"Khi những người mang danh nhà văn nhà thơ không có hay không còn khả năng sáng tạo lại tham lam danh tiếng và vật chất cộng với đánh mất lòng tự trọng thì anh/chị ta tìm mọi cách ăn cắp sản phẩm của người khác", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: Một số vụ vi phạm bản quyền gần đây vẫn trôi nổi trong làn sương mù của sự đúng sai, trong bầu khí quyển lẫn lộn trắng đen.
Quanh mấy vụ nổi cộm về bản quyền gần đây, có nhà thơ kiêm nhà phê bình nổi tiếng nói với tôi: “Đưa văn thơ lên chỗ công cộng (facebook, blog), bị người ta lấy dùng thì ráng chịu, kêu ca gì. Khoe vợ khoe chồng còn bị kẻ khác lấy mất nữa là”. Anh thấy sao?
- Tôi nghĩ chắc “nhà thơ kiêm nhà phê bình nổi tiếng” kia đùa thôi. Khi những người mang danh nhà văn nhà thơ không có hay không còn khả năng sáng tạo lại tham lam danh tiếng và vật chất cộng với đánh mất lòng tự trọng thì anh/chị ta tìm mọi cách ăn cắp sản phẩm của người khác.
Nguyễn Quang Thiều qua ống kính của Nguyễn Đình Toán.
Tại sao ở các nước, người dân không hề khóa cửa mà không mất cắp, còn xứ sở chúng ta kín cổng cao tường vẫn mất cắp thường xuyên? Mọi phương tiện mang tính kỹ thuật không có lỗi. Lỗi thuộc về sự xuống dốc của nhân cách.
Lê Đạt nói: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Còn anh nói: “Hãy đưa tôi một ý tưởng thơ Nobel, tôi sẽ viết bài thơ xuất sắc”. Với anh, ý tưởng quan trọng nhất và cũng dễ bị thuổng, xâm hại nhất?
- Trong sáng tạo nghệ thuật, ý tưởng chính là sự khám phá, là xương sống hay có thể nói là sự sống còn của tác phẩm. Câu của tôi là một cách nói về tầm quan trọng của ý tưởng. Nhưng ý tưởng lại là thứ dễ bị đánh cắp nhất.
Nạn ăn cắp ý tưởng ngày một tràn lan ở Việt Nam. Nó dễ bị ăn cắp và kẻ cắp ý tưởng dễ che giấu hành vi, cũng dễ ngụy biện khi bị dư luận lên tiếng. Đồng thời ăn cắp ý tưởng cũng khó phán xét nhất. Tất nhiên khó chủ yếu là theo lý lẽ “chợ búa” lâu nay. Nếu chúng ta có những cơ quan chức năng thực sự muốn làm xã hội văn minh trong sạch trong lĩnh vực bản quyền thì vẫn có đủ phương pháp dẫn đến các cơ sở chứng lý để kết luận hành vi ăn cắp đó.
Elizabeth Roudinesco, sử gia và nhà phân tâm học người Pháp cho biết: “Ở Pháp, những điều tồi tệ nhất và tốt đẹp nhất luôn vận hành quanh ngôn ngữ và văn chương”. Ngôn ngữ và văn chương Việt Nam có vai vế thế nào trong xã hội Việt Nam bây giờ?
- Không chỉ Pháp mà ở mọi xứ sở và mọi thời đại, ngôn ngữ và văn chương luôn là hàn thử biểu của sự phát triển trí tuệ, văn hóa và nhân cách của cộng đồng. Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng tác phẩm của không ít nhà văn nhà thơ, nhà triết học đã xác lập chân dung văn hóa và tư tưởng của cộng đồng đó.
Ngôn ngữ và văn chương ở xứ sở chúng ta từng như thế. Nhưng bây giờ có nhiều điều khác đi. Nó khác đi không phải vì sự thay đổi bản chất ngôn ngữ và văn chương mà bởi tâm thế và tư cách của những người sử dụng ngôn ngữ ấy, viết ra những loại văn chương ấy.
Một trong những nguy cơ làm suy tàn, suy đồi ngôn ngữ và văn chương là không có khả năng “cá thể hóa”. Nhiều năm trước, hàng năm nước Mỹ chọn một tờ báo uy tín để bàn về sự sống chết của thơ ca Mỹ. Họ chọn hàng trăm bài in vào một tập, chỉ để một tên tác giả, đưa tới bạn đọc như phép thử. Kết quả là: Hầu hết bạn đọc không nhận ra đó là thơ của cả trăm tác giả. Và những người làm phép thử ấy đã nhìn thấy cái chết của thơ Mỹ nếu các nhà thơ không thức tỉnh điều này.
Báo chí xào xáo của nhau, điện ảnh- truyền hình đã hiếm tác phẩm hay lại còn nhái Tây Tàu, Hàn Quốc. Vi phạm bản quyền thơ văn nhạc họa, nhiếp ảnh khắp nơi. Theo anh, có cách gì giảm bớt? Chả nhẽ hơi tí kiện cáo, như luật sư khuyên trên báo Tiền Phong “Mọi người nhất là các tác giả nên làm quen với việc ra tòa”?
- Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và cấp bách để chống lại hành vi sao chép, ăn cắp ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật, chính là tòa án, đúng thế. Đấy là nơi mà mọi xuê xoa, ngụy biện và gian trá sẽ được phơi bày, bị phán xét.
Một số vụ đạo văn, thơ gần đây vẫn trôi nổi trong làn sương mù của sự đúng sai. Ai là người sáng tạo thực sự, ai là kẻ ăn cắp không phải cơ quan chức năng không có khả năng làm rõ. Tất nhiên kẻ cắp không muốn sự việc được làm rõ. Nhưng cả người bị ăn cắp cũng muốn sự vụ trôi đi nhẹ nhàng còn mình thì tự an ủi trong tinh thần AQ: Nó mới là kẻ ăn cắp chứ không phải ta.
Có người còn tự cho sự im lặng và tha thứ của mình là nhân đạo. Đấy không phải nhân đạo mà là nhu nhược, và hơn thế, thái độ đó làm cho xã hội trôi dần vào không gian của sự lẫn lộn trắng đen. Trong không gian lẫn lộn trắng đen ấy, số nạn nhân không phải một mình anh/chị ta mà nhân lên gấp bội. Ở hầu hết các nước, cho dù cả kẻ cắp và người bị ăn cắp không muốn làm rõ thì luật pháp bắt họ có trách nhiệm phải làm rõ, vì lợi ích của một nền dân chủ, văn minh và lợi ích của bộ luật. Hay nói rộng hơn lợi ích của cả cộng đồng.
Không chỉ ông nhà văn Vương Mông (Trung Quốc) mới nhận ra: “Tự mình phong phú thì mới cảm nhận được sự phong phú của thế giới. Bản thân có hiếu học thì mới cảm nhận được sự tân kỳ của thế giới. Có lương thiện mới cảm nhận được cái đẹp của thế giới. Phóng khoáng mới có thể sống tiêu dao trong trời đất”. Có lẽ, sự bé nhỏ quẩn quanh đã khiến chúng ta khó bề tiêu dao như mong muốn?
- Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ hai câu thơ Chế Lan Viên: Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn. Người làng Chùa của tôi có câu: Cây ra hoa bởi rễ đã mang hoa. Trong hội thảo Thiên nhiên – Con người: Một thế giới ở Văn Miếu mới đây với một số nhà lãnh đạo Phật giáo từ Nepal đến, tôi đã nói: Khi lòng ta nở một bông hoa thì đất đai ngoài kia nở một cánh đồng hoa, khi lòng ta đốn chặt một cái cây thì đất đai ngoài kia tàn lụi một cánh rừng. Quả thực, sự nhỏ bé, quẩn quanh trong đời sống của chúng ta đã dần dần bịt đi những cửa lớn để bước tới nhân quần và thiên nhiên kỳ vỹ. Nếu bây giờ thử đặt trộm máy ghi âm để nghe những câu chuyện, những luận bàn…của chúng ta ngày ngày thì sẽ nhận ra rằng: Không biết đến bao giờ chúng ta mới tới được bến bờ của những điều kỳ vĩ.
Theo Nghĩa Trung (Tiền Phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét