- Đường dây nóng tố cáo tham nhũng, nghe rồi làm gì nữa?

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.
 Trong họp báo về công tác thanh tra quý 4-2015, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ khẳng định ông có thể nghe điện thoại suốt ngày suốt đêm để nhận thông tin tham nhũng.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết đường dây nóng tiếp nhận thông tin tiêu cực, tham nhũng sau 25 ngày công bố đã nhận 329 cuộc điện thoại và tin nhắn.

Đừng nghe rồi bỏ đó!

Bình luận trên TTO, bạn Trần Huỳnh cho rằng xử lý tham nhũng ráo riết ngày đêm thì còn được, chứ nghe thông tin trên đường dây nóng ngày đêm rồi bỏ đó thì có tác dụng gì đâu.
Ông Trần Đình Nguyên (ngụ Đồng Tháp) phát biểu: “Lập ra đường dây nóng cốt yếu cũng chỉ là hình thức để làm dịu dư luận. Cái quan trọng là phải xử lý thật nghiêm những trường hợp tham nhũng. Ai ai cũng biết tham nhũng ở khắp nơi nhưng một năm xử lý được bao nhiêu vụ?”.
Ông Nguyên dẫn chứng số liệu, lần đầu tiên công bố đường dây nóng, Cục tiếp nhận hơn 60 phản ánh của người dân. Còn năm nay, trong khi TP.HCM và Hà Nội công bố 9 tháng đầu năm chưa phát hiện tham nhũng thì chỉ sau 25 ngày công bố số điện thoại, Cục trưởng đã nhận 329 cuộc điện thoại và tin nhắn. Điều này cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đang còn nhiều bất cập.
Chị Hoàng Lan (Q.9, TP.HCM) nhấn mạnh: “Người dân không quan tâm đến số lượng cuộc gọi đến. Chúng tôi muốn biết 1 năm xử lý bao nhiêu vụ, xử lý ai, thuộc tỉnh thành nào, có ai bị sa thải và đi tù chưa…”.

Cần công khai quy trình tiếp nhận và xử lý

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Đường dây nóng tiếp nhận tiêu cực, tố cáo tham nhũng là sự cụ thể hóa khoản 1 Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng, giúp cho công dân có thể tố cáo về hành vi tham nhũng mà họ biết được. Hình thức tố cáo bằng đường dây nóng là có tính khả thi và đem lại hiệu quả cao, người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng tố cáo hành vi tham nhũng mà không sợ bị trả thù, trù dập”.
Khoản 2 Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ công dân tố cáo sẽ được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện bị đe doạ, trả thù hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu.
Ngoài ra, người tố cáo trung thực, tích cực trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư Thế Trạch cũng nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều khó khăn trong việc xác minh thông tin tố cáo, sẽ có nhiều nguồn tin không đáng tin cậy gửi đến cơ quan tiếp nhận.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cũng cho rằng, việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng là đáng hoan nghênh. Đây là tín hiệu vui trong công tác thực hiện luật phòng chống tham nhũng.

Thời gian qua, việc phát hiện tham nhũng phần lớn là do báo chí và dư luận xã hội. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đưa ra những số liệu cho rằng đơn vị mình không có dấu hiệu tham nhũng. Điều này làm người dân băn khoăn…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Theo ông Hậu, cần phải công khai quá trình tiếp nhận và xử lý để người dân biết được thông tin mà mình tố cáo đã được giải quyết ra sao, lưu trữ và bảo mật thế nào.
“Số lượng tiếp nhận nhiều mà không xử lý bao nhiêu hoặc người dân không biết thông tin họ cung cấp đã được xử lý hay chưa thì cũng không có tác dụng”, ông Hậu nói.

Thiếu chuyên nghiệp?!

Ông Đỗ Võ Thắng – Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho rằng việc có đường dây nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi người dân có thể cung cấp thông tin tức thời. Tuy nhiên vấn đề nằm ở khâu tổ chức tiếp nhận và xử lý.
Ông Thắng phân tích: các cuộc gọi đến cần phải được ghi âm để đối chứng vì nếu chỉ nghe và ghi chép lại thì có thể thiếu hoặc sai lệch thông tin. Tất cả thông tin tiếp nhận phải được bảo mật hoàn toàn vì nếu rò rỉ ra ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đến người tố cáo.
Quan trọng hơn hết, một mình cục trưởng không thể tiếp nhận và giải quyết các thông tin tố cáo. Đó chỉ là giải pháp cấp bách, về lâu dài cần lập một ban tiếp nhận cuộc gọi để ghi âm và bộ phận thư ký để xử lý thông tin. Sau đó, cục trưởng mới là người xem xét, giải quyết.
Khác với việc cung cấp thông tin trực tiếp với độ tin cậy cao và sự ràng buộc về trách nhiệm đối với người cung cấp, việc cung cấp thông tin qua được dây nóng có thể thực hiện bằng sim rác, thông tin không có cơ sở, khó thẩm định. Nhiều trường hợp như vậy sẽ làm hệ thống quá tải, ảnh hưởng hiệu suất làm việc của cơ quan.
“Hàng trăm cuộc gọi gọi liên hồi vào máy cục trưởng thì thời gian đâu để cục trưởng xử lý và hoàn thành các công việc khác. Cách làm việc như vậy là không chuyên nghiệp”, ông Thắng khẳng định.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng cho rằng phải lập ra một cơ quan chuyên biệt chịu trách nhiệm tiếp nhận tin tố giác tham nhũng và xử lý. Những người làm công tác này phải được tuyển chọn thật nghiêm ngặt, có lý lịch trong sạch, chí công vô tư khi làm nhiệm vụ. Ở các nước có tỉ lệ tham nhũng thấp, họ có Cơ quan Điều tra Liêm chính – một trong những cơ quan chống tham nhũng hữu hiệu nhất. Cơ quan này tiếp nhận các nguồn tin tố cáo tham nhũng từ quần chúng hoặc các cơ quan tổ chức trong xã hội rồi tự điều tra thu thập chứng cứ và đề nghị Cơ quan Công tố khởi tố.
Điều lưu ý là số điện thoại đường dây nóng này phải được phổ biến tại tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước, được đặt ở những vị trí mà người dân có thể nhìn thấy ngay để phản ánh kịp thời. Về cơ chế tổ chức, nhiệm kỳ, quyền hạn cần phải có sự tham khảo thêm các nước có tỉ lệ tham nhũng thấp, sau đó sẽ nghiên cứu để áp dụng một cách phù hợp với nước ta.
Tham nhũng xảy ra nhiều nhưng đến tòa án thì còn rất ít
Hội thảo “Hoàn thiện và công bố Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC)” do Thanh tra Chính phủ tổ chức vào cuối tháng 7-2015 đã đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý.
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) dẫn ra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ khoảng dưới 10%, năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%. Về hiệu quả phát hiện tham nhũng, chỉ phát hiện được 5% vụ việc tham nhũng là quá ít, còn lại 95% chưa được phát hiện đều có lý do. Đa số ý kiến đánh giá việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay không thực sự hiệu quả.
Thực tế, các vụ tham nhũng xảy ra nhiều nhưng đến tòa án thì án tham nhũng còn rất ít. Nhiều vụ việc khi được phát hiện thì chỉ xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc thuyên chuyển công tác… Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu.

THEO TUỔI TRẺ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét