- Một cách hiểu thành ngữ “Tai vách mạch dừng”

Hoàng Xuân Niên 
Cho đến giờ tôi vẫn không chắc chắn là mình hiểu đúng câu “Tai vách mạch dừng”.

“Tai vách” – một nửa của câu thành ngữ mà tất cả những ai biết tiếng Việt đều hiểu nghĩa cảnh báo nhắc nhở mọi người giữ gìn những điều thầm kín, riêng tư, những bí mật trong công việc, trong đời sống chính trị kinh tế xã hội, những ý tưởng mới trong nghiên cứu khoa học… khi trò chuyện trao đổi với người khác tránh để kẻ không nên biết nghe lén.

Ngoài ra còn ý khác là nhắc nhở người ta thận trọng khi phát ngôn, kẻo có người nghe được đem đi nơi khác, thêm mắm thêm muối, nói cho người khác nghe mà sinh chuyện chẳng lành. 

Thực ra bây giờ với công nghệ hiện đại, người nghe lén không cần áp sát tai vào vách vào tường vẫn có thể nghe được, thậm chí nhìn được. Nhỡn nhĩ ở cả trên tường trên trần, trên cây, dưới đất… cực kỳ khó biết, khó giữ … và vì thế lại càng phải thuộc nằm lòng câu “tai vách mạch dừng”. 

“Tai vách” thì rõ rồi, có thể hiểu ngay hoặc là gần như hiểu ngay được. Nhưng “mạch dừng”? Nếu chỉ nhắc nhở người khác thận trọng vì có thể bị nghe lén nghe trộm, bị lời mình nói gây tai hoạ thì chỉ cần một nửa câu thành ngữ là đủ. Thế nhưng vẫn còn một nửa câu: “mạch dừng” có vẻ như không cần thiết và chẳng ăn nhập gì với nửa trước của câu.

Có hai phiên bản khác của “tai vách mạch dừng” là “tai vách mạch rừng” và “tai vách mạch vừng”. Nhiều bài viết và cả từ điển đã “gỉải phẫu” hai phiên bản này. Có người dẫn Kiều: “Ở đây tai vách mạch dừng. Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi”. Nhưng vẫn không làm rõ được nghĩa của “mạch dừng” đứng liền sau “tai vách”.

Quả thật, nếu chỉ hàm ý cảnh giác mọi người cẩn thận giữ gìn những thông tin bí mật khi trò chuyện … thì chỉ cần “tai trên vách” hoặc “vách có tai” là đủ, không cần “mạch dừng. Vì thế, “tai vách, mạch dừng” có một cách hiểu không liên quan đến nội hàm của “tai vách” ở trên, mà “tai vách” và “mạch dừng” là hai thao tác khác nhau của cùng một công việc.

Đó là công việc của thợ làm nhà.
Ngày trước, hầu hết làng quê đều nhà tranh vách đất. Mặc dù chỉ làm nhà tranh vách đất nhưng một ngôi nhà 3 gian trở lên (những gia đình cẩn thận thì kể cả nhà bếp) thường vẫn phải có hai tốp thợ. Một tốp thợ nề, một tốp thợ mộc. Thợ mộc làm các loại việc về cây gỗ, tre dựng khung, cột kèo và mái nhà. Thợ nề làm nền, vách và lợp mái. Mỗi nhóm thợ đều có những câu thành ngữ đặc trưng cho công việc riêng biệt của họ, nhắc nhở họ phải theo đúng, không được làm khác.

Thợ mộc có câu: “Nhà nào sào nấy”. Bây giờ, câu này cũng được nói và hiểu với nội hàm khác nghĩa ban đầu. “Sào” trong câu này là “sào mực”. “Mực” không phải là mực viết hay mực tàu đánh dấu trên “sào mực” mà là thước đo, là chuẩn. “Sào mực” là một thanh tre dài, thường là nửa non của một cây tre đực, thẳng. Trên đó người thợ Cả sẽ đánh dấu những kích thước cơ bản của ngôi nhà (và cũng chỉ ông này mới đọc hiểu được những ký hiệu ấy). Đơn vị đo cơ bản nhất của sào mực là một gang tay của chủ nhà. Nếu chủ nhà là người thấp chiều dài của gang tay ngắn hơn chiều dài gang tay của người trung bình và người cao. Vì thế mọi kích thước trong ngôi nhà sẽ phù hợp với từng chủ nhà (có thể cả chi, họ) nên mới nói: nhà nào (chủ nhà nào) thì sào (kích thước) ấy. Nếu chủ nhà là nữ thì phải nhờ gang tay của anh trai trưởng hoặc người trưởng họ. Từ đó kích thước cơ bản, thợ Cả theo một công thức để tính tất cả những kích thước khác của ngôi nhà, có cộng trừ thêm bớt theo kinh nghiệm của từng thợ Cả giúp ngôi nhà có kích thước cát tường (giống như hiện giờ người ta sử dụng công thức “sinh lão bệnh tử” để đếm số bậc cầu thang hay số đòn tay nhà. Người viết bài này kiến thức nông cạn nên không bàn đúng sai của công thức trên. Chỉ nói: có thể sử dụng nhóm sao Trường sinh gồm 12 ngôi, trong đó có cả “sinh bệnh tử”, để tính số bậc cầu thang và đòn tay nhà, nhưng không phải nhà nào cũng bắt đầu đếm từ sao “trường sinh” mà tuỳ thuộc vào hình thái ngôi nhà. Nhà hình Mộc khởi đếm khác nhà hình Kim… (xin được nói kỹ vào dịp khác)”


Còn với thợ nề là câu: “tai vách mạch dừng” 

Nhà tranh (hoặc rạ) – vách đất có hai loại vách đất: một là vách đất đắp đất dày (có thể có cốt ở trong hoặc không) thường là nhà ở những vùng bán sơn địa đất đỏ hoặc đất sỏi cơm. Loại vách đất thứ hai là vách dứng. Vách dứng cũng là vách đất. Cách làm như sau: Đầu tiên là dừng vách. Dừng vách là buộc những thanh tre xếp theo chiều ngang và chiều dọc tạo thành các ô vuông hoặc chữ nhật có cạnh cao 10 cm, cạnh dài 10 hoặc 15 cm. Giao điểm của các thanh dọc và thanh ngang buộc chặt, kiểu chữ thập bằng lạt tre. Kích thước của một tấm dừng theo chiều ngang bằng khoảng cách giữa hai cột và chiều cao bằng khoảng cách từ nền lên đến đầu cột dựng vách (có thể cao hoặc thấp hơn một chút). Tấm dừng này được buộc chặt vào cột. Tất cả các ô theo theo một hàng ngang là mạch dừng theo chiều ngang, theo hàng dọc là mạch dừng theo chiều dọc (chữ mạch ta thường gặp trong các câu: làm một mạch, chạy một mạch, liền mạch, hoặc bắt mạch (người thợ dùng bay tô chỉnh lớp hồ vữa giữa hai lớp gạch hoặc đá ong liền nhau theo hàng ngang, khi xây tường gạch hoặc đá ong nhưng không tô trát …). Vật liệu làm dừng là thanh tre rộng 2 – 3cm hoặc cây trúc, trảy …. (họ tre trúc) đến tuổi thành thục có đường kính 1 – 1,5 cm.

Vách đã dừng xong. Điều không được phép quên là tạo tai cho vách. Tai vách là một đoạn tre có mặt cắt ngang hình vuông hoặc tròn thường cạnh hoặc đường kính 1cm, buộc vào tấm dừng tạo với thanh dọc một góc nghiêng 30 – 45 độ hướng vào phía trong nhà, dài chừng 10 – 15 cm sao cho sau khi vắt dứng đoạn tre lộ ra ngoài vách khoảng 5 – 7 cm. Đoạn tre đó lộ ra ngoài vách như những cái tai nên gọi là tai vách. Nếu quên tạo tai cho vách thì sau khi vắt dứng xong không thể tạo ra những đoạn tre (tai) trên vách như vậy nữa. Mà tai vách là bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà vách dứng. Tất cả những vật dụng hàng ngày như thúng mủng dần sàng nong nia quang gánh, quần áo, nón lá áo tơi, dây thừng … đều treo trên những chiếc “tai” trên vách này (ngày xưa chỉ nhà khá giả mới có tủ).

Sau khi dừng vách có đủ tai vách rồi bắt đầu vắt dứng. Thợ phụ trộn đất – nước (bùn) với rơm bằng cách rũ từng lớp rơm xuống đống đất đã trộn với nước và dùng chân dẫm lên gìm rơm vào đất, dùng bồ cào trộn đảo cho đều rơm và đất. Bốc rơm trộn đất vào thúng đem đến bên vách cho thợ chính vắt dứng. Vắt dứng là lấy từng nắm rơm trộn đất luồn vào các ô trên tấm dừng. Thợ chính ở bên trong tấm dừng, thợ phụ ngoài tấm dừng. Điều quan trọng khi vắt dứng là phải vắt theo từng hàng ngang (mạch dứng theo hàng ngang) từ dưới lên trên. Hết một hàng (một mạch) thì mới lên hàng (mạch) kế tiếp. Nếu không theo đúng mạch sẽ không biết được ô nào đã vắt rơm qua, ô nào chưa nên dễ bỏ sót và khi vắt xong bức vách sẽ có những ô không có rơm, khi vách khô lâu ngày sẽ lủng lỗ. Mà ngay khi đang vắt dứng phát hiện ra lỗi cũng khó luồn vắt rơm qua ô dứng bị lỗi vì rơm của các ô khác trùm lên. Vì vậy vắt dứng theo mạch của tấm dừng là thao tác kỹ thuật buộc phải tuân theo không được quên của thợ làm nhà vách dứng (vách đất có trộn rơm).

Tai vách mạch dừng chỉ đơn giản thế. 

Người viết bài này ngờ rằng “vách có tai” và “tai vách mạch dừng” lúc đầu là hai câu có nội hàm khác nhau. Về sau, nhà tranh vách đất không còn người ta không rõ nghĩa của “mạch dừng” nhưng quen nói và hiểu “tai vách” nên cứ thế nói liền “tai vách mạch dừng” mang nghĩa của câu “vách có tai”

Mấy lời nông cạn xin cao nhân đừng chấp.

—————-

Có người uyên bác viện tới Nguyễn Du và dẫn cả Kiều:

Ở đây tai vách mạch dừng

Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

Thế thì câu tục ngữ này có từ trước Nguyễn Du, mà Nguyển Du đã hiểu thế … hậu sinh biết nói thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét