- Thừa giấy vẽ voi

Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, từ ngày 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Trong khi Bộ Công an kiên quyết thực hiện việc trang bị bình chữa cháy trên ô tô thì đại diện các hiệp hội ô tô và nhiều chuyên gia có ý kiến ngược lại. Các chuyên gia cho rằng quy định ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa phải có lộ trình cụ thể, không thể nóng vội triển khai.

Trên thế giới chưa nhiều nước triển khai
PGS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định trên thế giới cũng chưa nhiều nước có quy định về việc bắt buộc ô tô phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. “Trên thế giới, quy định lắp bình cứu hỏa trên xe ô tô không nhiều, nó tùy thuộc vào các nước chứ không đồng nhất. Có nước triển khai thực hiện nhưng cũng có nước không chú trọng.

Ở Việt Nam, tôi cho rằng nên bố trí, nhất là các đặc điểm sử dụng của người Việt Nam, điều kiện thời tiết, vật liệu sử dụng rồi chất lượng kỹ thuật của nước ta. Chủ trương là đúng còn đưa vào chính sách hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề”, PGS.TS Nguyễn Khắc Trai khẳng định.
Các tài xế cho rằng trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô là không cần thiết.
Là người từng nhiều năm liền gắn bó với ngành ô tô và xe chuyên dụng, PGS.TS Trai cho rằng đối với các xe bus, xe trên 16 chỗ ngồi, xe chở gas, chở dầu hay xe vận tải doanh nghiệp đường dài thì nên có bình cứu hóa trên xe, còn đối với ô tô con, xe du lịch nhỏ thì không cần thiết lắm mà chỉ nên khuyến khích người dân trang bị những dụng cụ hỗ trợ.

Vì sao nhiều người phản đối?

Quy định trang bị bình cứu hỏa trên xe con vấp phải nhiều ý kiến phản đối, lý do chủ yếu là vì chính các tài xế cho rằng điều này là không cần thiết.

Theo ý kiến các hãng sản xuất ô tô, xe dưới chín chỗ ngồi trong thiết kế không có phần vị trí đặt bình cứu hỏa do không gian bên trong xe quá nhỏ, có thể gây nguy hiểm cho hành khách ngồi trong xe. Nếu muốn gắn bình, chủ xe bắt buộc phải đi “độ chế” xe, khá phiền hà và vướng víu.

Trên thế giới, rất ít quốc gia có quy định bắt buộc này, điển hình chỉ có vài nước như Nam Phi, Qatar, Quốc đảo Mauritius, Nigeria… Riêng các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh… ngay cả Singapore, Thái Lan nhà nhà sử dụng ô tô đều không bắt buộc xe nhỏ phải có bình cứu hỏa.

Ở Việt Nam, xe cơ giới khi nhập khẩu hay lắp ráp đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, trong đó có yêu cầu gắt gao về kỹ thuật trong PCCC, sử dụng vật liệu có khả năng chống cháy. Chính vì vậy, tỉ lệ vụ cháy nổ xảy ra trên xe con rất ít so với tổng lượng xe đang lưu hành. Trong năm 2015 xảy ra 123 vụ cháy ô tô trên tổng số 2,6 triệu chiếc lưu hành trên cả nước.

Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm khuyến cáo, do thiết kế không gian xe bốn chỗ nhỏ hẹp nên khi xảy ra cháy nổ, cách tốt nhất là nhanh chóng thoát ra khỏi xe, tránh xa hiện trường chứ không phải lục tìm bình cứu hỏa.

Thực tế, việc chọn chỗ lắp bình cứu hỏa trên xe con để vừa dễ thao tác khi có sự cố, vừa không cản trở không gian, tầm nhìn, thao tác lái xe, tránh xa tầm tay trẻ em… là rất nan giải. Chưa kể gần đây do thị trường bình cứu hỏa mini hứa hẹn khoản lợi khủng nên đã xuất hiện loại bình giả tràn lan trên thị trường.

Dù mục đích của việc lắp đặt bình cứu hỏa trên xe là để bảo vệ con người, tài sản, song nếu không tính toán kỹ lộ trình áp dụng, quản lý lỏng lẻo thì e rằng sẽ lợi bất cập hại.

Đã cháy thì lo chạy cứu lấy thân!
Trước quyết tâm thực hiện Thông tư 57 của ngành công an, nhiều nhà khoa học và chuyên gia về ô tô tỏ ra không đồng tình.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích: Theo Quy chuẩn 09 của Bộ Giao thông Vận tải, xe 16 chỗ trở xuống không cần thiết phải thiết kế chỗ đặt bình chữa cháy. Với những xe này thì số lượng người ngồi trên xe ít, cửa xe được bố trí thuận lợi, dễ thoát ra ngoài khi có sự cố. Nếu xảy ra cháy thì người trên xe dễ dàng thoát hiểm, nhanh và an toàn hơn là mất thời gian chữa cháy.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng trang bị bình chữa cháy với xe kinh doanh vận tải như xe khách, xe tải là cần thiết nhưng phải là bình chữa cháy lớn. Nếu không may xảy ra sự cố, sẽ kịp ứng cứu để hành khách có thể thoát thân và giảm thiệt hại hàng hóa. Hiện các ô tô chở khách, chở hàng đều trang bị bình chữa cháy loại này. Còn đối với ô tô dưới 9 chỗ thì không cần thiết.

Đây cũng là quan điểm của các nhà sản xuất ô tô với hàng trăm năm nghiên cứu. Họ thiết kế xe dưới 9 chỗ không có nơi đặt bình chữa cháy. Nhiều nước tiên tiến cũng không có quy định như Thông tư 57. “Với những xe 9 chỗ ngồi trở xuống thì mua bình chữa cháy về đặt ở đâu? Tôi cho rằng nếu xảy ra cháy thì tốt nhất nên bỏ chạy cứu lấy mạng. Bình chữa cháy bé như bình gas mini thì làm được gì. Không biết sử dụng có khi còn mang vạ vào thân” – ông Thanh nói.

Trong lúc “tranh tối, tranh sáng”, chưa có qui định cụ thể nào về kỹ thuật thì người có lợi nhất là những người kinh doanh bình chữa cháy. Còn thiệt thòi vẫn là người có ô tô, là dân. Bởi họ “dở đi mắc núi, dở lại mắc sông”, kiểu gì cũng “chết”. Mua bình thì tốn kém, chưa biết hiệu quả, chẳng may mua phải bình “rởm” thì sao? Không mua thì chẳng may công an “tuýt” thì bị phạt.

Theo khuyến cáo, bình mini chỉ có hiệu quả khi xử lý những đám cháy vừa mới bùng phát hoặc đám cháy nhỏ. Còn đối với các đám cháy lớn, cách tốt nhất là nên tìm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh hoặc lực lượng chữa cháy. Các vụ cháy ô tô, xe máy thời gian qua thường là “vô phương cứu chữa” và khi xảy cháy việc đầu tiên của những người trên xe là tìm cách thoát thân. Trong trường hợp chẳng may xảy cháy, nếu không kịp “vớ” bình thì đây còn là hiểm họa gây nổ, nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, trong Thông tư của Bộ Công an cũng quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe. Hầu hết các bình cứu hỏa dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 – 55 độ C. Thế nhưng, thực hiện được qui định này cũng là một bài toán khó, vì vào những ngày trời nắng nóng, nếu đỗ xe ngoài trời, có khi nhiệt độ lên tới trên 70 độ C, khi ấy nếu xảy ra tình trạng nổ bình chữa cháy, gây thiệt hại về tài sản của người dân thì ai là người chịu trách nhiệm? Hay để bảo đảm an toàn trong những ngày nắng nóng như vậy, khi xuống xe thì … xách theo bình?

Và cũng có thông tin, nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận. Nếu đây là sự thật thì lại là một điểm bất cập nữa của Thông tư, trái với các qui định liên quan đến đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

Thiết nghĩ, thay vì bằng chế tài, cơ quan PCCC nên coi đây là một khuyến nghị dành cho các lái xe.

Khánh An



PGS-TS HUỲNH QUYỀN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc – hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TP. HCM: Trong các vụ cháy ô tô thì đều phải chờ lực lượng PCCC hoặc sử dụng các bình chữa cháy lớn để hỗ trợ.

Do đó, về quy định phải có bình chữa cháy nhỏ trên ô tô dưới 9 chỗ, theo tôi thì nên có lộ trình, nghiên cứu cụ thể hoặc là khuyến cáo người dân có ý thức hơn về an toàn giao thông chứ không nên xử phạt. Nếu bắt buộc xử phạt như hiện nay thì sắp tới có thể sẽ gây hỗn loạn thị trường cung cấp bình chữa cháy hoặc tạo tâm lý đối phó cho tài xế, chủ xe.
Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: Quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với ô tô hiện hành chỉ bắt buộc ô tô chở khách từ 16 chỗ trở lên và xe chở hàng… trang bị bình chữa cháy.

Hiện kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT và trong các hạng mục kiểm tra hiện nay đối với ô tô dưới 9 chỗ không có phần nào yêu cầu kiểm tra bình chữa cháy. Chúng tôi phổ biến cho các trung tâm đăng kiểm tiếp tục đăng kiểm, không bắt buộc các xe dưới 9 chỗ phải có bình chữa cháy.

Việc Bộ Công an không quy định cụ thể vị trí lắp bình chữa cháy sẽ dễ phát sinh những tình huống mất an toàn. Như hướng dẫn của đại diện C66, bình chữa cháy có thể dắt vào hộc cửa xe sẽ rất nguy hiểm. Bình này có thể va chạm, dễ bị nổ; nếu bình chữa cháy lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh sẽ lập tức dẫn đến tai nạn.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông: Bộ Công an cần có thời gian để nghiên cứu, thăm dò và có hướng dẫn thao tác, vị trí lắp đặt, cách sử dụng, phối hợp với các hãng sản xuất xe thiết kế vị trí lắp đặt bình chữa cháy… rồi mới buộc người dân phải lắp đặt bình chữa cháy. Luật bắt buộc, không có bình chữa cháy thì bị phạt. Vậy nếu trong trường hợp bình chữa cháy phát nổ, gây cháy, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng con người thì ai chịu trách nhiệm, Bộ Công an có chịu trách nhiệm hay không? Ban hành quy định vội như thế này thì lợi bất cập hại.
Luật sư Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM: Quy định này đã gây tâm lý bất an cho người sử dụng xe ô tô. Đặc biệt là khi phải đặt bình chữa cháy trong ô tô, dưới nhiệt độ cao khi ô tô đậu dưới trời nắng thì khả năng cháy nổ sẽ rất cao. Chính những bình chữa cháy này lại trở thành những ngòi nổ ngầm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Cần phải có sự đánh giá khách quan, khoa học và kịp thời về mức độ an toàn của bình chữa cháy bắt buộc đặt trong xe vì đã từng xảy ra trường hợp bình cứu hỏa nổ trong chiếc xe BMW. Đừng để những sự việc đáng tiếc xảy ra làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vì những quy định chưa được nghiên cứu, đánh giá khoa học và hiệu quả của nó.
Với xe dưới 9 chỗ nên bỏ quy định này vì không phù hợp với thực tế

Phân tích thêm về mặt kỹ thuật, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, nhìn nhận: “Mang bình chữa cháy trong xe loại nhỏ có thể tiềm ẩn thêm nguy cơ cháy nổ”. Muốn lắp đặt bình chữa cháy thì phải thay đổi thiết kế xe. Mua bình chữa cháy để dưới gầm ghế, khi xe chạy xảy ra rung lắc, va đập có thể dẫn đến nguy cơ nổ bình. “Với xe dưới 9 chỗ ngồi, nơi phát hỏa thường xảy ra ở động cơ nằm phía trước xe. Khi đã cháy thì rất khó dập tắt vì động cơ và bình xăng được thiết kế kín. Đã bị cháy xe, tốt nhất nên thoát thân thật nhanh vì xe rất dễ phát nổ”.

Tôi hoan nghênh các Bộ chuyên ngành đã nghiên cứu và đề xuất ra các giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng, của chủ xe.

Đây cũng là một lần rà soát lại các phương tiện cứu hỏa, cứu nạn trên các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thăm dò ý kiến của các hội viên và họ không tán thành việc này. Ngay cả người dân cũng vậy.

Theo ý kiến của đông đảo lái xe, với xe chở khách từ 12 chỗ trở lên lâu nay đã có bình cứu hỏa. Mặc dù, không có quy định nhưng nhà xe khi học luật đã tự trang bị thiết bị này. Bộ Giao thông vận tải cũng đã quan tâm đến các dụng cụ thiết yếu khác trên xe: búa phá cửa xe, có cửa thoát hiểm… Đây là những điều hết sức cấp thiết và đều được thể hiện trong các quy định của Bộ Giao thông và trong quy trình vận hành của lái xe.

Tuy nhiên, bây giờ bổ sung thêm các dụng cụ khác, nếu nói là cần thiết thì gì cũng cần nhưng có phù hợp với quy chuẩn pháp luật hay chưa?

Thứ nhất, xe chở khách từ 9 chỗ trở xuống trong thiết kế của xe không có vị trí để lắp đặt thêm bình cứu hỏa. Lý sự của người ta là khi xe con đã cháy, động cơ nằm ở phía trước, bịt kín bằng nắp capo cho nên khi cháy bùng lên thì không cách nào xử lý được. Cho nên khuyến cáo của lái xe là khi xe con cháy phải bật cửa chạy thật xa vì bình xăng có thể nổ.

Thứ hai, quy chuẩn của kiểm định Việt Nam không có quy định nào quy định xe dưới 9 chỗ phải lắp đặt bình cứu hỏa. Bây giờ nếu đưa bình cứu hỏa vào nó vừa trái với quy chuẩn đăng kiểm Việt Nam.

Hơn nữa, nếu đưa vào anh đã thay đổi thiết kế của cái xe đó có thể bị CSGT xử phạt. Ví dụ, xe ô tô kính màu trắng nhưng anh dán nilon màu đen là bị phạt. Xe của tôi cũng từng bị phạt vì lỗi này.

Do đó, nếu bây giờ lại phải thiết kế chỗ để lắp bình cứu hỏa trên xe 4 chỗ là sai quy chuẩn ban hành. Việc này ý tưởng là tốt nhưng quy trình chưa phù hợp với văn bản quy chuẩn hiện nay.

Đối với xe 9 chỗ không thể có chỗ nào để bình to được. Chỉ có thể để lăn lóc dưới sàn thôi nhưng lăn lóc như thế nó va chạm xảy ra cháy nổ thì sao. Nói tóm lại là với xe dưới 9 chỗ nên bỏ quy định này vì không phù hợp với thực tế.

PV


Nhắm mắt phạt bừa?
Ôtô trang bị bình chữa cháy để làm gì? Để kịp thời dập tắt lửa khi xảy ra cháy. Nhưng xin lỗi, ngay cả các chuyên gia phòng cháy chữa cháy cũng thừa biết cái “bình xịt muỗi” để trong ôtô, không bao giờ dập được một đám cháy ôtô thường bắt nguồn từ khu vực dưới nắp capo.

Chủ đề “những cái bình xịt muỗi” gây ra một cơn bão trên mạng xã hội với cái nhìn như thể đó là một cái cớ đẻ ra chỉ để hành dân.

Những lập luận không phải không có lý. Bởi nếu ôtô quá dễ cháy như thể làm bằng rơm thì không lý nào các nhà sản xuất hàng trăm năm kinh nghiệm, tính toán đến cả cái đèn cảnh báo ở cánh cửa – lại không trang bị sẵn một bình cứu hỏa trên xe cả!

Thực tế là số ôtô tự cháy gần như là hãn hữu. Trong khi cơ quan nào đưa ra quy định bắt buộc lắp bình cứu hỏa không hề công bố những con số thống kê để người dân tâm phục khẩu phục rằng quy định bắt buộc phải có bình chữa cháy là cần thiết cấp bách để đảm bảo tài sản cho dân thay vì đẻ ra thêm một thủ tục mang tính chất hành dân.

Một tạp chí về ôtô dẫn lời “Một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội” cho hay: Loại bình chữa cháy mini chỉ có tác dụng với đám cháy nhỏ, mới khởi phát, dạng như xe mới xì khói tại một điểm thì phun ngay. Còn khi đám cháy đã lan rộng, bao trùm xe thì bình chữa cháy mini không phát huy tác dụng!

Nói đúng hơn, nó chỉ có công dụng dập được vài cái tàn thuốc lá.

Huống chi đã từng có vụ bình chữa cháy phát nổ trong điều kiện hoàn toàn bình thường. Và còn phát nổ nữa khi lý thuyết nó chỉ chịu nóng được đến 60 độ C.

Đặt một “quả bom nổ chậm” trên xe trong khi xe thường xuyên để ngoài trời, bình cứu hỏa Trung Quốc trôi nổi không quy chuẩn tràn ngập và điều kiện đường sá xấu thường xuyên rung lắc khi di chuyển, tất cả những yếu tố ấy đều có thể khiến cho cái bình có thể nổ bất cứ lúc nào.

Thế nên, người dân khuyên nhau đừng bao giờ lao vào đám cháy ôtô với cái “bình xịt muỗi” trong tay kẻo mất của, mất luôn cả người.

Và, không hề giỡn chơi, bảo rằng nên xịt hết bột đi hoặc bọt trước khi nhét cái “bình xịt muỗi” đó vào cốp xe để cái bình cứu hỏa khỏi trở thành một nguồn gây hỏa hoạn, để cái bình cứu hỏa chỉ còn tác dụng giơ ra cho CSGT xem mỗi khi bị kiểm tra.
Có lẽ khi một quy định với mục tiêu “bảo vệ tài sản tính mạng” cho dân gặp phải sự phản đối từ chính nhân dân, thì phải xem lại cái quy định đó có đúng không, có tác dụng không, chứ không thể cứ nhắm mắt phạt bừa!

Nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét