- Có đúng là "Bản tin Dự báo thời tiết trên VTV" mắc các lỗi quan trọng về ngôn ngữ, làm sai nghĩa làm mất đi sự trong sáng và chuẩn mực của tiếng Việt? Dưới đây là phân tích của các giảng viên ngôn ngữ, truyền thông.
Những "lỗi" bị bắt
Đầu năm 2016, trên một diễn đàn về nghiệp vụ báo chí có bài phân tích Thảm họa sử dụng sai tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tác giả Đinh Đức Cần cho rằng có những sai thường thấy như: Khối không khí lạnh đang mấp mé biên giới nước ta”. Đúng ra chỉ có chất lỏng mới dùng từ “mấp mé”.
Bản tin Dự báo thời tiết trên VTV. (Ảnh chụp lại từ màn hình). |
“Nhiệt độ quanh quẩn ở 18 độ C đến 21 độ C” - Nhiệt độ được nhân cách hóa như con trâu quanh quẩn ở bãi cỏ, như con chó quanh quẩn trong sân… thật kỳ cục phải không?
“Những thiệt hại do lũ lụt mang lại” - Trong tiếng Việt động từ “mang lại” có nghĩa tốt đẹp, điều may mắn, lợi ích như: "Đảng mang lại tự do, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân…".
Cái xấu, cái tệ hại, cái không mong muốn phải dùng từ “gây ra” mới đúng: "gây ra chiến tranh, gây ra sự lộn xộn, gây ra cái chết, gây ra thiệt hại…".
“Cơn mưa đi từ dưới Mũi Cà Mau đi ngược lên các tỉnh Nam Bộ”. Té ra cơn mưa không từ trên trời rơi xuống mà lại từ dưới đất chui lên?
“Sau đây là dự báo thời tiết trên biển”. Thế còn thời tiết dưới biển thế nào, có trên phải có dưới chứ? Tại sao không nói “Thời tiết biển” là chuẩn.
“Không khí ẩm thấp ít nắng sẽ làm cho các đối tượng sâu bọ phát triển”. Từ thuở bé đến giờ tôi mới nghe gọi sâu bọ là đối tượng. Tại sao không nói cho chuẩn là các loài sâu bọ? Giờ từ đối tượng quá lạm phát và sai be bét. Đối tượng thương binh liệt sỹ, đối tượng chính sách, đối tượng đói nghèo… Tất cả gom vào một rọ cứ như là đối tượng hình sự, tội phạm, đối tượng phản cách mạng… Thật là phản cảm, thiếu trân trọng.
“Lại còn chua thêm vào dặn dò mai nắng nóng nhớ mang theo áo chống nắng, thời tiết thuận lợi cho việc Picnic, vui chơi giải trí ngoài trời, đi du lịch… Nếu không dặn hẳn người ta không biết lo cho thân mình chắc? Bao nhiêu người cần lao đang chật vật làm việc để kiếm miếng cơm manh áo, có khi cả đời cũng không biết tới du lịch, giải trí, du hí? Cứ làm như ai cũng giàu có cả?” – tác giả phân tích.
Ngoài ra tác giả cũng cho rằng truyền thông hiện đang mắc phải “hội chứng”à, ờ. Dạ thưa, vâng, à vâng, phải không ạ…
"Bắt lỗi" như thế có đúng không?
Vậy các nhà ngôn ngữ học, truyền thông nói gì? VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Hữu Đạt-Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội &Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Sau đây là ý kiến của ông.
“Đọc bài phân tích của tác giả, tôi hiểu tác giả rất sốt sắng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Một số phân tích trong bài viết đúng nhưng cũng có chỗ chưa ổn vì tác giả chưa lý giải chính xác nguyên nhân, hoặc đôi khi hiểu chưa đến gốc vấn đề.
Chẳng hạn, nếu nói về chuẩn thì ngay câu thứ hai của tác giả bài viết này cũng đã có vấn đề rồi. Bởi tác giả khắng định “bản tin thời tiết ai cũng phải xem". Liệu có đúng vậy không? Trong trường hợp này, cần cân nhắc dùng chữ “nên” hay “cần” cũng là điều phải suy nghĩ. Còn “phải” là trợ động từ có nghĩa “bắt buộc”. Còn cụm từ “ai cũng” có nghĩa khẳng định toàn thể, tức có nghĩa rằng “tất cả mọi người”. Nhưng…có biết bao em bé, người già họ chẳng bao giờ xem và nghe chương trình này! Vậy khẳng định như tác giả bài viết là thiếu cơ sở, nếu đứng về mặt lô gich (Một câu được coi là chuẩn phải đảm báo tính đúng cả về lô gich và ngữ nghĩa).
Có thể nói thêm một vài ví dụ, như mấp mé, tác giả phê phán là đúng nhưng chưa chính xác.
Muốn phân tích chính xác cần có kiến thức/tri thức về phong cách học. Cụ thể là, từ mấp mé ở đây chưa thật chuẩn về nghĩa. Nhưng trong giao tiếp truyền thông còn có một nhu cầu rất quan trọng: người nói muốn gây chú ý người xem/nghe. Dùng từ mấp mé chỉ người có tri thức sâu ngôn ngữ học mới phân biệt là sai. Người bình thường nghe thì thấy có ấn tượng và không bị sai lạc thông tin cơ bản nên vẫn hiểu được nội dung của thông báo. Mấp mé là từ láy, có tác động âm thanh gây sự chú ý. Dùng từ này trong phong cách giao tiếp truyền hình có thể châm trước được.
Quanh quẩn, dùng từ này không thật chuẩn, vì từ này có nghĩa chuyển động, di chuyển, di đông loanh quanh ở một điểm/chỗ nào đấy. Trường hợp này ai sai do người nói chưa có tri thức về các phong cách chức năng ngôn ngữ, dùng từ của phong cách sinh hoạt hàng ngày vào chỗ của phong cách báo chí truyền thông.
Từ mang lại theo cách phân tích của tác giả bài báo có điểm không ổn. Tác giả hiểu như vậy mới chỉ dừng lại ở một phương diện nghĩa của từ này. Thực ra ,mang lại còn nhiều nét nghĩa khác. Mang lại không chỉ có cái tốt mà còn có ý nghĩa là đem đến kết quả không mong muốn. Ví dụ: “Tôi đã góp ý nhiều lần. Nếu anh cố ý làm thì chắc chắn sẽ có nhiều điều không tốt mang lại cho anh”.
Tiếng Việt phong phú, sinh động chính là ở những chỗ đó.
Trường hợp cơn mưa đi từ dưới mũi Cà Mau đi lên,..lặp từ là lỗi chính vì một câu mà dùng đến 2 lần từ đi. Dùng từ đi không thể nói là sai. Đây là cách nói hình ảnh muốn tạo ra sự chú ý cho người nghe nhưng chưa hay lắm. Trong giao tiếp ngôn ngữ hàng ngày, người ta thường dùng lối nói sinh động nên hay nói: Cơn mưa đi từ hướng Đông sang Tây, gió qua gió lại thì không có gì sai. Người nghe vẫn chấp nhận được.
Thời tiết trên biển…tôi cho là tác giả không hiểu dụng ý của người nói. Thời tiết trên biển và thời tiết biển là 2 vấn đề khác nhau. Trên biển là muốn đề cập tình hình thời tiết từ mặt nước trở lên còn ở dưới biển thì có nhiều biến chuyển khác mà người dự báo không thể và cũng không cần thông báo... Như thế sao lại phê bình người ta là sai được???
Một phương diện khác, khi phê bình không nên áp theo thói quen cứng nhắc của nhà nghiên cứu. Vì rằng, với các hiện tượng ngôn ngữ, 2 góc độ nghiên cứu tĩnh và động rất khác nhau. Nghiên cứu tĩnh là nghiên cứu từ trong hệ thống khác với nghiên cứu động là nghiên cứu sự vận động, biến chuyển của ngôn ngữ trong quá trình hành chức. Trên thực tế, có những biến đổi ngôn ngữ trong quá trình sử dụng. Lúc đầu, một hiện tượng mới xuất hiện chưa thành chuẩn vì người ta chưa quen, nhưng dùng nhiều, sau dùng nhiều nó dần tham gia vào chuẩn. Ví dụ từ kích cầu (thực ra nói tắt là kích thích nhu cầu) khi mới xuất hiện bị nhiều nhà nghiên cứu phản ứng, cho đó là sai, là tùy tiện…. Nhưng dần dần từ này đến nay đã thành chuẩn. Có nhiều từ khác như như “đầu ra”, “đầu vào”… cũng vậy.
Nếu gò ngôn ngữ trong cách hiểu theo góc độ tĩnh thì ngôn ngữ không thể phát triển được. Nhận thức con người ngày càng tăng, vỏ âm thanh ngôn ngữ có hạn. Nên để giải thích cái mới người ta phải sử dụng vỏ âm thanh đã cũ. Đó là quy luật, cần chấp nhận.
Không khí ẩm thấp…. đối tượng sâu bọ,..đúng là dùng thừa, không chuẩn. Nhưng đối tượng không phải lúc nào cũng có nghĩa phản cảm. Hiểu như vậy quá cứng nhắc. Ví dụ đối tượng Đảng là đẹp đấy chứ. Đó là người đang được thử thách để vào Đảng. Hoặc đối tượng dùng trong câu “đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là…” thì có gì phản cảm đâu?
PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Hữu Đạt, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (Ảnh: Bùi Tuấn) |
Giải thích theo cách như vậy chí khiến tiếng Việt càng thêm rối rắm, giảm tính biểu cảm cũng như, khả năng diễn đạt phong phú của tiếng Việt.
Khi dự báo báo thời tiết, thông tin cho khán thính giả thông tin và gợi ý cho người ta việc đi picnic ,..là rất tốt giúp nhắc nhở người ta có quyết định đúng đắn để đi lại và chuẩn bị tốt các phương tiện cho công việc hàng ngày… . Chuyện còn có nhiều người nghèo phải lao động không đủ ăn, không có thời gian đi picnic là câu chuyện thuộc phương diện xã hội. Đem đó vào bàn ở mục dự báo thời tiết để bàn chuyện ngôn ngữ là không đúng chỗ. Hiện nay xã hội VN đang phát triển con số người du lịch cũng không còn ít. Do đó, việc đưa tin như hiện nay không có gì là lãng phí, trái lại đó cũng là một hình thức quảng cáo cho ngành du lịch, một ngành đang rất cần phát triển cho kinh tế đất nước hiện nay. Hiểu theo ý tác giả là cứng nhắc, chưa cập nhật tình hình.
Về “hội chứng” à, ừ, ờ ,,” theo cách phân tích của tác giả là không chính xác và có chỗ lầm lẫn. Những từ này được dùng trong cách nói của người phỏng vấn trên truyền hình, theo tôi, không phải lỗi của người biên tập. Tôi tin chắc như vậy. Vì người đã làm biên tập không thể mắc thứ lỗi quá ngớ ngẩn như vậy. Phỏng vấn trực tiếp là loại hình ngôn ngữ nói theo phong cách sinh hoạt. Trong ngôn ngữ nói, đây là nét dư, thường xuất hiện như một thói quen ngôn ngữ và phụ thuộc vào khả năng ứng phó của người trực tiếp đối thoạii. Những từ này không phải là lỗi mà là một thói quen…Tuy nhiên tránh được thì hiệu quả giao tiếp sẽ cao hơn.
Người thực hiện phỏng vấn cần hiểu biết về phong cách học.
Đúng là trên báo chí, truyền hình và trên các phương tiện truyền thông, việc sử dụng tiếng Việt đang có những hiện tượng lộn xộn, dùng ẩu… Nhưng muốn giúp họ phải có nghiên cứu, phân tích mang tính khoa học.
Ông Phan Kiền (Khoa Báo chí&Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội):Có sự nhầm lẫn và thiếu hiểu biết
Tôi thấy người phân tích khá am hiểu về ngôn ngữ viết của tiếng Việt. Tuy nhiên, trong phần phân tích "ngôn ngữ của chương trình Dự báo thời tiết", tác giả phạm hai lỗi nghiêm trọng: Nhầm lẫn và thiếu hiểu biết.
Thứ nhất, tác giả nhầm lẫn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Những lỗi nêu trên hoàn toàn chính xác với báo in – ngôn ngữ viết. Trong môn “Kỹ năng viết cho báo in” của chương trình đại học báo chí ở trường, các giảng viên cũng luôn dạy những lỗi ngữ nghĩa căn bản như thế này.
Nhưng đem những kiến thức dùng cho báo in vào nhận xét một chương trình truyền hình – ngôn ngữ nói – là hoàn toàn sai lầm. Ngôn ngữ nói phải dùng một dạng khác với ngôn ngữ viết. Nếu những gì là tác giả trình bày là chuẩn mực cho ngôn ngữ nói thì lúc đó truyền hình mới thực sự là… thảm hoạ!
Kiến thức này ai mới đi học tiếng Anh cũng biết: Khi dùng kỹ năng nói, người ta thường nhấn vào những từ mang nghĩa chính, còn những từ mang nghĩa nối, những từ phụ thì không nhấn, thậm chí có thể không nói, hoặc nói thêm vào thì người nghe vẫn hiểu được. Nhưng trong kỹ năng viết thì hoàn toàn khác.
Thứ hai, trong lúc dạy báo chí, chúng tôi luôn lưu ý sinh viên vấn đề hiệu quả của thông điệp khi chuyển tải tới công chúng. Trong ngôn ngữ nói, tính gần gũi rất quan trọng để tạo nên hiệu quả tiếp nhận của người nghe. Cách tạo ra tính gần gũi dễ nhất là ở việc dùng cách nói gần gũi với công chúng, bên cạnh giọng nói, bên cạnh nét mặt, bên cạnh ngôn ngữ hình thể…
|
- Đăng Duy(Ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét