- Hàng trăm công nhân Samsung mắc bệnh ung thư chết người

Theo Banolim, tính đến cuối năm ngoái có đến 221 công nhân Samsung bị ung thư và bệnh hiếm gặp sau thời gian làm việc cho hãng này, trong đó 75 người đã tử vong.

 Cuộc chiến trường kỳ của những nạn nhân xấu số
Theo Banolim, nhóm vận động chủ yếu cho các công nhân nhiễm bệnh, trong số 221 công nhân Samsung bị ung thư, và bệnh hiếm gặp sau thời gian làm việc tại hãng này, tính đến cuối năm ngoái, 75 người đã tử vong. 

Điển hình nhất là trường hợp con gái của ông Hwang Sang-gi là Yu-mi đã qua đời năm 2007 ở tuổi 22 sau thời gian làm việc và tiếp xúc với hóa chất tại nhà máy Giheung thuộc Samsung ở phía nam thủ đô Seoul. Cái chết của cô Yu làm dấy lên sự lo ngại về điều kiện làm việc của công nhân trong các nhà máy Samsung nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc nói chung.

Ông bố này đã trải qua cuộc đấu tranh đầy gian khổ suốt 7 năm chống lại công ty Samsung, từ chối nhận tiền để im lặng về cái chết của con gái ông nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
Yu-mi - con gái ông Hwang Sang-gi qua đời vì bệnh máu trắng sau thời gian làm việc trong một nhà máy chất bán dẫn của Samsung.

Thêm vào đó, một người bạn cùng làm việc với Yu cũng bị mắc ung thư máu qua đời. Quá trình tranh đấu của ông Hwang để tìm hiểu lý do khiến con gái qua đời từng là nguồn cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng được phát hành năm ngoái là phim tài liệu “Empire of Shame” và “Another Promise”.

Hai bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang do đề cập đến cuộc chiến của ông Hwang và gia đình các công nhân khác từng làm việc cho Samsung, nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.

Được biết, trong nhiều năm qua, cơ quan giám sát hoạt động bảo hiểm cho các bệnh nghề nghiệp chỉ chấp nhận bồi thường cho 3 trường hợp nhiễm bệnh vì làm việc tại công ty bán dẫn. Cơ quan này yêu cầu người đòi bảo hiểm phải chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa môi trường làm việc và căn bệnh của họ. Tuy nhiên, điều này gần như là không thể đối với người lao động ở Samsung, một phần do công ty không tiết lộ tất cả hóa chất được dùng khi sản xuất.

Vẫn chưa đi đến hồi kết
Theo The Guardian, ngày 12/1, Samsung và các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân đạt được thỏa thuận ban đầu về việc triển khai biện pháp ngăn ngừa tình trạng mắc bệnh ưng thư và các bệnh hiếm gặp do tiếp xúc với hóa chất độc hại trong môi trường làm việc, sau cuộc gặp kéo dài 3 ngày giữa tập đoàn công nghệ và hai nhóm đại diện cho các nạn nhân bạch cầu tại Seoul.

Cụ thể, một tổ chức độc lập sẽ được lập ra để kiểm tra điều kiện, môi trường làm việc tại các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn và thiết bị điện tử của Samsung, đồng thời kiến nghị các biện pháp cải thiện và có báo cáo thường kỳ về vấn đề này hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe cho người lao động.
Về phía công ty Samsung tuyên bố hôm 12/1, công ty sẽ nỗ lực hết mình để thỏa thuận này có thể áp dụng thực tế sớm nhất. Đồng thời, hãng này cũng hoan nghênh thỏa thuận này là “bước tiến ý nghĩa” để giải quyết vấn đề kéo dài liên quan điều kiện làm việc và nguy cơ mắc bệnh ung thư máu.

Tuy nhiên, đại diện Banolim không vừa lòng với quyết định này, họ sẽ “tiếp tụ chống lại Samsung, đề nghị phía Samsung có biện pháp giải quyết nốt những vấn đề còn lại”. Đến cuối cùng, cả hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề xin lỗi và bồi thường bệnh nhân ung thư.

Hồi đầu tháng 8/2015, Samsung đã chính thức thừa nhận việc không đảm bảo an toàn cho môi trường làm việc của các công nhân tại nhà máy bán dẫn của công ty ở Hàn Quốc. Một quỹ bồi thường trị giá lên đến 85,8 triệu USD đã được công ty Hàn Quốc thành lập nhằm hỗ trợ cho các nhân viên bị bệnh bạch cầu và một số bệnh hiểm nghèo khác do làm việc trong môi trường của nhà máy. Một phần của quỹ trên sẽ được gửi tới người lao động và gia đình của họ nhằm xoa dịu tình hình, số khác sẽ được Samsung đầu tư vào việc thuê các công ty chuyên nghiệp giúp khảo sát và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc của công nhân.
Ông Hwang Sang-gi cầm ảnh con gái qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc ở Samsung để phản đối tập đoàn ngày 23/10. Ảnh: AP

Ông Hwang Sang-gi cũng một thành viên sáng lập Banolim, cho rằng người lao động và gia đình họ sẽ không thỉnh cầu Samsung hỗ trợ về tài chính bởi điều đó làm xao lãng vấn đề quan trọng hơn là biện pháp cải thiện điều kiện an toàn lao động. “Nếu không có biện pháp ngăn chặn, người lao động sẽ vẫn nhiễm các bệnh hiếm gặp. Và khi đó, Samsung đơn giản chỉ giải quyết mọi vấn đề bằng tiền”, ông Hwang nói.
Samsung từng bị các nhà phê bình và nhóm hoạt động chỉ trích là đã dùng tiền mua sự im lặng của gia đình các nạn nhân. Baskut Tuncak, báo cáo viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết hồi tháng 10 rằng, ông "đặc biệt lo ngại" về kế hoạch bồi thường của Samsung, đang diễn ra một cách bí mật.
Theo Tuncak, dường như yêu cầu của nạn nhân về chăm sóc sức khỏe và các chi phí khác đang bị lợi dụng hòng “phá vỡ” kế hoạch điều tra xem liệu các nhà máy của Samsung có thực hiện các biện pháp ngăn rủi ro sức khỏe cho người lao động hay không.

Cũng trong năm 2015, hãng Samsung đã công khai xin lỗi những công nhân mắc các căn bệnh ung thư hiếm gặp liên quan tới các hóa chất tại các nhà máy bán dẫn của hãng khi các nạn nhân và gia đình đâm đơn kiện suốt 9 năm qua. Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Samsung, ông Kwon Oh-hyun, hứa sẽ bồi thường cho gia đình các nạn nhân, nhưng cũng nói rõ rằng, Samsung vẫn giữ quan điểm họ không chịu trách nhiệm về việc công nhân mắc bệnh hay tử vong. Trong quá khứ, Samsung đã liên tục phủ nhận mối liên hệ giữa các căn bệnh bao gồm cả bệnh bạch cầu và các chất gây ung thư trong các nhà máy của hãng.

Ngọc Anh (Theo Pressian, Theguardian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét