TS Phạm Văn Phúc vừa được tôn vinh với các giải thưởng Kova, Quả cầu vàng và đang là một trong những ứng viên để bầu chọn gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước. Nhiều công trình ứng dụng công nghệ tế bào gốc của anh đã được sử dụng rộng rãi và xuất khẩu
Mới 33 tuổi, TS Phạm Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP HCM, Phó trưởng Phòng Thí nghiệm (PTN) nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM - đã tham gia 14 công trình nghiên cứu cấp sở và nhà nước. Trong đó, nổi bật nhất là các đề tài ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị nhiều loại bệnh như thoái hóa khớp gối, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư...
Vươn lên từ gian khó
Giải thưởng Kova năm nay, TS Phúc được vinh danh ở hạng mục Kiến tạo. Gặp chúng tôi, vừa mời khách ngồi, Phúc vừa “xin lỗi, cho em vài phút” để mở máy tính ra gõ lại vài ý tưởng về việc nghiên cứu, ứng dụng trong cuộc sống mới nảy ra lúc anh đi đường. “Nếu không lưu lại ngay, em sẽ quên liền” - Phúc cười, giải thích.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở vùng đất võ Bình Định, anh chị em Phúc đều rất ham học. Riêng Phúc, anh luôn tâm niệm cố gắng vượt mọi gian khó để phấn đấu đạt những bằng cấp cao nhất có thể.
Phúc cho biết năm anh học lớp 10, nhà trường tổ chức tôn vinh một học sinh giỏi cấp quốc gia. Đó là ấn tượng mà Phúc không thể quên, hun đúc trong anh ước mơ được vinh danh với thành tích cao trong học tập. “Khi thầy hiệu trưởng và cả trường bày tỏ sự ngưỡng mộ chị học sinh giỏi văn năm đó, em chợt nghĩ nếu mình cũng đạt được thành tích như vậy thì chắc sẽ được mọi người tôn vinh và quý mến” - Phúc kể.
Các đề tài ứng dụng công nghệ tế bào gốc của TS Phạm Văn Phúc đã được sử dụng rộng rãi
Lúc ấy, Phúc đã bị các bạn trêu đùa khi bộc bạch suy nghĩ của mình. Thế nhưng, sau đó, Phúc được thầy cô trong trường phát hiện có nhiều năng khiếu nên rèn luyện để đi thi học sinh giỏi. Dù học giỏi đều các môn toán, lý, hóa... nhưng khi thi đến môn sinh, Phúc mới đạt được danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia. Với thành tích này, Phúc được tuyển thẳng vào học đại học năm 2001.
“Thời đó, trường y là nơi mà nhiều phụ huynh mong mỏi con em mình được vào học. Thế nhưng, vì gia đình còn nghèo khó nên em quyết định từ bỏ ngành y và chọn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM. Không ngờ, sau này em mới nhận ra đây lại là nơi mình cần học nhất” - Phúc bày tỏ.
Vác ba lô vào TP HCM, Phúc xác định phải cố gắng làm thêm để trang trải cho việc ăn học. Vậy nên, Phúc đã bàn với một người bạn nghèo ở cùng ký túc xá, hùn tiền mua chiếc xe đạp cũ để thay nhau đi dạy kèm.
“Một đứa chọn thứ hai - tư - sáu, đứa còn lại dạy vào thứ ba - năm - bảy. Em dạy kèm ở tận Lái Thiêu (Bình Dương) nên từ ký túc xá tại Thủ Đức (TP HCM), ăn chiều xong là đạp xe một mạch khoảng 1 giờ 30 phút mới đến nơi. Dạy 2 giờ thì xong, em lại cắm đầu cắm cổ đạp xe về trước khi ký túc xá đóng cửa. Nhiều hôm xe hư hay mệt quá đạp không nổi phải về trễ, em vừa trèo rào vừa bê chiếc xe vào ký túc xá” - Phúc nhớ lại.
Hết năm thứ 2, lớp Phúc chuyển vào học ở trụ sở chính của trường tại quận 5, TP HCM. “Mọi khó khăn về vật chất đều có thể vượt qua nhưng điều mà em trăn trở nhất lúc ấy là mình phải làm gì để chạm đến khoa học, phải bằng cách nào ứng dụng kiến thức đã học để làm điều có ích... Nghĩ vậy nên em cùng một bạn học đã tìm đến thầy Phan Kim Ngọc, người phụ trách PTN của trường” - Phúc kể.
Phúc cho biết ThS Phan Kim Ngọc, Trưởng PTN nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, khi ấy gia cảnh cũng rất khó khăn. “Thầy có đồng lương nào là đi mua hóa chất để làm thí nghiệm hết. Nhiều khi thầy không trả nổi tiền điện, nhà bị cắt điện tối thui nhưng chưa bao giờ thôi nghiên cứu, thử nghiệm. Vậy mà khi gặp em, thầy vẫn hứa sẽ cưu mang. Thầy vận động nhiều người gom góp tiền mua cho em chiếc xe đạp, sau bị tụi trộm lấy mất” - anh xúc động.
Thành quả ngọt ngào
Năm 2007, đề tài đầu tiên mà TS Phúc cùng thầy Ngọc thực hiện là ở cấp sở, rồi tiếp đó là hàng loạt công trình nghiên cứu. Thực tế, trước năm 2010, hầu như chưa ai biết đến Phúc. Cho đến năm 2011, tên tuổi Phúc mới bắt đầu được chú ý khi sản phẩm tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu của anh đưa ra ứng dụng trên người.
Công nghệ này có thể dùng trong điều trị 50 bệnh khác nhau mà thế giới đang rất cần. Hiện 2 sản phẩm công nghệ này đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành, sử dụng trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối từ năm 2013 và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2015.
Năm 2013, bộ kit tách tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu được TS Phúc nghiên cứu thành công tại Việt Nam (lúc ấy, trên thế giới chỉ khoảng 5 công ty ở Mỹ, Úc và châu Âu có). Chính anh đã góp phần đưa Việt Nam đến với sân chơi tế bào gốc của thế giới. Hiện tại, 2 bộ kit đã được một số bệnh viện trên cả nước sử dụng, đồng thời xuất khẩu một ít sang thị trường Indonesia. Giá thành của sản phẩm tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 ngoại nhập. “Năm 2016, em tiếp tục xin phép Bộ Y tế đưa các nghiên cứu này vào điều trị nhiều bệnh khác như: đái tháo đường, chấn thương cột sống, hoại tử chỏm xương đùi, xơ gan và suy thận” - anh háo hức.
Công trình mà TS Phúc đang thực hiện, đã được nghiệm thu cấp nhà nước và đoạt giải thưởng Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn năm 2015 là hoàn thiện công nghệ điều trị ung thư bằng tế bào tua. Công nghệ này đã hoàn thiện và đạt kết quả rất tốt trên chuột, năm 2016 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người. Một số bệnh viện lớn cho biết đã sẵn sàng tham gia với anh.
Bên cạnh đó, TS Phúc còn có 50 công trình quốc tế, đồng tác giả hơn 10 quyển sách tiếng Anh, 3 quyển sách tiếng Việt về y - sinh và tế bào gốc; xuất bản 2 tạp chí tiếng Anh về y sinh... TS Phúc còn là tổng biên tập của seri sách về ứng dụng tế bào gốc trong y khoa, phát hành toàn thế giới. “Em khao khát muốn thế giới biết rằng Việt Nam mình cũng xây dựng được những tạp chí khoa học có uy tín, đạt trình độ như họ” - anh bày tỏ.
Ngoài công việc ở PTN, TS Phúc còn tham gia giảng dạy các môn: sinh sản, hỗ trợ sinh sản, sinh lý bệnh cho sinh viên đại học và các môn sinh học tế bào gốc, sinh học ung thư cho học viên cao học. “Em thuộc loại đậu vớt khi đi thi ngạch giảng viên vì dạy không theo giáo trình và quá ngẫu hứng. Thế nhưng, em nghĩ quan trọng là mình dạy cái gì, có kích thích sinh viên tìm hiểu và phát hiện điều thú vị hơn cả nội dung mình giảng hay không” - Phúc tâm sự.
Chia tay chúng tôi, chàng tiến sĩ trẻ đầy khát vọng không quên khoe vừa dành dụm tiền xây được cho cha mẹ ở quê căn nhà mới. Chúng tôi hết sức xúc động khi nghe TS Phúc tiết lộ cả anh lẫn thầy Phan Kim Ngọc “chỉ mới thoát nghèo”. “Em bị thầy “ép” ký hợp đồng mua căn hộ trả góp ở Thủ Đức để có chỗ đi về, giờ còn nợ hơn 100 triệu đồng” - anh vẫn cười rất tươi...
Người tài tử tế
Nhắc đến học trò Phạm Văn Phúc, ThS - giảng viên Phan Kim Ngọc khẳng định: “Đó là một người tài tử tế. Phúc rất thông minh, nhiều khát vọng và tâm huyết”.
Theo ThS Ngọc, người tài là người vừa thông minh lại vừa có khát vọng và TS Phúc có đủ các yếu tố này. “Phúc là một người ngay thẳng, đặc biệt có bản lĩnh, nói cách khác là rất dũng cảm. Một lần Phúc đang học năm thứ 3, khi tôi giảng bài trên lớp thì bị em ngắt lời. Trong khi các sinh viên sợ xanh mặt thì tôi lại mừng, vì đây chính là người mình cần. Khoa học nói riêng và xã hội nói chung rất cần những người như thế” - ông nhớ lại.
Theo thầy Ngọc, TS Phúc có một niềm tin rất lớn vào cuộc sống, vào con người và bản thân. “Dù Phúc không học chính quy ở nước ngoài nhưng chất lượng hội nhập, chất lượng kiến thức và hiệu quả đối tác khoa học, học thuật của Phúc gấp hàng trăm lần các bạn khác học ở Mỹ 10 năm. Lúc nào Phúc cũng đau đáu: “Tại sao mình lại thua kém người ta? Người Việt đâu có dở, tại sao Việt Nam mình chưa có cái này, chưa được cái kia...?”. Đó chính là lý do Phúc học hành và làm mọi thứ ở Việt Nam” - ông nhận xét.
Không chịu “bán mình”
Trong khi rất nhiều người mơ ước có được học bổng đi du học nước ngoài thì Phạm Văn Phúc lại từ chối. “Em suy nghĩ rất nhiều khi quyết định ở lại Việt Nam. Thầy Ngọc đã lo cho em quá nhiều. Trong 3-4 năm em gắn bó tại PTN, thầy đã kỳ vọng rất nhiều về sự thành công của công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam và muốn phát triển nó” - anh giải thích.
TS Phúc đam mê nghiên cứu tế bào gốc ở phòng thí nghiệm
TS Phúc cho biết những năm 2008-2009, giai đoạn mà ngành giáo dục tạo áp lực rất lớn đến các giảng viên không có bằng cấp nước ngoài, hơn 2 lần thầy Ngọc đã “đuổi” anh khỏi PTN vì muốn học trò mình đi du học để học hỏi nhiều hơn. “Nhưng em vẫn quyết định ở lại. Em luôn nghĩ địa vị, bằng cấp, học ở đâu không quan trọng. Với em, quan trọng là mình học được gì, đã làm được gì và cái mình làm ấy có giúp gì cho xã hội hay không” - anh bộc bạch.
Những năm qua, nhiều tập đoàn lớn đã ngỏ ý mời Phúc về làm việc và hứa hẹn mức lương thưởng “khủng”, chế độ chia cổ phần đáng mơ ước với nhiều người nhưng anh cũng từ chối. Tất cả chỉ vì anh muốn làm được nhiều hơn nữa cho xã hội, cống hiến nhiều hơn cho đất nước chứ không chịu “bán mình” cho các tập đoàn vì thu nhập.
Bài và ảnh: Sơn Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét