Nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm
Người Sài Gòn có văn hóa uống cà phê lề đường. Ảnh tư liệu.
Con trâu có lông màu đen, đích thị gọi “trâu đen”. Đố ai dám cãi. Tương tự, con ngựa lông đen gọi “ngựa đen”? Không, phải gọi là “ngựa ô”. Vậy “mèo đen” cũng gọi “mèo ô” Không, gọi “mèo mun”.
Gà đen cũng được gọi “gà mun” chăng? Không, gà đen được gọi “gà ô”, vậy đũa đen được gọi “đũa ô”? Không, người ta gọi “đũa mun”! Thế chó đen được gọi là “chó ô”? Không, người ta gọi “chó mực”.
Vậy ngựa trắng gọi là gì? Xin thưa, người ta gọi là “ngựa bạch”! Thế tóc trắng gọi là “tóc bạch” chăng? Không, người ta gọi là “tóc bạc”!
Rắc rối ghê!
Mà này, tuy gọi “gà ô” nhằm chỉ con gà lông đen, nhưng nếu cần, người ta lại… “gà đen” một cách tỉnh rụi: “Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua/ Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy”!
Ai cũng thừa biết tỏng “gà trắng” còn được gọi “gà nhạn”. Vậy trâu trắng được gọi là “trâu nhạn”? Không, người ta gọi là “trâu cò”. Dù vậy, có lúc trâu trắng không được gọi “trâu cò”, lại gọi… “trâu trắng”. Ai lại không từng nghe câu:“Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy”.
Hồi nhỏ, tôi sống ở Đà Nẵng, mẹ tôi có nuôi con chó lông vàng, nó khôn ngoan không kém gì con Vàng của Lão Hạc, nhưng bà con quê tôi lại gọi “con phèn”.
Những người sành nuôi chó đều biết đến câu: “Nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm” là chỉ các giống chó khôn ngoan, lanh lợi. Chó đốm còn gọi “con vá, con vện”! Hạng người ba bứa, đá cá lăn dưa chuyên đánh bã, bắt trộm chó bị gọi “cẩu tặc”.
Tuy nhiên, chưa hề nghe ai rủ nhau ăn “thịt cẩu”, ít ra cũng phải gọi đúng điệu nghệ của dân bợm nhậu thứ thiệt là “cầy tơ”. Có câu ca dao trứ danh: “Đi tu, Phật bắt ăn chay/ Thịt chó ăn được, thịt cầy thì kiêng” (?)
Lại nghe câu “Chó ngáp phải ruồi” là nhằm chỉ kẻ gặp thời mà leo lên, leo cao như “Chó nhảy bàn độc”, chứ chẳng có tài cán gì ráo. Những kẻ ấy, lúc nào cũng hợm hĩnh, một tấc đến trời, nói năng phách lối nào khác gì “Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi”, cũng tựa như “Chuột chù lại có xạ hương”. Cách so sánh ấy, cực kỳ ấn tượng và dễ nhớ.
“Chó nào chó sủa lỗ không/ chẳng thằng kẻ trộm cũng ông ăn mày”, thế nhưng, có lúc người ta không gọi chó sủa mà thay bằng… “chó cắn”! Đọc lại truyện ngắn trước năm 1945, thấy rất rõ điều đó, chẳng hạn Nam Cao viết về Chí Phèo: “Đáp lại hắn, chỉ có lũ chó cắn xao lên trong xóm”. Thế nhưng khi nghe “Chó dại cắn càn”, “Chó cắn áo rách” thì không phải sủa mà nó… cắn thiệt!
Có loại chó không biết cắn, biết sủa là “Chó cỏ rồng đất” – nhằm chỉ loại bù nhìn vô dụng. Khi nghe hai người đối đáp: “Quê của cậu thế nào? Ruộng vườn bát ngát chó chạy cong đuôi, cò bay thẳng cánh chứ gì?”. “Không hề, quê mình chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Đó là cách nói nhằm chỉ vùng đất cằn khô, khó bề làm ăn, luôn đói kém.
Đã nói đến con chó, loài vật trung thành, giữ nhà canh trộm ắt không thể quên con vật chí thân của nó là… con mèo. Từng nghe nói đến câu: “Mèo già hóa cáo”, có thật vậy không?
Không, là ám chỉ những ai nhiều kinh nghiệm, lọc lõi ngày càng trở nên quỷ quyệt, ranh mãnh, láu cá. Nếu “Chó ngáp phải ruồi”, mèo cũng chẳng thua kém gì “Mèo mù vớ cá rán”, cũng nhằm chỉ những ai may mắn một cách bất ngờ, chứ không phải do có tài cán xuất sắc.
Như ta đã biết, mèo đen gọi “mèo mun”, vậy cứ nhìn lông màu trắng xám tro, ta gọi “mèo trắng” chăng? Không, gọi “mèo mướp”. Dân mê đọc truyện kiếm hiệp gọi bằng cái tên “oách xà lách” là “bạch miêu”! Nói thế hoàn toàn không phải nói đùa, bằng chứng có câu ca dao: “Con là trai gái trong nhà/ phải như mãnh hổ và là bạch miêu”.
Còn con mèo lông vừa đốm đen, vàng, trắng gọi là mèo gì? Gọi “mèo tam thể”, nghe cứ như… thơ!
Đôi lúc không muốn gọi con mèo là… con mèo, vậy gọi bằng cái tên gì cho thanh nhã hơn? Ắt sẽ gọi “mỉu/miu/miêu”, chà, nghe cái âm “iu” ấy mới đáng yêu làm sao.
Nguồn: tuoitrecuoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét