- Khi nào tiền mặt sẽ thành ‘vàng mã’?

tienluong

 Một ngày hè nóng nực vào năm 2025. Bạn sắp xong một buổi họp dài. Một vài đồng nghiệp dự họp từ nhà riêng; họ được chiếu hình ảnh ba chiều gương mặt, dáng người lên chiếc ghế tại bàn họp.

Bởi bạn tới văn phòng, bạn được đãi những món ăn nhẹ rất ngon, như bánh mỳ với xúc xích thái lát mỏng, và nho tươi.

Sau đó, bạn bước ra ngoài hít thở khí trời và uống một chút cà phê. Trên đường, xe cộ đang tự lái. Một số người có võng mạc ghép được kết nối với Internet vừa bước đi vừa xem các thông tin chứng khoán.

Bạn gọi một cốc cà phê sữa đậu nành – loại sữa duy nhất mà mọi người vẫn còn đủ khả năng tài chính để mua sau sự sụp đổ của ngành công nghiệp sữa. Bạn thò tay vào ví lấy ra một số tờ tiền gấp lại và hơi bị nhăn nhúm ở ngoài rìa, vuốt chúng cho thẳng lại rồi nhét vào khe nhận tiền của robot phục vụ cà phê.
Khoan đã. Tiền bị nhăn là sao? Chẳng phải là sẽ không còn ai dùng tiền mặt trong vòng 10 năm nữa đấy chứ?


Lý do cần tiền mặt

Không hẳn vậy.
Người ta đã nói về ngày tàn của tiền mặt từ gần 60 năm nay rồi. Với sự ra đời của thẻ tín dụng, các hình thức thanh toán contactless (không cần chạm trực tiếp vào thẻ) và tiền mã hóa như Bitcoin thì hồi chuông báo tử của tiền giấy trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Có thể không lâu nữa tiền giấy sẽ trở thành quá khứ.
Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ hơn các bằng chứng và mối quan hệ tâm lý thú vị giữa con người và tiền mặt thì bạn sẽ nhận ra rằng còn hơi sớm để dự đoán rằng tiền mặt sẽ biến mất.

Tiền mặt đã tồn tại cùng với loài người trong hàng ngàn năm qua là có lý do của nó.
Tiền mặt thì không thể truy ra được nguồn gốc, dễ mang theo, được chấp nhận rộng rãi và đáng tin cậy.

Nếu mất điện hay xảy ra sự cố gì đó trong hệ thống điện tử khiến cho giao dịch qua mạng phải chuyển hướng thì vẫn còn có tiền mặt.

Nếu có ai đó muốn mua thứ gì mà không bị ai truy ra mình thì tiền mặt là phương thức thanh toán an toàn.

Nếu ai đó muốn chắc rằng khoản thanh toán của họ sẽ được chấp nhận thì tiền mặt là cách tốt nhất.

Ngay cả khi công nghệ đã tiến bộ thì một số đặc tính của tiền mặt vẫn không thể nào tạo ra được.

Đơn giản là vì không có phương thức thanh toán thay thế nào lại tiện lợi, đáng tin cậy và kín đáo, ẩn danh như vậy.

Bitcoin cũng là một hình thức thanh toán phi danh tính nhưng hiện nay lại không ổn định và không thuận tiện.

Thẻ tín dụng và thẻ debit được chấp nhận rộng rãi nhưng ngay lập tức bạn mua gì thì hệ thống sẽ biết ngay. Các hình thức thanh toán như Paypal hay Venmo cần phải có tài khoản và vẫn có thể truy ra dễ dàng.

Rồi còn vấn đề về uy tín toàn cầu nữa. Chẳng hạn như trường hợp đồng đô la Mỹ, tờ tiền giấy này có giá trị vượt biên giới Hoa Kỳ; hai phần ba lượng tích trữ đô la Mỹ là ở bên ngoài nước Mỹ. Mọi người giữ tiền phòng trường hợp khẩn cấp để đảm bảo rằng cho dù có việc gì xảy ra thì họ vẫn có cọc tiền để sẵn.

Vẫn rất phổ biến

Công nghệ đang tìm cách tạo ra một hệ thống có toàn bộ các đặc điểm của tiền mặt, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thành công.

Đó là lý do tại sao khi chúng ta nhìn vào các số liệu thống kê về thanh toán tiền mặt trên thế giới thì tiền giấy và tiền xu vẫn được sử dụng phổ biến.

Khó mà đưa ra một con số có bao nhiêu tiền mặt được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới.
Một trong những đặc tính then chốt của tiền mặt là khó truy ra được. Tuy nhiên vẫn có dữ liệu giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát.

Cách đầu tiên để ước đoán lượng tiền mặt sử dụng và tính xem có bao nhiêu tiền mặt đang lưu thông.

Cách này sẽ cho chúng ta thấy rằng tiền mặt còn lâu mới biến mất.

Ở Mỹ, lượng tiền mặt lưu thông tăng 42% trong khoảng thời gian từ 2007 cho đến 2012 và lượng đô la Mỹ lưu thông trên thị trường được dự đoán sẽ tăng thêm 5% mỗi năm.

Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trên toàn thế giới là 7%, theo Eric Ziegler, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ An ninh thuộc Crane Currency vốn chuyên sản xuất tiền giấy, cho biết.

Tuy nhiên, những con số này lại không đồng nhất với việc có bao nhiêu tiền mặt thật sự đang được trao tay trong các giao dịch hàng ngày.

“Không ai có cách đi vào nền kinh tế và tính toán xem có bao nhiêu tiền mặt đang được sử dụng và giá trị của chúng,” ông Daniel Wilson, một kinh tế gia tại Ngân hàng dự trữ Liên bang San Francisco, nói. “Chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu giao dịch tiền mặt đang xảy ra vào một ngày nhất định.”

Để hiểu được dòng tiền luân chuyển ra sao, các nhà kinh tế đã tạo ra các mô hình và tiến hành các cuộc khảo sát.

Chẳng hạn như ở Hà Lan, kinh tế gia Nicole Jonker và nhóm của bà tại Ngân hàng Quốc gia đã tiến hành một nghiên cứu gọi là nghiên cứu nhật ký.
Họ yêu cầu những người tham gia nghiên cứu ghi lại chi tiết các khoản chi tiêu hay nhận được trong ngày bằng cả hình thức tiền mặt và không phải tiền mặt.
Từ đó, Jonker và các cộng sự đã phác thảo ra bức tranh về cách người dân Hà Lan mua sắm hàng hóa.

Các nước phương Tây

Hà Lan là một trường hợp thú vị để nghiên cứu về các hình thức thanh toán, bởi ngành bán lẻ nước này gần đây đã cổ suý mạnh cho việc thanh toán bằng thẻ.
Hiện nay có đến 1.400 siêu thị ở đất nước này không chấp nhận tiền mặt nữa. Do đó, tỷ lệ thanh toán bằng thẻ ở Hà Lan đã tăng khoảng 8% mỗi năm trong vòng vài năm qua. Ấy vậy mà, tiền mặt vẫn là vua.

Hồi năm 2012, số lượt thanh toán bằng thẻ là 2,7 tỷ trong lúc ước tính có đến 3,5 cho đến 4 tỷ lượt thanh toán bằng tiền mặt.

“Ngay cả ở những siêu thị vốn chấp nhận tất cả các loại thẻ debit thì tiền mặt vẫn còn được sử dụng rất nhiều,” Jonker cho biết. “Vào lúc này chúng tôi nghĩ rằng tiền mặt vẫn tiếp tục có vai trò quan trọng.”

Các nghiên cứu ở các quốc gia khác cũng cho kết quả tương tự.

Ở Anh, phân nửa các giao dịch của khách hàng hồi năm 2013 là bằng tiền mặt, theo một báo cáo của Hội đồng Thanh toán Anh quốc. “Dự đoán là con số này sẽ giảm xuống dưới 50% vào năm 2016 nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy là tiền mặt sẽ biến mất,” báo cáo viết.

Một nghiên cứu tập hợp các khảo sát giống như của kinh tế gia Jonker ở nhiều nước trên thế giới cho thấy ở bảy quốc gia bao gồm Úc, Áo, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan và Hoa Kỳ, có từ 46 cho đến 82% trong tổng số các giao dịch hồi năm 2012 là bằng tiền mặt.

Ngay cả ở những nước vốn thường được cho là những nước tiên phong trong việc thanh toán không cần tiền mặt như Thụy Điển và Đan Mạch thì tiền giấy và tiền xu vẫn không thật sự biến mất.

Hồi tháng Sáu 2015, trên báo chí có nhiều dòng tít như Đan Mạch sẽ không còn dùng tiền mặt vào năm 2016. Còn lâu mới có chuyện đó, ông Rene Thomsen, một quản lý tại Hiệp hội các Ngân hàng Đan Mạch, nói.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng tôi không dùng tiền mặt nữa trong vòng từ 10 đến 15 năm tới,” ông nói. “Thật khó mà tưởng tượng ra rằng trong vòng từ 10 đến 15 năm nữa bạn sẽ không thể đến ngân hàng và nói rằng tôi muốn rút 1.000 đô la bằng tiền mặt.”

Mối quan hệ kỳ lạ

Có lẽ tiền mặt có một sức mạnh gì đó trong mối quan hệ giữa con người với nó. Mọi người xem trọng tiền mặt theo cách khác với tiền điện tử dù cả hai đều có giá trị y như nhau.

Nhà tâm lý học Eric Uhlmann thuộc Trường Quản lý Paris đã thực hiện một số nghiên cứu về việc con người suy nghĩ khác nhau như thế nào về các dạng tiền khác nhau.

“Tôi quan tâm đến trực giác và sự bất hợp lý trong suy nghĩ của con người,” ông nói. “Có cảm giác phi lý là nếu tiền sờ nắm được thì cũng có nghĩa là số tiền đó là của bạn nhiều hơn và bạn sẽ có cảm giác rằng bạn sở hữu nó nhiều hơn.”
Uhlmann đã thí nghiệm bằng cách đưa ra các kịch bản khác nhau cho những người tham gia.

Họ được kể một câu chuyện về Ted và Donna như sau: 40 năm trước, cụ cố của Ted đã trộm 1.000 đô la số tiền của cụ cố Donna. Về sau Ted được thừa hưởng món tiền này. Một kịch bản cho rằng Ted được thừa hưởng số tiền mặt – đó là xấp tiền trong một cái hộp mà cụ cố của anh ta để lại. Trong một kịch bản khác, cụ cố của Ted đã gửi số tiền trên vào trương mục mang tên anh. Khi Donna phát hiện ra rằng Ted đang giữ số tiền trên, cô đã đòi lại.

Những người tham gia được hỏi liệu Ted có nên trả lại tiền cho Donna hay không. Những người nghe phiên bản kể về Ted sở hữu tiền thật tỏ ra rõ rệt hơn trong việc muốn trả lời rằng anh ta phải trả tiền lại cho Donna trong khi những người nghe kể rằng tiền được giữ trong trương mục của Ted chứ không phải cất trong một cái hộp có khuynh hướng trả lời rằng Ted không giữ số tiền giống như đã bị đánh cắp và không hào hứng với việc muốn Ted trả lại số tiền đó.
Kiểu suy nghĩ như thế này không chỉ xảy ra với số tiền trong hộp mà còn trong vấn đề trộm cắp và công lý. Một nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng mọi người cảm thấy bớt tiêu cực hơn về việc trộm cắp không phải đồ vật thật so với trộm cắp đồ vật thật.

Khác biệt trong cảm nhận

“Nếu ngân hàng trừ tiền từ tài khoản của bạn thì bạn vẫn có cảm giác bị mất tiền,” Uhlman nói. Nhưng khi số tiền trong tài khoản và số tiền thật là như nhau thì có sự khác biệt rõ ràng về cái cách mà chúng ta cảm nhận giữa hai loại tiền này. “Điều này cho thấy điều gì đấy rất thú vị về suy nghĩ của con người,” ông nói.

Liệu điều này có nghĩa là chúng ta sẽ chống lại việc từ bỏ tiền mặt hoàn toàn hay không? Có một số bằng chứng cho thấy điều đó.

Ở Mỹ, việc vận động không dùng những đồng tiền xu có mệnh giá nhỏ nhất đã phản tác dụng, tuy trị giá những đồng xu đó ít hơn rất nhiều so với chi phí dùng để sản xuất ra chúng.

Ở Úc, cuộc thảo luận về việc từ bỏ đồng năm xu khiến phát sinh quan ngại về việc mất thu nhập của các quỹ từ thiện vốn nhận nhiều tiền lẻ cũng như phản ứng mạnh mẽ bởi người tiêu dùng lo là giá cả sẽ được làm tròn số, đắt lên.
Lịch sử cũng cho thấy rằng chúng ta có cảm giác an ninh và an toàn hơn về tiền mặt mà tiền ảo không thể bì được. Khi khủng hoảng tài chính nổ ra thì mọi 

người vẫn muốn có tiền mặt trong tay hơn là cất giữ trong tài khoản ngân hàng.
Có thể một số nước phát triển ở phương Tây như Mỹ lại gắn bó với tiền mặt hơn ở những nơi khác.

“Các nền văn hóa khác nhau có sự gắn bó khác nhau với đồng tiền của họ,” ông Nicolas Christin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, nói, “và ở Mỹ có sự gắn bó rất mạnh”.

Theo Christin thì điều này là do đồng đô la Mỹ tương đối ổn định trong khi các nước khác đều đã trải qua những giai đoạn bùng nổ rồi sụp đổ trong giá trị đồng tiền của họ. Điều này có thể đã làm cho người Mỹ gắn bó và tin tưởng về đồng tiền của họ hơn người dân ở các nước khác.

Nước đi tiên phong

Trong khi mọi người nói về tương lai của công nghệ vẫn tập trung vào Mỹ và châu Âu, thì một số những sáng tạo đáng chú ý nhất về phương tiện thanh toán lại không đến từ những nơi này.
Liệu sẽ đến lúc tiền mặt chỉ còn xuất hiện trong các viện bảo tàng?
Ở một số quốc gia đang phát triển, tiền mặt đang được nhanh chóng thay thế bằng phương thức thanh toán kỹ thuật số dựa trên điện thoại di động.

Trong khi ở Mỹ, bạn có thể vẫn cần phải dùng tiền mặt để mua một cốc cà phê vào năm 2025 thì ở Kenya mọi chuyện có thể hoàn toàn khác.

Vào năm 2007, người dân Kenya bắt đầu sử dụng một hệ thống thanh toán có tên gọi là M-Pesa và ngày nay nó đang được 17 triệu người dân nước này sử dụng, tức hơn hai phần ba số dân cư trưởng thành.

Người sử dụng nạp tiền vào tài khoản và chuyển tiền bằng cách gửi tin nhắn. Người nhận tin nhắn sẽ cầm điện thoại đến người bán hàng để nhận tiền. Không cần vai trò của ngân hàng.

“Kenya có công nghệ thanh toán di động tốt hơn bất kỳ nước nào khác,” ông Benjamin Mazzotta, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts, nói.

“M-Pesa giờ đây được chấp nhận không chỉ cho những giao dịch lớn mà còn dùng để trả tiền cho các bữa ăn và chi trả học phí. Ngày nay bạn có thể làm được rất nhiều thứ với M-Pesa mà khoảng năm hay mười năm trước đây điều này có vẻ như là không tưởng.”

Tuy nhiên, ở những nơi như Hoa Kỳ và châu Âu thì hệ thống như M-Pesa sẽ cần có thời gian mới bắt kịp được về mặt kỹ thuật.

Hệ thống này thành công phần lớn là nhờ vào việc nó do Safaricon, mạng điện thoại di động lớn nhất Kenya tính đến thời điểm hiện tại, điều hành.

Tại các quốc gia khác, thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhiều, với sự hoạt động của nhiều hãng điện thoại di động khác nhau, khiến cho việc phối hợp thực hiện các giao dịch sẽ trở nên khó khăn, bất tiện hơn.

Cũng nên lưu ý là M-Pesa là hệ thống nhằm lưu chuyển tiền mặt tới các nơi chứ không nhằm loại bỏ tiền mặt. Người dùng vẫn phải đưa tiền mặt cho các cửa hàng có dịch vụ M-Pesa để nạp tiền vào tài khoản và tới đó rút các khoản tiền mà người khác thanh toán cho mình.

THEO BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét