- 'Harvard đã cho tôi quá nhiều'

"Harvard đem đến quá nhiều áp lực, nhưng ngôi trường này cũng là nơi rèn luyện ý chí con người trở nên sắt đá, kiên cường hơn" - Minh Beta, cựu sinh viên ĐH Harvard chia sẻ.

Tuổi thơ tôi giản dị như tuổi thơ của những bạn bè 8X. Lúc còn nhỏ, tôi không có nhiều tham vọng. Tôi từng nói với bố mẹ rằng chỉ muốn lớn lên có cuộc sống an nhàn, hưởng lương vừa phải.

Cho đến khi tôi học xong cấp 3, mẹ là người tìm hiểu thông tin về chương trình học bổng của chính phủ Australia (AusAID), hối tôi nộp đơn.

Học đại học ở Australia thay đổi cách nhìn của tôi về cuộc sống. Tôi đã thấy tư duy, nhận thức, vận mệnh của con người thay đổi nhiều thế nào nhờ vào giáo dục và sự phấn đấu. Tôi bắt đầu nuôi ước mơ được ở trong môi trường học tập tốt nhất có thể. 

Minh Beta tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế Đại học Havard năm 2014. Ảnh: NVCC.

Thời điểm đó, Harvard là giấc mơ có phần xa vời. Tôi tự tìm hiểu mọi thứ về nó. Tôi học tập, làm việc và chuẩn bị cho mình từ tiếng Anh đến GMAT, cố gắng phấn đấu trong công việc cũng như các kỹ năng mềm để có thể nộp đơn vào trường.

Harvard vừa là ước mơ, vừa là động lực, tiêu chí tôi đặt ra cho mình những năm tuổi 20.

Havard luôn tạo cơ hội cho sinh viên


Khi được nhận vào Harvard theo học khoá MBA (thạc sĩ Quản trị kinh doanh), niềm vui của tôi khi ấy không chỉ vì có cơ hội tuyệt vời, mà còn do đã vượt qua chính mình.

Hai năm theo học tại Harvard Business School (HBS - trường Kinh doanh Harvard) thực sự là trải nghiệm quý giá. Trong quá khứ, Harvard cũng như các trường thuộc Ivy Leage khác thường dành cho một tầng lớp xã hội nhất định. Ngày nay, Harvard mở cửa cho nhiều tầng lớp khác nhau.

Có nhiều câu chuyện đầy cảm hứng về những cá nhân kiệt xuất, với xuất thân khiêm tốn từng theo học Harvard và sau khi tốt nghiệp đã đạt được thành tựu xuất sắc. Không thể chối cãi, Harvard có rất nhiều giáo sư hàng đầu, mạng lưới cựu sinh viên rộng, có sức ảnh hưởng lớn, đồng thời việc được kề vai với nhiều cá nhân ưu tú khiến tôi cảm nhận rõ rệt về sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và cả cách sống của mình.

Trường tôi (HBS) có chính sách rất hay cho sinh viên. Đó là khi đã được nhận vào, dù điều kiện tài chính của bạn thế nào, trường cũng sẽ đảm bảo cho bạn theo học. Chính sách nhân văn này giúp mọi người đều có thể nắm bắt cơ hội. Bạn tôi ở Harvard có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi không cảm thấy có sự phân biệt trong cách ứng xử hay giao thiệp.

Tôi quan niệm, mỗi môi trường đều có cái tích cực và tiêu cực. Cách ta chọn tương tác với môi trường đó sẽ quyết định trải nghiệm của chúng ta tốt hay xấu.

Sự khác biệt trong xuất thân, quốc tịch, tôn giáo hay tư duy sẽ khiến một số người cảm thấy khó khăn để hoà nhập. Nhưng ngược lại, đối với tôi và những người bạn tôi quen biết, đó lại là điểm thú vị.

Chúng ta chỉ có thể học được nhiều nhất từ những người có không ít điểm khác biệt với mình.

Tôi luôn biết ơn Harvard vì đã cho tôi cơ hội trải nghiệm cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi có thể ngồi ăn trưa với một người bạn và trao đổi về cách bạn đó cùng gia đình điều hành tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la.

Hoặc ngồi bên bếp lửa tại phòng sinh hoạt chung Spangler lắng nghe, trao đổi về cuộc sống khổ cực của một người bạn châu Phi. Họ đều là những con người đáng mến, có tư duy tốt. Họ cho tôi học thêm bao điều mới mẻ.

Học tập tại đây cũng khiến tôi mở rộng góc nhìn của mình. Tôi được tiếp xúc với nhiều trăn trở, ước mơ và khao khát vượt xa khỏi những gì tôi đã biết. Tôi được lắng nghe cảm xúc mãnh liệt về các vấn đề xã hội nan giải của nước Mỹ, hay những vấn đề nhức nhối tại Trung Đông.

Thậm chí, tình bạn với người bạn chuyển giới tại Harvard khiến tôi thêm hiểu về những trăn trở vừa cá nhân vừa mang tính cộng đồng sâu rộng. Cô ấy là người chuyển giới từ nam sang nữ, nhưng lại yêu phụ nữ, không yêu đàn ông. Cô ấy giàu nghị lực, giỏi giang và truyền cho tôi không ít cảm hứng.

Tôi tin rằng, chỉ cần có trái tim chân thành, tôi có thể gây dựng tình bạn tốt với mọi người, dù họ có khác tôi về nhiều thứ. Điều này đúng không chỉ ở môi trường tại Harvard, mà còn cả cuộc sống ngoài kia. Sự cởi mở này khiến tôi cởi mở hơn với cuộc sống của chính mình.

Nếu trước kia tôi từng nghĩ sẽ phải lựa chọn theo con đường kinh doanh hoặc nghệ thuật, thì giờ đây tôi tin mình có thể sống “many micro-lives” - theo đuổi nhiều cuộc sống nhỏ, không cần bó buộc theo khuôn mẫu nào. Tôi vừa có thể kinh doanh, lại vừa hoạt động nghệ thuật nếu điều đó mang lại niềm vui cho tôi và mọi người.

Áp lực tạo nên ý chí

Tôi không phủ nhận ở Harvard có rất nhiều áp lực. Những cuộc cạnh tranh trên các phương diện đôi khi khiến tôi và bạn bè mệt mỏi, nản chí hoặc cảm thấy thua kém. Áp lực từ khối lượng bài vở, kiến thức và các hoạt động làm chúng tôi cuốn vào vòng xoáy chạy đua với thời gian.

Tuy nhiên, trải nghiệm đó khiến tôi buộc phải tự rèn cho mình ý chí vững vàng, tâm hướng kiên định và kỹ năng quản lý thời gian, công việc hiệu quả. Vì tôi hiểu, trong cuộc sống, không ai nợ mình điều gì. Bản thân mình phải tự tìm lấy đường đi.



Với Minh Beta, áp lực tại Harvard khiến ý chí mỗi người trở nên vững vàng. Ảnh:NVCC.

Tôi tự cảm ơn Harvard vì đã đặt lên vai tôi nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng này đến từ gia đình, bạn bè, xã hội và những người bạn học của tôi. Quan trọng hơn hết, đó là kỳ vọng của bản thân tôi.

Harvard cho tôi thái độ “can-do” vô giá. Với mục tiêu do chính mình đề ra, tôi luôn tin sẽ làm được những điều lớn lao, theo định nghĩa của riêng mình.

Vì niềm tin ở bản thân, tôi sẽ có động lực để cố gắng làm việc mỗi ngày. Bởi tôi đã thấy thế hệ sinh viên cũ của Harvard và cả bạn bè mình làm được nhiều điều kỳ diệu.

Hơn nữa, thất bại được chấp nhận như một phần của quá trình tìm kiếm thành công. Vậy tại sao không thử cố gắng và vươn tới những ước mơ thật xa?

Một ví dụ đầy cảm hứng là câu chuyện của John Wise - người bạn của tôi ở Harvard. John đến Việt Nam chơi, đi chợ đêm, thấy những tấm thiệp 3D rất thú vị. Anh ấy đã mang ý tưởng này về thị trường Mỹ, mở công ty tên LovePop, đặt hàng sản xuất từ Việt Nam và gần đây đã gọi được số vốn đầu tư lớn.

Ngoài kiến thức bổ ích trên lớp học, Harvard còn cho tôi cơ hội được lắng nghe chia sẻ của những người lãnh đạo hàng đầu thế giới trên mọi lĩnh vực - từ Alex Ferguson về cách quản lý đế chế Manchester United đến những CEO hàng đầu thế giới hay thậm chí là tổng thống của một vài quốc gia.

Tôi hiểu rằng, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mình tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng. Nói cách khác, tôi hiểu mình phải tìm ra được mục tiêu, sống hết mình với nó. Và tiền không phải là thước đo duy nhất để đếm sự thành công của một người.

Tôi tốt nghiệp năm 2014 và đã về Việt Nam hơn một năm. Hiện nay, tôi đầu tư nhiều lĩnh vực, từ rạp chiếu phim, các mô hình ăn uống đến các sản phẩm truyền thông như series Phía tây thành phố sẽ ra mắt đầu năm 2016 hay một số dự án phim điện ảnh chiếu rạp…

Trong các điều đã làm, tôi đều tìm thấy niềm cảm hứng lớn. Vì tôi hiểu rõ con đường mình đang đi, những gì mình đang cố công gây dựng trong tầm nhìn ngắn hạn lẫn lâu dài.

Tôi cũng cố gắng để công việc của mình có thể tạo dựng nhiều giá trị nhất cho xã hội. Những điều tôi làm được phần lớn là nhờ vào quá trình tích lũy, trải nghiệm của tôi tại Harvard.

Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy và Harvard đã cho tôi nhiều người “thầy” đáng trọng hơn tất cả những gì tôi từng ước muốn.

Minh Beta tên thật là Bùi Quang Minh, 33 tuổi. Anh tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Harvard và là người sáng lập, điều hành Cụm rạp chiếu phim, khu vui chơi ẩm thực Beta Cineplex tại Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, anh cũng có những thành công nhất định trong lĩnh vực sáng tác nhạc, truyền thông…

Nguồn: news.zing.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét