- Những chuyện ‘có một không hai’ của Quốc hội

“Có nhiều ý kiến quyết liệt về việc này. Bầu cử chức vị chủ chốt trước đây chỉ có một người, nay lại phát sinh thành hai thì có nên không?”- ông Vũ Mão.

LTS: Nhân dịp 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là ngày thành lập Quốc hội Việt Nam, 6/1/1946, Tuần Việt Nam đã trò chuyện với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.
Nhìn lại hành trình bảy thập kỷ, ông Vũ Mão đánh giá:“Sau này, có nhiều điều không bằng”
Ngay từ đầu, Quốc hội (QH) Việt Nam đã mang tinh thần đổi mới, mà cốt lõi thể hiện ở tư tưởng dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Cuộc tổng tuyển cử 1946 là một bước đổi mới, trước đây chưa từng có và ngay cả đến sau này cũng nhiều điều không bằng. Từ đó chúng ta rút ra được biết bao bài học, về lòng yêu nước, về niềm tin của nhân dân, bài học về huy động nhân tài bất kể thành phần nào, bao gồm cả những người đã từng là quan lại, trí thức trong chế độ cũ… Rồi bài học lập hiến với bản Hiến pháp 1946 rất tiến bộ. Có thể nói QH khóa đầu tiên, đặc biệt là năm đầu tiên, là một dấu ấn chúng ta phải ghi nhớ.

Cũng trong QH khóa I, năm 1956 sau Cải cách ruộng đất, QH đã nghiêm túc phê bình khuyết điểm nặng nề của các lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm. Một số đồng chí đã phải từ chức.

QH khóa VI, sau khi thống nhất đất nước, cũng để lại những dấu ấn. Chẳng hạn, việc QH bày tỏ thái độ không đồng tình với việc thay Quốc ca, dù trước đó đã có một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới (năm 1981). Điều này thể hiện lập trường, tính nghiêm túc của QH.

Năm 1985, QH khóa VIII đã biểu quyết cách chức một số cán bộ cấp cao liên đới trách nhiệm về sai lầm trong việc triển khai thực hiện chính sách Giá – Lương – Tiền.

Đó là những đổi mới, bài học rất sâu sắc mà có những điều ngay cả đến giờ chúng ta vẫn chưa thực hiện được.

Ông tham gia Quốc hội khoá VIII từ năm 1987, thời điểm đất nước đang bắt đầu tiến hành Đổi mới. Khi ấy, QH đã có những chuyển biến mạnh mẽ nào thúc đẩy sự nghiệp chung của đất nước?

Có nhiều đổi mới cần ghi nhận trong giai đoạn này, trong đó theo tôi, nổi lên một số điểm sau:

– Việc tranh cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng Chính phủ) ở kỳ họp giữa năm 1988. Đây là sự kiện rất đặc biệt, tính đến nay vẫn là “có một không hai”.

– Thể hiện tinh thần đổi mới, hội nhập quốc tế, muốn làm bạn với tất cả các nước thông qua việc sửa lời nói đầu trong Hiến pháp 1980, không chỉ rõ đích danh các nước đã xâm lược Việt Nam trong mấy chục năm qua là phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và bành trướng bá quyền TQ. Điều này tạo được ấn tượng rất tốt đẹp, đặc biệt với Nhật Bản. Kết quả quan hệ Việt – Nhật có được như ngày hôm nay cũng có những khởi nguồn từ đó.

– Lập Thường trực Hội đồng Nhân dân, tạo điều kiện nâng cao vị thế của thiết chế này.

– Xây dựng Hiến pháp năm 1992 trên tinh thần đổi mới, đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nếu so về mức độ thì Hiến pháp 2013 chưa có những đột phá bằng Hiến pháp 1992, mà chỉ tiếp nối một số vấn đề.

– Áp dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của QH, như việc thay biểu quyết giơ tay bằng ấn nút. Năm 1994, kỳ họp thứ 5 QH khóa IX bắt đầu có truyền hình và phát thanh trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là đổi mới rất cơ bản, một dấu ấn sâu sắc.


“Đổi mới trong QH chưa đủ độ”. Ảnh: VOV


Trong dân chủ, nhân sự phải có tranh cử

Khi tiến hành những đổi mới đó, QH có phải đối mặt với khó khăn, hoài nghi, những va chạm nhận thức, quan điểm nào không, thưa ông?

Những vấn đề mới bao giờ cũng phải có tranh luận. Trước đây là một đường mòn mà nhiều người cảm thấy thế là đủ, là ổn thỏa. Nhưng giờ Đổi mới là một sự đột phá, thay đổi, tất yếu nảy sinh những mâu thuẫn, nhận thức khác nhau phải giải quyết.

Chẳng hạn, việc tranh cử giữa hai ứng cử viên (một do Trung ương Đảng giới thiệu và một do các đại biểu QH giới thiệu) cho chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Có nhiều ý kiến quyết liệt về việc này. Bầu cử chức vị chủ chốt trước đây chỉ có một người, nay lại phát sinh thành hai thì có nên không? Những người ủng hộ đổi mới cho rằng đã nói bầu cử thì phải có hai người trở lên, nếu không sao gọi là bầu cử được.

Chúng ta vốn quen việc các chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ do Trung ương giới thiệu một người, rồi QH bỏ phiếu. Nhưng như vậy sao gọi là bầu cử. Bản chất của đổi mới là dân chủ, còn phương thức của nó là minh bạch, công khai. Trong dân chủ, nhân sự là phải có tranh cử.

Hoặc vấn đề cũng được tranh luận quyết liệt là vai trò HĐND. Có ý kiến là cứ để hoạt động theo cơ chế cũ, HĐND chỉ mang tính hình thức vậy thôi, bởi nó quyết được cái gì đâu, “trên” quyết hết, dưới đã có UBND điều hành. Nhưng đứng từ nguyên lý dân làm chủ, coi trọng ý kiến người dân thì mỗi một cấp quyền lực phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tương ứng. Chính phủ có Quốc hội kiểm soát, ở cấp tỉnh, UBND phải chịu sự giám sát của HĐND. Đó là một vấn đề mà đến bây giờ cũng vẫn còn tranh luận.

Truyền hình và phát thanh trực tiếp các buổi chất vấn cũng là một thay đổi đầy khó khăn. Lo ngại lớn nhất được đặt ra là nội dung các buổi chất vấn có thể lan tỏa ra toàn thế giới, dễ xảy ra nguy cơ làm lộ bí mật Quốc gia. Vấn đề thứ hai là sợ “lộ” ra tất cả những hạn chế của ĐBQH, của lãnh đạo bộ, ngành. Thậm chí, vào lúc đã thông báo cho toàn dân biết ngày mai QH tổ chức phiên chất vấn, có truyền hình và phát thanh trực tiếp, thì ngay trước đó một ngày cũng có đồng chí lãnh đạo không đồng ý, vì e bất lợi, nguy hiểm.

Có thể nói từ sau bước ngoặt Đổi Mới, vai trò của QH từ tình trạng “cây kiểng”, nặng tính hình thức như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng chỉ ra, đã trở về sát với vị thế cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Đúng thế. Nhưng biến nhận thức thành hành động cụ thể là một quá trình, có việc chúng ta đã làm được, nhưng cũng có việc chưa. QH chưa thể hiện hết vai trò cơ quan quyền lực cao nhất.

QH ý thức rõ trọng trách đổi mới và rất cố gắng, nhưng mới đáp ứng được một phần, theo tôi là khoảng 60%, trên mức trung bình một chút, chưa phải mức kỳ vọng 90%. Đổi mới trong QH chưa đủ độ, đủ tầm, và về mặt hiệu quả còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Theo ông đâu là nguyên nhân chính?

Những hạn chế về chất lượng đại biểu QH, cơ chế sinh hoạt QH… cũng là những nguyên nhân.

Nhưng quan trọng hàng đầu là phải đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng với QH, để QH thực sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất đúng như Hiến định. Phải làm sao vẫn đảm bảo Đảng lãnh đạo, nhưng đồng thời phải phát huy quyền lực QH ở mức tối đa.

THEO VIETNAMNET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét