- Đại hội 12 cần đột phá tư duy ra sao?

PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách và Phát triển 

Kinh tế tư nhân có thể giữ vai trò ‘chủ đạo’ và đảng nên thay cụm từ ‘Kinh tế thị trường định hướng XHCN’ bằng ‘Kinh tế thị trường hiện đại’, theo tác giả.

Năm 2016 đánh dấu năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm Đại hội 12 đảng Cộng sản Việt Nam.

Người dân hy vọng và chờ đợi những thay đổi mạnh mẽ hơn về kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay Việt Nam cần có tư duy đột phá thay đổi ý thức hệ đang cản trở quá trình tiếp tục đổi mới.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam gần đây đã có thay đổi đáng kể số lượng và chất lượng, cả về tư duy, chính sách và thực tế.

Luật doanh nghiệp ra đời (1999) và sửa đổi (2015) tạo khuôn khổ pháp lý cho số lượng các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tăng từ trên 1.000 năm 1999 đến khoảng 500.000 hiện nay, và mong muốn có 2 triệu DNTN vào năm 2020!


Tư nhân làm ‘chủ đạo’
Có lẽ không lâu nữa khu vực này sẽ thay thế kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước để giữ vai trò ‘chủ đạo’.PGS. TS. Phạm Quý Thọ

Tuy phần lớn doanh nghiệp tư nhân, trên 85%, là doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, nhưng đang có xu hướng tích tụ vốn nhanh chóng để trở thành các tập đoàn ‘đại gia’.

Quan sát trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm gần đây (2006-2015), phần nhiều trong top 100 đại gia có số vốn năm 2015 lớn nhất là 22.575 nghìn tỷ (trên 1 tỷ $ – theo tỷ giá thời điểm) và thấp nhất là 184 tỷ (trên 8 triệu $).

Tính riêng tổng tài sản của 10 gia đình đứng đầu sàn chứng khoán năm 2015 là 55.950 tỷ đồng (ước tính khoảng 2,49 tỷ USD). Nếu tính tổng 30 gia đình giàu nhất sàn chứng khoán, số lượng tài sản có được nhờ nắm giữ các cổ phiếu niêm yết là 74.664 tỷ đồng (ước khoảng 3,3 tỷ USD).

Đa số họ giàu lên nhờ hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và tài chính – ngân hàng, giàu đặc biệt nhanh trong thời kỳ ‘bong bóng’ 2008-2012.

Vị trí của các ‘đại gia’ có thể thay đổi theo từng năm, song ước tính trong 10 năm số tài sản chứng khoán của họ tăng hơn 6 lần. GDP bình quân đầu người trong thời kỳ này cũng chỉ tăng khoảng 3 lần.

Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quyết định các vấn đề về nhân sự và đường lối của đảng, nhà nước cho một nhiệm kỳ năm năm nữa.

Nhận thức vai trò của doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân cũng thay đổi nhiều. Năm 2015 trên diễn đàn chính sách đã nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng phát triển đất nước. Có lẽ không lâu nữa khu vực này sẽ thay thế kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước để giữ vai trò ‘chủ đạo’.

Trong nhiệm kỳ quốc hội khóa 13 cũng có một số doanh nhân được ‘hiệp thương’ để trở thành nghị sĩ. 38 trong số 100 doanh nhân đã trúng cử, trong đó có 2 chị em nhà họ Đặng – đại gia trên sàn chứng khoán, ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) và bà Đặng Thị Hoàng Yến (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Tạo).

Nên chăng trong Báo cáo chính trị trình Đại hội 12 cân nhắc thay cụm từ ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ bằng “kinh tế thị trường hiện đại” là đủPGS.
TS. Phạm Quý Thọ

Rủi ro, cũng ngay trong nhiệm kỳ quốc hội 13 này 2 nữ nghị sĩ, bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga (đại biểu của Hà Nội) ‘ngã ngựa’, bị tước quyền nghị sĩ vì lý do khác nhau.

Kinh tế thị trường ‘hiện đại’
V.I. Lê Nin – lãnh tụ của nước Nga Xô Viết từng nói, đại thể, chính trị là biểu hiện của kinh tế tập trung.

Việc hiện diện của các doanh nhân trên nghị trường cũng là xu hướng mới.

Liệu họ có đông hơn và tiếng nói của họ có mạnh hơn, phản ánh lợi ích của một tầng lớp xã hội – các nhà tư bản về thực chất, trong các khóa tới của quốc hội Việt Nam.

Tính chất nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi mạnh.

Nên chăng trong Báo cáo chính trị trình Đại hội 12 cân nhắc thay cụm từ ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ bằng “kinh tế thị trường hiện đại” là đủ.

Nhà nước vẫn sẽ luôn có vai trò ‘kiến tạo’ trong quá trình phát triển và cải tổ theo hướng mới, theo tác giả.
Cách diễn giải ‘chủ nghĩa’ cần được hiểu như là phương tiện của sự phát triển, chứ không phải là mục đích. Quỹ đạo cơ bản phát triển kinh tế loài người hiện tại là thị trường.

Thị trường sản sinh động lực cạnh tranh làm giàu, từ đó phát triển kinh tế. Thị trường đang được coi là công cụ hữu hiệu để phân phối các nguồn lực xã hội và cá nhân.

Thị trường càng hoàn thiện thì xã hội trung lưu được mở rộng, các mặt trái được khắc phục và khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp.

Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, điều kiện để giải quyết các vấn đề xã hội được mở rộng. Nhà nước sẽ luôn có vai trò kiến tạo trong quá trình phát triển này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét