- Nhìn nhận đúng về thực phẩm không an toàn

(Xây dựng) - Thực phẩm là nguồn duy trì sự sống cho con người. Thế nhưng ngày nay, dường như chúng đã và đang trở thành nơi tiềm ẩn những nguy hiểm.
Ăn thịt chế biến sẵn có nguy hiểm như hút thuốc lá không? Đó là câu hỏi băn khoăn của các bà nội trợ trước thông tin chưa đầy đủ.

Những câu hỏi đặt ra cho các bà nội trợ luôn là: Liệu thịt muối trên đĩa bạn ăn có chứa chất độc hại? Liệu lúa mạch trong miếng bánh mỳ bạn ăn có ăn mòn bộ não của bạn? Bọt khí trong nước uống có gas cũng được xem là một hiểm họa?

Với việc phóng đại các kết quả của một nghiên cứu nào mà không đưa ra bối cảnh cụ thể, truyền thông sẽ gây hoang mang lo sợ không cần thiết, thậm chí có thể khiến bạn có những lựa chọn thực phẩm thiếu an toàn.

Vì vậy, thông tin truyền tải không đúng gây sự e dè của người tiêu dung. Những thông tin đúng dưới đây sẽ xua tan những hiểu lầm và các bà nội trợ có thể yên tâm khi dùng thực phẩm chế biến sẵn.
Thịt xông khói


Sự e ngại: Ăn thịt chế biến cũng nguy hiểm giống như hút thuốc lá.

Sự thật: Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới đã loan báo có nhiều bằng chứng cho thấy thịt xông khói, thịt muối (và các loại thịt chế biến khác) có thể gây ra ung thư kết trực tràng, nhưng nguy cơ thật sự không đến nỗi quá đáng lo ngại như các tiêu đề trên nhiều tờ báo.

Hội Nghiên cứu Ung thư Anh quốc đã chỉ ra trong một nghiên cứu rằng ung thư kết trực tràng là bệnh tương đối hiếm gặp. Cứ mỗi 100 người kiêng ăn thịt xông khói thì chỉ có một người tránh được ung thư.

Để so sánh với thuốc lá, thì cứ 100 người bỏ thuốc là có khoảng 10 - 15 người được cứu sống. Vì vậy, sự khác biệt về tác hại giữa thuốc lá và thịt xông khói là rất lớn.

Cà phê


Sự e ngại: Nghiện cà phê dễ khiến ta bị đau tim.

Sự thật: Không có mấy bằng chứng cho thấy một ly cà phê sẽ khiến con người chết sớm. Thật ra, ngược lại.
Năm 2012, Tạp chí Y khoa New England có báo cáo về quá trình theo dõi sức khỏe của 400.000 người Mỹ trong vòng 13 năm. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, những ai uống từ ba đến sáu tách cà phê mỗi ngày thì nguy cơ tử vong giảm 10% trong khoảng thời gian 13 năm, và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và bệnh truyền nhiễm cũng thấp hơn.

Một loạt các nghiên cứu khác thực hiện trên hơn một triệu người cũng được tổng kết trong bản nghiên cứu hồi 2014, với kết quả tương tự: những ai uống bốn ly cà phê một ngày thì nguy cơ đột tử giảm 16%.

Lúa mì

Sự e ngại: Lúa mì có thể gây ra bệnh Alzheimer.

Sự thực: khoảng 1% dân số mắc chứng dị ứng thực sự với chất gluten có trong lúa mì, hay còn được gọi là bệnh celiac vốn làm tổn hại đường ruột và dẫn đến suy dinh dưỡng. Những người khác có thể không bị bệnh celiac nhưng nhạy cảm với bột mì. Thường là không có triệu chứng gì nếu chỉ ăn ít bánh mì và cảm thấy khó chịu nếu ăn quá nhiều món này.
Ngoài ra, có những người kiêng ăn gluten trong bột mì tuy bản thân họ không có triệu chứng gì cả, bởi bột mì được xem là độc tố.

Có ý kiến là các thực phẩm làm từ bột mì sẽ gây ra viêm nhiễm khắp cơ thể vốn góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, việc ăn các chất có nhiều carbohydrate và nhiều đường về lâu dài có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh, nhưng bột mì vẫn tốt hơn món khác, như khoai tây bởi nó tạo ra đường chậm hơn.

Sữa tiệt trùng


Sự e dè: Sữa tiệt trùng có thể góp phần gây ra bệnh chàm bội nhiễm, bệnh hen suyễn và các chứng rối loạn miễn dịch khác.

Sự thực: Có một quan niệm thông thường là thực phẩm càng “tự nhiên” chừng nào thì nó càng tốt cho sức khỏe chừng đó. Điều này đã khiến cho một số người tránh dùng sữa tiệt trùng.
Nhiều người cho rằng quá trình tiệt trùng đã hủy hoại nhiều chất dinh dưỡng có ích trong sữa bao gồm protein vốn có thể bảo vệ khỏi các chứng dị ứng. Quá trình tiệt trùng cũng giết chết các vi khuẩn có lợi trong sữa vốn hỗ trợ tiêu hóa, nâng cao hệ miễn dịch và giúp phòng chống bệnh ung thư. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận như vậy.

Sự đun nóng vừa phải trong quá trình tiệt trùng không làm tổn hao bất cứ chất dinh dưỡng. Và mặc dù có một số bằng chứng cho thấy ai uống sữa tươi có xu hướng ít bị dị ứng hơn nhưng khó khẳng định được đó là do công dụng của sữa. Ngoài ra, uống sữa tươi có thể nguy hiểm: chúng ta tiệt trùng sữa là để diệt các vi khuẩn gây ra các chứng bệnh nghiêm trọng như bệnh lao và bệnh E-coli. Vậy Cần có thêm bằng chứng thuyết phục thì mới cần lo lắng về việc sữa tiệt trùng gây tác hại.

Trứng


Sự e dè: Đau tim.

Sự thực: Trứng từng được cho là làm tăng cholesterol trong máu và do đó làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tim. Có lẽ điều này cũng đúng phần nào nhưng việc ăn đến bảy quả trứng một tuần dường như vô hại. Ngoài việc gây đầy bụng và táo bón thì trứng là món an toàn và là nguồn cung cấp protein quý giá.
Nước ngọt có gas

Sự e dè: Các chất tạo ngọt nhân tạo có thể góp phần gây ung thư.

Sự thực: Quá nhiều đường sẽ gây béo phì, tiểu đường và các bệnh về tim. Thế nhưng chất tạo ngọt nhân tạo mà ta bổ sung vào các món đồ uống "diet" nhằm làm giảm tác hại này.
Một cuộc nghiên cứu quy mô do Viện Ung bướu Quốc gia Hoa Kỳ thực hiện cho thấy không có tình trạng gia tăng ung thư não, bệnh phổi hay bệnh ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) ở những người dùng đường hóa học aspartame, tức chất tạo ngọt phổ biến nhất.

Như vậy, chất tạo ngọt nhân tạo có lẽ là thứ ít xấu hơn trong hai cái xấu - chúng có thể tạo ra một số nguy cơ nhưng vẫn an toàn hơn so với đường.

Khánh Phương (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét