Gia đình có 10 con vì vợ không thể đặt vòng
Hiện cả gia đình 11 người sống dựa vào lương làm thợ xây của người chồng, khoảng 6.000 tệ (hơn 20 triệu đồng)/tháng.
Cả gia đình này hiện đang sống trong một căn nhà gỗ dột nát tại huyện Đỗ An, thành phố Hà Trì, thuộc khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây.
Theo người chồng họ Trương, 29 tuổi, anh mới học hết tiểu học rồi ra thành phố Quảng Đông làm việc và gặp vợ mình làm thuê tại đó. Hai người sớm kết hôn và liên tục sinh con, dù ban đầu họ không có ý định sinh tới 10 đứa.
“Gia đình trước vốn nghèo khó, học ít nên tôi luôn muốn con cái đều được đi học đến nơi đến chốn”, anh Trương cho biết.
Tuy nhiên, họ vẫn sinh con không ngừng bởi theo người chồng, vợ anh mắc một chứng bệnh lạ, không thể đặt vòng tránh thai hay triệt sản. Từ khi lấy chồng, người phụ nữ này chỉ ở nhà nuôi con và sinh đẻ, dù bị cán bộ xã nhắc nhở nhiều lần. Ngoài 4 đứa con sau được chính quyền hỗ trợ đưa đến bệnh xá, 5 đứa con đầu vợ Trương chỉ sinh tại nhà với sự giúp đỡ của mẹ đẻ.
Dù đông con nhưng những đứa trẻ trong gia đình này vẫn được bố mẹ cho đi học đầy đủ. Cô con gái lớn năm nay 12 tuổi thường dẫn các em đến trường mỗi sáng, dành thời gian cho mẹ chăm các em nhỏ khác ở nhà. Để kiếm sống, Trương phải ra thành phố làm công nhân xây dựng, thỉnh thoảng mới về nhà thăm vợ và các con.
Trương cho hay, với mức thu nhập 6.000 tệ mỗi tháng, gia đình anh vẫn nuôi đủ 9 đứa con và vợ đang mang thai. Tuy nhiên người đàn ông này lo rằng sẽ không đủ tiền cho con học lên đại học nếu cứ duy trì mức thu nhập như thế này.
“Tôi phải cố làm thêm thật nhiều để nuôi những đứa lớn đi học đại học. Chúng sẽ đi làm rồi nuôi các em học hành sau này”, Trương tính toán.
Gần đây ngôi làng họ ở có chế độ xây nhà cho những hộ đặc biệt khó khăn nhưng gia đình Trương không nằm trong danh sách vì vi phạm chính sách dân số. Tuy vậy người đàn ông này không lấy làm buồn, anh cho hay sẽ cố gắng nuôi các con bằng sức lao động của mình, không cần nhận trợ cấp từ người khác.
Theo lãnh đạo huyện Đỗ An, cặp vợ chồng Trương sống ở vùng núi, nhiều lần cán bộ đến tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình nhưng không thành công. “Họ bảo rằng, nhiều con là nhiều phúc nên cứ đẻ liên tục”, một cán bộ huyện chia sẻ và cho biết, sắp tới gia đình này sẽ được đưa vào danh sách hộ nghèo để được hưởng trợ cấp hàng tháng. Nếu được mỗi người sẽ nhận được khoảng 350 tệ mỗi tháng (gần 1,2 triệu đồng).
Câu chuyện trên sau khi được chia sẻ, rất nhiều người lên tiếng phản đối gia đình Trương vì sinh quá nhiều con.
“Những người này luôn nói sẽ cho con cái học hành đàng hoàng, nhưng 10 đứa con nuôi nổi không, khi tiền học ngày một tăng”, một người chia sẻ quan điểm. Trong khi người khác lại để lại bình luận “Nhỡ có điều gì bất thường xảy ra với ông bố, liệu họ sẽ sống như thế nào khi quá đông con thế này. Bố mẹ này quả thật rất ích kỷ”.
Vy Trang (Theo sina)
Vì yêu thích chăm sóc trẻ, gia đình người Anh đã có 11 đứa con
Gia đình 13 thành viên của Joseph Sutton, 35 tuổi và người vợ là Nicole, 30 tuổi, sống trong căn nhà ba phòng ngủ ở Aspatria, Cumbria.
Đến với nhau năm 2005, vợ chồng Nicole nghĩ sẽ không bao giờ có con vì luôn muốn có một cuộc sống bình lặng. Tuy nhiên, sau khi mang thai cô con gái đầu tên Rhiannan, nay đã 14 tuổi, những đứa trẻ khác cứ lần lượt ra đời.
“Tận bốn tháng tôi mới biết. Trước đó, tôi đã dùng que tránh thai nên bị sốc khi có con. Tôi không biết phải xoay xở thế nào khi đứa trẻ ra đời, nhưng nghĩ con là phước lành, nên sẽ nỗ lực”, Nicole nói.
Khi có con gái đầu lòng, cô nhận ra mình thích làm mẹ, yêu con và thích chăm sóc đứa trẻ.
Mỗi tuần, họ phải chi 200 bảng Anh để mua thực phẩm cho các con. Ảnh: Mercury Press.
Hai năm sau khi mang thai Rhiannan, cô con gái Lacy chào đời và lần lượt là Mackenzie, Skylar, Henley, cặp song sinh Cobi và Parker, Hadley, River, Ocean, Navy và Hallie (mất năm ngoái).
Người chồng là tài xế xe khách và cô vợ làm trợ lý ở cửa hàng bán thời gian không thể ngờ hạnh phúc và yêu gia đình đến vậy, khi có tới 11 đứa con. Thay vì sắm chiếc xe ưa thích, họ mua một chiếc xe minibus 17 chỗ ngồi. Để đủ chỗ sinh hoạt cho các con, họ thiết kế lại một phòng ở tầng trệt thành phòng ngủ.
Ra khỏi nhà, gia đình đông đúc thu hút sự chú ý của rất nhiều người đi đường. Nicole phải mặc áo phông có số cho các con, để đảm bảo không bị thất lạc đứa nào. Vợ chồng cô bỏ 1.500 bảng Anh (khoảng 43 triệu đồng) một năm, chỉ để mua đồng phục học sinh cho lũ trẻ.
Mỗi tối, bà mẹ đặt bàn chải đánh răng, đồng phục và chuẩn bị sẵn món ăn cho bữa sáng. Cô thức dậy lúc 6h, trước các con một tiếng để mặc quần áo cho 8 đứa trẻ lớn nhất, đưa chúng đến trường. Thời gian còn lại dành cho ba đứa bé nhất.
Mỗi ngày, Nicole bỏ ra 30 phút dọn dẹp 12 chiếc giường, giặt 3 lần và hút bụi 5 lần. Tất cả thực phẩm đều được mua trực tuyến, trung bình 12 lần giao hàng trong một tuần, chi phí 200 bảng.
Cô thường nấu những mẻ mì spaghetti lớn và làm món nướng vào buổi tối để mỗi bữa ăn đều như trong dịp lễ Giáng sinh. Nhưng đôi khi, vì quá bận rộn, Nicole đành tặc lưỡi cho con gà chiên cốm và khoai tây chiên.
Bà mẹ trẻ mặc áo đánh số để đảm bảo các con không bị thất lạc khi ra đường. Ảnh: Mercury Press.
“Tôi chỉ dùng máy sấy thay vì là quần áo như nhiều năm trước. Tôi đón con, cho chúng ăn lúc 5 giờ chiều nên phải bày đĩa ra trong lúc nấu và sắp xếp chỗ ngồi cho lũ trẻ”, cô kể.
Sáu đứa ngồi trong bếp, ba đứa ngồi ghế cao và những người còn lại ngồi trên ghế sofa. “Chúng tôi không bao giờ hết thức ăn. Nicolie là nữ siêu nhân, tôi không biết cô ấy xoay xở thế nào”, người chồng nói.
Josehp đi làm trước khi lũ trẻ thức dậy nên không phải chăm sóc con. Thỉnh thoảng, anh chở vợ và đàn con bằng xe buýt 17 chỗ đi chơi khắp nơi.
Sau khi có con út, họ quyết định không sinh thêm con nữa.
Nhật Minh (Theo The Sun)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét