- Ngoại cảnh và nội tâm


ngoai-canh-noi-tam
Một sớm mai xuống phố ghé vào nơi làm việc, hay một chiều mưa đổ ghé vào quán cà-phê ven đường, hay một tối lang thang với bạn bè thân quen qua đường xưa lối cũ, đều nghe quanh đời đầy ắp những tiếng thở than, những lời oán thán về bao chuyện khổ đau, bất công cùng bao nỗi niềm ngang trái và oan nghiệt chất chồng nơi cuộc sống này.
Bên ly cà-phê đen bốc khói, một người bạn vong niên chép miệng buồn rầu than thở: “Cuộc sống bây giờ đen như ly cà-phê này vậy; có quá nhiều cạm bẫy, quá nhiều hiểm họa; môi trường, hoàn cảnh sống ngày càng suy đồi và băng hoại để cái xấu, cái ác tràn lan, bủa vây con người và tâm hồn con người bây giờ hư đốn là do họ lạc trong cái thế giới quỷ ám đầy ma chướng, đầy cạm bẫy này”.
Bên ly rượu đắng nơi quán nhỏ ven đường, một người anh ngậm ngùi nói lời phiền muộn: “Cảnh ngộ con người trong thời đại ngày nay đắng chát chẳng khác ly rượu này; một thời đại mà chúng ta chứng kiến thói tôn sùng vật chất lên đến mức điên dại và niềm đam mê vật dục đạt đến mức mù quáng; người ta giờ chỉ còn nghĩ đến danh vọng, tiền bạc, cùng lợi ích cá nhân nên tâm hồn họ ngày càng cằn cỗi, khô khan; ngày càng xa cách; càng lạnh lùng vô cảm, càng tàn ác với nhau”.
Và rồi bên chén trà nhạt nhẽo một chiều thu sang nơi cổng trường ồn ào cộ xe qua lại, mấy cô cậu sinh viên lầm bầm nói chuyện với nhau: “Thời buổi này mà nói chuyện tình yêu thơ mộng, lãng mạn, rồi hy sinh cho nhau, rồi chuyện phải biết sống một cuộc đời ‘đói cho sạch, rách cho thơm’, nghe sao chẳng thực tế chút xíu nào; nghe sao mà oải quá, nghe sao mà nhạt nhẽo quá, y như ly nước trà này vậy đó. Thời buổi này, danh vọng và giàu sang chính là thước đo giá trị một con người; hoàn cảnh ấy, thời thế ấy thì chúng ta cũng phải như thế mới mong tồn tại được”.

Cái hoàn cảnh bên ngoài kia là cái gì vậy? Sao mà nó khiến người ta dễ đổi thay ghê gớm đến như thế? Chắc hẳn đó là “cái nhìn” của người khác về mình; đó là cái tiêu chuẩn mà xã hội, mà đám đông người đời tự đặt định ra để đánh giá một con người. “Cái nhìn” đó, cái tiêu chuẩn đó bây giờ xem bạc tiền, xem danh vọng, xem lợi lộc, xem sắc dục là tối thượng; vì thế cho nên biết bao kẻ đã chấp nhận đánh đổi tất cả chỉ để đạt được những tiêu chuẩn kia; chỉ để có bạc tiền; chỉ để có sắc dục; chỉ để được tha nhân ngợi khen, thán phục. Bi thảm thay, toàn bộ cuộc sống của họ đều nương theo, đều dựa vào sự nhìn nhận của tha nhân và cái nhìn đó chính là món ăn tinh thần nuôi dưỡng cuộc đời họ.
Để rồi một cô sinh viên xinh đẹp, ngoan ngoãn ngày nào bây giờ sẵn sàng đánh đổi cả thân phận một đời con gái chỉ để có được một công việc với danh vọng cùng lợi lộc; rồi một cậu sinh viên hiền lành, khờ khạo thuở nọ giờ ngày càng chìm sâu trong những trò vui chơi trác táng, đầy lạc thú trần gian với đám quan chức cấp trên để được thăng tiến trong công việc; rồi một em học trò ngây thơ, trong sáng ngày ấy giờ thì suốt ngày nhìn tất cả mọi người xung quanh bất kể thân sơ như những con mồi; chỉ để làm sao đạt được mục đích duy nhất trong đời là chào bán được những món hàng của mình cho những đối tượng kia hòng tăng thêm thu nhập, hòng được mau chóng giàu có cho bản thân mình.
Họ trôi lăn theo dòng đời và sống nương theo cái nhìn, cái tiêu chuẩn nọ; để rồi dần dà trở thành những kẻ nghiện, những kẻ thèm khát “hư danh”, thèm khát “tiền bạc”, thèm khát “sắc dục”. Có đủ mọi loại thèm khát trong cuộc đời này và ai ai trong tất cả mọi người chúng ta cũng sẽ rất dễ dính mắc, rất dễ vướng víu vào những loại ma chướng ấy.
“Kẻ thù của mỗi con người là chính bản thân người đó”. Ai đó đã lượm lặt lời này và bảo đó là lời Đức Phật dạy; dù không chắc là lời Phật dạy thì nhận định đó cũng được coi là chân lý; và sau này diễn tả lại chân lý ấy, có một nhà văn nọ đã nói rằng: “Trong mỗi con người có một con quỷ nhỏ”; đúng thật như vậy, ma chướng bên ngoài kia chắc chắn chỉ có thể tác động trên mỗi con người một khi “con quỷ nhỏ trong mỗi chúng ta” mời gọi nó, rồi mở cửa cho nó đi vào.
Chúng ta đâu có đủ khả năng ngăn chặn sự lớn mạnh của ma chướng bên ngoài kia, chúng ta chỉ có thể đối trị “con quỷ nhỏ” trong mỗi chúng ta mà thôi.
Nếu “con quỷ nhỏ” bên trong mỗi con người được giáo dưỡng, được răn dạy, được huân tập trong một vùng trời tâm thức đầy ắp những ý niệm thiện lành, tốt đẹp, thơm ngát hương hoa tinh khiết thì thứ năng lượng mang tính hủy diệt, tàn phá kia sẽ có thể được chuyển hóa, được thăng hoa thành thứ năng lượng mang tính sáng tạo, hữu ích cho cuộc sống và rồi một ngày nào đó nếu ma chướng bên ngoài có ùa đến bên đời thì chắc cũng không thể, và không đủ khả năng, để thâm nhập vào nội tâm nơi “con quỷ nhỏ” nọ đã được thuần hóa – và khi đó sự hiện hữu của ma chướng kia chỉ còn là một bài trắc nghiệm sức mạnh tinh thần trong con người đã chuyển hóa thành công thứ năng lượng ghê gớm, ẩn tàng có tên gọi là “con quỷ nhỏ” kia.
Nếu “con quỷ nhỏ” bên trong mỗi con người không được giáo dưỡng và bản thân những con người đó cũng không gặp phải những cảnh ngộ nghiệt ngã, đầy thử thách bên ngoài, thì thứ năng lượng hủy diệt, tàn phá ấy tuy vẫn tiềm tàng trong mỗi cá thể nhưng chưa và khó có thể bùng phát do cảnh ngộ trong và ngoài chưa tương ứng với nhau – đó là trường hợp những người sinh trưởng trong một môi trường thiện lành, tốt đẹp; họ cũng tạm thời sẽ sống hiền hòa theo hoàn cảnh bên ngoài nọ bởi lẽ những tố chất độc hại kia đã không có điều kiện, không hội đủ nhân duyên để phát tác.
Có những cảnh ngộ mà ở đó “con quỷ nhỏ” bên trong mỗi con người không được giáo huấn, không được kiểm soát và bản thân những con người này lại rơi vào những môi trường mà ở đó những thứ ma chướng của tham lam, của sân hận, của si mê tăm tối trùng trùng bủa vây quanh đời mỗi ngày mỗi giờ, thì khi đó thứ năng lượng tàn phá, hủy diệt kia như cá gặp nước sẽ tha hồ mặc sức phát tác khủng khiếp. Đó cũng là cảnh ngộ của biết bao nhiêu trường hợp đang diễn ra xung quanh chúng ta trong cuộc sống, trong thời đại ngày nay.
Một thời đại mà một số vị tu sĩ thay vì làm ngọn nến soi đường cho bao chúng sinh u mê, lầm lối; làm người hướng đạo đưa họ về lối thẳng đường ngay; làm con thuyền đưa họ xa rời bến mê, trôi về nẻo giác, thì họ lại buông bỏ ngọn nến kia, buông bỏ con thuyền nọ để hùa theo, chạy theo những thú vui tầm thường dung tục của thế nhân; thay vì đưa “đạo” vào “đời”; hướng “đạo” cho “đời”, lại bỏ “đạo” chạy theo “đời”; thay vì mặc áo cà-sa hoại sắc lại rũ bỏ áo cà-sa để khoác lên mình thứ trang phục lòe loẹt của người đời mà còn ngụy biện cho rằng đó là quần chúng hóa. Thời đại đó là thời đại của ma chướng đang ngày càng lộng hành mà con quỷ nhỏ bên trong mỗi con người được tha hồ bỏ mặc chạy rông.
Chỉ có thể hoặc dùng ánh sáng trí huệ và công phu tu dưỡng để chuyển hóa thứ năng lượng độc hại, tàn phá kia trong mỗi con người; hoặc ngăn chặn, triệt tiêu những điều kiện, hoàn cảnh, môi trường đầy độc tố bên ngoài. Hai biện pháp đó được sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát dữ dội của những độc tố trong tâm thức. Nếu hai biện pháp đó không được sử dụng thì cái hậu quả khi độc tố bên trong gặp điều kiện vô cùng thuận lợi bên ngoài hẳn sẽ khủng khiếp ghê gớm và vô phương cứu vãn.
Ma chướng kia như những cơn bão tàn phá khốc liệt ngoài trời, và một tâm thức được giáo dưỡng cũng như một nơi trú ẩn, một hang động an toàn, một gian nhà kiên cố, vững vàng giữa bão táp mưa sa.
Bão vẫn nổi ngoài trời dữ dội, mưa vẫn xối xả tuôn đổ mịt mù rơi mà những thân phận lạc loài giữa trời kia không có một nơi trú thân, không một gian nhà kiên cố cho tâm thức nương tựa đi về thì hậu quả hẳn sẽ là sự vong thân, táng mạng đến tận cùng trong cơn bão ầm ầm vẫn miệt mài trút xuống trên những phận đời quá bé nhỏ, mong manh giữa đất trời vô cùng vô tận mà thôi.■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét