- Tiếng Việt lắt léo ...Thanh điệu.

Lê Minh Quốc

TTC – Tiếng Việt lắt léo, đa dạng và lắm lúc cùng sự vật nhưng lại có nhiều từ diễn tả, diễn đạt khác nhau với các sắc màu, sắc thái, thiên biến vạn hóa. Lần này là câu chuyện màu sắc. 

Ví dụ “mắt xanh” có phải con mắt đã được các chị em nhà mình trang điểm? Không, nó có một hàm nghĩa khác, như lúc Từ Hải ướm lời hỏi Thúy Kiều: “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”, có thể hiểu, bấy lâu nàng đã có ai lọt vào “tầm ngắm” của nàng chưa?


Thế nhưng, một khi đã nói “mắt xanh mũi lõ”, dứt khoát đích thị…mắt xanh.

Đã nói đến “mắt” nhân thể “đá giò lái” luôn qua cái mặt.“Xanh mặt”, không phải miêu tả cái bổn mặt xanh xao mà nhằm chỉ cảm giác đang sợ hãi, khiếp đảm. “Mặt xanh” cũng vậy. “Lỡ ăn một miếng trầu anh/ Đêm lo ngày sợ mặt xanh như chàm”.

Cũng có lúc người ta sử dụng cả màu vàng: “Đánh không được người mặt đỏ như vang/ đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”.

Nhưng cái màu vàng, màu xanh trong câu “Mặt xanh, nanh vàng” cũng hàm ý đó chứ gì? Không, nó nhằm chỉ sự ốm yếu bệnh tật, xanh xao vàng vọt; rồi nước da tất nhiên là xanh nhưng xanh thế nào? Phải là “xanh rớt”, “xanh mét”, “xanh lè”, “xanh lét”…

Tương tự, còn có câu “mặt xanh, mày xám”. Cái mày xám ấy, có lúc cái mặt cũng “giành” luôn, chẳng hạn, “mặt xám như gà cắt tiết”. Không những thế, còn có “mặt sắt đen sì”, “mặt đỏ như gà chọi” v.v… Tuy nhiên, “mặt xanh như đít nhái” vẫn là cách nói ấn tượng hơn cả.

Thi sĩ Tản Đà có câu thơ: “Ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc/ Hết cả giang hồ, hết cả ngông”. 

Ta hiểu, “ngày xanh” chỉ thời tuổi trẻ, năm tháng đó qua nhanh như ngựa phi đường xa. Đọc Kiều, ai lại không nhớ đến câu: “Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”; hoặc nghe câu “đầu xanh tuổi trẻ”.

Đầu ắt có tóc. Tóc nhanh nhánh hạt huyền, chẳng ai gọi tóc đen mà nói rất ư hình tượng “tóc xanh”. Thế lúc tóc đã lẫn nhiều sợi tóc bạc, gọi thế nào? Gọi tóc “muối tiêu”.

Gần đây còn nghe thêm câu “thành ngữ” mới – nhằm khẳng định “đẳng cấp” của “dân chơi cầu Ba Cẳng”: “Túi ánh bạc, tóc ánh kim, chim ánh thép”. Thì ra “ánh bạc” là một cách nói về tóc “muối tiêu” đấy thôi.

Thế còn “chim ánh thép”?

Khoan vội trả lời, ta hãy nhớ về “chim xanh” trước đã. Cụ Đào Duy Anh giải thích: “Có truyện cổ tích nói rằng xưa vua Hán Vũ đế đương ngồi, có con chim xanh bay đến, Đông Phương Sóc nói: “Đấy là sứ giả của Tây Vương mẫu đến”. Sau người ta lấy chim xanh để tỉ dụ sứ giả, người đưa tin hay người làm mối”.

Chữ xanh còn dùng trong trạng thái đói là “đói xanh xương” nghe rùng rợn thật! Vậy lúc bình bình thường, chẳng đói khát gì, ăn no phởn phơ thì xương màu gì? “Xương trắng” chăng?

Trả lời câu này xin dành cho các nhà phẫu thuật, nhưng một khi nói “xương trắng” không ngoài chỉ sự chết chóc. Chơi ma túy là chơi “hàng trắng”; chết vì hút xách, chích choác thì gọi “cái chết trắng”.

Cũng sắc màu trắng ấy, lại còn có nhiều sắc thái khác nhau. “Ăn trơn mặc trắng”, chẳng phải người mặc y phục màu trắng mà chỉ sự cao sang, giàu có. “Áo trắng” còn ngụ ý nói đến lứa tuổi hoa niên, học trò.

“Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” (Huy Cận) là cái nghĩa đó. “Nói trắng ra” thì “trắng” lại hàm nghĩa nói toạc móng heo, nói thẳng ruột ngựa, chẳng cần úp úp mở, rào trước đón sau.

Khi nghe kháo nhau: “Chàng kia tay trắng”, ta hiểu, không có vốn liếng, tài sản gì sất; nhưng “trắng tay”, dứt khoát anh chàng kia trước đó đã có của ăn của để, có xe, nhà cao cửa rộng nhưng vì một lý do gì đó, nay chẳng còn gì sất!

Này, ông nhà thơ Huyền Kiêu quả quyết: “Hạ đỏ có chàng tới hỏi/ Em thơ, chị đẹp em đâu?” Thế nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại nhìn thấy “hạ trắng”.

Còn các bạn thanh thiếu niên ngày nay lại cảm nhận nó màu xanh! Bằng chứng đây nè: “Mùa hè xanh” – đang là một hoạt động cộng đồng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay.

Ôi, cái màu xanh tưởng chừng như đơn giản mà cũng lắm chuyện đấy chứ? Nhưng câu thơ của Tế Hanh mới rắc rối hơn nhiều: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị” là xanh ra làm sao?

Theo tuoitre
THANH ĐIỆU TRONG TIẾNG VIỆT

Trong ngôn ngữ nói chung, sự lên xuống giọng nói luôn truyền tải ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, ta thường lên giọng khi hỏi và hạ giọng khi ra lệnh hay có một âm điệu đặc biệt khi cảm thán. Sự biến đổi giọng khi ấy tác động lên toàn bộ câu nói và hiện tượng này gọi là ngữ điệu (intonation). Ngữ điệu là khái niệm phổ biến ở mọi ngôn ngữ.

Trong tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ có thanh điệu khác, ngoài ngữ điệu nói ở trên, ta còn thấy sự biến đổi giọng nói trong phạm vi một tiếng hay một từ đơn, với tác dụng phân biệt các tiếng với nhau. Hiện tượng này chính là thanh điệu (tone). Ví dụ trong loạt các từ thuần Việt me, mè, mé, mẻ, mẽ, mẹ mỗi từ có ý nghĩa khác nhau do có thanh điệu khác nhau.

Liên quan đến thanh điệu, các ngôn ngữ trên thế giới chia ra làm hai loại không có thanh điệu và có thanh điệu. Các ngôn ngữ lớn của phương Tây như tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Ý hay ở châu Á như Ấn Độ, Khmer, Malay, Indonesia không có thanh điệu. Một số ngôn ngữ ở châu Phi, Bắc Mỹ và các thứ tiếng châu Á như tiếng Myanmar, tiếng Tây Tạng, tiếng Trung Quốc có thanh điệu. Riêng khu vực Đông Nam Á là nơi có thanh điệu phức tạp như thấy ở tiếng Thái, tiếng Lào và nhất là tiếng Việt Nam (Wikipedia).

Bộ máy phát âm của con người có khả năng rất kỳ diệu để tạo ra nhiều âm thanh khác nhau, nhờ áp dụng các biện pháp ngữ âm phong phú. Ví dụ tiếng Anh có trọng âm từ (word stress), tiếng Pháp có hệ thống âm mũi, tiếng Nhật có sự đối lập nguyên âm dài-ngắn (ka-kaa, mu-muu) hay âm tắc họng ở giữa (kissaten, mittsu), tiếng Khmer có số lượng nguyên âm rất lớn v.v. Trong mối tương quan đó, thanh điệu là sức mạnh, là đặc trưng quan trọng của tiếng Việt. Nắm được đặc trưng ngữ âm sẽ giúp cho chúng ta học nhanh, nói giỏi ngôn ngữ.

Tiếng Việt văn hóa với cơ sở là tiếng Hà Nội có sáu thanh điệu là ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Về mặt chính tả, trừ thanh ngang không dấu, chúng ta sử dụng dấu thanh(diacritics hay tone marks) cho năm thanh điệu sau. Dấu thanh là một sáng tạo của những nhà truyền giáo phương Tây hồi thế kỷ 17. Họ lấy các yếu tố có trong tiếng Hy Lạp cổ như grave (dấu huyền), acute (dấu sắc), hook above (dấu hỏi), tilda (dấu ngã) và dot under (dấu nặng) để biểu thị dấu thanh, bên cạnh những sáng tạo như circumflex để biểu thị “dấu mũ” trên các nguyên âm â/ê/ô hay breve để biểu thị “dấu trăng” trên nguyên âm ă.

Các nhà khoa học như Nguyễn Văn Lợi and Jerold A. Edmondson (1997) hay Dũng Vũ (2006) đã tiến hành dùng thiết bị ghi nhận sóng âm thanh để mô tả các thanh điệu của tiếng Việt. Hình dưới đây là các đường nét thanh điệu của một người Hà Nội theo ghi nhận của Nguyễn Văn Lợi và Edmondson.

Trục tung là mức tần số cơ bản (fundamental frequency) tính bằng semitones và trục hoàng là thời gian tính bằng milli giây.


Từ ghi nhận thanh điệu bằng thiết bị khoa học và tiến hành phân tích, các nhà ngôn ngữ học đã có thể chỉ ra ba thuộc tính chủ yếu của thanh điệu:

- Sự biến điệu hay đường nét (contour)
- Âm vực (pitch)
- Kiểu phát âm (phonation).

Về mặt đường nét, thanh điệu tiếng Việt có thể chia ra làm hai loại lớn là thanh điệu đi ngang, bằng phẳng và thanh điệu không bằng phẳng. Điều này trùng khớp với khái niệm THANH BẰNG và THANH TRẮC phổ biến trong giới thơ văn Việt Nam.

Cụ thể, thuộc về nhóm THANH BẰNG có Thanh ngang và Thanh huyền, là những thanh mà khi phát âm âm thanh đi ngang thoai thoải. Trong nhóm thanh bằng này thì Thanh ngang có âm vực hay tần số âm thanh cao hơn Thanh huyền. Cả hai đều phát âm thoải mái không căng thẳng.

THANH TRẮC bao gồm 4 thanh còn lại là Sắc, Hỏi, Ngã, Nặng, có đường nét và kiểu phát âm phức tạp.

Về cao độ hay âm vực, hai thanh Sắc và Ngã thuộc âm vực cao, Hỏi và Nặng thuộc âm vực thấp. Về đường nét, Ngã và Sắc đều hướng lên, Hỏi thì xuống rồi lên, còn Nặng thì theo chiều hướng xuống. Về cách phát âm, cả bốn đều phát âm căng, tuy nhiên Hỏi không có động tác nghẽn thanh hầu, còn Ngã, Sắc và Nặng đều có động tác nghẽn thanh hầu.

Như vậy Sắc và Ngã khá giống nhau, chỉ còn khác duy nhất là Sắc có điểm khởi đầu thấp và liên tục đi lên, còn Ngã có điểm khởi đầu cao hơn chút, cũng hướng lên, nhưng bị đứt quãng ở giữa chừng do tác động của ngẽn hầu họng (glottal stop). Điều này khiến cho Ngã là thanh điệu khó phát âm nhất trong tiếng Việt và chỉ được người miền Bắc phát âm tốt.

Hình sau đây tóm tắt cho phân loại thanh điệu trong tiếng Việt.

Trong nhóm THANH TRẮC, quan hệ giữa âm vực cao và âm vực thấp khá đa dạng và phức tạp. Đầu tiên, các từ tiếng Việt có vần khép, tức kết thúc bằng một trong các phụ âm p, t, c, ch thì chỉ có thể mang thanh điệu SẮC hay NẶNG.

Ví dụ: đáp, đạp, biết, biệt, các, cạc, cách, cạch.

(Trích nguồn từ Facebook Andy Tran)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét