Ngư dân ra khơi bao giờ cũng cầu mong sóng yên, biển lặng song đôi khi thiên tai vẫn không ám ảnh bà con bằng “nhân tai” tàu cá của mình bị tàu Trung Quốc tông...
Gần 10 ngày sau khi thoát chết trở về, 10 ngư dân tàu cá QNg 98459 TS của ông Huỳnh Văn Thạch (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn không tin mình có thể sống sót sau những cú đâm chí mạng từ tàu Trung Quốc (TQ). “Nếu không có anh em tàu cá của mình cứu giúp, có lẽ chúng tôi đã nằm lại dưới đáy biển lạnh lẽo” - ông Thạch rùng mình.
Tai họa rình rập
Ông Thạch cho biết trưa 1-1, khi tàu QNg 98459 TS trên đường từ Đà Nẵng ra đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đánh bắt, các ngư dân đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ nghe tiếng tàu ầm ầm lao tới. Họ chưa kịp trở tay thì chiếc tàu vỏ sắt to đùng, trên thân kẻ dòng chữ TQ đã phóng thẳng mũi vào mạn tàu QNg 98459 TS.
Tàu cá QNg 98459 TS tơi tả sau 2 lần bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va Ảnh: BÍCH VÂN
“Bảy ngư dân trên tàu QNg 98459 TS rớt xuống biển. Tôi cùng 2 ngư dân nhào ra kêu la nhưng những kẻ trên tàu TQ vẫn phớt lờ. Chiếc tàu vỏ sắt to gấp 4 lần tàu cá chợt lùi lại rồi tiếp tục đâm bổ vào tàu chúng tôi” - ông Thạch nhớ lại.
Thuyền trưởng Mai Trọng Hiếu kể lại chuyện tàu cá của mình bị tàu Trung Quốc cướp phá Ảnh: KỲ NAM
Sau 2 cú tông, chiếc tàu cá Quảng Ngãi vỡ vụn rồi chìm dần. Các ngư dân cố ngoi lên mặt nước, vẫy tay cầu cứu nhưng chiếc tàu TQ vẫn thản nhiên bỏ đi. “Tôi chạy vội vào cabin gọi bộ đàm về đất liền cầu cứu, nhờ Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Đức Phổ báo cho cơ quan chức năng, đồng thời gọi các tàu cá gần đó ứng cứu. Biển lúc ấy có sóng to, gió cấp 6, nước rất lạnh nên hết sức nguy hiểm” - ông Thạch kể.
Hơn 2 giờ chờ đợi, các ngư dân tàu QNg 98459TS mới được 4 tàu cá Quảng Ngãi đang đánh bắt gần đó tiếp cận. Ngư dân 4 tàu này đã cùng nhau tát nước hơn 3 giờ để tàu QNg 98459 TS nổi lên rồi lai dắt về bờ.
“Trên biển, tàu cá của ngư dân mình nhỏ nhoi như hạt cát trên sa mạc. Chúng tôi chờ đợi người đến cứu mà như ngồi trên đống lửa. Anh em có người đã bật khóc vì sợ. Khi được cứu, con tàu chỉ còn nửa mét nữa là chìm hẳn” - ông Thạch thở phào.
Nhiều ngư dân khẳng định không phải vô ý mà ngược lại, các tàu TQ đã cố tình đâm va vào tàu cá của Việt Nam. Ông Trần Khắc Thạch (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ tàu cá KH 95797 TS, cho biết một lần vào tháng 9-2015, khi đang đánh bắt ở vùng biển quần đảo Trường Sa thì tàu ông bị một tàu “lạ” cố ý tông mạnh vào mạn làm 6 ngư dân rơi xuống nước. “Sự việc xảy ra quá bất ngờ nên tôi chỉ kịp nhìn thấy tàu kia sơn màu cam. May mắn là một tàu Khánh Hòa đánh bắt gần đó ứng cứu kịp thời, vớt được 6 người. Vụ này làm tôi thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng” - ông tiếc rẻ.
Gặp chúng tôi mới đây, anh Mai Trọng Hiếu (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu cá KH 92396 TS, cho biết vẫn còn ám ảnh về chuyến đi biển nhớ đời hôm 18-8-2015. Chuyến đó, tàu KH 92396 TS đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khi chuẩn bị về đất liền thì bị tàu TQ bất ngờ đâm sầm từ phía sau.
“Tàu này áp sát tàu chúng tôi, 6 người cầm roi điện và súng nhảy qua khống chế anh em ngư dân. Sau đó, khoảng 15 người nữa cầm súng nhảy qua. Chúng lấy hơn 2 tấn cá, 1 tấn lưới, 5 cuộn dây lặn, phá hủy 1 máy Icom, 1 máy quét...Sau 5 giờ khống chế ngư dân để cướp tài sản, nhóm người này chỉ để lại duy nhất máy định vị la bàn do vướng 4 sợi dây không lấy đi được. Do không thể liên lạc với các tàu cá khác cũng như lực lượng chức năng để nhờ giúp đỡ, chúng tôi phải dựa vào la bàn này chạy liều về nhà. 10 ngày sau, chúng tôi mới về đến vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa” - anh Hiếu thuật lại.
“Đông như quân Nguyên”
Vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa, ngư dân Võ Bá Nha (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết sau sự kiện đưa giàn khoan trái phép đến đặt ở vùng biển nước ta, tàu TQ hoạt động ở đây “nhiều như quân Nguyên” và rất hung hăng. “Bây giờ, cứ mỗi chuyến ra khơi, anh em chúng tôi đều phải chạm mặt tàu TQ có khi đến chục lần” - ông khẳng định.
Theo ông Nha, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt bao đời nay của ngư dân miền Trung. Song, vài năm nay, ở các đảo quanh Hoàng Sa xuất hiện rất nhiều tàu TQ. “Các tàu này táo tợn vô cùng, cứ thấy tàu cá Việt Nam là xịt vòi rồng xua đuổi, chạy ra đâm va, thậm chí cướp phá tài sản. Tàu cá của ngư dân mình nhỏ bé, lại đi đơn lẻ thì làm sao chống chọi được những tàu sắt thép TQ to lớn gấp nhiều lần? Bởi thế, chúng tôi phải vừa đánh bắt vừa cử người quan sát để tránh đụng chạm với tàu TQ” - ông Nha bức xúc.
Ông Huỳnh Văn Thạch cho hay trước khi bị tàu vỏ sắt TQ đâm chìm, tàu QNg 98459 TS và các ngư dân từng nhiều lần bị quấy nhiễu, phá hoại đồ đạc. “Tàu ngư dân mình đang đánh bắt thì tàu TQ chạy tới. Họ ném chai lọ, vật cứng vào tàu mình khiến đồ đạc bị vỡ đổ. Tàu TQ vốn chạy nhanh hơn nên khi họ cố tình gây sự thì ngư dân mình lãnh đủ” - ông Thạch lo ngại.
Theo ông Huỳnh Tranh, ngư dân tàu QNg 98459 TS, chuyện đi biển bị tàu TQ tấn công giờ xảy ra như cơm bữa. “Ngư dân mình đi biển chủ yếu bằng tàu gỗ nhỏ bé, lại đánh bắt nhỏ lẻ nên gặp tàu TQ hay các tàu nước ngoài khác rất dễ bị bắt nạt. Bây giờ đi biển, ngoài chuyện lo sóng gió, ngư dân chúng tôi còn ngại chạm mặt tàu TQ nữa. Đánh bắt trên biển của mình mà bị người ta chèn ép, tức không chịu nổi” - ông uất ức.
Nhiều ngư dân đều có chung nhận định họ đi biển ngày càng lo sợ “nhân tai” hơn cả thiên tai. “Các tàu cá bây giờ đều trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc nên cập nhật kịp thời tình hình thời tiết. Khi có mưa bão, các tàu đều chủ động trú tránh kịp thời. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chủ động tránh được các tàu TQ hay tàu “lạ” nếu họ cố tình tấn công” - một ngư dân giải thích.
Quấy phá thường xuyên
Theo nhiều ngư dân, không chỉ bị tàu TQ cố tình đâm va, việc bị quấy phá còn xảy ra như cơm bữa. Thuyền trưởng Đào Ngọc Đức (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết cuối năm 2015, tàu ĐNa 90370 TS của ông đang đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ thì bị tàu TQ kéo đến quấy phá.
“Đội tàu của họ đi theo từng đoàn, mỗi đoàn hơn 100 chiếc. Tàu của tôi thả lưới chưa kịp kéo thì họ cho tàu giã cào chạy ngang qua. Chúng tôi đã cố ra hiệu nhưng họ mặc kệ, vẫn đi thẳng khiến 400 tấm lưới rách nát. Tụi tôi kéo lưới lên, nhìn mà đau như đứt cả ruột gan. Trước đó, tôi đã nghe các chủ tàu bạn nhắc phải cảnh giác nhưng không tin là tàu TQ lại chủ động phá mình” - ông Đức ấm ức.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Mưu sinh bên miệng tử thần | |||||
Những chén xúp vây cá mập với giá cả trăm USD, cộng với những truyền tụng về công dụng của chúng, đã làm cho cá mập trở thành đối tượng tận diệt của ngư dân. Ở vùng biển Hoài Nhơn, từ lâu câu cá mập đã trở thành một nghề, vừa hiểm nguy, vừa gây ra nhiều di họa cho môi trường…
* Đối diện kình ngư
Lão ngư Kiệt Văn Chiến, người mà dân làng chài Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) quen gọi bằng với cái tên Hai Chiến, có vẻ ít muốn nói về cái nghề của mình. Mắt ông chỉ thoáng ánh lên khi nghe chúng tôi nhắc lại nghề xưa nghiệp cũ: "Tui năm nay 70, thì cũng có gần 50 năm kiếm ăn trên biển bằng cái nghề câu cá mập. Quen rồi thì thấy cũng thường thôi".
Ông Hai Chiến cho biết: Năm 1986, tui bàn với ông Được bán chiếc ghe nhỏ, hùn hạp thêm, sắm chiếc ghe 52 mã lực.
Đi khơi xa, chẳng có máy định vị như bây giờ. Phương tiện hành nghề chỉ là chiếc bộ đàm, thêm cái la bàn và cái chính yếu vẫn là kinh nghiệm biển giã. Cứ bấm ngón tay tính thời gian đi - đến để ước lượng vị trí. Vậy rồi cũng dọc ngang khắp các vùng. "Thường thì dong thuyền một ngày một đêm, nhưng có bận phải đi xa tới 3, 4 ngày đêm mới đến nơi bủa câu. Dàn bủa gồm đường câu chính (sợi cái) bện bằng cước 2 ly dài khoảng 20km. Cứ khoảng hai mươi sải thì đặt một thẻo câu bằng cước 3 ly dài khoảng hai sải tay. Đầu thẻo câu thợ câu nối thêm một đoạn dây thép 1 ly bện dài cả thước rồi mới móc một lưỡi câu bằng inox 5 ly. Tính ra, một dàn bủa có khoảng từ 400 đến 500 lưỡi câu như vậy. Cá mập dữ và hàm răng bén không thua lưỡi lam nên phải làm cẩn thận như vậy. Bắt đầu bủa từ 3, 4 giờ chiều, rồi anh em tranh thủ cơm nước. Đến 7 đến 8 giờ tối là trở ngược lại kéo lên. Mỗi chuyến như vậy, mỗi thuyền có thể bắt được từ vài con đến cả chục. Cá cỡ 200 ký là thường. Có con tới 500 ký nữa"- ông Chiến nói.
* Nước mắt khơi xa
Thế nhưng, chuyện bủa câu hay chờ đến khi con cá mắc câu chỉ là chuyện vặt. Nguy hiểm chỉ bắt đầu khi con cá dính câu. Khi con cá đã được lôi đến mặt nước, một bạn chài khéo tay nhất sẽ có nhiệm vụ đâm chiếc lao thép cắm vào đầu cá. Lao nối với đôi sợi cước rất lớn, một đầu gắn vào một cần trục. Cần trục quay, cá được ép sát mạn tàu. Bấy giờ, thợ câu sẽ dùng một cây lao nhọn, thọc từ óc cá thẳng xuống xương sống cá cho đến khi nào cá chết hẳn. Với những con cá mập cỡ trung là vậy, nhưng gặp phải con cá nặng cỡ 400-500 kg, thợ câu phải rọi đèn pha, dùng lưới quây vùng xung quanh con cá dính câu và cho 1 -2 người xuống nước tìm cách cắt lấy bộ vây. Cá mập vốn say mùi máu, chỉ cần đánh hơi thấy thì bầy cá mập cũng sẽ lao đến rất nhanh. Không có dàn lưới bảo vệ, không có sự hỗ trợ của các tay câu chuyền, câu táp thì…
Sau mỗi chuyến đi câu như vậy thợ câu có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Ông Nguyễn Thân, thôn Ca Công Nam là một trong những chủ ghe ít ỏi ở Hoài Hương còn giữ nghề câu cá mập. Ông Thân nói: "Tui đã quen hơi biển khơi rồi. Con cá mập khỏe, dữ, răng bén mới ớn, chứ như cá bò gù to thì cũng to xác thật đấy, nhưng hễ mắc câu là thôi, hết cựa quậy không đáng ngại gì mấy".
* Cá chết vì vây
Xúp vi cá mập là một món ăn khá phổ biến ở châu Á. Trong các nhà hàng đặc sản giá một chén xúp vi cá mập có thể lên đến 100 USD. Vây cá sơ chế được chia làm 3 loại, có giá từ vài trăm đến cả hơn triệu đồng/kg, tùy theo kích cỡ và từng loại cá mập khác nhau. Vây được các thương lái thu gom, bán lại cho những người buôn, mang sang Trung Quốc. Lý do chính khiến nhiều chủ ghe hiện không mặn mà nữa với nghề câu là trữ lượng cá mập đang cạn. "Cá mập sinh sản chậm lắm và có rất ít con. Có hàng triệu con cá khác mới gặp chừng tá con cá mập. Hơn nữa, giống như người, cá mập thường tìm nhau khi tuổi trên 20 và mỗi con cái lại chỉ có thể đẻ một con. Trong khi đó, việc săn bắt cá mập đã có từ lâu, không chỉ Việt Nam mà ở khắp các nước châu Á, nên cá mập hiếm lần. Giờ phải đi vài ngày, dong thuyền ra tận các vùng biển quốc tế gần Philippines Malaysia, Thái Lan... mới câu được. Luẩn quẩn như xưa thì chỉ có mà… ăn cám"- một thợ câu cho biết. Số thuyền câu thưa dần. Xưa, cữ tháng 11 đến tháng 7 là mùa câu, nhưng nay ra Giêng may ra mới có một vài thuyền câu cá mập. Hai thôn Thiện Chánh và Tân Thành ở Tam Quan Bắc còn khoảng 10 chiếc, ở Hoài Hương thêm vài chiếc nữa. Các ghe khác đã chuyển sang câu cá bò gù. Ông Hai Chiến thì tâm sự: "Ghe bây giờ mạnh, máy móc nhiều, tụi trẻ cũng giỏi giang lắm. Ghe thuyền đi dài ngày, xa lắm. Tui nhìn mấy đứa nó cứ bấm bấm mấy cái mà định vị y phóc hà! Vậy mà số cá cũng chẳng bằng hồi tui còn làm".
Không bảo đảm sự sống của cá mập, hệ sinh thái biển bị đe dọa. Là một loài ăn thịt hàng đầu, loài cá này là kẻ thu dọn rác dưới đại dương, thanh toán những sinh vật bệnh, yếu dưới nước, giữ cho hệ sinh thái trong lành. Bởi vậy, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu tất cả các nước thành viên xây dựng và ban hành những kế hoạch nhằm hạn chế việc săn bắt cá mập. Còn nói như một ngư dân đã có hàng chục năm trong nghề câu cá mập nay đã giải nghệ: "Tui xem nhiều phim cá mập tấn công con người chứ trên thực tế có thấy khi nào đâu, trừ phi chính con người tấn công nó trước. Có lẽ con người mới là kẻ thù đáng sợ nhất của cá mập, chứ đâu phải ngược lại".
Lê Viết Thọ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét