- Thần Thông Không Thắng Được Nghiệp Lực...

 Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể câu chuyện sau về Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất cho các đồ đệ của Ông nghe.
Câu Chuyện Thứ Nhất:
Một ngày, khi hai người tu đạo này đi ngang qua một thôn trang thì gặp một nhóm trẻ rất tinh nghịch. Những đứa trẻ quyết định trêu đùa họ.

Một trong số chúng đứng giữa đường để chắn lối đi và hỏi: “Khi nào thì trời chuyển sang lạnh?”

”Bất luận là xuân, hạ, thu, đông, khi trời có gió và mưa thì sẽ chuyển sang lạnh”, người tu đạo đi trước cười đáp. Những đứa trẻ bèn tránh đường cho ông đi. Nhưng chúng chạy theo sau ông và chặn không cho người tu đạo thứ hai đi ngang qua. Một đứa trẻ hỏi người tu đạo đi sau: “Khi nào thì trời chuyển sang lạnh?” “Mùa đông là mùa lạnh do sự xoay chuyển của nhật nguyệt tinh tú (mặt trời, mặt trăng và các vì sao). Khi trái đất ở cách xa mặt trời trong mùa đông thì trời lạnh. Chỉ có những kẻ ngu si mới không biết điều đó.”

Sau khi nghe điều này, những đứa trẻ bèn ném đá vào người tu đạo đi sau này. Xá Lợi Phất là người đi trước và Mục Kiền Liên là người đi sau.

Trong số 16 đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là những nhân vật xuất chúng, đặc biệt là về thần thông của họ.

Mục Kiền Liên có thần thông thật phi thường. Khi ông đụng đầu ngón chân vào cung điện của Thiên Đế Thích, ông có thể làm cung điện rung chuyển, thậm chí là đổ sụp. Tại sao ông không vận dụng thần thông để đối phó với đám trẻ tinh nghịch này?

Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất thường đi cùng nhau. Họ đi lại giữa thiên đường và hạ giới, địa ngục và cõi súc sinh. Họ vận dụng thần thông để cứu độ người khổ nạn và giáo hóa các chúng sinh ngu si.

Một lần, họ đi xuống tận địa ngục vô gián. Ở đó cực kỳ nóng. Hơi nóng bốc lên từ chảo dầu đầy khắp bầu không khí trong địa ngục. Những kẻ khốn khổ phải chịu nhận hình phạt này đang khóc lóc và kêu la vì đau đớn. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã làm mưa để giảm nhẹ sự thống khổ của họ trong một phút chốc.

Lúc ấy họ trông thấy một tội nhân, với thân thể thô đại cùng cái lưỡi lớn và rất dài. Năm trăm cái cày sắt nằm trên đầu lưỡi của ông ta. Ông ta đang dùng những cái cày được gắn trên lưỡi để cày một mảnh đất hoang. Máu tươi nhỏ giọt từ lưỡi của ông ta. Ngay khi người tội nhân trông thấy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, ông ta chạy đến bên họ và khóc lóc: “Hai vị tôn giả, tôi tên là Bộ Lợi Nô, lúc còn sống là một giáo sĩ truyền tà giáo. Tôi chuyên thuyết tà pháp, phỉ báng Phật giáo, nên mới bị khổ báo thế này đây. Nếu các Ngài đi qua Nam Thiêm Bộ Châu (một trong bốn Châu lớn trên trái đất, theo Phật giáo), thỉnh các Ngài nói với những môn đồ của tôi rằng đừng thờ cúng những thứ tôi đặt trong tháp gỗ nữa. Nó sẽ chỉ làm tăng khổ báo của tôi thôi. Cũng xin các Ngài nói với họ rằng đừng phỉ báng Phật Pháp, theo tà giáo để lừa gạt chúng sinh nữa, nếu không sẽ theo dấu chân của tôi và bị đọa xuống nơi này, nghìn vạn lần van xin các Ngài.”

Sau khi rời khỏi địa ngục vô gián, hai vị tôn giả bèn trở lại thành Vương Xá, và gặp một nhóm ngoại đạo. Tất cả họ đều mang theo gậy chống, gậy lớn làm vũ khí để chặn đánh những người xuất gia. Xá Lợi Phất là người đi trước. Khi những kẻ ngoại đạo kia cầm vũ khí định đánh hai người, Xá Lợi Phất đã nói chuyện với họ bằng ngữ khí ôn hòa. Họ bèn dừng lại và để Xá Lợi Phất đi qua. Nhưng khi Mục Kiền Liên bước tới, họ lại giương vũ khí lên.

“Khoan đã!” Mục Kiền Liên giơ tay lên chặn họ lại và nói: “Hai chúng tôi vừa mới trở về từ ngục vô gián. Chúng tôi đã thấy sư phụ Bộ Lợi Nô của các ông phải chịu khổ báo cực đại như thế nào trong địa ngục. Ông ấy phải dùng lưỡi cày gắn trên lưỡi để cày đất. Máu tươi rỉ ra từ đầu lưỡi của ông ấy. Ông ấy đang phải chịu khổ báo cực đại. Ông ấy nhờ tôi chuyển lời tới các ông rằng hãy dừng phỉ báng Phật Pháp, tuyên truyền tà giáo, nếu không sẽ đi theo bước chân của ông ấy. Đồng thời các ông đừng có triều bái cái tháp gỗ thì mới có thể giảm bớt thống khổ cho ông ấy”. Mục Kiền Liên nói vậy là có hảo tâm muốn họ hối cải và tiêu trừ sự hằn thù giữa hai bên. Nhưng ngay khi ông vừa nói xong, đám ngoại đạo lao vào và tấn công ông vô cùng hung hãn.

“Đánh! Hắn phỉ báng sư phụ chúng ta. Đánh hắn. Đánh sa môn này!”

Gậy gỗ và gậy chống đập vào đầu Mục Kiền Liên như mưa, đến nỗi ông bị thương tích đầy mình.

Nhiều người trông thấy cảnh ngộ của Mục Kiền Liên bèn nảy sinh tâm nghi ngờ về thần thông của ông.

Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Thần thông của Mục Kiền Liên không phải là điều hư giả, ông có thể lên trời xuống đất, biến hóa khôn lường, thân thể không có chướng ngại, tự do tự tại. Năng lực thần thông của ông là bất khả tư nghị. Thần thông của Mục Kiền Liên không hề bị tiêu mất, nhưng khi đối mặt với nghiệp lực trước mắt, ông biết rằng nợ nghiệp thì tất phải hoàn trả. Đây là luật nhân quả, không ai có thể vi phạm. Khi nghiệp lực tới, người ta phải nhận nó; phù hợp với luật nhân quả mới là đạo lý. Mọi người đều cần phải hiểu rằng khi nghiệp lực tới, đừng cố gắng chạy trốn và mang tâm oán hận. Một người cần phải biết rõ rằng tạo nghiệp là đáng sợ như thế nào. Hãy tu luyện tinh tấn và cẩn thận với hành vi của chính mình.”

Mục Kiền Liên có sở trường về thần thông, nhưng ông đã không dùng nó để che đậy sai lầm của mình và tránh bị nghiệp báo. Ông đã nêu lên một tấm tương tốt cho chúng ta.


Câu chuyện thứ 2:
Thần thông của Mục Kiền Liên, quả thật trong tất cả các đệ tử của đức Phật, không ai có thể so sánh được. Bất cứ việc gì, dù khó khăn đến đâu, hễ tôn giả vận dụng đến thần thông thì không có việc gì là không thành.

Mặc dù vậy, việc sử dụng thần thông chỉ hữu hiệu đối với việc cứu độ chúng sinh hay giúp thêm phương tiện cho việc tuyên dương Phật pháp, chứ không thể sử dụng nó để làm những việc trái ngược lại với các luật tắc nhân quả. Thần thông không giúp thắng được nghiệp báo, cũng không thể giúp giải thoát được phiền não, sinh tử; đó là sự thật.
Mục Kiền Liên vận dụng pháp lực thần thông ra tay cứu giúp dân chúng, nhưng chuyện không ngờ đã xảy ra …

Một ngày kia, quê hương Ca Tì La Vệ của đức Phật bị vua Lưu Li (Virudhaka - Vidudabha) của nước Kiều Tát La dẫn đại quân xâm lược. Nghe được tin ấy, lúc đầu đức Phật cũng nghĩ đến việc phải bảo vệ tổ quốc. Ngài bên ngồi ngay trên đường tiến quân của vua Lưu Li cốt ý cảm trở viếc tiến quân này.

Đã ba lần như vậy, cứ trông thấy đức Phật thì vua cho lui quân, nhưng cái tâm xâm lược cũng như cái ý chí muốn trả một mối cựu thù gì đó của nhà vua thì không chấm dứt được.

Đức Phật quán chiếu và biết rõ là cái mối nhân quả nghiệp báo ràng buộc giữa hai bộ tộc từ lâu đã đến lúc phải được kết thúc, nếu không thì không thể nào giải trừ được. Bởi vậy, dù rất yêu mến quê hương, dù đã ba lần xả thân cản trở đạo quân xâm lăng, nhưng cuối cùng thì Ngài cũng đành phải để cho vua Lưu Li tấn công thành Ca Tì La Vệ.

Nhưng Mục Kiền Liên thì không chịu như vậy. Khi biết tin thành Ca Tì La Vệ đã bị đại quân của vua Lưu Li Bao vây, tôn giả bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thành Ca Tì La Vệ đang bị tấn công, con nghĩ là mình phải ra sức cứu giúp nhân dân trong thành.

Phật nhìn Mục Kiền Liên, giọng từ ái bảo:

- Này thầy Mục Kiền Liên! Bộ tộc Thích Ca đã đến đến lúc phải chịu quả báo của những tội nghiệp đã gây từ bao đời trước. Đó là cộng nghiệp của họ chiêu cảm nên, thầy không thể nào chịu thế cho họ được. Họ đã không biết sám hối tội lỗi, không chịu sửa đổi những sai lầm cũ và ngăn ngừa những nghiệp xấu mới, mà vẫn cứ một mực kiêu ngạo, ngang tàng. Dĩ nhiên, ngôi nhà đã bị mối mọt đục nát thì phải bị sụp đổ!.

Nghe lời Phật dạy của đức Phật, Mục Kiền Liên biết đó là sự thật, nhưng tôn giả vẫn nghĩ là có thể sử dụng thần thông của mình để cứu nhân dân trong thành được.

Vua Lưu Li dùng hàng trăm ngàn quân để bao vây thành, một giọt nước cũng khó lọt qua, huống nữa là người; cho nên Mục Kiền Liên phải dùng thần thông bay vào bên trong thành Ca Tì La Vệ.

Vào thành rồi, tôn giả bèn chọn lấy năm trăm nhân vật ưu tú của bộ tộc Thích Ca, bỏ họ vào trong bình bát, đậy nắp lại và bay ra khỏi thành. Đến một nơi thật an toàn, tôn giả mở nắp bình bát ra, tưởng là đã cứu thoát được năm trăm người này, nhưng khi nhìn vào bình bát thì hỡi ôi!

Tôn giả hoảng kinh thất sắc, tất cả năm trăm người trong bình bát đều biến thành máu!

Lúc bấy giờ tôn giả mới sực tỉnh ngộ, lời Phật dạy quả không sai, dù thần thông có quảng đại đến thế nào đi nữa, cũng không thể thắng được nghiệp lực cùng những luật tắc nhân quả. Những người này, cho dù không bị kẻ thù giết chết, thì cũng phải gặp nguyên nhân khác báo ứng mà chết thôi.

Mục Kiền Liên có sở trường về thần thông, nhưng chính thần thông cũng không thể thắng được nghiệp lực.

Câu Chuyện Thứ 3:
Mục Kiền Liên thường sử dụng thần thông để trợ lực đức Phật trong việc hoằng dương chánh pháp, công đức thật lớn lao. Mặc dù vậy, từ lâu đức Phật vẫn thường lưu ý đại chúng rằng, thần thông không phải pháp môn rốt ráo. Sự thật rất rõ ràng, như tôn giả Mục Kiền Liên đó, là bậc thần thông quảng đại như vậy đó, và đã từng dùng thần thông làm phương tiện hành đạo hữu hiệu như vậy đó, nhưng rốt cuộc, thần thông ấy đã không giúp tôn giả thắng được nghiệp báo của chính mình. Đức Phật muốn dùng sự thật điển hình này để răn dạy người sau.

Tuy tuổi tác mỗi ngày một cao, nhưng tinh thần bố giáo của tôn giả Mục Kiền Liên vẫn càng lúc càng sung mãn, bước chân hành hóa cứ như nước chảy mây trôi, không bao giờ ngưng nghỉ. Tôn giả không biết rằng, chính vì cái nhiệt tâm truyền bá Phật pháp ấy mà tôn giả đã bị rất nhiều tu sĩ ngoại đạo hiềm khích, đố kị, Những tu sĩ ngoại đạo ấy rất nhiều lần muốn hại đức Phật, nhưng không làm cách nào được, bèn hướng mục tiêu vào Mục Kiền Liên.

Một ngày kia trên đường hoàng hóa, khi đi ngang qua một ngọn núi thì tôn giả bị một đám tu sĩ ngoại đạo phái Lõa Hình phục kích. Họ đã xô đá từ trên núi xuống. Đá lăn xuống như mưa vào người tôn giả, cho đến khi nhục thân của tôn giả nhừ nát, ngã gục, Tôn giả đã phải chết dưới bàn tay họ, vây mà trong ba ngày liên tiếp họ vẫn không dám trở lại gần nơi đó, vì vẫn còn sợ thần lực của tôn giả.

Mục Kiền Liên đã vì công việc truyền bá hạt giống bồ đề mà bị ngoại đạo hãm hại, đã vì hậu thế mà nêu lên tấm gương hi sinh vì đạo, thì nhục thân của tôn giả quả thực đã trở thành một tuyên ngôn bất hủ để lại cho thế gian! Máu của tôn giả đã không đổ ra một cách vô ích, mà dưới ánh từ quang của đức Phật, bao nhiêu vị tiên hiền thánh triết, cũng vì công cuộc hoằng pháp lợi sinh, đã noi dấu vết tôn giả mà từng dâng hiến thân mạng, dâng hiến tất cả để cho ánh sáng chân lí vẫn bất diệt ở thế gian. Ôi cao cả thay!

Tin tức tôn giả Mục Kiền Liên bị ngoại đạo ám hại chẳng mấy chốc được truyền đến hoàng cung, vua A Xà Thế bị chấn động mạnh. Nhà vua nổi giận tột cùng, liền hạ lệnh tức tốc tìm bắt hung thủ, và hậu quả tàn khốc đã xảy ra - dưới cơn giận mãnh liệt của nhà vua, đã có đến mấy ngàn tu sĩ phái Lõa Hình bị bắt ném vào hầm lửa!

Trong tăng đoàn thì toàn thể đại chúng không ai là không than khóc tiếc thương. Ai cũng bảo là trên đời sao có nhiều việc quá bất công, một vị đại thần thông như Mục Kiền Liên mà đã không tránh được cuộc tập kích của ngoại đạo! Lòng họ cứ ray rứt mà không giải tỏa được. Họ bèn cùng nhau đến bái kiến đức Phật để xin chỉ dạy:

- Bạch Thế Tôn! Sư huynh Mục Kiền Liên của chúng con là vị đệ tử lớn của Thế Tôn, Khi Thế Tôn lên thiên cung nói pháp cho lệnh bà Ma Da (Mahamaya), sư huynh chúng con đã từng đáp ứng lời thỉnh cầu của chúng con mà lên thiên cung vấn an Thế Tôn... Sư huynh chúng con oanh liệt là thế, thần thông quảng đại là thế, vì sao mà đã không dùng thần thông để chống lại ngoại đạo, thậm chí cũng không trốn tránh sự ám toán của họ?

Vì đã quán triệt được mọi việc xảy ra, đức Phật đã không quá bị khích động như các vị tì kheo, Ngài bảo đại chúng:

- Này quí thầy! Đại đức Mục Kiền Liên là người đệ tử có thần thông số một của Như Lai, không phải là đại đức không thể kháng cự nổi quí vị tu sĩ ngoại đạo, nhưng vì lúc trước, khi vua Lưu Li dẫn đại quân xâm lăng thành Ca Tì La Vệ, đại đức đã từng dùng thần thông tưởng có thể cứu được nhân dân trong thành, nhưng rồi đã tỉnh ngộ rằng thần thông không thể nào chống trả được nghiệp lực, nhục thể chỉ là vô thường, và nghiệp báo phải có lúc được kết thúc. Trong tiền kiếp đại đức đã từng làm nghề bắt cá để nuôi thân, chẳng biết đã có bao nhiêu mạng sống bị chết oan bởi bàn tay của đại đức! Nhưng này quí thầy! Quí thầy cũng không nên đau buồn, đại đức Mục Kiền Liên tuy đã nhập diệt, nhưng chân lí thì vẫn không bao giờ bị tiêu diệt.

Một số đông quí vị ti kheo vẫn không dằn được bi thương:

- Nhưng sư huynh chúng con bị hại thảm thiết quá, bạch Thế Tôn! Chúng con không an tâm được!

- Này quí thầy! Quí thầy nên biết, đối với bậc giác ngộ thì việc sinh tử không là vấn đế gì cả. Có sinh thì có tử, cho nên cái chết không làm cho ta kinh hoàng sợ sệt. Điều cần yếu là chúng ta xem có thể học hỏi gì từ cái chết đó. Đối với đại đức Mục Kiền Liên, trong phút lâm chung, thần trí không hôn mê mà đã an nhiên nhập niết bàn, đó là điều rất quí báu; đến như tinh thần hi sinh thân mạng vì công cuộc hoằng dương Phật pháp của đại đức thì quả thật là cao đẹp cực cùng!

Dù Phật dạy như vậy, trong đại chúng vẫn còn một số vị tì kheo lắc đầu than thở, lòng thương cảm chưa nguôi, lại bộc bạch:

- Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng biết tinh thần hi sinh vì đạo cao cả, nhưng sự hi sinh của sư huynh chúng con vào lúc này thật là quá sớm. Sự nghiệp hoằng pháp còn dài và còn nhiều việc phải làm, chúng con đang cần sự lãnh đạo của sư huynh. Còn nữa, bạch Thế Tôn, về tai nạn này, sao Thế Tôn đã không bảo trước cho sư huynh chúng con biết mà đề phòng?

Những lời bộc bạch của quí vị tì kheo vừa dâng lên đức Phật, đã chứng tỏ lòng kính yêu của họ đối với tôn giả Mục Kiền Liên. Họ đã bị xúc động mãnh liệt đối với tai nạn thảm khốc của tôn giả. Đức Phật cũng rất thương cảm, cho nên lại phải an ủi họ:

- Này quí thầy! Khi đại đức Mục Kiền Liên tuẫn giáo, không phải là đại đức đã không biết trước để đề phòng. Đại đức có thần thông lớn có thể tự bảo vệ được mình, nhưng đó không phải là biện pháp rốt ráo. Người tu hành không thể cưỡng lại các luật tắc nhân quả; quả báo của nghiệp nhân bắt cá làm kế sinh nhai ở đời trước của đại đức nay đã đến lúc phải được kết liễu. Vả lại, từ buổi đầu xuất gia, đại đức đã phát nguyện sẽ đem sinh mạng mình cống hiến cho việc phụng sự chân lí, nay đại đức dã được mãn nguyện và hoan hỉ nhập niết bàn, tất cả đệ tử của Như Lai cũng nên có cái tinh thần tuẫn giáo như Mục Kiền Liên vậy, thì Phật pháp mới được quảng bá rộng rãi ở thế gian. Này quí thầy! Quí thầy hãy học lấy cái tinh thần cao quí ấy của đại đức Mục Kiền Liên!

Lời khai thị của đức Phật đã làm cho toàn thể đại chúng vô cùng cảm động. Cái chết vì đạo của một Mục Kiền Liên đã làm nảy sinh vô số các Mục Kiền Liên khác. Tất cả đại chúng đều vì sự trường tồn của chánh pháp mà phát nguyện học theo tinh thần tuẫn đạo cao quí của tôn giả Mục Kiền Liên.

Theo Thuvienhoasen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét