- Dùng ánh sáng ‘bức tử’ kiến trúc

Chẳng có TP nào trên thế giới có cách trang trí đô thị kỳ lạ như ở nước ta.
 Vật liệu đèn LED xanh đỏ lòe loẹt có lẽ được lấy cùng một nguồn làm đèn mờ quán cà phê hay karaoke.

http://soha.vn/xa-hoi/cuu-thu-truong-bxd-trang-tri-dang-lam-dung-tuc-hoa-tham-my-hn-20160118003821264.htm

Trang trí lòe loẹt trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội gây ra nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Thời gian gần đây, trên các tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện nhiều hạng mục trang trí mới. Tuy nhiên, chưa bao giờ dư luận lại có nhiều ý kiến bày tỏ sự không hài lòng với cách thức trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc như hiện nay. Tiếp thu ý kiến của người dân, Hà Nội đã cho dỡ bỏ và điều chỉnh một số hạng mục trang trí.


Đừng tưởng cứ làm sáng trưng lên là đẹp
. Phóng viên: Ông đã từng đến nhiều TP trên thế giới, ông nhận thấy ở những nơi đó họ trang trí đường phố như thế nào?

+ Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Tôi đã đi khoảng 30 TP trên thế giới. Ở những TP này có một đặc trưng rất rõ ràng là cảnh quan đô thị có sự phân biệt rõ ràng với hai hạng mục chính, đó là hạng mục kiến trúc và hạng mục nghệ thuật công cộng. Và tôi phải thú thật rằng chẳng ở đâu có kiểu trang trí kỳ lạ như ở nước ta.

. Theo ông thấy, hạng mục trang trí kiến trúc ở các nước được tiến hành như thế nào?

+ Đối với hạng mục thứ nhất, bao giờ một TP cũng không chỉ là TP của ngày hôm nay mà nó còn là TP của quá khứ, có truyền thống di sản của kiến trúc, đó chính là những thành tố quan trọng của đô thị. Buổi tối tất cả kiến trúc của TP, của những mặt tiền các tòa nhà, những công trình kiến trúc mang tính lịch sử được họ chiếu sáng rất đẹp. Tùy từng căn nhà mà họ có những giải pháp chiếu sáng vừa phải, làm nổi bật được kiến trúc, cái đó được gọi là dùng ánh sáng để vẽ làm nổi kiến trúc lên. Ở các TP lớn của các nước từ Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Budapest (Hungary)… họ nhấn vào những cái cầu, những công trình kiến trúc ở trong TP, buổi đêm nó giống như là một tác phẩm điêu khắc. Lúc đó kiến trúc và điêu khắc hòa làm một… chứ không làm như Việt Nam.

. Cái kiểu “làm như Việt Nam” mà ông đề cập là làm như thế nào?

+ Kiểu của Việt Nam không giống ở đâu cả, hoàn toàn không có TP nào trang trí giống kiểu Việt Nam. Tức là giăng đèn kết hoa, dùng ánh sáng để làm hại kiến trúc. Kiểu của Việt Nam hoàn toàn chỉ có tư duy thắp sáng thôi, cứ sáng trưng hết cả lên, không có giải pháp gì để chiếu sáng. Việc này phải có chuyên môn chứ không phải phó mặc cho mấy ông chiếu sáng đô thị hoặc những công ty về chiếu sáng, họ phải có kiến thức mới biết đánh đèn.

Trang trí phố bằng đèn mờ của quán karaoke?
. Ở Hà Nội, những công trình trang trí gần đây bị phê phán ở việc sử dụng quá nhiều đèn màu, trông rất nhức mắt, ông có đồng tình với ý kiến này không?

+ Tôi cũng nghĩ như thế. Ở các TP trên thế giới, mục đích của họ khi trang trí là gợi được vẻ đẹp chân thật, trung thực chứ không phải là biểu diễn màu mè trên đấy. Còn nước ta cái màu xanh, đỏ lòe loẹt trong trang trí đô thị không khác gì quán karaoke. Tôi còn nghĩ rằng vật liệu đèn LED được sử dụng có lẽ được lấy cùng một nguồn từ Trung Quốc khi họ làm đèn mờ quán cà phê hay karaoke. Tất cả chỉ xoay quanh mấy màu cơ bản xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, nõn chuối. Về mặt thị giác và chuyên môn thì đó là những màu tư duy của biển quảng cáo, biển báo các nhà dân. Tất cả TP ở các nước màu sắc trang trí không bao giờ quá đơn giản như thế. Màu của họ dùng không bao giờ có màu nguyên bản. Màu đỏ mình dùng đặc biệt rất nhức mắt và rất ô nhiễm. Nếu nói nặng hơn thì đó không phải là vấn đề không đẹp nữa mà là ô nhiễm ánh sáng cực nặng.

Nghệ thuật công cộng chỉ mang tính thị uy
. Còn hạng mục thứ hai, nghệ thuật công cộng ở ta và các nước có gì khác biệt, thưa ông?

+ Ở hạng mục thứ hai, các TP mà tôi biết họ mời rất nhiều nghệ sĩ bằng ngân sách của TP, bởi vì nghệ thuật công cộng là dấu ấn của cá nhân, dấu ấn của nghệ sĩ chứ không phải dấu ấn của ông quản lý đô thị, của ông chiếu sáng hay thẩm mỹ của ông chi tiền… Người quản lý hoàn toàn kiểm soát được và tạo cơ chế dân chủ khi có quỹ để mời các nghệ sĩ, họ sẽ đưa ra những ý tưởng và sau đó có hội đồng để tuyển chọn cái nào đẹp thì sẽ đầu tư cho nghệ sĩ thực hiện.

. Ông có thể dẫn chứng một công trình được thực hiện theo cách ấy không?

+ Ví dụ như ở TP Amsterdam (Hà Lan), họ đã làm được một cái chữ “I amsterdam” (một cách chơi chữ), mọi người có thể đứng hoặc trèo lên cái chữ ấy để chụp ảnh. Mỗi người đứng vào lại trở thành một tác phẩm mới. Nên nhớ,nghệ thuật công cộng có một đặc tính rất quan trọng là tính tương tác, công trình như tôi vừa dẫn chứng có đặc tính đó. Còn ở nước ta các công trình nghệ thuật công cộng không có tính tương tác mà mang tính thị uy chứ không thân thiện như các nước.

TP Hà Nội đang mệt mỏi, không có bản sắc

. Theo ông, có cách gì để cải thiện trang trí ở các TP của nước ta?

+ Trước hết, tôi phải khẳng định những phố ở nước ta như Hà Nội chẳng hạn vốn có nhiều yếu tố để làm đẹp. Đó là cụm phố cổ, cụm nhà Hoàng thành Thăng Long, cụm biệt thự Pháp… Đó chính là linh hồn, bản sắc của TP. Nhưng nếu như không có tư duy trang trí, tư duy thẩm mỹ thì sẽ biến nó thành một TP mệt mỏi, không có bản sắc. Ở TP.HCM, tôi thấy họ có ý tưởng hơn, đẹp hơn trong trang trí, như chợ Bến Thành có kiểu trang trí rất ổn, đẹp. Rõ ràng bản thân phố có tiềm năng để làm đẹp, vấn đề là cần xác định rõ mục đích trang trí để làm gì. Nếu trang trí như tôi nói là để trình diễn màu mè thì chỉ đến thế thôi. Muốn tạo ra bản sắc thì phải có bàn tay của những người nghệ sĩ thực sự chứ không phải phó mặc nó cho những người không có chuyên môn.

. Xin cám ơn ông.


Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: 

Quản lý mỹ thuật đô thị của ta rất buồn cười 

Bản thân một đô thị ở ta đã sôi động rồi, xung quanh hai bên đường đã là nhà rồi cột, rồi cây thì việc trang trí cần phải làm sao cho nghiêm túc sạch sẽ. Về mẫu trang trí hiện nay tôi cũng chẳng biết ai vẽ mẫu, nhiều cái rất buồn cười, ví dụ như hình hoa tóc tiên rũ xuống, trong khi thực tế không có hoa tóc tiên nào lại đi rũ xuống, mà xung quanh nó (đài phun nước tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – PV) chật lắm, đưa vào cái gì phải xem không gian có chứa được không. Nói chung quản lý mỹ thuật đô thị của ta có vấn đề, các đô thị cần xem lại tính thẩm mỹ. Chúng ta đừng mất quá nhiều thì giờ vào đèn đóm hoa hoét mà chú ý đến TP xanh đẹp có thẩm mỹ, đặt cái gì vào cũng cần phải tính toán nếu không thêm một đống các thứ mới vào chẳng đẹp đẽ gì cả. 

THEO PHÁP LUẬT TP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét