=>> MÊ TÍN VÀ MÔNG MUỘI

VÌ SAO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG MÊ TÍN DỊ ĐOAN MỘT CÁCH MÔNG MUỘI?


Mê tín dị đoan có từ thời cổ sơ, mông muội. Dù các vĩ nhân tìm cách khai sáng...


VÌ SAO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG MÊ TÍN DỊ ĐOAN MỘT CÁCH MÔNG MUỘI?
Mê tín dị đoan có từ thời cổ sơ, mông muội. Dù các vĩ nhân tìm cách khai sáng nhiều lần, nhưng con người mông muội thì vẫn mông muội. Sự mông muội tàn sát con người hơn bất cứ sự tấn công nào từ bên ngoài.

Huyền thoại Hy Lạp ghi nhận, khi Prometheus giao cho người em sáng tạo ra loài người, so với vạn vật, loài người là giống yếu đuối nhất: khó sinh đẻ, dễ chết yểu trước sự tấn công của giống loài khác, dù đó là con vật nhỏ bé nhất, như virut.

Prometheus thấy vậy mới cho con người trí khôn để tự khắc phục sự yếu đuối của nó.
Nhưng trí khôn của loài người thì phải hình thành qua hàng triệu năm. Ngoại trừ số ít những người hiểu biết hay giác ngộ, đa số phát triển trí khôn theo hai hướng và hình thành hai loại người: 
1) Kẻ "khôn ngoan" cúi đầu khuất phục tất cả để cầu an, thậm chí hy vọng chết rồi hóa thân vào kiếp khác để tiếp tục sống, và như vậy, tốt nhất là cái gì cũng tôn thờ, quỳ lạy và hiến tế,

 2) Lợi dụng sự yếu đuối của đám đông, kẻ khôn lỏi bịa chuyện đồng bóng với đủ loại thần linh, ma quỷ để đe dọa, và như vậy, loại người này có thể thống trị cả đám đông để trục lợi.

Loại thứ nhất cũng được xếp vào trí khôn nhưng khôn ngoan, đúng nghĩa là ngoan ngoãn để được bề trên chiếu cố, gọi ban phúc. Ban đầu đơn giản là người ta thờ cúng tự nhiên, mong mưa thuận gió hòa để kiếm sống. Họ thờ cúng từ cái to lớn như Trời, Đất, Núi, Sông... cho đến thờ cúng những loài vật nhỏ nhất như con chuột (tục cúng ông Tý), cả con virut (cúng trừ tà trong dịch bệnh). Nhờ trí khôn này, con người tự an ủi và nương theo tự nhiên mà tồn tại. "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" thành phương châm sống. Đến khi gặp thiên tai nặng nề sự khôn ngoan này thành ngu muội, đến mức giết người lấy máu hay tế sống đồng loại cho thánh thần, ma quỷ. Tục trộn thịt người tế thần Zeus ở Hy Lạp, tế thần Baal ở Trung Đông, tế gái đồng trinh cho Hà Bá ở vùng sông nước là những điển hình.

Loại thứ hai hình thành nên cường quyền khi sự khôn lỏi, tức lưu manh, của nó nấp bóng thần quyền. Không ngẫu nhiên mà các bộ tộc nguyên thủy đều có các thầy mo đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần của cả bộ tộc. Quan hệ giữa thầy mo và tù trưởng cứ như là quan hệ giữa cấp ủy và chính quyền vậy. Thầy mo nhân danh thánh thần, ra mệnh lệnh và phán xét tất cả. Vậy là vô số chuyện thần thánh, ma quỷ ra đời. Chúng tạo ra các nghi lễ gồm nghi thức và lễ vật bắt cả cộng đồng phải quy phục, hiến tế, bất khả kháng. Sự ngu muội của đám đông đã vỗ béo cho các thầy mo và kẻ đứng đầu, nhưng lại nhân danh vì thánh thần. Sự man rợ ngày một man rợ hơn. Khi kẻ có quyền lực được phong thần thì người ta thi nhau hiến tế, đến mức một thằng đàn ông giàu có chết đi còn được chôn sống theo cả đàn bà, người hầu để nêu gương tận tụy, hy sinh.

Mê tín dị đoan là một thứ tôn giáo thế tục. Sống sao chết vậy. Sống tham ăn, chết cũng tham ăn mới bày ra cũng tế mâm cao cỗ đầy. Sống hối lộ chết cũng hối lộ mới có chuyện buôn thần bán thánh trong tâm linh đi liền với buôn quan bán tước trong quan hệ thế tục.

Đó chính là lý do Đức Thích Ca, Lão Tử, Chúa Jesus làm cuộc cách mạng tín ngưỡng, kêu gọi thoát tục. Tất cả mọi mê tín dị đoan đều xếp vào tà giáo.
Tín ngưỡng thuộc đức tin: tin vào đạo trời (khác luật thế tục), tin vào điều thiện và tình thương. Tín ngưỡng khác với mê tín dị đoan, mà bản chất của nó là bịa đặt chuyện hoang đường để đe dọa, để vì lợi ích cá nhân, trục lợi. Đã mê tín dị đoan thì không việc xấu, việc ác nào người ta không làm. Nhiều khi cướp, giết, hiếp, chiến tranh, khủng bố chỉ vì mê tín dị đoan. Điều này dễ chứng minh khi khảo cổ các tập tục nguyên thủy cho đến xung đột tôn giáo trong cuộc sống hiện đại.

Các cuộc cách mạng tôn giáo, mặc dù vạch ra sự khác biệt giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan, nhưng các vĩ nhân khai sáng cho nhân loại này lại không ngờ chính tôn giáo do họ lập ra cũng rơi vào mê tín dị đoan. Điều này cũng giống như nhiều quốc gia ra luật "cấm tuyên truyền mê tín di đoan", "nói không với tà giáo" nhưng càng cấm, càng hô khẩu hiệu, mê tín dị đoan hay tà giáo càng mọc ra như nấm, cuối cùng chính tà bất phân, xã hội rơi vào rối loạn cực đỉnh. Càng khai sáng con người càng mông muội.

Trong khi các tôn giáo lớn trên thế giới đang tìm cách thoát tục, tức thoát khỏi mê tín dị đoan thì Phật giáo lại sa lầy một cách nghiêm trọng. Kể từ khi du nhập vào Trung Hoa, cái Niết Bàn được treo nơi Tây phương Cực lạc và 18 tầng Địa Ngục rùng rợn đặt dưới chân loài người, Phật giáo tự lột trần chiếc áo thầy tu để đưa con người về trạng thái nguyên thủy. Không khác các thầy mo cổ đại, các nhà tu tha hồ thêu dệt vô số chuyện thánh thần, ma quỷ để đe dọa mọi người, bắt mọi người phải quy phục. Các chiêu bài: "Càng nghèo càng phải cúng dường Tam bảo càng nhiều thì mới hết nghèo", "Ăn cắp là việc làm sai quấy nhưng đem của ăn cắp cúng dường thì không sai quấy"... có khác gì thầy mo thời bộ tộc nguyên thủy bày trò đồng bóng vắt kiệt sức người nghèo, hút máu người bệnh để tăng cường sức mạnh cho các thế lực thống trị?

Một dân tộc ngày càng mê tín dị đoan, chứng tó đó là một dân tộc yếu đuối, bệnh hoạn, có khôn ngoan và cũng đầy khôn lỏi như thuở ban đầu tạo hóa mới sinh ra. Thiên nhiên khắc nghiệt, cường quyền tàn bạo đã gieo rắc sự sợ hãi đến tột cùng trong tâm lý mỗi người dân, đó là mảnh đất màu mỡ cho bọn quý tộc, tăng lữ bịa ra vô số chuyện đồng bóng để đe dọa, để trục lợi. Trong kế sinh nhai thì chỉ chờ vận hên xui, may rủi, ít người đủ tự tin về chính mình cũng là nguyên nhân biến con ngưởi trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ khoác áo thầy tu được cường quyền chống lưng. Một dân tộc mà luôn bị vong ám, vọng đè như vậy thì còn nặng nề hơn đeo trăm thứ gông xiềng, và ba trăm năm nữa vẫn không cất đầu lên được. Không phải không cất đầu lên được mà còn đem thứ sức mạnh của sự mông muội ra tàn phá núi rừng, tàn sát động vật.... và kết quả là tự sát bằng sự đói nghèo và dịch bệnh.

Chu Mộng Long

PHÓNG SANH ĐÚNG PHÁP: LÀ HÀNH ĐỘNG TÌNH CỜ, CÓ TỪ & BI
Người bắt động vật để phục vụ nhu cầu phóng sanh & người mua động vật để phóng sanh đều là tà pháp, hành vi phá nghiệp, có "tư lợi" tạo nhân xấu ác, cả hai tương ưng trổ quả khổ khi nghiệp duyên chín mùi. 


Cuộc sống mông muội hay mê muội hàm ý rằng cuộc sống đó dựa trên một sự thiếu hiểu biết về thực tế, hoặc ảo tưởng không đúng thực tế, hay nói cho rõ mông muội là dựa trên cơ sở tưởng tượng không có thật, nhưng con người vẫn tưởng là thật. Nhận thức lầm lạc do vô minh này, Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng, bậc thánh cũng có loại nhận thức sai lầm này vì nó cần thiết để hiển thị các pháp, chỉ khác phàm phu ở chỗ bậc thánh không chấp thật thôi. Sự mông muội có nhiều cấp độ khác nhau.

Sự mông muội của trẻ thơ
Trẻ con chưa có hiểu biết về thế giới chung quanh nên có nhận thức và phản ứng lệch lạc. Chúng chưa biết thế nào là té vì chưa có nhận thức về không gian, vật thể, nên bò ra mép giường và té xuống đất. Chúng chưa biết thế nào là sạch dơ, cái gì ăn được, cái gì không ăn được nên thường hay nhặt rác dưới đất bỏ vào miệng ăn, cái gì cũng cho vào miệng ngậm hoặc nuốt. Chúng hay cầm giày dép đưa lên miệng cạp. Suốt ngày chúng đi loanh quanh khắp nhà, lục lọi, phá phách đồ đạc, không biết cái gì an toàn, cái gì nguy hiểm, nên người lớn phải chăn giữ chúng hết sức vất vả, đòi cái gì không được là chúng khóc ré lên, chẳng cần biết đúng sai, chẳng hạn, cầm giày dép lên ngậm, thọt ngón tay vào ổ điện, bật và tắt liên tục những nút điều chỉnh âm thanh, nút chuyển đài cái tivi mà bạn đang xem. Ngày nay trẻ nhỏ, con nhà khá giả thường mang tả giấy, nó giống như một cái quần lót có bông hút nước, để khi trẻ tè hay ị không dính dơ quần. Thay tả xong, bạn để cái gói tả phế thải xuống sàn, bạn bận loay hoay việc gì đó chưa kịp dẹp tả dơ thì đứa trẻ có thể cầm lên chơi và sẵn sàng ngậm hoặc cắn vào nếu người lớn không kịp ngăn cản.

Sự mông muội của người lớn, người bình thường
Trẻ con mông muội đã đành, vì chúng chưa có hiểu biết, người lớn mặc dù đã có hiểu biết, biết phản ứng tốt với môi trường chung quanh, nhưng không hẳn đã hết mông muội. Người lớn có thể có niềm tin mông muội về thần linh, những vị thần có thể ban thưởng hoặc trừng phạt họ. Vì vậy họ có tôn giáo, họ thờ phụng nhiều vị thần linh. Và những tộc người khác nhau thờ những vị thần linh tên gọi bất đồng là cơ sở của những cuộc chiến tranh tôn giáo. Những người bình thường, vô thần, không theo tôn giáo nào cũng có thể xung đột nhau về văn hóa, tức là những tập quán đã thành nếp của họ. Họ có thể không hiểu biết thật sâu về thế giới chung quanh, họ tin chắc 100% rằng thế giới vật chất là có thật, mỗi người có cái bản ngã, tức là cái tôi, từ cái tôi phát sinh nhiều cái ngã sở tức là những cái của tôi. Con người yêu quý cái tôi của mình, đó gọi là lòng tự ái. Rồi họ cũng yêu quý những cái ngã sở của mình, thân thể của mình, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, gia đình, con cái của mình, rồi thiêng liêng hơn nữa, tổ quốc, dân tộc của mình, bao gồm lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, chế độ, văn hóa vật thể và phi vật thể v.v…

Lòng ưu ái đối với ngã (bản thân, cái tôi) và những sở hữu của ngã (ngã sở, những cái thuộc về mình) là rất đỗi tự nhiên, không một ai mảy may hoài nghi rằng điều đó có đúng hay không, có cơ sở nào vững chắc, đích thực rằng ngã và ngã sở là có thật hay không.

Từ cái cơ bản là ngã và ngã sở, cuộc sống mông muội của người lớn được xây dựng lên thành tập quán của cá nhân, văn hóa của xã hội, và những thứ đó có thể gây ra không ít điều tệ hại cho chính cuộc sống của họ.

Thời kỳ Trung cổ mông muội
Trong lịch sử nhân loại, thời kỳ Trung cổ là từ khoảng thế kỷ 5 tới thế kỷ 15 Công nguyên, ở Châu Âu thường được các sử gia coi là thời kỳ mông muội, đen tối trong lịch sử loài người. Đây là thời kỳ mà xã hội có sự thay đổi rõ rệt. Sự sụp đổ của đế chế Tây La Mã khiến cho những cuộc xâm lược bên ngoài vào lãnh thổ đế quốc này trở nên ồ ạt và có thể xem đây như những cuộc di cư lớn làm thay đổi bộ mặt xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc xâm lược, di cư, dẫn tới những cuộc chiến đẫm máu làm các đô thị sa sút và nhường chỗ cho nông thôn hóa. Điều đó cũng kéo theo ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán… của nhiều dân tộc khác nhau được du nhập vào châu Âu. Mặc dù ở phía Đông, đế chế Đông La Mã (Byzantine) vẫn khá yên bình và ổn định, còn tồn tại thêm 1000 năm nữa.

Trong bối cảnh mà Ki – tô giáo không còn sức ảnh hưởng thống trị như thời kỳ Tây La Mã, Hồi giáo của người Ba tư trỗi dậy mạnh mẽ và vươn tới bầu trời châu Âu vào giữa thế kỷ thứ 8. Trong thời kỳ giữa của thời Trung cổ, có sự gia tăng dân số mạnh mẽ do điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai khai hoang từ rừng tăng mạnh. Sự bùng nổ dân số thời kỳ này cũng khiến cho đây là thời kỳ ra đời nhiều nước phương Tây hiện đại sau này.

Vào thế kỷ thứ 8, bán đảo Iberia đã bị người Berber (người bản địa Bắc Phi) theo Đạo Hồi từ Bắc Phi nhanh chóng xâm lược (711-718). Sự xâm chiếm này là một phần trong sự mở rộng của triều đại Omeyyad Ả Rập. Chỉ có ba vùng đất nhỏ ở miền núi phía bắc còn giữ được độc lập là Asturias, Navarre và Aragón. Trong Thời kỳ Hồi giáo, Tây Ban Nha được biết đến với cái tên Al-Andalus. Vương quốc Tây Ban Nha được thành lập năm 1492 sau sự thống nhất của Vương quốc Castile và Vương quốc Aragon. Đây cũng là năm chuyến tàu của Christopher Columbus khám phá ra Tân thế giới, đánh dấu sự khởi đầu của Đế quốc Tây Ban Nha.

Vua Clovis I của Frank, một bộ tộc German thống nhất với xứ Gaule vào thế kỷ thứ 5, mở đầu cho giai đoạn thống trị của Frank trong khu vực suốt hàng trăm năm. Sức mạnh của Frank đạt đến đỉnh điểm dưới thời Charlemagne. Vương quốc Pháp thời trung cổ nổi lên ở phía tây hình thành nước Pháp (France) ngày nay vào khoảng năm 800 với vua Charlemagne.

Trên các đảo thuộc Liên Hiệp Anh (UK), năm 827, Northumbria quy phục Egbert của Wessex tại Dore. Như vậy Egbert trở thành vị vua đầu tiên để cai trị quốc gia liên hiệp Anh gồm Đông Anglia, Mercia, Northumbria, Kent, Essex, Sussex, và Wessex. Năm 827 có thể coi là thời điểm Liên Hiệp Anh chính thức thành lập.

Đế quốc Tây La Mã chính thức cáo chung với sự kiện Hoàng đế Romulus Augustus thoái vị dưới sức ép của Odoacer vào năm 476. Vua nước Frank là Chlodwig I nhất thống các bộ lạc German và chuyển sang Ki-tô giáo. Đời vua Karl Đại Đế, tức Charlemagne – Carolus Magnus hoặc Karolus Magnus – Có nghĩa là Charles the Great; (742 – 814) là Vua của người Frank từ năm 768 và là Hoàng đế La Mã (Imperator Romanorum) từ năm 800 đến khi qua đời năm 814, ông đã mở rộng vương quốc của người Frank thành một đế chế gồm những kết hợp của nhiều vùng lãnh thổ của Tây và Trung Âu. Nước Frank khuếch trương mở cõi, và vào năm 800 ông được tấn phong Hoàng đế, tái lập Đế quốc Tây La Mã. Đế quốc này lại bị chia cắt sau khi Karl Đại Đế mất, trong đó vua Ludwig Đức nhận phần đất phía Đông và khởi lập nước Đức Trung Cổ vào năm 843.

Những cường quốc nói trên nhất là Pháp và Đức tổ chức các cuộc Thập tự chinh lên phương Bắc và về hướng Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mở rộng lãnh thổ và đồng hóa các dân tộc khác và giành lại phần đất Thánh từ tay người Ba Tư.

Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của đế chế Mông Cổ, khi thế lực hùng mạnh này từ Châu Á tiến hành xâm lược Đông Âu (các năm 1241, 1259, 1287). và khiến những cuộc Thập Tự Chinh của các nước Châu Âu gặp không ít khó khăn. Nếu như trong giai đoạn Trung kỳ, dân số châu Âu đạt tới đỉnh điểm thì vào giai đoạn Hậu kỳ này, nạn đói (1315 – 1317) và đại dịch “Cái chết đen” đã bao trùm toàn bộ trời Âu, mà nguyên nhân cũng chính do khí hậu chuyển từ thời kỳ ấm Trung cổ sang Tiểu băng hà. Những thảm họa liên tục giáng xuống châu Âu, khiến nơi đây mất đi 1/3 dân số, điều này dẫn tới mâu thuẫn xã hội lên cao và sự xáo trộn, hỗn loạn gieo rắc khắp châu Âu. Đây có thể là thời kỳ đen tối nhất của loài người khi mà niềm tin về phù thủy, ma thuật, cái chết,… phổ biến khắp mọi nơi. Những cuộc chiến kéo dài dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của đế chế Byzantine khi đế chế Ottoman tấn công kết liễu thành Constantinople của đế quốc Đông La Mã vào năm 1453.

Tuy thời kỳ dài 1000 năm đó có một số điểm sáng như:
Những cuộc chiến tranh với người Hồi giáo trong các cuộc Thập tự chinh, di cư,… đã giúp cho sự giao thoa văn hóa, thương mại, tiền tệ, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc… diễn ra mạnh mẽ. Trong thế kỉ 11, triết học và thần học phát triển mạnh mẽ dẫn tới hoạt động trí thức gia tăng, nhiều trường đại học được mở ra, giáo hội chú ý tới giáo dục (ra đời các trường đại học thời Trung Cổ như Oxford, được biết có hoạt động giảng dạy từ năm 1096), Cambridge (thành lập năm 1209), Sorbonne – Collège de Sorbonne, tức Học viện Sorbonne nguyên thủy thành lập vào năm 1257 bởi Robert de Sorbon rồi sau đó trở thành ngôi trường quan trọng nhất của Đại học Paris thời trung cổ.… ). Toán học bước lên một tầng cao mới với sự ra đời của đại số, hệ thống số thập phân Ả Rập (thật ra hệ thống chữ số này là phát minh của người Ấn Độ, người Ả Rập chỉ có vai trò truyền bá nó sang phương Tây) thay thế hệ thống số La Mã. Cối xay gió, đồng hồ cơ học, nghiên cứu thiên văn qua kính cầu lõm lần đầu tiên được phát minh.

Nhưng đại thể nét lớn trong đời sống nhân dân Thời Trung Cổ vẫn bị xem là “thời kì của sự ngu dốt và mê tín” đặt “lời nói của những thế lực tôn giáo lên trên trải nghiệm cá nhân và hoạt động lý trí“, “mông muội”, “tăm tối”, “hố đen của khoa học”… đó là lời phê phán của các học giả thời kỳ Phục hưng.

Sự mông muội của con người thời hiện đại
Không phải sự mông muội chỉ diễn ra trong những thời kỳ tăm tối, con người vẫn luôn mông muội ngay cả trong thời văn minh hiện đại, bởi vì mọi hoạt động của con người vẫn luôn xoay quanh ngã và ngã sở.

Sự mông muội trong xã hội

Trong nhà, anh em có thể tranh giành tài sản, có thể là tài sản vật chất hoặc tinh thần. Ngay cả danh gia vọng tộc, những người có học vấn cao, cũng vẫn không tránh khỏi. Thí dụ cuộc tranh chấp của các anh em trong nhà thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về quyền quyết định ngôi nhà mà cố thủ tướng Lý Quang Diệu để lại. Họ không thể thu xếp trong nội bộ gia đình mà đưa ra truyền thông xã hội, đưa cả ra quốc hội Singpapore.

Rồi trong xã hội, người ta cũng vì ngã và ngã sở mà tranh chấp, đưa nhau ra tòa. Chẳng hạn tòa án đang xử vụ Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga. Vụ án liên quan đến tình và tiền.

Ngay cả những vị đường đường là đại biểu của nhân dân vẫn mông muội như thường.

Dailymail đưa tin, ngày 13/7/2017, hai nữ nghị sĩ Chiu Yi-ying (邱議瑩 Khâu Nghị Oánh, 46 tuổi, Đảng Dân Tiến) và Hsu Shu-hua ( 許淑華 Hứa Thục Hoa, 41 tuổi, Quốc Dân Đảng) đã có một màn đánh nhau, giựt tóc ngay trong phiên tranh luận về cải cách cơ sở hạ tầng diễn ra tại Viện Lập pháp Đài Loan.

Khâu Nghị Oánh Hứa Thục Hoa

Hai Nữ Nghị Sĩ Viện Lập Pháp Đài Loan Túm Tóc Đánh Nhau

Sự mông muội ở cấp độ quốc gia, dân tộc
Chấp ngã và chấp pháp trên phạm vi quốc gia thì dẫn đến những cuộc tranh giành và chiến tranh khốc liệt mà chúng ta đã thấy rất nhiều trong lịch sử. Chỉ cần xem lại lịch sử gần đây, chỉ từ Thế chiến thứ hai, thế giới cũng đã có nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc mà thủ phạm không gì khác hơn là ngã và ngã sở.

Thế chiến thứ hai (1939-1945) giữa phe Trục (Đức, Ý, Nhật) và phe Đồng Minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, TQ và nhiều nước khác. Nguyên nhân là do tham vọng thống trị thế giới của Phát xít (fascism) Đức và Quân phiệt Nhật ((軍閥 chủ nghĩa quân phiệt là một loại quy chế do quân nhân nắm quyền quyết định dựa vào sức mạnh quân đội và vũ khí). Hậu quả là 80 triệu người chết trên toàn thế giới, trong đó Châu Âu 50 triệu và Châu Á 30 triệu người chết, thật là kết quả thảm khốc của chiến tranh. Nước Nhật bị hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima làm chết 140 000 người, quả bom ném xuống Nagasaki làm chết 74 000 người.

Hình ảnh vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

Chiến tranh Triều Tiên
Sau thế chiến thứ hai không bao lâu lại xảy ra chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc chiến tranh này do tham vọng của người lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành muốn thống nhất cả bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.

Ban đầu Bắc Triều Tiên (BTT) giành ưu thế, chiếm được gần hết Nam Triều Tiên (NTT) chỉ còn một vùng đất nhỏ ở cực nam bán đảo. Sau đó Mỹ can thiệp, cùng với 14 quốc gia khác thuộc LHQ đánh lùi BTT, chiếm được thủ đô Bình Nhưỡng, đẩy BTT đến sát biên giới TQ. Đến lúc đó TQ can thiệp, với một lực lượng khổng lồ 3 triệu quân, chia làm nhiều đợt, đợt tham chiến đông nhất là 380.000 quân, đẩy lùi Mỹ và đồng minh qua khỏi biên giới cũ. Hai bên cứ đánh qua đánh lại nhập nhằng bất phân thắng bại. Cuối cùng hai bên lấy vĩ tuyến 38 ở làng Bàn Môn Điếm làm ranh giới tạm và ký thỏa ước đình chiến, đó không phải là hiệp ước hòa bình, và duy trì cho tới ngày nay. Hậu quả của cuộc chiến tranh là số binh sĩ của cả hai bên bị thiệt mạng ước tính khoảng một triệu người, còn thường dân chết không biết bao nhiêu mà kể.

Chiến tranh Triều Tiên tuy đã kết thúc năm 1953, nhưng chỉ mới có hiệp ước đình chiến, đó là một hiệp ước tạm thời, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình lâu dài. Tình hình Triều Tiên hiện nay vẫn còn rất căng thẳng, nguyên do là Mỹ và Triều Tiên vẫn đối đầu quyết liệt. Triều Tiên không tin tưởng ở sự bảo vệ của đồng minh TQ, nên nhất quyết chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa để tự bảo vệ. Quyết tâm này còn do ở chỗ nhìn thấy chính quyền Mỹ không đáng tin cậy dù cho có ký kết một hiệp ước không sản xuất vũ khí hạt nhân. Điển hình là năm 2003, Mỹ đã bịa ra lý do Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt để tấn công quân sự lật đổ chính quyền Saddam Hussein của Iraq. Năm 2011, Mỹ nêu ra lý do chính quyền Muammar Gadhafi của Lybia đàn áp tàn bạo nhân dân nên ủng hộ các tổ chức nổi dậy để lật đổ ông ta khiến cho ông ta thiệt mạng. Trong hầu hết thập niên 1990, Libya phải chịu cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao, kết quả của việc từ chối cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ hay Anh Quốc hai người Libya bị tình nghi đặt bom trên chuyến bay 103 của Pan Am, đã nổ tung trên bầu trời Lockerbie, Scotland, làm thiệt mạng 270 người . Tháng 8 năm 2003, hai năm sau khi hai bị cáo Megrahi và Fhimah của vụ đánh bom máy bay Pan Nam 103 bị kết án, Libya đã viết thư tới Liên hiệp quốc chính thức nhận ‘trách nhiệm về những hành động của những quan chức của mình’ trong vụ đánh bom Lockerbie và đồng ý trả khoản bồi thường lên tới 2.7 tỷ dollar. Sau khi các lực lượng Hoa Kỳ lật đổ Saddam Hussein năm 2003, Gaddafi thông báo rằng quốc gia của ông có một chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt, nhưng muốn cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát và tiêu huỷ chúng. Khi quá trình phá huỷ các loại vũ khí này đang diễn ra, Libya đã cải thiện sự hợp tác của mình với các cơ quan thanh sát quốc tế tới mức, vào tháng 3 năm 2006, Pháp đã có thể ký một thoả thuận với Libya để phát triển một chương trình năng lượng hạt nhân lớn. Tháng 2 năm 2011, vài tuần sau khi các cuộc biểu tình khiến tổng thống của Tunisia và Ai Cập từ chức, cuộc nổi dậy chống Gaddafi đã bùng lên. Mỹ và 14 quốc gia phương Tây khác lập liên minh, đem không quân và hải quân tới thực thi khu vực cấm bay và phong tỏa hải quân, cũng như tiến hành không kích vào lực lượng của ông Gaddafi để hỗ trợ quân nổi dậy cuối cùng đã lật đổ và giết chết Gaddafi. Chính những việc xảy ra tại Iraq và Lybia đã khiến lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên quyết tâm chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa để chống Mỹ với bất cứ giá nào.

Trong ngày quốc khánh 4-7-2017 của Mỹ, Triều Tiên lần đầu tiên bắn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM (InterContinental Ballistic Missile) Hwasong-14 (Hỏa Tinh火星14) tầm bắn 6700 km có thể vươn tới Alaska. Triều Tiên cũng đã 5 lần thử nghiệm bom hạt nhân. Khả năng quân sự của Triều Tiên là đáng kể khiến cho Mỹ ngần ngại trong việc tấn công quân sự nước này mặc dù TQ có thể không can thiệp nếu Mỹ chỉ tấn công bằng tên lửa và không quân. Đúng là ma bắt coi mặt người ta. Tấn công quân sự Triều Tiên có thể gây ra hậu quả thảm khốc đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể cả Mỹ cũng chịu hậu quả. Hai bên đều đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau nhưng thực tế không bên nào dám động thủ.

Chiến tranh Việt Nam
Sau cuộc chiến tranh Việt Pháp 1954- 1945, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền : Miền Bắc là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Miền Nam theo chế độ dân chủ lấy tên là Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1960, lại xảy ra chiến tranh Việt Nam, quân đội Miền Bắc cho bộ đội xâm nhập vào Miền Nam qua đường mòn HCM và tiến hành cuộc chiến tranh du kích. Mỹ đưa quân vào Miền Nam để giúp chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1965- 1972 Mỹ đánh phá Miền Bắc bằng không quân, dội bom Hà Nội. Cho tới nay, chiến tranh Việt Nam vẫn giữ kỷ lục là cuộc chiến có số lượng bom được ném nhiều nhất trong lịch sử thế giới. Tổng số bom mà Mỹ ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, gấp gần 3 lần tổng số bom mà tất cả các nước đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và tương đương sức công phá của 250 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima.

Hậu quả của cuộc chiến tranh, số binh sĩ Mỹ thiệt mạng 58.220 người , số binh sĩ VNCH thiệt mạng 300.000 người, số binh sĩ Miền Bắc và Cộng hòa Miền Nam VN thiệt mạng lên tới 1,1 triệu người. Cuối cùng Mỹ đã thua trận và rút lui. Mỹ thua vì gánh nặng chi phí chiến tranh và binh sĩ tử trận quá nhiều khiến dư luận trong nước Mỹ phản đối dữ dội.

22h47 đêm 26/12/1972, một tốp B-52 đã rải 90 tấn bom xuống khu phố Khâm Thiên làm 287 người chết và 290 người bị thương.

Trong thời gian chiến tranh VN, Mỹ là kẻ thù lớn nhất, nhưng hiện nay tình hình có thay đổi, quan hệ giữa VN và Mỹ tốt đẹp hơn bao giờ hết. Tháng 5-2016 Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm VN được người dân và chính quyền hoan nghênh nồng nhiệt. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của VN.

Cuộc chiến tranh Syria.
Đây là cuộc chiến tranh hiện vẫn còn đang diễn ra gây chết chóc đau thương và ảnh hưởng tới cả thế giới với hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người mất nhà cửa, không chốn dung thân phải đi tị nạn. Xung đột ở Syria kéo dài do có sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phương Tây cùng khối Ả Rập và bên kia là Nga, Trung Quốc và Iran, những nước ủng hộ chính phủ hợp pháp của Syria.

Khoảng 2,6 triệu người Syria đã rời bỏ nước mình ra đi và khoảng 4 triệu người đã phải rời bỏ nơi cư trú của mình. Theo các tường thuật của UNICEF trong số những người tỵ nạn có tới 1 triệu trẻ em. Cuộc khủng hoàng người di cư Syria đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới tại châu Âu với hàng triệu người cố gắng vượt biển Địa Trung Hải để tới Châu Âu, không ít người bỏ mạng trên biển. Ngày 2-9-2015, hình ảnh một em bé ba tuổi người Syria tên Aylan Kurdi, chết đuối trên biển trôi giạt vào bờ, nằm úp mặt trên bãi biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, làm động mối thương tâm của toàn thế giới.

Em bé tị nạn Syria 3 tuổi chết đuối giạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ

Nghiêm trọng hơn, các tổ chức khủng bố lợi dụng trà trộn vào dòng người di cư để tới khủng bố châu Âu. Ngoài ra tổ chức khủng bố còn kêu gọi người ủng hộ tự tiến hành việc giết chóc càng nhiều người càng tốt.

Cuộc nổi dậy ở Syria năm 2011 khởi đầu với hàng loạt các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra tại Syria, bắt đầu từ ngày 26-01-2011 và chịu ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình khác trong khu vực, được miêu tả là chưa có tiền lệ, báo chí gọi là cuộc cách mạng hoa nhài hay mùa xuân Ả Rập. Mùa xuân Ả Rập chỉ là từ ngữ rỗng nằm trong tư tưởng mông muội của những người làm các phương tiện truyền thông Mỹ và phương tây, chứ thực tế chỉ mang lại sự loạn lạc khổ ải cho người dân tại các nước xảy ra cuộc cách mạng như Tunisia, Algeria, Ai Cập, điển hình là Yemen, Sudan, Iraq, Lybia, Syria.

Cuộc chiến tranh Syria có sự can dự của nhiều quốc gia bên ngoài. Xung đột ở Syria kéo dài do có sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phương Tây cùng khối Ả Rập và bên kia là Nga, Trung Quốc và Iran, những nước ủng hộ chính phủ Syria. Cho tới cuối tháng 4 năm 2017 số người chết trong cuộc chiến Syria đã lên tới 400.000 người.

Chống đối chính phủ Syria gồm các nhóm sau:
Ahrar al-Sham, còn có tên khác là Phong trào Hồi giáo của người Syria Tự do được coi là nhóm phi jihad lớn mạnh nhất tại Syria (Jihad một thuật ngữ Hồi giáo, là một bổn phận tôn giáo của người Hồi giáo, thường được dịch là thánh chiến với hai hình thức : tinh thần nội tâm và vật chất bên ngoài). Nó được thành lập cuối năm 2011, bởi các cựu tù nhân chính trị để chống lại chính quyền Assad.

Những năm qua, Ahrar al-Sham đã bắt tay với Quân Giải phóng Syria (FSA), al-Nusra Front và các nhóm chống Assad khác. Nhóm này được Thổ Nhĩ Kỳ cùng Qatar tài trợ.

Trong các bài viết năm nay trên Washington Post và Telegraph, người phát ngôn của Ahrar al-Sham là Labib al-Nahhas đã bác bỏ việc nhóm này có chung tư tưởng cực đoan với al-Qaeda. Người này cố gắng khắc họa nhóm của mình là người chơi chủ chốt trong lực lượng đối lập chính thống tại Syria.

Cùng lúc đó, nhóm vũ trang này đã đăng ký tham gia một liên minh được gọi là Jaish al-Fatah (Đạo quân Chinh phạt) bao gồm các chiến binh al-Nusra Front, chi nhánh của al-Qaeda, và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác đang tìm cách lật đổ chính quyền Syria.

“Họ có mối quan hệ rất chặt chẽ với al-Nusra Front”, Joshua Landis, giám đốc Trung tâm Trung Đông, Đại học Oklahoma nói.

Trên thực tế, chính thành công về mặt quân sự của nhóm này đầu năm 2015, khi chiếm các thành trì quan trọng tại Idlib và quanh Aleppo, đã khiến Iran phải gia tăng hỗ trợ quân sự cho chính quyền Assad. Cũng chính diễn biến này khiến Nga phải can thiệp vào Syria để chặn đà sụp đổ của chính phủ Syria.

Một vụ tấn côn bằng bom kinh hoàng nhằm vào các xe chở người Syria sơ tán ở phía tây thành phố Aleppo gây cho 126 người chết

Cuộc chiến tranh này mang đặc điểm của thế giới bất ổn ngày nay, đó là tàn bạo và phi lý. Cuộc chiến tranh Syria cũng như sự bất ổn của Iraq làm cho chính quyền Syria và Iraq bị suy yếu, tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố nhà nước Hồi giáo IS (Islamic State). Tổ chức này được thành lập vào những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq (2003) và cam kết trung thành với al-Qaeda vào năm 2004.

Tổ chức này tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL, Levant là cả một khu vực rộng lớn bao gồm Liban, Israel, Jordan, Syria, Síp và nam Thổ Nhĩ Kỳ.) Vào ngày 29 tháng 6 năm 2014, sau khi đánh chiếm một phần của Iraq và Syria, tại thành phố Mosul Iraq, họ đã tuyên bố thành lập một Khalifah (nhà nước Hồi giáo) trên lãnh thổ chiếm đóng của mình, Người lãnh đạo là Abu Bakr al-Baghdadi tự cho mình là một Khalip tức lãnh tụ của Nhà nước Hồi giáo. Họ là một nhà nước tàn bạo thể hiện ở chỗ họ sử dụng đủ mọi phương tiện để giết người thật dã man, như chặt đầu, vũ khí hóa học, đánh bom tự sát, dùng xe tải cán chết người dân bình thường, đâm bằng dao bất cứ ai mà kẻ sát nhân tình cờ gặp. Sự giết chóc không chỉ diễn ra tại chiến trường, nó còn diễn ra tại các thành phố đang có cuộc sống yên bình Như Paris, Nice, London, Manchester, Madrid…

Cho đến nay, người dân Tây Ban Nha vẫn không thể nào quên ngày thứ năm đen tối 11/3/2004. Đó quả là một ký ức kinh hoàng khi bốn chuyến tàu tại thủ đô Madrid phát nổ, khiến 191 người thiệt mạng và 1500 bị thương.

Hành động của Bouhlel, kẻ khủng bố bằng xe tải tại thành phố Nice ở miền nam nước Pháp ngày 14/7/2016 đã cướp đi sinh mạng 84 người, trong đó có 10 trẻ em, và làm khoảng 300 người bị thương.

Vụ đánh bom tự sát trong khu vực nhà thi đấu Manchester Arena Anh Quốc trong buổi trình diễn của ca sĩ Mỹ Ariana Grande tối 22-5-2017 có số thương vong nhiều nhất trong 12 năm gần đây ở Anh với 22 người thiệt mạng, 59 người bị thương.

Sự phi lý ngoài việc tàn sát càng nhiều người vô tội càng tốt như vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-09-2001. Vụ tấn công bằng bốn chiếc máy bay hàng không dân dụng làm cả thảy 2.996 người thiệt mạng (tính cả 19 kẻ khủng bố) trong vụ tấn công, và 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết, gây tổn thất ít nhất 10 tỷ USD giá trị nhà đất và cơ sở hạ tầng, và 3000 tỷ USD tổng thiệt hại về các hậu quả lâu dài. Sự mông muội còn thể hiện ở thái độ tin tưởng ở nhà nước Hồi giáo ISIL của một số người trên khắp thế giới. Thái độ này thể hiện ở chỗ một số người ủng hộ khủng bố trên khắp các nước, thông qua tuyên truyền trên internet, đã tự nguyện tìm đến Iraq và Syria chiến đấu cho IS. Họ còn hưởng ứng lời kêu gọi của IS tiến hành các vụ khủng bố như đã kể trên. Hầu như tất cả những kẻ khủng bố đó đều bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường. Như thế nghĩa là khi có ý định tiến hành khủng bố, họ biết đã cầm chắc cái chết, nhưng họ tự nguyện chết vì lý tưởng. Thậm chí trong ngày quân đội Iraq giải phóng thành phố Mosul, có một phụ nữ, thay vì vui mừng, đã ôm con đánh bom tự sát để giết lính Iraq, rõ ràng đó là tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Đứa trẻ ngây thơ không biết gì đã bị người mẹ hại chết.

Daily Mail ngày 9-7-2017 đăng ảnh nữ chiến binh IS ôm con đánh bom tự sát, ảnh chụp vài giây trước khi bom nổ

Theo một người quay phim của kênh al-Mawsleya TV địa phương, cô ta kích nổ trái bom lúc đi qua những người lính, nhưng phải đến lúc cô ta bước thêm một đoạn nữa thì trái bom mới phát nổ, giết chết hai mẹ con, hai lính Iraq và làm bị thương một số thường dân.

Kết luận
Những việc làm mông muội của con người là những việc làm có tính chất mê muội vì tin vào một điều gì đó không có thật. Hai vấn đề quan trọng nhất khiến gây ra tai hại là ngã (cái ta) và ngã sở (cái của ta).

Cái ta chỉ là một khái niệm sai lầm không có thực chất, nhưng nó đã là thế lưu bố tưởng (tưởng tượng đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nên con người mặc nhiên coi là có thật). Có điều gì chứng tỏ cái ta không có thật ? Chúng ta luôn nghĩ rằng ý thức của ta quyết định mọi hành động của mình, nhưng thật ra người quyết định không phải là ý thức của ta, mà là nghiệp lực, một sức mạnh chi phối mọi hoạt động của ta, ý thức chỉ là người thừa hành. Có một thí nghiệm khoa học chứng tỏ điều đó.

Trong video clip này, Marcus là đối tượng thí nghiệm, bác sĩ Paul là người tiến hành thí nghiệm. Kết quả cho thấy, Paul nhìn vào não của Marcus và biết trước Marcus sẽ quyết định thế nào, thời gian biết trước là 6 giây, trước khi Marcus ý thức là mình sẽ bấm vào nút bên trái hay bên phải. Như vậy rõ ràng không phải ý thức của Marcus quyết định, bởi vì khi Marcus chưa ý thức mình sẽ bấm nút nào thì đã có một thế lực vô ngã nào đó quyết định và Paul nhìn vào não của Marcus đã biết trước, điều đó chứng tỏ ý thức của Marcus chỉ là người thừa hành. Người hay nhân vật đó (chúng ta tạm gọi theo kỉểu nhân cách hóa, chứ thật ra đó không phải là người, mà chỉ là thức, một sức mạnh tuyệt đối mà Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Đế, Nho giáo gọi là Trời, Phật giáo gọi là Tâm, đối với mỗi chúng sinh thì thế lực quyết định là nghiệp lực) chi phối, quyết định mọi hành động của cá nhân. Có nhiều trường hợp, cá nhân cũng không hiểu tại sao mình hành động như thế, bởi vì không phải do ý thức của cá nhân quyết định. Điều đó chứng tỏ ngã không có thật, ngã chỉ là giả danh. Ngã đã không có thật thì ngã sở cũng chỉ là tưởng tượng, chỉ là quan niệm, là tập quán mà thôi.

Còn pháp, hay thế giới vật chất và tinh thần, ngã sở của chúng ta, cũng không có thật.

Thế giới vật chất hay pháp cũng không có thật, bởi vì vật chất được cấu thành từ các hạt cơ bản, mà hạt cơ bản cũng chỉ là hạt ảo, nên cấu trúc của vật chất cũng chỉ là cấu trúc ảo, cấu trúc đó không có đặc điểm gì hết, giống như dữ liệu tin học của máy vi tính, chỉ là 0 và 1, không có bất kỳ đặc điểm nào. Tất cả mọi đặc điểm đều chỉ là tưởng tượng của con người được thay thế vào cấu trúc ảo. Tâm là một trạng thái vô hình vô thể của pháp giới (theo Phật pháp thì pháp giới bao gồm ba loại hình thế giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, mỗi loại hình cũng có rất nhiều cảnh giới khác nhau). Xin xem chi tiết trong bài này :

Chính vì vậy nên thế gian chỉ là hí trường, nghĩa là nơi để diễn ra các vở kịch, các trò chơi, không có gì là thật cả. Nhưng chơi thì phải vui, chơi thì phải thích, chứ chơi mà khổ thì đó là sự mông muội của con người vậy. Chúng ta nên sống tỉnh thức, không chiều theo ngã và ngã sở và cũng không chống lại hai thứ đó, như đề xuất của video sau :

Thế gian là một đại hí trường, mỗi người là một thành viên tham gia trò chơi. Trong vở đại hí kịch thì có người đóng vai thiện, có người đóng vai ác. Điều cần hiểu, cần giác ngộ, là mọi cảnh giới đều là mộng, không phải thực, nên không cần phải lo buồn đau khổ, cứ theo sự sắp xếp, phân vai của Tâm. Tuy là giấc mộng nhưng chúng ta muốn có mộng đẹp, phải không nào? Và không muốn ác mộng, do đó cũng phải tuân theo một số qui tắc để cho cuộc chơi được đẹp đẽ vui thú. Những qui tắc đó thì các tôn giáo có đề cập rất kỹ rồi, chẳng hạn Phật giáo có ngũ giới dành cho đông đảo Phật tử.

Nhưng trong vở kịch thì không tránh khỏi có những tình tiết gian truân, trắc trở, nghịch cảnh, chẳng hạn thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, bất công v.v… do đó quan trọng là tâm trạng người chơi phải lạc quan, thoải mái. Chẳng hạn người nữ chiến sĩ IS ôm con đánh bom tự sát. Nếu đó là tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng vì vương quốc Hồi giáo đã bị tan vỡ thì là mông muội, đó chỉ là tâm trạng trong vở kịch, còn tâm trạng thật thì nên hiểu rằng mình đang đóng kịch nên cũng chẳng có gì đau khổ.

Người chơi giác ngộ thì giống như hạt photon, có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau, người chơi cũng có hai tâm trạng đồng thời, tâm trạng giả trong vở kịch mình đóng và tâm trạng thật là Tâm bát nhã nhận thức được Tánh Không như trong Bát Nhã Tâm Kinh, mọi cảnh giới, mọi lời nói, mọi mô tả đều không có nghĩa thật.

Tóm lại, chỉ cần giác ngộ, thay đổi tâm trạng thì cảnh giới thế gian bi quan hay lạc quan sẽ thay đổi. Nếu không muốn ác mộng thì đừng mê muội với ngã và ngã sở. Vô ngã thì ai đau khổ ? Vô ngã thì cái gì là ngã sở ? Tất cả chỉ là vọng tưởng, giả tạm mà thôi. Không phải không có cảnh giới, nhưng các cảnh giới đều là tưởng tượng dựa vào hai nguyên lý đã được chứng minh rõ ràng.

Một là Nhất thiết pháp vô tự tính, nghĩa là các pháp trong đó nền tảng nhất là các hạt cơ bản (elementary particles) không có đặc điểm, đặc trưng gì cả. Chỉ khi nào có người hoặc thiết bị quan sát thì đặc điểm mới xuất hiện. Cuộc tranh luận giữa Niels Bhor và Albert Einstein đã kết thúc với cái sai thuộc về Einstein, điều đó chứng tỏ quan điểm duy vật khách quan là sai lầm, mông muội.

Hai là Nguyên lý thay thế, tức là con người sẽ thay thế tưởng tượng lâu đời phổ biến của mình mà Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng, vào các cấu trúc ảo để hiển thị thành cảnh giới như sơn hà đại địa, nhà cửa, đường sá, xe cộ, sinh vật, con người, thảo mộc v.v…Điều đó rất giống việc con người thay thế các đặc điểm qui ước vào các cấu trúc ảo của các con số nhị phân 0 và 1 để tạo ra thế giới ảo vô cùng phong phú mà chúng ta hàng ngày sử dụng trên computer, laptop, máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Truyền Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét