Dù cho ở thời kì nào, áo dài luôn tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Năm 1922, trường Gia Long đã chọn áo dài tím làm đồng phục nữ sinh
Cảnh những nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế tới trường bằng đò trong chiếc áo dài
Một bức ảnh về áo dài nữ sinh thuộc thập niên năm 70
Ảnh chụp những nữ sinh trường Trưng Vương trong tà áo dài duyên dáng và nữ tính năm 1974
Các nữ sinh mặc áo dài trắng, đạp xe tới trường là hình ảnh lãng mạn, không hề hiếm thấy trong những năm đầu thập niên 70
Hiệu trưởng Đàm Thị Ngọc Thơm cùng các cô giáo trường phổ thông trung học Hồ Thị Kỷ là những người có công lớn trong việc vận động, thuyết phục cho các nữ sinh mặc áo dài tới trường
Trong thập niên 90, áo dài chính thức được công nhận là đồng phục nữ sinh đẹp nhất Việt Nam
Sự trẻ trung năng động của nữ sinh thời nay
Giữa cuộc sống bộn bề với guồng quay chóng mặt, hình ảnh người con gái - phụ nữ Việt trong tà áo dài vẫn đủ làm xuyến xao bao trái tim. Dù đã có nhiều cách tân trong thiết kế áo dài, nhưng những nét đặc trưng của áo dài Việt vẫn mãi còn đó!
Tại Liên hoan phim quốc tế Busan, “Cô Ba Sài Gòn” của Việt Nam không chỉ gây tiếng vang lớn mà còn thu hút sự chú ý của giới truyền thông, trong đó có hãng truyền thông Mỹ NTD.tv chi nhánh Hàn Quốc. Phóng viên Hyesoo thuộc chuyên mục Thế giới Hàn Lưu (Hallyu World) đã có buổi gặp gỡ đặc biệt với nhà sản xuất và dàn diễn viên của bộ phim này.
Trang NTD.tv đưa tin, “Cô Ba Sài Gòn” (The Tailor) được so sánh như phiên bản tiếng Việt của “Yêu nữ thích hàng hiệu” (Devil Wears Prada). Đây là bộ phim hài lãng mạn về phụ nữ Việt Nam những năm 1960 trên nền văn hoá và lối sống sôi động của người Sài Gòn xưa. Lịch sử Áo dài cũng là một phần quan trọng trong phim. Đây thực sự là một tác phẩm hiếm hoi của các nhà làm phim Việt Nam hiện đại với tham vọng khôi phục nền văn hoá truyền thống thông qua một trong những biểu tượng của quốc gia – chiếc Áo dài.
Trong “Cô Ba Sài Gòn”, thế giới thời trang sôi động của Sài Gòn cùng với những chiếc Áo dài là điểm nhấn xuyên suốt qua 48 năm từ năm 1969 đến năm 2017. Phim tập trung vào sự mâu thuẫn giữa bà Thanh Mai (Ngô Thanh Vân), chủ tiệm may Áo dài Thanh Nữ có truyền thống 9 đời, và cô con gái Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), một “cô Ba” chảnh chọe muốn thoát khỏi truyền thống gia đình để thiết kế và may trang phục phương Tây đang thịnh hành. Bộ phim cho thấy quá trình chuyển đổi của Như Ý, từ việc thay đổi cách nhìn đối với vẻ đẹp của Áo dài trong tương lai, cho đến quá trình gây dựng lại công việc kinh doanh của gia đình đã bị phá hoại.
“Cô Ba Sài Gòn” là tác phẩm của Ngô Thanh Vân – Veronica Ngô – nhà sản xuất phim và cũng là diễn viên từng góp mặt trong một số bộ phim bom tấn của Hollywood. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên NTD.tv, Ngô Thanh Vân cùng dàn diễn viên đã chia sẻ về bộ phim đã thu hút sự chú ý của giới yêu phim Hàn Quốc, bởi khai thác được vẻ đẹp độc nhất vô nhị của chiếc Áo dài Việt Nam.
Trong buổi phỏng vấn, Ngô Thanh Vân nói:
“Tôi thực sự hy vọng bộ phim sẽ lan truyền thông điệp của chúng tôi về chiếc áo là biểu tượng quốc gia này. Chúng tôi rất tự hào về chiếc Áo dài và các thiếu nữ Việt Nam cũng cùng chung cảm nhận như vậy”.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để họ có thể hiểu thêm về chiếc Áo dài, rằng nó từng được thiết kế như thế nào và chúng tôi tự hào về nó ra sao… Vì chiếc Áo dài thật đẹp và chúng tôi cần phải làm một điều gì đó để thế hệ trẻ biết về nguồn gốc và truyền thống của mình”.
“Trong phim, Thanh Mai, chủ cửa hàng may mặc nói với cô con gái Như Ý rằng ‘Áo dài là nguồn kinh doanh của gia đình của chúng ta’. Và Áo dài là nguồn gốc của văn hoá Việt Nam và bộ phim”, Ngô Thanh Vân chia sẻ trong buổi ra mắt bộ phim tại Busan.
Ngoài ra, bộ phim còn có sự góp mặt của một số diễn viên hàng đầu và đại diện của thế hệ trẻ điện ảnh Việt Nam, như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My và Oanh Kiều.
Trong cuộc phỏng vấn với Hallyu World, nữ diễn viên chính Ninh Dương Lan Ngọc – được tạp chí này gọi là ngôi sao đang lên của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam – tiết lộ rằng sau khi trải nghiệm cùng Áo dài trong suốt cả bộ phim, “Cá nhân tôi đã đánh giá chiếc Áo dài cao hơn rất nhiều”.
Dàn diễn viên xinh đẹp và tài năng của “Cô Ba Sài Gòn” cũng có những quan điểm riêng về vẻ đẹp của phụ nữ trong thế giới hiện đại.
Đối với Diễm My, “Đó là sự kết hợp của cá tính người mặc và truyền thống lâu đời. Như trong bộ phim, chiếc Áo dài được kết hợp với phong cách hiện đại nhưng chúng tôi không bao giờ quên và luôn rất tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc thể hiện thông qua chiếc Áo dài và mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình”.
Và đối với Ngô Thanh Vân, đó là “sự tự tin và hiểu biết bản thân trong bất cứ thứ gì tôi mặc, hoặc bất cứ điều gì tôi nghĩ hoặc công việc mà tôi làm, niềm tin phải là điều đầu tiên và sau đó là vẻ đẹp”.
Sau liên hoan phim tại Busan, đoàn làm phim cũng hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá phim Việt Nam ra thế giới hơn nữa.
Sở dĩ “Cô Ba Sài Gòn” thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông và người yêu phim Hàn Quốc là vì bộ phim có yếu tố thời trang mang dấu ấn lịch sử mà vẫn đáp ứng được yếu tố thẩm mỹ cao. Dưới bàn tay của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, thời trang Áo dài của Sài Gòn những năm trước 1975 thật nổi bật. Chiếc Áo dài truyền thống của Việt nam trên màn ảnh rộng chưa bao giờ ấn tượng và tỉ mỉ đến thế.
Một điều đáng trân trọng ở “Cô Ba Sài Gòn” chính là cách bộ phim đưa đến cho khán giả quy trình làm nên một tà Áo dài truyền thống. Ai cũng biết chiếc Áo dài như “quốc hồn quốc túy”, chứa đựng linh hồn của cả dân tộc, nhưng hiếm ai trong chúng ta, trừ nghệ nhân làm nghề, biết rõ cách làm ra một chiếc Áo dài. Và “Cô Ba Sài Gòn” đã cung cấp thông tin vô cùng thú vị này.
Bên cạnh việc truyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc của tình cảm gia đình và gợi nhớ về cội nguồn dân tộc, đây có lẽ là bộ phim Việt Nam đầu tiên làm được việc dung hòa tính nghệ thuật với tính thị trường trong một tác phẩm điện ảnh, mà vẫn đảm bảo được sự thu hút cũng như tiếng vang của nó tới khán giả trong nước và quốc tế.
Nó mang lại cho chúng ta cơ hội để nhìn lại quá khứ, tìm hiểu lại nguồn gốc của chiếc áo vốn được mệnh danh là biểu tượng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Chiếc áo dài có nguồn gốc rất xa xưa, ngay trên mặt trống đồng và hiện vật Đông Sơn người ta đã tìm thấy hình ảnh của chiếc áo hai vạt tha thướt. Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu văn hóa thì những hình ảnh trên mặt trống đồng Đông Sơn (700 TCN – 100 SCN) cho thấy hình người Việt cổ thời đó đã mặc trang phục với hai tà áo xẻ đôi. Loại trang phục này được nữ giới sử dụng phổ biến kéo dài từ năm 2000 trước công nguyên cho tới năm 200 sau công nguyên. Truyền thuyết kể lại rằng khi cưỡi voi xông trận, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng. Do tôn kính hai bà, phụ nữ Việt xưa đã có một thời kỳ tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân.
Từ triều đại nhà Lý trở đi, trang phục dân tộc Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia lân cận, như Hàn Quốc, Nhật Bản, bị ảnh hưởng bởi Han Fu – kiểu trang phục lâu đời nhất của Trung Quốc nên có nhiều nét tương đồng.
Bước sang thời nhà Nguyễn, trước làn sóng “nhập cư” của hàng vạn người Minh Hương, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong thi hành. Ông vì thế được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam. Trong sắc dụ đó, sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam đã được ghi lại như sau:
“Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép…” (Trích từ sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên).
Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”. Theo đó, có thể thấy chiếc chiếc Áo dài đã ra đời và chính thức được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765).
Bước đột phá táo bạo góp phần hình thành kiểu dáng của áo dài hiện đại là kiểu áo dài “Le Mur” do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Khác với phom dáng rộng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết Âu hóa như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ… Chiếc áo “lai căng” này bị dư luận thời đó lên án mạnh mẽ, nên chỉ có giới tân thời mới dám mặc. Đến năm 1943 thì kiểu áo này dần bị lãng quên.
Những năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã đưa cách ráp tay raglan vào áo dài, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách, tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa làm giảm nếp nhăn ở nách vừa khiến tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt hơn. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam hiện đại đã được định hình.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, cùng với sự du nhập của khuynh hướng thời trang phương Tây, áo dài đã có nhiều cải tiến theo từng trào lưu nhất định. Tuy nhiên, càng về sau này, chiếc áo càng có xu hướng tôn dáng người mặc, thậm chí một cách thái quá và có lúc trở thành dung tục, gợi cảm quá mức.
Nhà thiết kế Minh Hạnh đã từng nhấn mạnh về nền tảng văn hóa vững vàng của các nhà thiết kế khi bắt tay vào công việc cách tân áo dài. “Bên cạnh tình yêu với áo dài phải có sự thấu hiểu, sự hiểu biết về áo dài, để thấy trên mỗi tà áo là linh hồn dân tộc, là linh hồn văn hóa. Chỉ khi nhận thức rõ được điều đó, các nhà thiết kế mới ý thức được sự trân trọng trong mỗi thiết kế áo dài”. Theo chị, “khi thiết kế áo dài, điều quan trọng nhất là… linh hồn của chiếc áo”.
“Áo dài là một vật thể có linh hồn. Vẻ đẹp của áo dài được định hình bởi tinh thần dân tộc. Bởi thế, nếu chỉ chú ý đến vẻ bên ngoài của áo dài, đó sẽ chỉ là một vẻ đẹp hời hợt” – NTK Minh Hạnh khẳng định.
Theo tư liệu của GS. Trần Quốc Vượng (Sách “Truyền thống phụ nữ Việt Nam”) cho biết: Vị cố đạo sĩ người Italia, Cristoforo Borri, từng sống ở Việt Nam từ năm 1618 đến 1621, viết về Ký sự Đàng Trong, có đăng trên tạp chí Đông Dương số 4 (1909), đã ca ngợi phụ nữ Việt Nam:
“Tính khí êm dịu hơn bất cứ dân tộc nào khác ở phương Đông”, “ đón tiếp khách khứa rất nồng hậu, mời ăn cơm và coi như bạn bè”. “Tâm tình khoáng đạt, thoải mái”, “dáng đi thong thả uy nghi”, và kết luận: “quần áo của họ có lẽ là kín đáo nhất vùng Đông Nam Á”.
Có lẽ sau một thời gian tìm kiếm, cách tân đủ kiểu dáng, chiếc áo dài đẹp nhất vẫn là nên trở về với nét thuần hậu xưa kia. Áo dài chỉ đẹp và phù hợp được với nhiều phụ nữ Việt nhất khi nó chứng tỏ được khả năng bất biến mà không phải loại trang phục nào cũng làm được: Đó là tôn lên vóc dáng và cái duyên lặn vào trong của người phụ nữ Việt.
Thật may mắn, những năm gần đây, kiểu áo dài không chiết eo quá nhiều, rộng rãi nhưng thanh lịch đã quay trở lại cùng chất liệu gấm, tơ tằm hay vải thô đơn giản mà sang trọng, lịch sự.
Thế mới thấy, phải vượt qua những thách thức của sự phát triển, những gì tốt đẹp nhất sẽ được chắt lọc và lựa chọn dùng một cách tự nhiên nhất. Những gì còn sống với thời gian luôn là những điều đúng đắn, và văn hóa không phải chỉ của riêng ai, nhất là các nhà tạo mẫu mốt.
Thuần Dương
Thuần Dương
Tìm Đâu Xứ Lụa Hà Đông Vang Danh Một Thuở?
Có một ngày, ta bỗng muốn tìm lại hồn lụa kinh kỳ vang danh một thuở, phải đi đâu cho thỏa lòng hoài cổ?
Lụa Hà Đông từ ngàn xưa đã đi vào tâm trí bao thế hệ như biểu tượng của sự giàu sang, thịnh vượng bởi đây là thứ lụa tốt nhất và đẹp nhất thời bấy giờ. Cho đến ngày nay, trải qua hơn nghìn năm thăng trầm lịch sử, lụa Hà Đông vẫn chiếm một vị trí không thể nào thay thế được trong lòng người dân Việt.
Đi tìm lụa Hà Đông nơi làng Vạn Phúc - Ảnh: Tuấn Đào
Tìm đến làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, ta sẽ được trở về với xứ lụa Hà Đông vang danh một thời khắp trong và ngoài nước. Cách trung tâm Thủ đô chỉ tầm 10km, nằm bên bờ sông Nhuệ yên bình, ngôi làng Vạn Phúc là nơi đã sản sinh ra những sản phẩm lụa là, gấm vóc tinh tế và hoàn hảo bậc nhất nước Việt khi xưa. Đến nay làng vẫn còn giữ được nghề truyền thống sau hơn 1000 năm lịch sử, tuy ít nhiều có phần thay đổi nhưng những giá trị và bề dày văn hóa của làng lụa thì không thể nào bị lãng quên.
Cổng vào làng hiện đại, khang trang - Ảnh: Trần Thị Hạnh
Tương truyền rằng, nghề lụa bắt nguồn từ một người phụ nữ Cao Bằng làm dâu ở làng Vạn Phúc. Khi đến đây, bà mang theo nghề dệt truyền cho dân làng. Với tay nghề khéo léo, tinh xảo những khúc lụa bà làm đã dần trở nên nổi tiếng. Sau khi bà mất đi, dân làng tôn kính phong bà làm thành hoàng.
Miếu thờ thành hoàng làng Vạn Phúc - Ảnh: Đăng Định
Chùa Vạn Phúc ngày xuân - Ảnh: Đăng Định
Không gian cổ kính bên trong chùa - Ảnh: Đăng Định
Lụa Hà Đông được biết đến từ thời Lý, lụa được dâng lên vua chúa và trở thành món hàng hóa giao thương đi khắp các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước Đông Nam Á. Năm 1931 và 1936, lụa Vạn Phúc được mang sang Marseille và Pari nước Pháp để tham dự hội chợ quốc tế, đánh dấu bước tiến mới của lụa Hà Đông trên trường thế giới.
Về làng Vạn Phúc ngày nay, ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê lụa. Ngôi làng giờ đây đã trở thành một địa điểm du lịch tấp nập du khách khắp bốn phương.
Làng Vạn Phúc thu hút du khách khắp bốn phương - Ảnh: hanoi.gov
Các dãy nhà cao tầng, các cửa hàng mọc lên chi chít, khang trang và sang trọng nối tiếp nhau chạy hết những con đường xứ lụa. Đa số lụa nơi đây không còn được dệt bằng khung gỗ truyền thống, thay vào đó là sự xuất hiện của các loại máy cơ khí cho năng suất cao hơn và đỡ nhọc công người thợ.
Màu lụa rực rỡ trong ánh nắng - Ảnh: Sưu tầm
Có lẽ với những ai đã đem lòng yêu mến chiếc áo lụa Hà Đông, yêu hồn quê kinh kỳ thâm trầm, cổ kính sẽ không khỏi nuối tiếc thời son thời ấy.
Làng lụa trong tâm trí nhiều người là một vùng đất mộng mơ với chiếc áo dài thấp thoáng trong câu hát kinh điển:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Người con gái duyên dáng trong chiếc áo dài là biểu trưng của nét đẹp Việt - Ảnh:Lê Thiện Viễn
Người con gái duyên dáng trong chiếc áo dài Hà Đông đã trở thành nét đẹp biểu trưng một thời không thể phai nhòa trong tâm trí người Việt xưa. Đến tận những vùng đất miền Nam vẫn còn đau đáu nhớ nhung màu lụa trắng mượt mà, mềm mại nơi kinh Bắc. Thế nhưng, thời gian trôi qua không thể nào níu giữ những nét cổ xưa, chân phương ấy mãi.
Một thoáng cổ xưa ở làng Vạn Phúc - Ảnh: Như Nguyễn
Bảo tàng áo dài ở Sài Gòn
Bảo tàng Áo dài (đường Long Thuận, quận 9) do nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng xây dựng và khánh thành năm 2014. Công trình là một trong hai bảo tàng tư nhân của TP HCM.
Không gian bảo tàng trưng bày những chiếc áo dài qua các thời kỳ, từng được các nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam mặc.
Nhà trưng bày các mẫu áo dài rộng khoảng 200 m2, được thiết kế theo kiểu nhà dài với hệ khung gỗ và mái ngói âm dương. Nơi đây trưng bày khoảng 150 mẫu áo dài.
Bên phải (theo lối vào) giới thiệu lịch sử áo dài qua từng thời kỳ. Bên trái là các bộ áo dài gắn với những người phụ nữ Việt Nam có những đóng góp lớn trong các lĩnh vực chính trị - xã hội ở thế kỷ 20.
Ngay lối vào là chiếc áo dài trong cung đình của vương triều Nguyễn vào thế kỷ 19 được phục dựng lại.
Những bộ áo dài cho cả nam và nữ mặc trong lúc biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế.
Chiếc áo dài Le Mur đã có phần mục nát là kỷ vật tình yêu của một đôi vợ chồng từ năm 1940 và từng được chôn giấu qua chiến tranh loạn lạc. "Le Mur" là cách dịch sang tiếng Pháp của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Vào thập niên 30, ông đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau như ngày nay.
Các mẫu áo dài tân thời theo từng mùa của thập niên 1930 - 1940 được trưng bày. Từ năm 1934, phong trào cải cách y phục phụ nữ, cũng chính là phong trào Le Mur từ Hà Nội lan truyền ra các tỉnh thành trong nước, chinh phục nữ giới ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Kiểu mẫu áo dài những năm 1950 mà phụ nữ miền Nam thường mặc.
Áo dài của nữ tướng – anh hùng Nguyễn Thị Định, cùng bức tượng bán thân của bà.
Chiếc áo dài bên trái từng được nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình mặc. Bên cạnh là áo dài của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Từ trái qua là hai bộ áo dài của nghệ sĩ Phùng Há và Bạch Tuyết, hai người nổi tiếng trong bộ môn nghệ thuật cải lương.
Chị Thùy Chi (33 tuổi) ngắm nhìn những chiếc áo dài của các đạo Phật, Cao Đài, Công giáo... "Những bộ áo dài được trưng bày đều rất đẹp, phong phú, giúp tôi hiểu thêm về sự phát triển của trang phục truyền thống Việt Nam", chị Chi nói.
Những mẫu vải, bộ đồ nghề để may áo dài được trưng bày.
Bảo tàng nằm trong khu vườn 20.000 m2, không gian mang đậm bản sắc miền quê Việt Nam với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống, có màu sắc thiền tịnh. Bảo tàng mở cửa từ 8h đến 17h mỗi ngày. Giá vé tham quan 100.000 đồng, học sinh - sinh viên 30.000 đồng, miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và người trên 70 tuổi.
Quỳnh Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét