Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất ngay trong những ngày đầu năm mới 2016. Những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh dường như không thể xoay chuyển được tình hình xấu, vốn đã được dự báo từ trước.
Một ngay hai cú sốc
Một ngay hai cú sốc
Chưa lắng dịu sau cú sốc sập sàn đầu năm mới, thị trường tài chính Trung Quốc lại rúng động. Lần này là 2 cú sốc trong một ngày: nhân dân tệ (NDT) giảm giá và thị trường chứng khoán (TTCK) sập sàn lần thứ 2.
Tuyên bố giảm giá tỷ giá tham chiếu đồng NDT so với USD 0,51% xuống 6,5646 NDT đổi được 1 USD ngay buổi sáng 7/1 của NHTW Trung Quốc như một thùng dầu đổ dồn vào đám cháy của những nỗi lo sợ đang bùng phát trong giới đầu tư TQ. Đây là mức giảm giá NDT mạnh nhất kể từ cú sốc phá giá đồng nội tệ của TQ hồi tháng 8/2015 và kéo đồng tiền này xuống mức thấp nhất kể từ đầu 2011.
Trái với nỗ lực giải cứu TTCK vừa được tung ra trong vài ngày qua, Trung Quốc dường như đang có những tính toán khác.
Đồng NDT tiếp tục giảm giá mạnh. |
Trong phiên giao dịch sáng 7/1, cơ chế tự ngắt mạnh tự động được đưa ra cuối 2015 lại tiếp tục “phát huy” tác dụng. TTCK tập trung đóng cửa chỉ sau chưa tới 30 phút giao dịch do giá cổ phiếu giảm trên 7%. Trước đó, cũng trong tuần đầu tiên 2016, ngày 4/1, chứng khoán Trung Quốc đã ngừng giao dịch cũng vì lý do tương tự.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, động thái phá giá NDT chính là điều mà thế giới lo ngại. Áp lực tạo ra là quá lớn, thêm vào đó, TTCK nước này vẫn được cho là đang ở trong tình trạng bong bóng.
Do vậy, một cú giảm sốc và hậu quả là cú sập sàn lần 2 là khó tránh khỏi.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, TTCK Trung Quốc vẫn trong tình trạng định giá quá cao. Năm 2015 chứng khoán TQ đã điều chỉnh giảm mạnh nhưng thực tế vẫn tăng 10% so với cuối 2014. Nền kinh tế và TTCK không song hành cùng nhau… tất yếu dẫn đến những hệ lụy không kiểm soát được.
Cú giảm tỷ giá NDT đúng vào lúc TTCK giảm giá cho thấy, các nhà quản lý TQ đã nhận thấy những trục trặc của nền kinh tế và những diễn biến bất thường trên thị trường vốn của nước này.
Theo ông Trí, giảm giá đồng NDT nhằm mục đích kích thích kinh tế. Và thực tế đang diễn ra ở TQ cho thấy, TTCK dường như đã vận hành có gì đó không gắn liền với nền kinh tế trong một thời gian dài.
TTCK ngừng giao dịch phiên thứ 2 trong tuần đầu năm 2016. |
Lo gì cú sốc chứng khoán
Chuyên gia trên CNBC cho rằng, cơ chế tự ngắt mạnh tự động trên TTCK khá lạ lùng và không cần thiết. Cơ chế này trùng lắp với quy định về biên độ sẵn có. Áp lực bán sẽ càng lớn lên khi thị trường bị đóng cửa.
Tuy nhiên, chứng khoán giảm không hẳn là điều mà giới đầu tư lo ngại. Ông Lê Quang Trí cho rằng, TTCK phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. TTCK vận hành theo những lý lẽ riêng của nó và mọi sự can thiệp hay tác động chỉ mang tính chất tương đối.
Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại chính là diễn biến của đồng NDT. Hàng loạt các biện pháp bảo vệ đồng NDT trong gần 5 tháng qua (sau cú phá giá NDT tháng 8/2015) đã không thể ngăn đà giảm giá của đồng tiền này.
Dự trữ ngoại hối của TQ sụt giảm, các chỉ báo về nền kinh tế vẫn không thấy tươi sáng trở lại. Một kịch bản phá giá đồng NDT với mức tụt giảm tới 10% đã được nhiều chuyên gia đưa ra ngay từ khi TQ thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá từ néo theo biên độ sang thả nổi có kiểm soát hồi giữa tháng 8/2015.
Sự giảm giá của đồng NDT của Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới thế giới. |
Diễn biến giảm giá NDT trong năm 2016 là những điều đã được dự báo. Tuy nhiên, mức độ giảm giá nhiều phiên liên tiếp như vừa qua và cú giảm sâu hôm 7/1 đã vượt qua dự báo của giới đầu tư, gây ra sự hoảng loạn và dòng vốn tháo chạy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến trên là chủ ý của Trung Quốc. Nó khiến cho giới đầu tư lo ngại về thực trạng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hàng loạt các số liệu và đánh giá với sai lệch lớn về kinh tế TQ đã được đào xới lại.
Một ngày 2 cú sốc. Có lẽ, TQ đã lường trước được điều này, lường trước được khả năng TTCK rúng động sau động thái hạ giá đồng NDT. Tuy nhiên, chứng khoán giảm có lẽ không phải là điều mà TQ lo ngại nhất.
TQ đang trải qua một quá trình chuyển đổi, từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng bền vững hơn, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình phát triển dựa vào dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Việc TTCK suy giảm trong bối cảnh đã tăng nóng (150%) trước đó có lẽ cũng là điều bình thường.
Quá trình này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Mỹ và một số nền kinh tế xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô sang TQ. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã phải điều chỉnh tỷ giá.
Nhưng, nhiều dự báo cho rằng, ảnh hưởng chung tới kinh tế toàn cầu không phải quá lớn và không phải ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế. Trong một báo cáo mới nhất, ANZ vẫn cho rằng, VN vẫn sẽ là một điểm sáng của nền kinh tế thế giới.
Nhưng, nhiều dự báo cho rằng, ảnh hưởng chung tới kinh tế toàn cầu không phải quá lớn và không phải ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế. Trong một báo cáo mới nhất, ANZ vẫn cho rằng, VN vẫn sẽ là một điểm sáng của nền kinh tế thế giới.
Theo ông Lê Quang Trí, sự hoảng loạn trên TTCK và giảm giá đồng NDT của TQ sẽ không ảnh nhiều tới chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, NDT giảm giá có thể còn có lợi cho việc giảm giá chi phí đầu vào nhập khẩu từ TQ. Bên cạnh đó là sự dịch chuyển dòng vốn trực tiếp và gián tiếp vào VN. Kinh tế TQ suy giảm cũng sẽ khiến các NDT nước ngoài đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như Việt Nam.
Về mặt tiêu cực, kinh tế TQ suy giảm sẽ khiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nguyên liệu khoáng sản sang thị trường này suy giảm. NDT giảm giá, nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu có khả năng sẽ tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu. Còn nếu nhìn xa hơn khi kinh tế TQ suy giảm sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến giá dầu và nếu như điều này là sự thật thì tác động đến ngân sách của chính phủ cũng không phải là nhỏ.
M. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét