- Hồ sơ đen của Tân Hiệp Phát trên Wikipedia

(GDVN) - Trên trang bách khoa toàn thư tự do tiếng Việt Wikipedia, thông tin Tập đoàn Number 1 – Tân hiệp Phát dày đặc các vụ bê bối liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Hồ sơ đen

Với công nghệ thông tin phát triển, việc tìm kiếm thông tin cá nhân, doanh nghiệp, vùng miền hết sức đơn giản. Chỉ cần truy cập internet, gõ từ khóa tìm kiếm trên google sẽ dễ dàng cho ra kết quả mong muốn.

Trong số trang web cung cấp thông tin dữ liệu, Wikipedia tiếng Việt được xem là nguồn thông tin uy tín luôn được cập nhật mới và có sự kiểm duyệt, dẫn nguồn khá chi tiết.

Với thao tác gõ từ khóa “Tân Hiệp Phát” trên Google, xuất hiện đầu tiên là trang tìm kiếm Wikipedia tiếng Việt với tiêu đề “Tập Đoàn Number 1 – Wikipedia tiếng Việt”.


Wikipedia tiếng Việt thông tin khá đầy đủ về Tập đoàn Number 1 - Tân Hiệp Phát (ảnh chụp màn hình)

Click vào Wikipedia tiếng Việt tìm kiếm thông tin Tân Hiệp Phát, người đọc không khỏi bất ngờ khi bên cạnh dữ liệu thông tin của Tân Hiệp Phát, nổi bật lên là các thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm của công ty này.

Phần “Các vụ bê bối và khủng hoảng truyền thông” của Tân Hiệp Phát được Wikipedia tiếng Việt cập nhật dày đặc thông tin, chi tiết, đầy đủ.

Theo đó, Wikipedia tiếng Việt liêt kê hàng loạt các vụ việc khách hàng phản ánh chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp theo từng năm, từ năm 2009 đến nay.

Cụ thể tháng 3/2009, bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ quán Thác Vàng, Biên Hòa đang kinh doanh ăn uống bình thường thì có khách phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Nhân viên của bà báo cho Công ty Tân Hiệp Phát nhưng không ai đến giải quyết.

Wikipedia đăng tải thông tin đầy đủ các vụ bê bối khủng hoảng truyền thông của Tân Hiệp Phát, đây được xem là trang hồ sơ đen của doanh nghiệp này.

“Tuy sau đó bà Thu Hà đã được đại diện Tân Hiệp Phát thừa nhận, những sản phẩm lỗi mà bà Hà phát hiện là của Tân Hiệp Phát nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà, Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt vì tội tống tiền. Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Thu Hà vào chiều cùng ngày mặc cho sự phản đối của Tân Hiệp Phát”, thông tin trên Wikipedia tiếng Việt.

Ngoài sự việc trên, thông tin trên Wikipedia tiếng Việt cho thấy, ngày 5/6/2009, cơ quan điều tra phát hiện ba container hàng có dấu hiệu vi phạm được cất giấu tại 169 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

“Qua kiểm tra phát hiện 26 tấn hương liệu chế biến nước giải khát do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng. Hàng gắn nhãn gửi đến Công ty Tân Hiệp Phát.

Sau khi phát hiện ba container hương liệu quá hạn, cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty Tân Hiệp Phát chi nhánh Bình Dương (Thuận An, Bình Dương). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 60 thùng phuy (loại 200 lít/thùng) hương liệu nước cốt ổi, chanh dây, tắc... có thời hạn sử dụng ngày 3/11/2008, quá hạn 6 tháng so với ngày phát hiện”, thông tin trên Wikipedia tiếng Việt.

Trong 6 năm gần nhất, ngoại trừ năm 2013 không cập nhật thông tin vụ việc và năm 2010 chỉ có duy nhất vụ việc sản phẩm Tân Hiệp Phát bị tố có vấn đề. Ngoài ra các năm 2011, 2012, 2014 và 2015 liên tục Tập đoàn Number 1 – Tân Hiệp Phát bị khách hàng tố chất lượng sản phẩm.

Đáng chú ý là vụ việc xảy ra vào tháng 2/2011, "Trong lần đi chơi cùng gia đình, anh C.H. (Gò Công, Tiền Giang) đã mua nhiều chai nước Dr Thanh để uống trong đó, có một chai nước anh phát hiện ra bên trong có lợn cợn. Anh H. đã không mở ra mà mang về nhà và liên lạc với đại diện của Tân Hiệp Phát, yêu cầu công ty phải bồi thường 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, công ty đề nghị trả anh bằng 2 thùng nước ngọt nhưng anh từ chối. Trong lần gặp gỡ tiếp theo, Tân Hiệp Phát đồng ý trả anh 1/3 số tiền này nhưng anh H. nhất định đòi 35 triệu đồng. Phía công ty cũng yêu cầu anh đưa chai nước cho họ giám định nhưng anh không đồng ý. Sau đó, anh H. đã liên lạc lại với phía công ty, yêu cầu họ phải giải quyết nếu không sẽ thông tin lên báo.

Tới 15h ngày 14/4/2011 khi đang nhận 35 triệu đồng cùng đại diện của Tân Hiệp Phát, anh H bị công an ập vào bắt quả tang. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/8/2011, TAD quận Gò Vấp, TP.HCM đã tuyên phạt anh H. 1 năm tù", thông tin trên Wikipedia tiếng Việt nêu rõ.

Đến tháng 6/2012, bên cạnh một số thông tin phản ánh chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát chứa chất lạ, kết tủa, một vụ việc tương tự năm 2011 đã diễn ra. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội (C45B) Bộ Công an đã bắt quả tang Trần Quốc Tuấn (ngụ tại Bình Thạnh) nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát (trụ sở tại Bình Dương) liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong sản phẩm của tập đoàn này.

Theo báo cáo của cơ quan điều tra, đối tượng Tuấn đã phát hiện một chai trà xanh có gián bên trong nên gọi điện thoại đến nơi sản xuất ra chai nước là Công ty Tân Hiệp Phát để phản ánh và ngỏ ý “đổi” chai nước này nếu phía công ty chi ra 50 triệu đồng.

Hai bên ký vào bản cam kết “mua sự im lặng” của Tuấn và phía công ty Tân Hiệp Phát thu hồi lại chai nước. Tuy vậy nhưng phía công ty Tân Hiệp Phát vẫn trình báo cơ quan công an việc bị tống tiền. Ngày 5/6/2012, khi hai bên đang trao đổi tiền và vật chứng tại quán cà phê ở Bình Thạnh thì bị các trinh sát bắt giữ.

Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản

Cập nhật chi tiết vụ chai Number 1 có ruồi

Đặc biệt trong các vụ bê bối trên, vụ việc liên quan đến chai Number 1 có ruồi do ông Võ Văn Minh phát hiện được Wikipedia tiếng Việt đăng thông tin khá đầy đủ như: Ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện có ruồi trong chai nước Number One chưa mở nắp của Công ty Tân Hiệp Phát.

Ông Minh giữ lại chai nước rồi gọi điện cho doanh nghiệp yêu cầu cử đại diện gặp Minh thương lượng. Trong lần gặp đầu tiên, Minh yêu cầu phía công ty phải đưa cho Minh 1 tỷ đồng nếu không sẽ tung tin ra ngoài. Sau ba lần thương lượng có lập biên bản, hai bên đã đồng ý mức giá 500 triệu đồng.
Wikipedia tiếng Việt thông tin vụ ông Võ Văn Minh 

Tới ngày 27/1/2015, Minh hẹn gặp đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè, (Tiền Giang), trong lúc Minh nhận 500 triệu đồng thì bị trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.

Ngày 18/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên mức án 7 năm tù giam đối với ông Võ Văn Minh vì tội “cưỡng đoạt tài sảnTại phiên tòa, đại diện Tân Hiệp Phát cho biết kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Tấn Thi - người nhận bào chữa miễn phí cho ông Võ Văn Minh - thì cơ quan điều tra đã không khách quan và vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng khi luật sư và người đại diện của Tân Hiệp Phát lại được tham gia quá trình hỏi cung bị cáo.

Sau phiên tòa, gia đình ông Võ Văn Minh tuyên bố sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm

Ngày 19/12/2015, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng và đặc biệt là gia đình ông Võ Văn Minh về những phiền toái trong thời gian qua.
Có hơn 1.280.000 kết quả tìm kiếm Tân Hiệp Phát trên google trong đó hơn 100 kết quả tìm kiếm đầu tiên là tiêu đề các bài viết liên quan đến vụ chai Number 1 có ruồi 

Ngoài vụ việc ông Võ Văn Minh, trong năm 2015 Wikipedia tiếng Việt còn tổng hợp thông tin 6 vụ việc phản ánh chất lượng sản phẩm của Tập đoàn Number 1 – Tân Hiệp Phát.

Thông tin hồ sơ các sự cố chất lượng sản phẩm của Tập đoàn Number 1 trên Wikipedia tiếng Việt được chú thích bằng các đường link bài viết đăng tải trên các tờ báo uy tín tại Việt Nam.

Bên cạnh Wikipedia tiếng Việt, kết quả tìm kiếm với từ khóa Tân Hiệp Phát trên trang tìm kiếm Google còn cho ra con số 1.280.000. Trong đó hơn 100 kết quả tìm kiếm đầu tiên các tiêu đề bài viết về Tân Hiệp Phát đều có liên quan đến vụ chai nước Number 1 có ruồi, liên quan đến ông Võ Văn Minh với nhiều góc nhìn khác nhau.

Dù thông tin trên Wikipedia tiếng Việt chỉ mang tính tham khảo tuy nhiên tác động từ nguồn thông tin này đến khách hàng, đối tác Tân Hiệp Phát sẽ rất lớn.

Đánh giá thông tin trên Wikipedia tiếng Việt cũng như các thông tin liên quan đến các vụ việc phản ánh chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát dày đặc trên các công cụ tìm kiếm Internet, ông Võ Văn Quang – Chuyên giá thương hiệu cho rằng, Wikipedia là trang từ điển điện tử có lượng truy cập lớn tương tự Google, Facebook.

Với uy tín của Wikipedia cũng như một số trang tìm kiếm khác, thì việc một lượng thông tin dày đặc nói về các vụ bê bối, khủng hoảng truyền thông của Tân Hiệp Phát sẽ khiến hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp thêm xấu hơn trong mắt đối tác và người tiêu dùng.


Wikipedia là một bách khoa toàn thư tự do, là kết quả của sự cộng tác của chính những người đọc từ khắp nơi trên thế giới. Trang mạng này có tính chất wiki, có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể sửa đổi ở bất cứ trang nào bằng cách bấm vào các liên kết “sửa đổi”, hoặc “Sửa đổi trang này”, có ở hầu hết các trang, ngoại trừ các cá nhân bị tước quyền sửa đổi và những trang bị khóa.

Wikipedia chính thức bắt đầu vào ngày 15 tháng 1 năm 2001 nhờ hai người sáng lập Jimmy Wales và Larry Sanger cùng với vài người cộng tác nhiệt thành và chỉ có phiên bản tiếng Anh. Chỉ hơn ba năm sau, vào tháng 3 năm 2004, đã có 6.000 người đóng góp tích cực cho 600.000 bài viết với 50 thứ tiếng. Cho đến hôm nay đã có hơn 4.300.000 bài viết ở riêng phiên bản tiếng Anh, hơn 30.000.000 bài viết ở tất cả phiên bản ngôn ngữ. Mỗi ngày hàng trăm nghìn người ghé thăm từ khắp nơi để thực hiện hàng chục nghìn sửa đổi cũng như bắt đầu nhiều bài viết mới.

Wikipedia tiếng Việt được thành lập vào tháng 10 năm 2003. Hiện nay đã có 1.141.727 bài viết bằng tiếng Việt.

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Ho-so-den-cua-Tan-Hiep-Phat-tren-Wikipedia-post164317.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét