- Những cách sử dụng Facebook phá hoại hạnh phúc gia đình

Mặc dù không ai phủ nhận được vai trò của Facebook trong việc kết nối mọi người dễ dàng hơn nhưng nó cũng đồng thời góp phần tạo nên khoảng cách giữa những người thân.

http://www.tienphong.vn/the-gioi/chong-chem-chet-vo-tai-nha-vi-suot-ngay-luot-facebook-956424.tpo

Lý do là khi mọi người kết nối qua Facebook, họ dễ dàng bị “mờ mắt” trước những “cám dỗ” và sa vào cạm bẫy ngoại tình, hay đơn giản là họ quá chú tâm vào thế giới “ảo” mà quên đi việc cần quan tâm tới vợ hoặc chồng con ở nhà. Vì thế, nếu bạn muốn bảo toàn cho hạnh phúc gia đình, đừng bao giờ sử dụng Facebook như 7 cách dưới đây:

1. Ngắm nhìn các cặp đôi khác khoe ảnh tình tứ trên Facebook

Facebook giống như một “vườn tình yêu” nơi các cặp đôi thi nhau thể hiện tình cảm ngọt ngào bằng các cử chỉ quan tâm hay lời lẽ yêu thương kiểu “Soái ca”. Nếu bạn cũng đang ở cùng “tầng mây thứ 9” với các cặp đôi này thì xin chúc mừng: Bạn đang sống những ngày hạnh phúc nhất trên Facebook.

Còn nếu bạn đang ở “vùng phủ sóng” của những âu lo đời thường và chuyện tình yêu không ngọt ngào như tiểu thuyết thì chắc chắn rằng những bài viết kiểu “ngôn tình trên Facebook” sẽ khiến bạn bực bội và khó chịu. Cảm giác này là hệ quả của việc so sánh và dĩ nhiên là nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới quan hệ giữa bạn và một nửa còn lại.

Theo Margaret Rutherford, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Fayetteville, Arkansas, Mỹ thì việc chú tâm vào các cặp đôi khác trên mạng xã hội hay một chương trình thực tế trên truyền hình sẽ chỉ khiến các cặp đôi dễ bị “rạn nứt” vì theo đuổi các hình tượng không thực tế và hời hợt. Vì thế, cách tốt nhất là bạn hãy thoát khỏi Facebook và đừng bao giờ tự biến mình thành nạn nhân của những câu chuyện “ngôn tình” như vậy.

2. Đăng tải quá nhiều về đời tư trên trang mạng xã hội
Ngay cả những thành viên tích cực trên Facebook cũng có thể trở thành “nạn nhân” của những cuộc cãi vã và bất hòa với vợ/chồng vì lý do thường xuyên đăng tải các hoạt động đời tư và cá nhân lên trang mạng xã hội.

Alexandra Solomon, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn “Brave, Deep, Intimate: 20 Lessons to Get You Ready for the Love of a Lifetime” chia sẻ về một trường hợp thực tế mà ông đã gặp: “Cô A là nhân viên rất chăm chỉ và nỗ lực tại công ty. Vào một ngày mùa xuân đẹp trời, sau khi bàn bạc cùng chồng, cô A quyết định cáo ốm xin nghỉ làm ở nhà để đưa con đi chơi vườn thú.

Mọi việc đều thuận lợi, buổi đi chơi cùng gia đình rất vui vẻ cho tới khi cô A vào Facebook và phát hiện ra chồng mình, anh B đã đăng tải hình chụp cả gia đình trước cửa vườn thú. Cô A rất tức giận và phẫn nộ với hành động của chồng; trong khi đó, anh B thì cảm thấy cô A đã phản ứng thái quá với việc đăng tải hình ảnh kỷ niệm của cả gia đình.

Thử phân tích sâu hơn khi đứng từ vị trí của mỗi người trong cuộc: Sẽ ra sao nếu anh B không đăng tải hình ảnh đó lên Facebook? Anh B sẽ cảm thấy thế nào nếu anh “tôn trọng” sự riêng tư của một ngày trọn vẹn dành cho gia đình và không đăng tải bất cứ điều gì, không nhấn nút “Like” và không “Comment” những sự kiện kiểu như vậy của gia đình? Còn với chị A, hành động phản ứng thái quá là bởi chị sợ hình ảnh được đăng tải sẽ làm “lộ” việc chị gian dối khi xin nghỉ.

Sâu xa hơn, chị A vốn “kỵ” với cách sử dụng mạng xã hội để “khoe” chuyện gia đình. Rõ ràng là hai vợ chồng đang có quan điểm và cách sử dụng mạng xã hội hoàn toàn khác nhau”. Vì thế, bài học rút ra là trước khi bạn đăng tải bất cứ điều gì về đời tư, liên quan tới vợ/chồng bạn, hãy hỏi ý kiến của “đối phương” và chỉ đăng tải khi cả hai đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái với điều đó.

3. Liên tục cập nhật tin tức mới từ Facebook thay vì cập nhật tình trạng của “đối phương”
Một tình trạng phổ biến khác của các cặp đôi là một trong hai người thường xuyên lướt Facebook thay vì hỏi han và quan tâm tới một nửa còn lại khi cả hai dành thời gian riêng ở bên nhau.

Jennifer Twardowski, một chuyên gia tư vấn về các mối quan hệ cho biết bà gặp phải rất nhiều khách hàng “than thở” về điều này: Họ cảm thấy bị lạc lõng, thậm chí là bị bỏ rơi khi mà “đối phương” liên tục cập nhật tin tức từ Facebook và có vẻ quên luôn “một nửa còn lại” đang ngồi ngay kế bên.

Giải pháp là hãy thẳng thắn và trao đổi trực tiếp vấn đề để “nửa còn lại” hiểu rõ cảm xúc của bạn, thay đổi cách cư xử phù hợp hơn và không khiến bạn cảm thấy bị “bỏ rơi” nữa. Đừng bao giờ “chẹp miệng” bỏ qua bởi về lâu dài tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn bạn tưởng.

Việc cởi mở trao đổi không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của cả hai, mà ngược lại, giúp thu hẹp khoảng cách và thay đổi không khí mỗi khi cả hai dành thời gian bên nhau.

4. Người thân và bạn bè vẫn duy trì việc tương tác với “người cũ”
Alexandra Solomon chia sẻ về một tình trạng khá mới của các cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” bị khó xử do sự xuất hiện của Facebook. Chuyện là hai vợ chồng A và B đã kết hôn và sống chung được 10 năm thì ly dị; sau đó chồng B lấy vợ mới là C.

Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình của B cũng như bạn bè của anh vẫn kết bạn với cô A, vợ cũ của anh trên Facebook và thường xuyên tương tác với A trên trang mạng xã hội này. Điều này làm vợ mới C không hề thoải mái chút nào, thậm chí còn khiến cô cảm thấy bức bối và bị cô lập với gia đình nhà chồng.

Cô có cảm giác A vẫn là người vợ, người con dâu của nhà chồng, còn cô là người xa lạ. Anh B hiểu điều này và cố gắng an ủi vợ mới rằng A đã ở với gia đình anh trong nhiều năm nên việc mọi người vẫn tương tác với nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, C luôn có cảm giác bất an và thậm chí là hoài nghi về mối quan hệ của chồng với vợ cũ.

Mọi chuyện trở nên căng thẳng và buộc B phải “tác động” tới các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè về việc tương tác với A trên Facebook. Tuy nhiên, yêu cầu của anh B đã vấp phải một số ý kiến trái chiều và thậm chí, một số thấy khó chịu.

Rõ ràng, tình huống này rất nhạy cảm và cần giải quyết một cách tinh tế. Và theo Alexandra, anh A nên thu xếp một buổi gặp để mọi người cùng ngồi lại, nói chuyện một cách nghiêm túc và chia sẻ về cảm giác của bản thân. Cách chia sẻ trực tiếp này chắc chắn hiệu quả và rõ ràng hơn là việc hủy kết bạn hoặc bỏ theo dõi trên Facebook, vốn là các hoạt động “ảo” nhưng lại ảnh hưởng tới đời “thực”.

5. Làm bạn với “tình cũ” trên Facebook

Các cụ xưa có câu “Tình cũ không rủ cũng tới” và ngày nay điều này vẫn rất đúng, đặc biệt là khi có quá nhiều trang mạng xã hội là “địa bàn” để tình cũ hoạt động “ngầm”. Nhà nghiên cứu John M.Grohol, đồng thời là nhà sáng lập và CEO của chuyên trang PsychCentral.com kể về một trường hợp của khách hàng như sau: Cô A đã kết hôn được 8 năm và có cuộc hôn nhân rất viên mãn. Một ngày nọ, cô A nhận được yêu cầu kết bạn trên Facebook từ người yêu cũ là anh B.

Ban đầu, cô A nghĩ việc làm bạn trên Facebook với anh B cũng chẳng hại, đơn giản là cô cũng muốn xem cuộc sống hiện tại của anh B và đôi khi nói chuyện cũng không sao. Mọi việc ban đầu diễn ra đúng như suy nghĩ của cô A; nhưng kể từ khi cô A nhắn tin và chat nhiều hơn với anh B, cô bắt đầu có cảm giác đặc biệt. Hai người bắt đầu vượt qua mức bạn bè thông thường và nói chuyện tình cảm hơn. Việc nhắn tin và chuyện trò bí mật với tình cũ khiến cô có những cảm giác rất khác lạ và thú vị hơn hẳn những cảm xúc ổn định của cuộc sống hôn nhân ngày thường.

Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi cô A và anh B quyết định hẹn gặp nhau ở ngoài Facebook. Ban đầu, họ chỉ hẹn nhau đi uống nước nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cô A đã vượt qua ranh giới bạn bè và “ngoại tình” cùng anh B. Khi mọi sự đã rồi, cô A cảm thấy vô cùng tội lỗi với chồng và xấu hổ về những điều đã xảy ra. Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, khi cả hai tiếp tục chat trên Facebook, họ lại hẹn hò cho lần gặp tiếp theo.

Mỗi lần hẹn gặp anh B ở ngoài, cô đều cảm thấy tội lỗi hơn nhưng mọi việc cứ lặp lại cho đến khi chồng cô A phát hiện ra việc cô ngoại tình. Cả hai vợ chồng cô đã phải ngồi lại và nói chuyện rất lâu về cách xử lý cũng như những dự định lâu dài hơn nếu họ vẫn còn đi tiếp với nhau.

Theo ông John M.Grohol, bài học rút ra ở đây là khi bạn đã có gia đình thì điều quan trọng là phải giữ tương tác liên tục cùng vợ/chồng và hạn chế tối đa các phương tiện nhắn tin, mạng xã hội với người khác giới, đặc biệt là “tình cũ” (nếu không cần thiết). Điều đó giúp bạn tránh xa những “cảm giác lạ” và không bị rơi vào “cạm bẫy” ngoại tình.

6. Facebook khiến mọi sự giống như “Gương đã vỡ thì khó lành”
Theo chia sẻ từ các “nạn nhân” bị vợ/chồng phản bội, họ cảm thấy khó lòng tin tưởng đối phương như trước. Lý do là bởi mỗi khi vợ/chồng, người đã từng phản bội họ sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook để kết nối, họ lại cảm thấy hoài nghi, tổn thương và thậm chí bị gợi lại về những “mảng đen” quá khứ phải quên đi. Điều này vô tình tạo nên “hố sâu” ngăn cách giữa vợ chồng ngay cả khi một nửa đang cố hàn gắn và bù đắp cho những lỗi lầm đã gây ra.

7. Thói quen xấu: Lướt Facebook trước giờ đi ngủ
Theo nhà tâm lý học Alicia H.Clark, với những cặp vợ chồng thì thói quen lướt Facebook trước giờ đi ngủ gây ra rất nhiều hệ quả xấu mà họ không hề lường hết được. Thay vì dành thời gian cuối cùng của ngày để đối thoại, bày tỏ sự quan tâm hay âu yếm nửa còn lại, vợ hoặc chồng lại chú tâm vào màn hình điện thoại và dồn hết tâm trí cho các tin tức mới trên Facebook cho đến khi buồn ngủ.

Điều này về lâu dài sẽ tạo khoảng cách lớn giữa vợ chồng. Vì thế, ngay từ bây giờ, hãy từ bỏ thói quen xấu trên và tạo một quy định nho nhỏ: Chiếc giường của hai vợ chồng là khu vực “cấm các thiết bị thông minh”. Thay vào đó, cả hai cùng dành một tiếng trước khi đi ngủ để đối thoại, hỏi han hay âu yếm nhau; chắc chắn điều này sẽ gắn kết tình cảm của hai vợ chồng bền chặt hơn.


Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét