- Khi đồ chay lên ngôi

(SKGĐ) Có thật sự bạn đang ăn chay giữ sức khỏe. Hay đơn giản, bạn đã cắt giảm dinh dưỡng thành bữa cơm hành khất khổ hạnh?

Lịch sử của ăn chay

Xuất phát từ đạo Phật, nên người tu hành ăn chay để thực hiện pháp thiện. Theo Trưởng Lão Thích Thông Lạc (Tu viện Chơn Như, Trảng Bàng, Tây Ninh) thì ăn chay của đạo Phật Nguyên thủy xuất phát từ lòng thương yêu chúng sinh và rèn tâm tính.

Việc ăn của nhà Phật là làm sao cho khỏe mạnh, trí não được cân bằng, tâm trong sáng. Vì vậy, thức ăn phải thanh tịnh, sạch sẽ, đủ dinh dưỡng mà không sát sinh. Nếu ăn uống bội thực, ngộ độc thì đầu não u mê, đầu nhẹ thì bụng nhẹ sẽ sáng suốt theo. Do đó, chế độ ăn chay theo Phật giáo là chỉ dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, củ, quả…).

Còn người châu Âu từ xa xưa cũng ăn chay theo quan niệm của Công giáo Roma, chống lại những ham muốn xác thịt và tỏ lòng sám hối đối với Thiên Chúa. Cách ăn chay của họ chủ yếu là hạn chế bớt khẩu phần ăn, không ăn thịt, sản phẩm từ động vật máu nóng (heo, bò, trâu, gà, thú… ) còn vẫn ăn cá, hải sản, trứng, tôm cua ếch.

Đến nay, ăn chay đã tràn ngập khắp nơi, ăn chay không nằm ở niềm tin tôn giáo mà trở thành phong trào bảo vệ sức khỏe lẫn môi trường. Do đó, khái niệm ăn chay hiện nay không chỉ dừng ở thực đơn mà còn là tính chất thực phẩm: thanh tịnh, sạch, không chất bảo quản, độc hại.


Vì sao nên ăn chay?
Cổ nhân có câu “bệnh tòng khẩu nhập, hoạ tòng khẩu xuất” nghĩa là bệnh tới do ăn uống. Do vậy, chế độ ăn, thực đơn dinh dưỡng quyết định lớn đến sức khỏe. Thực tế chứng minh chế độ ăn thịt cung cấp nhiều và nhanh hơn các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng cơ chế của việc ăn thịt đã tác hại không nhỏ tới sức khoẻ.

Theo sách Bách khoa Brittanica, khi động vật chết, thận ngưng làm việc và các chất độc trong các tế bào còn nguyên ở trong miếng thịt. Hơn nữa, trong cơn nguy kịch, cơ thể con vật tiết ra rất nhiều adrenaline. Chất này làm tim đập nhanh hơn, áp huyết máu cao hơn và số lượng đường trong máu nhiều hơn.

Chế độ ăn chay hạn chế thịt nên đã giảm bớt những nguy cơ trên. Đồng thời bạn đã tăng lượng rau quả, chất xơ khiến hạn chế lượng calori nhập vào, giảm thiểu lượng cholesterol. Bởi vậy, ăn chay là cách phòng ngừa, hạn chế bệnh tật.

Ông Rollo Russell thuộc Học viện Khoa học quốc gia Mỹ phát biểu: "Tôi đã tìm thấy trong 25 quốc gia tiêu thụ thịt nhiều nhất trên thế giới thì tỷ số dân chúng mắc bệnh ung thư cao nhất và chỉ có một quốc gia ở hàng tỷ số thấp. Ngược lại, trong 35 quốc gia không dùng thịt hay ít dùng thịt thì tỷ số dân chúng mắc bệnh ung thư thấp".

Ngoài việc phòng tránh bệnh tật, ăn chay còn đóng góp vào sự trường thọ và chống lão hóa. Bác sĩ Alexis Carrell, người đã được giải thưởng Nobel về y khoa năm 1912, đã tiến hành thí nghiệm này.

Theo Alexis Carrell tế bào sẽ thọ hơn nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và sống trong môi trường thanh lọc. Chế độ ăn nhiều thịt cũng khiến tế bào trực phân nhanh hơn, khiến quá trình lão hóa mạnh hơn. Do vậy, người có chế độ ăn chay hợp lý giữ cho làn da mịn màng và trẻ lâu hơn.


Các loại hình ăn chay
- Với người Á Đông, ăn chay theo quan niệm của đạo Phật nguyên thủy thì chỉ có một chế độ ăn chay duy nhất là: ăn thuần các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, không liên quan tới sát sinh, giết mổ.

- Còn người ăn chay phương Tây lựa chọn theo ba loại hình:

1. Ăn chay có dùng trứng, sữa (Ovo Lacto Vegetarian) được 46% người phương Tây chọn lối ăn này. Đây là lối ăn chay thuận lợi nhất, hạn chế khẩu phần thịt để lợi ích cho sức khỏe.

2. Ăn chay không dùng trứng (Lacto vegetarian) nghĩa là chỉ ngoại trừ trứng và thịt động vật. Lý do chọn cách chay này là hạn chế cholesterol, ngăn ngừa dị ứng và nhiễm khuẩn.

3. Ăn chay tuyệt đối (Vegan) nghĩa là ăn thuần rau, củ, ngũ cốc, trái cây.

Ăn chay thông minh
Cân bằng dinh dưỡng: Nói ăn chay là tốt nhưng nếu không biết ăn đúng cách thì có thể gây thiếu dinh dưỡng hoặc vẫn béo phì. Việc thiếu dinh dưỡng xảy ra do chúng ta chọn chế độ chay tuyệt đối mà không bổ sung vi chất. Ngược lại, cách chế biến đồ chay thường phải dùng nhiều dầu ăn, gia vị để tăng mùi vị nên vô tình gây ra béo phì. Do đó, để cân bằng dinh dưỡng, chế độ ăn chay cần chú ý:

Chất đạm: Hàm lượng đạm trong động vật cao hơn một số thực vật thông thường nhưng thấp hơn loài tảo, rong biển. Tỉ lệ đạm trong 100g: cá chiếm 20g, thịt bò 19,3g, còn đạm trong tảo chiếm tới 65-70g và đậu nành 34,3g. Do đó để đủ đạm thì người ăn chay nên bổ sung tảo, rong biển bù chất cho thịt.

Chất sắt: Các loại rau củ nhiều lá là thực phẩm nhiều sắt. Chất béo omega-3, canxi có trong thực vật biển (tảo Spirulina, rong biển), rau lá xanh thẫm, dầu thực vật, hạt hướng dương, hạt mè. Người ăn chay có ăn hải sản thì bổ sung calci bằng hải sản, còn chế độ chay trường nên tăng cường vừng mè để gia tăng hàm lượng chất này.

Đối tượng: Chế độ ăn chay đúng cách rất tốt cho nhiều người, nhưng với một số trường hợp sau thì không nên hoặc hạn chế ăn chay:

- Sức đề kháng của cơ thể yếu, bản thân vốn đã rất gầy.

- Trẻ em đang trong thời kỳ phát triển.

- Phụ nữ đang mang thai không nên ăn chay, vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

- Phụ nữ trong thời kỳ “đèn đỏ”.

Cách ăn
Theo chuyên gia Trần Đức Hoài (Trung tâm Zenova, Hà Nội) thì ăn chay đúng cách không dừng ở thực đơn dinh dưỡng mà còn ở cách ăn.

Do vậy, chúng ta ăn khi đã tĩnh tâm, lấy thìa xúc cơm theo chiều thẳng đứng từ trên mặt bát xuống dưới đáy bát để thìa cơm có đủ 3 lớp: dương (lớp trên cùng tiếp xúc với không khí), trung tính (ở giữa) và âm (ở dưới đáy bát).

Phương pháp nhai, nuốt là “nhai nước, uống cơm”. Nhai phải thật lâu, thật kỹ. Nuốt vào một cách từ từ để cảm nhận hết dinh dưỡng thấm vào đầu lưỡi, thân lưỡi, cuống lưỡi, xuống đến thực quản, dạ dày, hành tá tràng rồi xuống ruột non.

Đồng thời, chúng ta nên chọn cách ăn từng món 1 chứ không ăn đồng thời hai món trở lên. Đó chính là triết lí của Phật dạy “Nhai nước uống cơm”.


Tạ Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét