Chữ “kệ” của người miền Tây không phải là “mặc kệ, bỏ mặc” mà là “kệ đi, thôi vậy cũng được”.
Người dân miền Tây thường không “bắt lỗi bắt phải” về hình thức, họ cốt ở tấm lòng. Quý mến nhau, thật lòng nhau thì mời ăn bằng cái chén mẻ cũng vui. Đám cưới tổ chức đơn giản về nghi lễ, nặng về ăn uống, không thể thiếu đờn ca tài tử. Chàng rể lạy bàn thờ ông bà rất vụng về, vì mới học lạy đâu từ hôm trước, cử tọa ít khi câu chấp.
Tục cưới, người Bắc lấy sự đón dâu làm trọng, người Thuận, Quảng lấy sự gởi rể làm trọng.
Ở miền Nam thì tùy theo cung cầu: nhà hiếm gái thì lấy sự đón dâu làm quý, còn nhà không trai là coi sự bắt rể là cần.
Trong lễ nghi chào nhau không câu nệ ai trước ai sau.
Tục vào nhà, ở Bắc, khách vào nhà phải chào chủ trước; ở Thuận, Quảng, chủ phải chào khách trước; ở Nam, cả chủ lẫn khách đều cùng lúc chào nhau.
Lễ đón dâu ở miền Bắc, bố mẹ chồng thường không đi theo đoàn người sang nhà gái đón con dâu về, vì người lớn không thể đi đón hàng con cháu, cha cũng không theo đoàn đưa con gái đến nhà chồng.
Ở miền Tây, người chủ hôn và cha mẹ chồng dẫn đầu đoàn đón dâu sang nhà gái.
Họ cũng quen dùng từ “rước dâu” thay cho “đón dâu”. Con dâu mà cha mẹ chồng phải hạ mình đi “rước” thì là điều không thể chịu nỗi đối với người miền Bắc. Nhưng trong ý thức của người miền Tây không có điều này, đối với họ, thể hiện tình cảm và vui mừng trong ngày cưới của đôi trẻ là điều quan trọng.
Với quan niệm thông cảm người cùng cảnh ngộ là chỗ dựa của mình, người miền Tây sẵn sàng thông cảm và chia sẻ về vật chất và tinh thần lẫn nhau vượt ra khỏi ranh giới “máu mũ” mà không tính toán công ơn. Chủ nhà cho khách ở trong nhà thời gian dài không tính toán, không xem là người ngoài là hiện tượng thường thấy. Ngược lại, người khách miền Tây ở nhà chủ cũng rất tự nhiên, trong thời gian ăn ở cũng chung sức chung tay không giống như “người khách”. Bởi cách sống của họ rất rộng rãi, dường như đúng với nghĩa gốc của từ “bao dung”: sức chứa đựng lớn.
Nguyễn Văn Hầu viết: Thuở ấy người ta biết thương yêu nhau dữ lắm. Đêm hôm đau ốm, chuyển bụng đẻ, không cần cậy mướn, miễn có một người hay được là cả xóm đều rộ lên. Việc tìm thầy, rước mụ, việc chèo ghe chở bịnh dầu phải phí mất nhiều công, vẫn không thấy ai biết so đo câu nệ. Không bao giờ có chuyện khiêng đám ma mà ăn tiền. Những việc làm không sanh hợi như lợp nhà, đẩy ghe, lấy đất đắp nền mả, đều làm dùm, gọi là tiếp tay nhau vậy thôi. Những câu ca của họ là “Gặp người lâm nạn đua chen giúp dùm”, “Ông Tà nương xác cục đá, cục đá mượn danh ông Tà”.
Đến miền Tây, dãy nhà hai bên đường thường thấy cách khoảng không xa có một lu nước và cái gáo hoặc cái ca đặt dưới hiên nhà. Ngày nay tuy không còn nhiều như trước nữa, nhưng vẫn còn. Những người qua lại có thể ghé vào hiên nhà uống gáo nước mát, nghỉ mệt, lau mồ hôi, tránh cái nắng vài phút rồi tiếp tục đi. Họ không cần phải hỏi xin, người chủ cũng không quan tâm ai ghé vào hiên nhà, ai đến uống nước, cũng không cần lời cảm ơn.
Chẳng những họ giúp đỡ người khác không quản công, mà đôi khi còn không quản cả nguy hiểm của bản thân. Có bài: “Dấn mình vô chốn chông gai, Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân. Lao xao sóng bủa dưới lùm, Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng”.
Nếu so sánh cụ thể qua trường hợp và mức độ, nhận thấy, tinh thần bao dung này phát huy cao nhất trong điều kiện ở đất miền Tây.
Thứ nhất, ở miền Bắc, lối ứng xử của con người chịu ảnh hưởng bởi sự tồn tại của nhiều tâm lý sinh ra từ cộng đồng làng, như thói đố kỵ, óc tư hữu ích kỷ, óc bè phái địa phương, nhận thức sự khác biệt giữa “của ta” và “của người” quá mạnh (“ta về ta tắm ao ta”, “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “của mình thì giữ bo bo, của người thì bỏ cho bò nó ăn”, v.v.).
Thứ hai, lối ứng xử của họ cũng chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều ràng buộc luân lý đạo đức và dư luận, nguyên tắc đạo đức và bệnh sĩ diện quá cao lấn ác cái “chân tình”, cái “tình người”, làm cho nó không được bộc phác một cách tự nhiên, mà bị kèm theo hàng loạt những đắn đo, cân nhắc.
Thứ ba, lối ứng xử trọng tình của người miền Bắc chỉ được phát huy trong giới hạn nội bộ cộng đồng làng “tối lửa tắt đèn có nhau”, chưa rộng mở thật sự như ở miền Tây.
Thứ tư, tấm lòng bao dung của người miền Bắc dù sao cũng được nảy nở trên môi trường sống tương đối ổn định và tâm lý vững vàng, an bình sau cổng làng khép kín, nó phát huy tác dụng để giữ hòa khí và thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm.
Người miền Tây được tôi luyện trong môi trường sống bất ổn, bấp bênh, xa lạ và chông gai, giá trị cao nhất của việc mở rộng lòng là để cùng sinh tồn. Như một quy luật của triết lý âm dương, cảm giác bơ vơ, sợ hãi trước môi trường sống mới lớn bao nhiêu, thì “tấm lòng”, “tình người” rộng mở lớn bấy nhiêu.
Tính bao dung cùng với một số tính cách khác làm nên nét đặc trưng của người miền Tây là những giá trị vô giá, tiếp tục duy trì và phát huy để tạo một môi trường sống chan hòa cùng thiên nhiên, đậm tình người cùng cộng đồng, hòa bình cùng thế giới, để tạo một vùng phát triển cao hơn với khả năng thích ứng và hội nhập nhanh.
Ths. Trần Phú Huệ Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét