- Già Trông Cậy Vào Ai


- Có một người bạn đời thân thiết, phải cùng đối đãi và chăm sóc tốt cho nhau.
- Có một tổ ấm của riêng ta, chưa đến lúc chết, xin nhớ muôn ngàn lần chớ bỏ mất nó đi.
- Có một cái thân thể, tự mình phải biết bảo trọng, có một cái tâm thái tốt, tự mình vui sướng!

Chúng ta đã già rồi! Nhưng mà hiện tại sức khoẻ vẫn còn tốt, đầu óc hãy còn minh mẫn, già rồi trông cậy vào ai! Phải phân chia ra nhiều giai đoạn mà nói.

Giai đoạn thứ nhứt

Sau khi đã về hưu, tuổi từ 60 đến 70, sức khoẻ cũng như điều kiện hãy còn tốt. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì cứ mặc, thích chơi đùa gì thì cứ chơi đùa, chẳng nên tự bạc đãi mình, vì những ngày giờ này sẽ không còn là bao lâu nữa, cần phải nắm lấy (cơ hội). Nắm giữ một ít tiền, giữ lại căn nhà, biết tự an bài tốt cho con đường sau cùng của mình.

Tình trạng kính tế của con cái được tốt là của chính chúng, con cái hiếu thuận là phẩm hạnh tốt của chúng. Chúng ta chẳng nên cự tuyệt sự giúp đỡ của con cái, không nên cự tuyệt sự hiếu kính của chúng. Nhưng quan trọng nhứt là phải biết tự nương tựa vào chính mình, tự an bài tốt cho sinh hoạt của chính chúng ta.

Giai đoạn thứ hai
Qua hết đoạn tuổi bảy mươi (tức ở vào tuổi bát tuần) mà không có bệnh hoạn gì, cuộc sống hãy còn được tự do, đó là không có những vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng phải nên nhớ rằng mình đúng là đã già rồi, thể lực và tinh lực sẽ không còn tốt nữa, các phản ứng tự nhiên của mình cũng sẽ từ từ xấu đi.
Nên ăn cơm chậm lại để đề phòng mắc nghẹn; đi đứng cần chậm lại để đề phòng bị té ngã.

Chẳng nên tranh hơn người, cần biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình!
Đừng nên đi "quán xuyến" việc này việc kia, lo lắng sinh hoạt của con cái. Có người còn đi giữ cháu nội cháu ngoại nữa.

Cần phải biết "ích kỷ" một chút để, tự chăm sóc, trông coi chính mình.
Mọi việc phải biết để cho nó hoà theo tự nhiên, phải làm tí công việc quét dọn rác, phải biết cố gắng giữ gìn cho cái trạng thái sức khoẻ của mình được lâu dài hơn.
Để cho cái năng lực tự chủ về cuộc sống của mình có thể kéo dài thêm, không phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác, thì có phải là tốt hơn không?

Giai đoạn thứ ba
Sức khoẻ đã suy yếu rồi, phải cần đến người giúp chăm sóc cho mình, việc này nhất định phải được chuẩn bị từ trước, tuyệt đại đa số con người ít ai tránh khỏi được cái cửa ải này.

Phải biết điều chỉnh tốt cho lòng mình, phải biết thích ứng với hoàn cảnh, sinh lão bịnh tử, với cái Tử là cái việc thường tình của đời người.

Ta cứ thản nhiên mà đối diện với nó, vì đó là cái đoạn cuối của đời người, chẳng có gì mà phải sợ nó, đã có chuẩn bị trước rồi, thì chẳng có chi mà cảm thấy phải khó chịu.

Hoặc là vào viện dưỡng lão, hoặc là mướn người đến nhà trông coi chăm sóc cho mình, lượng sức lượng tình mà làm, nhất định là phải có biện pháp.
Nguyên tắc là chẳng nên "làm khổ" con cái của mình, đừng để con cái mang nặng cái tâm lý không tốt, làm thêm nhiều công việc nhà, gánh nặng thêm sự tốn hao tài chánh hạn hẹp của gia đình.

Tự mình phải biết khắc phục thêm một chút, cái cuộc đời nầy của mình, cái gì khổ, cái gì khó khăn cũng đã qua rồi, hãy tin tưởng rằng cái đoạn đường nhân sinh cuối cùng cũng sẽ dễ dàng mà bước qua.

Giai đoạn thứ tư
Đầu óc ta minh mẫn, bệnh tật đeo mang không cách nào thoát khỏi, lúc mà cái phẩm chất của sinh mạng đến điểm tệ hại nhất, phải biết dám đối diện với cái chết, cương quyết không để người nhà phải lao khổ tái cứu sinh, không để bà con thân hữu phải chịu hứng chịu những hao tốn vô ích.
"Già rồi" trông cậy vào ai? Chính mình, chính mình, lại vẫn là chính mình.

Già rồi thì phải làm sao?
Tại sao lại có cái ý nghĩ nầy, đó là do bởi tôi luôn nhận thấy, người già trên 80, không cần phải hạn chế đồ ăn của họ phải thanh đạm, cũng không cần phải giảm cân, ăn được là quan trọng nhứt

Muốn ăn gì thì cứ ăn, có thể cho là ăn được những món ngon của thế gian nầy, để cho cuộc sống càng thêm vui sướng và thích thú. Hạn chế người già không được làm cái nầy, ăn cái kia là đi ngược lại cái nhân tính của con người, mà lại cũng chẳng có gì gọi là căn cứ khoa học cả.

Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều hiển thị chứng cứ của khoa học là, người già cần ăn ngon thêm một chút, cần mập thêm một tí, để cho cơ thể họ có thêm năng lực để đối kháng bệnh tật, đối kháng tính trầm cảm.

Tôi mong ước là, các cụ lão niên đều có thể hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc.

Có thể cũng đừng kỳ vọng chờ đợi để lại cho thế hệ kế tiếp.

Lời kết luận:

Câu nói đúng của tục ngữ: "biết lo về tài chánh thì không nghèo, có kế hoạch thì không rối rắm, có chuẩn bị thì không bận rộn". Chúng ta với tư cách là lão niên "dự bị quân" đã có ý tốt chuẩn bị hay chưa?

Chỉ cần sự việc chưa xảy ra, phải có chuẩn bị cho tốt, sau nầy sẽ khỏi phải lo lắng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều.

Thứ nhất: Lão Kiện

Sự chuẩn bị trước tiên là cái khả năng làm cho sức khỏe tốt ở tuổi già, ngày thường cần chú ý đến "tam dưỡng":
1-ăn uống dinh dưỡng,
2-chú trọng bảo dưỡng,
3-phải biết tu dưỡng.

Thứ hai: Lão Cư

a/- Đối với sự việc cùng con cháu ở chung, phải rán nhẫn nhịn bằng cách im hơi lặng tiếng trong cuộc sống, chi bằng...
b/- Vui sống hưởng thụ với cuộc sống đơn lẻ độc thân, bất luận là trong thành phố hay khu ngoại ô, những nơi thích hợp cho chính bản thân mình, đồng thời là nơi có những quán ăn gần nhà mà mình ưa thích nhứt.

Thứ ba: Lão Bổn

- Đã nuôi dưỡng được con cái, mà không thể có cách nào để dưỡng già. Là cha mẹ của người ta thì phải nhớ biết tự lập tự cường, chưa vào trong quan tài thì đừng bao giờ chia gia sản.

Thứ tư: Lão Hữu
- Có được một người bạn tốt, người hảo hữu cùng ăn chung và người bạn đời đều quan trọng như nhau, bình thường cần phải biết kết rộng thiện duyên, nhận thức nhiều về các loại bằng hữu, là để hưởng thụ được cái bí quyết của nhân sinh.

Nói tóm lại, dù bạn là một trường thọ lão ông hay lão phụ, cuối cùng, bạn cũng chỉ là một con người.

Cái câu nói nầy thật không bi thiết chút nào, lại cũng không có gì phải lo sợ, hoàn toàn do bạn tự an bài cách sống như thế nào, để coi bạn có hay không có cái tâm lý thành thục, có yêu thích cái gì đó thì rất đáng để bạn trực tiếp đi làm.
Có được cái sức khoẻ tốt hay hạnh phúc, cũng đừng hy vọng để lại cho con cái.
Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.

Xin đừng có "nhân tại thiên đàng, tiền tại ngân hàng", cái gọi là "một mình rất buồn tẻ", "già rồi mà chẳng có ai phục dịch", những tín hiệu phiến diện v.v và v.v... đã là những câu nói lỗi thời từ lâu rồi. Hãy nhận thức cách rõ ràng là: tiền tài, giàu sang chỉ là những số tự mà thôi, danh lợi cũng chỉ là một đoản kỳ tạm hư vinh, cuộc sống mới đúng là cái toàn diện của đời người

Hãy là cái người "vui sống hưởng thụ cái cảnh già độc thân", thì cuộc đời mình sẽ có những mùa Xuân rực rỡ trở lại, với chính mình, điều kiện là: thân thể cường tráng, có tiền, có thì giờ, có bạn bè, lại cũng có cái không gian chuyên thuộc của riêng mình.

Có đủ sức độc lập tự chủ, có được cái lạc thú nhân sinh, chắc chắn là tự mình cung cấp cho mình cái công đức tối đại vậy.

HIỂU ĐỜI (Chung Dung Cơ)

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày mất một ngày.
Qua một ngày vui một ngày.
Vui một ngày lãi một ngày. 

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi ... Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc,cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sông, hưởng thụ những thành quả công nghệ , đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.
Tiền bạc là của con. 
Địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. 
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi. 
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. 
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.

K
hác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao... Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên.
Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao.
Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao. 

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình...

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già, tâm không già, thế là già mà không già. 
Tuổi không già, tâm già, thế là không già mà già. 
Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già. 

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….) 
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh) 
Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống... 
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ. 
Ốm mới khám chữa bệnh….. Tất cả đều là muộn. 

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chua đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống.

Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già. Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm ( . ) hết thật tròn.

Đem bố mẹ... 'bỏ chợ':

“Chị ơi, cho ông ăn ít hộ em nhé!”. “Gia đình em quyết định rồi, chị rút ô xi không cho ông thở nữa nhé”.

 Ăn ít, rút thở ô xi là nhà dưỡng lão hiểu ngay họ muốn cho người thân chết sao cho nhanh.

Lại có nhiều trường hợp chỉ đóng tiền một hai tháng đầu rồi biệt tăm, gọi điện thoại chỉ vớt vát: “Nhờ nhà dưỡng lão nuôi hộ bố mẹ em, sau này em sẽ không quên trả nợ”. 


Nỗi đau ga cuối
Cứ 9 - 11 giờ, tầng 1 Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hà Nội ở phố Trần Quang Diệu (Đống Đa, Hà Nội) lại đông nghịt người lục tục từ các phòng xuống. Họ xem ti vi, họ vui vẻ cười đùa nhưng chỉ có một bà già ngồi riêng một góc, tay lần tràng hạt, miệng lẩm bẩm: “Cầu Trời, khấn Phật cho con chết sớm, chết nhanh”. Ngày qua ngày bà Nguyễn Thị Tâm (đã đổi tên) ở phố H.B đều nguyện cầu như vậy...



Nhà dưỡng lão Hà Nội ở cơ sở 2

Đẫm nước mắt thân phận cùng cực của một đại gia lúc xế chiềuCách đây khoảng gần 4 năm có một khách hàng làm chị Trần Thị Minh Thu - Giám đốc Trung tâm nhớ mãi vì vẻ lành hiền và đài các là bà Nguyễn Thị Tâm. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi dạy đàn con 7 người đủ cả trai lẫn gái. Chúng khá thành đạt, kinh tế vững chắc đủ để hết đi du lịch ở khu resort này lại đi đánh tennis hay chơi golf ở khu vui chơi nọ. Người nào cũng được mẹ cho một căn biệt thự hay liền kề giữa lòng Thủ đô. Cho hết rồi bà vẫn còn vài tỉ dưỡng già vì thời Pháp thuộc từng là chủ của một hãng buôn nổi tiếng giàu có ở đất Kinh kỳ.

Khi về già, bệnh tật, mấy người con nghĩ đến chuyện đẩy bà vào Trung tâm dưỡng lão. Tuy có tới mấy người con trai nhưng người đặt bút ký hợp đồng lại là anh con rể. Nhờ khoản tiền tiết kiệm lớn sinh lãi nên mọi chi phí dưỡng lão đều do bà Tâm tự trả với giá đặt một phòng VIP là 10 triệu/tháng.

Tuổi già khiến cho tai bà bị điếc đặc, mọi việc giao tiếp đành phải bút đàm thông qua một cuốn sổ. Con cháu ai vào thăm, muốn nói gì với bà đều phải ghi ra sổ còn bà muốn nói gì với họ cũng phải ghi vào sổ. Vô tình một lần chị Thu vào phòng cầm lên cuốn sổ, đập mắt chị là mấy dòng chữ mà các con cháu bà vẫn bút đàm với mẹ: “Mợ ở đây hết 13 triệu/tháng. Kể cả tiền thuốc men, tiền quà bánh nữa là thành 17 - 18 triệu/tháng”. Vậy là người con ghi vào sổ kia đã ăn thêm của mẹ mình 3 triệu tiền phòng!


Xúc cơm cho người già ăn ở một cơ sở dưỡng lão

Buồn nhất là người con út, dù được bà cưng chiều hết mức, cho rất nhiều tiền nhưng bà ở Trung tâm đến 6 - 7 tháng mà không thấy mặt anh ta bao giờ. Những người con còn lại cũng vô cùng ích kỷ. Thỉnh thoảng đến thăm bà nhưng lần nào vừa vào phòng liền với tay tìm cái điều khiển điều hòa bật lên thật lạnh cho mồ hôi nhanh khô dù thừa biết rằng mẹ mình không thể chịu được điều hòa.
Nhà dưỡng lão - nơi chăm sóc lý tưởng dành cho người già ở phương Tây nhưng lại trở thành ga cuối bất đắc dĩ của một số người già Việt Nam. Nó chứng kiến những bi kịch đẫm nước mắt, quặn thắt lòng trước ngày nhắm mắt, xuôi tay của họ.

Hễ cứ bật điều hòa thì bà lại ốm. Lúc cuối đời, bệnh tim trở nặng lại thêm nỗi buồn rầu suốt ngày thành ra ốm triền miên. Khi thấy trong người yếu quá bà tha thiết xin với các con rằng: “Cho mợ về chết ở nhà. Cho mợ về nhìn thấy bàn thờ tổ tiên…”. Nhưng bà có biết đâu nhân lúc ốm đám con đã lừa mình ký giấy này, ký giấy kia, lăn tay điểm chỉ rồi bán vụng ngôi nhà ở phố H.B với giá hơn 200 cây vàng.

Nói dối rằng nhà đang sửa mãi cũng không xong họ đành phải hứa cấp cứu xong cho bà về nhà. Cũng may là cháu nội là người mua nhà bà cùng nhà hàng xóm để cải tạo thành một khách sạn rộng mấy trăm mét vuông nên còn diễn kịch được. Khi bà về vẫn không biết là nhà đã bị bán vì bàn thờ của chồng vẫn còn ở đó, đồ đạc chỉ xáo trộn chút ít vì người cháu nói rằng: “Cháu đang sửa lại nhà cho thật đẹp bà ạ”. Bà ra đi thật thanh thản và hạnh phúc. Đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay bà Tâm vẫn không hề biết là mình đang “ở nhờ” nhà của người cháu nội.
"Quả bóng lăn" giữa cuộc chiến của con cái

Anh Bằng - chồng chị Thu tuy không trực tiếp quản lý ở Trung tâm nhưng cũng thường xuyên tới lui và thấm được nhiều câu chuyện mà không bút mực nào có thể tả hết. Bà Đinh Thị Hạnh (đã đổi tên) ở phố B.T là một trường hợp như vậy.

Bà có đến 5 người con, 4 gái, 1 trai. Là thủ đền trên khu phố cổ nên bà có lắm tiền nhang khói để thỉnh thoảng lại cho đứa này đứa kia. Trong mấy người con thì chị cả lẫn anh con trai thứ làm ăn rất khá. Nhà chị xây cao tới 7 tầng, lắp cả thang máy còn nhà người em rộng ngót 200m2 cũng xây tới mấy tầng.

Trong khi đó bà sống ở trong ngôi nhà “hang chuột” nơi phố cổ, diện tích chỉ độ hơn 20m2 để phụ giúp bán hàng ăn đêm cho cô con gái áp út đã ly dị. Bước ngoặt cuộc đời của bà Hạnh bắt đầu khi mắc bệnh tai biến nằm một chỗ không thể làm thủ đền, không gặt hái ra tiền để cho con cái nữa. Nửa ngôi nhà bị người con trai chiếm, nửa còn lại tối tăm, chật hẹp 12m2 chứa một ông già (là chồng bà), một người ốm liệt giường đái ỉa dầm dề, một giúp việc và một người con gái nên luôn luôn bức bí đến ngột ngạt.


Bữa cơm ở một trung tâm dưỡng lão

Khách hàng đến ăn đêm thấy thế cũng dần dần thưa vắng. Tình thế càng trở nên khổ sở hơn khi đứa con gái của bà đi bước nữa, rước về thêm một chàng rể để sống cùng. Mấy người con gái còn lại tuy nhà cao cửa rộng nhưng không muốn đón bà về bởi lý sự rằng: “Vợ chồng con áp út ở nhà bà thì phải có trách nhiệm nuôi bà”. Chịu không nổi nữa người con này mới đem bà mẹ 75 tuổi đến Trung tâm dưỡng lão Hà Nội để gửi, trình bày hoàn cảnh xin được rút khoản đóng góp xuống còn 6 triệu đồng/tháng…

Trí óc bà Hạnh giờ lú lẫn lắm rồi, chẳng còn nhận ra nổi một ai nữa ngoài người con trai duy nhất. Suốt ngày bà lẩm bẩm rằng nhớ nó, rằng thương nó. Nhớ năm xưa nhà dột, chỗ ướt mẹ nằm chỗ khô các con vẫn ngủ ngon giấc. Nhớ năm xưa đói kém, cơm độn toàn bo bo mì hạt thì hạt cơm bà nhường con, hạt bo bo bà lén gắp bỏ vào bát mình. Nhớ năm xưa rét mướt, manh áo ấm bà cũng dành cho con còn mình chịu co ro, lạnh căm trong rách rưới. Thế mà trong suốt thời gian bà ở Trung tâm đến mấy tháng ròng anh con trai chỉ đến thăm mẹ duy nhất 1 lần, cho bà đúng 1 hộp sữa rồi thôi.

Mâu thuẫn phát sinh khi người chị cả lồng lộn lên đòi em gái mang mẹ về dù chị ta không đóng góp tiền để nuôi bà. Cuộc chiến liên miên giữa mấy người con bắt đầu. Đủ thứ bẩn thỉu văng vào mặt nhau. Đủ thứ mày tao, con kia, thằng nọ được đưa vào xung trận.

Người già với bữa ăn cô đơn

Ngồi một chỗ nghe các con cãi nhau, tuy không nói được nhưng bà vẫn hiểu nên cứ mếu máo. Như quả bóng được chuyền qua, chuyền lại giữa các người con, bà ra ra vào vào Trung tâm đến 3 lần. Lúc phe 4 người em thắng thì bà được gửi vào, lúc phe chị cả thắng thì bà lại bị lôi về. Sau nhiều lần “đại náo” nhà dưỡng lão, dọa đâm đơn kiện đi khắp nơi, rốt cuộc, người chị cả cũng chiếm được quyền nuôi bà. Không phải vì tử tế gì mà bởi có bà ngồi đó, dù không nói được vẫn là một tấm bình phong tốt để chị ta giành giật được chức thủ nhang ở chính ngôi đền năm xưa mẹ mình điều hành.

Ngôi đền đó quanh năm suốt tháng như một cái máy rút tiền ATM không bao giờ báo hết, báo lỗi. Ngày đầu tiên ở “nhiệm sở mới” chị ta lần mò không sót một khe kẽ nào để xem mẹ mình ngày xưa có còn giấu tiền hay giấu vàng không.

Bà Hạnh về được gần hai tháng rồi mà mới đây anh con trai duy nhất mới gõ cửa Trung tâm hỏi thăm khiến cho chị Thu ngạc nhiên bảo: “Cụ về lâu rồi, thế anh không biết gì à?”.

Nhiều người khi gửi bố mẹ đến các nhà dưỡng lão đã cấm ngặt chuyện quay phim, chụp ảnh bởi sợ họ hàng, làng xóm đàm tiếu, chê cười.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Trong nhà có người già như có một báu vật”
Mỗi thành phố, mỗi quốc gia đều mang trong mình một tiến trình lịch sử, có trải nghiệm, có thăng trầm. Mỗi địa danh cũng tạc vào lịch sử ấy tên tuổi và dấu tích của mình, trở thành “chứng nhân” cho xã hội tương lai, con người tương lai.
Thấu hiểu điều đó, với xuất phát điểm là trân quý tất cả những điều tốt đẹp của văn minh nhân loại, chuyên mục “Nhìn ra thế giới” hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc sự lạc quan và tin tưởng vào những giá trị nhân văn đang hiện hữu tại những miền đất khác nhau trên thế giới. Và nếu sự phát triển của xã hội giống như một vở kịch chưa có hồi kết, thì chúng ta hãy cùng nhau diễn tấu trọn vẹn vai diễn lịch sử của mình!
***
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Trong nhà có người già như có một báu vật”. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, ngay trên chính đất nước ấy, đã không còn mấy người hiểu được ý nghĩa của câu này nữa. 
Ngày hôm ấy, tôi đi làm về muộn và chứng kiến cảnh nhà hàng xóm đang to tiếng. Tôi nghe rõ mồn một tiếng hai vợ chồng nhà bên đang la rầy người mẹ vì lúc trông cháu bà sơ ý để đứa bé ngã từ trên ghế xuống đất. Đứa trẻ chỉ bị trầy xước da và sưng tấy một chút ở trán nhưng có vẻ như bố mẹ nó cảm thấy rất nghiêm trọng và nổi giận đùng đùng. Người mẹ già không nói một tiếng nào cả, dù cho hai đứa con của cụ rất lớn tiếng và nói những lời vô cùng khó nghe. Tôi vô cùng bực bội, định sang gõ cửa và nói đạo lý với họ nhưng cả nhà đều ngăn lại. Cuối cùng tôi đành phải im lặng.
Tôi nhớ năm xưa, cuộc sống ở quê còn rất nghèo, khi đó còn chưa có đèn điện, điện thoại, người ta dùng đèn dầu để thắp sáng, nhà nào kinh tế khá hơn chút thì dùng nến, nhưng cũng không được dùng thường xuyên. Hồi ấy, trẻ con muốn chơi gì đều phải tự làm đồ chơi chứ không có sẵn ngoài tiệm như bây giờ. Ông tôi rất khéo tay, ông làm cho tôi món nào cũng khiến lũ trẻ trong xóm thích mê. Mà thời đó lũ trẻ con chúng tôi nghịch ngợm, phá phách lắm, nhưng ông bà nội đều rất nhân từ và khoan dung. Họ không la mắng, mà chỉ nhẹ nhàng giảng đạo lý cho chúng tôi. Ông bà cũng thường kể cho chúng tôi những câu chuyện làm bài học.
Vào buổi tối mùa hè, sau khi cả nhà ăn cơm xong, tôi sẽ ra sân ngồi hóng mát và nghe ông bà nội kể chuyện. (Nguồn: Pinterest)
Vào buổi tối mùa hè, sau khi cả nhà ăn cơm xong, tôi sẽ ra sân ngồi hóng mát và nghe ông bà nội kể chuyện. Đối với lũ trẻ mà nói, những câu chuyện ông bà kể rất mới lạ, lý thú. Đó là những chuyện về đạo lý thiện ác hữu báo, chuyện về Thần, Phật, ma quỷ, và cách giải quyết khi gặp những sự việc như vậy. Giờ đây nghĩ lại, những câu chuyện đó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc đời tôi. Những câu chuyện đã gieo vào tâm hồn nhỏ bé của chúng tôi những hạt giống về tích đức hành thiện, làm người tốt để có một tương lai tốt đẹp.
Thời ấy, những người cao tuổi đức cao vọng trọng, có vai vế trong làng gần như là những người trụ cột trong các sự việc ma chay cưới hỏi, thậm chí là giải quyết mâu thuẫn gia đình. Nếu gia đình bất hòa, chỉ cần mời những người này đến thì hai ba câu là giải quyết xong, mà mọi người đều vui vẻ. Người già có vai trò lớn như vậy!
Tôi cũng còn nhớ như in mỗi năm vào ngày mùng một tết, theo phong tục thế hệ sau sẽ đến chúc tết thế hệ trước. Họ làm lễ khấu đầu và tặng tiền lì xì những bậc cao niên. Nghi thức tuy rất đơn giản nhưng trang trọng, mọi người đứng xem đều rất nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính với người già. 
Ngày nay, trong xã hội hiện đại ở Việt Nam và Trung Quốc, vị trí của người già đang ngày càng mất đi và trở nên “không còn tiếng nói” nữa. Tuy vậy, ở các quốc gia khác, truyền thống tôn kính người già dường như không bị thay đổi quá nhiều.
Hàn Quốc: Người lớn tuổi rất được tôn trọng
(Nguồn: post.naver.com)
Mặc dù Khổng Tử là người Trung Quốc nhưng Nho giáo đã có một lịch sử lâu đời ở Hàn Quốc và vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Theo đó, phần lớn văn hóa về tuổi già ở Hàn Quốc đều bắt nguồn từ nguyên lý về lòng hiếu thảo của Nho giáo: Con cái phải kính trọng cha mẹ. Những thành viên nhỏ tuổi trong nhà có trách nhiệm chăm sóc cho những người lớn tuổi hơn.
Đặc biệt, ngay cả bên ngoài gia đình, những người Hàn Quốc cũng thể hiện sự kính trọng, lễ phép với người lớn tuổi. Đối với họ, người lớn tuổi chính là chứng nhân lịch sử quan trọng cho những giá trị truyền thống trong xã hội.
Ấn Độ: Những người cao tuổi đứng đầu gia đình
Nguồn: nationalgeographic.com
Nhiều người Ấn Độ sống cùng nhau thành một đại gia đình, trong đó những người cao tuổi sẽ là người đứng đầu. Họ được người trẻ hơn chăm sóc, hỗ trợ và họ cũng sẽ giúp các con của mình trông nom lũ trẻ. Họ luôn là người cho lời khuyên, từ việc chi tiêu tới những tập tục cưới xin hay giải qyết những xung đột trong gia đình. Và những lời khuyên của họ không phải chỉ để cho có mà chính là quyết định cuối cùng của vấn đề đó. Những người cao tuổi là những người được tôn kính và khoan dung nhất gia đình. 
Ngoài ra, việc đưa người già tới viện dưỡng lão hoặc bất kính với họ là điều tối kị ở Ấn Độ.
Hy Lạp: Tuổi già là một điều đáng để chúc mừng
Nguồn: TODAY Parenting Team
Trong văn hóa Hy Lạp và Hy Lạp – Mỹ, người cao tuổi được tôn trọng và chúc mừng, và việc kính trọng người cao tuổi là điều quan trọng trong gia đình.
Trên toàn Hy Lạp, các tu viện trưởng được mọi người gọi là “Geronda”, nữ tu viện trưởng được gọi là “Gerondissa”. Những từ này đều mang ý nghĩa chỉ về tuổi già. Người Hy Lạp dùng nó gắn với sự thông thái và gần gũi với Chúa.
Người Mỹ bản xứ: Trưởng lão truyền lại kiến thức cho thế hệ sau
Nguồn: teespiritart.com
Nguồn: Dailymotion
Trong văn hóa của người Mỹ bản xứ cái chết là một phần của sự sống. Theo đó, tuổi già không những không mang một ý nghĩa đáng sợ mà còn rất được tôn kính bởi sự thông thái và những trải nghiệm cuộc sống của họ. 
Trong hơn 500 cộng đồng người Mỹ bản xứ, mỗi cộng đồng có những truyền thống và cách nhìn riêng về tuổi già và cái chết. Tuy nhiên, họ đều có điểm chung đó là người lớn tuổi sẽ truyền lại kiến thức của họ cho thế hệ sau (Theo Đại học Missouri, thành phố Kansas)
Một người tài giỏi luôn gìn giữ những giá trị cốt lõi. Khi gốc rễ được thiết lập vững chắc, đạo lý sẽ phát triển. Lòng hiếu thảo và sự tôn trọng là cốt lõi của nhân loại.
(Khổng Tử)
Thiện Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét