- Trong chuyến thăm đồng minh Iran ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ không kích Syria cho tới khi nào tiêu diệt hết những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom một máy bay của Nga tại Ai Cập hồi tháng 10, làm 224 người thiệt mạng.
Cùng ngày, trong chuyến thăm vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington có thể hợp tác với Nga tại Syria khi có “bối cảnh thích hợp” và “triển vọng mang tính xây dựng”. Những tuyên bố từ phía Nga và Mỹ cho thấy phương Tây không thể mãi quay lưng lại với nước Nga đang khẳng định lại vị thế trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa: AP
Trung Đông là phạm vi rộng hơn châu Á-Thái Bình Dương để Nga khẳng định sức mạnh toàn cầu của mình. Ở Trung Đông, Nga có đông đảo đối tác và bè bạn chiến lược. Iran và Syria đứng đầu danh sách các đối tác chiến lược của Nga trong khu vực. Trong khi đó, châu Á-Thái Bình Dương bị bao trùm bởi những cuộc tranh giành quyền lực Mỹ-Trung, Trung-Nhật và hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á.
Quan trọng hơn, Trung Đông là khu vực mà các sáng kiến địa chính trị và chiến lược của Nga không bị hạn chế, bởi không mâu thuẫn với các sáng kiến chiến lược với Trung Quốc.
Do đó, chiến lược xoay trục mạnh mẽ của Nga về Trung Đông tạo thuận lợi để hiện thực hóa chính sách đối ngoại của Putin với mục tiêu trở thành trung tâm quyền lực độc lập của thế giới.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã giúp đảm bảo các lợi ích chiến lược để Nga tăng cường vị thế với vai trò “nhân tố được tính đến” trong các vấn đề ở Trung Đông.
Với cuộc can thiệp táo bạo này, Nga đã phá vỡ sự cô lập mà Mỹ và NATO tạo ra sau vụ Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào Ukraine.
Dưới sự yểm trợ của các cuộc không kích của Nga, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad đã tiêu diệt được nhiều mục tiêu IS và liên tiếp giành lại các phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Dường như tại Trung Đông, Nga đang đẩy Mỹ và NATO vào “chân tường”, và buộc họ thừa nhận Nga không thể bị gạt ra ngoài lề tại đây.
Không ngoa khi nói rằng Nga đã trở thành nhân tố chính trong cuộc xung đột và là một bên chịu trách nhiệm chính để đảm bảo một giải pháp chính trị cuối cùng, có thể được các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Hơn một năm trước, một liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu đã được thành lập nhưng chưa đem lại kết quả đáng kể nào. Sau những gì xảy ra tại Paris hôm 13/11 và vụ máy bay Nga bị đánh bom tại Ai Cập, IS đã biến cuộc nội chiến tại Syria thành một cuộc xung đột toàn cầu. Và Putin đang vững chãi đứng ở đầu chiến tuyến chống IS, cùng liên minh với Syria, Iran và Iraq.
Tổng thống Nga, tại hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, một lần nữa chủ động chìa tay với Mỹ, khẳng định thế giới chỉ có thể chống IS hiệu quả nếu liên kết lại với nhau.
Trước đó, ông từng tuyên bố sẵn sàng bắt tay với Mỹ trong cuộc chiến chống IS, nhưng bị cự tuyệt. Trong bối cảnh cục diện thay đổi sau sự can thiệp của Nga vừa qua, Mỹ có lẽ khó lòng từ chối.
Logic đằng sau sự cởi mở của Putin rất rõ: Nga đã đạt được mục tiêu của mình tại Ukraine (một cuộc xung đột bị “đóng băng” cho phép Điện Kremlin duy trì ảnh hưởng lên nền chính trị quốc gia láng giềng này), mục tiêu tiếp theo là thuyết phục phương Tây dỡ bỏ trừng phạt để phát triển kinh tế nước nhà.
Rõ ràng, vụ tấn công Paris hôm 13/11 đã tạo cơ hội cho Putin chứng minh rằng, chiến dịch quân sự Nga tại Syria chính là “vì phương Tây”. “Ông có chân giò, bà thò chai rượu”, phương Tây khó mà bỏ qua những gì nước Nga của ông Putin đã làm.
Khi đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng (khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng Ukraine), Nga đột ngột thay đổi quỹ đạo hành động ngoại giao, tách ra khỏi Đông Âu, mạnh dạn chống khủng bố ở Trung Đông, đã giúp môi trường đối ngoại của Nga có sự thay đổi, thúc đẩy thành công đàm phán và đối thoại giữa Nga với phương Tây.
Không thể phủ nhận, cuộc không kích Syria đã trở thành nước cờ thông minh trong quan hệ đối ngoại của Nga.
Đức Đan
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/275778/nuoc-co-thong-minh-cua-putin.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét