- Từ Hiếu và thời gian

Dọc theo quốc lộ 1A, đến đoạn giữa chiếc đòn gánh Bắc Nam, ta ghé lại miền đất Kinh kỳ. Nơi còn lưu lại những dấu xưa trên những đền đài, trên những lăng tẩm và cả trên những con đường rợp bóng cây. Nơi có dòng sông Hương êm đềm chảy qua. Để mỗi sớm còn lảng bảng sương hay những chiều tà, ta được lắng nghe chuông chùa rung từng hồi vọng trên sông nước. 

Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của cố đô Huế.

Năm 1843, sau khi từ chức "Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự" và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng "Thảo Am An Dưỡng" để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già

Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. 


Tam quan chùa

Tiếng chuông gọi người tỉnh thức. 
Tiếng chuông rửa sạch ưu phiền.


Cổng tam quan và hồ Bán Nguyệt

Nói đến Huế, ta không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ. Những ngôi chùa gắn liền với lịch sử mảnh đất này. Nó như minh chứng cho sự hưng thịnh một thời của đạo Bụt dưới chế độ quân chủ. Và hiện tại, nó vẫn tiếp tục là những đại tùng lâm cho không biết bao nhiêu người tìm đến tu tập và chuyển hóa. Với Thiên Mụ uy nghiêm soi mình bên dòng Hương dù mưa dù nắng. Và tiếng chuông công phu đã đi vào ca dao tục ngữ:

Tiếng chuông Thiên Mụ
Canh gà Thọ Xương.

Với Từ Đàm, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến du hóa từ phương Bắc của Tổ Tử Dung. Để mảnh đất kinh kỳ này có cơ duyên sản sinh thêm một bậc thầy đạo hạnh trong dòng thiền Lâm Tế - Tổ Liễu Quán. Với Thuyền Tôn trầm mặc, ẩn mình dưới rừng tùng xanh mát bốn mùa, nơi bậc thầy đạo hạnh phát dương quang đại tông chỉ của tổ tông.

Và nhắc đến Huế, người ta không quên nhắc đến chùa Từ Hiếu. Nếu nói nó là ngôi chùa cổ thì chưa hẳn đúng lắm. Vì sao? Nó còn quá trẻ so với chùa Thiên Mụ, Tổ đình Quốc Ân hay Báo Quốc… Nhưng Từ Hiếu đi vào lòng người không phải bằng con đường của bề dày lịch sử hay công trình tráng lệ, mà nhẹ nhàng đi vào lòng người bởi trường ca hiếu nghĩa và độ sinh. Nếu một lần đã đến Từ Hiếu, bạn sẽ không quên hương thiền nhè nhẹ tỏa từ mảnh đất nơi đây, quang cảnh nơi đây. Dường như những bận rộn, lo âu, phiền muộn của nhịp sống xô bồ bên ngoài được trút xuống ngay đầu con đường đất đỏ dẫn lối vào nội viện. Nhìn từ xa, Từ Hiếu ẩn mình sau rừng thông xanh trông như cô gái Huế e lệ nép dưới phiến lá, nhưng nó vẫn hùng tráng và uy nghiêm như sư tử vươn mình giữa rừng hoang thời đại.

Chiếc thánh thai của mối tình giữa chí nguyện độ sanh và lòng hiếu
Năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45, tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xuyên, tỉnh Quảng Trị, ngày nay là làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có một người con được sinh ra, mà về sau đã trở thành pháp khí chốn thiền môn. Ngài có thế danh là Nguyễn Văn Nội.

Năm lên 7 tuổi, ngài từ giã song thân, vào đất Thần Kinh tìm đến ngài Đạo Minh – Phổ Tịnh, trú trì chùa Huệ Lâm – Huế để tu đạo.

Năm lên 20 tuổi, ngài được bổn sư thế độ, ban cho pháp danh Tánh Thiên, pháp tự là Nhất Định và được hội đồng thập sư đặt cách cho thọ tam đàn cụ túc tại chùa Quốc Ân – Huế với ngài Mật Hoằng.

Sau mười năm ròng rã theo thầy học đạo, vào ngày 14 tháng 11 năm Giáp Tuất, tức Gia Long thứ 13, ngài được bổn sư truyền đăng với bài kệ:

Nhất định chiếu quang minh
Hư không mãn nguyệt viên
Tổ tổ truyền phó chúc
Đạo Minh kế Tánh Thiên

Việt dịch:

Nhất Định chiếu sáng tinh
Hư không trăng tròn xinh
Tổ tổ trao lời chúc
Tánh Thiên từ Đạo Minh
(TT. Thái Hòa dịch)

Vào tháng 11 năm Bính Tý, tức Gia Long thứ 15 (1816), bổn sư của ngài viên tịch. Ngài cư tang thầy và cũng chính năm này, ngài đã được tông môn cung thỉnh trú trì chùa Thiên Thọ, tức chùa Báo Quốc ngày nay.

Với đức độ, ngài không những được tông môn thương kính, mà ngay cả vua quan trong triều cũng kính phục. Do vậy, vào ngày 1 tháng 8 Canh Dần, tức Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Minh Mạng đã trao giới đao, độ điệp để hòa thượng có cơ hội duy trì phật pháp và làm nơi nương tựa cho tăng tín đồ.

Năm năm sau, khi được vua tặng giới đao, độ điệp, vào ngày mồng 1 tháng 10 năm Ất Mùi, tức Minh Mạng thứ 16 (1835), hòa thượng được bộ lễ dâng lên một lá thư cung thỉnh ngài giữ chức tăng cang Linh Hựu Quán (nay là nhà thờ Tây Linh).

Năm 1839, vua Minh Mạng cho xây chùa Giác Hoàng trong thành nội. Chùa được xây dựng để kỷ niệm nơi phủ xưa khi vua còn là thái tử. Đặc biệt chùa này chỉ dành riêng cho nội cung. Và cũng trong năm này, ngài Nhất Định được vua Minh Mạng sắc phong làm tăng cang chùa Giác Hoàng.

Những năm trước khi ngài Nhất Định chưa làm tăng cang Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, trai đàn chẩn tế hằng năm đều được vua chọn tổ chức tại chùa Thiên Mụ. Nhưng kể từ năm 1835, điểm chẩn tế để cầu nguyện quốc thái dân an được dời về Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng. Điều ấy cho thấy, ngài được vua quan triều đình kính trọng như thế nào.

An Dưỡng Am
Vua Minh Mạng băng hà (ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý), vua Thiệu Trị lên nối ngôi. Lúc bấy giờ, trong triều có hai khuynh hướng: một bên là các thái giám và cung giám trong nội cung thời Minh Mạng, rất quý trọng hòa thượng Nhất Định, và hòa thượng là chỗ dựa tinh thần của họ; một bên là các quan cận thần vua Thiệu Trị. Hai bên vốn không thích nhau. Do vậy, hòa thượng đã trở thành tâm điểm để các quan cận thần của vua Thiệu Trị trút sự ganh tức lên các cung giám và thái giám nội cung thời Minh Mạng. Họ đã tấu sớ lên vua Thiệu Trị đòi cách chức tăng cang của hòa thượng tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, với lý do hòa thượng quá già không còn kham nổi công việc nữa. Vả lại, khi lên ngôi, vua sẵn đã thiếu thiện cảm với hòa thượng bởi vua nghe theo những lời dè xiểm của các quan cận thần. Do vậy, vua chuẩn tấu ngay về việc cách chức tăng cang của hòa thượng. Cùng lúc ấy, hòa thượng cũng đã dâng sớ xin thôi giữ chức tăng cang tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng. Tất nhiên, vua Thiệu Trị phê chuẩn ngay. Hòa thượng mừng quá, liền viết hai câu thơ:

Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão
Nhất bát cô thân vạn lý du.

Việt dịch:

Già rồi may được vua thương
Một thân một bát muôn phương du hành. 

Thôi chức tăng cang tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, ngài cũng đồng thôi giữ chức trú trì chùa Báo Quốc. Ngài giao chùa Báo Quốc lại cho sư em của mình là hòa thượng Nhất Niệm – Tánh Chiêu. Rồi cùng hai người đệ tử Hải Thuận – Lương Duyên, Hải Thiệu – Cương Kỷ và một mẹ già tám mươi tuổi đến vùng núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, dựng một thảo am nhỏ để tu trì và nuôi mẹ. Việc lần tìm đến nơi chọn dựng thảo am quả là khó, bởi tuổi ngài đã cao, sức khỏe lại yếu, thêm vào đó rừng núi quá um tùm, không có lối mòn để đi.

Ngài dựng thảo am thành hai phần, phía trước thờ phật A Di Đà, phía sau dành làm chỗ nghỉ cho mẹ ngài, ngài và hai người đệ tử. Thảo am được dựng nơi lưng chừng đồi. Lưng am tựa vào sườn đồi tạo thế đứng rất vững chãi. Trước thảo am cách khoảng hai trăm mét, có con suối nhỏ chảy ngày đêm. Nhìn xa xa hơn một chút, thảo am lấy núi Ngự Bình làm bình phong; còn sau lưng có dòng sông Hương làm chỗ tựa. Am này ngài lấy tên là An Dưỡng. Ngài có viết hai câu đối treo trước am:

Thân đới quán châu nhàn tuế nguyệt
Thủ trì tích trượng nhạo vân sơn.

Tạm dịch:

Thân mang chuỗi hạt nhàn năm tháng
Tay chống gậy thiền dạo núi sông.

Trong Hàm Long Sơn Chí, Thượng Sơn tiên sinh có viết về thảo am An Dưỡng như sau: “Ngài lập am rất nhỏ, nửa phía trước thờ phật A Di Đà; nửa phía sau kê giường nằm.”

Cũng trong Hàm Long Sơn Chí, có đoạn: “Tôi kính mến hòa thượng, thấy hòa thượng bệnh yếu, muốn cúng dường nhưng hòa thượng từ chối và nói rằng: Tôi có hai đệ tử lo việc trồng đậu, trồng rau có đủ dùng hằng ngày rồi, vì vậy không mong gì hơn nữa”.

Đó là cách hành xử của bậc chân tu.

Mặc dù cuộc sống chốn sơn lâm thiếu thốn, nguy hiểm, nhưng với lòng độ tha, với tâm hoằng hóa độ người, ngài thường đăng đàn thuyết pháp cho hàng phật tử khiến tiếng tăm của ngài ngày càng vang xa. Từ quan chức đến thứ dân hay thái giám, nội cung đều mến mộ tài đức của ngài. Họ đã thường tìm đến nơi ngài để tham vấn học đạo. Trong số ấy, có cả vua Thiệu Trị. Ngày trước, vua Thiệu Trị vì một sự hiểu lầm mà đã trách nhầm hòa thượng. Giờ thì vua đã hiểu rõ sự việc. Do đó, thỉnh thoảng, vua đã đích thân đến chốn thâm sơn cùng cốc này để tham vấn phật pháp với hòa thượng.

Người đến tìm học, và tu tập với hòa thượng ngày một đông, mà thảo am quá nhỏ. Họ yêu cầu được chuyển thảo am thành chùa lớn. Ngài không đồng ý, và nói: “Nếu tôi mà thích ở chùa lớn thì tôi đã ở chùa Giác Hoàng, Linh Hựu hay Báo Quốc rồi, cớ gì tôi phải vào tận chốn thâm sơn cùng cốc này để làm gì”. Với lời nói chân thật như vậy đã làm cho các quan thái giám thêm kính phục ngài.

Ngài đã sống đời sống như vậy trong suốt quãng đời còn lại với rừng núi u tịch. Vào ngày mồng 7 tháng 10 năm Đinh Mùi, tức Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), giờ Ngọ, hòa thượng đã nhập định thâu thần thị tịch. Sau đó, đệ tử ngài an táng ngài trên nền của thảo am với bảo tháp cao năm tầng. Bia tháp có đề: Giác Hoàng tăng cang Lâm Tế chánh tông húy Tánh Thiên Nhất Định chi tháp.

Thảo am An Dưỡng là tiền thân của chùa Từ Hiếu sau này. Tuy hiện giờ thảo am không còn, nhưng hình ảnh của nó vẫn đậm nét trong các thế hệ con cháu.

Hiếu nghĩa
Bụt có dạy: “Sinh ra gặp thời không có Bụt, thờ kính cha mẹ chính là thờ Bụt”. Hạnh hiếu là hạnh đầu trong tất cả các hạnh. Và một bậc chân tu luôn biểu hiện trọn vẹn trong tất cả các hạnh lành, trong đó có hạnh hiếu. Hòa thượng Nhất Định là một minh chứng rất sống động không chỉ ở sự độ sinh mà còn cả lòng hiếu thảo.

Tương truyền rằng, sau một thời gian ở cùng ngài, một hôm mẹ ngài đột nhiên nhuốm bệnh nặng, ngài phải đem mẹ đến khám nơi thầy thuốc. Thầy thuốc bảo ngài rằng, mẹ ngài bị suy dinh dưỡng, do đó bà cần được tẩm bổ bằng cá hoặc thịt mới mong thoát khỏi cơn bệnh. Nghe lời thầy thuốc dặn, ngài đến chợ Bến Ngự, tự tay mình mua cá thật to, đi bộ từ chợ về am An Dưỡng.

Vì mục đích giúp mẹ lành bệnh, ngài mặc kệ sự dị nghị của mọi người. Tin ấy đến tai vua Thiệu Trị, vua bực mình. Vua đích thân đến hỏi vị cao tăng này, tại sao đã đi tu rồi mà còn mua cá làm chi?

Khi Thiệu Trị đến am An Dưỡng, cũng là lúc ngài nấu cháo cá vừa xong, và đang dâng cho mẹ ngài dùng. Hình ảnh ấy khiến vua rất xúc động. Vua đã hiểu ra mọi việc.

Với lòng hiếu thảo, với sự chăm sóc tận tình của ngài đối với mẹ, bệnh của mẹ ngài ngày một thuyên giảm. Tiếng thơm về lòng hiếu thảo của ngài được mọi người biết đến. Và sau lần ấy, vua Thiệu Trị biết mình hiểu nhầm vị cao tăng này, nên đã thường xuyên lui tới tham học phật pháp với hòa thượng.

Đây cũng là cái duyên mà về sau vua Tự Đức đặt tên cho ngôi chùa được xây trên nền thảo am An Dưỡng là Từ Hiếu.
Từ Hiếu
Sau khi ngài Nhất Định viên tịch, ngài Cương Kỷ lên kế vị. Trong thời gian này, các thái giám và cung giám đã xin ý kiến ngài Cương Kỷ để biến thảo am thành ngôi chùa lớn. Ngài Cương Kỷ chấp nhận và cùng họ lo liệu việc xây dựng.

Ngôi chùa được hoàn tất vào năm Tự Đức nguyên niên (1848). Đại hồng chung và các tôn tượng cũng được đúc trong năm này. Duy chỉ có tượng đức Bổn Sư Thích Ca được đúc dưới thời ngài Chơn Thiệt.

Mọi việc hoàn tất, tấu lên vua Tự Đức, vua sắc tứ cho tên chùa là Từ Hiếu.

Sở dĩ vua Tự Đức đặt tên chùa là Từ Hiếu vì muốn con cháu nhớ lại công hạnh tu hành của ngài Nhất Định và gương hiếu thảo của ngài. Và cái tên ấy cũng gợi lên được lòng hiếu thảo của chính nhà vua.

Từ và Hiếu là hai chất liệu không thể thiếu trong một con người xuất gia. Đúng vậy, sáng đem niềm vui cho người, chiều giúp người bớt khổ. Đó là kim chỉ nam của người con Phật. Mỗi ngày, ta nguyện tu tập để chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc, an lạc nơi bản thân, rồi giúp đỡ gia đình, dòng họ và những người xung quanh thực tập theo đúng chánh pháp, để họ biết sống vui, sống hạnh phúc. Đó là cách thể hiện lòng hiếu, lòng từ đúng nghĩa nhất.

Trong đời ngài Cương Kỷ, ngài có công biến thảo am thành chùa Từ Hiếu có quy mô vào năm 1848. Và sau đó, ngài tổ chức trùng tu chùa hai lần nữa. Lần thứ nhất vào năm Ất Dậu (1885), nhờ sự trợ giúp của bà Từ Dũ, các cung giám và các thái giám. Lần thứ hai vào năm Giáp Ngọ (1894) vào thời vua Thành Thái năm thứ 5, nhờ thái giám Hồ Xuyên đứng ra quyên góp.

Hai năm sau lần trùng tu thứ hai chùa Từ Hiếu, ngài Cương Kỷ cho dựng Tháp Bồ Đề (1896). Tháp nằm giữa một đồi thông rất đẹp để tàng trữ những kinh tượng bị hư hỏng. Tại Huế, duy Từ Hiếu mới có tháp bảo viện. Do đó những ảnh tượng hoặc kinh sách của những chùa chiền hay của các phật tử bị hư hỏng, họ đều mang về đây để cho thời gian nó tự phân hủy.

Hòa thượng Cương Kỷ được vua Thành Thái kính trọng như người cha tinh thần của mình. Do đó, mọi việc trùng tu, kiến thiết đều được nhà vua giúp đỡ. Bên cạnh đó các thái giám, cung giám cũng rất hoan hỷ cùng góp sức xây dựng chùa Từ Hiếu.

Các ngài thế hệ sau tiếp tục nối tiếp mạch nguồn tâm linh của ông cha đi trước, làm cho tổ đình ngày càng phát triển và đi xa hơn:

Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh (1868 -1927) kế vị trú trì chùa Từ Hiếu sau khi hòa thượng Cương Kỷ viên tịch. Ngài là đệ tử của ngài Diệu Giác ở chùa Báo Quốc. Sư phụ ngài nhận thấy ngài Cương Kỷ là cao tăng hiếm có nên đã cho đệ tử của mình, Ngài Thanh Ninh, đến tham học. Hòa thượng trú trì chùa Từ Hiếu được ba năm. Sau đó, ngài xin từ chức rồi vào ấp Thuận Hóa, làng Dương Xuân, dựng thảo am, đặt tên là Thiếu Lâm Trượng Thất (nay là chùa Tây Thiên Di Đà).

Hòa thượng Tâm Tịnh từ chức, lúc này nhằm năm Thành Thái thứ 13 (1902), hòa thượng Thanh Thái - Huệ Minh (1861 -1939) là đệ tử lớn của ngài Cương Kỷ nên được môn đồ suy cử lên trú trì chùa Từ Hiếu. Năm 1931, ngài cho trùng tu toàn bộ chùa Từ Hiếu. Năm 1937, ngài được vua Bảo Đại phong làm tăng cang chùa Diệu Đế. Ngày 17 tháng 12 năm Kỷ Mão (1939), ngài viên tịch.

Hòa thượng Thanh Quý – Chơn Thiệt (1884-1968) lên trú trì chùa Từ Hiếu, sau khi hòa thượng Huệ Minh viên tịch. Hiện lúc ấy, hòa thượng cũng đang là trú trì chùa Diệu Nghiêm. Hòa thượng có tám vị đệ tử xuất gia: Thượng tọa Chí Niệm, Thiền sư Nhất Hạnh, Thượng tọa Chí Mãn, Thượng tọa Chí Viên, Thượng tọa Chí Thắng, Thượng tọa chí Mậu, Ni sư Lưu Phong, Ni sư Lưu Phương. Năm 79 tuổi, ngài cho trùng tu toàn bộ từ chánh điện cho đến nhà bếp. Đặc biệt ngài cho đúc tượng Bổn Sư Thích Ca bằng đồng.

Hòa thượng Chơn Thiệt viên tịch, thượng tọa Chí Niệm (1918-1979) lên đảm trách chức vụ trú trì. Lúc bấy giờ thượng tọa Chí Niệm đã 50 tuổi rồi. Thượng tọa không xây dựng gì thêm mà chỉ duy trì cảnh quan như cũ. Thượng tọa Chí Niệm viên tịch, thầy Nhất Hạnh đang còn lưu vong không về nước được, do đó thượng tọa Chí Mậu phải đứng lên đảm trách công việc điều hành chùa Từ Hiếu. Từ đây quang cảnh xung quanh chùa đã được sửa sang lại rất quang rạng. Vườn trồng tiêu, vườn cây ăn trái… ở chùa Từ Hiếu từng là vườn cây kiểu mẫu ở Huế. Những thập niên từ 60 đến 80, đất nước tràn ngập chiến tranh, do đó Từ Hiếu trong thời kỳ này cũng không xây dựng được gì thêm. Mãi đến những năm gần đây, một số công trình được xây dựng thêm như thiền đường Trăng Rằm, nhà giáo thọ, tăng xá, thất Lắng Nghe, hai trường học, nhà bếp, hồ Sao Hôm, hồ Sao Mai và cổng chùa cũng được xây dựng lại. Và điểm đặc biệt khi thượng tọa đang điều hành chùa Từ Hiếu, vào năm 1994, viện cao đẳng phật học được mở tại đây với sự góp sức của hòa thượng Thiện Hạnh, thượng tọa Thái Hòa cùng các vị tôn túc trong tăng đoàn Thừa Thiên Huế.

Thầy trò
Nếu nhìn lại để tìm những yếu tố trong dòng thời gian đã qua, đã tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng người về tổ đình Từ Hiếu, chắc chắn phải kể đến đức độ của chư vị tổ sư. Đức độ ấy được thể hiện rất cụ thể, sống động qua các hạnh lành nơi các vị. Tất cả các hạnh lành ấy đều biểu hiện trên nền tảng của tình thầy trò, nghĩa đệ huynh. Tình và nghĩa ấy có thể là một cái gì đó rõ ràng thể hiện thành hình tướng, hoặc chỉ là nguồn năng lượng giao cảm giữa thầy và trò. Cho dù rõ ràng hay vi tế đều sâu sắc, đều khiến người khác xúc động.

Tương truyền rằng, có một lần hòa thượng Cương Kỷ đang ngồi uống trà bên hộp tợ, lúc ấy trời đã lờ mờ tối, thì vua Thành Thái đến viếng thăm ngài.


Hòa thượng hỏi: Ai đến thăm chùa tối vậy?
Hòa thượng nói tiếp: Thành Thái đó à.
Vua đáp: Dạ, chính con đây.
Hòa thượng nói: Con ngồi xuống đi.

Rồi sau đó, hòa thượng sai các chú điệu xuống bếp lấy sắn lên để ngài cùng ăn chung với vua và nói chuyện đạo lý.

Đó chính là tình thầy trò đích thực. Nó vượt lên trên ranh giới của địa vị, của chức quyền.

Trăm sông đổ về biển lớn 
Nói đến Làng Mai, người ta sẽ nghĩ ngay đến luồng sinh khí Phật giáo ứng dụng. Người đã khởi xướng và thổi luồng sinh khí ấy vào mảnh đất Tây phương và phật giáo Việt Nam hiện nay là thầy Nhất Hạnh. Thầy đã và đang dành cuộc đời mình cho sự nghiệp độ sinh. Nhưng mấy ai biết, đã có bao nhiêu biến cố xảy đến trong cuộc đời Thầy? Và những biến cố ấy đã có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp ấy?
Thầy sinh năm 1926, tại làng Thành Trung, Thừa Thiên Huế. Thầy có thế danh là Nguyễn Xuân Bảo. Năm 16 tuổi, thầy từ giã song thân đến chùa Từ Hiếu xin xuất gia với hòa thượng Chơn Thiệt. Với bẩm tính thông minh và hiền từ, sáu tháng sau được hòa thượng Chơn Thiệt thế độ và đặt cho pháp danh là Trừng Quang, tự là Phùng Xuân. Năm tròn 24 tuổi, thầy được bổn sư cho thọ cụ túc giới.

Trong năm này (1950), Thầy cùng với các thầy khác thành lập Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, Chợ Lớn.

Năm 35 tuổi (1961) thầy đến Hoa Kỳ để dạy về tôn giáo tại các trường đại học Colombia và Princeton. Nhưng đến năm 1963, các thầy ở Việt Nam mời Thầy về để cùng chống chiến tranh đang leo thang khi chính phủ Diệm sụp đổ. Thầy về quê hương hướng dẫn một phong trào bất bạo động theo đường hướng của thánh Gandhi.

Năm 38 tuổi thầy cùng với các giáo sư và sinh viên ở Việt Nam thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội.

Cũng trong năm 1964, thầy thành lập nhà xuất bản Lá Bối, một trong những nhà xuất bản có tiếng tăm thời bấy giờ ở Việt Nam, và thầy cũng làm chủ bút tờ Hải Triều Âm.

Năm 40 tuổi (1966), theo lời khuyên của các thầy tại Việt Nam, thầy rời Việt Nam theo lời mời của hội Fellowship of Reconcilliation và trường đại học Cornell. Thầy đến Hoa Kỳ để nói lên tiếng nói đau thương của số đông những người dân bị đàn áp ở Việt Nam.

Trước khi rời Việt Nam, từ Sài Gòn, thầy trở về Huế để bái biệt sư phụ, Hòa thượng Chơn Thiệt. Thầy không biết đó là lần cuối cùng được gặp hòa thượng. Nhưng hình như có linh tính báo cho hòa thượng biết nên hòa thượng đã dạy thầy: “Con hãy ở lại thêm một ngày nữa để thầy làm lễ truyền đăng trước khi con đi”. Khuya hôm sau, một lễ truyền đăng được tổ chức trong chánh điện. Hòa thượng đã truyền cho thầy bài kệ:

Nhất hướng phùng xuân đắc kiện hành
Hành đương vô niệm diệt vô tranh
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể
Diệu pháp đông tây khả tự thành. 

Năm 43 tuổi (1964), giáo hội phật giáo Việt Nam yêu cầu thầy hướng dẫn phái đoàn hòa bình của Phật giáo bên lề hội nghị Paris. Sau khi bản hòa ước được ký vào năm 1973, thầy bắt đầu cuộc đời lưu vong tại xứ người cho đến năm 2005 mới được phép về nước. Chính biến cố ấy lại là bước chuyển quan trọng trong cuộc đời thầy.

Trong thời gian ấy, thầy thành lập Phương Bối Am. Am này đã đổi thành Làng Hồng vào năm 1982, một trung tâm tu học rất lớn gần vùng Bordeux, Pháp.

Hiện tại, thầy có rất nhiều trung tâm tu học trên thế giới, nhất là ở Pháp và Mỹ. Hàng ngàn người trên thế giới đã đến tu học với thầy. Hàng năm, mặc dù đã lớn tuổi, nhưng thầy vẫn đi mở các khóa tu học cho các giới ở các nước. Hàng vạn trái tim, hàng triệu tâm hồn bị cuộc đời làm tổn thương thì thầy là người hàn gắn cho những trái tim, những tâm hồn ấy lành lặn trở lại.

Về nguồn
Mặc dù sống xa xứ, nhưng thầy vẫn hướng về đất nước với tấm lòng một người con của quê hương. Thầy đã có những chương trình hành động rất cụ thể nhằm hổ trợ cho đất nước. Năm 2005, khi được phép về nước, thầy đã hiến tặng cho đồng bào phật tử những phương pháp thực tập đã được thầy áp dụng ở Tây phương hơn 40 năm qua. Những pháp môn đã và đang giúp chuyển hóa cho hàng triệu người trên thế giới. Chuyến trở về đã để lại một ấn tượng khá mạnh về một đạo Phật ứng dụng. Nó giúp chuyển đổi được những cái nhìn sai lạc của đại đa số người dân về đạo Phật. Nó cũng giúp người dân phục hồi lại niềm tin nơi đạo Phật. Đáp ứng lại lòng mong mỏi của những người trẻ muốn tu học, muốn xuất gia, nhiều tu viện Phật giáo được thực tập theo pháp môn Làng Mai đã hình thành. Điển hình như tu viện Từ Hiếu. Với những ngày đầu tiên thành lập, số lượng tăng chúng, đa phần là những người xuất gia trẻ, đến thường trú tu học tại đây lên đến con số cả trăm. Bên cạnh đó, tu viện cũng tiếp nhận những người trẻ có ước nguyện muốn tìm hiểu đời sống xuất gia. Chương trình tu học dành cho tăng chúng tại tu viện có sự kết hợp hài hòa, uyển chuyển giữa truyền thống và pháp môn mới. Tuy đa phần là người xuất gia trẻ nhưng năng lượng tu học rất vững chãi. Bởi mỗi thành viên của tu viện đều ý thức được rằng mình đang có một hướng đi rõ ràng cho hiện tại và cả tương lai. Hơn nữa, lại được nương tựa tu học nơi những vị thầy khả kính, những vị thầy có nhiều năm kinh nghiệm trong sự tu học và chuyển hóa. Tại tu viện, mỗi tuần đều có ngày quán niệm cho phật tử địa phương. Số phật tử đến tham gia ngày tu rất đông. Họ cảm thấy rất hạnh phúc khi được thực tập chung với quý thầy tại tu viện. Họ có chia sẻ rằng, chỉ cần thấy sự trầm tĩnh nơi quý thầy, sự bình an trên từng bước chân nơi quý thầy cũng đã giúp họ vơi đi phần nào, lắng dịu phần nào những cẳng thẳng trong họ. Bên cạnh những sinh hoạt thường nhật, quý thầy còn tổ chức giao lưu, trao đổi với các bạn sinh viên, học sinh địa phương hoặc ngoại tỉnh về nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhưng nền tảng của sự trao đổi vẫn là sự tu học. Qua những lần trao đổi như vậy, năng lượng tu học nơi mỗi thành viên trong tu viện càng thêm nuôi dưỡng. Bởi ai cũng ý thức rằng, mình cần thực tập nhiều hơn để có vốn kinh nghiệm đem ra chia sẻ, giúp đỡ những người trẻ. Và tại tu viện, mỗi năm cũng có những khóa tu 7 ngày, 21 ngày cho Phật tử từ bắc miền Trung trở ra. Hàng năm, các vị giáo thọ từ Làng Mai được gởi về Từ Hiếu để cùng thực tập với đại chúng ở đây, và cũng được mời giúp đỡ mở các khóa tu tại một số điểm mà Phật tử có nhu cầu. Bắt đầu từ đây, luồng sinh khí mới đã xuất hiện trong đạo Phật Việt Nam.
nhà thủy tạ - hồ Sao Mai
(Theo langmai)

Muốn Có Tâm Nhân Từ Phải Bắt Đầu Từ “HIẾU”



Chúng ta đã hiểu rõ được người có tâm nhân từ, mỗi niệm có tâm nhân từ, người người đều có nhân từ thì xã hội liền có thể hướng đến một thế giới đại đồng. Chúng ta tiến thêm một bước, một người có tâm nhân từ thì phải bắt đầu bồi dưỡng từ đâu? Phải bắt tay vào từ đâu mới có thể nuôi lớn tâm nhân từ của họ? Chúng ta luôn phải tìm ra cái bước đầu tiên. Bước đầu tiên này ở đâu vậy? Khi chúng ta thường hay đem suy nghĩ luôn luôn hướng cội gốc mà tư duy thì chân lý liền xuất hiện. Một người không hiếu kính đối với cha mẹ, bạn có tin là họ có thể hiếu kính đối với người khác hay không? Cho nên trong “Hiếu Kinh” có nói đến một câu: “Bất ái kỳ thân”, không yêu cha mẹ của họ, “nhi ái tha nhân giả”, mà đi thương yêu cha mẹ người khác, đây gọi là bội đức, đây là trái với đức hạnh của một người. Việc này không thể nào có được.

chu Hieu


Tôi trong lúc giảng dạy, cũng đã từng thỉnh giáo qua một số người nữ vẫn chưa kết hôn. Tôi hỏi các cô ấy: “Có một người nam, anh ấy rất là tích cực đeo bám bạn, không ngừng nỗ lực trong suốt mấy mươi năm (hiện tại còn có loại ái tình lâu dài mấy mươi năm như một ngày không? Hiện tại tương đối không còn), anh ấy đeo đuổi bạn ba năm, ba năm như một ngày. Bạn có bất cứ yêu cầu nào thì anh ấy nhất định tận tâm, tận lực làm tốt, giúp bạn. Hơn nữa chỉ cần có thời gian rảnh liền mời bạn đi uống cafe, dẫn bạn đi du sơn, ngoạn thủy. Thế nhưng anh ấy chưa từng uống cafe với cha mẹ anh ấy, cũng chưa từng du sơn, ngoạn thủy với cha mẹ. Ba năm này, bạn cảm thấy anh ấy rất tốt đối với bạn, anh ấy muốn kết hôn với bạn. Đột nhiên có một vị trưởng bối cũng là người hàng xóm của anh ấy nói với bạn rằng người nam này không hiếu kính đối với cha mẹ của anh ấy. Xin hỏi: Bạn có nên kết hôn với anh ấy không?”. Không nên! Có một số người nữ hơi cúi đầu nhìn xuống.

Người trong cuộc mê muội. Nếu như hiện tại vẫn có thể chọn lựa, khi chân thật gặp phải rồi thì nhất định là phải chôn vùi đi. Vì sao các vị có kinh nghiệm đến như vậy? Cho nên chúng ta phải hiểu rõ được rằng “Hiếu” rất quan trọng đối với một người. Một người không học được hiếu đạo thì thái độ đời sống, ân nghĩa, đạo nghĩa của họ không cách nào có thể hình thành. Bởi vì người có ân đức lớn nhất đối với chúng ta không ai hơn được cha mẹ của chính mình, khổ cực mang thai, sanh đẻ, nuôi nấng, dạy bảo.

Họ không nuôi lớn ân nghĩa, không nuôi lớn đạo nghĩa, thì sẽ nuôi lớn cái gì? Có rất nhiều cha mẹ nói: “Con của tôi không học tốt, cũng không học xấu”. Có người nào như vậy hay không? Học cũng giống như bơi thuyền đi trên dòng nước chảy ngược, không tiến thì lùi. Cái gì là ngược dòng nước? Xã hội hiện tại là một cái lò ô nhiễm lớn, bạn không mau dạy chúng cho tốt thì chúng nhất định sẽ học xấu.

Tôi đã từng ở một nơi tương đối hẻo lánh để dạy học. Thông thường người ta sẽ cho rằng ở nơi hẻo lánh thì mức ô nhiễm tương đối thấp, cho nên trẻ con tương đối đơn thuần. Thật ra không phải vậy, bởi vì hiện tại có một đại ma vương ở khắp mọi nơi, cho dù bạn ở trong núi sâu, nó cũng sẽ chạy đến nơi đó và nó đem những quan niệm không chính xác nói với bạn. Đại ma vương này là ai? Truyền hình.

Làm sao các vị nhận biết được nó vậy? Đúng rồi, cho nên chúng ta phải cảnh giác. Bạn không mau đem quan niệm thái độ chuẩn xác dạy cho trẻ con, thì chúng sẽ mỗi ngày từng li, từng tí đang học những điều không tốt. Vì vậy, khi cho đứa bé xem truyền hình, nhất định phải chọn những tiết mục không có ô nhiễm, những tiết mục tốt. Ngay khi đứa bé không thêm lớn ân nghĩa, tình nghĩa, thì sẽ thêm lớn lợi hại. Chúng ưa thích thì chúng sẽ tận lực mà truy cầu. Chúng không ưa thích thì có thể chúng sẽ trở mặt không nhận người quen. Thái độ của đứa bé đối với người đều là lợi hại.

Vậy lợi hại có đáng tin cậy hay không? Lợi hại có nhiều hình, nhiều dạng. Hôm nay không có lợi hại gì thì anh em còn có thể hòa thuận cùng ở với nhau. Ngày mai nếu như bởi vì tài sản của cha mẹ, có thể ngày mai họ liền sẽ trở mặt. Cho nên người nam này tại vì sao ở trong ba năm có thể tận tâm, tận lực vì người nữ đó mà bỏ công ra? Nguyên nhân ở chỗ có lợi có thể chiếm. Cho nên, bạn thấy người con trai ngày nay thấy người nữ xinh đẹp đều sẽ không hề tiếc thân tình nguyện mà phục vụ cho cô ấy. Có hay không? Nửa đêm cô gái này bụng đói rồi, gọi điện cho anh ấy, anh ấy lập tức chạy đi mua cho cô ấy một ít thức ăn nóng, hay làm một số thức ăn nóng khác để cô ấy ăn. Động lực phía sau này là “lợi”. Ngay khi bạn lấy anh ấy rồi, sau ba năm lại sinh cho anh ấy một đứa con vừa trắng, vừa tròn. Thế nhưng sinh trẻ nhỏ rất khó nhọc, cho nên trên mặt cô ấy có vài nếp nhăn, không còn mỹ miều, trẻ đẹp như trước. Kết quả vị nam sĩ này ra ngoài làm việc, thấy một người xinh đẹp trẻ tuổi hơn. Vậy anh ấy từ “lợi” biến thành xấu đi, từ “lợi” liền biến thành “hại”. Bởi vì anh ấy lại muốn theo đuổi cô gái trẻ đó, bởi vì anh ấy chỉ có lợi hại, chỉ có hiếu ác, cho nên từ “lợi” liền biến thành “hại”. Khi vừa làm ra hành động này, liền ảnh hưởng gia đình, ảnh hưởng xã hội, tỷ lệ ly hôn nâng lên cao.

Tỷ lệ ly hôn vừa nâng cao thì trực tiếp ảnh hưởng chính là giáo dục thế hệ sau. Không chỉ là sau khi bạn ly hôn sẽ ảnh hưởng đứa nhỏ này, mà ở ngay trong quá trình chung sống, sự xung đột của vợ chồng, loại không khí không tốt này đều sẽ sâu sắc ghi lại ấn tượng trong tâm khảm của trẻ nhỏ. Cho nên vợ chồng bất hòa, chồng vợ ly hôn thì tổn hại cả đời đối với trẻ nhỏ.

Tỷ lệ ly hôn còn kéo theo một vấn đề xã hội nghiêm trọng khác nữa, đó chính là tỷ lệ phạm tội. Tôi đã từng hỏi qua một vị là người lãnh đạo của giám ngục. Ông nói rằng 70% – 80% số người bị tù tội đều có gia đình bất hòa. Gia đình không kiện toàn, trẻ nhỏ từ nhỏ không có giáo dục gia đình tốt, cho nên nền tảng nhân sinh của chúng không được xây đắp. Sau đó đến trường học, vào xã hội, gặp được duyên phận không tốt, lập tức liền bị bật gốc, rất dễ dàng bị bạn xấu làm hư hỏng.

Ngay khi tỷ lệ phạm tội của xã hội càng ngày càng cao, dù bạn có nhiều tiền, có địa vị cao, bạn có cảm giác an toàn hay không? Không! Hiện tại cả thế giới, đích thực ra có rất ít người có cảm giác an toàn. Cho nên hiện tại chúng ta đi dạo trên phố, như tôi đi đến Hải Khẩu, ba lô của tôi, tôi nhất định phải mang ở phía trước, hoặc là mang ở phía trước bụng, phải như vậy mà đi chậm chậm. Nếu mang phía sau, nếu như có người muốn giựt bóp da của bạn, bạn liền bị nguy hiểm.

Hiện tại xã hội không được trị an là một kết quả. Nguyên nhân do đâu vậy? Gia đình không có sự ổn định. Con người từ nhỏ không được dạy hiếu đạo, không được học giáo huấn Thánh Hiền. Ngày nay hôn nhân không tốt, nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân từ nhỏ không được học “hiếu đạo”. Chúng ta hiểu rõ được cái điểm này, thì càng phải xem trọng giáo huấn của hiếu đạo và giáo huấn của Thánh Hiền. Nhất là chúng ta trước đây thường hay báo oán, trị an xã hội không tốt. Hiện tại chúng ta làm từ chính mình, dạy hiếu, đồng thời cũng phải giáo dục trẻ nhỏ của người khác để chúng hiếu thuận cha mẹ. Chúng ta phải tận tâm, tận lực mà phát triển quan niệm quan trọng chính xác này.

Khổng Lão Phu Tử trong “Hiếu Kinh” có một đoạn khai thị rất quan trọng: “Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã”. “Hiếu” là căn bản của đức hạnh, giáo dục phải bắt đầu từ chỗ này. Nếu không bắt đầu từ hiếu đạo, thì không thể nuôi lớn được đức hạnh của một người. Cho nên giáo dục là chú trọng ở “hiếu đạo”.

Quý vị thân mến! Chúng ta đem câu này đọc qua một lượt, bạn đọc qua một lần nhất định không có cảm giác như ngày trước đọc qua một câu này. Chúng ta cùng đọc qua một lần: “Phù hiếu, đức cho bổn dã, giáo chi sở do sanh dã”. Tốt quá! Đã tìm được căn bản thì đường sẽ không còn xa, nên gọi là quân tử lo ở gốc. Gốc đã kiến lập thì nhân đạo liền sanh. Cho nên Lão Phu Tử trong “Luận Ngữ” liền nói đến “hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dữ”. Vì vậy chúng ta nhất định phải bắt đầu từ chữ “Hiếu”.

Nguồn: Học làm người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét