- Ác ma không thấy đường đi lối về

 Đức Phật nhắc nhở các Tỳ-kheo rằng các dục trưởng dưỡng (kàmagunà) hay các lạc thú ở đời – sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu – luôn luôn là các bẫy sập nguy hiểm, rất dễ mắc phải, cần phải hiểu rõ chúng và cần phải học cách thoát ly chúng thì mới có được cuộc sống an ổn. Chúng được xem như là bẫy sập bởi chúng có sức lôi cuốn hấp dẫn, làm mê say lòng người, kích động và chi phối tâm tư con người, khiến con người trở nên quay cuồng, say đắm, mù lòa, không còn tỉnh táo, sáng suốt, bị mê mờ, bị trói buộc, không tự do, không giải thoát. Chúng cũng được ví như mồi nhử của Ác-ma, được giăng ra với ý đồ đen tối muốn làm hại người đời, muốn người đời đi theo và làm theo ý đồ xấu xa của chúng. Nói cách khác, Phật khuyên người xuất gia cần phải nhận thức cho thật rõ vị ngọt (assàda) của các dục, sự nguy hiểm (àdìnava) và sự xuất ly (nissarana) khỏi các dục hay các lạc thú thế gian thì mới thoát khỏi tai họa ở đời, mới có được sự tiến bộ trong đời sống tu tập, mới có được cuộc sống thanh thản an lạc.



Nhận thức rõ vị ngọt của các dục nghĩa là phải hiểu rõ các lạc thú thế gian – sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu – có sức lôi cuốn hấp dẫn, làm say đắm lòng người, có năng lực chi phối mạnh mẽ, làm rối loạn và che mờ tâm tư con người, khiến cho con người trở nên quay cuồng và mù lòa, không còn tỉnh táo và sáng suốt, là pháp chướng ngại1, cần phải thận trọng đề phòng, không nên xem thường, cần phải xa lánh, không nên gần gũi, thân cận.

Hiểu rõ sự nguy hiểm của các dục tức là phải nhận ra sự nguy hại của các lạc thú thế gian, thấy rõ tính chất vô thường bất an của sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu cũng như các hiểm họa khôn lường do lòng tham muốn các lạc thú gây ra2 để sinh tâm nhàm chán, sợ hãi mà kiên quyết từ bỏ.

Hiểu rõ sự xuất ly khỏi các dục nghĩa là phải biết rõ cách thức để thoát khỏi sự lôi cuốn hấp dẫn hay năng lực chi phối của sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu, nhận thức rõ có con đường, có phương pháp tu tập để chế ngự, khắc phục, chuyển hóa lòng tham dục thành tâm giác ngộ, tâm giải thoát, tâm an lạc. Phương pháp ấy chính là hành thiền (manabhàvanà) hay tu tập tăng thượng tâm (adhicittabhàvanà) được nói đến trong đạo Phật3, một phương pháp tu tập tâm thức làm phát sinh thiền lạc (jhànasukha) hay niềm hân hoan an lạc tự nội (ajjhattasukha), có khả năng thay thế dục lạc hay thú vui trần thế, đồng thời có khả năng chuyển hóa các tâm bất thiện (tham dục, sân hận, hôm trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ) thành các thiện tâm (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) đưa đến chứng đắc trí tuệ, đoạn trừ các phiền não, lậu hoặc, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Theo lời Phật, vị Tỷ-kheo nào nhận thức rõ vị ngọt của các dục, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi các dục như vậy thì vị ấy được xem là có khả năng vượt khỏi bộc lưu, không rơi vào bất hạnh, không rơi vào tai họa, không bị Ác ma sử dụng như ý muốn. Nói khác đi, người xuất gia sẽ có được cuộc sống thanh thản an lạc, không rơi vào bất hạnh khổ đau, không còn bị các dục chi phối, thoát khỏi mọi trói buộc ở đời, được tự do tự tại, một khi có sự hiểu biết đầy đủ về các dục và có tu thiền hay nỗ lực chuyển hóa và thanh lọc nội tâm. Bậc đạo sư nhắc nhở:

“Này các Tỳ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân cảm xúc, là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này các Tỳ-kheo, như vậy, là năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại của chúng, không biết rõ sự xuất ly khỏi chúng mà thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: “Các người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn”. Này các Tỳ-kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: “Nó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như ý muốn”. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỳ-kheo, cũng vậy, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc… đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn.

Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: “Các người không rơi vào bất hạnh, không rơi vào tai họa, không bị Ác ma sử dụng như ý muốn”. Này các Tỳ-kheo, như một con nai sống trong rừng, không bị sập bẫy phải nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: “Nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai họa, nó không bị người thợ săn sử dụng như ý muốn”. Khi người thợ săn đến, con nai có thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỳ-kheo, cũng vậy, những Sa- môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc… không bị Ác ma sử dụng như ý muốn.

Chư Tỳ-kheo, ví như con nai sống trong rừng, đi qua đi lại trong rừng, an tâm nó đi, an tâm nó đứng, an tâm nó ngồi, an tâm nó nằm. Tại sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì nó vượt khỏi tầm tay của người thợ săn. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là: một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo vượt lên mọi sắc tướng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức Vô biên xứ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ- kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là… đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Này các Tỳ-kheo, lại nữa Tỳ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi thấy bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma. Vị ấy đã vượt khỏi mọi triền phược ở đời. An tâm vị ấy đi, an tâm vị ấy đứng, an tâm vị ấy ngồi, an tâm vị ấy nằm. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì vị ấy vượt khỏi tầm tay của Ác ma”.4

Ác ma (Màra) là một từ ngữ được sử dụng trong kinh điển đạo Phật chỉ cho cái xấu ác hay năng lượng xấu ác làm cho con người thành ra mê mờ khổ đau mà điều kiện sinh tồn của nó là tham-sân-si hay các pháp bất thiện. Ở đâu có tham-sân-si hay các pháp bất thiện dấy khởi thì ở đó Ác ma xuất hiện. Tham-sân-si càng nhiều, càng lớn thì Ác ma càng đông, càng mạnh và ngược lại. Do được sinh ra và nuôi lớn bởi các pháp bất thiện tham-sân-si, Ác ma rất lanh lẹ và tinh khôn trong việc tìm kiếm cảnh giới có món ăn thích hợp. Nó bắt mùi món ăn rất tài tình. Hễ bất cứ ai thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh giác để tâm rơi vào tham hay sân một tí thì nó liền xâm nhập và chi phối ngay tức khắc, dù người ấy có ẩn núp ở đâu. Một khi bị Ác ma xâm nhập và chi phối thì con người trở nên rối loạn và mê mờ, không còn tỉnh táo và sáng suốt, mất hết tự chủ, rơi vào tà đạo và chịu nhiều bất hạnh khổ đau.

Do vậy, để tránh Ác ma xâm nhập và chi phối hay nói theo lời Phật là “khiến cho Ác ma mù mắt, không thấy được đường đi lối về”, Đức Thế Tôn khuyên các học trò mình nên hiểu rõ tính chất nguy hại của các dục và nên hành thiền hay nỗ lực tu tập và phát triển nội tâm. Bởi chỉ có nhận thức rõ các dục là cảnh giới của ma, chỗ dinh dưỡng của ma, chỗ ăn uống của ma5 và nỗ lực tu thiền định thì mới có thể chiến thắng Ác ma, mới khắc phục được lòng đam mê dục lạc hay các lạc thú thế gian, mới có thể thay thế dục lạc bằng thiền lạc, mới có thể chuyển hóa tâm tham-sân-si thành tâm vô tham- vô sân-vô si. Nói cách khác, Ác ma hoàn toàn không có cơ hội xuất hiện, không tìm thấy dấu vết để xâm nhập và chi phối một khi tâm thức vị hành giả an trú trong thiền định, đi lại trong hành xứ an toàn của các pháp môn quán niệm, trở nên trong sạch, vắng lặng, không uế nhiễm, thoát khỏi tham-sân-si. Đức Phật gọi đây là chỗ Ác ma và quyến thuộc của nó không thể đến được, không tìm thấy dấu vết, trở nên mù mắt, không thấy đường đi lối về; vì ở đó tham không có mặt, sân không có mặt, si không có mặt, mọi điều kiện sinh tồn của Ác ma đã được loại sạch. Bậc Giác ngộ xác nhận:
“Này các Tỳ-kheo, sao gọi là Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ- kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỳ-kheo, như vậy gọi là Tỳ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Như vậy gọi là vị Tỳ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Như vậy gọi là Tỳ- kheo… đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy gọi là Tỳ-kheo… đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Như vậy gọi là Tỳ-kheo… đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy, gọi là vị Tỳ-kheo… đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có một vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy gọi là Tỳ-kheo… đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy gọi là vị Tỳ-kheo… đường đi lối về. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy mọi vật với trí tuệ, các lậu hoặc được diệt trừ. Này các Tỳ-kheo, như vậy gọi là Tỳ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Vị ấy đã vượt khỏi tham trước ở đời”6.

Tóm lại, để có được cuộc sống thanh thản an lạc, tránh mọi phiền lụy khổ đau do Ác ma gây ra thì con người cần có sự nhận diện cho thật đúng về cuộc đời, thấy rõ tính chất hấp dẫn của các dục, hiểu rõ sự nguy hại tiềm ẩn đằng sau mọi lạc thú trần thế và cần học cách vượt qua mọi cạm bẫy cám dỗ của thế gian. Đó chính là thực hành con đường giới-định-tuệ, con đường của sự nhiếp phục tham-sân-si, thực nghiệm tự do, an lạc mà Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm và thâu tóm đầy đủ trong ba luận đề nhấn mạnh về vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly các dục hay các lạc thú thế gian. Đức Phật là người sống ở thế gian mà không nhiễm trước trần thế, vì lẽ Ngài là bậc giác ngộ trọn vẹn về thế gian và sống với tâm giải thoát, không dính mắc thế tục. Ngài không còn bị sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu làm cho tham đắm, làm cho mê say, làm cho quay cuồng, bởi Ngài thấy rõ sự nguy hại tiềm ẩn trong các lạc thú trần thế và an trú trong nếp sống giới-định-tuệ vượt ra ngoài mọi tham ái và trói buộc của thế gian.

Người xuất gia quyết tâm đi theo con đường giác ngộ, siêu thoát thế gian của Phật, lẽ tất nhiên cần phải nhận chân cho thật đúng những gì thuộc thế gian và những gì siêu việt thế gian để thiết lập hướng đi đúng đắn, an toàn và có kết quả. Vị ấy phải thực hành con đường xuất thế, phải tập rời bỏ năm dục trưởng dưỡng hay các lạc thú thế gian, được biết như những thú vui thấp hèn (hìnasukha), những thú vui làm ô uế tâm thức (mìlhasukha), những thú vui phàm tục(putthujjanasukha), những thú vui không đưa đến thanh cao, thánh thiện (anariyasukha), chỉ đưa đến tranh chấp, tàn hại, chất chứa nhiều hệ lụy khổ đau7. Thay vào đó, vị ấy tìm vui trong nếp sống tri túc và hành thiền, thực chứng niềm hân hoan an lạc tự nội (ajjhattasukha) do thiền định mang lại, được biết như là xuất ly lạc (nekkhamasukha), độc cư an(pavivekasukha), an tịnh lạc (upasamasukha), chánh giác lạc (samboddhasukha), tức những niềm vui hướng thượng, siêu việt thế gian, có khả năng đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, mục đích cứu cánh của đời sống xuất gia. Làm được như thế thì người xuất gia mới được xem là hoàn tất lý tưởng tu học của mình theo nghĩa tự độ và độ tha. Vị ấy vừa có khả năng giải thoát mình khỏi mọi trói buộc vướng lụy của trần thế, khỏi mọi tầm mắt truy tìm của Ác ma, vừa có khả năng giúp cho người khác đạt được mục đích tương tự. ■„




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét