- Những bí ẩn lịch sử về công chúa Ngọc Hân

Công chúa Ngọc Hân có thật sự yêu vua Quang Trung? 

Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung (Lý Hùng và Thùy Lâm thủ vai) trong phim Tây Sơn hào kiệt. Ảnh minh họa.Công chúa Ngọc Hân là một nhân vật lịch sử được hậu thế ngưỡng mộ. Điều này được thể hiện qua việc nhiều con đường, nhiều ngôi trường mang tên công chúa nhà Lê.


Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều giai thoại khác về hoàng hậu của Quang Trung khiến người đời sau bán tín bán nghi. Trong khuôn khổ bài báo tới đây, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ các nghi án lịch sử theo cách khách quan nhất.

Có nhiều giai thoại nói rằng công chúa Ngọc Hân không hề yêu Nguyễn Huệ (cách gọi vua Quang Trung trước khi lên ngôi) và mối tình của họ chỉ là dàn xếp chính trị giữa triều Lê và Tây Sơn. Chuyện này thì ban đầu đúng là có thật.

Khi Nguyễn Huệ vâng lệnh vua anh là Nguyễn Nhạc ra Thăng Long dẹp loạn thì Nguyễn Hữu Chỉnh mới bày kế kết hôn để tạo niềm tin giữa nhà Lê và Tây Sơn. Trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái có chép:

“Nguyên trong số những người con gái đẻ sau của hoàng thượng, còn có đến năm, sáu nàng công chúa chưa chồng. Nhưng chỉ riêng có một nàng tên chữ gọi Ngọc Hân, là người có sắc đẹp và nết na hơn cả. Hoàng thượng rất yêu quí Ngọc Hân, thường ngày vẫn nói: "Con bé này ngày sau nên gả làm vương phi, không nên gả cho hạng phò mã tầm thường!"

Lúc ấy nghe lời Chỉnh nói, hoàng thượng trong bụng cũng ưng, bèn bảo Chỉnh:
- Con gái chưa chồng của trẫm còn nhiều, nhưng chỉ có mình Ngọc Hân là có chút nhan sắc. Tuy vậy, thói thường yêu con vẫn hay thiên lệch, chưa biết ở mắt người ngoài thì ra sao. Ngươi hãy ở đây, để trẫm đòi cả ra cho mà coi qua, rồi tuỳ người lựa xem người nào xứng đáng thì giúp cho thành việc đi!

....Ngắm dung nhan các công chúa xong, Chỉnh về nói với Bình (tức Nguyễn Huệ):
- Hiện hoàng thượng có nàng công chúa thứ chín, tuổi vừa đôi tám, xin cho nương bóng nhà sau, hầu hạ khăn lược, để cho hai nước thành thông gia, đời đời hoà hiếu với nhau.

Bình nói đùa rằng:
- Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?”

Lúc đó, Nguyễn Huệ đã 33, đã có chính thất họ Phạm ở miền trong còn Ngọc Hân mới 16 tuổi. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng công chúa Ngọc Hân không hề yêu Nguyễn Huệ mà phải miễn cưỡng chấp nhận cuộc hôn nhân do vua cha sắp đặt vì sự tồn vong của triều Lê. 

Thật ra đây chỉ là quan điểm bị ảnh hưởng từ thời nhà Nguyễn vốn coi Tây Sơn là giặc.

Trên thực tế, con gái hoàng thất khi đó sống trong khuê phòng (thời Lê thì Nho giáo đã ảnh hưởng rất sâu) chỉ luôn ao ước có được một người chồng anh hùng mã thượng. Do đó, không thể nói Ngọc Hân buồn bã, miễn cưỡng khi kết hôn với Nguyễn Huệ.

Nói về tâm đầu ý hợp giữa hai vợ chồng Nguyễn Huệ - Ngọc Hân thì Hoàng Lê nhất thống chícũng chép mấy đoạn. Chẳng hạn sau khi làm lễ nghênh hôn: 

“Công chúa lúc mới về còn có vẻ bẽn lẽn e thẹn, nhưng sau rồi cũng quen. Hôm vào làm lễ yết các vị tiên hoàng đế ở nhà Thái Miếu, Bình và công chúa gióng kiệu cùng đi, lúc lễ xong lại gióng kiệu cùng về.

Bình vốn có tính kiêu căng, chợt hỏi công chúa:
- Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng?
Công chúa đáp:
- Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó. Chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công (tiếng gọi tôn trọng, chỉ Nguyễn Bình), ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi!
Bình nghe câu ấy, thích thú lắm”.

Hay đoạn Nguyễn Huệ lo xong tang chế cho vua Lê Hiển Tông (cha của Ngọc Hân), có ghi:

“Bình bảo công chúa:
- Tiên đế có hơn ba mươi người con trai, ngày nay báo hiếu lại chỉ ở một người con gái, nào có ai giúp đỡ cho được mảy may? Người xưa thường bảo "Con gái làm rạng rỡ cho nhà cửa", quả cũng đúng thật!

Công chúa cảm tạ và nói:
- Nhờ công đức của thượng công, thiếp được báo hiếu với hoàng khảo, mở mặt với anh chị em. Tục ngữ vẫn nói: "Trai không ăn mày vợ, gái phải ăn mày chồng", chính là như thế đó!
Bình nghe nói, thích lắm”.

Như vậy, chỉ trong có một hồi của Hoàng Lê nhất thống chí mà Ngô gia văn phái đã 2 lần tả “Bình nghe công chúa nói, thích thú lắm”. Như vậy là đủ thấy trong mắt của văn sĩ thân Lê thời đó thì công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ rất tâm đầu ý hợp rồi.

Tất nhiên, chỉ dựa vào mô tả ước lệ trong riêng Hoàng lê nhất thống chí thì chưa thể nói hết tình cảm của Ngọc Hân công chúa cho Nguyễn Huệ. Rất may, vẫn còn những áng văn thơ khác của chính công chúa Ngọc Hân làm sáng tỏ chuyện này.


Nói về sự ân cần của Nguyễn Huệ dành cho công chúa Ngọc Hân thì ngoài chi tiết trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép còn có cả trong sử.

Chẳng hạn năm 1787, khi sứ bộ Trần Công Xán (đại diện cho triều Lê) vào Phú Xuân đòi lại đất Nghệ An (đang do Tây Sơn kiểm soát), tuy không được nhưng lúc tiễn về, Nguyễn Huệ đem tặng một trăm nén bạc và bảo: - Đây là quà công chúa gửi tặng, các ông đừng từ chối.

Hay năm 1788, khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long thì ngoài mang theo 150 voi, 100 võng cáng còn để riêng 2 chiếc kiệu sơn son thiếp vàng, một cho Nguyễn Huệ, một cho Ngọc Hân. Có thể thấy khi làm gì thì Nguyễn Huệ cũng quan tâm đến công chúa họ Lê.

Nói về đức sáng của vợ hiền của công chúa Ngọc Hân khi làm Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung thì được ghi chép trong các bài biểu chúc mừng bà dịp Tết Đoan Ngọ. Bài biểu do triều thần chúc tụng có đoạn: "…Kính nghĩ Hoàng hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng, là chi nhánh của sông Ngân, sông Phái. Lúc bà vu quy cung nhân theo thử bậc, thuận lòng giúp rập, giặt giũ áo xiêm, tiếng tột đã chói lọi, nên cung kính thuận hòa, khi đưa dâu theo hằng trăm cỗ.

Lúc gà gáy, nửa đêm, bà ân cần giúp hoàng đế mặc áo thêm để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là bà, có một lần bà đã động viên nhắc nhở quân binh mang áo giáp ra chiến trường thì phải mang về chiến thắng. Về tề gia trị quốc, Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của hoàng đế. Bà khiêm nhường hòa nhã, vẫn phát huy mãi cái phẩm chất trong sáng tự nhiên”.

Một bài biểu khác chúc mừng bà có đoạn: “Kính nghĩ hoàng hậu bệ hạ là dòng dõi hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc kinh Thư, giải kinh Dịch làm nền tảng cho việc đẹp đẽ dồi dào, siêng cần lo thành tựu nghiệp cả. Sinh nhà Hạ, hưng nhà Chu, tạo lập nên công nghiệp lớn”.

Nhưng thứ để tả tình cảm mà công chúa Ngọc Hân dành cho Nguyễn Huệ tha thiết nhất, nhiều nhất và không thể chối bỏ chính là các tác phẩm văn học mà bà để lại cho hậu thế. Hiện có 3 tác phẩm được nhiều người biết đến đề cập đến vua Quang Trung là
- Biểu chúc mừng vua Quang Trung nhập dịp lễ tứ tuần (1792)
- Ai tư vãn
- Văn tế vua Quang Trung

Trong văn tế vua Quang Trung, công chúa Ngọc Hân có nhiều câu rất cảm động như
“Tơ đứt tấc lòng ly biệt;
Châu sa giọt lệ cương thường.
Nhớ phen bến Nhị thuận buồm, hội bái việt chín châu lừng lẫy;
Vừa buổi cầu Ngân sẵn nhịp, đoàn ỷ la đôi nước rõ rang”

Hay

“Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt;
Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương.
Tiệc vầy vui nhớ hãy rành rành, nhịp ca múa bỗng khuây chừng Thần Ngự.
Buổi chầu chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh Dương”.


Một bài văn tế thì có thể lời lẽ thống thiết bi thương nhưng công chúa Ngọc Hân còn có bài Ai Tư Vãn là lời từ đáy lòng khiến người nghe càng phải sụt sùi đồng cảm.
Đó là lời tiếc nuối của một góa phụ trẻ mất chồng trong lúc còn nồng lửa yêu thương


“Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?


Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.


Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.


Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?
Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?


Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho”.


Và cao trào nhất trong Ai Tư vãn là công chúa Ngọc Hân thể hiện ý định quyên sinh theo chồng qua câu:


“Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e”.

Nhưng công chúa Ngọc Hân lại không thể làm điều đó vì còn phải chăm sóc hai con (với Nguyễn Huệ) nên đoạn ngay sau đó bà viết:

“Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo”.

Nếu công chúa Ngọc Hân không có tình cảm với Nguyễn Huệ sâu sắc thì bà không thể vắt tâm can, biến niềm đau thương thành từng câu từng chữ cảm động cả đất trời như vậy. Chỉ với Ai Tư vãn và Văn tế vua Quang Trung là đủ để diễn tả tình cảm thật của công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ. Ấy thế mà sau còn có nghi ngờ rằng sau công chúa Ngọc Hân đầu độc Nguyễn Huệ vì ghen 
tuông.

Tình cảm của công chúa Ngọc Hân với Nguyễn Huệ đã được ghi lại trong sử liệu và các áng văn thơ của công chúa nhà Lê. Thế nhưng, lại có người cho rằng công chúa Ngọc Hân là người gây ra cái chết cho Nguyễn Huệ.

Nghi án này được ông Nguyễn Thượng Khánh nêu ra trên tạp chí Phổ Thông, xuất bản ở Sài Gòn. Thậm chí, ông còn làm một hơi 4 kỳ từ số 62 đến 65, xuất bản khoảng tháng 8 và 9 năm 1961 với đầu đề gây sốc “Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa”.

Cơ sở để ông Khánh dựa vào cho ‘phát hiện’ này là gia phả để lại được coi là ‘sử liệu thầm kín’. Ông Khánh cho biết mình không phải là người họ Nguyễn mà là hậu duệ của phái Lê Duy Mật nhưng phải đổi họ dưới thời nhà Nguyễn.

Trong lịch sử, Lê Duy Mật là con của vua Lê Dụ Tông. Do bất mãn với chúa Trịnh Giang chuyên quyền, Lê Duy Mật định làm binh biến nhưng việc bại lộ phải trốn vào Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, Lê Duy Mật dựng cờ khởi nghĩa. Sau bị một tướng làm phản mở cửa thành hàng quân Trịnh, Lê Duy Mật tụ tập hết cả vợ con đốt lửa tự thiêu.

Ông Khánh viết trên tạp chí Phổ Thông bằng lời mở đầu ấn tượng: “Đêm nay, dưới ngọn đèn 60 nến trên căn gác trọ tồi tàn, lọt vào giữa đô thành đầy ánh sáng của miền Nam, tôi mê say viết lên đấy một trang sử liệu mà từ xưa đến nay không ai biết, để các sử gia đương thời tham khảo về cái chết của vua Quang Trung trong một phút hờn ghen mà gây nên.

Theo ông Khánh, công chúa Ngọc Hân đã đầu độc vua Quang Trung sau khi nghe tin vua cầu hôn với con vua Càn Long nhà Thanh. Động cơ cho việc đầu độc này được ông Khánh tả là vì ghen và vì vận mệnh đất nước.

Vì ghen thì ông viết: “Trong phút uất ức và cuồng trí, Ngọc Hân nhất định giết Nguyễn Huệ’ hay “Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho Quang Trung uống”. Ông còn tả “Vua Quang Trung tiến vào hậu cung dùng cơm. Nhà vua vui mừng quá, không thấy có sự gì thay đổi trên mặt của Ngọc Hân. Vương hân hoan nâng chén rượu lên môi và uống cạn một hơi, không dè Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc trong đó. Liền sau đó, Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dở bữa cơm, tiến lại, ngã lưng trên long sàng và giãy dụa một lúc rồi tắt thở luôn”.

Còn động cơ vì nước thì ông viết: “Ngọc Hân công chúa thấy cái viễn cảnh đe dọa đến Tổ quốc, qua cái hành động của vua Quang Trung cầu hôn với con gái của vua Càn Long đã được chấp thuận”… 

“Ngọc Hân thấy nếu công chúa con vua Càn Lông làm hoàng hậu nước Việt Nam chắc phải sẽ sinh con. Nếu sinh con trai, chắc hoàng tử ấy phải là người kế nghiệp cho vua Quang Trung sau này, mà khi được kế nghiệp biết đâu kẻ đó lại không dâng tổ quốc cho quê mẹ”.

Sau khi bài của ông Khánh xuất bản thì nó vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các học giả và cả con cháu của dòng dõi Lê Duy Mật. Về sử liệu thì các học giả đều khẳng định vua Quang Trung chết vì bệnh. 

Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà". Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: "Vua Quang Trung mất vào năm Nhâm Tý" (1792). Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà".
Hậu duệ của Lê Duy Mật cũng cho rằng ông Khánh nói vô căn cứ.Ông Võ Thành Sơn ở Đà Nẵng là rể của dòng dõi của Lê Duy Mật (gọi Lê Duy Mật là viễn tổ) cho biết nhà thờ họ của ông vẫn còn nhiều tộc phả nhưng không hề có điều nào viết như ông Khánh.

Khi bị dư luận chất vấn về tính xác thực trong những tuyên bố trên tạp chí Phổ Thông, ông Khánh phải bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng tìm đến thân tộc của mình để lấy tộc phả. Thời đó còn lập một hội đồng để thẩm định tính chính xác của gia phả mà ông Khánh đưa ra.

Cuối cùng, ông Khánh không đưa ra được chứng cứ xác thực cho những điều mà ông tuyên bố. Người ta có quyền ngờ rằng ông nêu chuyện này lên chỉ để tạo sự giật gân trên mặt báo Sài Gòn thập niên 60.

Nhưng công chúa Ngọc Hân không chỉ bị đơm đặt bởi những câu chuyện đầy thị phi như vậy mà còn bị đồn là yêu vua Gia Long.

Làm rõ thuyết công chúa Ngọc Hân yêu vua Gia Long
Sau khi Nguyễn Huệ tức vua Quang Trung băng hà thì Nguyễn Ánh tức vua Gia Long đã đánh bại được quân Tây Sơn, chiếm lại thành Phú Xuân (tức kinh đô Huế). Số phận của công chúa Ngọc Hân trở thành đề tài tranh cãi của hậu thế.

Có thuyết cho rằng Ngọc Hân công chúa và vua Gia Long kết hôn. Thuyết này nêu: Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long bắt được công chúa Ngọc Hân. Thấy nàng có nhan sắc kiều diễm nên không kìm được xúc động trong buổi sơ ngộ tại Phú Xuân.

Gia Long truyền đưa công chúa vào cung. Tả quân Lê Văn Duyệt can “không nên lấy vợ thừa của giặc”. Nhà vua không nghe, nói: “Tất cả giang sơn này, cái gì lại không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà”. Vào cung, Ngọc Hân sinh cùng vua Gia Long 2 con là Hoàng tử Thường Tín và Quảng Oai.

Thậm chí, thuyết này còn được củng cố thêm bằng câu ca dao của người Huế là

“Số đâu có số lạ đời

Con vua mà lại hai đời chồng vua”

Sau người Pháp có mặt ở Huế lại còn có câu phỏng theo nội dung trên là
“Quel rare destin que celui de cette femme
Fille de Roi, elle épouse sucessivement deux Rois”.

Nhiều người tin rằng câu ca dao này ám chỉ Ngọc Hân vì bà là con vua Lê Hiển Tông rồi lại lấy Nguyễn Huệ và sau đó là Nguyễn Ánh.

Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH), số ra tháng 10 - tháng 12.1941, đăng bài viết “Les caprices du genie des mariages ou extraordinaire destinée de la princesse Ngoc Han” của ông Phạm Việt Thường (thư ký ở Tòa sứ Pháp) được dịch ra tiếng Việt là “Những oái oăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của công chúa Ngọc Hân”. Do BAVH lại là một tập san có uy tín hàng đầu bấy giờ nên từ đây, câu chuyện được nhiều người trích dẫn trở thành nguồn cơn của lời đồn Ngọc Hân lấy hai vua họ Nguyễn không đội trời chung với nhau.
Bằng lối viết đầy kiểu truyện kiếm hiệp, ông Thường viết:

“Một đêm dưới ánh trăng sáng lờ mờ của ngọn đèn ở trong một căn phòng âm u, Ngọc Hân thấy một người đàn ông tráng kiện và uy nghi chậm chạp tiến về phía mình rồi cúi chào.

Ngọc Hân run lên và đánh liều hỏi: - Này võ tướng Nguyễn Quân, người muốn gì ở ta?

Người kia cười đáp: - Không can chi mô. Bà đừng sợ, võ tướng Nguyễn Quân cũng là một người mà có lẽ còn nhân từ hơn cả võ tướng Tây Sơn.

… Trong cơn đau khổ, Ngọc Hân càng làm cho võ tướng thêm xao xuyến và càng yêu quý nhan sắc tuyệt vời của bà hơn. Để tỏ lòng tôn kính Ngọc Hân, vị võ tướng nói mấy lời an ủi rồi rút lui.

Sau một đêm thao thức không ngủ được, Ngọc Hân ngồi dậy uể oải cả người giữa những tiếng chim kêu êm vui và hình như còn nghe những tiếng gào thét của quân lính đang tấn công vào kinh thành. Nàng buồn phiền không muốn trang điểm gì cả! Bỗng nàng thấy một người trong trang phục hoàng gia đang tiến lại gần. Bà nhận ra đó là người quân nhân lạ mặt đêm qua. Chính là Nguyễn Ánh. 

Bà đứng lên xin lỗi về sự nhầm lẫn hôm trước. Gia Long mỉm cười nói: “Hôm nay lệnh bà dậy sớm quá”. Ngọc Hân đáp: “Thưa chúa thượng, suốt đêm qua tôi không hề ngủ được chút nào cả”. “Lệnh bà quả là một vị hoàng hậu dũng cảm. Xin lệnh bà biết cho rằng dù có gì thay đổi đi nữa, đất nước An Nam vẫn chẳng đổi thay. Xin lệnh bà khuây khỏa, đừng buồn nữa. Cung điện này vẫn thuộc về lệnh bà mà”…

Chính vì những câu chuyện diễm tình và cả ca dao không được cắt nghĩa rõ ràng nên có người đời sau vẫn tin là Ngọc Hân lấy Gia Long và trách công chúa bội bạc với Quang Trung. Sự thật thì không thể có chuyện công chúa Ngọc Hân lấy vua Gia Long vì khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân là chuyện đầu thế kỷ 19 thì công chúa đã là người thiên cổ từ thế kỷ trước đó.

Ngọc Hân qua đời năm Kỷ Mùi 1799 và Phan Huy Ích đã soạn 5 bài văn tế chữ Nôm, có ghi chú rõ là Văn tế Vũ hoàng hậu (tức công chúa Ngọc Hân). Hai nhà nghiên cứu sử sau này là Lê Thước và Lê Tư Lành đều xác định Lê Ngọc Hân mất vào ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1799).

Bariay (?), một sĩ quan Pháp theo chân Nguyễn Ánh vào ngay Phú Xuân khi vừa chiếm được từ tay Tây Sơn cũng nói rằng ông được Gia Long cho đi xem mặt các công chúa của vua Quang Trung và không ghi nhận sự xuất hiện của công chúa Ngọc Hân.

Cũng có một số thuyết khác nữa về cái chết của công chúa Ngọc Hân nhưng không thuyết nào đề cập đến việc công chúa Ngọc Hân kết hôn với Gia Long. Chẳng hạn Ngô Tất Tố trong "Lược sử công chúa Ngọc Hân" (Thi văn bình chú, Hà Nội 1952) viết: sau khi nhà Tây Sơn thất bại, Ngọc Hân và các con đều đổi tên họ lẻn vào một làng thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng chẳng bao lâu thì bị phát giác. Ngọc Hân phải uống thuốc độc tự tử, còn hai con đều bị thắt cổ chết.

Mộ Ngọc Hân Công Chúa hiện ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội

Tác giả Nhất Thanh (1971) thì cho rằng khi triều Tây Sơn sụp đổ, Lê Ngọc Hân có bị bắt cùng với hai con hoặc ở Huế hoặc ở nơi khác. Vua Gia Long đã sai giết hai con bà một cách kín đáo, còn riêng Lê Ngọc Hân thì cho về quê mẹ.
Vậy thì người trong ca dao “Số đâu có số lạ đời/Con vua mà lại hai đời chồng vua” mà dân chúng truyền là ai?

Người đó có thật và chúng tôi sẽ đề cập trong phần tiếp.

Anh Tú -Một Thế Giới 10-11-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét