- 'Thẻ Căn cước công dân rất khó bị làm giả'

Sáng 24/12, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an khẳng định thẻ Căn cước công dân được cấp từ ngày 1/1/2016 tới đây rất khó để làm giả bởi được trang bị công nghệ hiện đại của Đức và Thụy Sĩ.
Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) giới thiệu với độc giả Dân trí về thẻ Căn cước công dân sẽ bắt đầu được cấp tại 16 địa phương từ ngày 1/1/2016 tới.

Theo ông Phùng Đức Thắng, công nghệ sản xuất CMND 12 số và thẻ Căn cước công dân do Bộ Công an triển khai hiện đại hơn công nghệ sản xuất giấy phép lái xe bằng vật liệu nhựa (PET) của Bộ Giao thông vận tải.

“Công nghệ để in, sản xuất CMND mới 12 số và tới đây là thẻ Căn cước công dân được chúng tôi sử dụng của một hãng ở Đức rất nổi tiếng trên thế giới, phoi bảo an trên thẻ Căn cước sử dụng công nghệ bảo mật của một hãng ở Thụy Sỹ - một trong những hãng bảo mật hàng đầu thế giới. Thẻ Căn cước công dân được in với công nghệ cao, tích hợp hoa văn rất khó để làm giả hoặc thẻ giả sẽ bị phát hiện ngay. Chất liệu nhựa để làm thẻ căn cước đảm bảo đủ “tuổi thọ” để người dân được cấp sử dụng”- Đại tá Phùng Đức Thắng nói.

Ông Thắng khẳng định “tuổi thọ” của thẻ Căn cước công dân phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng thẻ. “Của bền tại người. Lớp bên ngoài thẻ Căn cước là lớp nhựa trong suốt nhằm giữ lớp chữ in bên trong không bị bong tróc. Nhưng nếu người dân bẻ cong hoặc để thẻ ở nơi ẩm thấp suốt thời gian dài thì không thể bền được. Thẻ này đã được chúng tôi sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn mà thế giới đánh giá, sử dụng, sản xuất rồi”- ông Thắng nói.

Thống kê của C72 cho thấy đã có trên 2 triệu người dân được cấp mới, cấp đổi CMND từ 9 số cũ lên CMND 12 số. “Hơn 2 triệu người dân đó coi như đã có số định danh cá nhân rồi. Từ khi triển khai cấp CMND 12 số tới nay, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào về việc CMND 12 số bị làm giả cả. Thẻ Căn cước công dân tới đây triển khai cấp ở 16 địa phương không khác nhiều so với CMND 12 số”- ông Thắng thông tin.
Mặt trước thẻ Căn cước công dân. Ảnh: T.K.

Như đã phản ánh trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 61/2015 quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân mới được Bộ Công an ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2016). Theo đó, thẻ Căn cước công dân hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm.

Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ảnh của người được cấp thẻ Căn cước công dân cỡ 20 mm x 30 mm; có giá trị đến; CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin: Mã vạch hai chiều; vân tay ngón trỏ trái, vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ Căn cước công dân; đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.

Hai mặt của thẻ Căn cước công dân in hoa văn màu xanh nhạt. Nền mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm: Hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn, các họa tiết trang trí. Nền mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các hoa văn được kết hợp với các họa tiết đường cong vắt chéo đan xen.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân. Ảnh: T.K.Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên thẻ Căn cước công dân.

Dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”, số thẻ Căn cước công dân sẽ có màu đỏ.

Các chữ: Số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; có giá trị đến; đặc điểm nhân dạng; ngón trỏ trái; ngón trỏ phải; ngày, tháng, năm; chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân màu xanh.

Thẻ Căn cước công dân được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Ngôn ngữ khác trên thẻ Căn cước công dân được quy định cụ thể khi Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Mẫu thẻ Căn cước công dân trên được áp dụng từ ngày 1/1/2016. Những địa phương chưa có điều kiện triển khai cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo mẫu này thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 998/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành các biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội để cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân.

Chậm nhất đến ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất, cấp Căn cước công dân theo mẫu quy định trên cả nước.

Theo Thông tư 170/2015 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân từ ngày 1/1/2016 không phải nộp phí
.

Theo Dân Trí


Thẻ căn cước công dân có thể thay thế những giấy tờ tùy thân nào?

Căn cứ theo Điều 20 Luật căn cước công dân 2014 quy định:
1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định trên Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Đoàn luật sư TP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét