- Kéo co trở thành di sản thế giới

Ngày 2-12, UNESCO đã xem xét hồ sơ Kéo co của Việt Nam và đúng 12h15 (giờ Namibia), di sản Kéo co đã chính thức có tên trong danh sách Di sản văn hóa thế giới.


Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã bắt đầu họp kỳ thứ 10 tại thành phố Windhoek, Namibia từ ngày 30-11 đến 4-12-2015. Vào ngày 2-12, UNESCO đã xem xét hồ sơ Kéo co của Việt Nam và đúng 12h15 (giờ Namibia), di sản Kéo co đã chính thức có tên trong danh sách Di sản văn hóa thế giới. Đây là một tin vui đối với cộng đồng đang lưu giữ và thực hành truyền thống này ở các nước Campuchia, Philipine, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trò chơi Kéo co dân gian của Việt Nam đã trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co truyền thống được thực hành ở khắp các vùng trồng lúa, hầu hết tập trung ở Đông và Đông Nam Á. Mong ước cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu được biểu đạt thông qua trò chơi và nghi lễ kéo co, dù di sản có nhiều nét đa dạng khác nhau, phản ánh những đặc điểm riêng về bối cảnh sinh thái, lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia thành viên.


Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO xem xét và quyết định hồ sơ Kéo co của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Ở Campuchia, Di sản được thực hành thường xuyên bởi ba cộng đồng đại diện nằm xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap- nơi gần với khu vực khảo cổ Angkor. Ở Philippine, Di sản được thực hành tại Hungduan là một thành phố của Ifugao được biết đến với những cánh đồng lúa rộng ngút ngàn. Các nhóm hội tụ tại Nunhipukana, nơi hợp lưu của Sông Hapao và các sông nhánh. Ở Hàn Quốc, Di sản được thực hành ở Dangjin thuộc tỉnh Chungcheongnam; Samcheok thuộc tỉnh Gangwon; Namhae, Milyang, Euiryung, và Changnyeong thuộc tỉnh Gyeongsangnam.



Ở Việt Nam, Kéo co được thực hành thường xuyên ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng như ở thành phố Hà Nội. Ở nhiều nước, Kéo co là môn thể thao và ở Việt Nam, Kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống, một môn thể thao mang tính đồng đội và luôn thu hút đông người tham gia. Vào các dịp Tết truyền thống, kéo co là một trò chơi không thể thiếu ở nhiều lễ hội cổ truyền.
Sau khi đã có 9 di sản văn hóa phi vật thể (7 di sản thuộc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản thuộc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp), đến nay, Việt Nam đã có 10 Di sản văn hóa thế giới. Đây sẽ là những thế mạnh văn hóa độc đáo của Việt Nam để phát triển du lịch.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO xem xét báo cáo của các quốc gia về các Di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ủy ban cũng xem xét và thông qua các hỗ trợ đối với những thực hành tốt nhất trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở các quốc gia và một số nội dung khác có liên quan tới việc thực hiện Công ước.

Ủy ban cũng xem xét việc ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia đệ trình để đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thanh Hằng


9 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam

Nhã nhạc cung đình Huế

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

Dân ca quan họ


Hội Gióng

Hát xoan

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Đờn ca tài tử Nam bộ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét