- Công chức không biết đóng dấu và cả họ làm quan

Đồng Tháp vừa tổ chức sát hạch công chức, TP Sa Đéc có tới 49% công chức không đạt yêu cầu.


Ở Nghệ An đang nóng chuyện sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An), ba vị trí chủ chốt đều "cùng một nhà" gồm: ông Trương Văn An (50 tuổi) tái cử Bí thư Đảng ủy xã, ông Lê Văn Thanh (em rể ông An) làm Chủ tịch UBND xã, ông Đinh Văn Thụ (47 tuổi, anh em họ với Thanh) làm Phó chủ tịch.
Ngoài ra, 9 người trong bộ máy chính quyền xã là anh em ruột, họ hàng với ba ông, như: Trưởng công an xã Trương Văn Trị (51 tuổi) là anh ruột ông An; Chủ tịch Hội phụ nữ Trương Thị Phòng (31 tuổi) là cháu ruột ông Thanh... Vị chi là dòng họ này có 12 người đang làm quan ở xã, cao nhất là Bí thư Đảng ủy.

Tuy nhiên, nóng là nóng thế thôi, chứ bạn đọc cũng đừng lo, bởi y như chuyện cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã được xác định là do ngẫu nhiên, ông An nói rằng cơ cấu cán bộ ở xã được thực hiện dân chủ, công khai đúng quy trình, dựa trên năng lực cá nhân. Từ nhiều năm nay, người trong gia đình ông đã liên tục giữ chức vụ quan trọng trong xã chứ không riêng thời điểm này.

Vậy nên chuyện 12 người cùng một dòng họ làm quan ở xã Hạ Sơn cũng không có gì phải ngại, bởi cơ cấu là rất dân chủ và đúng quy trình.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, báo Tuổi trẻ cho biết, Sở Nội vụ tỉnh này vừa tổ chức một cuộc sát hạch 1.200 công chức thuộc năm chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán và văn hóa - xã hội.

Mỗi công chức trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm (30 điểm), trong đó kiến thức chung về cải cách hành chính, tin học, soạn thảo văn bản chiếm 40%, còn 60% câu hỏi là kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà người đó đang làm.

Các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có tỉ lệ công chức đạt yêu cầu (từ 20 điểm trở lên) khá cao. Các địa phương còn lại có tỉ lệ đạt yêu cầu rất thấp. Trong đó TP Sa Đéc “đội sổ” khi có tới 49% công chức không đạt yêu cầu.

Mà hay nhất là trong số các câu hỏi, có câu: “Theo quy định của Bộ Nội vụ thì dấu được đóng như thế nào?” (đóng ngay ngắn, rõ ràng, trùm lên 1/3 chữ ký về phía trước, mực dấu màu đỏ tươi)... nhưng số câu trả lời sai rất lớn.

Vậy là có rất nhiều công chức không biết đến cả đóng dấu như thế nào. Ông Trần Phước Hừng- Trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp còn than thở: “Rất nhiều công chức không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ làm hằng ngày thì lấy gì đảm bảo họ hướng dẫn người dân đúng và thủ tục hành chính mà họ thực hiện là chính xác?”.

Mới chỉ một cuộc sát hạch của 1.200 công chức trong 5 lĩnh vực thôi mà đã lộ ra bao nhiêu chuyện bi hài đến vậy, nếu sát hạch tổng thể mọi lĩnh vực, trên toàn quốc thì không hiểu sẽ còn những chuyện gì nữa? Nhưng lo là lo thế thôi chứ theo như báo cáo của Bộ Nội vụ trình bày trước Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2014 thì trên toàn quốc số lượng công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,46%.

Con số thực tế ở một địa phương này quá vênh với con số 0,46%, như trời với vực. Vậy thì những công chức không biết cách đóng dấu thế nào, kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn mình phải nắm thì lơ mơ, trả lời sai ở Đồng Tháp đó ở đâu ra? Họ có nằm trong con số 99,54% công chức hoàn thành nhiệm vụ hay không?

Chúng ta cứ hô hào cải cách hành chính, tinh giảm biên chế để hạn chế tình trạng công chức cắp ô, công chức chè tàu nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Thế nhưng các con số thống kê thì đẹp như tranh. Chỉ có một cuộc sát hạch mới lộ ra những bí mật động trời về những công chức (có nhiệm vụ, chức năng đóng dấu) nhưng không biết cả cách đóng dấu.

Nhưng xin các quý vị hãy yên tâm, dĩ nhiên chúng ta sẽ giải quyết tình trạng này theo đúng quy trình chuẩn, chắc chắn đấy!

Mi An 
(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét