Vào ngày 7 tháng 7 năm 2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại phòng Bầu dục, đánh dấu một mốc lịch sử trong tiến triển quan hệ Việt–Mỹ.
Nhưng chuyến thăm phần lớn chỉ mang tính hình thức bởi vì ông Trọng không giúp gia tăng thêm gì nhiều cho mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi quay trở lại Hà Nội. Vậy, chỉ với những phát biểu hình thức và khó khăn trong thực tế, điều gì đã cản trở trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?
Nhiều người cho rằng tư tưởng vẫn là rào cản lớn nhất trong mối quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ – Việt Nam. Ngoài sự khác biệt trong hệ thống chính trị, hệ quả từ Chiến tranh Việt Nam là một nhân tố chia tách tư tưởng khác giữa hai nước.
Một trong những vấn đề chưa được giải quyết trong Chiến tranh Việt Nam là những thiệt hại bởi chất độc da cam và những quả bom mìn chưa phát nổ (UXO) đã gây đau đớn cho người Việt và môi trường Việt Nam. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân nghiêm trọng của chất độc da cam. Khoảng 800.000 tấn bom mìn ảnh hưởng lên 20% diện tích Việt Nam và ảnh hưởng lên 5% diện tích đất nuôi trồng. Với khoảng 300.000 chiến sĩ Việt Nam vẫn còn đang mất tích, nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn mang những ký ức kinh hoàng của cuộc chiến. Tuy vậy, cả hai phía đã đạt được nhiều tiến triển trong việc giải quyết những đau buồn hậu chiến tranh thông qua sự hợp tác trong việc rà phá bom mìn và xử lý chất độc da cam. Kể từ năm 2007, Hoa Kỳ đã chi 110 triệu USD trong việc loại bỏ chất độc da cam. Trong năm 2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký hiệp ước chung về hợp tác cùng vượt qua ảnh hưởng của bom mìn và các chất nổ chưa kích hoạt trong thời Chiến tranh Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay, cảm xúc thù hận Hoa Kỳ do chiến tranh đã không còn phổ biến. Ngày càng nhiều phụ huynh Việt Nam gửi con cái của họ sang Hoa Kỳ du học. Với 16.000 sinh viên đang học tập tại Hoa Kỳ, Việt Nam xếp hạng 8 về số lượng du học sinh đang học tập tại các trường đại học Hoa Kỳ. Sớm thôi, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ được thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, mở ra các kênh mới cho trao đổi hàn lâm giữa hai hệ thống giáo dục của hai nước.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến mới đây về quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam được thực hiện bởi Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, gần 92% ý kiến trả lời ưu ái Hoa Kỳ với sự khác biệt không đáng kể giữa miền Bắc và miền Nam (91% ở miền Bắc và 93% ở miền Nam). Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, gần 47% ý kiến phản hồi chọn Hoa Kỳ làm đối tác ưa thích nhất. Bởi tâm lý phản đối Trung Quốc trong nước tăng đột biến trong vài thập kỷ trở lại đây, liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc có thể giúp gia tăng sự ủng hộ của dân chúng để túc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mặc cho tất cả những điều này, những người tin rằng mâu thuẫn tư tưởng chính là rào cản lớn nhất đối với quan hệ Việt–Mỹ đã quên mất một điểm quan trọng: tư tưởng không tĩnh mà cũng không thay đổi bởi nội tại. Địa chính trị cũng quan trọng. Nhận biết về sự nguy hiểm và tình bạn được định hình bởi các yếu tố bên ngoài, và các nhà lãnh đạo tái định nghĩa lại tư tưởng để phù hợp với cả mục tiêu chính sách nội địa và ngoại giao.
Từ quan điểm của Washington, tốc độ của liên minh khả dĩ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển phụ thuộc vào sự tiến triển tôn trọng nhân quyền của Việt Nam. Khuếch trương nhân quyền là một trong những cột trụ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Tôn trọng và cải thiện nhân quyền đổi lại với hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ và vai trò thành viên TPP của Việt Nam chính là một vài ví dụ điển hình.
Theo như kết quả đàm phán, TPP sẽ củng cố sức mạnh mặc cả cho các thành phần nội địa – đặc biệt là tầng lớp công nhân – chống lại các nhân viên chính phủ. Bản hiệp ước phản ánh được Tuyên ngôn về Quyền và Nguyên tắc Căn bản tại Nơi làm việc của Tổ chức Lao động Thế giới, bao gồm tự do hiệp hội, thừa nhận một cách hiệu quả quyền biểu tình tập thể và loại bỏ mọi hình thức lao động bắt buộc hay cưỡng ép. Rất có thể công nhân Việt Nam sẽ được tổ chức hoặc tham gia vào các hiệp hội độc lập bảo vệ quyền lợi của họ khỏi sự can thiệp vô lý từ phía chính quyền hoặc sự cấu kết bóc lột sức lao động giữa doanh nghiệp và chính phủ.
Địa chính trị và tư tưởng chính là hai chìa khóa chính trong quản trị nhà nước. Việt Nam đã cố gắng lâu nay nhằm nắm được một công thức hài hoà cho cả hai khía cạnh này và tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ sẽ mang tới một phép thử quan trọng.
Cuong T. Nguyen tốt nghiệp khoa Ủy ban Quan hệ Quốc tế tại Đại học Chicago, và hiện đang là giảng viện tại khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh. Các quan điểm được trình bày trong bài viết là của chính tác giả.
© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía TrướcCuong T. Nguyen, Đại học Chicago/EAF
Cuong T. Nguyen tốt nghiệp khoa Ủy ban Quan hệ Quốc tế tại Đại học Chicago, và hiện đang là giảng viện tại khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh. Các quan điểm được trình bày trong bài viết là của chính tác giả.
© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía TrướcCuong T. Nguyen, Đại học Chicago/EAF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét