“Gạo Việt Nam đang ở vị trí thực sự bị đe dọa, gạo giá rẻ cạnh tranh vất vả so với Ấn Độ, gạo chất lượng cao kém cỏi & đang thua xa Campuchia, Thái Lan.
Chúng ta đang mải miết chạy theo số lượng nhiều quá mà không quan tâm tới yếu tố chất lượng”, TS. Phạm Chi Lan cũng bày tỏ sự lo lắng về nền nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập.
Ảnh minh họa |
Bàn về tình trạng nông nghiệp, PGS. TS Vũ Trọng Khải đã khẳng định “nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, không chỉ lạc hậu về mọi mặt, mà điều nguy hiểm hơn cả sự lạc hậu là, nó đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn.”
Ông Vũ Trọng Khải là Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II TP.HCM, hiện là chuyên gia độc lập trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Khải, hiện nay, nông dân Việt Nam vẫn là “nông dân cha truyền con nối”, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, áp dụng công nghệ cũ kỹ. Kết quả là năng suất lao động và năng suất nông sản thấp, với giá thành sản xuất cao, vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
Thêm nữa, người nông dân cha truyền con nối hiện nay không có nhu cầu và khả năng gia tăng quy mô đất đai, để tạo lập các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao.
“Một sai lầm quan trọng nữa là, chúng ta chủ trương và thực hiện đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, thay vì đầu tư phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao”, ông Khải nhận định.
Do đó thừa nhận một cách vô thức sự tồn tại hợp pháp một nền nông nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khu nông nghiệp công nghệ cao chỉ để làm “mẫu” và lấy thành tích. Việt Nam chưa có chiến lược nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng “không có chiến lược sản phẩm nông nghiêp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái”. Ông Khải lấy ví dụ, vùng đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng hàng năm. Khối lượng lúa được sản xuất và xuất càng ngày một tăng nhờ có đầu tư về thủy lợi, giao thông và các biện pháp nông học.
Nhưng khối lượng lúa sản xuất và xuất cảng tăng tỉ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỉ lệ thuận với ô nhiễm môi trường. Hiện nay, người dân Philipine mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. Đó là kết quả của sự phát triển thiếu chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng công nghiệp sinh thái.
Hệ quả là nếu không khắc phục được tình trạng này, nền nông nghiệp Việt Nam chẳng những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại, mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm.
Đồng quan điểm với PGS. TS Vũ Trọng Khải, một diễn giả khác, TS. Phạm Chi Lan cũng bày tỏ sự lo lắng về nền nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập. Theo bà Lan, “nhiều năm qua, Việt Nam sung sướng, tự hào thứ hạng cao về xuất khẩu mặt hàng nông sản như gạo, điều, tiêu, cà phê…”, tuy nhiên, bà Lan cũng đặt câu hỏi, thứ hạng cao về số lượng xuất khẩu thì nhiều nhưng giá trị tạo ra thực chất được bao nhiêu?
Bà Lan đã so sánh với 3 tỷ USD giá trị xuất khẩu gạo thì chỉ ngang bằng 3 tỷ USD nhập khẩu bia.”Nông dân lăn lộn làm ruộng chỉ ngang tiền uống bia liệu có đáng không?”, bà Lan trăn trở.
“Gạo Việt Nam đang ở vị trí thực sự bị đe dọa, gạo giá rẻ cạnh tranh vất vả so với Ấn Độ, gạo chất lượng cao đang thua rõ ràng so với Campuchia, Thái Lan. Chúng ta đang mải miết chạy theo số lượng nhiều quá mà không quan tâm tới yếu tố chất lượng.”
“Không thể trách người nước ngoài mang sản phẩm tốt hơn, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn vào bán tại Việt Nam. Ngành Nông nghiệp cũng không có quyền trách cứ hay đòi hỏi người tiêu dùng cứ phải yêu nước, thương nông dân xài hàng Việt Nam. Nếu không thay đổi căn bản, thua trong hội nhập là có thể thấy trước được”, bà Lan nhận xét.
(Trí Thức Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét