn một cách khác khoa học hơn, thường được dùng ở Đông Phương và đôi khi ở Tây Phương. Khoa học huyền bí biết rõ cách trung hòa, hay làm đảo ngược hoàn toàn sức hút của trọng lực, nếu biết cách sử dụng khéo léo năng lực ấy thì mọi hiện tượng về khinh thân đều được thực hiện dễ dàng. Do sự hiểu biết về bí mật này mà ở châu Atlantis và Ấn Độ thời cổ, đã làm được những phi thuyền bay lên không trung và được điều khiển đến mục đích. Cũng có thể sự hiểu biết ấy đã giúp con người nâng cao các khối đá vĩ đại được dùng trong các công trình kiến trúc khổng lồ như kim tự tháp ở Ai Cập và cánh đồng đá (Stonehange) ở Anh Quốc.
12. Ánh sáng ma (Spirit lights)
Với sự hiểu biết về các năng lực thiên nhiên, và với những phương tiện cũng như năng lực cõi trung giới, cư dân cõi này có thể dễ dàng tạo ra hiện tượng “ánh sáng ma”. Nó có thể là ánh sáng dịu của lân tinh (phosphorescent) hay như điện xẹt làm chói mắt, hoặc có thể là những đốm lửa lạ lùng bay nhảy do vài loại tinh linh lửa tự biến hiện ra. Vì mọi loại ánh sáng đều do sự rung động của dĩ thái, nên bất cứ ai biết cách điều khiển các rung động ấy đều có thể tạo ra mọi loại ánh sáng theo ý muốn.
13. Nắm lửa trong tay (Handling fire)
Do sự trợ giúp của loài tinh hoa chất dĩ thái (etheric elemental essence) một người có thể nắm lửa trong tay mà không bị cháy bỏng, ngoài ra cũng có nhiều cách khác để làm được việc này. Khi bàn tay của người đồng hoặc của người tham dự buổi giáng thần được bao bọc bởi một lớp mỏng chất dĩ thái kỵ lửa, thì họ có thể an toàn khi cầm hòn than đang cháy hay một thanh sắt nung đỏ.
Ngoài những năng lực đặc biệt được kể trên, nguyên tắc đòn bẩy thông thường cũng hay được sử dụng để tạo vài hiện tượng nho nhỏ như: gõ nhịp lên bàn, hay làm nghiêng cái bàn. Trong trường hợp này, điểm tựa là cơ thể người đồng và đòn bẩy là một thanh ngoại chất (ectoplasm) phóng ra từ người đồng. (xin xem quyển “Cơ Cấu Tâm Linh” (Psychic Structures) của Dr. W. J. Crawford).
14. Biến chất (Transmutation)
Chúng ta đã đề cập hầu hết các hiện tượng xảy ra trong các buổi giáng thần, còn hai hiện tượng hiếm thấy hơn ở ngoài đời cần được đề cập nơi đây, đó là sự biến chất và sự phản hưởng. Làm biến chất các kim loại là một vấn đề mà những nhà luyện kim (Alchemists)[34] thời trung cổ mơ ước. Trong nhiều sách mô tả về thuật luyện kim, thật ra họ chỉ đưa ra những biểu tượng cho việc làm trong sạch hóa linh hồn. Tuy nhiên, có vài bằng chứng cho thấy những nhà luyện kim có thể đã thành công trong việc làm này. Hiện nay có những thuật sĩ Đông Phương tự nhận là có thể làm việc ấy dưới những điều kiện trắc nghiệm. Khoa học hiện đại cũng làm nhiều thí nghiệm theo chiều hướng ấy và có thể sẽ thành công với thời gian. Vì nguyên tử căn bản (ultimate atom) của mọi chất liệu là một, chỉ có cách sắp xếp khác nhau để tạo ra các loại vật chất khác nhau. Một người có năng lực phân tán một mảnh kim loại đến trạng thái nguyên tử, sau đó sắp xếp chúng lại theo hình thức khác, thì có thể biến đổi kim loại ra bất cứ thứ gì khác.
15. Sự phản hưởng (Repercussion)
Nguyên lý của sự rung động đồng cảm đã được đề cập ở trên, có thể dùng để giải thích hiện tượng ít được biết đến, đó là hiện tượng phản hưởng. Trong hiện tượng này, những dấu vết hoặc thương tích gây ra trên cơ thể hiện hình, sẽ gây ra trên chính thể xác của người ấy. Ta có thể thấy những dấu tích của hiện tượng này trong các vụ xử phù thủy thời trung cổ. Những mẩu chuyện ấy thường ghi lại rằng một vài vết thương gây ra cho người phù thủy đang đội lốt chó hay sói, sẽ được tìm thấy trên phần cơ thể tương ứng của chính người phù thủy. Hiện tượng giống như thế cũng đôi khi xảy ra trong các buổi giáng thần, và đã gây nên những cáo buộc oan ức về gian lận cho đồng tử. Người ta đã thoa một chất màu lên bàn tay của “vong linh hiện hình”, sau đó lại thấy vết màu trên bàn tay của người đồng. Trường hợp này, cũng như những trường hợp khác cùng loại, được giải thích như sau: hình hiện ra của vong linh là thể phách của người đồng, được một năng lực mượn và biến dạng thành một hình khác. Sự kiện là thể xác và thể phách liên hệ nhau rất chặt chẽ, nên khi đụng vào “chủ âm” của thể này sẽ tức khắc gây nên những rung động tương ứng nơi thể kia.
CHƯƠNG V
Không bao giờ nên nghĩ rằng đạt được các quyền năng này là mục đích cuối cùng, vì mọi phương tiện để đạt được quyền năng, không thể tránh khỏi đưa đến điều mà người Đông Phương gọi là phương pháp phát triển “laukika”, tức một phương pháp phát triển để đạt được vài quyền năng tâm linh, mà những quyền năng tâm linh này chỉ tạm thời và giới hạn trong kiếp sống của phàm ngã hiện tại. Phát triển quyền năng theo phương pháp này không được an toàn, và người có các quyền năng này thường sử dụng chúng theo chiều hướng sái quấy. Phương pháp phát triển này có liên hệ đến việc dùng “thuốc”[35], cầu đảo các tinh linh, luyện bùa chú, hay thực hành Hatha Yoga.
Có phương pháp khác gọi là “Lokottara”, đó là Raja Yoga hay sự tiến bộ tâm linh, tuy phương pháp này có vẻ chậm hơn những phương pháp kể trên, nhưng thành quả đạt được trên con đường này sẽ tồn tại với chân ngã trường tồn, không bao giờ mất. Người theo phương pháp này thường được Chân Sư hướng dẫn để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh được việc sử dụng sái quấy, nếu các qui luật của Ngài đưa ra được tuân hành cẩn thận. Việc mở nhãn thông cõi trung giới chỉ nên được xem như một giai đoạn trong sự phát triển rất cao quí của con người, nó chỉ là một bước rất nhỏ trên Con Đường Tiến Lên. Con đường này dẫn nhân loại đến độ cao tột đỉnh của địa vị Chân Sư, và còn cao hơn nữa, có thể đến một viễn cảnh huy hoàng của minh triết và quyền năng vô biên, mà trí óc giới hạn của chúng ta hiện nay không thể hiểu rõ được.
Đừng nghĩ rằng người khai mở được nhãn thông cõi trung giới là một phước báu, vì khi có được nhãn quan này, thì những sự đau buồn, thống khổ, ác độc và tham lam của thế giới áp lực như một gánh nặng luôn luôn đè lên họ, cho đến khi họ cảm thấy thấm thía với tiếng vọng của những lời khẩn khoản thiết tha của Schiller: “Tại sao Ngài không ném tôi vào thành phố của những người mù vĩnh viễn, và công bố lời sấm về việc khai mở giác quan? Hãy lấy lại ánh sáng đáng buồn này, lấy lại ánh sáng tàn nhẫn từ đôi mắt tôi ! Trả lại tôi với sự mù lòa - sự đen tối hạnh phúc của giác quan; hãy lấy lại món quà dễ sợ của Ngài !” Có lẽ cảm giác này không được tự nhiên trong giai đoạn đầu của đường đạo, khi thấy xa hơn và hiểu biết sâu rộng hơn, người sinh viên huyền môn sẽ nhận thấy chắc chắn rằng tất cả mọi sự việc đều tương tác lẫn nhau cho sự tốt đẹp của tất cả.
---HẾT---
PHỤ LỤC
Sau đây là lời cầu nguyện của người da đỏ Hopi, thuộc nhóm Shoshonean Pueblo Indian, bộ tộc này còn sống rãi rác ở vùng núi miền bắc tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. Nguyên tác bản Anh ngữ của Josh Wexler, do Hoàng Thái Vân phỏng dịch .
[2] Ông Leadbeater thụ phong Giám Mục dòng Thiên Chúa Giáo Tự Do năm 1916
[3] Tôn Giáo Minh Triết ( Wisdom-religion)
[4] Mỗi cõi (plane) được chia thành 7 cảnh (subplanes). Chất liệu cấu tạo nên 7 cảnh của cõi trần từ đậm đặc đến thanh nhẹ như sau: đặc, lỏng, hơi, dĩ thái IV, III, II, I. (LDG)
[5] Có 7 cõi trong thái dương hệ, mỗi cõi (plane) được chia thành 7 cảnh (subplanes) LDG
[6] Trọng lực (gravitation)
[7] Điểm cận địa (perigee): điểm trong quĩ đạo của hành tinh gần địa cầu nhất. Điểm viễn địa (apogee): điểm trong quĩ đạo của hành tinh xa địa cầu nhất.
[8] Cube: hình lập phương hay hình khối vuông, có 6 mặt bằng nhau (LDG)
[9] Emanation: bốc lên, xông lên, phát xuất.
[10] Ether: chất dĩ thái, cấu tạo nên 4 cảnh cao của cõi trần, tính từ đậm đặc đến thanh nhẹ, ta có: đặc, lỏng, hơi, dĩ thái IV, III, II, I. (LDG)
[11] Counterpart: phó bản hay đối phần
[12] Aura: hào quang; auric egg: noãn hào quang
[13] Thể phách còn được gọi là nhị xác thân (etheric double), sinh lực: phạn ngữ gọi là prana.
[14] Nghiệp Quả Tinh Quân (Lords of Karma), còn được biết đến với tên Nam Tào Bắc Đẩu.
[15] Nguyên tử: atom; nguyên tố: element
[16] Tinh linh thiên nhiên (nature-spirit) còn được gọi là tinh linh ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) (LDG).
[17] Phát triển khả năng tâm linh (Psychically-developed), tiến hóa tinh thần (spiritually developed)
[18] Những bản thể cao: the higher principles
[19] Dòng lưu chuyển trung giới: Astral currents
[20] 18 inches = 45.72 cm
[21] Dugpas: phái Mũ Đỏ, mặc áo và đội mũ màu đỏ, ở phía tây nước Tây Tạng, thực hành tà thuật, khi Phật Giáo truyền vào Tây Tạng, phái này đem tín ngưỡng tà giáo của họ xâm nhập vào đạo Phật. Trái với phái Mũ Vàng (Gelugpa) do Ngài Tsong-ka-pa lập ra, khi Ngài qua Tây Tạng cải cách lại Phật Giáo. (LDG)
[22] Các nguyên lý cao (higher principles) như: ý chí, bồ đề tâm, thượng trí; các nguyên lý này tương đương với các thể như: thể Atma, thể Chân Phúc (Bliss-body), Nhân Thể (causal body), xin xem quyển Minh Triết Cổ Truyền, chương VI. (LDG)
[23] “a law of the members warring against the law of the mind”
[24] Các nguyên lý (principles): từ này dùng để chỉ phương diện sống trong các thể, như tình cảm trong thể vía, trí tuệ thấp (lower manas) trong thể hạ trí, trí tuệ cao (higher manas) trong nhân thể…(LDG)
[25] A-Tỳ (Avitchi), hay “cõi thứ tám” (eight sphere): theo truyền thuyết, đó là địa ngục cuối cùng trong 8 địa ngục; theo Thiên Chúa Giáo, đó là nơi dành cho người mất linh hồn. (LDG)
LỜI GIỚI THIỆU … … … .7
CHƯƠNG I: QUAN SÁT TỔNG QUÁT … 15
CHƯƠNG II: QUANG CẢNH CÕI TRUNG GIỚI … 23
CHƯƠNG III: CƯ DÂN CÕI TRUNG GIỚI … 33
A. NHÂN LOẠI … … … … … … … … … 33
a) NGƯỜI CÒN GIỮ XÁC THÂN … …33
1- Chân Sư và những đệ tử … … … … …33
2- Người đã phát triển khả năng tâm linh … 34
3- Người bình thường … … … … … …35
4- Nhà hắc thuật và đệ tử của họ … … … 37
b) NGƯỜI KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN …38
1- Vị Ứng Thân … … … … … … … 38
2- Đệ tử chờ tái sinh … … … … … … … 39
3- Người bình thường sau khi chết … … … 40
4- U hồn … … … … … … 49
5- Ma hình … … … … … … 51
6- Ma hình được làm sinh động … … …52
7- Người tự tử hoặc người chết bất thần … …53
8- Ma cà rồng và ma sói … … … … … 55
9- Người ở thế giới xám … … … … … … 57
10- Nhà hắc thuật và đệ tử của họ …59
B. KHÔNG THUỘC NHÂN LOẠI … … … 59
1- Loài tinh hoa chất … … … …61
2- Thể vía loài thú … … … … … … 69
3- Loài tinh linh thiên nhiên … … … …70
4- Các thiên thần … … … … … …73
C. NHÂN TẠO … … … … … 78
1- Loài tinh linh do vô ý tạo ra … … … 78
2- Loài tinh linh do cố ý tạo ra … 83
3- Con người nhân tạo … … … … … 85
CHƯƠNG IV: CÁC HIỆN TƯỢNG … …90
A. HIỆN TƯỢNG MA … … … … … 91
1- Ma ở nghĩa trang … … … … 91
2- Người hấp hối … … …91
3- Nơi bị ma ám … … … … … 92
4- Ma trong gia đình … … … … … 92
5- Ma rung chuông … … … … … … … 93
B. TINH LINH VÀ CÁC THỰC THỂ LIÊN LẠC…93
1- Các nàng tiên … … … … … … … … … 93
2- Các thực thể liên lạc … … … … … …94
C. SỬ DỤNG NĂNG LỰC CÕI TRUNG GIỚI …95
1- Sự hiểu biết về năng lực và rung động … … … 95
2- Nhãn thông … … … … … … 96
3- Tiên tri và nhãn quan thứ hai … … … … … … 96
4- Năng lực cõi trung giới … … … … … … … 97
a. Dòng lưu chuyển dĩ thái
b. Áp lực của dĩ thái
c. Năng lực tiềm ẩn
d. Rung động đồng cảm - thần chú
5- Phân tán vật thể … … … … … … … 99
6- Sự hiện hình … … … … … … 100
7- Chụp ảnh bóng ma … … … … … … 101
8- Nhân đôi vật thể … … … … …102
9- Sự kết tụ … … … … … … … … … 102
10- Viết lên bảng đá … … … … 103
11- Thuật khinh thân … … … … … 103
12- Ánh sáng ma … … … … … 104
13- Nắm lửa trong ta … … … … … 104
14- Sự biến chất … … … … … 105
15- Sự phản hưởng … … … … … …105
CHƯƠNG V: KẾT LUẬN … … … … …107
PHỤ LỤC: Lời cầu nguyện của người da đỏ Hopi … 109
LỜI TỰA
Tôi xin có vài lời giới thiệu về quyển sách nhỏ này đến quí độc giả. Đây là quyển thứ năm trong loạt sách trình bày đơn giản Minh Triết Thiêng Liêng để đáp ứng nhu cầu công chúng. Một số độc giả phàn nàn sách vở hội Thông Thiên Học quá trừu tượng, quá kỷ thuật và khó hiểu đối với những người bình thường. Chúng tôi hy vọng loạt sách này sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của quần chúng. Minh Triết Thiêng Liêng không chỉ dành riêng cho các học giả, mà cho mọi người. Có lẽ một số người khi đọc những quyển sách này lần đầu tiên sẽ nhận ra ý nghĩa tổng quát của nó, muốn tìm hiểu sâu xa hơn về Minh Triết Thiêng Liêng, muốn đối diện với những vấn đề khó khăn hơn với lòng hăng hái của một sinh viên nhiệt tâm. Đối với những người ấy, sẽ có những tác phẩm lớn, sâu xa hơn dành cho họ. Tuy nhiên, những quyển sách nhỏ mà chúng tôi giới thiệu nơi đây không phải chỉ dành riêng cho những sinh viên nhiệt thành, không khó khăn ban đầu nào có thể làm họ nản lòng, mà nó cũng được dành cho những người đang bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, muốn tìm hiểu một vài chân lý cao cả để hướng dẫn đời sống họ bớt nặng trĩu, và đồng thời giúp họ đối diện sự chết dễ dàng hơn. Chúng tôi, những người phụng sự các vị Chân Sư, viết nên những quyển sách này không ngoài mục đích giúp ích quần chúng.
LỜI GIỚI THIỆU
Trong tủ sách Thông Thiên Học, quyển sách nhỏ này nổi bật với vài tính chất đặc biệt. Nó cố gắng mô tả thế giới vô hình bằng phương pháp của nhà thực vật học, khi nghiên cứu một vùng đất mới trên địa cầu mà trước đó chưa một ai biết đến.
Phần nhiều các tác phẩm trình bày thần học và huyền bí học đều thiếu tính cách chính xác của khoa học hiện đại. Nó trình bày ý nghĩa của sự việc thay vì mô tả chính sự việc. Trong quyển sách này, tác giả mô tả thế giới vô hình trên quan điểm của khoa học hiện đại. Là người chép lại bản thảo cho nhà in, nên tôi có thể kể lại tác phẩm được viết ra như thế nào.
Quyển sách này được viết vào năm 1894, lúc đó ông C.W. Leadbeater là thư ký của chi bộ Thông Thiên Học Luân Đôn, còn ông A.P. Sinnet là chi trưởng. Lúc đó, hoạt động của chi bộ không được truyền bá rộng rãi trong công chúng, không thường xuyên tổ chức những buổi giảng công cộng, nhưng mỗi năm có 3 hay 4 lần họp tại nhà ông hội trưởng, thiệp mời được gởi đến các hội viên của chi bộ và một số người thuộc tầng lớp “thượng lưu” mà ông Sinnet nghĩ rằng họ thích thú tìm hiểu Minh Triết Thiêng Liêng. Ông Sinnet thường mời ông Leadbeater làm diễn giả trong những buổi họp này.
Đề tài “Cõi Trung Giới” thật là thích hợp với ông Leadbeater, vì tác giả đã được huấn luyện về khả năng nhãn thông, nhờ nó mà ông có thể nghiên cứu các hiện tượng ở cõi trung giới một cách khoa học. Trong quyển “Thông Thiên Học đã đến với tôi như thế nào” tác giả đã mô tả sự huấn luyện của ông như sau:
SỰ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỜ
“Lúc ấy, tôi không có một khả năng tâm linh nào, và cũng không bao giờ nghĩ mình có được sự nhạy cảm. Tôi tin rằng một người phải có vài khả năng tâm linh bẩm sinh và một cơ thể nhạy cảm, mới có thể phát triển được theo chiều hướng ấy. Do đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể phát triển khả năng đó trong kiếp này. Nhưng tôi hy vọng nếu trong kiếp này tôi cố gắng theo chiều hướng đó, thì kiếp sau tôi có thể được sinh ra với một xác thân phù hợp hơn trong việc phát triển khả năng tâm linh.
Cho đến một ngày, tôi vinh hạnh được Chân Sư Kuthumi viếng thăm, Ngài hỏi tôi: Có khi nào thử áp dụng một vài phương pháp tham thiền liên quan đến sự phát triển năng lực thần bí gọi là luồng hỏa hậu chăng? Dĩ nhiên tôi có nghe nói đến năng lực ấy, nhưng sự hiểu biết rất thô thiển, và tôi luôn cho rằng nó vượt quá khả năng của người Phương Tây. Tuy nhiên, Ngài khuyến khích tôi cố gắng thực tập vài phương pháp, và dặn tôi không được tiết lộ cho bất cứ ai, trừ khi được Ngài cho phép; và cho biết sẽ đích thân quan sát công việc luyện tập của tôi, để ngăn ngừa mọi điều nguy hiểm có thể xảy ra.
Dĩ nhiên tôi vâng lời, và với cố gắng mãnh liệt liên tục từ ngày này qua ngày khác, thực hành phương pháp tham thiền đặc biệt được Ngài chỉ dạy. Phải công nhận đó là một công việc rất cực nhọc, và đôi lúc gây đau đớn, nhưng tôi vẫn kiên trì và cuối cùng đã đạt được kết quả mong đợi. Một vài kinh huyệt cần được khai thông, và một vài vách ngăn cần phải phá bỏ. Ngài cho biết, nếu cố gắng mãnh liệt và liên tục, thời gian trung bình để đạt được kết quả là 40 ngày. Đến ngày thứ 42, tôi cảm thấy mình sắp đến mức thành công cuối cùng. Khi ấy đích thân Chân Sư đến giúp tôi vượt qua giai đoạn cuối để hoàn tất công phu, từ đó tôi có thể sử dụng khả năng nhãn thông cõi trung giới trong lúc tâm thức hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trần. Nói khác đi, có sự liên tục của tâm thức và trí nhớ ở cõi trung giới, dù cho xác thân thức tỉnh hay đang ngủ. Chân Sư cho biết, nếu tự cố gắng tôi có thể vượt qua giai đoạn cuối lâu hơn 24 giờ, tuy nhiên Ngài đã can thiệp để tôi vượt qua sớm hơn, vì Ngài muốn tôi làm ngay một vài công việc.
HUẤN LUYỆN TÂM LINH
Chúng ta đừng nghĩ, khi đạt được khả năng nhãn thông là đã hoàn tất việc huấn luyện huyền môn. Trái lại, đó chỉ là bước đầu của một năm cố gắng khó nhọc nhất mà từ trước đến nay tôi chưa từng trải qua. Tôi ở một mình trong căn phòng bát giác cạnh bờ sông, nhiều giờ dài dằng dặc mỗi ngày, và được giữ không cho bất cứ ai đến quấy rầy, ngoại trừ giờ cơm. Thỉnh thoảng có vài vị Chân Sư đến thăm tôi và khuyên nhủ đôi lời; nhưng chính Chân Sư Djwal Kull dạy tôi nhiều điều quan trọng nhất. Được sự ưu ái nầy có lẽ vì tôi và Ngài đã có liên hệ gần gũi trong tiền kiếp, khi tôi được học với Ngài ở đạo viện Pythagore do Ngài sáng lập tại Athens, và tôi còn được vinh dự điều hành đạo viện ấy, khi Ngài qua đời. Tôi thật không biết phải làm gì để đền đáp lại công lao to lớn và khó khăn mà Ngài phải gánh chịu trong việc huấn luyện tâm linh cho tôi. Ngài luôn kiên nhẫn lặp đi lặp lại nhiều lần công việc tạo ra hình tư tuởng sống động, và hỏi tôi: “Anh thấy gì?” Khi tôi cố gắng hết sức để mô tả, thì câu trả lời sau được lặp lại nhiều lần: “Không phải, không phải, anh thấy không đúng, không trọn vẹn, hãy đào sâu hơn trong anh, hãy sử dụng cả thị giác thể trí lẫn thể vía, hãy tiến xa hơn chút nữa, cao hơn chút nữa.”
Tiến trình này thường được lặp lại nhiều lần cho đến khi Ngài hài lòng. Người sinh viên huyền môn được trắc nghiệm bằng mọi cách, và dưới mọi điều kiện. Vào giai đoạn cuối, những tinh linh thiên nhiên hay đùa nghịch được đặc biệt gọi đến, và nhận chỉ thị bằng mọi cách cố làm cho người quan sát bối rối và nhầm lẫn. Dĩ nhiên đó là công việc rất khó nhọc và căng thẳng, tuy chưa quá sức chịu đựng của con người. Nhưng cuối cùng công việc huấn luyện cho kết quả rất xứng đáng, vì nó trực tiếp đưa đến sự kết hợp giữa phàm ngã và chân ngã, làm cho con người hiểu biết chắc chắn dựa trên kinh nghiệm, mà bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai cũng không thể lung lạc được[1].”
Tôi ở chung với ông Leadbeater, lúc ông đang soạn thảo bài diễn văn cho Chi Bộ Luân Đôn, còn tôi đang học thi. Đức Giám Mục[2] Leadbeater có thói quen là không bao giờ vứt bỏ những bao thư mà ông nhận được. Ông rọc nó ra và dùng mặt bên trong để viết các bản thảo, ông vẫn giữ thói quen này đến ngày ông mất. Sau khi đọc bài diễn văn theo bản ghi chép, ngày 21-11-1894, công việc kế tiếp của ông là viết lại để đăng trong tờ Diễn Đàn số 24 của Chi Bộ Luân Đôn. Ông bắt đầu viết mỗi lần một ít trên các bao thư cũ rọc ra, và bổn phận của tôi là sao chép lại các bản thảo ấy vào những trang giấy trống của một quyển nhật ký cũ. Như thế, chữ viết trong tác phẩm viết tay này là của tôi. Công việc sáng tác này mất độ 3 hay 4 tuần lễ, vì ông còn phải bận rộn với nhiều công việc lo cho đời sống, nên chỉ có thể viết được vào lúc rảnh rỗi.
Khi bản in thử của tờ Diễn Đàn Chi Bộ Luân Đôn từ nhà in đưa về cho ông Leadbeater, thì bản thảo viết tay của tôi cũng được trả về. Thường khi bản viết tay được nhà in giao trả thì đã dính đầy dấu tay của thợ sắp chữ, của người sửa chữa trên những trang giấy này. Điều này cũng không quan trọng, vì khi được in xong thì bản thảo viết tay cũng phải vứt bỏ.
Nhưng một chuyện bất thường xảy ra làm cho ông Leadbeater rất bối rối. Một buổi sáng ông cho tôi biết là Chân Sư K.H. muốn có tập bản thảo để đặt vào Bảo Tàng Viện của Đại Đoàn Chưởng Giáo. Chân Sư giải thích rằng quyển “Cõi Trung Giới” là một tác phẩm đặc biệt, nó đánh dấu một giai đoạn lịch sử về sự mở mang trí tuệ của nhân loại. Ngài nói thêm, từ xưa đến nay, dù dưới thời văn minh cao tột ở châu Atlantis, những vị đạo sư của các môn phái bí truyền đã không diễn tả những sự kiện thiên nhiên theo quan điểm khoa học hiện đại, mà theo một quan điểm khác. Những vị đạo sư huyền môn thuở xưa chỉ chú trọng đến ý nghĩa bên trong, mà ta có thể gọi là “sự sống” của thiên nhiên, mà ít chú trong đến phần “hình thể” của thiên nhiên. Phần lớn kiến thức về những điều bí nhiệm của thiên nhiên được các vị cao cả ở những nền văn minh quá khứ góp nhặt. Cho đến nay, những hiểu biết này không được tổng hợp theo phương pháp khoa học, mà theo phản ứng của tâm thức đối với phương diện “sự sống”.
Đây là lần đầu tiên trong giới huyền môn, cõi trung giới được nghiên cứu trọn vẹn với đầy đủ chi tiết, theo phương pháp tương tự như phương pháp mà nhà thực vật học dùng khi nghiên cứu rừng Amazon, để phân loại các loài cây cỏ và viết lịch sử thực vật của cánh rừng. Vì lý do ấy, quyển sách nhỏ “Cõi Trung Giới” đúng là một trụ mốc; và Đức Thầy, như là người giữ gìn hồ sơ những biến cố xảy ra trên địa cầu, muốn đặt bản thảo của nó trong Bảo Tàng Viện vĩ đại.
Bảo tàng viện này lưu trữ nhiều loại đồ vật khác nhau được chọn lựa kỹ lưỡng, những đồ vật có liên quan đến lịch sử, mà Đức Thầy nhận thấy quan trọng, đặc biệt đối với những đệ tử trong việc học hỏi ở trình độ cao. Bảo tàng viện này cũng chứa những văn kiện ghi lại sự phát triển của nhân loại trong mọi lãnh vực hoạt động. Thí dụ những quả địa cầu mẫu diễn tả hình dạng của mặt đất trải qua những thời đại khác nhau. Từ những quả địa cầu mẫu này mà ông Leadbeater đã vẽ ra bản đồ châu Atlantis trong bài viết của W. Scott-Elliot in trên tờ Diễn Đàn của Chi Bộ Luân Đôn. Trong số những đồ vật mang ý nghĩa quan trọng, là một khối thủy ngân đồng vị (isotope) ở thể đặc. Bảo tàng viện này cũng chứa đủ loại tài liệu xưa, liên hệ đến các tôn giáo hiện tại và những tôn giáo thời xa xưa, cùng những tài liệu hữu ích khác giúp cho sự tìm hiểu tác động của “Luồng Sóng Sinh Hoạt” (Life Wave) trên địa cầu.
Tôi nhớ từ trước đến nay, chỉ một lần tôi thấy ông Leadbeater “bối rối”, đó là lúc ông nhận được lời yêu cầu của Chân Sư muốn có bản thảo viết tay của quyển sách nhỏ này; vì bản thảo đã bị vấy bẩn sau khi nhà in đã dùng nó. Mặc dù vậy, việc Đức Thầy yêu cầu vẫn phải được thi hành. Còn một vấn đề khác là làm thế nào gởi bản thảo ấy đến Tây Tạng. Việc này chẳng làm bận lòng ông Leadbeater chút nào, vì ông có vài quyền năng thần bí mà ông không tiết lộ cho người khác, tuy chỉ riêng tôi có vài dịp quan sát được.
Bản thảo được gởi đi bằng phương pháp phân tán vật chất (dematerialisation), khi đến Tây Tạng sẽ được làm trở lại nguyên dạng bằng phương pháp hoàn nguyên vật chất (rematerialisation).
Tôi có một dây lụa màu vàng, bề ngang chừng 7 phân, tôi quấn dây lụa chung quanh tập bản thảo xếp làm tư, và cột chặt lại thành một gói. Tôi rất khích động khi nghĩ đây là cơ hội rất tốt để có được bằng chứng của “hiện tượng”. Nếu tập bản thảo được đặt trong một cái hộp khóa kín, và tôi luôn luôn giữ chìa khóa bên mình, rồi sau đó bản thảo biến mất, thì tôi sẽ có được một hiện tượng tuyệt vời để kể lại.
Nhưng thật lạ kỳ, vào lúc ấy những đồ dùng của ông Leadbeater và của tôi, không có thứ nào có thể khóa lại được chắc chắn. Có một cái rương cũ bằng da bò, nhưng khóa của nó đã bị gãy. Chúng tôi có rất ít xách tay, nhưng không cái nào còn khóa. Có một hộp gỗ bên trong lót bằng đồi mồi, đó là chiếc hộp làm việc của mẹ Ngài lúc xưa, nhưng chìa khóa cũng lạc mất từ lâu.
Như thế, chỉ có cách tốt nhất là để tập bản thảo trong chiếc hộp ấy và đặt nhiều cuốn sách chồng lên trên. Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi dỡ chồng sách ra và nhìn vào trong hộp, tập bản thảo không còn đó nữa! Mất đi một dịp chứng kiến hiện tượng, nỗi buồn của tôi vẫn không nguôi khi ông Leadbeater cho biết chính tôi, trong thể vía , đã mang tập bản thảo ấy đến đức Thầy.
Trong một tài liệu khác, tôi có viết về việc không thể nào tìm được bằng chứng về tác động của năng lực siêu nhiên, nó hoàn toàn khép kín đối với giới khoa học có óc hoài nghi hay chỉ trích.
Mỗi khi ta có dịp chứng minh các hiện tượng huyền bí một cách xác thực, thì luôn luôn có vài sự việc xảy ra ngăn cản bằng chứng cuối cùng ấy. Trong giai đoạn đầu của phong trào giáng ma thuật (spiritualism), có những hiện tượng rõ rệt xảy ra như: những đồ vật bị dời chỗ rất xa, cho thấy thành phần tâm linh có thể sử dụng những năng lực phi thường. Nhưng trong mỗi trường hợp đều bị mất “một khoen của sợi dây xích”; như thế, luôn luôn có một lỗ hổng cho sự nghi ngờ. Cũng thế, những hiện tượng phi thường do Chân Sư tạo ra liên quan đến công việc của bà Blavatsky tại Simla, một thành phố ở miền bắc Ấn Độ. Đó là việc chuyển tờ “Thời Báo” vừa mới phát hành từ Luân Đôn đến Simla, trong cùng một ngày như được đề nghị, công việc này quá dễ dàng đối với Ngài. Do một vài lý do nào đó, mỗi hiện tượng xảy ra đều thiếu sót một vài bằng chứng hiển nhiên.
Chúng tôi được biết các vị Chân Sư cố ý làm cho những hiện tượng tâm linh không thể được chứng minh một cách rõ ràng. Trong giai đoạn tiến hóa của nhân loại hiện tại, có nhiều người phát triển mạnh mẽ về thể trí, nhưng trình độ đạo đức còn thấp kém, do đó các Ngài không muốn những người đầu óc không cẩn mật và bất toàn ấy có cơ hội tin tưởng hoàn toàn về sự hiện hữu của quyền năng siêu nhiên. Chừng nào mà họ còn hoài nghi về quyền năng này thì nhân loại còn chưa bị họ lợi dụng. Chúng ta cũng thừa biết những người ích kỷ đã chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên, bóc lột nhân loại về phương diện kinh tế và kỹ nghệ như thế nào rồi. Với một ít tưởng tượng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những tai họa lớn lao có thể xảy ra, nếu những người ích kỷ sử dụng năng lực siêu nhiên trong việc khai thác trục lợi.
Ông Leadbeater gặp bà Besant lần đầu vào năm 1894. Năm sau bà mời ông Leadbeater và tôi đến ở trụ sở của hội tại Luân Đôn, nơi mà bà Blavatsky mất năm 1891. Kể từ đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ông và bà Besant cho đến cuối đời. Năm 1892, bà Besant bắt đầu viết một loạt sách khổ nhỏ tóm lược giáo lý Minh triết Thiêng Liêng về nhiều đề tài khác nhau. Theo thứ tự, bốn quyển sách đầu là: Bảy Thể Của Con Người, Luân Hồi, Nhân Quả, Sự Chết Và Tình Trạng Sau Khi Chết. Bà cũng yêu cầu ông Leadbeater cho in những bài viết của ông ở Chi Bộ Thông Thiên Học Luân Đôn vào loạt sách kể trên, thành quyển thứ năm được phát hành.
Vào năm 1895, hai vị cùng phối hợp nghiên cứu cơ cấu những chất khinh khí, dưỡng khí, đạm khí và một chất thứ tư mà chúng tôi tạm đặt tên là “Huyền Linh Chất” (Occultum), chất này chưa được khoa học khám phá. Cũng trong năm ấy, hai vị nghiên cứu sâu rộng về cơ cấu, điều kiện và cư dân ở các cảnh thấp và cao của cõi thượng giới, theo cùng phương pháp mà ông Leadbeater đã dùng để nghiên cứu cõi trung giới. Bà Besant và ông quan sát từng trường hợp những chân ngã ở cõi chân phúc (Devachan), còn gọi là cõi cực lạc hay thiên đàng, nơi đây con người sống trong trạng thái hạnh phúc hoàn toàn, sau khi rời bỏ cõi trần và cõi trung giới. Vì bà Besant bận rộn với nhiều công việc khác, nên ông Leadbeater viết lại những gì mà hai vị đã quan sát được, từ đó chúng ta có quyển thứ sáu trong loạt sách nhỏ nói về Minh Triết Thiêng Liêng, đó là quyển “Cõi Trời Chân Phúc” (The Devachanic Plane).
Quyển “Cõi Trung Giới” và “Cõi Trời Chân Phúc” là hai công trình nghiên cứu rất công phu; hai vị đã quan sát một cách rất kỹ lưỡng và khách quan theo phương pháp khoa học những sự việc thực tế trong hai cõi ấy, nhờ đó mà chúng ta có được hai tác phẩm rất giá trị nói về thế giới vô hình. Đối với người nhiệt tâm muốn tìm hiểu một cách vô tư và không thành kiến, sau khi đọc kỹ và phân tích, dù chưa thể tin tưởng ngay những gì được diễn tả, nhưng ít ra cũng có một ý niệm tổng quát về tính cách khách quan của hai quyển sách. Hai vị đã diễn tả sự vật như được nhận thấy qua một kính hiển vi hay viễn vọng kính, chớ không chủ quan như tiểu thuyết gia diễn tả dài giòng những tình tiết của câu chuyện.
Tóm lại, đây là lược thuật về câu chuyện làm thế nào quyển sách nhỏ, quí giá này được viết ra, quyển “Cõi Trung Giới”.
C. Jinarajadasa
CHƯƠNG I
QUAN SÁT TỔNG QUÁT
Con người sống trọn cuộc đời trong một thế giới vô hình, rộng lớn, đông đúc dân cư, nhưng phần đông hoàn toàn không ý thức được. Khi các giác quan thể xác tạm thời ngưng hoạt động, như trong lúc ngủ hoặc trong trạng thái xuất thần, con người có thể nhận thấy được phần nào thế giới ấy, và đôi khi tỉnh lại có thể nhớ một cách mơ hồ về những điều đã nghe thấy. Khi con người từ bỏ cõi trần, người đời gọi là “chết”, con người vẫn sống tại đây, nhưng thật sự họ đã “bước vào” thế giới vô hình, và sống qua nhiều thế kỷ dài trước khi được tái sinh nơi cõi trần. Phần lớn thời gian dài giữa hai kiếp luân hồi, con người được sống trong cõi trời chân phúc (cõi này được mô tả trong quyển sách thứ sáu). Trong quyển sách này, chúng ta chú ý đến phần thấp nhất của cõi vô hình, nơi mà con người bước vào ngay sau khi rời bỏ xác thân. Cõi này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: âm phủ hay thế giới bên dưới của người Hy Lạp, cõi luyện tội hay trạng thái trung gian của Thiên Chúa Giáo, cõi trung giới của phái luyện kim thời trung cổ, v.v…
Mục đích của quyển sách nhỏ này là góp nhặt và sắp xếp lại những hiểu biết có liên quan đến cõi trung giới, được trình bày rải rác trong những tác phẩm Minh Triết Thiêng Liêng. Thêm vào đó có những dữ kiện mới mà chúng tôi quan sát được. Xin hiểu rằng những điều chúng tôi thêm vào chỉ là kết quả do sự nghiên cứu của một số ít người, do đó không nên xem như những điều phải tin tưởng tuyệt đối. Chúng tôi trình bày những điều quan sát được chỉ vì chúng tôi nhận thấy nó có giá trị.
Mặt khác, chúng tôi rất thận trọng trong khả năng quan sát của mình để bảo đảm chính xác tối đa. Không một sự kiện nào, dù cũ hay mới, được ghi vào quyển sách này mà chưa được ít nhất hai quan sát viên đã được huấn luyện trong nhóm chúng tôi, quan sát riêng rẽ và xác nhận. Ngoài ra nó còn được các sinh viên huyền môn kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm hơn về sự kiện, xem lại để bảo đảm sự chính xác. Dù chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng những dữ kiện diễn tả trong quyển sách này rất xác thực và đáng tin cậy.
(Kể từ ấn bản đầu tiên đến nay đã được 40 năm, tôi có thể nói thêm rằng kinh nghiệm hàng ngày của tôi trong suốt thời gian ấy, cũng xác nhận sự đúng thực của những sự kiện được nghiên cứu lúc trước. Nhiều sự việc trước kia có vẻ lạ lùng và mới mẻ, giờ đây đã trở nên quen thuộc vì được gặp thường xuyên, và vô số chứng cớ được thu thập thêm. Mặc dù có một ít chữ được thêm vào ở vài nơi, nhưng thực tế không có gì thay đổi.)
Vấn đề đầu tiên cần được nêu rõ trong việc mô tả cõi trung giới là sự hoàn toàn “thực tại” của nó. Khi nói “thực tại” (reality), tôi không đứng trên quan điểm siêu hình; vì theo quan điểm này, ngoại trừ “Cái Duy Nhất Không Thể Hiện” (The One Unmanifested), còn lại tất cả đều không thực, vì không trường tồn. Tôi dùng từ “thực tại” với ý nghĩa rõ ràng, mà hàng ngày chúng ta thường dùng, tôi muốn nói: sự vật và cư dân ở cõi trung giới đều có thật, như bàn ghế, nhà cửa, lâu đài hay xác thân chúng ta. Giống như những sự vật ở cõi trần, những sự vật ở cõi trung giới không tồn tại vĩnh viễn, nhưng theo quan điểm bình thường, dù sao chúng cũng là thật khi chúng còn hiện hữu; sự hiện hữu mà chúng ta không thể bỏ qua, dù phần đông nhân loại không cảm biết hay chỉ cảm biết một cách mơ hồ.
Tôi biết, thật khó khăn để người bình thường chấp nhận tính chất thực tại của những sự việc mà họ không thể thấy bằng đôi mắt trần. Ta cần biết thị giác của con người rất giới hạn. Con người sống thường trực trong một thế giới rộng lớn, nhưng chỉ thấy được một phần hết sức nhỏ. Khoa học cho ta biết chắc rằng có những sinh vật rất bé nhỏ mà với mắt thường ta không nhận thấy được. Tuy bé nhỏ nhưng chúng rất quan trọng, sự hiểu biết về thói quen và điều kiện sinh sống của một số loại vi trùng có thể giúp cho ta giữ gìn sức khoẻ, và trong nhiều trường hợp cứu được mạng sống con người.
Theo một chiều hướng khác, giác quan con người cũng bị giới hạn, như ta không thể thấy được không khí bao quanh ta. Thị giác con người không nhìn thấy được sự hiện hữu của không khí, trừ khi nó di chuyển và ta cảm nhận được nó qua xúc giác. Tuy vô hình đối với ta, nhưng sức mạnh của không khí có thể nhận chìm chiếc tàu to lớn nhất và xô ngã tòa nhà vững chắc nhất. Rõ ràng là chung quanh ta có nhiều năng lực mạnh mẽ, mà các giác quan thô sơ và bất toàn của ta không cảm nhận được. Vậy ta phải cẩn thận, đừng vướng mắc vào sự lầm lẫn tai hại thường tình, khi cho rằng những gì ta thấy được là tất cả, ngoài ra không còn gì khác.
Chúng ta như bị nhốt trong một cái tháp, các giác quan của ta giống như những cửa sổ rất nhỏ, mở ra theo vài hướng nào đó, còn những hướng khác, ta hoàn toàn bị che kín. Nhãn thông hay thị giác cõi trung giới mở thêm cho ta một hay hai cửa sổ nữa, để ta có thể thấy được một thế giới mới rộng lớn hơn, nhưng đó chỉ là một phần của toàn thể thế giới mà trước kia ta chưa được biết đến.
Ta chỉ có thể hiểu rõ giáo lý của Tôn Giáo Minh Triết[3] khi nắm vững sự kiện là trong thái dương hệ có những cõi hoàn toàn xác định, mỗi cõi được cấu tạo bằng chất liệu của chính cõi đó với những mức độ đậm đặc khác nhau. Ngoài cõi trần, những người có khả năng có thể thăm viếng và quan sát một số cõi khác, giống như ta đi thăm viếng và quan sát một nước khác. Do so sánh với những điều quan sát được của các vị thường xuyên làm việc ở những cõi đó, quan sát viên sẽ có được chứng cớ rõ ràng về sự hiện hữu cũng như bản chất của những cõi mà họ thăm viếng, giống như sự hiện hữu của các đảo Greenland (ở bắc Mỹ) và Spitzbergen (thuộc Na Uy). Bất cứ người nào có phương tiện và chịu khó đều có thể đi thăm viếng các hòn đảo nói trên; cũng thế, bất cứ ai chịu khó sống một đời xứng đáng, một ngày kia tự mình cũng có thể thăm viếng các cõi cao hơn cõi trần.
Sau đây là tên gọi các cõi trong thái dương hệ, dựa theo mức độ đậm đặc của chất liệu cấu tạo, từ thô kệch đến thanh nhuyễn: cõi trần, cõi trung giới, cõi thượng giới (hay cõi trí tuệ), cõi bồ đề và cõi niết bàn. Còn có hai cõi cao hơn nữa, tạm thời không đề cập nơi đây vì vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Ta có thể so sánh sự khác biệt về chất liệu cấu tạo của một cõi đối với cõi thấp hơn kế nó như hơi nước so với chất đặc, dù sự khác biệt lớn hơn rất nhiều. Thật ra, trạng thái của vật chất mà ta gọi là: đặc, lỏng, hơi chỉ là vật chất của ba cảnh[4] thấp thuộc cõi trần.
Cõi trung giới mà tôi cố gắng mô tả là cõi thứ nhì trong các cõi vĩ đại của thiên nhiên, nó là cõi kề cận bên trên (hay bên trong) cõi trần. Người ta thường gọi nó là vùng ảo ảnh, không phải vì nó hư ảo hơn cõi trần, mà chỉ vì những người chưa được huấn luyện sau khi quan sát cõi trung giới trở về, có cảm nhận như nó thay đổi rất bất thường.
Để hiểu rõ sự thay đổi bất thường này, ta cần chú ý đến hai đặc tính chính của cõi trung giới. Đặc tính thứ nhất là nhiều cư dân ở cõi trung giới có năng lực kỳ diệu, tự làm thay đổi hình dạng một cách rất nhanh chóng, và có nhiều trò đùa để trêu chọc người nào mà chúng muốn. Đặc tính thứ hai là thị giác cõi trung giới là một quan năng khác biệt và mở rộng hơn rất nhiều so với thị giác cõi trần. Một đồ vật được nhìn thấy một lượt từ mọi phía, cả bên trong lẫn bên ngoài, như được mở toang ra. Do đó rất khó cho người chưa có kinh nghiệm ở thế giới mới này hiểu đúng thật những gì họ thấy, và còn khó khăn hơn nữa nếu họ muốn diễn tả lại bằng ngôn ngữ bình thường.
Một thí dụ điển hình về sự sai lầm thường gặp phải, là ở cõi trung giới người ta thấy các con số thường bị đảo ngược, thí dụ số 139 có thể được thấy là 931 v.v…Đối với sinh viên huyền môn đã được Chân Sư huấn luyện, sự lầm lẫn như thế sẽ không thể xảy ra, trừ trường hợp họ quá vội vàng, không cẩn thận. Người ấy thấy được chính xác vì đã trải qua một chương trình huấn luyện lâu dài về cách nhìn đúng đắn ở cõi trung giới. Chính Chân Sư hoặc những đệ tử cao cấp được Ngài giao phó, huấn luyện người sinh viên bằng cách đưa mọi hình thể có thể gây ảo ảnh cho người sinh viên nhìn, và trắc nghiệm xem anh ta thấy có đúng không; mọi câu trả lời sai lầm đều được sửa chữa và giải thích lý do. Sự trắc nghiệm được lặp lại nhiều lần cho đến khi người sinh viên thấy thật đúng, và cảm thấy tự tin trong việc quan sát những hiện tượng cõi trung giới.
Sinh viên huyền môn không những phải học quan sát đúng đắn, mà còn phải học cách diễn dịch chính xác qua trí nhớ những điều đã thấy ở một cõi khác. Để đạt được điều này, người sinh viên phải học cách giữ tâm thức không gián đoạn từ cõi trần đến cõi trung giới hay thượng giới và ngược lại. Trước khi đạt được khả năng giữ tâm thức liên tục, người ấy không thể nhớ lại đầy đủ, và những điều đã thấy được thường bị biến dạng do khoảng trống chia cắt giữa hai giai đoạn tâm thức của hai cõi khác nhau. Khi đạt được khả năng này một cách hoàn hảo, người sinh viên có thể sử dụng mọi quan năng thể vía, không những trong lúc ngủ hay xuất thần, mà cả lúc họ hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trần.
Một số học giả Minh Triết Thiêng Liêng thường có thói quen khinh thường khi nói đến cõi trung giới, và cho rằng nó không đáng được chú ý đến; nhưng với tôi, đó là một quan điểm sai lầm. Chắc hẳn mục đích chúng ta nhắm đến là sự sống của linh hồn, thật tai hại nếu người sinh viên quên mục đích cao cả đó, mà chỉ bằng lòng dừng lại với tâm thức cõi trung giới. Do nghiệp quả, một số người có thể phát triển những quan năng cao của thể trí trước, tạm thời vượt bỏ giai đoạn phát triển ở cõi trung giới, nhưng đó không phải là phương pháp thông thường được các vị Chân Sư Minh Triết áp dụng cho đệ tử.
Có thể việc khai mở trước những quan năng thể trí không gây trở ngại gì, vì cái cao thường bao gồm cái thấp, nhưng đối với phần đông chúng ta, sự tiến hóa nhảy vọt, đốt giai đoạn, có thể gây nhiều lỗi lầm tai hại; phương pháp tốt nhất là nên đi từ từ, từng bước một. Cõi trung giới ở kế cận cõi trần, và những kinh nghiệm đầu tiên về thế giới siêu hình thường có liên quan đến nó. Như thế, cõi trung giới rất quan trọng đối với người mới bắt đầu công việc nghiên cứu về thế giới vô hình. Khi biết rõ những điều bí nhiệm của cõi trung giới, chúng ta không những hiểu được nhiều hiện tượng khó giải thích ở các buổi chiêu hồn thuật, ở các căn nhà bị ma ám v.v… mà còn bảo vệ cho chính chúng ta và người chung quanh tránh khỏi những điều nguy hiểm.
Lần đầu tiên, con người có ý thức về cõi rộng lớn này theo nhiều cách khác nhau. Một số người, trong suốt cuộc đời chỉ có một lần do vài ảnh hưởng bất thường, đã trở nên nhạy cảm và nhận thấy một người thuộc cõi trung giới. Vì kinh nghiệm này không được lặp lại, theo thời gian họ nghĩ rằng điều mà họ thấy khi trước chỉ là ảo ảnh. Người khác thấy hoặc nghe được hiện tượng cõi vô hình ngày càng thường hơn, trong khi những người chung quanh như mù và điếc đối với những hiện tượng đó. Nhưng kinh nghiệm thông thường nhất đối với phần đông là bắt đầu nhớ lại càng ngày càng rõ ràng hơn những gì mình đã thấy và nghe ở cõi trung giới trong lúc ngủ.
Cần biết mỗi người chúng ta đều có tiềm năng nhận thức khách quan ở mọi cõi, nhưng phần đông nhân loại tiến hóa rất chậm chạp, phải một thời gian lâu dài tâm thức mới hoàn toàn linh hoạt ở những cõi cao. Đối với người trí thức thuộc những giống dân tiến hóa, tâm thức họ chẳng những có đủ khả năng ứng đáp được mọi rung động cõi trung giới, mà còn có thể sử dụng thể vía như một dẫn thể, hay dụng cụ.
Phần đông chúng ta đều thức tỉnh ở cõi trung giới trong lúc thể xác đang ngủ, tuy nhiên ta chỉ cảm nhận mơ hồ những gì xảy ra chung quanh. Vì trong lúc ngủ, ta vẫn bị bao phủ bởi những tư tưởng lúc thức, những tính toán về công việc ở cõi trần, chẳng còn thì giờ để chú ý đến môi trường sống động ở trung giới. Để có thể hoạt động hữu hiệu ở cõi trung giới, trước tiên ta phải loại bỏ thói quen bận rộn của tư tưởng, và học cách quan sát thế giới mới lạ, đẹp đẽ ấy. Dù đã tự chủ hoàn toàn ở cõi trung giới, không nhất thiết là khi thức dậy ta có thể nhớ lại được những sinh hoạt ở cõi đó. Sự kiện nhớ lại được những gì xảy ra ở cõi trung giới trong lúc ngủ, là một vấn đề hoàn toàn khác, và cũng không ảnh hưởng gì đối với khả năng hoạt động ở cõi đó.
Trong số người tìm học về đề tài cõi trung giới, một số cố tập luyện phát triển nhãn thông trung giới bằng cách nhìn chăm chú vào một quả cầu thủy tinh, hoặc bằng những phương pháp khác, trong khi một số người rất diễm phúc được một vị thầy có khả năng hướng dẫn trực tiếp, sẽ thức tỉnh hoàn toàn ở cõi trung giới lần đầu tiên dưới sự bảo vệ đặc biệt của Ngài. Sau đó vị thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn học trò, cho đến khi qua những cuộc thử thách, Ngài nhận thấy người học trò chứng tỏ không còn sợ hãi và an toàn đối diện với những nguy hiểm có thể xảy ra. Dù bất cứ trường hợp nào, lần đầu tiên nhận thức thực sự mình đang ở giữa một thế giới rộng lớn, sống động mà phần đông con người vẫn hoàn toàn không ý thức, là một kinh nghiệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời.
Cuộc sống cõi trung giới rất phong phú và đa dạng, thường gây bối rối cho người mới đến lần đầu; dù với người có nhiều kinh nghiệm, cũng không dễ dàng phân loại và liệt kê thứ tự các sự việc ở cõi đó. Giống như người thám hiểm một khu rừng rậm miền nhiệt đới mà loài người chưa từng biết đến; sau đó được yêu cầu chẳng những kể lại các chi tiết chính xác về các loại thực vật và khoáng sản, mà còn liệt kê từng loài động vật, với vô số côn trùng, chim chóc, dã thú và loài bò sát trong khu rừng, có thể người ấy sẽ e sợ trước công việc quá to lớn đó. Điều này cũng không thể so sánh được với sự khó khăn và bối rối của người khảo sát tâm linh cõi trung giới, vì cõi này phức tạp hơn nhiều. Trước hết là sự khó khăn trong vấn đề diễn dịch lại những gì mà người ấy đã thấy từ cõi trung giới qua cõi trần. Khó khăn thứ nhì là ngôn ngữ thông thường hoàn toàn không thích ứng, cũng như không đầy đủ để diễn đạt những sự việc ở cõi trung giới.
Giống như công việc của người thám hiểm cõi trần, người thám hiểm cõi trung giới bắt đầu diễn tả tổng quát quang cảnh và đặc tính của nó. Như thế, chúng ta nên bắt đầu mô tả sơ lược cõi trung giới, cố gắng đưa ra vài ý niệm về bối cảnh cho những sinh hoạt kỳ diệu, luôn biến đổi của nó. Đây chỉ là bước đầu của một công việc khó khăn mà chúng ta phải đối phó với vấn đề rất phức tạp này. Những người có khả năng nhãn thông cõi trung giới đều đồng ý rằng, diễn tả cho người chưa có khả năng nhãn thông biết rõ quang cảnh sống động của cõi trung giới, cũng khó khăn như diễn tả cho một người khiếm thị biết được quang cảnh đầy màu sắc tuyệt đẹp buổi hoàng hôn. Như thế, dù diễn tả chi tiết và công phu, cũng không chắc người nghe nhận biết được hình ảnh đúng thật của nó.
CHƯƠNG II
QUANG CẢNH CÕI TRUNG GIỚI
Trước hết ta cần biết cõi trung giới được chia thành bảy cảnh[5], mỗi cảnh được cấu tạo bằng chất liệu có độ đậm đặc và trạng thái riêng. Vì không đủ từ ngữ, chúng ta phải gọi cảnh này “cao” hay “thấp” hơn cảnh kia, nhưng không phải những cảnh này tách rời nhau, chiếm vị trí riêng biệt trong không gian, chồng chất lên nhau như một kệ sách, hoặc bao bọc nhau như những lớp vỏ của một củ hành, mà chất liệu của mỗi cõi hay mỗi cảnh đều xuyên thấm vào những cõi hay cảnh thấp hơn nó. Như thế, tất cả mọi cõi và cảnh đều hiện tồn trên mặt đất chúng ta đang sống, dù chất liệu của cõi cao hơn thì vươn ra xa hơn khỏi mặt đất so với cõi thấp hơn.
Khi nói một người tiến lên từ một cõi hay cảnh này đến một cõi hay cảnh khác, ta biết rằng không phải người ấy di chuyển trong không gian, mà người ấy chỉ chuyển di tâm thức từ mức độ này đến mức độ khác. Dần dần người ấy không còn đáp ứng những rung động của một loại vật chất thấp, và bắt đầu đáp ứng những rung động của loại vật chất cao hơn và thanh nhẹ hơn. Như thế, quang cảnh và cư dân của một thế giới dần dần phai mờ trước thị giác của họ, thay vào đó một thế giới khác thanh cao hơn hiện ra.
Có một quan điểm biện minh cho cách dùng từ “cao hơn” hay “thấp hơn”, và so sánh những cõi và cảnh như những lớp vỏ đồng tâm. Trên mặt đất có chất liệu của tất cả các cõi và cảnh, nhưng cõi trung giới rộng lớn hơn cõi trần rất nhiều và lan rộng ra hàng ngàn dặm khỏi mặt đất. Định luật về trọng lực[6] cũng tác dụng đối với chất liệu cõi trung giới, nếu không bị khuấy động, nó sẽ lắng đọng và sắp xếp thành những lớp vỏ đồng tâm. Nhưng quả đất luôn di động, tự xoay quanh nó và xoay quanh mặt trời, thêm vào đó mọi ảnh hưởng và mọi lực liên tục tác động lên nó, nên tình trạng yên tĩnh lý tưởng không bao giờ có được, và các chất liệu pha trộn lẫn nhau. Dù có sự pha trộn, nhưng thật sự khi càng lên cao thì chất liệu thô kệch, nặng nề càng ít đi.
Sự tương đồng này khá rõ rệt ở cõi trần: đất, nước, không khí (chất đặc, chất lỏng, chất hơi) đều hiện diện trên mặt đất. Nhưng chúng ta có thể nói một cách tổng quát là chất đặc ở thấp nhất, kế đến là chất lỏng, và cao hơn là chất hơi. Nước và không khí xuyên thấm vào trong đất đến một mức độ nào đó. Nước bốc hơi lên thành những đám mây trên không, nhưng chỉ đến một độ cao giới hạn. Chất đặc cũng có thể được phóng lên cao trong bầu không khí bởi những rung chuyển mãnh liệt, như ngọn núi lửa Krakatoa bùng nổ vào năm 1883. Khi ấy tro bụi của núi lửa bay cao đến 17 dặm (hơn 27 cây số), và phải mất ba năm mới lắng đọng hết lại. Do sự bốc hơi, nước được đưa lên cao và trở lại mặt đất bằng những cơn mưa. Càng lên cao không khí càng loãng, và sự kiện này cũng đúng đối với chất liệu cõi trung giới.
Cõi trung giới rất rộng lớn, chúng ta chỉ có thể phỏng định một cách gần đúng, khi nói ranh giới của nó chạm mặt trăng khi mặt trăng ở vào điểm gần trái đất nhất, nhưng không chạm đến mặt trăng khi mặt trăng ở vào điểm xa trái đất nhất[7]. Lẽ dĩ nhiên ranh giới ấy chỉ dành cho chất liệu thanh nhẹ nhất của cõi trung giới.
Hãy đếm các cảnh của cõi trung giới từ cảnh cao nhất với chất liệu thanh nhẹ nhất, xuống cảnh thấp nhất với chất liệu thô kệch nhất, ta sẽ thấy chúng chia ra ba nhóm một cách tự nhiên: nhóm một gồm cảnh 1,2,3; nhóm hai gồm cảnh 4,5,6; nhóm ba chỉ có cảnh số 7, là cảnh thấp nhất. Sự khác biệt về chất liệu cấu tạo giữa nhóm này với nhóm kia có thể ví như sự khác biệt giữa chất đặc và chất lỏng; trong khi sự khác biệt về chất liệu cấu tạo giữa những cảnh trong cùng một nhóm có thể ví như sự khác biệt giữa hai loại chất đặc, thí dụ như thép và cát. Trừ cảnh thứ 7, ta có thể nói nhóm cảnh 4,5,6 của cõi trung giới có bối cảnh liên hệ đến cõi trần mà chúng ta đang sống với đầy đủ mọi vật thể quen thuộc. Đời sống ở cảnh thứ sáu không khác gì với đời sống bình thường ở cõi trần, ngoại trừ không có xác thân và những nhu cầu. Khi lên đến cảnh thứ năm và thứ tư thì mức độ vật chất càng lúc càng ít đi, và con người càng tách rời khỏi thế giới thấp và ảnh hưởng của nó.
Như thế, cảnh vật ở những cảnh thấp này giống như ở cõi trần, nhưng trên thực tế nó có nhiều phương diện hơn, nhất là khi ta nhìn nó từ một khía cạnh khác. Với thị giác thể vía, dù nhìn một vật thể ở cõi trần cũng thấy nó hoàn toàn khác. Như đã nói qua ở phần trước, người có nhãn thông cõi trung giới nhìn thấy đồ vật cùng lúc từ mọi phía, chính ý niệm này cũng đủ làm cho người thường bối rối và lẫn lộn. Thêm vào đó, người có nhãn thông cũng thấy được rõ ràng mọi phần tử bên trong của đồ vật. Như thế, dù đối với một vật rất quen thuộc, người chưa có kinh nghiệm vừa mới gặp nó có thể không nhận ra được.
Tuy nhiên khi đã quan sát quen, ta sẽ biết rằng thị giác cõi trung giới xác thực hơn thị giác cõi trần. Thí dụ ở cõi trung giới, ta nhìn thấy mọi mặt của một khối vuông[8] thủy tinh đều bằng nhau -- đúng như sự thật -- trái lại ở cõi trần, theo viễn cảnh, ta thấy mặt ở xa nhỏ hơn mặt ở gần, và đó chỉ là ảo giác. Do đặc tính này mà một số tác giả cho rằng thị giác cõi trung giới thuộc chiều đo thứ tư, cách mô tả này rất gợi ý.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác gây lầm lẫn, làm cho vấn đề càng thêm phức tạp, như thị giác ở cõi cao có thể nhận thấy hình thể bằng những chất liệu thuộc vật chất thuần túy tạo ra chúng, mà trong điều kiện bình thường, thị giác cõi trần không nhận thấy được. Thí dụ về các chất này là những thành phần tạo ra bầu khí quyển như: những loại bốc hơi[9] phát ra từ mọi sinh vật, và bốn cấp độ chất liệu rất thanh nhẹ thuộc cõi trần mà ta thường gọi là chất dĩ thái[10]. Các chất dĩ thái thuộc một hệ thống riêng, chúng có thể xuyên thấm dễ dàng vào mọi chất liệu khác thuộc cõi trần. Sự quan sát những rung động và đặc tính của chúng khi bị tác động bởi những năng lực cao, là một ngành nghiên cứu rộng lớn và hấp dẫn đối với người sở hữu khả năng nhãn thông và có tinh thần khoa học.
Dù với sự tưởng tượng và nắm vững trọn vẹn các sự kiện được mô tả, ta cũng chưa hiểu được phân nửa vấn đề phức tạp này. Vì ngoài những hình thể mới thuộc vật chất cõi trần, còn có nhiều vật thể rất phức tạp ở cõi trung giới. Trước hết nên ghi nhớ rằng mỗi vật thể ở cõi trần cũng như mỗi thành phần của nó, đều có một đối phần hay phó bản[11] ở cõi trung giới, các phó bản này không phải là một hình thể đơn giản, mà rất phức tạp và được cấu tạo bởi nhiều chất liệu khác nhau của cõi trung giới. Hơn nữa, mỗi sinh vật được bao bọc bởi một bầu không gian riêng, thường được gọi là hào quang; riêng hào quang của con người, là một đề tài rất hấp dẫn để nghiên cứu. Hào quang của con người giống như một khối sương mù hình bầu dục sáng chói, cơ cấu rất phức tạp, vì nó giống hình trứng nên thường được gọi là noãn hào quang[12].
Độc giả Thông Thiên Học có lẽ rất hài lòng khi biết rằng dù ở giai đoạn đầu của sự phát triển, khi bắt đầu sở đắc khả năng nhãn thông, người đệ tử có thể quan sát trực tiếp để bảo đảm tính xác thực của những giáo lý do bà Blavatsky, vị sáng lập viên vĩ đại hội Thông Thiên Học chỉ dạy, nhất là những đề tài liên quan đến bảy thể của con người. Khi nhìn một người, đệ tử không chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài của họ, mà còn thấy rõ thể phách và sinh lực[13] đang được hấp thụ. Sinh lực này được chuyên biệt hóa và lưu chuyển như một luồng sáng màu hồng đi khắp cơ thể; ở người khoẻ mạnh, sinh lực này tỏa ra chung quanh cơ thể với hình dạng thường thay đổi.
Phần sáng chói và dễ thấy nhất của hào quang được cấu tạo bằng chất liệu thanh nhẹ cõi trung giới, phần này rất sinh động, màu sắc luôn thay đổi do những ham muốn khác nhau xuất hiện từng lúc xuyên qua trí óc con người, phần này chính là thể vía. Phần kế gồm những chất liệu thanh nhẹ hơn thuộc những tầng lớp sắc tướng cõi thượng giới, đó là thể trí hay hào quang của hạ trí. Màu sắc của hào quang hạ trí thay đổi chậm theo nếp sống con người, nó biểu lộ khuynh hướng tư tưởng, tính tình và đặc tính riêng của họ. Cao hơn nữa và rất đẹp đẽ, là ánh sáng sống động của nhân thể (causal body), thể này thuộc chân ngã và được phát triển ở người tiến hóa cao; nhân thể biểu lộ giai đoạn phát triển của chân ngã xuyên qua các kiếp luân hồi. Để thấy được các thể ấy, đệ tử phải khai mở nhãn thông đến cõi của nó.
Sinh viên huyền môn sẽ bớt gặp trở ngại, nếu họ biết hào quang không chỉ là sự “phát xuất”, mà còn là sự biểu lộ trung thực của linh hồn ở những cảnh giới liên hệ; họ cũng cần hiểu chính chân ngã là con người thật, chứ không phải những thể ở các cõi thấp. Khi chân ngã luân hồi (reincarnating ego) còn ở nơi quê hương thật sự của nó, tức những cảnh vô sắc tướng của cõi thượng giới, thì nó sống trong nhân thể (causal body). Khi xuống những cảnh sắc tướng, để có thể hoạt động được, nó phải khoác lớp áo vật chất của những cảnh ấy, và thu hút chất liệu ở đó để tạo nên thể hạ trí.
Cũng thế, khi xuống cõi trung giới, chân ngã luân hồi sử dụng những chất liệu của cõi này để tạo nên thể vía (hay cảm dục thể), đồng thời vẫn giữ nguyên những thể trước. Khi xuống đến cõi thấp nhất, tức cõi trần, thì thể xác được thành hình theo khuôn mẫu thể phách do các vị Nghiệp Quả Tinh Quân[14] tạo ra. Trong quyển “Con người hữu hình và vô hình” do tôi biên soạn, có nói khá đầy đủ về những hào quang này; nơi đây, qua sự diễn tả ở phần trên, cũng đủ cho chúng ta biết hào quang các thể của một người chiếm cùng một vị trí trong không gian, hào quang thanh nhẹ xuyên thấm hào quang thô kệch hơn. Để phân biệt rõ thể này với thể kia, người mới tập quan sát phải tốn nhiều công sức nghiên cứu và thực tập. Dù sao, một phần hay toàn thể hào quang con người là một trong những vật thể trung giới mà người chưa trải qua sự huấn luyện nhìn thấy trước tiên, và thường dễ bị nhầm lẫn.
Hào quang thể vía có màu sắc sáng chói nên thường dễ nhận thấy, trong khi chất dĩ thái của hệ thần kinh và thể phách tuy là chất liệu đậm đặc hơn thuộc cõi trần, cũng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu dùng khả năng nhãn thông quan sát thể xác một em bé mới sinh, ta sẽ thấy nó được xuyên thấm bởi mọi loại chất liệu cõi trung giới với những độ đậm đặc khác nhau, và những cấp độ khác nhau của chất dĩ thái. Nếu chịu khó tìm hiểu những thể bên trong này đến tận nguồn gốc, ta sẽ thấy những chất dĩ thái thuộc về thể phách, tức cái khuôn mà từ đó thể xác được tạo ra, do những thành viên trực thuộc các vị Nghiệp Quả Tinh Quân. Trong khi đó, những chất liệu trung giới được gom góp lại thành thể vía một cách tự động, không ý thức, khi linh hồn trên đường đi xuống xuyên qua cõi trung giới.
Thể phách được tạo nên bằng đủ mọi cấp độ chất dĩ thái, và tỷ lệ của những chất dĩ thái trong thể phách rất khác nhau, tùy theo một số yếu tố như: giống dân chánh, giống dân phụ, đặc tính của mỗi người và nghiệp quả của họ. Bốn loại dĩ thái hình thành theo nhiều cách phối hợp, và những phối hợp này lại kết tụ tạo nên những hỗn hợp đi vào trong thành phần “nguyên tử” của những “nguyên tố”[15] hóa học, do đó thể thứ nhì của con người (tức thể phách) rất phức tạp và có thể thay đổi không ngừng. Như thế, dù nghiệp quả của một người rất phức tạp và bất thường, thì thể phách cũng có thể được tạo ra đúng với khuôn mẫu, để theo đó thể xác được thành hình phù hợp với nghiệp quả của người đó. Muốn biết thêm về vấn đề nghiệp quả, độc giả cần tham khảo thêm những tài liệu minh triết thiêng liêng có liên hệ đến đề tài này.
Một điểm khác cần lưu ý là khi phát triển đầy đủ, nhãn thông cõi trung giới hay cõi cao hơn có khả năng phóng đại các phần tử vật chất cực nhỏ thành lớn bao nhiêu tùy ý, như nhìn qua kính hiển vi, và độ phóng đại này lớn hơn rất nhiều lần độ phóng đại của bất cứ loại kính hiển vi nào đã được khoa học làm ra và sẽ được làm ra. Sinh viên huyền môn thật sự nhìn thấy được những phân tử và nguyên tử mà khoa học ước định, và họ nhìn thấy bản chất của phân tử và nguyên tử phức tạp hơn nhiều so với những gì mà khoa học khám phá được. Đây là một lãnh vực nghiên cứu rộng lớn rất hấp dẫn, cần đề cập trong một quyển sách riêng. Nếu một nhà khảo cứu khoa học có nhãn thông trung giới hoàn hảo, chẳng những họ nghiên cứu các hiện tượng thông thường dễ dàng hơn, mà còn thấy cả một chân trời hiểu biết hoàn toàn mới, suốt đời cũng không thể khảo sát hết được.
Người có nhãn thông sẽ thấy được những màu sắc hoàn toàn mới mẻ, bên ngoài giới hạn của quang phổ, mà mắt thường không nhìn thấy được; thí dụ, với nhãn thông trung giới một người có thể thấy rõ những tia tử ngoại và hồng ngoại, trong khi chúng chỉ được khoa học khám phá bằng phương tiện máy móc. Tuy nhiên trong giới hạn quyển sách, chúng ta phải trở lại ý chính là quang cảnh tổng quát cõi trung giới.
Những vật thể bình thường của cõi trần làm nên phối cảnh sống động cho vài cảnh thấp cõi trung giới, những vật thể này được nhận thấy trung thực hơn và có đặc tính khác biệt hơn nhiều so với sự thấy mà chúng ta quen thuộc. Thí dụ một vật đơn giản như tảng đá, khi được nhìn bằng nhãn thông có huấn luyện, sẽ thấy nó không chỉ đơn giản là một khối bất động. Trước nhất, toàn thể chất liệu vật chất của tảng đá đều được thấy, thay vì chỉ một phần nhỏ ở mặt ngoài. Thứ nhì, những rung động của các phần tử vật chất cấu tạo nên tảng đá đều được nhận thấy. Thứ ba, nó được nhìn thấy có một đối thể cấu tạo bằng những chất liệu trung giới khác nhau, và những phần tử này cũng liên tục chuyển động. Thứ tư, Sự Sống Thiêng Liêng của Vũ Trụ (Universal Divine Life) được nhận thấy đang tác động trong tảng đá cũng như trong mọi vật thể khác, và Sự Sống ấy biểu lộ rất khác biệt ở mỗi giai đoạn kế tiếp nhau trên đường đi xuống vào vật chất, mà chúng ta tiện gọi mỗi giai đoạn bằng một tên khác nhau. Trước hết là ba loài tinh hoa chất (elemental kingdoms): khi nó vào loài kim thạch, ta gọi là chân thần kim thạch (mineral monad); khi nó vào loài thảo mộc, ta gọi là chân thần thảo mộc (vegetable monad) v.v…
Hiện nay chúng ta chưa biết có một loại vật chất nào gọi là vật chất “chết” cả.
Hơn nữa, tảng đá còn được nhìn thấy có hào quang bao bọc chung quanh, tuy hào quang này không vươn xa và ít thay đổi hơn hào quang của các loại cao hơn. Trong loài đất đá, ta còn thấy những loài tinh linh ở những vùng thích hợp, thường được gọi là thổ tinh linh (gnomes), là một trong những loài tinh linh thiên nhiên (nature-spirit)[16]. Trong chương sau có nói thêm một số chi tiết về vấn đề tinh linh, nếu độc giả muốn biết rõ hơn vấn đề này, xin đọc thêm những tài liệu minh triết thiêng liêng khác. Ở loài thảo mộc, thú cầm và con người, dĩ nhiên lại càng phức tạp hơn.
Vài độc giả cho rằng hầu hết những nhà tâm linh thuật (psychics) đôi khi thoáng thấy cõi trung giới, hoặc các thực thể (entities) “giáng hạ” trong những buổi chiêu hồn thuật (seances) đều mô tả cõi trung giới có vẻ không phức tạp như thế, chúng tôi sẽ thảo luận thêm về vấn đề này. Những người, còn sống hay đã chết, chưa được huấn luyện, chỉ nhìn thấy sự vật đúng như thật, sau một thời gian dài kinh nghiệm. Ngay đối với người đã có nhãn thông, đôi khi cũng rất kinh ngạc và bối rối trong việc hiểu hay nhớ lại những sự việc. Trong số người có thể thấy và nhớ, ít người có thể diễn tả lại được các sự việc đã thấy ở cõi trung giới bằng ngôn ngữ cõi trần. Nhiều nhà tâm linh chưa được huấn luyện, không bao giờ có thể phân tích rõ rệt một cách khoa học sự việc mà họ thấy, họ chỉ có được ấn tượng gần đúng, hoặc chỉ đúng phân nửa, hoặc hoàn toàn sai lạc.
Thêm vào đó, những cư dân vui tính ở cõi trung giới thường đùa giỡn, phá khuấy, làm sai lệch sự quan sát của những người chưa được huấn luyện và không phòng bị. Cũng nên biết các cư dân bình thường ở cõi trung giới với những điều kiện thông thường, chỉ ý thức được những vật thể cõi trung giới, còn những vật thể cõi vật chất hoàn toàn vô hình đối với họ, cũng như những vật thể cõi trung giới hoàn toàn vô hình đối với đa số người ở cõi trần. Như đã được đề cập ở phần trước, mỗi vật thể ở cõi trần đều có một đối thể ở cõi trung giới mà các cư dân ở đó có thể nhận thấy được, sự khác biệt giữa vật thể và đối thể rất nhỏ, và đó là phần thiết yếu của sự đối xứng vật thể.
Nếu một cư dân cõi trung giới thường xuyên làm việc và tiếp xúc với cõi trần qua trung gian đồng cốt, thì những giác quan tinh tế thuộc thể vía của họ dần dần trở nên thô kệch, không còn nhạy cảm với chất liệu thanh cao cõi trung giới, khi ấy họ chỉ thấy được các vật thể ở cõi trần như sự thấy của chúng ta. Chỉ những người được huấn luyện khai mở tâm thức ở cả hai cõi, mới có thể nhìn cùng lúc cả hai nơi một cách rõ ràng. Chỉ khi nào nhận thức đầy đủ và phân tích một cách khoa học mới chắc chắn không bị lừa phỉnh hay lầm lạc.
Cảnh thấp nhất cõi trung giới, tức cảnh thứ bảy, cũng có phối cảnh là cõi trần, mặc dù những gì được nhìn thấy nơi đó chỉ là hình ảnh méo mó, không toàn vẹn của những vật thể cõi trần, vì những gì tốt đẹp, sáng sủa đều dường như vô hình ở cảnh này. Hơn 4.000 năm trước ở Ai Cập, Scribe Ani đã mô tả cảnh này trên loại giấy làm bằng cây chỉ thảo: “Tôi đã đến một nơi rất kỳ lạ, không có nước, không có không khí, nó sâu thẳm, không dò được, nó tối đen như đêm tối nhất, có những người đi lang thang vô vọng, nơi đây con người không thể sống với tấm lòng yên tĩnh.” Đối với những người bất hạnh ở cõi này, thật đúng là: “Tất cả mặt đất đều đen tối và đầy dẫy cư dân độc ác,” nhưng đó là sự đen tối phát ra từ bên trong con người, làm cho đời sống họ trở thành đêm dài vô tận, đầy khổ sở hãi hùng, một địa ngục thật sự, mặc dù cũng như mọi địa ngục khác, hoàn toàn do tự họ tạo ra.
Tôi không nói cảnh này hoàn toàn do tưởng tượng, không có thật. Một phần nhỏ của cảnh này ở trên mặt đất, phần lớn còn lại ở dưới mặt đất, xuyên thấm vào lớp vỏ đặc của trái đất. Tôi xác định rằng, không người nào sống cuộc đời bình thường, trong sạch, đứng đắn, cần phải đến vùng mà không ai muốn đến, và cũng không cần biết đến sự hiện hữu của nó. Nếu một người bị rơi vào cảnh này, hoàn toàn do họ có hành động, lời nói hay tư tưởng quá tàn nhẫn, độc ác.
Phần lớn các sinh viên huyền môn khi nghiên cứu cảnh này đều cảm thấy rất khó chịu. Vật chất đậm đặc và thô kệch ở đó làm nảy sinh cảm giác ghê tởm không thể tả, làm họ có cảm tưởng như bị xô đẩy vào một chất lỏng lầy nhầy đen tối, và những cư dân mà họ gặp rất thô tục đáng ghê sợ.
Mặc dù chiếm cùng một vị trí trong không gian, cảnh thứ nhất, nhì và ba gây nên cảm giác như thoát khỏi thế giới vật chất nặng trược. Các cư dân ở những cảnh này không nhìn thấy cõi trần và những vật thể vật chất; họ hoàn toàn chú tâm đến riêng họ và tạo nên môi trường riêng biệt để tránh sự nhận thấy của những thực thể khác và cả những người có nhãn thông. Đây là “vùng đất trường hạ” (Summerland) mà chúng ta nghe kể lại rất nhiều ở các buổi chiêu hồn, và những thực thể từ vùng ấy “giáng hạ” thường diễn tả đúng trong giới hạn mà họ hiểu biết được. Ở những cảnh này, “tinh linh” tạm thời tạo ra nhà cửa, trường học và thành phố theo tư tưởng của cư dân ở đây. Những vật thể này quả “có thật” trong một thời gian, mặc dù với nhãn quan thông tuệ hơn, thấy chúng giả tạm, đáng thương, không có gì đáng thích thú như những cư dân tạo ra nó mong muốn. Dù sao, nhiều sự tưởng tượng đã tạo ra hình thể rất thật và đẹp đẽ, nhưng chỉ tạm thời. Một du khách không biết gì cao xa hơn, sẽ thích thú đi dạo lang thang giữa cảnh núi rừng, hồ ao và những vườn hoa, tất cả đều đẹp hơn nhiều so với cõi trần; hoặc họ cũng có thể tạo ra quang cảnh chung quanh phù hợp với sự tưởng tượng của họ. Những chi tiết về sự khác biệt giữa ba cảnh cao này sẽ được đề cập nhiều hơn, khi xét đến những cư dân thuộc thành phần con người ở những cảnh đó.
Việc mô tả quang cảnh cõi trung giới sẽ thiếu sót nếu ta không đề cập đến điều thường được gọi một cách sai lầm là “ký ảnh cõi trung giới”, thực ra nó là hình thức vật chất hóa ký ức thiêng liêng, một phản ảnh sống động của mọi sự việc đã xảy ra trong vũ trụ. Thực ra, những ký ảnh ghi khắc thường trực ở một cõi cao hơn nhiều, và chỉ phản ảnh một cách không đều đặn ở cõi trung giới. Những người chỉ mở nhãn thông cõi trung giới, chưa phát triển loại nhãn thông cõi cao hơn, thì chỉ thỉnh thoảng thấy được những hình ảnh đứt đoạn của quá khứ, thay vì một sự kiện liên tục. Nhưng dù sao, những hình ảnh phản chiếu mọi biến cố quá khứ, thường xuyên lặp lại ở cõi trung giới, tạo thành một phần quan trọng của quang cảnh nơi đây cho những quan sát viên. Trong khuôn khổ quyển sách, tôi chỉ đề cập sơ lược về vấn đề này, độc giả muốn tìm hiểu thêm, xin tìm đọc chương bảy trong quyển “Nhãn Thông” (Clairvoyance), cũng do tôi biên soạn.
CHƯƠNG III
CƯ DÂN CÕI TRUNG GIỚI
Sau khi phác họa sơ lược toàn cảnh bức tranh, bây giờ chúng ta thêm vào những hình ảnh mô tả cư dân cõi trung giới. Có rất nhiều “thực thể” hay cư dân khác nhau sống ở đây, làm cho cách sắp xếp và phân loại cực kỳ khó khăn. Có lẽ phương pháp tiện dụng nhất là chia các cư dân sống ở cõi trung giới thành ba loại chính như sau: nhân loại, không thuộc hàng ngũ nhân loại, và nhân tạo.
A. NHÂN LOẠI
Nhân loại ở cõi trung giới được phân chia một cách tự nhiên thành hai nhóm: người còn sống và người đã chết, nói đúng hơn là người còn giữ xác thân và người không còn giữ xác thân.
a) NGƯỜI CÒN GIỮ XÁC THÂN
Ta c ó thể chia những người còn đang sống ở cõi trần xuất hiện trên cõi trung giới ra làm bốn nhóm:
1. Chân Sư và những đệ tử
Thường những người này không sử dụng thể vía, mà sử dụng thể trí, được tạo bằng chất liệu lấy ra từ bốn cảnh thấp, hay bốn cảnh sắc tướng của cõi thượng giới, kề cận bên trên cõi trung giới. Lợi điểm của thể này là người sử dụng nó có thể di chuyển nhanh như chớp, từ cõi thượng giới qua cõi trung giới và ngược lại, và họ luôn luôn có được năng lực mạnh mẽ hơn, giác quan nhạy bén hơn.
Lẽ tự nhiên, nhãn quan thể vía không thể nhìn thấy được thể trí, do đó, nếu muốn những cư dân cõi trung giới nhìn thấy được để giúp đỡ họ hữu hiệu hơn, người đệ tử làm việc ở cõi này phải học cách thu góp chung quanh mình chất liệu cõi trung giới, làm thành một bức màn tạm thời bao bọc thể trí để có thể được nhìn thấy. Thể tạm thời này được gọi là “huyễn thể” (mayavirupa), thường được Chân Sư tạo ra lần đầu tiên cho đệ tử, và sau đó Ngài chỉ dạy và hướng dẫn cho đến khi người đệ tử có thể tự tạo nó một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy thể này rất giống với người sử dụng nó, nhưng không liên hệ gì với thể vía người ấy; nó tương xứng với thể vía, giống như sự hiện hình tương xứng với thể xác vậy.
Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, người đệ tử có thể phải sử dụng thể vía như mọi người khác. Khi được một vị thầy đầy đủ khả năng hướng dẫn vào cõi trung giới, dù sử dụng bất cứ thể nào, họ cũng có tâm thức hoàn toàn thức tỉnh và có thể hoạt động dễ dàng ở mọi cảnh của cõi trung giới. Thật ra họ cũng vẫn là họ, giống hệt như các bạn bè đã biết họ tại cõi trần, chỉ khác là họ không có thể xác và thể phách trong trường hợp họ sử dụng thể vía, và không có cả thể vía trong trường hợp họ sử dụng thể trí. Ngoài ra họ có nhiều năng lực và khả năng hơn để thực hiện hữu hiệu những công việc thuộc minh triết thiêng liêng trong lúc ngủ, mà trong lúc thức họ thuờng nghĩ đến. Khi thức tỉnh ở cõi trần, họ có thể nhớ trọn vẹn và chính xác những điều đã học hay làm được ở cõi khác, tùy thuộc phần lớn vào khả năng chuyển di tâm thức không gián đoạn từ trạng thái này sang trạng thái kia.
Người quan sát cõi trung giới đôi khi gặp những sinh viên huyền môn từ mọi nơi trên thế giới, có những sinh viên thuộc về những môn phái không liên hệ đến các vị Chân Sư mà hội Thông Thiên Học được biết, họ thường là những người hy sinh, chân thành tìm chân lý. Tuy không trực tiếp liên hệ đến các vị Chân Sư thuộc Đại Đoàn Chưởng Giáo ở Hy Mã Lạp Sơn, nhưng họ đều biết có sự hiện diện của các Ngài, và họ cũng biết trong số các Ngài có những vị Chân Sư cao cả nhất trên địa cầu.
2. Người đã phát triển khả năng tâm linh, nhưng chưa được Chân Sư hướng dẫn.
Những người này có thể đã, hay chưa tiến hóa về phương diện tinh thần[17], vì hai vấn đề này không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Một người sinh ra với khả năng tâm linh là do những cố gắng của họ ở kiếp trước, những cố gắng ấy có thể có đặc tính cao thượng, vị tha, mà cũng có thể do thiếu hiểu biết, bị hướng dẫn lầm lạc, không giúp ích cho sự tiến hóa.
Người như thế thường hoàn toàn tỉnh thức khi ra khỏi xác thân (xuất vía), nhưng vì không được huấn luyện đúng mức, nên sự quan sát thường nhầm lẫn. Họ có thể vượt qua những cảnh khác nhau của cõi trung giới, như trường hợp những đệ tử được kể ở đoạn trước; nhưng đôi khi họ bị thu hút đến một vùng đặc biệt nào đó, mà không ra khỏi được. Sự nhớ lại những gì đã thấy có thể bị thay đổi rất nhiều, tùy theo mức độ phát triển, từ rất rõ ràng đến hoàn toàn bị biến dạng, hoặc không nhớ được gì cả. Những người thuộc loại này chỉ xuất hiện được trong thể vía, vì chưa biết cách sử dụng thể trí.
3. Người bình thường.
Lúc thể xác ngủ, người bình thường chưa phát triển khả năng tâm linh, trôi nổi bềnh bồng với thể vía, kề cận với thể xác trong tình trạng vô thức nhiều hay ít. Trong giấc ngủ say, những bản thể cao[18] ngụ trong thể vía, gần như hoàn toàn thoát ra khỏi thể xác và bay quanh quẩn gần thể xác. Đối với người hoàn toàn chưa tiến hóa, trong giấc ngủ họ thường ngủ say trong thể vía.
Một số người có thể vía ít hôn mê hơn, trôi nổi mơ màng theo những dòng lưu chuyển trung giới[19], đôi khi họ nhận thấy những người khác trong tình trạng tương tự, và gặp nhiều kinh nghiệm đủ loại, thích thú hoặc không vui. Khi nhớ lại những sự kiện này, họ cảm thấy thật lộn xộn với những hình ảnh kỳ dị như trong các tranh vẽ hoạt kê (caricature), làm cho họ nghĩ rằng đêm qua họ đã trải qua một giấc mộng lạ lùng.
Người trí thức thuộc những giống dân tiến bộ trên thế giới hiện nay, có những giác quan thể vía khá phát triển. Vì thế, nếu trong giấc ngủ họ đủ tỉnh thức để quan sát quang cảnh thực tế ở chung quanh, họ sẽ học hỏi được ở đó rất nhiều, nhưng trong đa số trường hợp, những người này chưa đủ tỉnh thức. Phần lớn thời giờ trong giấc ngủ, họ bị thu hút sâu xa bởi một tư tưởng riêng về bất cứ điều gì quan trọng nhất trong trí trước khi đi ngủ. Khả năng thể vía của họ linh hoạt, nhưng ít khi họ sử dụng được, với khả năng này đáng lẽ họ phải tỉnh thức, nhưng họ không tỉnh thức chút nào ở cõi trung giới. Do đó họ chỉ ý thức được một cách mơ hồ, hoặc chẳng ý thức được gì cả đối với môi trường chung quanh.
Khi người như thế trở thành đệ tử của một trong những vị Chân Sư Minh Triết, họ thường được đánh thức ra khỏi tình trạng ngủ mơ màng. Họ sẽ hoàn toàn thức tỉnh đối với môi trường thực tại chung quanh thuộc cõi trung giới, học hỏi và làm việc ở đó. Giấc ngủ của họ không còn là những giờ trống rỗng, mà đầy hoạt động hữu ích, không cần nghỉ ngơi do tình trạng mệt mỏi của xác thân. (xin xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”)
Ở người kém tiến hóa thuộc những giống dân chưa phát triển, thể vía khi xuất ra khỏi xác thân thường không có hình dạng cố định, và đường nét không rõ rệt. Nhưng khi con người đã phát triển trí tuệ và tâm linh, thể vía xuất ra thường có hình dạng rõ rệt hơn và giống với thể xác hơn. Người ta thường hỏi: thể vía của người chưa phát triển có đường nét không rõ rệt, mà phần đông nhân loại đều chưa phát triển, vậy làm sao nhận biết được một người khi họ ở trong thể vía? Để trả lời câu hỏi này, ta nên hiểu rằng người có nhãn thông thấy thể xác con người được bao quanh bởi “hào quang”, giống như một đám mây có màu sắc chiếu sáng, có hình dạng gần như quả trứng, và vươn ra khỏi xác thân chừng 45 phân[20] về mọi phía. Mọi sinh viên huyền môn đều biết hào quang này có cấu trúc rất phức tạp, nó chứa chất liệu của tất cả những cảnh cấu tạo nên các thể khác nhau của con người. Chúng ta hãy xét xem trường hợp người có nhãn thông cõi trung giới, nhưng chưa phát triển loại nhãn thông cao hơn, sẽ thấy hào quang hiển hiện như thế nào.
Người như thế chỉ nhìn thấy hào quang chứa đựng chất liệu trung giới, và nó sẽ là một vật thể đơn giản hơn cho sự nghiên cứu. Chất liệu cõi trung giới không những chỉ bao quanh mà còn thâm nhập vào bên trong thể xác, ở phần hào quang bên trong thể xác chất liệu ấy càng kết tập đậm đặc hơn phần hào quang bên ngoài. Điều này dường như do sự thu hút một số lượng lớn chất liệu đậm đặc cõi trung giới, kết hợp lại để tạo thành đối phần của những tế bào thể xác. Dù sao đi nữa, sự thật vẫn là chất liệu của thể vía ở bên trong thể xác đậm đặc gấp nhiều lần hơn chất liệu của thể vía ở bên ngoài thể xác.
Khi thể vía thoát ra khỏi thể xác trong lúc ngủ, sự sắp xếp ấy vẫn tồn tại, và người có nhãn thông nhìn thể vía ấy, thấy nó vẫn giống như lúc nó còn nhập chung với thể xác trong lúc thức, tức một hình dạng giống như thể xác với hào quang bao quanh. Hình dạng thể vía lúc thoát ra khỏi thể xác được tạo nên hoàn toàn bằng chất liệu cõi trung giới, nhưng độ đậm đặc khác biệt giữa phần bên trong và phần “sương mù” bao chung quanh đủ để phân biệt rõ ràng hình dạng, dù cho hình dạng phần bên trong cũng là một khối sương mù, nhưng dày đặc hơn.
Chúng ta hãy xem thể vía của người chưa tiến hóa khác với thể vía của người tiến hóa như thế nào. Ở trường hợp người chưa tiến hóa, những đặc điểm và hình dạng phần bên trong thể vía, dù mờ nhạt và không rõ nét, nhưng luôn luôn cũng có thể nhận biết được. Còn phần bên ngoài, tức hào quang hình trứng, không còn đúng với cái tên này nữa, nó chỉ là một đám sương mù không có hình dạng rõ rệt, với đường nét bên ngoài không liền lạc và thường thay đổi.
Đối với người tiến hóa, có sự thay đổi rất rõ rệt ở phần hào quang bên ngoài cũng như phần hình dạng bên trong. Phần hình dạng bên trong hiện ra rõ ràng, và ổn định hơn, nó giống với thể xác hơn. Phần hào quang bên ngoài, thay vì là một đám sương mù trôi nổi bềnh bồng, ta thấy nó có hình bầu dục rõ nét, như cố giữ vững hình dạng này không bị thay đổi bởi các dòng lưu chuyển cõi trung giới luôn xoáy quanh nó.
Nhân loại đang trên đường tiến hóa, mọi người đang ở vào những giai đoạn phát triển riêng, tự nhiên hạng người bình thường dần dần sẽ tiến lên và hòa nhập vào hạng người tiến hóa cao hơn.
4. Nhà hắc thuật và đệ tử của họ.
Hạng người này cũng giống như hạng thứ 1 (Các vị Chân Sư và đệ tử), ngoại trừ sự phát triển của họ được dùng làm điều xấu ác thay vì điều tốt lành, và quyền năng họ thủ đắc, được sử dụng cho mục đích hoàn toàn ích kỷ thay vì cho lợi ích của nhân loại. Cấp bực thấp thuộc hạng này gồm có những thầy mo của các bộ lạc còn dã man, và những người thuộc giống dân da đen Phi Châu, họ thực hành những nghi lễ gớm ghiếc và các loại bùa chú để trù ếm. Kế đến là những nhà hắc thuật Tây Tạng, họ cao hơn loại người kể trên về phuơng diện trí thức, vì thế họ càng đáng trách hơn; họ được người Âu Châu gọi một cách sai lầm là Dugpas. Trong quyển “Phật Giáo Tây Tạng” của Waddell có giải thích Dugpas là tên gọi chi phái Bhotan của tín ngưỡng Kargyu. Phái này là một phần của Phật giáo Tây Tạng chưa được cải cách hoàn hảo.
Phái Dugpas (phái Mũ Đỏ)[21] có liên hệ mật thiết với vạn pháp kỳ môn (Tantrik magic), là chi phái hoàn toàn không được cải cách của phái Nin-ma-pa, và ở cấp rất thấp của phái này là chi phái Bon-pa, gồm những người sùng tín tôn giáo nguyên sơ, họ không chấp nhận bất cứ hình thức nào của Phật Giáo. Tuy nhiên, ta không nên cho rằng chỉ có phái Gelugpa (phái Mũ Vàng) là chánh, còn mọi chi phái khác ở Tây Tạng đều bất hảo. Muốn có cái nhìn đúng đắn về các môn phái, ta cần có tinh thần rộng rãi và cởi mở, và nên để ý đến tỷ lệ giữa những người ích kỷ, tìm lợi lộc cá nhân, với những người có tinh thần cải cách nghiêm ngặt trong môn phái.
b) NGƯỜI KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN
Trước hết, từ “chết” là một lầm lẫn rõ rệt, vì hầu hết các thực thể được xếp loại trong phần này đều hoàn toàn sống động như chúng ta, thường khi họ còn sống động hơn chúng ta. Như thế, ta nên hiểu một cách đơn giản người đã “chết” là người không còn bị trói buộc vào xác thân vật chất. Ta có thể phân ra 10 hạng chính như sau:
1. Vị Ứng Thân (Nirmanakaya).
Nirmanakaya là vị đắc đạo cao, có quyền thụ hưởng vĩnh viễn cõi niết bàn, nhưng từ chối sự hưởng thụ ấy, và trở lại giúp đỡ nhân loại. Đề cập đến các vị nầy để cho bảng liệt kê được đầy đủ, thật ra họ rất ít khi xuất hiện ở cõi thấp. Khi các Ngài cần làm công việc cao cả có liên quan đến cõi trung giới, các Ngài sẽ dùng chất liệu cõi trung giới để tạo thành thể vía tạm thời, như cách làm của vị Chân Sư đang ở trong thể trí qua cõi trung giới, vì những thể tinh anh của các Ngài đều vô hình đối với nhãn quan trung giới. Để có thể hoạt động không chậm trễ ở bất cứ cõi nào, các Ngài luôn luôn duy trì bên trong vài nguyên tử thuộc mỗi cõi, chúng tác dụng như một nhân tố giúp các Ngài thu nạp ngay tức khắc chất liệu và tạo ra thể thích hợp với cõi mà các Ngài muốn hiện thân. Muốn tìm hiểu thêm về địa vị và công việc của các vị Ứng Thân, xin xem quyển “Tiếng Vô Thinh” của bà Blavatsky và quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình” do tôi biên soạn.
2. Đệ tử chờ tái sinh.
Trong các sách Minh Triết Thiêng Liêng thường đề cập đến trường hợp người đệ tử khi đã tiến triển đến một giai đoạn nào đó, với sự giúp đỡ của Chân Sư, họ có thể thoát khỏi tác động của luật thiên nhiên, mà trong trường hợp bình thường tác động của luật này là đưa con người vào cõi trời chân phúc, sau khi chấm dứt cuộc sống cõi trung giới. Ở cõi trời chân phúc, con người sẽ hưởng kết quả do năng lực tinh thần và ước vọng cao cả mà họ đã thể hiện trong đời sống ở thế gian.
Theo lý thuyết, đệ tử là người có đời sống trong sạch và tư tưởng cao thượng, do đó năng lực tinh thần của họ rất mạnh mẽ, nếu họ vào cõi trời chân phúc thì họ sẽ sống ở cõi này rất lâu. Thay vì chấp nhận cuộc sống thụ hưởng phúc lạc ở thiên đàng, họ chọn Con Đường Từ Bỏ (the Path of Renunciation); như thế, dù còn thấp kém trên đường đạo, người đệ tử cũng noi theo bước chân của đức Phật, vị Thầy Từ Bỏ Vĩ Đại. Đệ tử có thể sử dụng năng lực ấy vào chiều hướng khác có lợi cho nhân loại, dù cho sự đóng góp ấy rất nhỏ nhoi, họ cũng dự một phần khiêm tốn vào công việc của các đấng Ứng Thân. Theo con đường này, chắc chắn đệ tử phải hy sinh niềm phúc lạc tuyệt vời trong nhiều thế kỷ, nhưng đổi lại họ được lợi điểm rất lớn, vì có thể tiếp tục đời sống hoạt động và tiến triển không gián đoạn.
Khi đệ tử quyết định thực hiện theo đường lối này, họ thoát ra khỏi xác thân như trước kia họ vẫn thường làm, và chờ đợi ở cõi trung giới cho đến lúc thích hợp để tái sinh; việc này thường được Chân Sư của họ sắp xếp. Đây là sự đi chệch hướng khỏi lề lối thông thường, trước khi bắt đầu tiến trình này, phải được sự cho phép của các cấp cao. Vì năng lực của luật thiên nhiên rất mạnh, cho nên dù đã được phép, đệ tử cũng phải rất cẩn thận tự giới hạn mình luôn luôn trong cõi trung giới, trong khi chờ đợi sự sắp xếp. Nếu họ chạm vào cõi thượng giới, dù chỉ một lúc ngắn ngủi, họ cũng có thể bị dòng năng lực mạnh mẽ cuốn hút theo con đường tiến hóa thông thường, không thể nào cưỡng lại được.
Trong vài truờng hợp rất hiếm, đệ tử được cho phép tránh những phiền toái của sự tái sinh, bằng cách nhập thẳng vào một thể xác người lớn đã bị chủ nhân của nó bỏ phế, dĩ nhiên ít khi có được một thể xác thích hợp.
Rất nhiều trường hợp, đệ tử phải chờ đợi một thời gian khá lâu ở cõi trung giới, cho đến khi có cơ hội thích hợp cho sự tái sinh. Tuy nhiên, đó không phải là thời gian vô ích, vì họ đã hoàn toàn linh hoạt tại cõi này, nên có thể tiếp tục công việc mà Chân Sư giao phó. Họ làm công việc phụng sự hiệu quả và nhanh chóng hơn lúc còn giữ xác thân, và cũng không còn bị sự mệt mỏi làm trở ngại. Tâm thức người đệ tử phát triển gần như hoàn toàn ở cõi trung giới, và họ có thể di chuyển dễ dàng theo ý muốn, xuyên qua mọi cảnh của cõi này.
Tuy ở cõi trung giới không có nhiều đệ tử chờ đợi tái sinh, nhưng thỉnh thoảng ta thấy có sự hiện diện của họ, nên cũng được xem như một thành phần trong các cư dân ở đó. Nhân loại càng ngày càng tiến hóa hơn, và số người bước vào Thánh Đạo càng ngày càng nhiều, thì thành phần đệ tử chờ đợi tái sinh sẽ trở nên đông đúc hơn.
3. Người bình thường sau khi chết.
Thành phần này nhiều gấp triệu lần những thành phần được kể ở trên, họ có đặc tính và điều kiện rất khác biệt nhau. Những người có đặc tính tương tự cũng khác nhau về thời gian mà họ đã trải qua ở trung giới, có người chỉ mới qua đây vài ngày hay vài giờ, có người đã ở đây nhiều năm hay nhiều thế kỷ.
Một người đã sống đời tốt lành, trong sạch, không ích kỷ, và có khát vọng tâm linh cao cả, sẽ không bị thu hút vào cõi này. Nếu được hoàn toàn tự do, họ không có gì để quyến luyến nơi đây, hay cần hoạt động trong thời gian tương đối ngắn tạm thời ở cõi này. Sau khi chết, con người thật rút đi, bước đầu tiên là thoát ra khỏi thể xác, và hầu như ngay sau đó ra khỏi thể phách. Linh hồn ấy cũng có ý định rời bỏ luôn thể vía, hay thể cảm dục, càng sớm càng tốt để vào cõi trời chân phúc, vì chỉ nơi đây, những nguyện vọng tâm linh mới có thể đơm bông kết trái.
Chỉ người có tinh thần cao thượng và trong sạch mới có thể làm được điều này, vì họ đã chinh phục mọi đam mê thế tục; sức mạnh của ý chí họ hướng về con đường cao cả hơn, và như thế sẽ không còn nhiều năng lực dành cho ham muốn thấp kém cần phải tinh luyện ở cõi trung giới. Do đó thời gian họ phải sống ở cõi này rất ngắn ngủi, và thường thì họ chỉ có phân nửa ý thức như trong giấc mơ cho đến khi chìm vào giấc ngủ say, khi ấy các “nguyên lý”[22] cao của họ sẽ tự giải thoát ra khỏi lớp áo trung giới, và vào đời sống chân phúc cõi thượng giới.
Đối với người chưa bước vào đường phát triển tâm linh thì những gì mô tả ở đoạn trên chỉ là lý tưởng, rất ít người đạt được. Người trung bình không thể nào thoát khỏi hết mọi ham muốn thấp kém trước khi chết, họ cần phải trải qua một thời gian dài ở những cảnh khác nhau của cõi trung giới, có thể thức tỉnh nhiều hay ít, và chờ cho các lực mà họ đã phát ra dần dần tiêu tan để chân ngã được giải thoát.
Sau khi chết, mọi người đều phải trải qua tất cả các cảnh của cõi trung giới, trên đường đến cõi thượng giới, nhưng không nhất thiết là họ ý thức tất cả các cảnh ấy. Thể xác được cấu tạo bằng chất liệu cõi trần với mọi trạng thái: đặc, lỏng, hơi và dĩ thái; giống như thế, thể vía cũng chứa những chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, mặc dù tỷ lệ giữa các chất liệu ấy thay đổi rất lớn tùy theo từng trường hợp.
Ta nên nhớ, ngoài chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, thể vía còn thu hút các tinh hoa chất (elemental essence) tương ứng; trong suốt đời sống của thể vía, tinh hoa chất này tách rời khỏi biển cả tinh hoa chất tương tự ở chung quanh, và trong thời gian ấy nó trở thành một loài tinh linh nhân tạo (artificial elemental). Tạm thời nó có đời sống riêng, và theo đuổi dòng tiến hóa hướng hạ, tức đi sâu vào vật chất, mà không để ý gì đến sự thuận tiện và lợi ích của linh hồn. Điều này tạo nên sự tranh chấp liên tục giữa ý muốn của thể xác và ý muốn của tinh thần, mà các tôn giáo thường đề cập đến.
Dù “luật của những thành viên thường đối nghịch với luật của trí tuệ,”[23] nếu con người tuân theo thay vì kiểm soát nó, sự tiến hóa của họ sẽ bị cản trở nghiêm trọng. Thật ra chính nó không xấu, vì luật là luật! đó chỉ là sự tuôn tràn của năng lực thiêng liêng theo trật tự ấn định, gặp lúc năng lực này trên đường đi xuống tiến sâu vào vật chất, thay vì đi lên rời khỏi vật chất như trong giai đoạn con người.
Khi chết, con người rời khỏi cõi trần, lực phân hủy của thiên nhiên bắt đầu tác động lên thể vía. Khi ấy, loài tinh linh trước đây vẫn bám vào thể vía nhận thấy có nguy cơ đối với đời sống riêng của nó. Để tự vệ, nó cố gắng giữ cho thể vía tồn tại càng lâu càng tốt, bằng cách sắp xếp lại chất liệu cấu tạo nên thể vía thành những lớp vỏ đồng tâm, phần chất liệu của cảnh thấp nhất, tức thô kệch nhất ở ngoài cùng, vì ít bị ảnh hưởng của sự phân hủy nhất.
Sau khi chết, con người phải ở cảnh thấp nhất của cõi trung giới, cho đến khi họ trút bỏ hết các chất liệu thuộc cảnh ấy ra khỏi thể vía. Kế đó tâm thức họ tập trung vào lớp vỏ kế tiếp, lớp vỏ này do chất liệu của cảnh thứ sáu; nói khác đi, họ chuyển sang cảnh kế tiếp, tức cảnh thứ sáu cõi trung giới. Ta có thể nói, khi thể vía không còn bị thu hút bởi một cảnh nào, thì phần lớn chất liệu thô kệch của cảnh ấy bị rơi ra, và thể vía có hấp lực với trạng thái sống cao hơn. Trọng lực của nó giảm dần, và nó được liên tục nâng lên từ tầng lớp đậm đặc đến tầng lớp thanh nhẹ hơn, chỉ ngưng nghỉ trong một lúc khi có sự quân bình.
Sự kiện này giải thích lời các vong linh thường nói trong các buổi cầu hồn rằng họ sắp lên một vùng cao hơn, từ nơi đó họ không thể, hoặc rất khó liên lạc qua đồng cốt. Thật vậy, một người ở cảnh cao nhất của cõi trung giới, hầu như không thể nào liên hệ được với người đồng cốt bình thường.
Ta biết rằng thời gian con người phải ở một cảnh nào của cõi trung giới tùy thuộc vào số lượng chất liệu của cảnh đó trong thể vía, và số lượng chất liệu này được thu hút vào cơ cấu của thể vía do lối sống và những ham muốn của họ khi còn ở cõi trần. Như thế, một người có đời sống trong sạch và tư tưởng thanh cao, sẽ làm giảm chất liệu thuộc những cảnh thấp của cõi trung giới trong thể vía họ, nâng thể vía lên mức độ gọi là “điểm tới hạn”, để khi lực phân hủy vừa bắt đầu tác động sẽ làm tan rã ngay sự kết dính của chất liệu thô kệch, và trả nó về tình trạng nguyên thủy, khi đó con người tức khắc được giải thoát và bước qua cảnh cao hơn.
Đối với người có đời sống hoàn toàn tinh thần, sự kiện nâng cao này có thể đạt được ở tất cả mọi cảnh của cõi trung giới; khi rời bỏ xác thân, họ lập tức đi xuyên qua khỏi cõi này và tâm thức họ thức tỉnh trở lại ở cõi thượng giới. Như đã được giải thích, không có sự phân chia giữa cảnh này với cảnh kia trên phương diện không gian, mà những cảnh xuyên thấu vào nhau. Như thế, khi ta nói một người đi từ cảnh này qua cảnh kia, không có nghĩa là họ di chuyển trong không gian, mà là sự tập trung tâm thức chuyển từ lớp vỏ bên ngoài vào bên trong.
Chỉ những người có dục vọng thấp hèn và thú tính thô bạo, những kẻ nghiện ngập, trác táng… mới thức tỉnh ở cảnh thấp nhất cõi trung giới. Họ phải ở đây lâu hay mau tùy theo sức mạnh của dục vọng, họ thường rất đau khổ vì sức mạnh dục vọng vẫn còn mà không có cách gì để thỏa mãn, vì không còn xác thân, trừ khi họ ám ảnh được một người có bản chất tương tự và thỏa mãn một cách gián tiếp qua người đó.
Đối với một người bình thường, không có gì để giữ họ lại ở cảnh thứ bảy cả. Tuy nhiên, nếu ham muốn và tư tưởng của họ tập trung vào những công việc trần gian, họ thường được ở vào cảnh thứ sáu, và quanh quẩn những nơi và những người mà họ có liên hệ gần gũi ở cõi trần. Cảnh thứ năm và thứ tư có đặc tính tương tự nhau, ngoại trừ khi nâng cao từ cảnh tứ năm lên cảnh thứ tư, sự liên hệ với cõi trần trở nên càng ít đi, và người quá cố tiến dần vào thế giới của tư tưởng.
Cảnh thứ ba có đặc tính khác hẳn, con người sống trong những đô thị tưởng tượng của riêng họ. Khác với cõi thượng giới, mỗi đô thị này không được hoàn toàn tạo ra do tư tưởng của riêng họ, mà họ chỉ thừa hưởng và thêm thắt vào các cấu trúc được tạo nên bởi tư tưởng của những người đi trước. Nơi đây có nhà thờ, trường học và nơi cư trú của những người tin tưởng vào “thế giới trường hạ”, thường được mô tả trong các buổi cầu hồn. Tuy nhiên, đối với một quan sát viên không thành kiến, cảnh tượng này ít thực và ít huy hoàng hơn đối với những cư dân đã tạo ra nó.
Cảnh thứ hai hình như đặc biệt dành cho những người có niềm tin cứng nhắc vào tôn giáo, mà không sống đời tâm linh, và tính tình còn ích kỷ. Nơi đây họ đội vương miện bằng vàng và tôn thờ hình tượng vật chất đại diện cho vị thần linh đặc biệt của xứ sở trong giai đoạn họ sống. Cảnh cao nhất hình như đặc biệt thích hợp với những nhà trí thức, khi còn sống ở cõi trần, họ hiến mình cho việc nghiên cứu về vật chất; tuy nhiên, ý tưởng của họ không hoàn toàn vì lợi ích cho nhân loại, mà thường do tham vọng cá nhân hoặc chỉ vì muốn cho trí não hoạt động. Người như thế thường ở lại cảnh này nhiều năm, họ thật sự vui thú với những vấn đề cần giải quyết bằng trí não, nhưng không làm gì có ích lợi cho người khác; họ tiến rất chậm trên đường lên cõi trời chân phúc.
Như đã được trình bày, ý tưởng về không gian hoàn toàn không áp dụng được ở những cảnh của cõi trung giới. Một người đang sống với thể vía ở Anh Quốc có thể di chuyển dễ dàng, nhanh chóng đến Úc Châu hoặc bất cứ nơi nào họ nghĩ đến. Tuy nhiên tâm thức họ không thể chuyển từ cảnh thấp lên cảnh cao hơn, trước khi những chất liệu thuộc cảnh thấp bị loại hết ra khỏi thể vía. Qui luật này không có ngoại lệ; dù trong một giới hạn, con người có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian cư trú ở cảnh ấy.
Mức độ thức tỉnh của con người ở một cảnh nào đó của cõi trung giới có thể được điều chỉnh. Sau đây là một thí dụ hơi thái quá để chúng ta hiểu được cách thức tác động của sự điều chỉnh này:
Do nghiệp quả kiếp trước, một người tái sinh với thể vía có nhiều chất liệu của cảnh thứ bảy, là cảnh thấp nhất cõi trung giới. Tuy nhiên, lúc còn trẻ trong đời sống hiện tại, người ấy may mắn học được cách kiểm soát tư tưởng, và với sự cố gắng, người ấy có thể loại trừ những khuynh hướng xấu xa. Nếu thành công, những chất liệu thô trược trong thể vía sẽ dần dần được thay thế bằng chất liệu thanh nhẹ hơn. Tiến trình thay thế thường xảy ra chậm chạp, và rất có thể người ấy lại chết, khi việc thay thế mới được nửa chừng. Trong trường hợp này, chất liệu thô kệch của cảnh thứ bảy vẫn còn nhiều trong thể vía, đủ để giữ người ấy ở cảnh thấp nhất cõi trung giới. Tuy trong kiếp sống vừa qua, dù không còn thói quen theo đuổi những ham muốn thấp hèn, người ấy vẫn phải lưu lại cảnh thấp nhất này chờ cho chất liệu thô kệch tan rã hết. Trong thời gian lưu lại ở cảnh thứ bảy, người ấy hoàn toàn không tỉnh thức, như ngủ một giấc dài, và không bị ảnh hưởng khó chịu của cảnh thấp này.
Sau khi chết, người bình thường gần như lúc nào cũng bất tỉnh, họ chỉ tỉnh lại ở cảnh thích hợp, do sự sắp xếp chất liệu thể vía bởi những tinh linh dục vọng (desire-elemental). Họ chỉ có thể cảm nhận được những rung động từ bên ngoài phù hợp với loại chất liệu lớp vỏ ngoài cùng của thể vía do tinh linh sắp xếp, và tầm nhìn của họ bị hạn chế trong cảnh ấy. Con người bằng lòng với sự hạn chế như một phần của cuộc sống mới, thật ra họ không ý thức được sự giới hạn, và tưởng là đã thấy được tất cả, vì họ không biết gì về tinh linh và tác động của chúng.
Khi thấu hiểu Minh Triết Thiêng Liêng, học giả biết sự hạn chế ấy không cần thiết. Họ lập tức kháng cự lại hành động của tinh linh dục vọng, và cố giữ thể vía ở nguyên tình trạng như lúc họ còn sống ở cõi trần, tức những phần tử chất liệu thể vía hòa lẫn nhau và di động tự do. Kết quả là họ có thể cảm nhận đồng loạt rung động từ những chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, và toàn thể cõi trung giới mở rộng trước mắt họ. Họ có thể tự do di chuyển qua mọi cảnh cõi trung giới, như trong lúc còn sống họ đã làm khi xác thân ngủ say, và họ có thể tìm gặp bất cứ ai, ở bất cứ cảnh nào của cõi trung giới.
Cách thức chống với sự sắp xếp lại và duy trì thể vía nguyên tình trạng như trước khi chết, tương tự như sự cố gắng chống lại một ham muốn mạnh mẽ lúc còn sống. Sau khi thể xác chết, với tâm thức mơ màng, tinh linh rất sợ không còn chỗ nương tựa, nó cố truyền sự sợ hãi đó cho con người, làm cho người ấy luôn cảm thấy bất an về một hiểm nguy khó tả, mà họ chỉ có thể tránh được nếu để yên cho thể vía được sắp xếp lại. Nếu họ vẫn cương quyết chống lại cảm giác sợ hãi vô lý ấy bằng cách sử dụng trí tuệ, và bình tĩnh khẳng định rằng không có lý do gì phải sợ, thì họ sẽ làm yếu dần sự đối kháng của tinh linh, giống như họ đã nhiều lần chống lại những ham muốn lúc còn sống. Được vậy, họ trở thành một năng lực sinh động trong suốt đời sống cõi trung giới, họ có thể thực hành công việc cứu trợ kẻ khác như họ thường làm khi tại thế, trong lúc ngủ.
Cũng như ở cõi trần, do thiếu kiến thức, sự giao tiếp giữa những cư dân cõi trung giới thường bị hạn chế. Trong khi những đệ tử sử dụng được năng lực thể trí, có thể giao tiếp bằng tư tưởng một cách nhanh chóng với những cư dân ở đó, bằng cách gây ấn tượng lên trí não họ. Cư dân cõi trung giới thường không thể sử dụng được năng lực tư tưởng này, do đó họ bị giới hạn như ở cõi trần, nhưng ít khắt khe hơn. Kết quả là ta thấy những hội đoàn được thành lập rải rác đó đây, nhiều nhóm người tụ hợp nhau do đồng sở thích, cảm nghĩ, tư tưởng và cùng ngôn ngữ.
Vì thiếu hiểu biết mà trong thi thơ có ý tưởng cho rằng sau khi chết mọi người đều như nhau. Thật ra trong hầu hết mọi trường hợp sau khi rời bỏ xác thân, tính tình và trí tuệ con người không thay đổi, do đó có nhiều cấp bậc trí tuệ khác nhau trong số những người mà ta gọi là đã chết, cũng như những người còn sống.
Các tín ngưỡng bình dân ở Tây phương thường kể một cách rất sai lạc rằng: một người dù thông minh đến đâu, sau khi chết và tỉnh lại ở cõi trung giới, cũng thường cảm thấy mình lú lẫn. Thực sự, người mới rời bỏ xác thân lên cõi trung giới, cảm thấy tình trạng của họ khác xa với những gì mà tín ngưỡng bình dân đã dạy, làm cho họ không tin là mình đã bước qua cửa tử. Hơn nữa, vì tin tưởng vào sự bất tử của linh hồn, nên khi cảm thấy mình vẫn còn ý thức, con người cho đó là bằng chứng rõ rằng họ chưa chết.
Giáo lý khủng khiếp về sự trừng phạt đời đời, hoàn toàn không có nền tảng vững chắc, phải chịu trách nhiệm cho sự sợ hãi đáng thương của những người vừa mới đến cõi trung giới. Trong nhiều trường hợp, họ phải chịu đau khổ tinh thần dữ dội trong một thời gian lâu dài, trước khi họ có thể tự giải thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của lời dọa dẫm khủng khiếp ấy. Cuối cùng, họ mới biết thế giới không bị cai quản bởi những hung thần có tính khí thất thường, khoái trá trước nỗi thống khổ của nhân loại, mà được quản trị bởi luật tiến hóa cao đẹp và từ ái. Nhiều người bình thường sau khi chết, chưa hiểu rõ luật tiến hóa, họ phải trải qua thời gian sống không mục đích ở cõi trung giới, như họ đã trải qua cuộc sống không mục đích ở cõi trần. Cũng như lúc sống, sau khi chết chỉ có một số ít người hiểu được sơ lược mục đích đời người và biết làm gì tốt nhất; số đông chưa hiểu biết, ít khi chịu nghe theo lời hướng dẫn của những người hiểu biết hơn.
Tuy nhiên, dù người đã chết thuộc trình độ trí thức nào, luôn luôn có sự thay đổi, vì hạ trí sẽ được kéo lên trên do bản chất tinh thần tác động từ bên trên, và năng lực dục vọng cố giữ lại từ bên dưới. Như thế, có sự dao động giữa hai lực thu hút ấy, mà lực hướng thượng luôn có khuynh hướng càng ngày càng tăng, trong khi dục vọng thấp hèn sẽ tiêu hao dần.
Sau khi chết, một người ngu dốt, hạ đẳng có thể học hỏi và được nâng cao hơn, nếu tiếp xúc với người đồng đứng đắn trong các buổi cầu hồn có sự kiểm soát của những người đáng tin cậy. Nhưng trong trường hợp người bình thường, sau khi chết, tâm thức được đều đặn nâng từ cảnh thấp lên cảnh cao hơn, thì rõ ràng là không có lợi cho sự tiến hóa, nếu phần thấp đang trong tình trạng vô thức tự nhiên, bị đánh thức và kéo trở xuống để tiếp xúc với trần gian qua đồng cốt. Một điều đặc biệt nguy hiểm là khi phần thấp thường trở lại cõi trần, trong lúc con người thật từ từ rút vào bên trong, với thời gian con người không còn kiểm soát và điều khiển được phần thấp ấy nữa, cuối cùng nó hoàn toàn tách rời và đủ sức gây thêm nghiệp quả, xấu nhiều hơn tốt.
Một sự việc khác, thường xảy ra và có ảnh hưởng làm chậm trễ nghiêm trọng con đường đến thượng giới của những người đã rời bỏ xác thân, đó là sự buồn rầu quá đáng, không kiểm soát được của thân nhân và bạn bè còn ở lại. Do sự hiểu biết sai lầm tai hại và quan điểm phi tôn giáo, hàng bao thế kỷ qua, chúng ta, những người Phương Tây chẳng những tự làm cho mình đau khổ không cần thiết, mà còn làm hại rất nhiều cho người mà ta thương mến, khi họ chỉ tạm thời rời xa chúng ta.
Khi người thân chúng ta từ giã cõi trần, chìm dần một cách tự nhiên và bình an vào vô thức, trước khi tỉnh lại ở cõi trời chân phúc huy hoàng, thì người ấy thường bị đánh thức khỏi giấc mộng êm đềm bởi những kỷ niệm sống động trong cuộc đời thế gian, do tác động của sự đau buồn luyến tiếc từ những người thân còn ở cõi trần. Sự đau buồn này khơi dậy những rung động tương ứng trong thể tình cảm của người quá cố, làm cho người ấy cũng cảm thấy rất đau khổ.
Những ai có bạn bè đã ra đi, cần hiểu biết các điều trên vì lợi ích của người quá cố. Bổn phận người ở lại là tự kiềm chế sự bi thương, dù đó là tình cảm tự nhiên phát xuất từ bên trong, nhưng bản chất vẫn có sự ích kỷ. Những giáo huấn huyền môn này không dạy ta quên hẳn người quá cố, mà nó chỉ gợi ý rằng lòng thương nhớ đối với người thân đã ra đi là một sức mạnh, nếu được hướng đi đúng đường sẽ là năng lực chúc lành, đưa người quá cố bình an vượt qua trạng thái trung gian ở cõi trung giới, và mau đến cõi trời chân phúc. Được vậy sẽ hữu ích cho người đã ra đi, sự phí sức thương tiếc và mong ước người thân trở lại, không những vô ích mà còn có hại. Do khuynh hướng đúng đắn, tự nhiên, mà Ấn Độ Giáo tổ chức lễ Shraddha, và các nhà thờ Thiên Chúa Giáo tổ chức lễ cầu nguyện cho người chết.
Đôi khi, người đã ra đi cũng muốn liên lạc với người còn sống, vì họ có vài điều đặc biệt muốn nói với người ở lại, mà trước khi chết họ không kịp tiết lộ. Những điều tiết lộ của họ đôi khi cũng quan trọng, như chỉ nơi cất giấu tờ di chúc, nhưng thường họ chỉ kể lể những điều nhỏ nhặt. Dù cho điều muốn tiết lộ là gì đi nữa, nhưng nếu nó ám ảnh sâu đậm đến tâm trí người chết, thì họ sẽ không yên lòng khi ý muốn ấy không được thực hiện, và tâm thức họ dễ bị kéo xuống cõi trần, khó thoát lên các cảnh giới cao. Trong trường hợp này, họ có thể được giúp đỡ qua một người thông linh (Psychic) hiểu được họ, hoặc nói hay viết qua trung gian một đồng cốt (medium).
Tại sao vong linh không thể nói hay viết nếu không có đồng cốt làm trung gian? Lý do là khi người chết đang ở một cảnh nào đó của cõi trung giới, thường chỉ có thể tác động lên cảnh thấp hơn kế đó. Thể vía đã loại bỏ hết chất liệu thô kệch thuộc các cảnh thấp hơn, nên họ không thể tạo ra rung động trong vật chất cõi trần để truyền ra không khí thành tiếng nói, và cũng không thể di động được cây viết chì nếu không mượn chất liệu trung gian từ thể phách người đồng; đây là phương cách truyền rung động từ cảnh này qua cảnh kia. Người chết không thể mượn chất liệu từ một người bình thường, vì các thể của người bình thường liên kết nhau rất chặt chẽ, không thể tách rời do ý muốn của người chết. Trái lại ở người đồng, các thể tách rời ra dễ dàng, và người chết có thể mượn chất liệu họ cần dùng từ người đồng để biểu lộ ở cõi trần.
Nếu người chết không thể tìm được người đồng, hay không biết cách sử dụng đồng cốt, đôi khi họ tự cố gắng một cách vụng về và sai lầm để liên lạc với người sống. Với sức mạnh của ý muốn, họ tạo ra năng lực khiến cho các tinh linh tác động một cách mù quáng, khi ấy có thể xảy ra những hiện tượng ngoài ý muốn như ném đá, rung chuông v.v… Thường khi một người có khả năng thông linh hay một người đồng đến nơi đang bị những hiện tượng kể trên phá quấy, dễ khám phá được ý muốn của người chết, và có thể làm chấm dứt sự quấy rầy. Tuy nhiên, các hiện tượng kể trên có thể do những nguyên nhân khác, vì các tinh linh tác động theo những động lực khác nhau.
4. U Hồn (The shade)
Khi các ”nguyên lý”[24] hoàn toàn tách rời, đời sống trung giới của con người chấm dứt, họ bước vào cõi trí. Cũng như khi chết ở cõi trần và bỏ xác thân; khi chết ở cõi trung giới, con người bỏ lại thể vía đang tan rã. Nếu trong kiếp sống thế gian, họ đã loại bỏ hết mọi ham muốn vật chất, sống không ích kỷ và chú tâm vào việc phát triển tâm linh, thì chân ngã có thể thu hồi trở lại toàn thể hạ trí mà nó đã đưa xuống khi tái sinh. Trong trường hợp này, thể vía họ bỏ lại cõi trung giới chỉ là một “xác chết”, như đối với xác thân vật chất, và nó không thuộc vào loại này, mà thuộc vào loại sau. Đối với người có đời sống kém thánh thiện hơn, nhưng vẫn trên mức trung bình, khi ở cõi trung giới kết quả cũng giống như thế, nếu họ tách rời khỏi những ham muốn thấp hèn, để yên cho chúng tự tác động.
Đối với đa số người đời, chỉ cố gắng lấy lệ trong việc loại bỏ những khuynh hướng thấp hèn, họ tự làm cho mình chẳng những phải lưu lại rất lâu ở cõi trung giới , mà còn phải bị “mất một phần hạ trí.”
Đây là cách diễn đạt “cụ thể hóa” về phản ảnh của thượng trí trong hạ trí, nhưng giả thuyết đúng hơn cho biết, trong mỗi kiếp tái sinh, nguyên lý trí tuệ gởi một phần của nó xuống cõi thấp, ta gọi phần ấy là hạ trí, và mong mỏi sẽ thu hồi được nhiều kinh nghiệm gặt hái được từ phần ấy sau khi kiếp sống trần gian chấm dứt. Người bình thường hay chạy theo làm nô lệ cho những ham muốn thấp hèn, nên một phần của hạ trí bị đan chặt vào thể cảm dục (thể vía). Vào lúc chấm dứt cuộc sống cõi trung giới, khi hạ trí tách rời thể vía, thì một phần hạ trí bị “xé rách” và dính lại với thể vía đang tan rã.
Thể vía này gồm có những phần tử chất liệu cõi trung giới, cộng với phần hạ trí còn dính chặt vào đó, khi con người qua cõi trời chân phúc bỏ lại nó, mảnh hạ trí bị tách rời này còn giữ lại được một phần trí tuệ. Tỷ lệ chất liệu thuộc mỗi cảnh của cõi trung giới hiện diện trong thể vía này tùy thuộc vào tình trạng vướng mắc của cái trí với các dục vọng thấp hèn. Khi thể hạ trí chuyển từ cảnh thấp qua cảnh cao, một phần của nó bị kết dính với chất liệu thể vía của cảnh thấp, và trong thể vía còn lại cho thấy có một số chất liệu thô kệch đã thành công trong việc duy trì liên hệ với nó.
Như thế, xuất hiện một thực thể gọi là u hồn (shade), mà nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy nó không phải là con người thật, vì người ấy đã chuyển qua cõi thượng giới. Thực thể này, ngoài hình dáng giống hệt người cũ, nó còn có một ít trí nhớ và những đặc tính nhỏ nhặt cố hữu của người ấy, do đó ta dễ bị nhầm lẫn là người thật, như ở những buổi cầu hồn. Nó không có ý thức về sự mạo nhận, vì cái trí giới hạn, nó chỉ nghĩ được rằng nó chính là cá nhân đó. Bạn bè của người quá cố sẽ ghê sợ khi biết họ đã bị đánh lừa để chấp nhận là bạn, một mớ các bản chất thấp kém nhất, không có linh hồn của người quá cố.
Thời gian u hồn tồn tại tùy thuộc vào số lượng chất liệu hạ trí còn lại làm cho nó sinh động, chất liệu này sẽ giảm dần với thời gian, nên trí khôn của u hồn cũng giảm theo, dù còn vài xảo quyệt thú tính. Đến gần cuối sự sống của nó, u hồn vẫn có thể liên hệ qua đồng cốt bằng cách mượn tạm trí khôn của người đồng. Do bản chất, u hồn rất dễ bị ảnh hưởng bởi mọi lực bất hảo. Vì đã tách rời khỏi chân ngã, trong cơ cấu của nó không còn gì có thể đáp ứng được với điều cao cả, nên nó thường bị các người hắc đạo bậc thấp sử dụng trong những việc nhỏ nhặt. Khi chất liệu thuộc hạ trí dần dần tan rã hết và trở về cõi của nó, u hồn từ từ phai nhạt và trở thành thực thể khác gọi là ma hình.
5. Ma hình (The shell)
Đây hoàn toàn chỉ là cái vỏ của thể vía trong giai đoạn cuối của sự tan rã, tất cả những phần tử của hạ trí đã rời bỏ nó. Nó hoàn toàn không có ý thức và không hiểu biết, trôi dạt theo các dòng lưu chuyển trung giới như một đám mây bị gió đưa đi lang thang khắp nơi. Tuy nhiên, trong chốc lát nó có thể trở nên linh động một cách dị kỳ dễ sợ, nếu nó lọt được vào vòng hào quang của một đồng cốt. Trong trường hợp này, nó xuất hiện rất giống với người đã bỏ nó lại, và cũng có thể lặp lại vài câu nói quen thuộc hay chữ viết của người chết. Do tác động máy móc của những tế bào còn lại trong cấu trúc, khi bị kích thích nó có khuynh hướng lặp lại hoạt động mà nó rất quen thuộc. Dù có sự khôn ngoan ẩn phía sau những biểu lộ ấy, nó cũng không có liên quan gì đến con người thật, mà chỉ là công cụ của người đồng, hay của người hướng dẫn người đồng sử dụng trong lúc ấy. Ngoài ra nó cũng thường được tạm thời làm cho sống động bằng cách thức khác, sẽ được đề cập đến trong đề mục sau.
Một đặc tính khác của ma hình là nó mù quáng đáp ứng lại một số rung động, thường là rung động thấp hèn, như thường xảy ra ở cuối giai đoạn sống của u hồn. Như thế, nếu người còn nhiều dục vọng hoặc đam mê xấu xa tham dự buổi cầu hồn, sẽ bị các ma hình không ý thức làm cho tính xấu của họ gia tăng.
Ngoài ra có một loại “vỏ” khác cần được kể ra, nó thuộc về giai đoạn khi con người vừa mới chết. Sau khi chết, thể vía rút ra khỏi thể xác và thường nhanh chóng tái sắp xếp, khi ấy thể phách cũng tách rời ra và tan rã từ từ giống như sự tan rã của vỏ thể vía ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên thể phách không trôi nổi đi xa như thể vía, mà nó chỉ quanh quẩn gần thể xác vài thước, và có thể được nhìn thấy bởi những người khá nhậy cảm, đó là đề tài của nhiều câu chuyện ma ở các nghĩa trang. Một người có khả năng linh thị khi đi ngang qua các nghĩa địa, có thể nhìn thấy nhiều hình dạng như sương màu trắng xanh, bay phất phơ bên trên những ngôi mộ mới, cảnh tượng này gây cho người chứng kiến có cảm giác rất khó chịu.
Giống như vỏ thể vía, thể phách hoàn toàn không có ý thức và không có trí khôn, nhưng trong vài trường hợp, nó có thể được làm sống động tạm thời, trở thành một hình thể khủng khiếp bởi vài nghi lễ gớm ghiếc của các nhà hắc thuật hạ đẳng, mà chúng ta càng ít nói đến càng tốt.
Như thế, tiến trình từ lúc chết đến lúc vào cõi trời chân phúc, con người đã cởi bỏ và để cho tan rã dần dần ba thể: xác thân, thể phách và thể vía. Sự tan rã này cho ra những nguyên tố của các cảnh liên hệ, để rồi sẽ được sử dụng lại như những chất liệu mới, bởi nguyên lý hóa học tuyệt diệu trong thiên nhiên.
6. Ma hình được làm sinh động (Vitalized shell)
Lẽ ra thực thể này không được liệt kê chung trong phần nói về nhân loại, vì nó chỉ là lớp áo bên ngoài, thụ động, lớp vỏ không cảm giác, mà đã có lần nó thuộc thành phần con người. Sự sống, trí khôn, ham muốn và ý thích mà nó có được là do các tinh linh nhân tạo làm linh hoạt, và dù do tư tưởng xấu của con người tạo ra, nó cũng không thuộc hàng ngũ nhân loại. Có lẽ chúng ta sẽ đề cập đầy đủ hơn về các ma hình được làm sinh động này trong nhóm những thực thể nhân tạo.
Hầu hết các ma hình đều gây ảnh hưởng xấu, mức độ xấu ác mà nó ảnh hưởng tùy thuộc vào sức mạnh làm nó sinh động. Cũng như các u hồn, nó thường được sử dụng bởi các nhóm hắc thuật hạ đẳng để trù ếm, bùa ngải, như Voodoo hay Obead. Một vài tác giả gọi nó là “âm ma” (elementary), nhưng từ ngữ này được dùng để chỉ nhiều thực thể khác nhau sau khi chết, và ý nghĩa của nó không được rõ ràng, nên chúng ta tránh dùng nó.
7. Người tự tử và ngưòi chết bất thần.
Một người bị tách rời khỏi xác thân một cách vội vã trong lúc còn khỏe mạnh và dồi dào sinh lực, do tai nạn hay do tự tử, sẽ đến cõi trung giới trong tình trạng rất khác biệt với những người chết vì tuổi già hay bệnh hoạn. Chắc hẳn người già và người bệnh lâu ngày, không nhiều thì ít sự ham muốn vật chất ở thế gian cũng giảm bớt, và thể tình cảm của họ loại bỏ rất nhiều chất liệu thô kệch. Sau khi rời bỏ xác thân, những người này thường thức tỉnh ở cảnh thứ sáu hoặc thứ năm cõi trung giới, và có thể còn cao hơn. Các “nguyên lý” (principles) đã chuẩn bị dần cho sự tách rời, nên khi ra đi họ không bị chấn động mạnh.
Trong trường hợp tự tử hoặc chết bất thần, không có sự chuẩn bị như trên, các nguyên lý phải rút ra khỏi thể xác một cách đột ngột, ví như hạt bị tách ra khỏi trái cây chưa chín. Phần lớn chất liệu thô kệch cõi trung giới vẫn còn kết chặt với thể vía, do đó họ sẽ bị giữ lại ở cảnh thứ bảy, tức cảnh thấp nhất cõi trung giới, cảnh này, như đã được miêu tả, không phải là nơi thú vị để sống. Điều đó không có nghĩa là tình trạng của những người phải trải qua một thời gian ở đấy đều giống nhau. Những người đã sống một cuộc đời trong sạch, cao quí, bị chết thình lình do tai nạn, họ không có hấp lực với cảnh đó, và thời gian họ bị bắt buộc phải lưu lại nơi đó được mô tả như: “niềm hạnh phúc vô thức đầy quên lãng, hoặc trong trạng thái ngủ yên đầy mộng đẹp.”
Trái lại nếu ở cõi trần, họ có đời sống thấp hèn, tàn ác, ích kỷ và nuông chiều theo dục vọng, thì họ sẽ có đầy đủ ý thức ở cảnh mà không ai muốn tới. Họ sẽ có thể trở thành những hồn ma bóng quỷ ghê rợn, bị thiêu đốt bởi mọi loại thèm muốn khủng khiếp mà không thể nào được thỏa mãn vì đã mất xác thân. Họ chỉ còn cách thỏa mãn những đam mê bẩn thỉu xuyên qua đồng cốt hoặc bất cứ người nào dễ bị họ ám ảnh. Họ có thể tìm được lạc thú thấp hèn bằng mọi cách gây ảo tưởng mà cõi trung giới sẵn sàng tiếp sức, để xúi giục kẻ bị ám ảnh làm những hành động quá đáng, tai hại.
Sau đây là một đoạn trích dẫn từ những tác giả thời trung cổ viết về đề tài này: “ Những hồn ma liêu trai, nam hay nữ, quyến dụ người nằm mộng ái ân với chúng, những ma quỷ đói khát, đầy dục vọng, tham lam, gian xảo, hung ác và tàn bạo, xúi giục nhũng người bị ám ảnh phạm những tội ác khủng khiếp, và hoan lạc say sưa thế cho chúng.” Những loại ma quái ấy đã được kinh sách Cơ Đốc Giáo mô tả là sự cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên, theo thời gian, sức mạnh của chúng sẽ tàn lụi trước sự trong sạch hóa của thể trí, và chúng sẽ chẳng làm gì được một người bình thường, ngoại trừ người ấy có sẵn tính xấu mà chúng muốn lợi dụng.
Người có nhãn thông, thường thấy những đám vong linh vô phước ấy bám theo các hàng bán thịt, quán rượu, hoặc các nơi tồi tệ hơn, những nơi mà chúng tìm được sự thỏa mãn các dục vọng thấp hèn qua những người nam hay nữ ở thế gian có tính tình giống như chúng. Thật vô phước cho vong linh như vậy nếu gặp đồng cốt hợp với nó, chẳng những làm cho nó kéo dài rất lâu thời gian khủng khiếp ở cảnh thấp cõi trung giới, mà còn có thể thêm sức cho nó tạo thêm nghiệp quả xấu xa, làm cho kiếp tái sinh tương lai trở nên thấp hèn hơn, ngoài ra còn có nguy cơ bị mất phần lớn trí thông minh. Trái lại, nếu may mắn không gặp người dễ thụ cảm với nó để thỏa mãn dục lạc, thì những ham muốn không được thỏa mãn sẽ dần dần tự tan rã, và sự đau khổ nó phải chịu đựng có thể làm giảm bớt các nghiệp quả mà nó đã gây ra trong kiếp vừa qua.
Tình trạng của người tự tử còn phức tạp hơn nhiều, vì hành động thiếu suy nghĩ ấy làm giảm năng lực của chân ngã thu hồi phần thấp của nó về, và có thể đem lại thêm nguy hiểm cho họ. Tuy nhiên tội tự tử khác biệt rất nhiều tùy theo mỗi trường hợp, từ hành động không đáng trách về phương diện luân lý như của Seneca hoặc Socrates, đến mọi cấp độ thấp kém như tự tử để trốn tránh trách nhiệm về tội ác đã gây ra của những hung phạm, và tình trạng sau khi chết của những người tự tử cũng khác nhau.
Những vong linh thuộc loại này cũng như u hồn và ma hình được làm sinh động, đôi khi được gọi chung là “ma cà rồng cơ hội”, vì khi có dịp, chúng thường kéo dài đời sống bằng cách rút sinh lực từ những người mà chúng ảnh hưởng được. Vì vậy mà đồng cốt và những người phụ tá chung quanh thường bị suy yếu và mệt lả sau buổi cầu hồn. Sinh viên huyền môn được dạy cách thức giữ mình, tránh bị những thực thể này thu hút sinh lực. Người thiếu hiểu biết khó tránh khỏi bị tổn hại khi đến gần những nơi chúng tụ họp.
8. Ma cà rồng và ma sói (Vampire and Werewolf)
Hai loại này càng đáng ghê tởm hơn, nhưng may thay rất hiếm, dù chúng khác nhau về nhiều phương diện, nhưng ta có thể gom lại cùng một nhóm, vì chúng có chung những tính chất kỳ dị, khủng khiếp và rất hiếm hoi. Chuyện về ma sói thật ra là di sản từ những giống dân tiền sử để lại, đó là những di tích khủng khiếp từ thời đại mà con người và hoàn cảnh sống chung quanh rất khác xa với thời hiện tại.
Chúng ta thuộc giống dân chánh thứ năm, đã tiến hóa khỏi giai đoạn có thể chịu số phận đáng sợ của một trong hai loại vừa kể, gần như những sinh vật này chỉ được nhắc đến trong những truyện cổ tích thời trung cổ. Ngày nay chúng ta có thể biết một vài thí dụ xảy ra ở một chi chủng thuộc giống dân thứ tư ở các nước như Nga Sô và Hung Gia Lợi. Những chuyện cổ tích về đề tài này được truyền khẩu ở thôn quê các nước Đông Âu, và thường bị thêm thắt quá đáng, tuy nhiên cũng có một phần sự thực bên trong. Đặc tính chung của các chuyện ấy đã quá quen thuộc, nên chúng ta chỉ cần nói phớt qua. Chuyện điển hình về ma cà rồng, dù chỉ được trình bày như một chuyện tưởng tượng, là chuyện “Carmilla”, và câu chuyện đáng kinh tởm hơn: “Dracula”. Có một hình thức bất thường khác đáng để ý về sinh vật này được trình bày trong quyển “Nữ Thần Isis Được Tiết Lộ” (Isis Unveiled)
Độc giả Thông Thiên Học cần hiểu: có người hoàn toàn xấu xa, ích kỷ, hung ác và thô bạo, đến nỗi hạ trí của họ vướng mắc hoàn hoàn với dục vọng và tách rời khỏi nguồn gốc tâm linh của chân ngã cao cả. Đời sống xấu xa làm cho người ấy mất hết nhân phẩm, bóp nghẹt các tia sáng của tinh thần, đến nỗi không còn một điểm tốt nào có thể bù lại. Vài môn sinh còn cho rằng ta có thể thường gặp loại người “mất linh hồn” này hàng ngày trên đường phố. May thay điều đó không đúng, tuy có những người hoàn toàn xấu, nhưng chỉ là một thiểu số, và từ hàng ngũ những kẻ hoàn toàn xấu này sinh ra loại ma cà rồng.
Những thực thể tự đánh mất mình như thế sẽ sớm nhận thấy họ không thể ở cõi trung giới được, và họ sẽ bị lôi kéo vào “nơi riêng của họ”, mà không cưỡng lại được, trong tình trạng thức tỉnh hoàn toàn, đó là cõi thứ tám huyền linh (còn gọi là cõi A-tỳ)[25], nơi đây, sau khi chịu đựng những kinh nghiệm, họ bị tan rã từ từ, mà tốt hơn chúng ta không nên nói đến. Khi người như vậy bị chết đột ngột hay tự tử, trong vài trường hợp nếu họ biết về hắc thuật, họ có thể giữ mình khỏi rơi vào số phận hãi hùng ở cõi A-tỳ, và chọn sống đời gớm ghiếc của loại ma cà rồng.
Vì cõi thứ tám không thể “bắt” được họ chừng nào thể xác của họ chưa thật sự chết, nên họ cố giữ xác thân sống cố định trong một tư thế, như người đang xuất thần. Với thể vía được vật chất hóa phân nửa (semi-materialized), họ dùng thủ đoạn gớm ghiếc là đi hút máu người khác, đem về truyền cho cái xác bất động của họ, để duy trì sự sống cho thể xác. Như vậy, họ tạm thời gác lại được vận số cuối cùng bằng cách phạm vào hàng loạt án mạng. Người bình dân tin tưởng khá đúng rằng phương pháp dễ dàng và có hiệu quả nhất là khai quật tử thi và hỏa thiêu, như thế sẽ làm mất điểm tựa của ma cà rồng. Khi ngôi mộ được khai quật thì thấy xác chết còn tươi và quan tài thường dính đầy máu. Ở các nước có phong tục hỏa táng, thì không thể có ma cà rồng.
Ma sói cũng rất kinh khiếp, nhưng do loại nghiệp quả khác với ma cà rồng, ta có thể xếp vào loại cư dân “còn sống” hơn là vào loại “đã chết” của cõi trung giới, vì nó luôn luôn bắt đầu xảy ra trong lúc con người còn đang sống. Người ấy cần phải có một số hiểu biết về huyền thuật, đủ để có thể phóng thể vía ra.
Khi một người rất độc ác và tàn bạo, phóng thể vía ra ngoài, thì có vài trường hợp thể xác của họ có thể bị sử dụng bởi những thực thể khác ở cõi trung giới để hiện hình thành những loại thú hoang, thường là chó sói. Trong hình dạng ấy nó chạy quanh vùng, giết hại các thú vật khác và cả con người, để thỏa mãn sự thèm khát máu tươi cho nó và cho loại ma quỷ đang điều khiển nó.
Trong trường hợp này, như thường xảy ra trong sự hiện hình, bất cứ con sói bị thương tích gì, thì xác thân người ấy cũng bị thương tích như thế, do hiện tượng “phản hưởng” (repercussion). Sau khi thể xác chết, thể vía của người ấy vẫn có thể tiếp tục giữ hình thể cũ, nhưng ít nguy hiểm hơn. Nó không thể hiện hình hoàn toàn, trừ khi nó tìm được một đồng cốt thích hợp. Sự hiện hình này, được kết hợp bởi nhiều chất liệu thuộc thể phách, và chất lỏng cũng như chất hơi thuộc thể xác. Trong cả hai trường hợp, hình thể hiện có thể đi rất xa khỏi xác thân, vì hình thể này có chứa một số chất dĩ thái.
Dân chúng thời hiện tại thuờng nhạo báng những điều mê tín ngớ ngẩn của người dân quê khờ khạo. Tuy nhiên, sinh viên huyền môn phải hết sức cẩn thận, quan sát kỹ lưỡng các chân lý tiềm ẩn, bị quên lãng của thiên nhiên nằm sau các sự việc, và phải thận trọng trong việc chấp nhận cũng như bác bỏ các hiện tượng. Những người có ý định thám hiểm cõi trung giới không cần phải sợ hãi về những thực thể gây phiền toái như được mô tả trong phần này, vì chúng rất hiếm, và may mắn thay với thời gian số lượng cũng giảm dần. Có lẽ do bản chất thích bám víu vào vật chất, trong mọi trường hợp, chúng chỉ hiện diện gần với thể xác chúng.
9. Người ở thế giới xám (The man in the Grey World)
Tôi đã giải thích ma cà rồng và ma sói là những thực thể ở sai thời đại, chúng thuộc về giai đoạn tiến hóa của giống dân trước. Còn một loại khác là hạng người cố bám víu một cách vô vọng vào cuộc sống trần gian, vì họ không biết là có đời sống ở các cõi khác. Vì quá thiên về vật chất, họ không có ý tưởng hay quan niệm về đời sống nào khác ngoài đời sống cõi vật chất, họ sợ hãi một cách điên cuồng khi nhận thấy mình sắp phải lìa bỏ cuộc sống trần gian.
Những người đó cố gắng cuồng nhiệt để được tiếp xúc trở lại với thế gian bằng một hình thức nào đó, nhưng phần đông không thành công và dần dần từ bỏ ý định. Khi bỏ ý định trở lại cõi trần, tự nhiên họ sẽ rơi ngay vào tình trạng vô thức trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tỉnh thức lại ở cõi trung giới. Trái lại, những người kiên trì và có ý chí đủ mạnh, có thể tạm thời thành công trong việc giữ lại ít nhất vài mảnh của thể phách họ, và đôi khi có thể thu hút được những phần tử thuộc thể xác.
Như chúng ta biết, định nghĩa của sự chết là: sự tách rời cuối cùng và trọn vẹn của thể phách ra khỏi thể xác[26], nói khác đi là sự tan rã của thể xác do sự rút lui của phần dĩ thái khỏi phần thấp hơn. Cho nên, khi nào vẫn còn có sự nối liền giữa thể phách và thể xác, thì ta có những tình trạng như: cơ thể giữ nguyên dạng (catalepsy), xuất thần (trance), hoặc hôn mê (anaesthesia); khi sự nối kết bị đứt lìa, ta có tình trạng “chết”.
Lúc chết, con người rút ra khỏi thể xác (thể đậm đặc), họ cũng đem theo luôn thể phách, tức phần dĩ thái của xác thân. Phần dĩ thái của xác thân, mà ta có thói quen gọi là “thể phách”, thật ra chính nó không phải là một “thể”, mà chỉ là một phần của xác thân. Như vậy, khi con người vẫn còn bám vào thể phách, thì họ không thuộc cõi trần, mà cũng không thuộc cõi trung giới. Họ đã mất giác quan của thể xác, trong khi không thể sử dụng được giác quan thể vía, vì họ vẫn còn bị đám mây của thể phách bao bọc. Họ phải sống một thời gian ngắn -- cũng may là chỉ một thời gian ngắn -- trong một thế giới mờ xám rất khó chịu và không yên ổn. Trong thế giới này, họ không thể thấy rõ những gì xảy ra ở cõi trần cũng như ở cõi trung giới, tuy nhiên, đôi khi họ cũng thoáng thấy cả hai, như qua đám sương mù dày đặc, trong đó họ đi lang thang, lạc lõng và bơ vơ.
Không có lý do gì để bất cứ người nào phải chịu khổ như thế. Chỉ vì lúc lâm chung, con người sợ rằng khi mất một phần nhỏ ý thức cuối cùng là sẽ mất đi vĩnh viễn tất cả ý thức, và đối với họ là bị hủy diệt hoàn toàn; vì thế, họ cố bám víu một cách tuyệt vọng vào cái gì còn lại. Tuy nhiên theo thời gian, dù muốn hay không, con người cũng phải để mọi việc trôi chảy, vì thể phách sẽ bắt đầu tan rã, và tự nhiên họ sẽ đi vào một đời sống rộng rãi, đầy đủ và hạnh phúc hơn.
Trong cõi trung giới, đôi khi ta thấy những người như thế trôi nổi khổ sở, và kêu khóc thảm thương. Khuyên giải và thuyết phục họ là một trong những công tác khó khăn của những vị cứu trợ, làm cho họ biết họ chỉ cần quên nỗi sợ hãi, thư dãn các căng thẳng, để cho tâm trí êm ả chìm vào lãng quên và bình an. Hình như tâm trạng của người như thế đối với lời khuyên, gần giống với tâm trạng của người đắm tàu giữa biển khơi đầy sóng gió, được khuyên hãy bỏ cái phao mà họ đang ôm chặt, để tin tưởng vào chính mình.
10. Nhà hắc thuật và đệ tử của họ
Trong bảng sắp xếp các thực thể đã bỏ xác thân, những người này ở vị trí đối cực, tương đương với hạng thứ nhì, tức những đệ tử đang chờ đợi tái sinh. Nhưng thay vì họ phải xin phép để được áp dụng phương pháp phát triển không thông thường, thì họ bất chấp sự tiến hóa thiên nhiên, duy trì sự sống ở cõi trung giới bằng cách sử dụng các ma thuật, đôi khi rất khủng khiếp.
Ta có thể chia nhóm người này thành những nhóm phụ, tùy theo mục đích của họ, phương pháp họ áp dụng và thời gian họ ở lại cõi trung giới. Đây không phải là một đề tài hấp dẫn để nghiên cứu, sinh viên huyền môn chỉ cần biết làm cách nào để tránh xa họ. Duy có một điều cần ghi nhận là họ muốn kéo dài sự sống ở cõi trung giới ngoài giới hạn ấn định của thiên nhiên, do hấp thu sinh lực của người khác bằng mọi cách.
B. KHÔNG THUỘC NHÂN LOẠI
Điều khá rõ ràng là thiên nhiên sắp đặt mọi sự vật gần gũi, ảnh hưởng đến chúng ta ở cõi trần, hoàn toàn không phải cho tiện nghi hay lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, những người còn ấu trĩ, nghĩ rằng thế giới này và mọi vật nó chứa đựng đều dành riêng cho họ sử dụng và vì lợi ích của họ. Trong thời đại hiện tại, ta cần loại bỏ ảo tưởng ấy để nhận ra vị trí thích hợp và bổn phận của chúng ta đối với thế giới.
Trong cuộc sống hàng ngày, phần lớn con người vẫn chưa ý thức được điều đó, họ làm nhiều việc tác hại đến những vật chung quanh, nhất là sự ác độc của những người tự cho là văn minh, với mục đích thể thao, đi săn bắn giết hại, gây căm phẫn đối với giới cầm thú. Dù người mới học hỏi chút ít về huyền môn, cũng nên biết mọi sự sống đều thiêng liêng, và nếu không có lòng từ ái thì không thể có tiến bộ thực sự. Khi tiến lên trên đường học hỏi, con người sẽ hiểu biết nhiều hơn về sự tiến hóa, và nhận thức được vị trí khiêm tốn của nhân loại trong toàn thể thiên nhiên.
Con người đã biết rõ đất, nước, không khí nuôi dưỡng vô số hình thức sự sống, mà mắt thường không trông thấy được, nhưng được thấy với kính hiển vi. Cũng giống thế, các cõi cao nối tiếp với cõi trần, chứa đông đảo những cư dân mà bình thường chúng ta không hề biết đến. Khi hiểu biết nhiều hơn, con người sẽ xác quyết rằng sự tiến hóa là điều cần thiết. Dù con người nhận thấy hình như trong thiên nhiên có những lực bị lãng phí hay bị bỏ quên, thật ra đó không phải là kế hoạch của vũ trụ lầm lỗi, mà vì chúng ta chưa hiểu thấu đáo cách thức vận hành của nó.
Trong phần nghiên cứu về các thực thể không thuộc loài người ở cõi trung giới, ta nên để qua một bên những hình thức sơ khai của sự sống vũ trụ, chúng đang tiến hóa theo một đường hướng nào đó mà ta ít hiểu biết về chúng; như những thành phần của nguyên tử, phân tử và tế bào. Loài thấp nhất, tức loài tinh linh, loài này rất đông đúc ở cõi trung giới, mà ta chỉ mới biết được đôi chút, không thể mô tả rõ ràng và đầy đủ chi tiết trong quyển sách nhỏ này.
Cách sắp xếp thuận tiện nhất là chia các thực thể không thuộc nhân loại thành bốn loại. Trong trường hợp này, mỗi loại không phải chỉ là một nhóm nhỏ như ở phần trước, mà là cả một giới to lớn trong thiên nhiên, giống như ở cõi trần ta có giới động vật hoặc giới thực vật. Một số loại có sự tiến hóa thấp kém hơn con người, một số ngang hàng, và một số cao hơn con người rất nhiều về đức tính cũng như về năng lực. Vài loài có cùng đường tiến hóa với nhân loại, có nghĩa là chúng đã hoặc sẽ trở thành con người; vài loại tiến hóa theo đường hướng hoàn toàn khác biệt với đường tiến hóa của ta. (xin xem sơ đồ sự tiến hóa trong quyển “Khía Cạnh Ẩn Khuất của Sự Vật” (The Hidden Side of Things).
Trước khi bắt đầu, để cho đầy đủ, ta cần nêu lên hai sự hạn chế. Thứ nhất, không đề cập đến sự thỉnh thoảng xuất hiện của các vị Chân Sư từ những hành tinh khác trong thái dương hệ, hoặc các vị “Du Khách” đáng tôn kính từ những thế giới xa hơn, vì vấn đề này không thích hợp để mô tả trong một bài tiểu luận dành cho công chúng, vả lại cũng khó giải thích cho người bình thường hiểu vì sao các nhân vật cao cả như thế lại cần biểu hiện ở một cõi thấp như trung giới. Nếu cần làm như vậy vì một lý do đặc biệt, các Vị phải tạm thời tạo ra một thể thích hợp bằng chất liệu thuộc cõi trung giới, giống như trường hợp các vị Ứng Thân.
Thứ nhì, có hai đường tiến hóa lớn khác, hiện tại đang sử dụng chung bầu trái đất với nhân loại, hai đường tiến hóa này không liên hệ gì đến bốn loại được liệt kê trong phần này. Trong giai đoạn hiện tại, những điều có liên quan đến hai đường tiến hóa này đều bị cấm tiết lộ. Hình như trong tình trạng bình thường, họ không ý thức gì đến sự hiện hữu của nhân loại, cũng như nhân loại không ý thức về họ. Rất ít khi chúng ta gặp các vị ấy, nếu có thì chỉ ở cõi trần, vì họ rất ít khi liên hệ đến cõi trung giới. Họ chỉ xuất hiện do sự tình cờ khó xảy ra trong một buổi tế lễ ma thuật, may thay, chỉ có những người phù thủy cao cấp mới thực hiện được. Tuy nhiên, sự tình cờ hiếm hoi đã xảy ra ít nhất một lần, và có thể xảy ra nữa, do đó sự cấm đoán kể trên cần phải ghi vào quyển sách này.
1. Loài tinh hoa chất thuộc đường tiến hóa của chúng ta (The Elemental Essence belonging to our own evolution)
Vì từ ngữ “âm ma” (elementary) đã được nhiều tác giả dùng để chỉ mọi trạng thái của con người sau khi chết, nên từ ngữ “tinh linh” (elemental) được sử dụng trong nhiều trường hợp để chỉ những thực thể không thuộc nhân loại, từ những vị cao cả như Đại Thiên Thần xuống các tinh linh thiên nhiên (nature spirit), đến những loài tinh hoa chất không hình thể thâm nhập vào giới kim thạch. Sau khi đọc qua vài quyển sách, độc giả có thể hoàn toàn bị lạc lối do sự trình bày mâu thuẫn của các danh từ ấy. Trong quyển sách này, chúng ta nên hiểu từ ngữ “tinh hoa chất” (elemental essence) chỉ là tên gọi cho một vài giai đoạn tiến hóa đến “tinh chất chân thần” (monadic essence), mà ta có thể định nghĩa “tinh chất chân thần” là sự tuôn tràn của tinh thần, hay năng lực thiêng liêng vào vật chất.
Chúng ta đã quen với ý niệm là trước khi luồng năng lực thiêng liêng ấy đến giai đoạn cá nhân hóa để tạo thành “nhân thể” (causal body) của con người, nó phải trải qua và cung cấp sinh khí cho sáu giai đoạn tiến hóa thấp: cầm thú, thảo mộc , kim thạch và ba loài tinh hoa chất. Khi nó truyền sinh lực cho những giai đoạn thấp này, đôi lúc nó còn được gọi là chân thần (monad) động vật, thực vật hay kim thạch. Từ ngữ này rất dễ gây nhầm lẫn, vì rất lâu trước khi tiến đến các giai đoạn ấy nó đã trở thành nhiều chân thần, chớ không phải một. Tuy nhiên từ ngữ này đã được sử dụng để diễn tả ý tưởng là: dù sự phân chia trong tinh chất chân thần đã bắt đầu từ lâu, nhưng nó vẫn chưa phân biệt ngã tính.
Trước khi tiến đến loài kim thạch, tinh chất chân thần đi xuyên qua ba loài tinh linh và được truyền thêm năng lượng, khi đó nó được gọi là “tinh hoa chất” (elemental essence). Muốn hiểu bản chất và phương cách nó biểu lộ, ta cần nhận biết cách mà tinh thần tự bao bọc trên đường đi vào vật chất.
Khi tinh thần đang ở một cõi (bất kỳ là cõi nào, hãy gọi là cõi số 1), muốn đi xuống cõi thấp hơn kế cận (hãy gọi là cõi số 2), thì nó phải tự bao bọc bằng chất liệu của cõi số 2. Cũng vậy, khi nó tiếp tục đi xuống cõi số 3, nó phải thu hút chất liệu của cõi số 3 để tạo thành nguyên tử thân thể của nó, hay lớp bao bọc quanh nó. Ở giai đoạn này, phần sinh lực bên trong, gọi tổng quát là linh hồn, không phải là phần tinh thần trong tình trạng ở cõi số 1, mà nó là lực thiêng liêng cộng thêm lớp màn vật chất của cõi số 2. Khi tiếp tục xuống cõi số 4, thì nguyên tử của nó càng trở nên phức tạp hơn, vì nó có một thân thể thuộc chất liệu cõi số 4, được làm sinh động bởi phần tinh thần đã được bao bọc bằng hai lớp màng bằng chất liệu của cõi số 2 và 3. Tiến trình này được lặp lại đối với mỗi cảnh của các cõi trong thái dương hệ, cho đến lúc lực nguyên thủy xuống đến cõi vật chất, thì nó được bao bọc kín đến nỗi con người không còn nhận ra nó là tinh thần nữa.
Theo tiến trình tự bao bọc này, giả sử tinh chất chân thần đã đi xuống đến cảnh thứ nhất cõi thượng giới (tức mức độ nguyên tử cõi thượng giới), thay vì từ đó nó đi xuống từng cảnh của cõi thượng giới (tức cảnh thứ 2, thứ 3…đến thứ 7), nó lại lao trực tiếp xuống cõi trung giới. Nơi đây nó thu nạp chung quanh nó một thể nguyên tử chất liệu cõi trung giới, mà nó là sự sống sinh động ở bên trong. Sự phối hợp này là tinh hoa chất của cõi trung giới, nó thuộc loại thứ ba trong ba loài tinh hoa chất, nếu xếp theo thứ tự thì vị trí của loài tinh hoa chất thứ ba ở ngay trước loài kim thạch. Trong tiến trình phân biệt 2,401 lần của nó ở cõi trung giới, nó thu nạp vào nhiều hợp chất khác nhau từ một số cảnh của cõi này. Nhưng những hợp chất này chỉ tạm thời, và chủ yếu là nó vẫn duy trì cùng một loại, có đặc tính là tinh chất chân thần liên kết với mức độ nguyên tử (cảnh số 1) cõi thượng giới, nhưng biểu hiện qua nguyên tử chất liệu cõi trung giới.
Hai loài tinh hoa chất cao hơn chỉ hiện tồn và hoạt động ở những cảnh cao và thấp cõi thượng giới, nhưng ta không nghiên cứu hai loài này nơi đây.
Ta nhận thấy có một kho vô tận những tinh hoa chất, chứ không phải “một” tinh hoa chất như vài tác giả diễn tả. Chúng vô cùng nhạy cảm đối với mọi thay đổi của tư tưởng con người, chúng đáp ứng một cách rất tinh vi, nhanh chóng từng sát-na[27], đối với một rung động phát ra từ ý muốn hoặc dục vọng của con người, dù ý muốn hay dục vọng này chỉ xảy ra trong vô thức.
Khi chịu ảnh hưởng của tư tưởng hay ý muốn phát ra, tinh hoa chất sẽ được đúc khuôn thành một lực sống động, mà đôi khi nó được mô tả như một tinh linh, khi ấy nó không còn thuộc vào loại mà chúng ta đang đề cập nơi đây, mà thuộc vào nhóm tinh linh nhân tạo. Sự hiện tồn riêng rẽ của tinh linh nhân tạo thường không bền, khi xung động đã tạo nên nó chấm dứt nó trở vào trong khối chưa phân hóa của loại tinh hoa chất đặc biệt mà từ đó nó xuất ra.
Phân loại các loài tinh hoa chất là công việc rất nhàm chán, nếu liệt kê ra cũng rất khó hiểu, ngoại trừ người chuyên nghiên cứu về chúng, có thể gọi chúng hiện ra trước mặt để so sánh. Tuy nhiên muốn hiểu biết một vài loại chính cũng không khó lắm, và điều này rất hữu ích.
Trước hết là cách phân loại tổng quát tùy theo loại chất liệu mà loài tinh hoa chất cư ngụ. Theo đặc tính “thất phân” của sự tiến hóa, chúng được chia thành bảy nhóm chính, liên hệ đến bảy trạng thái của vật chất: đất, nước, không khí, và lửa; chuyển dịch từ biểu tượng thời trung cổ sang từ ngữ hiện đại là: chất đặc, chất lỏng, chất hơi, và 4 trạng thái của chất dĩ thái.
Từ lâu, chúng ta có thói quen thương hại lẫn khinh thường sự thiếu hiểu biết của các nhà luyện kim thời trung cổ, vì họ gọi là “nguyên tố” những chất mà các nhà hóa học hiện đại đã khám phá ra là những hợp chất. Phê bình như thế là bất công quá đáng, vì kiến thức của họ về vấn đề ấy rộng rãi hơn, chớ không hạn hẹp hơn chúng ta. Có thể họ có hoặc không có bảng danh mục của tám hay chín mươi chất mà chúng ta gọi là những nguyên tố, nhưng chắc rằng họ không dùng cùng một tên gọi như chúng ta hiện nay, vì khoa huyền bí học đã dạy họ: theo một ý nghĩa thì chỉ có Một “nguyên chất”, từ đó biến thể ra tất cả mọi hình thức vật chất. Sự thật này đã được một số nhà hóa học nổi tiếng hiện nay bắt đầu nghĩ đến.
Thật ra trong trường hợp đặc biệt này, sự phân tích của các vị tiền bối ấy đã đi vài giai đoạn sâu xa hơn chúng ta. Họ đã hiểu biết và quan sát chất dĩ thái, mà khoa học hiện đại chỉ mới đưa ra giả thuyết. Họ đã nhận biết dĩ thái thuộc vật chất cõi trần, và có bốn trạng thái riêng biệt của chất dĩ thái ở bên trên chất hơi, sự kiện này hiện nay chưa được khám phá ra. Họ biết mọi vật thể ở cõi trần đều gồm có một hoặc nhiều chất liệu thuộc bảy trạng thái này, và mỗi cơ thể sống đều được cấu tạo bằng tất cả bảy trạng thái với mức độ nhiều ít khác nhau. Những câu chuyện về các hỏa tinh, thủy tinh hay “tinh chất” có vẻ kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng thật ra họ dùng những danh từ ấy với ý nghĩa là “những thành phần cấu tạo”, chứ không chỉ các chất không còn có thể phân tách ra được nữa. Họ cũng hiểu mỗi loại vật chất được dùng làm căn bản cho việc biểu lộ một loại tinh chất chân thần đang tiến hóa, do đó họ đặt tên là “tinh hoa chất”.
Theo cách nói của những học giả thời trung cổ, ta nhận thấy trong mỗi phân tử chất đặc đều có chứa một số lượng tinh hoa chất sống động của đất tương ứng, cũng thế, mỗi phân tử của vật chất ở trạng thái lỏng, hơi, và dĩ thái đều chứa tinh hoa chất của nước, không khí, và lửa. Như thế, loài tinh hoa chất thứ ba được phân chia thành nhiều phân loại, và sự phân chia này được xếp theo hàng ngang, mỗi phân loại lại chia thành bảy tiểu phân loại, tất cả khác biệt về độ đậm đặc, tuy mỗi bậc có sự chênh lệch rất nhỏ, như chúng ta cũng thấy rõ là có nhiều độ đậm đặc khác nhau trong các chất đặc, lỏng và hơi.
Ngoài ra, còn sự phân hạng theo chiều dọc, khó hiểu hơn, chỉ có những huyền bí gia mới nắm vững mà thôi. Tuy nhiên, nói một cách tổng quát là ở mỗi phân loại thuộc hàng ngang, ta có thể tìm gặp bảy loài tinh linh hoàn toàn khác nhau, sự khác biệt giữa chúng không còn là vấn đề độ đậm đặc của vật chất, mà chỉ là tính chất và hấp dẫn lực của chúng.
Mỗi chủng loại phản ứng trên các chủng loại khác, nhưng các tinh chất không trộn lẫn. Mỗi chủng loại chia làm bảy phân loại, khác nhau bởi màu sắc đặc biệt do ảnh hưởng từ nguồn gốc của nó. Cách phân chia theo chiều thẳng đứng hoàn toàn khác với cách chia theo chiều ngang, vì nó ổn định và căn bản hơn. Sự tiến hóa của loài tinh hoa chất rất chậm chạp, lần lượt qua những loại và “phân loại” khác nhau theo chiều ngang .
Điều cần nhớ là, sự tiến hóa của loài tinh hoa chất đôi khi được gọi là sự tiến hóa theo chiều đi xuống của vòng cung, tức là tiến sâu và vướng mắc vào vật chất mà ta nhận thấy trong giới kim thạch, thay vì tiến ra xa khỏi vật chất như hầu hết sự tiến hóa khác. Như thế, sự tiến hóa của nó có nghĩa là đi xuống vào trong vật chất, thay vì đi lên những cõi cao hơn. Trước khi hoàn toàn hiểu được mục đích của nó, ta thấy có sự đảo lộn lạ lùng. Nếu học giả không giữ vững ý niệm trên rõ ràng trong trí, họ sẽ bị bối rối bởi những điều khác thường phức tạp ấy.
Mặc dù được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhưng vẫn còn một vài đặc tính chung cho tất cả các loài tinh hoa chất khác nhau. Vì các đặc tính này hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã quen thuộc ở cõi trần, nên rất khó khăn trong việc mô tả chúng cho những người không thể tự quan sát những sinh hoạt của chúng.
Hãy giả thử khi một phần nào đó của tinh hoa chất, trong một lúc hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì từ bên ngoài (điều kiện này rất khó thực hiện), nó không có hình dạng riêng biệt, dù nó vẫn di chuyển nhanh chóng không ngừng nghỉ. Nhưng chỉ một xáo động nhẹ, như khi có một dòng tư tưởng thoáng qua, nó tức khắc bị xáo trộn, thay đổi hình thể, khi ẩn khi hiện nhanh chóng như những bọt trên mặt nước đang sôi.
Nói chung, hình thể của những sinh vật luôn biến dạng ấy, có khi hình người hoặc các loài khác, không cho thấy sự tồn tại riêng rẽ những thực thể trong tinh chất, mà giống như sự thay đổi của những lượn sóng trên mặt hồ lúc gặp cơn gió mạnh thổi qua. Hình như chúng chỉ là phản ảnh từ kho chứa vĩ đại của cõi trung giới, chúng thích ứng đối với đặc tính của dòng tư tưởng tạo ra chúng, mặc dù gần như luôn luôn có những biến dạng kỳ lạ, với những hình dáng kinh dị khó coi.
Một câu hỏi thường được nêu lên: cái trí khôn nào đã tác động trong sự lựa chọn một hình dạng thích hợp, hay sự biến dạng ấy? Nơi đây, ta không đề cập đến loại tinh linh nhân tạo mạnh mẽ và có đời sống lâu dài, được tạo nên bởi một tư tưởng mạnh mẽ chính xác. Ta chỉ xem xét đến kết quả được tạo nên bởi dòng ý thức mơ màng, và những tư tưởng không chủ tâm mà phần đông nhân loại để cho chúng vu vơ lướt qua trí não họ. Như thế, ta thấy rõ là trí khôn tác dụng vào chúng không đến từ cái trí của người suy tưởng, và chắc rằng chính tinh hoa chất cũng không có trí khôn đó, vì chúng thuộc về chủng loại còn lâu mới được cá tính hóa, lâu hơn cả kim thạch, do đó tính chất trí tuệ chưa được thức tỉnh.
Vì chúng có sự thích ứng tuyệt diệu, nên một trong những sách xuất bản ở buổi ban đầu đã mô tả chúng là “những sinh vật nửa tinh khôn của cõi trung giới.” Ta sẽ thấy rõ hơn về năng lực này của chúng trong đoạn nói về tinh linh nhân tạo. Khi đề cập đến một thực thể nhân tạo, hoặc một trong những loại tinh linh thiên nhiên, ta không nên gán cho chúng tính chất tốt hay xấu.
Tuy nhiên, có khuynh hướng và thành kiến cho rằng hầu hết những chi nhánh tinh linh có vẻ thù địch hơn là thân thiện với loài người. Người mới đến cõi trung giới thường có ấn tượng đầu tiên là bị bao vây bởi nhiều ma quái có hình dạng thay đổi, tiến đến gần họ với vẻ hăm dọa, nhưng chúng luôn luôn rút lui hay biến mất mà không gây hại gì, nếu người ấy đối mặt với chúng bằng vẻ tự tin. Những tác giả thời trung cổ cho rằng con người nên cám ơn sự hiện diện của các tinh linh. Vào thời hoàng kim, trước thời mạt pháp hiện nay, nói chung con người ít vị kỷ và hướng về tâm linh nhiều hơn, khi ấy các tinh linh rất thân thiện với con người. Hiện nay không như vậy nữa, vì con người không còn để ý đến chúng, và cũng không có thiện cảm với chúng, cũng như với những sinh vật khác.
Tinh hoa chất đáp ứng một cách rất tinh tế và tuyệt diệu đối với mọi phát xuất dù yếu ớt của tư tưởng hoặc ham muốn, như thế, một cách tổng quát ta thấy phần nhiều loài tinh linh do tư tưởng tập thể của con người tạo nên. Suy nghĩ trong chốc lát, ta sẽ thấy ảnh hưởng lớn lao của tư tưởng tập thể trong thời hiện tại, và sẽ không ngạc nhiên với tư tưởng “con người sẽ gặt hái những gì họ đã gieo”. Tinh hoa chất không có năng lực nhận thức, chúng chỉ mù quáng nhận và phản ảnh lại những gì đã đưa đến chúng, cho nên chúng thường phô bày những đặc tính bất thiện cảm.
Chắc chắn ở những giống dân hoặc cuộc tuần hoàn kế tiếp, con người sẽ tiến hóa cao hơn, khi ấy tư tưởng tốt lành của đa số nhân loại sẽ liên tục ảnh hưởng lên loài tinh linh, làm chúng không còn thù địch với nhân loại nữa, trái lại chúng thuần thục và sẵn sàng trợ giúp con người; cũng vậy, các loài thú vật sẽ hợp tác và trợ giúp con người nhiều hơn. Ta hãy để qua một bên những gì xảy ra trong quá khứ, và hướng nhìn về một thời đại hoàng kim tương lai, lúc mà phần đông nhân loại trở nên cao thượng, không ích kỷ, thì những năng lực thiên nhiên sẽ hợp tác đầy thiện chí với con người.
Vì ta có thể ảnh hưởng đến loài tinh linh, nên ta phải có trách nhiệm đối với chúng, cũng như đối với cách thức mà ta sử dụng ảnh hưởng của chúng. Khi xét đến những điều kiện hiện tồn của các tinh linh, ta thấy rõ chúng bị ảnh hưởng bởi mọi tác động thuộc tư tưởng và dục vọng của tất cả những sinh vật có lý trí đang cư trú trong cùng hệ thống thế giới này, tác động đó là một yếu tố trong sự tiến hóa của chúng.
Bất chấp giáo huấn của các tôn giáo lớn, phần đông nhân loại vẫn hoàn toàn không ý thức gì đến trách nhiệm của họ trên cõi tư tưởng. Người ta thường tự hào về lời nói và hành động của mình không gây hại gì cho người khác, họ tin rằng họ đã làm đúng tất cả những gì mà họ phải làm. Nhưng trên phương diện tư tưởng, trong nhiều năm họ đã gieo rắc ảnh hưởng hẹp hòi, xấu xa đến những người chung quanh, và lấp đầy khoảng không gian chung quanh bằng những sáng tạo bất thiện gây nên bởi những ý tưởng đê hèn. Còn một khía cạnh quan trọng khác của vấn đề này sẽ được thảo luận khi ta bàn về loại tinh linh nhân tạo. Đối với loài tinh hoa chất, ta đã biết rõ rằng ta có đủ năng lực thúc đẩy hoặc làm trì trệ sự tiến hóa của chúng, tùy theo cách mà ta sử dụng tư tưởng, hữu thức hay vô thức, trong cuộc sống hàng ngày.
Khuôn khổ quyển sách nhỏ này không thể giải thích đầy đủ mọi phương cách sử dụng các năng lực khác nhau của loài tinh hoa chất, điều này chỉ có thể thực hiện được bởi người đã được huấn luyện chuyên nghiên cứu về chúng. Phần lớn các buổi tế lễ ma thuật tùy thuộc vào sự điều khiển các tinh linh, hoặc trực tiếp do ý chí của thuật sĩ, hoặc gián tiếp bởi vài thực thể cõi trung giới được gọi đến để sai khiến.
Hầu hết các hiện tượng vật chất trong những buổi cầu hồn đều do các tinh linh gây ra, trong nhiều trường hợp, chúng cũng là tác nhân chính gây ra các hiện tượng ném đá, rung chuông ở những ngôi nhà bị ma ám. Những hiện tượng này có thể do cố gắng vụng về của vong linh còn quyến luyến cõi trần để gợi sự chú ý, hoặc cũng có thể do những trò đùa tinh nghịch của những tinh linh thiên nhiên thuộc hạng thứ ba. Nhưng đừng nghĩ các tinh linh có thể tự chủ động mọi việc, chúng chỉ là năng lực tiềm ẩn, cần có một động lực từ bên ngoài làm cho chúng hoạt động.
Dù mọi loài tinh hoa chất đều có năng lực phản ảnh những hình ảnh cõi trung giới như đã mô tả, nhưng sự bén nhạy của loại này khác với loại kia trong việc tiếp nhận những ấn tượng. Sự kiện này có thể do bản chất tự nhiên của chúng thích hợp với một loại hình thể nào đó, khi bị kích thích đúng tần số thích hợp với chúng, thì hình thể chúng tạo ra có huynh hướng tồn tại lâu hơn bình thường.
Trước khi chấm dứt chương này, độc giả cần lưu ý phân biệt loài tinh hoa chất với tinh chất chân thần[28] biểu hiện qua loài kim thạch. Trong một giai đoạn, tinh chất chân thần biểu hiện qua loài tinh hoa chất, ở giai đoạn kế đó nó biểu hiện qua loài kim thạch. Cả hai thể của tinh chất chân thần trong những giai đoạn tiến hóa khác nhau này đều biểu hiện cùng một lượt và cùng chiếm một vị trí trong không gian, nhưng không ảnh hưởng lẫn nhau.
2. Thể vía của loài thú
Đây là một hạng rất rộng lớn, nhưng không chiếm một vị trí đặc biệt nào ở cõi trung giới, vì các phần tử của nó thường chỉ lưu lại cõi này một thời gian ngắn. Phần lớn thú vật chưa đến trình độ cá tính hóa, khi chết, tinh chất chân thần biểu hiện trong nó lại trở về tầng lớp xuất xứ, và đem theo một ít tiến bộ hay kinh nghiệm trong kiếp sống vừa qua. Việc trở về ấy không thể thực hiện tức khắc được, vì thể vía của loài vật khi tách rời thể xác cũng tự sắp xếp lại như trường hợp con người, và loài vật thực sự có một đời sống ở cõi trung giới. Thời gian cư ngụ ở cõi trung giới, tuy ngắn ngủi, nhưng lâu hay mau còn tùy thuộc vào trí khôn mà con vật đã phát triển. Trong hầu hết mọi trường hợp, thời gian này thường không kéo dài hơn một giấc mộng có ý thức, nhưng chắc hẳn đó là giấc mộng đẹp.
Một số ít thú vật nhà đã đạt được cá nhân tính, sẽ không còn tái sinh vào hình hài thú vật nữa, chúng ở lại cõi trung giới lâu hơn và sinh động hơn những thú vật chưa tiến hóa, đến giai đoạn cuối ở cõi trung giới chúng chìm đắm dần vào trạng thái chủ quan, trạng thái này có thể kéo dài khá lâu. Trong “Giáo Lý Bí Truyền” của bà Blavatsky, có đề cập đến thể vía của loài khỉ giống người (anthropoid apes), chúng đã được cá nhân tính hóa, sẵn sàng đầu thai vào hình thể con người ở cuộc tuần hoàn sắp tới, trong đó, có lẽ một số ít sẽ được chuyển kiếp sớm hơn.
3. Loài tinh linh thiên nhiên
Có rất nhiều loài tinh linh thiên nhiên khác nhau, muốn nghiên cứu đầy đủ cần phải có một tác phẩm riêng dành cho đề tài này. Tuy nhiên chúng có những đặc tính chung, mà ta sẽ cố gắng trình bày nơi đây.
Trước nhất, cần phải nhận thức đây là những thực thể hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta đã nghiên cứu trước đây. Mặc dù ta đã xếp tinh hoa chất và thể vía của thú vật vào mục “không thuộc nhân loại,” nhưng tinh chất chân thần sinh động trong chúng, trong tương lai sẽ tiến hóa đến mức độ có thể biểu hiện qua hình thể nhân loại như chúng ta hiện nay. Nếu có thể nhìn lại quá khứ xa xăm về sự tiến hóa của chính chúng ta trong những chu kỳ tuần hoàn trước, ta sẽ thấy nhân thể chúng ta trên đường hướng thượng cũng đã trải qua những giai đoạn tương tự như các loài kể trên.
Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của loài tinh linh thiên nhiên, chúng không phải và sẽ không bao giờ là thành phần của nhân loại. Chúng theo đường tiến hóa hoàn toàn khác hẳn với đường tiến hóa của con người, và chỉ liên hệ với con người do tạm thời cư trú trên cùng một hành tinh. Là láng giềng của nhau, con người có bổn phận đối xử tốt với chúng nếu có dịp gặp nhau. Vì hai đường tiến hóa rất khác biệt, nên rất khó có thể giúp ích được nhiều cho nhau.
Nhiều tác giả đã xếp loại những tinh linh thiên nhiên chung với loài tinh hoa chất, vì chúng là tinh hoa của những hình thức tiến hóa cao hơn. Mặc dù chúng tiến hóa cao hơn loài tinh hoa chất thuộc đường tiến hóa của con người, chúng cũng có vài đặc tính chung với loài tinh hoa chất. Chúng cũng được chia thành bảy chủng loại lớn, cư ngụ, thẩm thấu vào trong bảy trạng thái của vật chất như đã được mô tả cho từng loại tinh hoa chất tương ứng. Để dễ hiểu hơn, ta có thể chia ra: tinh linh của đất, nước, không khí và lửa (hay dĩ thái), đó là những thực thể có trí khôn, cư ngụ và hoạt động trong những môi trường vật chất kể trên.
Một câu hỏi được nêu lên: loại sinh vật nào có thể sống trong chất đặc như tảng đá, hay trong vỏ cứng của quả đất? Câu trả lời là: vì loài tinh linh thiên nhiên được cấu tạo bằng chất liệu cõi trung giới, vật chất như đất, đá không làm ngăn trở sự di động và nhãn quan của chúng, và vật chất ở trạng thái đặc là nguyên tố tự nhiên của chúng, do đó chúng đã quen thuộc và cảm thấy như là nhà của chúng. Cũng giống như thế đối với những tinh linh sống trong nước, không khí và dĩ thái.
Trong các kinh sách thời trung cổ, những tinh linh đất còn được gọi là thổ thần (gnomes), tinh linh nước là thủy thần (undines), tinh linh không khí là không tinh (sylph), tinh linh dĩ thái hay lửa là hỏa thần (salamanders). Trong dân gian, chúng còn được biết với nhiều tên khác như: tiên nữ, chú lùn, thiện thần, tiểu quỷ, yêu tinh, thần mỏ, thần núi, thần rừng, thần ao hồ v.v…có khi nhiều tên được gọi cho cùng một loại.
Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, thường có vẻ giống con người, nhưng nhỏ bé hơn. Giống như hầu hết mọi cư dân cõi trung giới, chúng có thể thay đổi hình dạng theo ý muốn. Tuy nhiên, chúng có hình dạng xác định riêng, đó là hình dạng mà chúng ưa thích, nếu không có mục đích nào cần thay đổi hình dạng, thì chúng trở về hình dạng này. Trong tình trạng bình thường, con người không thể nhìn thấy chúng, nhưng nếu muốn, chúng có khả năng hiện hình để con người có thể thấy được.
Có rất nhiều phân loại hay chủng loại tinh linh thiên nhiên, những cá thể trong mỗi phân loại lại khác nhau về trình độ trí khôn và phẩm chất, giống như đối với nhân loại. Phần đông chúng thích lẩn tránh con người, vì con người có thói quen và sự “tiết xuất” (emanations) làm cho chúng khó chịu. Hơn nữa, những dòng lưu chuyển liên tục cõi trung giới mang theo những lo lắng, những ham muốn không được kiểm soát của con người làm quấy nhiễu chúng. Mặt khác, cũng có những tinh linh thiên nhiên kết bạn với con người và trợ giúp họ trong khả năng của chúng, như trong những câu chuyện về các thiện thần ở Tô Cách Lan, hay những hỏa thần được kể trong các chuyện về thuật giáng ma, thái độ thân thiện này tương đối hiếm.
Trong hầu hết các trường hợp, khi gặp con người, những tinh linh thiên nhiên tỏ ra không chú ý, không thích, hoặc lấy làm thích thú khi dùng những trò bịp bợm trẻ con để đánh lừa con người. Nhiều câu chuyện điển hình như thế được kể lại ở các làng mạc hẻo lánh hay những vùng núi non. Những người thường tham dự các buổi cầu hồn để tìm những hiện tượng lạ, có thể bị chọc phá, thường không có ác ý, điều này cho thấy có sự hiện diện của loại tinh linh thiên nhiên bậc thấp.
Có một sức mạnh lạ lùng trợ giúp tinh linh thiên nhiên trong các trò phá phách ấy, do đó chúng có khả năng làm mê hoặc những người chịu xuôi theo ảnh hưởng của chúng. Khi ấy, nạn nhân tạm thời chỉ nghe và thấy những điều mà các tinh linh này gieo ấn tượng lên họ, giống như trường hợp một người bị thôi miên nghe, thấy, cảm giác và tin tưởng những điều mà nhà thôi miên muốn. Tuy nhiên, các tinh linh thiên nhiên không có năng lực thôi miên để khống chế ý chí con ngưòi, ngoại trừ người tâm trí quá yếu, hoặc người tự buông xuôi để rơi vào tình trạng quá sợ hãi, tạm thời mất ý chí. Chúng không có khả năng đi xa hơn là lường gạt giác quan con người. Chúng là “bậc thầy” trong nghệ thuật này, có những trường hợp chúng mê hoặc được cùng lúc một số đông người. Nhờ sự trợ giúp của chúng mà các nhà ảo thuật Ấn Độ thực hiện được những trò hết sức lạ lùng: trọn cử tọa bị mê hoặc với ảo giác, tưởng mình đã thấy và nghe hàng loạt sự việc mà thật ra chẳng có gì xảy ra.
So với nhân loại ở cõi trần, ta có thể xem các tinh linh thiên nhiên như là nhân loại của cõi trung giới, tuy không có tinh linh nào – dù là bậc cao nhất – có chân ngã trường tồn. Có một điểm khác biệt giữa đường tiến hóa của chúng và của con người là trí tuệ của chúng được mở mang rất nhiều trước khi cá tính hóa. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về những giai đoạn tiến hóa đã qua và sẽ đến của chúng.
Thời gian sống của các phân loại tinh linh thay đổi rất lớn, vài loài có đời sống rất ngắn, vài loài sống lâu hơn con người. Ta hoàn toàn đứng ngoài lề cuộc sống của chúng, cũng như chúng đứng ngoài lề đối với cuộc sống con người, vì thế ta khó có thể hiểu rõ tình trạng cuộc sống của chúng. Nói chung, cuộc sống của chúng có vẻ đơn giản, vui tươi, không có trách nhiệm, chúng giống những đứa trẻ vui đùa, hạnh phúc như sắp bước vào cuộc sống đầy tiện nghi.
Mặc dù hay tinh nghịch và bịp bợm, nhưng chúng ít khi độc ác, trừ khi bị gây hấn bởi những kẻ phá đám, quấy rầy chúng. Một cách tổng quát, chúng có cảm giác nghi ngờ đối với con người, vì thế chúng thường có vẻ bực bội khi có người mới đến cõi trung giới, nên chúng thường hù dọa người ấy bằng cách hiện ra hình dáng khó coi, dễ sợ. Nếu con người tỏ ra không sợ hãi khi đối diện với sự chọc phá, chúng sẽ nhanh chóng coi sự hiện diện của họ như là một điều không mong muốn, nhưng bắt buộc phải chấp nhận và không còn để ý đến nữa. Sau một thời gian, đôi khi cũng có vài tinh linh kết thân với người đến cõi trung giới, và chúng tỏ ra vui vẻ khi gặp lại họ.
Vài hạng tinh linh đứng đắn, ít tinh nghịch hơn, từ hạng này mà ta có các vị thần cấp thấp, thường được dân chúng gọi là thần rừng cây, thần làng mạc (hay thành hoàng)[29]. Những thực thể này rất nhạy cảm và vui thích đối với sự tâng bốc và tôn kính của con người, đáp lại, chúng thường sẵn lòng giúp đỡ dân chúng trong vài việc lặt vặt.
Khi cần, các vị Chân Sư biết cách sử dụng tinh linh thiên nhiên trong công việc hữu ích, nhưng các pháp sư bình thường muốn được chúng trợ giúp phải dùng nghi thức cầu đảo hay triệu thỉnh, những nghi thức này có tính cách gợi sự chú ý của các tinh linh thiên nhiên bởi những lời cầu xin hay thương lượng, hoặc gắng sức tạo ảnh hưởng buộc chúng phải vâng lời. Cả hai phương pháp, cầu xin hay bắt buộc, đều không nên dùng, và phương pháp buộc chúng phải vâng lời lại càng nguy hiểm hơn, vì nó tạo nên lòng căm thù nơi chúng, rất dễ quay ngược lại làm hại vị pháp sư. Người có học về huyền bí học với một Chân Sư đúng nghĩa, không bao giờ được phép thử làm những việc như thế.
4. Các Thiên Thần (The Devas)
Như ta biết, bậc cao nhất trong sự tiến hóa liên hệ đến quả địa cầu này là những vị được người Ấn gọi là Thiên Thần (Devas), những nơi khác gọi là Thiên Sứ (Angels), con của Thượng Đế v.v…Các vị ấy ở cấp bậc kế bên trên nhân loại, giống như nhân loại ở cấp bậc ngay bên trên giới cầm thú vậy, nhưng có sự khác biệt quan trọng trong sự tiến hóa như sau: con thú không thể tiến hóa thành bất cứ loài nào khác, ngoài việc trở thành loài người, trong khi con người đến một mức độ nào đó sẽ có nhiều đường tiến hóa để họ lựa chọn, một trong những đường đó là trở thành vị đại Thiên Thần.
So sánh với sự từ bỏ cao cả của vị Ứng Thân (Nirvanakaya), người chấp nhận đi theo đường tiến hóa của Thiên Thần đôi khi bị sách vở cho là “nhượng bộ sự cám dỗ để trở thành Thần Minh”. Câu này không có ý trách móc đối với người đã chọn con đường này, vì các vị không chọn con đường ngắn nhất, mà chọn con đường rất vinh quang. Khi mở mang được trực giác để hối thúc sự tiến bộ trên con đường này, chắc chắn nó rất phù hợp với khả năng của các vị. Nên nhớ, về phương diện tinh thần cũng như vật chất, không phải bất cứ ai cũng có thể chịu đựng được sự căng thẳng khi leo trên con đường quá dốc đứng; đối với phần đông, con đường thoai thoải hơn có thể là khả năng duy nhất. Chúng ta sẽ không xứng đáng là người theo chân các bậc đại Tôn Sư, nếu vì dốt nát mà coi thường những người chọn con đường khác với con đường của chúng ta.
Do thiếu hiểu biết về những khó khăn trong tương lai, ta không thể nào biết trước được sau nhiều kiếp bền chí cố gắng, đến lúc có quyền lựa chọn tương lai của mình, ta sẽ làm thế nào? Đối với người “nhượng bộ sự cám dỗ để trở thành Thần Minh”cũng có một tương lai huy hoàng. Tuy rằng cũng có một ý xấu khi nói “trở thành Thần Minh”, nhưng đối với vị đã tiến hóa cao thì không thể có sự cám dỗ nào lay chuyển được.
Trong những kinh sách Đông Phương, từ “ThiênThần” (Devas) được dùng một cách mơ hồ để chỉ hầu hết các thực thể không thuộc nhân loại, nó bao gồm từ những tinh linh thiên nhiên và các tinh linh nhân tạo chí đến những vị thần thánh cao cả. Tuy nhiên, nơi đây từ “Thiên Thần” được dùng giới hạn để chỉ những vị có trình độ tiến hóa cao.
Dù liên hệ đến địa cầu, nhưng các Thiên Thần không bị hạn chế nơi đây, vì trọn bảy bầu hành tinh trong dãy tiến hóa hiện tại đều là thế giới của các vị, sự tiến hóa của các vị xuyên qua bảy dãy thuộc một hệ thống to lớn. Phần lớn những thành phần trong nhóm của các vị được chọn từ nhân loại thuộc các hệ thống thái dương hệ khác, một số thấp hơn và một số cao hơn thái dương hệ chúng ta. Cho đến nay, chỉ có một số ít nhân loại đã đạt đến trình độ có thể gia nhập hàng ngũ các vị. Tuy vậy, cũng có một vài hạng trong hàng ngũ các vị chưa tiến hóa hơn trình độ của nhân loại.
Hiện tại, ta không thể hiểu rõ về các vị, nhưng có điều ta biết chắc là mục đích con đường tiến hóa của các vị cao siêu hơn mục đích của nhân loại rất nhiều. Có thể nói, mục đích sự tiến hóa theo đường nhân loại là nâng cao một phần nhân loại phát triển tâm linh đến một mức độ nào đó vào cuối cuộc tuần hoàn thứ bảy, trong khi mục đích sự tiến hóa theo đường Thiên Thần là đưa các vị thuộc hạng cao đến một trình độ cao hơn nữa trong cùng một thời hạn. Đối với các vị cũng như đối với chúng ta, có con đường dốc đứng nhưng ngắn hơn đưa đến đỉnh cao tuyệt vời dành cho người cố gắng chân thành.
Như thế chỉ có phần thấp của cơ cấu vĩ đại ấy có liên hệ đến đề tài cõi trung giới của chúng ta. Ba hạng thấp nhất (kể từ dưới lên) thường được gọi là: Cảm Dục Thiên Thần (Kamadevas), Sắc Tướng Thiên Thần (Rupadevas), và Vô Sắc Thiên Thần (Arupadevas). Nếu so sánh với con người, ta có xác thân là thể thấp nhất mà bình thường ta sử dụng, trong khi thể bình thường mà các vị Cảm Dục Thiên Thần sử dụng là thể vía. Như thế, các vị ấy đang ở vị trí mà nhân loại sẽ tiến đến khi qua bầu F[30]. Bình thường, các vị sống trong thể vía, và sẽ chuyển qua sống trong thể trí khi lên cõi cao hơn, như con người sau khi bỏ thể xác sẽ sống trong thể vía. Khi phát triển đầy đủ các vị sẽ sống với nhân thể (causal body), cũng như chúng ta sẽ sống với thể trí.
Cũng giống vậy, thể thông thường của các vị Sắc Tướng Thiên Thần là thể trí, vì các vị cư trú ở bốn cảnh thấp, tức các cảnh sắc tướng của cõi thượng giới. Còn các vị Vô Sắc Thiên Thần cư trú ở ba cảnh cao, tức các cảnh vô sắc tướng của cõi thượng giới, như thế các vị này gần nhất với nhân thể. Rất hiếm khi các vị Sắc Tướng và Vô Sắc Thiên Thần biểu hiện ở cõi trung giới, cũng hiếm như các thực thể cõi trung giới hiện hình tại cõi trần, cho nên chúng ta chỉ cần liệt kê mà thôi.
Đối với hạng thấp nhất, Cảm Dục Thiên Thần, không phải tất cả các vị ấy đều tiến hóa cao hơn chúng ta, vì có một số các vị đến từ nhân loại, trong vài khía cạnh nào đó, còn kém hơn những người có trình độ tâm linh cao. Một cách tổng quát, họ tiến hóa cao hơn phần đông nhân loại, vì các vị đã trừ bỏ tất cả những tính xấu. Giữa các vị cũng có nhiều trình độ rất khác nhau, một người ở thế gian có nếp sống tâm linh cao, tính tình cao thượng, không ích kỷ, có trình độ tiến hóa cao hơn một số các vị ấy.
Một vài loại ma thuật có thể gây sự chú ý của các vị Thiên Thần, nhưng chỉ có những Chân Sư cao cấp mới có thể điều khiển các vị ấy. Thông thường họ rất ít ý thức đến sự có mặt của chúng ta ở cõi trần, song đôi khi những khó khăn của con người được vài vị biết đến, làm khơi dậy lòng thương hại nơi các vị và ra tay giúp đỡ, cũng như con người đôi khi giúp đỡ một con thú đang gặp khó khăn vậy. Nhưng các vị hiểu rõ rằng, trong giai đoạn hiện tại, mọi sự can thiệp vào công việc của nhân loại thường có hại hơn là có lợi. Trên các vị Vô Sắc Thiên Thần còn có bốn cấp bậc lớn hơn, và ngoài thiên giới còn có những vị cao cả hơn mà chúng ta không thể đề cập trong quyển sách này.
Mặc dù không thể xếp các vị ấy vào thứ hạng nào, nhưng nơi đây ta có thể kể đến vài thực thể quan trọng và cao cả, đó là Tứ Đại Thiên Thần (Devarajas). Trong danh từ này, chữ Thiên Thần (Deva) không được sử dụng với ý nghĩa bình thường, vì các Ngài không thuộc giới Thiên Thần. Các Ngài coi sóc bốn loại “nguyên tố”: đất, nước, không khí và lửa, trong đó chứa đựng sự sống của những tinh linh thiên nhiên và các loài tinh hoa chất, các Ngài là bốn vị vua của chúng. Ta không thể biết được theo đường tiến hóa nào mà các vị đạt đến mức độ cao tột về quyền năng và trí tuệ như thế, ta chỉ biết rằng, dường như đường tiến hóa của các vị ấy hoàn toàn không giống với đường tiến hóa của nhân loại.
Sách vở thường mô tả các Ngài như những vị cai quản địa cầu, hay Thiên Thần của bốn phương chánh. Kinh sách Ấn Độ gọi các Ngài là Tứ Đại Thiên Vương, có tên riêng biệt là: Dhritarashtra, Virudhaka, Virupaksha và Vaishravana. Cũng trong quyển sách ấy, bốn đoàn thể tinh linh phụ thuộc các vị đại Thiên Thần này có tên lần lượt là: Gandharvas, Kumbhandas, Nagas và Yakshas, tương ứng với bốn hướng: Đông, Nam, Tây và Bắc; màu sắc biểu tượng là: Trắng, Xanh, Đỏ, Vàng. Trong quyển Giáo Lý Bí Truyền gọi họ là “Những quả cầu có cánh và những bánh xe lửa” (winged globes and fiery wheels). Trong kinh thánh Thiên Chúa Giáo cũng cố gắng mô tả các vị ấy với những danh từ tương tự. Ta có thể gặp các vị ấy trong biểu tượng của hầu hết các tôn giáo, các vị luôn luôn được dành cho một địa vị đáng tôn kính, như là những vị bảo vệ nhân loại.
Các vị đại Thiên Thần này coi sóc nhân quả cho đời sống con người ở địa cầu, và giữ vai trò rất quan trọng cho số mạng con người. Vị Đại Thiên Thần nhân quả của vũ trụ (Giáo Lý Bí Truyền gọi là Nghiệp Quả Tinh Quân “Lipika”)[31] cân nhắc, ghi chép hành vi của từng cá nhân vào lúc cuối giai đoạn sống ở cõi trung giới, khi ấy các thể phân ly nhau, để đến khi con người sắp tái sinh, Ngài tạo ra nhị xác thân (hay thể phách: etheric double) như là cái khuôn thích hợp cho xác thân mới. Nhưng công việc tạo ra khuôn thể phách này được thi hành do vị Đại Thiên Vương cai quản những tinh linh, kết hợp và sắp xếp với tỷ lệ các chất liệu theo đúng chủ ý của vị Nghiệp Quả Tinh Quân.
Chính các vị này luôn theo dõi suốt cuộc đời con người, để làm cân bằng lại những thay đổi không ngừng xảy ra trong cuộc sống, do sự tự do ý chí của chính con người và của những người chung quanh. Do đó, không bao giờ có sự bất công, và nghiệp quả được thể hiện chính xác bằng cách này hay cách khác. Các vị cao cả này có khả năng hiện thân thành hình dáng con người, nếu muốn, có một số trường hợp như vậy đã được ghi nhận. Trong Giáo Lý Bí Truyền có diễn tả khá đầy đủ về các vị.
Tất cả các tinh linh thiên nhiên thuộc hạng cao và nhóm tinh linh nhân tạo đều hành động như người thừa hành trong những công tác kỳ diệu, mọi sự chỉ huy và trách nhiệm đều nằm trong tay các Thiên Thần. Rất ít khi các vị biểu hiện ở cõi trung giới, nhưng khi có sự hiện diện của các vị, thật là một sự kiện đáng chú ý. Sinh viên huyền môn đều biết rằng có bảy đại chủng loại tinh linh thiên nhiên và bảy đại chủng loại tinh hoa chất, như thế cũng có bảy cấp bậc Đại Thiên Thần chứ không phải chỉ có bốn, nhưng ba đại Thiên Thần cấp bậc quá cao, vượt ngoài hệ thống điểm đạo, ít được biết và nhắc đến trong kinh sách.
C . NHÂN TẠO
Đây là loại lớn nhất trong số những thực thể cõi trung giới, và cũng là những thực thể quan trọng nhất đối với con người. Những thực thể này hoàn toàn do con người tạo ra, nên có liên quan tương tác lẫn nhau do sự trói buộc của nhân quả, chúng tác động trực tiếp và liên tục lên con người. Đó là một khối to lớn những thực thể đơn sơ, có một phần trí tuệ, chúng khác biệt với nhau như sự khác biệt của tư tưởng con người, trên thực tế ta không thể nào sắp xếp hay phân loại chúng. Sự phân chia duy nhất và hữu ích có thể thực hiện được là phân biệt loài tinh linh nhân tạo do phần đông nhân loại không ý thức tạo ra, và loài tinh linh nhân tạo do các thuật sĩ cố ý tạo ra. Ngoài ra có một số ít thực thể nhân tạo, không phải là tinh linh được xếp vào loại thứ ba.
1. Loài tinh linh do vô ý tạo ra
Có rất nhiều loài tinh hoa chất bao bọc chung quanh con người, chúng rất nhạy cảm với tư tưởng con người. Tư tưởng thường ngày của con người đi lang thang và tác động vào loài tinh hoa chất, làm bùng lên thành một đám mây di động nhanh chóng, tạo ra những hình dạng mau phai nhạt như đã được mô tả. Bây giờ ta xét đến những tư tưởng hay ước muốn mạnh mẽ, có chủ đích xác định, ảnh hưởng thế nào đối với tinh hoa chất?
Tư tuởng mạnh mẽ, có chủ đích rõ rệt, gây ra ảnh hưởng có bản chất rất nổi bật. Tư tưởng bám lấy tinh chất mềm dẻo, tức khắc khuôn đúc chúng thành một thực thể sống động với hình thể thích hợp. Khi thực thể được tạo ra, sẽ không còn dưới sự kiểm soát của người tạo ra nữa. Nó có đời sống riêng biệt, thời gian tồn tại tỷ lệ với cường độ của tư tưởng hay ước muốn đã tạo ra nó, và sự tồn tại này kéo dài đến khi nào tư tưởng còn đủ mạnh để giữ chúng. Hầu hết tư tưởng con người quá yếu và không dứt khoát, nên những tinh linh được tạo ra chỉ tồn tại vài phút hoặc vài giờ, nhưng một tư tưởng thường được lặp lại, hay một ước muốn chân thành sẽ tạo nên tinh linh tồn tại trong nhiều ngày.
Vì tư tưởng của người bình thường chỉ chú trọng cho riêng mình, nên những tinh linh được tạo ra cũng lảng vảng quanh họ. Những tinh linh này luôn luôn có khuynh hướng khơi dậy trong trí con người, để họ lặp lại ý tưởng giống như ý tưởng đã tạo ra chúng, vì khi lặp lại ý tưởng cũ, thay vì tạo ra tinh linh mới, nó chỉ củng cố thêm sinh lực cho tinh linh đã có sẵn. Nếu một người thường xuyên ước muốn điều gì, sẽ tạo ra ở trung giới một thực thể luôn luôn sinh động, vì nó tiếp tục được nuôi dưỡng bởi cùng một tư tưởng càng ngày càng tươi mới hơn. Càng được nuôi dưỡng, thực thể này càng mạnh thêm và ảnh hưởng ngược lại người ấy, nó có thể ám ảnh người ấy qua nhiều năm. Nếu là điều ước muốn xấu xa, sẽ gây ảnh hưởng tệ hại đến bản chất đạo đức của người ấy.
Ngoài ảnh hưởng lên chính họ, tư tưởng của một người cũng có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đối với người khác. Trong trường hợp này, tinh linh được tạo ra không những chỉ bay lơ lửng quanh người đã tạo ra nó, mà còn lảng vảng quanh đối tượng được người ấy nghĩ đến. Một tư tưởng tốt, hay một sự chúc lành chân thành cho một người nào, sẽ tạo ra và phóng đến người ấy một tinh linh nhân tạo thân thiện. Nếu điều chúc lành có mục đích xác định, như muốn cho người bạn được khỏi bệnh, thì tinh linh được tạo ra sẽ là một lực luôn bay lượn lẩn quẩn bên người bạn, trợ lực cho bạn chóng bình phục, và che chở cho bạn khỏi ảnh hưởng xấu. Đó là việc làm khôn ngoan và biết thích ứng trong cách sử dụng tư tưởng. Thật ra đó chỉ là cách dùng một lực, để nó tác động theo đường lối ít bị cản trở nhất, gây áp lực liên tục theo một chiều hướng, và tìm bất cứ con đường nào thuận lợi nhất, cũng như nước trong một bể chứa lớn, tìm một đường ống còn mở trong hàng tá đường ống đã khóa kín, để thoát ra ngoài.
Nếu điều ước muốn không xác định, mà chỉ là sự tốt đẹp tổng quát, với đặc tính mềm dẻo tuyệt vời, tinh hoa chất sẽ đáp ứng đúng với ý tưởng không rõ ràng ấy, và thực thể được tạo ra sẽ tiêu dùng lực của nó theo bất cứ chiều hướng nào có lợi cho người mà nó gặp. Trong mọi trường hợp, sức mạnh của lực nó phải tiêu dùng, và thời gian nó tồn tại để sử dụng lực ấy, tùy thuộc hoàn toàn vào sức mạnh của sự ước muốn hay tư tưởng đầu tiên đã tạo ra nó. Nó có thể được tiếp sức làm cho mạnh thêm, và kéo dài đời sống bởi những ước muốn tốt đẹp hay những tư tưởng thân thiện cùng chiều hướng.
Cũng như hầu hết các thực thể khác, nó dường như được thúc đẩy bởi bản năng muốn kéo dài sự sống, vì thế nó tác động lên người tạo ra nó, làm cho họ luôn trở lại cùng một ý tưởng ban đầu. Nó cũng tạo ảnh hưởng tương tự đối với những người mà nó tình cờ gặp, dĩ nhiên sự liên hệ này không được hoàn toàn.
Trong chiều hướng ngược lại, những ước muốn xấu xa hay những tư tưởng giận dữ, cũng tạo nên cùng một đáp ứng của tinh hoa chất giống như trên. Nếu kể đến khối lượng những đố kỵ, căm thù, hiểm độc và mọi sự bất nhân trên thế giới, ta sẽ hiểu được tại sao trong số những tinh linh nhân tạo, có quá nhiều sinh vật thật khủng khiếp. Một người có tư tưởng đầy thù hận, tàn bạo, vật dục, tham lam, khi di chuyển mang theo một bầu không khí độc hại, chứa đầy những thực thể ghê gớm do họ đã tạo ra và trở thành bạn đồng hành với họ. Không những chính họ là người xấu xa đáng buồn, mà còn nguy hiểm và phiền phức cho người chung quanh, gây ảnh hưởng xấu cho những ai vô phước tiếp xúc với họ, vì có thể bị truyền nhiễm bởi những điều xấu xa bao quanh họ.
Một tư tưởng đố kỵ, ghen ghét hay thù hận đối với người khác, sẽ gửi tinh linh nhân tạo xấu xa, lảng vảng chung quanh người đó và tìm điểm yếu để xâm nhập. Nếu tư tưởng xấu ấy vẫn còn tiếp tục, sinh vật ấy sẽ luôn được nuôi dưỡng và tồn tại lâu. Tuy nhiên, nó chỉ làm hại được khi người ấy có sẵn ý tưởng xấu làm điểm tựa tương ứng. Nếu gặp hào quang tốt đẹp của một người có tư tưởng trong sạch và nếp sống thanh khiết, nó không thể bám vào hay xâm nhập được. Theo luật phản hồi, nó quay trở lại người tạo ra, với tất cả sức mạnh tai hại.
Vì nhiều lý do, thỉnh thoảng có một tinh linh nhân tạo không thể tác động được trên người mà nó nhắm đến hay trên người tạo ra nó. Trong trường hợp này nó trở thành một yêu quái lang thang, sẵn sàng bị thu hút bởi người có tư tưởng giống như nó, khi ấy nó có thể kích thích tư tưởng của người ấy để rút thêm sinh lực cho chính nó, hoặc tuôn đổ những sự xấu xa mà nó chứa đựng vào người ấy qua những khuyết điểm của anh ta. Nếu nó có đủ sức mạnh để chiếm cứ một ma hình nào, thường thì nó sẽ nắm lấy cơ hội, vì sự chiếm đoạt được chỗ cư trú tạm thời giúp nó bảo toàn được năng lực khủng khiếp của nó. Trong hình thể ấy, nó có thể biểu hiện qua một đồng cốt và giả danh một người nổi tiếng để có ảnh hưởng đến quần chúng.
Những điều trên đây cho thấy rằng chúng ta phải thận trọng trong việc kiểm soát tư tưởng. Có người tỏ ra tốt bụng trong lời nói và hành động, nhưng lại thả cho tư tưởng lang thang hỗn loạn, vì nghĩ rằng tư tưởng là của riêng họ chứ không liên quan đến kẻ khác. Họ không biết là họ đã phóng vào thế giới một đám sinh vật bất thường. Những người này cần hiểu biết về hiệu quả của tư tưởng và sự ham muốn, cũng như về sự sinh hoạt của những tinh linh nhân tạo do tư tưởng và lòng ham muốn tạo ra.
Mặt khác, hiểu biết được những điều này là niềm an ủi cho những người biết ơn, muốn đền đáp kẻ thi ân mà không có phương tiện, không biết làm cách nào để trả ơn. Dù nghèo hay giàu, ai cũng có thể tạo được tư tưởng tốt đẹp để gửi đến người mà họ thương yêu, ở bất cứ nơi nào.
Nhiều khi tư tưởng thương yêu của người mẹ và lời cầu nguyện đã biến thành một thiên thần hộ mệnh, giúp đỡ và bảo vệ đứa con, trừ trường hợp gần như không thể có, là đứa trẻ không có bản năng đáp ứng với ảnh hưởng tốt. Người có nhãn thông có thể thấy những thiên thần như vậy, có trường hợp một trong các vị thiên thần này có đủ năng lực hiện hình trong chốc lát cho người thường có thể thấy được.
Một sự kiện lạ đáng ghi nhận nơi đây là một bà mẹ sau khi đã bước vào cõi trời chân phúc, tình thương bà tuôn tràn đến các đứa con mà bà tưởng là vẫn ở quanh bà, có tác dụng đến các đứa con còn ở cõi trần, và nó thường thêm sức cho vị thần hộ mạng mà bà đã tạo ra khi còn tại thế, cho đến khi những đứa con ấy qua đời. Bà Blavatsky có nói: “Tình thương của người mẹ luôn luôn được các con cảm nhận trong cơ thể, nó cũng thể hiện trong những giấc mơ của chúng, và thường là yếu tố bảo vệ để thoát nạn trong mọi biến cố, vì tình thương là cái khiên che chở chắc chắn, vượt không gian và thời gian.” (Chìa Khóa Thông Thiên Học). Tuy nhiên, mọi câu chuyện về Thiên Thần hộ mệnh, không phải đều do tác động của tinh linh nhân tạo, có nhiều trường hợp vị “thần” ấy là một người vẫn còn sống hay vừa từ giã cõi trần, và đôi khi, tuy rất hiếm, cũng có thể là một vị Thiên Thần (Devas). (xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”)
Sức mạnh của sự ham muốn chân thành, đặc biệt là nếu được lặp lại thường xuyên, sẽ tạo ra một tinh linh sống động, luôn cố gắng theo chiều hướng đạt được mục đích. Đó là cách giải thích khoa học cho người sùng đạo nhưng kém hiểu biết, gọi là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện. Có trường hợp mà nghiệp quả của người cầu xin có thể cho họ được hưởng sự giúp đỡ trực tiếp của một vị Chân Sư hay đệ tử của Ngài, hiếm hơn nữa là sự can thiệp của một vị Thiên Thần hay vài tinh linh thiên nhiên thân thiện. Trong các trường hợp như vậy, cách dễ nhất để trợ giúp là làm tăng thêm sức mạnh của tinh linh nhân tạo đã được sinh ra bởi ước muốn của người cầu nguyện, hoặc hướng dẫn tinh linh này đi theo một hướng khôn ngoan hơn.
Một trường hợp lạ lùng về sự tồn tại rất lâu của loài tinh linh nhân tạo trong điều kiện thuận lợi, đã được một trong những người nghiên cứu của nhóm chúng tôi ghi nhận. Những ai đã đọc qua các sách về đề tài này đều biết có nhiều gia tộc xưa ở Anh quốc có truyền thống là được báo trước ngày chết của một người nào đó trong gia đình. Thường vài ngày trước khi một người trong gia đình chết, có hiện tượng lạ xảy ra. Một thí dụ điển hình là câu chuyện về con chim trắng của Oxenhams, sự xuất hiện của nó được nữ hoàng Elizabeth ghi nhận rằng đó là điềm báo trước sự ra đi của một thành viên trong gia tộc. Một thí dụ khác là bóng ma của một chiếc xe ngựa được nhìn thấy chạy lên cửa của một lâu đài ở hướng bắc khi một tai họa gần kề.
Một hiện tượng tương tự xảy ra cho gia đình một hội viên, hiện tượng này xảy ra thường hơn, nhưng không rõ rệt như những trường hợp kể trên. Đó chỉ là âm thanh trang trọng của một bài nhạc truy điệu buồn, được nghe văng vẳng trong không gian, ba ngày trước khi có người qua đời. Người hội viên này đã nghe được hai lần âm thanh huyền bí ấy, và cả hai trường hợp điềm báo đều chính xác. Người ấy cũng biết rằng, theo truyền thống gia đình, sự việc ấy đã xảy ra từ nhiều thế kỷ. Điều này thúc đẩy người ấy tìm hiểu nguyên nhân ẩn tàng của hiện tượng lạ lùng đó bằng phương pháp huyền môn.
Kết quả ngoài sự mong đợi, nhưng rất đáng chú ý. Đó là vào thời xa xưa khoảng thế kỷ thứ mười hai, một người trưởng tộc đã tham dự vào cuộc viễn chinh của thập tự quân. Để khuyến khích mình trong trận thánh chiến, ông đem theo đứa con trai út mà ông thương nhất, với lòng mong ước đứa trẻ sẽ thành công trong tương lai. Rủi thay, đứa trẻ bị tử trận, làm người cha rất đau khổ, thất vọng, vì mất con và mất cả đời sống trẻ trung đầy hứa hẹn của nó.
Quá đau buồn, người cha từ bỏ chiến bào, hiến thân vào tu viện với ý nguyện dâng hiến trọn cuộc đời còn lại để cầu nguyện, trước là cho linh hồn con ông, và thứ đến là sẽ không có người hậu duệ nào gặp phải sự nguy hiểm kinh khủng là chết mà không được báo trước. Ngày qua ngày, trong nhiều năm ông đã dùng tất cả năng lực tinh thần cho lòng ước muốn mạnh mẽ ấy. Ông có lòng tin vững chắc rằng bằng cách này hay cách khác, kết quả của sự mong muốn ấy sẽ được thực hiện.
Người có học khoa huyền bí đều biết kết quả tạo ra bởi một tư tưởng xác định và lâu dài. Vị tu sĩ ấy đã tạo nên một tinh linh nhân tạo có năng lực vô biên để thực hiện mục đích đặc biệt, tinh linh được tạo ra này đã tích trữ một kho năng lực dồi dào giúp nó hoàn thành lời ước nguyện đến một thời gian vô tận. Một tinh linh nhân tạo giống như một “bình nạp điện” hoàn hảo, không dò rỉ. Trong trường hợp này năng lượng ban đầu được tích trữ rất nhiều, mà cách nó sử dụng tương đối ít, cho nên đến bây giờ nó vẫn còn sống động, và có thể báo trước cho các hậu duệ của người chiến binh Thập Tự Giá ngày sắp lìa trần, bằng cách lặp lại bài hát chiêu hồn tử sĩ cho đứa con đã tử trận 800 năm trước tại Palestine.
2. Loài tinh linh do cố ý tạo ra
Những tinh linh nhân tạo được mô tả ở trên đều do sức mạnh của tư tưởng tạo ra, mà người tạo ra nó không hề biết đến. Nếu một thuật sĩ hiểu rõ vấn đề, ông ta có thể cố ý tạo ra và sử dụng một sức mạnh rất lớn theo đường lối ích kỷ của ông. Sự thật là các nhà huyền môn thuộc bạch phái (chánh đạo), cũng như hắc phái (tà đạo) đều sử dụng tinh linh nhân tạo trong công việc của họ. Khi một tinh linh nhân tạo được tạo ra một cách khoa học, và được điều khiển khéo léo thì ít khi nó bị thất bại trong công tác. Người hiểu biết rõ việc này thường giữ sự liên hệ với tinh linh mà họ đã tạo ra và điều khiển nó dù ở rất xa, như vậy nó vẫn có thể hoạt động khôn ngoan như chủ của nó.
Đôi khi một “Thiên Thần” hộ mệnh cũng được tạo ra theo cách thức này, tuy nhiên còn tùy theo nhân quả, đến lúc phải trả nghiệp quả thì hiếm khi vị “Thiên Thần” hộ mệnh này có thể can thiệp được. Trường hợp đệ tử của các Chân Sư đang làm việc phụng sự cho các Ngài, không đủ sức đuơng đầu với sự tấn công của những lực lượng xấu, thì các Ngài có thể gởi một vị thần hộ mạng năng lực mạnh mẽ, thường trực bảo vệ người đệ tử.
Những người hắc phái cao cấp cũng có thể tạo ra tinh linh có năng lực rất lớn, gây ra nhiều tội ác. Tuy nhiên cũng giống như loại tinh linh do vô ý tạo ra, khi không hại được đối tượng có đời sống trong sạch đạo đức, thì chúng sẽ quay lại với một sức mạnh khủng khiếp hại người đã tạo ra chúng. Như thế, câu chuyện về một thù thủy thời trung cổ bị tà ma do chính ông ta tạo ra và nuôi nấng, xé xác ra từng mảnh, không phải hoàn toàn hoang tưởng mà có căn bản xác định. Một trường hợp điển hình của định luật này đã xảy ra trước đây trong thời gian đương nhiệm của vị hội trưởng trước.
Vì nhiều nguyên do khác nhau, đôi khi tinh linh nhân tạo thoát khỏi sự kiểm soát của người muốn sử dụng chúng, và trở thành yêu tinh lang thang không mục đích, như đã được đề cập ở phần trước. Tuy nhiên, loại mà chúng ta đang đề cập nơi đây có nhiều trí khôn, năng lực và đời sống kéo dài hơn, và cũng nguy hiểm hơn. Chúng luôn tìm cách để kéo dài thêm đời sống, bằng cách hút sinh lực con người, giống như ma cà rồng hút máu, hoặc gây ảnh hưởng để con người cung cấp sinh lực cho chúng. Ở các bộ lạc bán khai, do có một phần trí khôn, chúng thường thành công trong việc làm cho dân chúng chấp nhận như những thần linh của làng mạc hay gia đình.
Cấp thấp và đáng ghê tởm nhất của các thần linh thuộc loại này thường đòi hỏi sự cúng tế có máu. Những cấp ít xấu hơn, có khi bằng lòng với vật thực cúng tế như cơm gạo và các thức ăn nấu chín đủ loại. Hiện tại ở Ấn Độ cũng còn vài nơi thờ cúng những vị thần kể trên, và ở Phi Châu tương đối còn nhiều hơn.
Do thụ hưởng những vật thực cúng tế, và cũng do sinh lực rút ra được từ những người ngưỡng mộ, chúng có thể tiếp tục kéo dài sự sống đến nhiều năm hay nhiều thế kỷ, và vẫn còn đủ năng lực thực hiện vài hiện tượng thấp thỏi, để kích thích lòng tin và sự sốt sắng của dân làng. Chúng cũng tỏ ra khó chịu bằng cách này hay cách khác, khi sự dâng cúng thường lệ bị lãng quên. Thí dụ ở một làng nọ của xứ Ấn Độ, dân chúng thấy rằng vì một lý do nào đó họ không dâng cúng vị thần trong làng như thường lệ, thì một chòi tranh trong làng tự nhiên bị bốc cháy, đôi khi ba hay bốn cái bốc cháy một lượt, mà họ không thể nghi ngờ là do con người gây ra. Những câu chuyện tương tự cũng được thấy ở khắp các miền thôn dã xa xôi của mọi quốc gia.
Các thuật sĩ thời Atlantis có kỹ thuật đặc biệt tạo ra các tinh linh nhân tạo mạnh mẽ và độc hại, đó là những vị “thần mặt đen.” Trong “Giáo Lý Bí Truyền” có kể một thí dụ về những con thú lạ lùng biết nói ở châu Atlantis, chúng chỉ chịu yên lặng khi được dâng máu tươi, chúng đánh thức chủ của chúng và báo động về nguy cơ bị hủy diệt sắp xảy ra. Ngoài những con thú lạ kỳ ấy, họ còn tạo ra những thực thể nhân tạo có sức mạnh kinh khủng, mà một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù đã trải qua hơn mười một ngàn năm kể từ khi tai họa khủng khiếp đã nhận chìm các chủ nhân của chúng. Một nữ thần khủng khiếp của Ấn Độ, nữ thần Kali đáng kinh khiếp, thường xúi giục những người tôn sùng phạm tội ác giết người cướp của, cho đến ngày nay cũng còn được sùng bái bằng những nghi lễ rất ghê sợ. Đây là di tích còn lại của một cơ cấu đã bị tiêu diệt, với cái giá của sự nhận chìm một lục địa (châu Atlantic) với 65 triệu người.
3. Con người nhân tạo
Loại thực thể này rất ít, chỉ vài cá nhân, nhưng có liên hệ đến một trong những phong trào rất quan trọng của thời hiện tại. Những thực thể này tuy đúng là con người, nhưng không được xếp theo nhóm nhân loại, vì đã từ lâu bị loại ra khỏi đường tiến hóa bình thường. Loại này hoàn toàn là sản phẩm của ý chí từ bên ngoài, nên được xếp vào hàng những thực thể nhân tạo.
Cách dễ nhất để mô tả chúng là bắt đầu xét về lịch sử của chúng, như thế, ta cần trở về thời của giống dân Atlantic. Sự kiện quan trọng vào thời ấy là có sự hiện diện của các vị Chân Sư và các trường phái huyền bí, nhưng vào giai đoạn cuối của giống dân ấy đã có những người thực hành ma thuật rất khủng khiếp. Trước giai đoạn sa đọa, ích kỷ của dân chúng, châu Atlantic có một nền văn minh rực rỡ, cao quí đáng ngưỡng mộ, và trong số những người lãnh đạo thời ấy, hiện nay đã đạt được quả vị cao cả nhất của loài người.
Trong số các đạo viện huyền môn dành cho những đệ tử dự bị điểm đạo, được thành lập do các vị Chân Sư chánh đạo, có một đạo viện ở một nơi nào đó của châu Mỹ, phụ thuộc vào một hệ thống lãnh đạo lớn, đó là “Những Vị Cai Quản Thiêng Liêng của Kim Môn” (the Divine Rulers of the Golden Gate). Dù đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm lạ lùng, trụ sở phải dời từ nước này sang nước khác, và đến lượt mỗi nơi lại bị nền văn minh vật chất xâm lấn, nhưng đạo viện ấy vẫn tồn tại đến ngày nay. Đạo viện ấy vẫn còn giữ nguyên những nghi thức cổ xưa, và dạy một loại ngôn ngữ linh thiêng bí ẩn, cùng một ngôn ngữ của người Atlantic đã dùng nhiều ngàn năm trước.
Nó vẫn giữ được y như buổi đầu, là một đạo viện huyền môn với mục đích bác ái trong sáng, có thể hướng dẫn các môn sinh xứng đáng đi khá xa trên đường phát triển trí tuệ, nhưng năng lực tâm linh chỉ trao tặng cho những môn sinh xứng đáng, đã vượt qua những cuộc trắc nghiệm nghiêm chỉnh. Các vị thầy trong đạo viện chưa đạt đến cấp bậc Chân Sư, hàng trăm môn sinh trong đạo viện học cách đi vào đường đạo dẫn đến quả vị thánh sư ở những kiếp tương lai. Dù không trực tiếp thuộc về Đại Đoàn Chưởng Giáo ở Hy Mã Lạp Sơn, nhưng vài vị trong đạo viện đã có liên hệ với đoàn thể này trong những kiếp trước, nên vẫn giữ mối liên hệ thân hữu hơn bình thường. Tôi nhớ có lần ông viện trưởng của đạo viện ấy, khi nhìn thấy bức ảnh của một trong các vị Chân Sư Minh Triết, tức khắc quì mọp xuống trước bức ảnh, tỏ lòng tôn kính sâu xa.
Các vị viện trưởng của đạo viện, dù luôn giữ cho mình và đạo viện xa lánh xã hội bên ngoài, nhưng đôi khi nếu có dịp, cũng trợ giúp phổ biến chân lý cho thế giới. Khoảng một thế kỷ trước, sự lan tràn của chủ nghĩa duy vật đã gần như làm tắt nghẽn sự phát triển tâm linh ở Âu Châu và Mỹ Châu, nên các vị quyết định thử chống lại ảnh hưởng ấy bằng phương thức mới: các vị đưa cơ hội đến cho những người biết suy nghĩ hợp lý, để họ có thể có được bằng chứng tuyệt đối về một đời sống khác, tách rời khỏi đời sống của thể xác, đời sống mà khoa học có khuynh hướng phủ nhận. Những hiện tượng được trưng bày không phải hoàn toàn mới, vì dưới vài hình thức, con người đã nghe nói đến qua lịch sử, nhưng cách tạo ra và sắp xếp các hiện tượng ấy rõ ràng là mới đối với thế giới tân tiến hiện nay.
Các vị khơi động dần dần và tạo được cấu trúc rộng lớn của phong trào giáng thần học hiện đại. Tuy các vị khởi xướng cũng có phần nào trách nhiệm về những hậu quả gây ra về sau, nhưng ta phải công nhận rằng các vị đã đạt được mục đích là gây sự tin tưởng vững chắc cho số đông nhân loại đời sống tương lai, tức đời sống sau khi bỏ xác thân. Đó là một kết quả vĩ đại, dù phải trả một giá quá đắt.
Phương pháp được sử dụng là chọn vài người bình thường sau khi chết, giúp cho họ thức tỉnh hoàn toàn ở cõi trung giới, dạy cho họ sử dụng vài năng lực để họ có thể làm các việc thuộc cõi này, và để cho họ lãnh trách nhiệm hướng dẫn bên trong một nhóm giáng thần. Sau đó họ lại huấn luyện một số người vừa từ trần để làm việc theo cùng đường lối. Những người này sẽ tác động lên các người tham dự buổi cầu hồn, làm cho họ trở thành những đồng cốt, do đó phong trào giáng thần phát triển rất mạnh. Những thành viên còn sống của đạo viện đôi khi cũng sử dụng thể vía của chính mình đến tham dự các nhóm giáng thần, có lẽ các vị vẫn còn làm như vậy cho đến ngày nay. Tuy nhiên, thường thì các vị ấy chỉ đóng vai trò huấn luyện cho các vong linh mà các vị giao phó trách nhiệm. Phong trào giáng thần đã phát triển nhanh hơn sự mong đợi, và chẳng bao lâu vượt quá sự kiểm soát của đạo viện, nhất là càng về sau, các vị không còn đủ sức gánh vác trách nhiệm trực tiếp nữa.
Sự kéo dài cuộc sống cõi trung giới của những người lãnh trách nhiệm hướng dẫn ở những nhóm giáng thần, đã làm chậm trễ con đường tiến hóa tự nhiên của chính họ, dù sự chậm trễ cũng sẽ được đền bù thỏa đáng do nghiệp quả tốt mà họ đã giúp người khác hiểu được chân lý. Các vị trong đạo viện nhận thấy rằng nếu dùng những “vong linh hướng dẫn” quá một thời gian nào đó, sẽ có thể gây tổn thương nặng nề và vĩnh viễn cho họ. Đôi khi vong linh hướng dẫn được thay thế bởi vong linh khác. Có những trường hợp, vì một lý do nào đó, sự thay thế như vậy sẽ bất lợi, và một phương pháp đặc biệt được sử dụng để cho ra đời một loại sinh vật mà ta gọi là “con người nhân tạo”.
Sau một thời gian chậm trễ trên đường tiến hóa, những thể cao của “người hướng dẫn” được tách ra để chuyển qua cõi trời chân phúc, nhưng u hồn (the shade) của họ để lại cõi trung giới được giữ cho sống động và làm cho mạnh thêm để có thể vẫn hoạt động trong những nhóm giáng thần. Việc làm mạnh thêm cho u hồn này, lúc đầu được thực hiện bởi những nhân viên trong đạo viện, nhưng công việc có vẻ buồn chán hoặc không thích hợp, nhất là làm lãng phí năng lực, và có cùng bất tiện như việc dùng một tinh linh nhân tạo. Do đó các vị trong đạo viện quyết định chọn những người chết kế tục làm “vong linh hướng dẫn”, sử dụng u hồn hay ma hình của người hướng dẫn trước bỏ lại, bằng cách khoác lấy bên ngoài họ.
Có vài thành viên của đạo viện không đồng ý việc làm ấy, vì cho rằng dù mục đích hoàn toàn tốt đẹp nhưng là một sự phỉnh lừa. Ý kiến chung cho rằng dù sao u hồn được sử dụng vẫn là một, và nó cũng còn chứa đựng một phần thể hạ trí của người trước, nên không có vấn đề phỉnh lừa. Có những trường hợp sự thay đổi từ người hướng dẫn đã ra đi, bởi người sau sử dụng lại u hồn của người trước, không gây nên nghi ngờ trong nhóm giáng thần. Trái lại, có vài người chuyên khảo sát về phong trào giáng thần, sau một thời gian quan sát, ghi nhận có sự đổi khác trong cử chỉ và phong cách của “vong linh”. Cần nói rõ, không có vị nào trong Đại Đoàn Chưởng Giáo đã tạo ra một thực thể nhân tạo như vậy, nhưng các vị cũng không can thiệp vào những việc mà người khác nghĩ rằng đúng. Nhược điểm trong việc làm ấy là có nhiều người khác ở bên ngoài đạo viện có thể sử dụng cùng cách thức, và cũng không thể ngăn cản được các thuật sĩ hắc đạo đã và đang làm giống như vậy với mục đích xấu.
Đến đây chúng ta có thể kết luận cuộc khảo sát về các cư dân cõi trung giới; thêm phần sau, có thể nói chúng ta đã liệt kê tương đối khá đầy đủ những vấn đề thuộc cõi trung giới. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, quyển sách này chỉ trình bày sơ lược về một đề tài rất rộng lớn, mà sự nghiên cứu chi tiết đòi hỏi một công trình nặng nhọc kéo dài cả một đời người.
CHƯƠNG IV
NHỮNG HIỆN TƯỢNG
Theo một quan điểm, chương này đáng lẽ phải được xếp ở đầu quyển sách, vì từ những hiện tượng được kể ra trong phần này làm nảy sinh ra nhu cầu tìm hiểu những vấn đề khác. Trong kiếp này, tôi đã nợ ông phó hội trưởng A. P. Sinnett, vì ông đã có công giới thiệu tôi vào hội Thông Thiên Học. Ông luôn đặc biệt ưu ái tôi, và trong thời gian tôi sống ở nhà ông, chúng tôi thường gặp nhau mỗi sáng Chúa Nhật trong thư viện của ông để thảo luận về các vấn đề minh triết thiêng liêng. Một lần, ông đã nói ông không nghĩ rằng cho đến nay, những gì đã được dạy về minh triết thiêng liêng có thể giúp chúng tôi hiểu rõ hết những hiện tượng tâm linh mà cả hai chúng tôi đều đã gặp nhiều lần. Thay vì ngạc nhiên và đồng ý về ý tưởng ấy, tôi lại giữ vững lập trường là minh triết thiêng liêng đã giải thích rất rõ ràng, và tôi bắt đầu đưa ra những chứng minh.
Dường như ông Sinnett có ấn tượng tốt về ý kiến của tôi, ông yêu cầu tôi giảng về đề tài này tại hội quán Luân Đôn. Khi chuẩn bị cho bài diễn thuyết này, tôi mới nhận ra là nếu muốn cho thính giả hiểu được, tôi phải bắt đầu mô tả tổng quát về cõi trung giới, với những điều kiện và năng lực, cũng như khả năng của các cư dân ở đó. Tôi biết là mình đã nhận một công tác rộng lớn hơn là mình nghĩ, nhưng tôi cũng cố gắng hết sức để hoàn thành, và bài giảng này tại hội quán, đã được đăng tải trong tờ tạp chí của hội số 24.
Trong khi đó, bà Besant đang cho xuất bản một số sách Thông Thiên Học, bà có ý tốt là đăng luôn bài tiểu luận này, vì thế, nó đã được xuất bản.
Trong những chương trước, chúng ta đã đề cập và giải thích nhiều hiện tượng siêu nhiên; trước khi kết luận, ta nên tóm lược các hiện tượng mà người nghiên cứu thường gặp, và những tác nhân thường gây ra các hiện tượng ấy. Cõi trung giới rất đa dạng, mỗi hiện tượng xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên chúng ta chỉ có thể đưa ra những nguyên tắc tổng quát cho sự việc.
A. HIỆN TƯỢNG MA
Các thực thể hiện hình, hay “ma” là thí dụ điển hình về ý kiến nói trên, vì theo ý nghĩa chung, danh từ “ma” có thể để chỉ hầu hết mọi cư dân cõi trung giới. Những người đã phát triển khả năng tâm linh, luôn nhìn thấy những thực thể ấy, nhưng đối với người bình thường, khi họ nói “thấy ma”, có thể là: hoặc con “ma” ấy đã hiện hình để họ có thể thấy được, hoặc trong lúc đó chính họ tạm thời lóe lên một nhận thức tâm linh. Cả hai trường hợp đều ít khi xảy ra, nếu không, ta sẽ gặp “ma” đầy đường phố như gặp những người sống vậy.
1. Ma ở nghĩa địa
Nếu “ma” được thấy lảng vảng quanh một ngôi mộ, thường đó là thể phách của người mới chết, cũng có thể là thể vía của một người còn sống, trong giấc ngủ đến thăm mộ người chết, hay là một hình tư tưởng hiện hình, đó là một tinh linh nhân tạo do sức mạnh tư tưởng tạo ra bởi một người nghĩ mình đang hiện diện tại nơi đó. Người đã quen sử dụng nhãn thông cõi trung giới dễ dàng phân biệt các loại này, nhưng người không có kinh nghiệm thường gọi chung tất cả là “ma”.
2. Người đang hấp hối hiện hình
Sự hiện hình của một người vào lúc sắp từ trần rất thường xảy ra. Ngay trước lúc mà chúng ta thường gọi là “tách rời”, người sắp ra đi thường có ý muốn thăm một người thân, việc này được thực hiện ở cõi trung giới. Trong trường hợp này, một hình tư tưởng được tạo ra do ước muốn chân thành mạnh mẽ gặp một người thân lần cuối trước khi chết. Đôi khi sự viếng thăm ấy xảy ra ngay sau khi lìa trần, thay vì trước đó, và trong trường hợp này người đi viếng thăm thật sự là “ma”, nhưng vì những lý do khác nhau, trường hợp này ít xảy ra hơn trường hợp trước.
3. Những nơi bị ma ám
Sự hiện hình ở nơi đã xảy ra án mạng thường do hình tư tưởng của kẻ sát nhân phóng ra. Sau án mạng, kẻ sát nhân dù còn sống hay chết, đặc biệt là chết, thường liên tục suy tưởng trở lại quang cảnh nơi xảy ra án mạng. Những tư tưởng ấy thường sống động trong trí kẻ phạm tội vào ngày tròn năm, nên thường khi đúng vào dịp ấy, hình tư tưởng do kẻ sát nhân tạo ra đủ mạnh có thể hiện hình để mắt thường nhận thấy được; có nhiều trường hợp sự hiện hình từng chu kỳ như thế đã được ghi nhận. Đối với người phạm tội sát nhân nhiều lần, họ quá chai đá để có thể bị kích động bởi một vụ án mạng, trong trường hợp này, có nhiều yếu tố khác xen vào.
Một điểm khác cần nói thêm về hiện tượng này là bất cứ sự xáo trộn kinh hoàng nào trong tâm trí, hoặc nỗi kinh sợ, đau đớn, buồn khổ, oán ghét, hoặc cơn đam mê quá mạnh, sẽ gây ấn tượng sâu đậm ảnh hưởng đến chất liệu cõi trung giới, mà một người dù có rất ít khả năng tâm linh cũng cảm nhận được. Chỉ cần một chút kích thích làm tăng cường tạm thời sự nhạy cảm là họ có thể thấy lại trọn cảnh tượng đã xảy ra với đầy đủ chi tiết, trong trường hợp này, họ cho rằng nơi đó đã bị ma ám, và họ đã thấy ma.
Những người không có khả năng tâm linh, thường cảm thấy khó chịu khi đến những nơi kể trên. Thí dụ, có nhiều người cảm thấy nặng nề khi đi ngang qua nơi xử tử tội nhân tại Luân Đôn thuở xưa, hoặc không thể ở lâu trong “căn phòng hãi hùng” của bà Tussaud, dù họ không hề hiểu rằng cảm giác khó chịu đó là do ấn tượng khủng khiếp trong chất liệu cõi trung giới bao quanh, và những đồ vật đã thấm nhuần sự kinh khiếp của tội ác, hơn nữa những thực thể trung giới đáng ghê tởm cũng thường tụ tập ở đấy.
4. Ma trong gia đình
Trong nhiều câu chuyện siêu nhiên, có kể những con ma trong dòng họ ở những lâu đài cổ thời phong kiến. Đó có thể là một hình tư tưởng, hay hiếm hơn nữa là một ấn tượng sống động trong chất liệu cõi trung giới, cũng có thể là một người tổ tiên trong dòng họ, sau khi chết còn quyến luyến cõi trần, ám ảnh nơi mà ý tưởng và hy vọng của ông đã tập trung trọn cả cuộc đời.
5. Rung chuông, liệng đá, v.v…
Loại ám ảnh khác như: rung chuông, liệng đá, hay đập bể đồ sành sứ, hầu hết là do các tinh linh làm ra. Những hiện tượng này có thể là cố gắng vụng về, gây ra bởi một vong linh dốt nát, mù quáng, tìm cách lôi kéo sự chú ý của người thân còn sống, hoặc do các tinh linh thiên nhiên quỷ quái cố ý gây ra để chọc phá con người. Những hiện tượng như vậy được gọi là “yêu tinh phá phách.”
B. TINH LINH VÀ CÁC THỰC THỂ LIÊN LẠC
1. Các nàng tiên (Fairies)
Hiện tượng này thường thấy ở vài nơi trên thế giới, cũng do tinh linh thiên nhiên tạo ra. Thường ở những vùng núi non hẻo lánh, người địa phương hoặc những lữ hành lạc bước, do khả năng nhãn thông tạm thời được tăng cường, nhìn thấy các tiên nữ nhảy múa vui đùa. Đôi khi tinh linh có thể đùa nghịch đối với những người quá sợ hãi, khiến họ nhìn thấy người hay nhà cửa mà họ biết là nơi đó không có gì cả. Thường đó không phải chỉ là ảo ảnh thoáng qua, mà là một hành trình tưởng tượng với nhiều sự kiện nối tiếp nhau, cuối cùng tất cả đều biến mất, để họ đứng một mình trong thung lũng hoang vắng, hay giữa đồng không lộng gió. Mặt khác, ta không thể xem các câu chuyện bình dân về đề tài này đều đúng sự thật, vì nhiều khi người dân quê quá mê tín, đã pha lẫn với những chi tiết quá đáng, có khi là những vụ án mạng nữa.
Có thể nói, phần lớn các hiện tượng lạ lùng trong các buổi giáng thần đều do các tinh linh ấy gây ra, hoặc hoàn toàn do các sinh vật tinh nghịch ấy điều khiển. Những trò ấy có thể gồm nhiều việc như: trả lời những câu hỏi hay nhắn tin bằng tiếng gõ hoặc làm nghiêng một đồ vật, làm phát ra “ánh sáng ma”, đem một vật từ xa lại gần, đọc tư tưởng của người hiện diện, viết hay vẽ, và ngay cả hiện hình.
Những tinh linh thiên nhiên có thể làm được nhiều việc lạ lùng trong các buổi cầu hồn. Dù có nhiều hiện tượng khó thực hiện đối với chúng, nhưng với khả năng đặc biệt, chúng có thể khiến cho toàn thể cử tọa đều tin rằng sự việc xảy ra như họ đã thấy, trừ phi người quan sát đã được huấn luyện kỹ và thấu hiểu những trò xảo quyệt của chúng. Nói một cách tổng quát, trong một buổi giáng thần xảy ra việc trêu chọc lố bịch, hay pha trò rẻ tiền, thì ta có thể nghĩ rằng ở đó có sự hiện diện của những tinh linh thiên nhiên hạ cấp, hoặc vong linh con người thấp kém, vui thích những trò ngu ngốc như lúc còn sống.
2. Các thực thể liên lạc (Communicating entities)
Có rất nhiều thực thể liên lạc với con người ở các buổi giáng thần, chúng ám ảnh hoặc nói qua các đồng tử, khó có thể biết chúng thuộc vào loại nào trong các cư dân cõi trung giới, nhưng gần như chắc chắn là chúng không thuộc những cấp bậc cao. Ở một buổi giáng thần đứng đắn được tổ chức nghiêm chỉnh bởi những người học thức, vong linh hiện ra thường tuyên bố đúng sự thật. Thông thường thì không được như vậy, ta khó phân biệt được thực hay giả, vì những thực thể ở cõi trung giới có khả năng gạt người cõi trần, mà không thể nào kiểm soát được.
Nếu một vong linh nhập vào đồng cốt và tự xưng là một người, thí dụ là đứa em đã chết từ lâu của một người anh hiện diện trong buổi cầu hồn, tiết lộ một vài sự việc mà chỉ có hai anh em biết, người anh cũng chưa thể tin là thật, vì vong linh có thể đọc được tư tưởng của người anh, và thấy được môi trường chung quanh ở cõi trung giới. Tiến xa hơn, nếu người đồng nói những chuyện có liên hệ đến người em đã chết, mà chính người anh cũng không để ý, nhưng sau đó kiểm chứng thấy đúng, người anh cũng nên biết vong linh đó có thể đọc được sự việc từ ký ảnh cõi trung giới, hoặc thực thể nhập vào đồng cốt chỉ là u hồn của người em bỏ lại cõi trung giới, u hồn này có một phần trí nhớ của người em. Tuy nhiên cũng không phải trong một lúc có thể gạt bỏ tất cả những gì vong linh nhập vào đồng cốt cho biết, nếu những gì nó tiết lộ rất chính xác. Tất cả sự việc được nêu ra đây để cho biết rằng đối với một người bình thường đến viếng buổi giáng thần, nhất là buổi giáng thần công cộng, có thể bị lừa gạt một cách thảm thương bằng hàng chục cách khác nhau. Nếu muốn nghiên cứu trường hợp giáng thần đứng đắn, có bằng chứng hiển nhiên, đáng tin cậy, xin đọc quyển “Bằng Chứng Về Đời Sống Sau Khi Chết” của C. D. Thomas.
Để thúc đẩy phong trào tâm linh, có vài trường hợp các thành viên của đạo viện huyền môn đã tác động qua đồng cốt và cho nhiều bài giáo lý có giá trị. Những buổi giáng thần như vậy chỉ hoàn toàn có trong nội bộ gia đình, chứ không khi nào ở những nơi công cộng, lấy tiền vào cửa.
C. SỬ DỤNG NĂNG LỰC CÕI TRUNG GIỚI
1. Sự hiểu biết về năng lực và rung động
Để hiểu được cách tạo ra một phần lớn những hiện tượng vật chất, ta cần biết rõ những năng lực khác nhau mà một người ở cõi trung giới có thể sử dụng được. Đây là một phần của đề tài mà ta khó nói rõ, vì nó được bảo vệ và hạn chế. Ta nên nhớ rằng trong nhiều khía cạnh, cõi trung giới được coi như phần nối tiếp cõi trần, và vật chất của nó có thể ví như ở thể dĩ thái (mặc dù ta không cảm nhận được chất dĩ thái, nhưng nó cũng thuộc cõi trần), điều này có thể giúp ta hiểu được bằng cách nào chúng lại hòa tan vào nhau được. Theo quan niệm của người Ấn về Jagrat, hay “trạng thái tỉnh thức” (the waking state), thì cõi trần và cõi trung giới được kết hợp nhau; như thế, bảy cảnh của “kết hợp” này tương đương với: bốn trạng thái của chất liệu vật chất, và ba nhóm rộng lớn của chất liệu trung giới như đã giải thích ở phần trước[32].
Với ý nghĩ ấy, ta dễ dàng tiến tới một bước xa hơn, và hiểu được thế nào là nhãn quan trung giới, hay sự nhận thức ở cõi trung giới; nói khác đi, là khả năng nhận thức được nhiều loại rung động với những tần số khác nhau. Một nhóm nhỏ rung động ảnh hưởng đến ta như âm thanh; một nhóm nhỏ rung động khác nhanh hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến ta như ánh sáng; một nhóm nhỏ khác như điện lực. Tuy nhiên, còn rất nhiều loại rung động trung gian không gây ảnh hưởng nào trên các giác quan của xác thân. Nếu hiểu được rằng tất cả, hay chỉ một số những rung động trung gian ấy, với những độ dài sóng (wave-length) khác nhau, đều có thể nhận biết được ở cõi trung giới, thì sự hiểu biết về thiên nhiên của chúng ta sẽ có nhiều tiến bộ, và ta có thể hiểu thêm nhiều điều mà cho đến nay vẫn còn ẩn giấu.
2. Nhãn Thông
Việc chấp nhận một số các rung động đi xuyên qua chất đặc khá dễ dàng, giúp ta hiểu một cách khoa học về đặc tính của nhãn quan dĩ thái (etheric vision). Đối với nhãn thông, hay nhãn quan cõi trung giới (astral sight), lý thuyết về chiều đo thứ tư giải thích rõ ràng và đầy đủ hơn. Khi có được nhãn thông cõi trung giới, con người sẽ làm được nhiều việc đối với chúng ta có vẻ phi thường, thí dụ như: đọc được một đoạn trong quyển sách khép kín, đọc được tư tưởng, nhất là khi tư tưởng ảnh hưởng đến cảm xúc. Hơn nữa, nếu khả năng ấy được kết hợp với hiểu biết về sự phóng chiếu của các dòng lưu chuyển trung giới, thì ta có thể quan sát được một vật thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Như thế, nhiều hiện tượng nhãn thông có thể giải thích được mà không cần nâng tâm thức lên cõi trung giới. Nếu muốn nghiên cứu tường tận hơn vấn đề này, nên xem quyển “Nhãn Thông” do tôi biên soạn, sách ấy liệt kê, giải thích, và có nhiều thí dụ về các loại nhãn thông.
3. Tiên tri và nhãn quan thứ hai
Loại nhãn thông chính xác, được huấn luyện, đáng tin tưởng hoàn toàn, là một khả năng khác hẳn, thuộc về cõi cao hơn cõi trung giới, nên không được đề cập trong quyển sách này. Khả năng tiên đoán chính xác cũng thuộc về cõi cao hơn, tuy có những lúc nó lóe lên, hay phản ảnh xuống, và có thể nhận thấy được bởi nhãn quan trung giới. Đặc biệt ở những người có đầu óc đơn giản, trong những điều kiện thích hợp, sự thấy này được gọi là “nhãn quan thứ hai”, thường gặp ở người dân miền cao nguyên xứ Tô Cách Lan (Scotland).
Một sự kiện khác cần biết là, bất cứ cư dân có trí khôn nào ở cõi trung giới, chẳng những có thể nhận biết các rung động của dĩ thái, mà còn có thể học cách sử dụng chúng theo ý muốn.
4. Năng lực cõi trung giới (Astral forces)
Trong thời hiện tại, những năng lực siêu nhiên và các phương pháp sử dụng chúng là những đề tài không thể viết rõ trong một quyển sách dành cho công chúng, dù ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa nhân loại sẽ biết cách sử dụng một hoặc hai loại năng lực ấy. Để không vượt khỏi giới hạn được cho phép, ta chỉ đề cập một cách đại cương về cách thức mà vài hiện tượng được tạo ra.
Người đã từng chứng kiến những hiện tượng trong các buổi giáng thần có thể thấy bằng chứng hiển nhiên về năng lực mạnh mẽ được sử dụng, thí dụ như dời chỗ một vật rất nặng. Với óc khoa học, người ta tự hỏi năng lực ấy từ đâu mà có và tác động như thế nào? Có nhiều cách thực hiện những hiện tượng cõi trung giới, nhưng nơi đây chúng ta chỉ liệt kê bốn phương cách tiêu biểu.
a. Dòng lưu chuyển dĩ thái (Etheric currents): Có những dòng lưu chuyển vĩ đại của chất dĩ thái luôn lướt trên bề mặt địa cầu, từ cực này đến cực kia, khối lượng của dòng lưu chuyển này tạo nên một sức mạnh không cưỡng lại được như dòng thủy triều đang lên. Có những phương pháp an toàn để sử dụng năng lực kỳ diệu này, nhưng những toan tính vụng về để sử dụng nó có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm đáng sợ.
b. Áp lực dĩ thái (Etheric pressure): Có thể nói áp lực dĩ thái tương tự như áp lực không khí, nhưng lớn hơn rất nhiều. Trong đời sống bình thường tuy ta ít chú ý đến những áp lực này, nhưng nó vẫn hiện tồn. Nếu khoa học có thể rút hết dĩ thái ra khỏi một khoảng không gian nào đó, như đã làm được với không khí và tạo nên khoảng “chân không”, thì sẽ nhận rõ áp lực của nó. Việc này rất khó làm, vì chất dĩ thái tự do xuyên thấm mọi trạng thái vật chất đậm đặc hơn nó. Cho đến nay các nhà vật lý học chưa tách riêng được chất dĩ thái ra khỏi những chất khác, nhưng các huyền bí gia đã làm được việc ấy, và có thể sử dụng được áp lực mạnh mẽ của dĩ thái.
c. Năng lực tiềm ẩn (Latent energy): Có một kho dự trữ to lớn năng lực tiềm ẩn, năng lực này ngủ yên trong vật chất suốt thời gian tiến hóa hướng hạ, từ thanh nhẹ xuống trọng trược. Do sự thay đổi trạng thái của vật chất, vài năng lực ấy có thể được phóng thích và sử dụng, thí dụ như năng lực tiềm ẩn dưới hình thức sức nóng có thể được phóng thích khi trạng thái của vật chất thay đổi.
d. Sự rung động đồng cảm (Sympathetic vibration): Năng lực gây ra do sự rung động đồng cảm cho những kết quả rõ rệt. Những thí dụ lấy từ cõi vật chất thường chỉ áp dụng được một phần và không làm sáng tỏ hiện tượng cõi trung giới. Tuy nhiên khi mô tả hai sự việc đơn giản trong đời sống hàng ngày, có thể cho chúng ta thấy rõ được phần nào năng lực này.
Ta biết khi một trong những sợi dây của cây đàn thụ cầm (harp) được khảy lên cho rung động thật mạnh, sẽ gây nên những rung động đồng cảm ở những sợi dây tương đồng của bất cứ cây đàn thụ cầm nào khác đặt chung quanh nó, nếu những sợi dây ấy được điều chỉnh cùng một độ căng. Ta cũng biết khi một đạo quân lớn đi bộ qua một chiếc cầu treo, họ phải bỏ ngay bước đi đồng nhịp, vì bước đi đồng nhịp của nhiều người sẽ tạo nên sự rung động trong chiếc cầu, và sự rung động này càng lúc càng tăng cường lên với mỗi nhịp đi, cho đến lúc nó vượt quá sức đề kháng của vật liệu làm cầu, thì cầu có thể bị sập.
Hai thí dụ trên cho ta hiểu thêm về tầm quan trọng của sự tạo ra rung động, và chủ âm (keynote) của mỗi loại vật chất. Một người có thể phát ra một chủ âm và tạo ra một số rất lớn những rung động đồng cảm. Khi việc ấy được thực hiện ở cõi trần, thì không có sự phát triển thêm năng lượng. Nhưng chất liệu cõi trung giới linh hoạt hơn vật chất cõi trần, khi những rung động đồng cảm tác động lên nó, năng lực sống động của chất liệu này sẽ thêm vào xung lực tác động ban đầu, làm tăng thêm sức mạnh gấp nhiều lần. Với sự lặp lại các rung động ban đầu một cách nhịp nhàng, như trường hợp bước chân của những binh sĩ trên cầu, sự rung động có thể được tăng cường đến độ cho ra kết quả vượt mức so với nguyên nhân. Thật vậy, không thể nào định được giới hạn năng lực này khi nó được sử dụng bởi những vị Chân Sư cao cả đã hoàn toàn nắm vững nguyên lý đó. Chính sự thành lập vũ trụ cũng là kết quả của rung động phát xuất từ “Lời Nói” (Spoken Word).
Thần chú (mantras or spells): có những loại thần chú tạo ra kết quả không phải do sự kiểm soát vài loài tinh linh, mà do sự lặp lại vài âm thanh đặc biệt, sự hiệu nghiệm ấy cũng tùy thuộc vào tác động của rung động đồng cảm.
5. Sự phân tán vật thể (Disintegration)
Hiện tượng phân tán vật thể cũng có thể do tác động của những rung động cực nhanh, tạo ra một lực vượt quá lực kết hợp những phân tử của vật thể, cho ra những phân tử rời rạc nhau. Có một loại rung động khác thuộc cấp độ cao hơn, làm tách rời những phân tử này, cho ra những nguyên tử cấu tạo cơ bản. Bằng cách ấy một cơ thể được thu về tình trạng dĩ thái, có thể di chuyển rất nhanh theo dòng lưu chuyển trung giới từ nơi này đến nơi kia; khi năng lực tác động rút lui thì áp lực dĩ thái sẽ làm nó trở về trạng thái cũ.
Tân sinh viên huyền môn cảm thấy khó hiểu, làm sao vật bị phân tán, khi hồi phục trở lại còn giữ đúng hình thể cũ? Như một vật bằng sắt, thí dụ cái chìa khóa, bị nung chảy và nâng lên thành thể hơi do sức nóng, khi sức nóng rút đi, thì nó sẽ trở lại thành thể đặc, nhưng không phải là cái chìa khóa nữa, mà chỉ là một mảnh sắt. Luận cứ này cũng có lý, nhưng phương pháp loại suy không vững chắc. Loài tinh hoa chất thấm nhuần chất sắt của chìa khóa đã bị phân tán do điều kiện thay đổi, không phải vì tinh chất ấy bị ảnh hưởng bởi sức nóng, nhưng khi thể tạm thời của nó bị hủy hoại (thể đặc), nó trở về kho dự trữ to lớn của cùng loại tinh chất; dù không bị hủy hoại bởi sức nóng, nó vẫn buộc phải rút ra khỏi thể vật chất đang bị lửa hủy hoại.
Khi chìa khóa nguội lại và trở về thể đặc, thì tinh hoa chất thuộc thể đặc quay trở lại sẽ không đúng y như trước, và như thế sẽ không có lý do gì để giữ được hình dạng cũ. Nếu dùng phương pháp phân tán để đem chìa khóa theo dòng lưu chuyển trung giới từ nơi này đến nơi kia, ta phải cẩn thận giữ cùng tinh hoa chất trong cùng hình dạng, cho đến khi sự di chuyển hoàn tất. Khi lực ý chí rút đi, thì tinh hoa chất này sẽ làm phận sự như một cái khuôn để tiếp nhận sự đông đặc lại của những phân tử chất sắt, và ta có cái chìa khóa giữ nguyên hình dạng như cũ, trừ khi năng lực tập trung của người đang tạo hiện tượng bị mất đi giữa chừng.
Bằng cách này mà trong những buổi giáng thần tâm linh, những đồ vật được dời đi tức khắc với một khoảng cách rất xa. Khi được phân tán, đồ vật có thể dễ dàng đi xuyên qua bất cứ chất đặc nào, như: mặt của một cái hộp khóa kín, bức tường nhà; sự kiện này thường được gọi là “vật chất xuyên thấu vật chất”. Khi hiểu nguyên tắc này, ta thấy sự kiện đơn giản như nước chảy qua sàng lược, hay chất hơi xuyên qua chất lỏng trong những thí nghiệm hóa học.
6. Sự hiện hình (Materialiazation)
Khi biết một vật có thể được biến đổi từ thể đặc sang thể dĩ thái bằng cách thay đổi các rung động, ta dễ dàng hiểu tiến trình ngược lại của sự biến đổi từ chất dĩ thái sang chất đặc. Một hiện tượng được giải thích bằng sự phân tán vật thể, hiện tượng ngược lại được giải thích bằng sự “vật chất hóa” hay “sự hiện hình”. Trong trường hợp phân tán vật thể, cần cố gắng liên tục của ý chí để ngăn giữ vật thể không cho nó trở lại hình dạng ban đầu; trường hợp hiện hình cũng giống như thế, cần một cố gắng liên tục để ngăn cản vật thể đang hiện ra, không trở lại thể dĩ thái.
Ở các buổi giáng thần bình thường, sự hiện hình được thực hiện nhờ mượn chất liệu từ thể phách của người đồng, sự kiện này làm tổn hại sức khỏe của người đồng và cũng không tốt đẹp về nhiều phương diện khác. Trong trường hợp này, hình thể hiện ra thường ở gần bên người đồng, có một lực luôn lôi kéo trở về cái thể từ đó nó xuất phát, do đó hình hiện ra không giữ được lâu. Khi hình hiện ra tan biến thì chất liệu tạo ra nó trở về thể dĩ thái và quay lại ngay với thể phách người đồng
Có vài trường hợp thật rõ ràng là hình hiện ra bằng chất liệu vật chất đậm đặc, chất liệu này được mượn tạm từ cơ thể người đồng, hiện tượng này khó giải thích hơn. Chính tôi đã chứng kiến sự việc như vậy, với bằng chứng là sức nặng của cơ thể người đồng bị giảm rõ rệt. Có những trường hợp tuơng tự được kể lại trong quyển sách của Đại Tá Olcott “Con Người Từ Thế Giới Khác” (People from Other World), và trong quyển sách của M. A. Aksakow “Một Trường Hợp Phân Tán Vật Thể” (Un Cas de Dematerialization). Một trường hợp khác rất đáng chú ý được bà Esperance kể lại trong quyển “Thế Giới Của Bóng Tối” (Shadowland).
Có câu hỏi là: vì sao sự hiện hình trong những buổi giáng thần cần phải có bóng tối? Những thực thể điều khiển buổi giáng thần cảm thấy dễ chịu hơn nếu căn phòng ở trong bóng tối hay được che bớt ánh sáng, vì năng lực của chúng thường không thể duy trì được hình hiện ra hay chỉ một bàn tay hiện ra, lâu quá vài giây giữa sự rung động quá mạnh của ánh sáng chói.
7. Chụp ảnh bóng ma
Những người thường xuyên tham dự các buổi giáng thần, đều ghi nhận có ba loại hiện hình: thứ nhất là hình hiện ra có thể đụng chạm, nhưng không thấy được; thứ hai là có thể nhìn thấy, nhưng không sờ đụng được; thứ ba là hình hiện ra có thể nhìn thấy và sờ đụng được. Loại thứ nhất rất thường gặp, có “bàn tay vô hình” sờ vào mặt những người hiện diện, hoặc di chuyển đồ vật nhỏ trong phòng, và cũng có thể phát ra tiếng nói. Trường hợp này “kẻ vô hình” sử dụng một loại chất liệu không phản chiếu và cũng không cản ánh sáng, nhưng trong một số điều kiện nó có thể tạo ra những rung động trong bầu không khí để phát ra thành tiếng nói. Một biến thể của loại hiện hình này, dù không phản chiếu ánh sáng để có thể thấy được, nhưng có thể ảnh hưởng đến các tia cực tím, do đó đã để lại ít nhiều dấu vết trên phim ảnh, và tạo thành những “hình ảnh bóng ma”.
Khi năng lực không đủ để tạo ra sự hiện hình hoàn hảo, ta thấy hình ảnh mờ ảo thuộc loại thứ hai, khi ấy “vong linh” thường báo với các người tham dự là không được đụng chạm vào hình hiện ra. Loại hiện hình thứ ba ít khi xảy ra, trong trường hợp này, thực thể có đủ năng lực để giữ cho hình thể hiện ra trong một lúc, hình thể này có thể thấy và sờ đụng được.
Khi vị Chân Sư hay đệ tử thấy cần thiết để cho thể trí hay thể vía hiện hình, họ không rút chất dĩ thái từ thể phách của chính họ hay của bất cứ người nào khác, vì họ biết phương pháp rút trực tiếp chất liệu từ môi trường dĩ thái bao quanh.
8. Nhân đôi vật thể (Reduplication)
Hiện tượng này được thực hiện bằng cách tạo ra một hình ảnh trong trí giống y như vật muốn sao, để làm thành cái khuôn, và gom góp các chất liệu cần thiết thuộc cõi trung giới và cõi trần cho vào cái khuôn đó. Muốn làm được như vậy, mọi phân tử từ bên trong lẫn bên ngoài phải được giữ vị trí chính xác, do đó cần đến khả năng tập trung cao độ mới thực hiện được. Những người không đủ khả năng rút chất liệu trực tiếp từ dĩ thái chung quanh, đôi khi mượn chất liệu từ vật thể mẫu, trong trường hợp này vật mẫu sẽ bị giảm trọng lượng.
9. Sự kết tụ (Precipitation)
Một số sách Thông Thiên Học có đề cập đến sự kết tụ, làm xuất hiện chữ và hình ảnh trên giấy. Sự kiện này có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Vị Chân Sư muốn viết cho một người, có thể đặt tờ giấy ở trước mặt, tạo nên hình ảnh thể trí những chữ muốn viết, và rút từ dĩ thái các chất liệu để cụ thể hóa những dòng chữ ấy. Ngài cũng có thể tạo ra kết quả y như vậy trên một tờ giấy đặt trước mặt người mà Ngài muốn gởi tới, dù ở cách Ngài rất xa.
Phương pháp thứ ba, thường được áp dụng hơn vì nó tiết kiệm được thời giờ, bằng cách gieo ấn tượng toàn bộ bức thư lên thể trí của một đệ tử, và để cho người đệ tử làm công việc kết tụ bức thư. Người đệ tử đặt tờ giấy trước mặt, tưởng tượng thấy các chữ viết do chính bàn tay Đức Thầy, và thực hiện việc kết tụ như được mô tả ở trên. Nếu đệ tử cảm thấy khó khăn vì phải thực hiện hai việc cùng một lúc: rút chất liệu từ dĩ thái bao quanh và kết tụ nó trên tờ giấy, người ấy có thể để một ít mực viết hay ít bột màu trên bàn, sẵn sàng được rút ra khi cần.
Quyền năng này nếu ở trong tay những người thiếu đạo đức sẽ là một khí giới nguy hiểm, vì họ có thể bắt chước chữ viết của người khác mà không cách nào khám phá được sự giả mạo. Một đệ tử có liên hệ mật thiết với Đức Thầy, luôn luôn có cách trắc nghiệm để biết xem những bức thư gởi cho họ có phải từ Đức Thầy hay không. Còn đối với những người khác, bằng chứng về nguồn gốc của bức thư chỉ có thể dựa vào nội dung và “mùi vị tinh thần” của bức thư, chứ không thể dựa vào nét chữ để khám phá là thật hay giả, vì nét chữ có thể bị giả mạo giống hệt.
Một đệ tử mới học cách sử dụng năng lực kết tụ, mỗi lúc chỉ có thể tuởng tượng ra vài chữ, cho nên sử dụng năng lực kết tụ này còn chậm hơn viết bức thư theo lối thông thường. Nhưng người có nhiều kinh nghiệm, có thể hình dung trong trí trọn một trang hoặc trọn cả bức thư, sẽ làm công việc dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Bằng cách ấy, ở các buổi giáng thần những bức thư thật dài được thể hiện trong vài giây.
Phương pháp kết tụ một bức hình cũng giống như thế, nhưng điều tuyệt đối quan trọng là toàn cảnh phải được hình dung trong trí cùng một lúc. Nếu bức tranh càng có nhiều màu sắc thì công việc càng phức tạp hơn, vì phải giữ cho chúng không trộn lẫn nhau, và tạo trở lại chính xác các sắc thái của màu trong bức tranh. Về phương diện này cần phải có năng khiếu của họa sĩ, vì thế, không phải bất cứ cư dân nào ở cõi trung giới cũng có khả năng kết tụ một bức tranh đẹp như nhau. Một họa sĩ có tài, lúc còn sống đã có đôi mắt nghệ thuật, khi đến cõi trung giới sẽ thành công hơn người bình thường trong việc kết tụ một bức tranh đẹp.
10. Viết lên bảng đá (Slate-writing)
Trong những điều kiện trắc nghiệm, vài đồng tử đã trở nên nổi tiếng nhờ viết chữ lên bảng đá[33]. Việc trắc nghiệm như sau: một mảnh bút chì được đặt giữa hai tấm bảng đá có khoảng cách rất hẹp, chỉ đủ cho một bàn tay tâm linh hiện hình sử dụng để viết.
11. Thuật khinh thân (Levitation)
Thuật khinh thân thường được thực hiện bởi các nhà yogi Đông Phương, và đôi khi cũng xảy ra ở các buổi giáng thần; đó là cách làm cho xác thân con người nâng cao lơ lửng trong không khí. Ở một buổi giáng thần, chắc chắn là đồng tử được một bàn tay tâm linh nâng lên cao. Để thực hiện việc này, còn một cách khác khoa học hơn, thường được dùng ở Đông Phương và đôi khi ở Tây Phương. Khoa học huyền bí biết rõ cách trung hòa, hay làm đảo ngược hoàn toàn sức hút của trọng lực, nếu biết cách sử dụng khéo léo năng lực ấy thì mọi hiện tượng về khinh thân đều được thực hiện dễ dàng. Do sự hiểu biết về bí mật này mà ở châu Atlantis và Ấn Độ thời cổ, đã làm được những phi thuyền bay lên không trung và được điều khiển đến mục đích. Cũng có thể sự hiểu biết ấy đã giúp con người nâng cao các khối đá vĩ đại được dùng trong các công trình kiến trúc khổng lồ như kim tự tháp ở Ai Cập và cánh đồng đá (Stonehange) ở Anh Quốc.
12. Ánh sáng ma (Spirit lights)
Với sự hiểu biết về các năng lực thiên nhiên, và với những phương tiện cũng như năng lực cõi trung giới, cư dân cõi này có thể dễ dàng tạo ra hiện tượng “ánh sáng ma”. Nó có thể là ánh sáng dịu của lân tinh (phosphorescent) hay như điện xẹt làm chói mắt, hoặc có thể là những đốm lửa lạ lùng bay nhảy do vài loại tinh linh lửa tự biến hiện ra. Vì mọi loại ánh sáng đều do sự rung động của dĩ thái, nên bất cứ ai biết cách điều khiển các rung động ấy đều có thể tạo ra mọi loại ánh sáng theo ý muốn.
13. Nắm lửa trong tay (Handling fire)
Do sự trợ giúp của loài tinh hoa chất dĩ thái (etheric elemental essence) một người có thể nắm lửa trong tay mà không bị cháy bỏng, ngoài ra cũng có nhiều cách khác để làm được việc này. Khi bàn tay của người đồng hoặc của người tham dự buổi giáng thần được bao bọc bởi một lớp mỏng chất dĩ thái kỵ lửa, thì họ có thể an toàn khi cầm hòn than đang cháy hay một thanh sắt nung đỏ.
Ngoài những năng lực đặc biệt được kể trên, nguyên tắc đòn bẩy thông thường cũng hay được sử dụng để tạo vài hiện tượng nho nhỏ như: gõ nhịp lên bàn, hay làm nghiêng cái bàn. Trong trường hợp này, điểm tựa là cơ thể người đồng và đòn bẩy là một thanh ngoại chất (ectoplasm) phóng ra từ người đồng. (xin xem quyển “Cơ Cấu Tâm Linh” (Psychic Structures) của Dr. W. J. Crawford).
14. Biến chất (Transmutation)
Chúng ta đã đề cập hầu hết các hiện tượng xảy ra trong các buổi giáng thần, còn hai hiện tượng hiếm thấy hơn ở ngoài đời cần được đề cập nơi đây, đó là sự biến chất và sự phản hưởng. Làm biến chất các kim loại là một vấn đề mà những nhà luyện kim (Alchemists)[34] thời trung cổ mơ ước. Trong nhiều sách mô tả về thuật luyện kim, thật ra họ chỉ đưa ra những biểu tượng cho việc làm trong sạch hóa linh hồn. Tuy nhiên, có vài bằng chứng cho thấy những nhà luyện kim có thể đã thành công trong việc làm này. Hiện nay có những thuật sĩ Đông Phương tự nhận là có thể làm việc ấy dưới những điều kiện trắc nghiệm. Khoa học hiện đại cũng làm nhiều thí nghiệm theo chiều hướng ấy và có thể sẽ thành công với thời gian. Vì nguyên tử căn bản (ultimate atom) của mọi chất liệu là một, chỉ có cách sắp xếp khác nhau để tạo ra các loại vật chất khác nhau. Một người có năng lực phân tán một mảnh kim loại đến trạng thái nguyên tử, sau đó sắp xếp chúng lại theo hình thức khác, thì có thể biến đổi kim loại ra bất cứ thứ gì khác.
15. Sự phản hưởng (Repercussion)
Nguyên lý của sự rung động đồng cảm đã được đề cập ở trên, có thể dùng để giải thích hiện tượng ít được biết đến, đó là hiện tượng phản hưởng. Trong hiện tượng này, những dấu vết hoặc thương tích gây ra trên cơ thể hiện hình, sẽ gây ra trên chính thể xác của người ấy. Ta có thể thấy những dấu tích của hiện tượng này trong các vụ xử phù thủy thời trung cổ. Những mẩu chuyện ấy thường ghi lại rằng một vài vết thương gây ra cho người phù thủy đang đội lốt chó hay sói, sẽ được tìm thấy trên phần cơ thể tương ứng của chính người phù thủy. Hiện tượng giống như thế cũng đôi khi xảy ra trong các buổi giáng thần, và đã gây nên những cáo buộc oan ức về gian lận cho đồng tử. Người ta đã thoa một chất màu lên bàn tay của “vong linh hiện hình”, sau đó lại thấy vết màu trên bàn tay của người đồng. Trường hợp này, cũng như những trường hợp khác cùng loại, được giải thích như sau: hình hiện ra của vong linh là thể phách của người đồng, được một năng lực mượn và biến dạng thành một hình khác. Sự kiện là thể xác và thể phách liên hệ nhau rất chặt chẽ, nên khi đụng vào “chủ âm” của thể này sẽ tức khắc gây nên những rung động tương ứng nơi thể kia.
CHƯƠNG V
KẾT LUẬN
Đến đây, tôi hy vọng những độc giả thích thú đọc quyển sách này có thể có một ý niệm tổng quát về cõi trung giới và các năng lực của nó. Điều này giúp các bạn hiểu và đặt vào chỗ thích hợp những sự việc có liên quan đến cõi ấy, khi các bạn gặp trong các sách về sau. Dù đây chỉ là một phác họa thô sơ của một đề tài quá rộng lớn, nhưng cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của sự hiểu biết cõi trung giới nếu đem áp dụng trong việc nghiên cứu về sinh vật học, vật lý học, hóa học, thiên văn học, y học, và lịch sử. Sự phát triển những năng lực cõi trung giới có thể là một lực đẩy rất mạnh cho các môn khoa học này.Không bao giờ nên nghĩ rằng đạt được các quyền năng này là mục đích cuối cùng, vì mọi phương tiện để đạt được quyền năng, không thể tránh khỏi đưa đến điều mà người Đông Phương gọi là phương pháp phát triển “laukika”, tức một phương pháp phát triển để đạt được vài quyền năng tâm linh, mà những quyền năng tâm linh này chỉ tạm thời và giới hạn trong kiếp sống của phàm ngã hiện tại. Phát triển quyền năng theo phương pháp này không được an toàn, và người có các quyền năng này thường sử dụng chúng theo chiều hướng sái quấy. Phương pháp phát triển này có liên hệ đến việc dùng “thuốc”[35], cầu đảo các tinh linh, luyện bùa chú, hay thực hành Hatha Yoga.
Có phương pháp khác gọi là “Lokottara”, đó là Raja Yoga hay sự tiến bộ tâm linh, tuy phương pháp này có vẻ chậm hơn những phương pháp kể trên, nhưng thành quả đạt được trên con đường này sẽ tồn tại với chân ngã trường tồn, không bao giờ mất. Người theo phương pháp này thường được Chân Sư hướng dẫn để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh được việc sử dụng sái quấy, nếu các qui luật của Ngài đưa ra được tuân hành cẩn thận. Việc mở nhãn thông cõi trung giới chỉ nên được xem như một giai đoạn trong sự phát triển rất cao quí của con người, nó chỉ là một bước rất nhỏ trên Con Đường Tiến Lên. Con đường này dẫn nhân loại đến độ cao tột đỉnh của địa vị Chân Sư, và còn cao hơn nữa, có thể đến một viễn cảnh huy hoàng của minh triết và quyền năng vô biên, mà trí óc giới hạn của chúng ta hiện nay không thể hiểu rõ được.
Đừng nghĩ rằng người khai mở được nhãn thông cõi trung giới là một phước báu, vì khi có được nhãn quan này, thì những sự đau buồn, thống khổ, ác độc và tham lam của thế giới áp lực như một gánh nặng luôn luôn đè lên họ, cho đến khi họ cảm thấy thấm thía với tiếng vọng của những lời khẩn khoản thiết tha của Schiller: “Tại sao Ngài không ném tôi vào thành phố của những người mù vĩnh viễn, và công bố lời sấm về việc khai mở giác quan? Hãy lấy lại ánh sáng đáng buồn này, lấy lại ánh sáng tàn nhẫn từ đôi mắt tôi ! Trả lại tôi với sự mù lòa - sự đen tối hạnh phúc của giác quan; hãy lấy lại món quà dễ sợ của Ngài !” Có lẽ cảm giác này không được tự nhiên trong giai đoạn đầu của đường đạo, khi thấy xa hơn và hiểu biết sâu rộng hơn, người sinh viên huyền môn sẽ nhận thấy chắc chắn rằng tất cả mọi sự việc đều tương tác lẫn nhau cho sự tốt đẹp của tất cả.
Giờ qua giờ, như hoa đang nở,
Chân lý đang hiển lộ dần dần.
Dù trời nhạt nắng, sao băng,
Dù cho vũ trụ xoay vần thịnh suy.
Nhưng Thiện Luật luôn ghi sáng tỏ,
Ánh hào quang lan tỏa mười phương.
Trải bao thế kỷ vô thường,
Thiên nhiên vẫn tác động trong muôn loài.
Cuộc tiến hóa lâu dài không vội,
Từ nhỏ nhoi cho tới cao xanh,
Qua bao thiên kiếp tác thành,
Luật Trời công chính chẳng dành riêng ai.
---HẾT---
PHỤ LỤC
Sau đây là lời cầu nguyện của người da đỏ Hopi, thuộc nhóm Shoshonean Pueblo Indian, bộ tộc này còn sống rãi rác ở vùng núi miền bắc tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. Nguyên tác bản Anh ngữ của Josh Wexler, do Hoàng Thái Vân phỏng dịch .
***
Bên mộ tôi, xin người đừng khóc,
Tôi không say trong giấc ngủ dài.
Tôi là ngàn gió ban mai,
Là kim cương chiếu sáng ngời tuyết băng.
Trên đồng lúa chín vàng trĩu hạt,
Là ánh dương tỏa sáng nơi nơi,
Là mưa thu dịu nhẹ rơi,
Là chim tung cánh lúc trời bình minh.
Trong tĩnh lặng, như hình như ảnh,
Là muôn sao lấp lánh trong đêm;
Lên cao, cao mãi tới miền…
Xin đừng than khóc ở bên mộ này.
***
[1] Trắc nghiệm cuối cùng trong việc huấn luyện này được tác giả diễn tả chi tiết ở chương “Thử Thách Lòng Can Đảm” trong quyển “Hương Thơm của Ai Cập” [2] Ông Leadbeater thụ phong Giám Mục dòng Thiên Chúa Giáo Tự Do năm 1916
[3] Tôn Giáo Minh Triết ( Wisdom-religion)
[4] Mỗi cõi (plane) được chia thành 7 cảnh (subplanes). Chất liệu cấu tạo nên 7 cảnh của cõi trần từ đậm đặc đến thanh nhẹ như sau: đặc, lỏng, hơi, dĩ thái IV, III, II, I. (LDG)
[5] Có 7 cõi trong thái dương hệ, mỗi cõi (plane) được chia thành 7 cảnh (subplanes) LDG
[6] Trọng lực (gravitation)
[7] Điểm cận địa (perigee): điểm trong quĩ đạo của hành tinh gần địa cầu nhất. Điểm viễn địa (apogee): điểm trong quĩ đạo của hành tinh xa địa cầu nhất.
[8] Cube: hình lập phương hay hình khối vuông, có 6 mặt bằng nhau (LDG)
[9] Emanation: bốc lên, xông lên, phát xuất.
[10] Ether: chất dĩ thái, cấu tạo nên 4 cảnh cao của cõi trần, tính từ đậm đặc đến thanh nhẹ, ta có: đặc, lỏng, hơi, dĩ thái IV, III, II, I. (LDG)
[11] Counterpart: phó bản hay đối phần
[12] Aura: hào quang; auric egg: noãn hào quang
[13] Thể phách còn được gọi là nhị xác thân (etheric double), sinh lực: phạn ngữ gọi là prana.
[14] Nghiệp Quả Tinh Quân (Lords of Karma), còn được biết đến với tên Nam Tào Bắc Đẩu.
[15] Nguyên tử: atom; nguyên tố: element
[16] Tinh linh thiên nhiên (nature-spirit) còn được gọi là tinh linh ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) (LDG).
[17] Phát triển khả năng tâm linh (Psychically-developed), tiến hóa tinh thần (spiritually developed)
[18] Những bản thể cao: the higher principles
[19] Dòng lưu chuyển trung giới: Astral currents
[20] 18 inches = 45.72 cm
[21] Dugpas: phái Mũ Đỏ, mặc áo và đội mũ màu đỏ, ở phía tây nước Tây Tạng, thực hành tà thuật, khi Phật Giáo truyền vào Tây Tạng, phái này đem tín ngưỡng tà giáo của họ xâm nhập vào đạo Phật. Trái với phái Mũ Vàng (Gelugpa) do Ngài Tsong-ka-pa lập ra, khi Ngài qua Tây Tạng cải cách lại Phật Giáo. (LDG)
[22] Các nguyên lý cao (higher principles) như: ý chí, bồ đề tâm, thượng trí; các nguyên lý này tương đương với các thể như: thể Atma, thể Chân Phúc (Bliss-body), Nhân Thể (causal body), xin xem quyển Minh Triết Cổ Truyền, chương VI. (LDG)
[23] “a law of the members warring against the law of the mind”
[24] Các nguyên lý (principles): từ này dùng để chỉ phương diện sống trong các thể, như tình cảm trong thể vía, trí tuệ thấp (lower manas) trong thể hạ trí, trí tuệ cao (higher manas) trong nhân thể…(LDG)
[25] A-Tỳ (Avitchi), hay “cõi thứ tám” (eight sphere): theo truyền thuyết, đó là địa ngục cuối cùng trong 8 địa ngục; theo Thiên Chúa Giáo, đó là nơi dành cho người mất linh hồn. (LDG)
26] Xác thân con người gồm 2 phần: thể xác, hay thể đậm đặc (dense body) và thể phách, tức phần dĩ thái của xác thân, hay nhị xác thân (etheric double) (LDG)
[27] sát-na: khoảng thời gian rất ngắn, chỉ bằng một phần cực nhỏ của một giây đồng hồ. (LGD)
[28] Tinh hoa chất = elemental essence. Tinh chất chân thần = monadic essence (LDG)
[27] sát-na: khoảng thời gian rất ngắn, chỉ bằng một phần cực nhỏ của một giây đồng hồ. (LGD)
[28] Tinh hoa chất = elemental essence. Tinh chất chân thần = monadic essence (LDG)
[29] Thành hoàng (The village-god) cũng có thể là những thực thể nhân tạo, sẽ được đề cập ở nơi thích hợp.
[30] Bầu F là hành tinh thứ 6 của dãy địa cầu. Địa cầu là bầu D, tức hành tinh thứ 4 của dãy địa cầu (xin xem Minh Triết Cổ Truyền, chương “Tạo Lập Một Vũ Trụ” LDG)
[31] Lipika: Nghiệp Quả Tinh Quân, Đại Thiên Thần nhân Quả, hay còn được gọi là các vị Nam Tào Bắc Đẩu. (LDG)
[32] xin xem chương Quang Cảnh, nhắc lại: 7 cảnh cõi trung giới được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm cảnh 1,2,3; nhóm 2 gồm cảnh 4,5,6; nhóm 3: chỉ có cảnh thứ 7
[33] Slate: loại đá phiến màu lam xám, dễ lạng thành những lớp phẳng và mỏng, thường dùng làm bảng viết.
[34] Alchemy: thuật luyện kim, chuyển hóa kim loại thường thành vàng, còn được gọi là giả kim thuật. (LDG)
[35] “Drugs” những thuốc gây say hoặc ảo giác như: morphine, mescaline, LSD, peyote…(LDG)
[30] Bầu F là hành tinh thứ 6 của dãy địa cầu. Địa cầu là bầu D, tức hành tinh thứ 4 của dãy địa cầu (xin xem Minh Triết Cổ Truyền, chương “Tạo Lập Một Vũ Trụ” LDG)
[31] Lipika: Nghiệp Quả Tinh Quân, Đại Thiên Thần nhân Quả, hay còn được gọi là các vị Nam Tào Bắc Đẩu. (LDG)
[32] xin xem chương Quang Cảnh, nhắc lại: 7 cảnh cõi trung giới được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm cảnh 1,2,3; nhóm 2 gồm cảnh 4,5,6; nhóm 3: chỉ có cảnh thứ 7
[33] Slate: loại đá phiến màu lam xám, dễ lạng thành những lớp phẳng và mỏng, thường dùng làm bảng viết.
[34] Alchemy: thuật luyện kim, chuyển hóa kim loại thường thành vàng, còn được gọi là giả kim thuật. (LDG)
[35] “Drugs” những thuốc gây say hoặc ảo giác như: morphine, mescaline, LSD, peyote…(LDG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét