- Cho bạn vay tiền

Tôi đến New Delhi nhập học chậm một tháng. Người ta đã nói nhiều về cái con voi Ấn Độ hơn một tỉ dân, khổng lồ cho nên bộ máy nặng nhọc của nó cũng mắc bệnh giấy tờ trầm trọng.

Minh họa: Tuấn Anh

Tôi nhập học muộn, tất cả là vì cái bộ máy ấy gửi vé máy bay sang cho tôi rất muộn. Bước chân vào đến ký túc xá thì không còn được lựa chọn nữa, chỉ còn một chỗ cuối cùng là chung phòng với một gã người Mali. Hai mươi sinh viên nước ngoài ai cũng đã có chỗ của người ấy. Không được lựa chọn. Đành vậy.

Sinh viên nước ngoài nhưng ở đây thì phải tuân theo quy định của trường và theo tập quán Ấn Độ. Ký túc xá nam và ký túc xá nữ ở cách nhau mấy cây số. Sang thăm nhau thì chỉ được ngồi chuyện trò ở phòng khách hoặc đưa nhau đi đâu đấy, tuyệt đối không được vào phòng của nhau, ông quản lý hoặc bà quản lý vè vè đi qua đi lại không gì qua được mắt cú vọ.

Ấy thế, tôi vừa nhận phòng buổi chiều thì buổi tối anh bạn Hàn Quốc tự giới thiệu tên là Lim gọi tôi sang phòng anh ta. Lim ở chung với một cậu người Nhật tên là Soyama. Chúng tôi uống trà Hàn Quốc và ăn kẹo Nhật. Và câu đầu tiên là Lim cảnh báo tôi. Chúng tao thấy mày mới đến chưa biết gì nên tự thấy có trách nhiệm báo trước, hễ thằng Modi cùng phòng với mày hỏi vay tiền thì đừng có cho nó vay, nó ăn tiêu hoang phí, không chịu ăn trong ký túc xá mà đi đánh chén ở hiệu ăn bên ngoài, nó đã vay tiền của rất nhiều người rồi.

Chứng thực ngay. Sáng hôm sau, Modi bảo tôi học bổng của mày đâu, đưa tao vay ba trăm rupi. Đấy là số tiền bằng non nửa học bổng tháng đầu tiên của tôi. Đã được cảnh báo, tôi nói dối là chưa lĩnh học bổng. Nó có vẻ miễn cưỡng tin lời tôi. Nhưng tối hôm ấy nó bảo, hôm nay tao đã hỏi tài vụ nhà trường, họ bảo mày đã lĩnh học bổng rồi. Đến thế thì tôi mới nói thẳng, tao vừa mới nhập học, bao nhiêu tiền phải đóng bao nhiêu thứ phải mua, không có tiền cho mày vay được. Nó im lặng. Một lúc sau thì chuyển sang chuyện khác: Tao không thích mày chơi với bọn Lim và Soyama. Trước khi mày đến đây, một thằng Pháp và một thằng Tàu đã ở chung phòng này với tao, nhưng đều bị tao đuổi đi rồi, lần lượt từng thằng một.

Sau đó thì Lim và Soyama giải thích với tôi: Sự thực là mấy bạn Pháp và Tàu không chịu nổi Modi nên đã bỏ đi sau một vài tuần.

Không cần đến mấy tuần, ngay ngày đầu tiên tôi đã cảm thấy mình không thể ở phòng này lâu được. Modi là người Mali, người ta có tập quán bôi kem đen cho da bóng nhẫy lên, đen bóng là một tiêu chuẩn đẹp. Gối ga trải giường của nó đầy vết kem đen như dây mực. Trong bồn rửa mặt trên vòi nước cũng dính kem đen. Từng bãi nước bọt nó nhổ vào bồn rửa mặt cũng dính kem đen.

Nhưng thế đâu phải đã hết. Một buổi tối, Modi dắt vào phòng một cô da đen đồ sộ, hình như là đồng hương với nó. Bảo vệ và warden quản lý ký túc xá đâu mà để cho nó đưa gái vào phòng thế này. Tôi đứng dậy định tế nhị ra khỏi phòng, sang chơi với mấy đứa bên cạnh một vài tiếng cho nó tự do. Nhưng Modi bảo, mày không phải đi đâu cả, hôm nay nó ở lại đây ngủ với tao.

Sáng sớm hôm sau thì cả ký túc xá biết chuyện. Anh bạn người Mauritius là chủ tịch hội sinh viên nam lên gõ cửa. Tôi ra mở cửa thì anh ngó đầu vào phòng, thấy Modi và cô kia đang ngủ ngon lành trên giường nó. Anh bảo tôi, mày viết một cái giấy báo cho quản lý và hội sinh viên. Tôi bảo có gì thì mày đã thấy rồi, tao không viết.

Modi xách túi xách đồ dắt cô kia đi xuống như không. Xuống đến nơi thì mới thấy là cô kia đi chân đất, nó lại tất tả chạy lên xách dép xuống cho cô ta. Cả đám sinh viên Âu Á Mỹ đều ồ lên, mỗi phòng dành cho hai người, phòng là phòng chung, người này phải biết tôn trọng người kia. Và phải chấp hành nội quy ký túc xá. Đề tài thời sự xôn xao suốt mấy ngày, lan đến cả trường và tranh luận lan sang cả ký túc xá nữ.

Sau chuyện này, tôi đã thành công trong việc bỏ Modi mà chuyển được sang phòng khác. Tôi đi vì cuộc sống cá nhân không được Modi tôn trọng. Tôi đi vì nhân có một anh bạn người Ý tên là Alessandro mới nhập ký túc xá, thiếu chỗ, quản lý đành phải cho anh ta vào ở trong căn phòng vốn dành cho khách của học viện. Tôi tranh thủ dịp ấy mà chạy sang ở cùng phòng với anh ta. Thoát được Modi.

Modi vay tiền khắp lượt mọi người trong trường, nhưng tiêu pha hết ga và nịnh đầm số một. Nghỉ giữa giờ, hầu hết cánh sinh viên chỉ ra uống nước ở vòi nước chung, thì Modi lúc nào cũng cà phê và trà sữa thơm lừng. Đang học nó cũng gọi trà sữa mang vào lớp. Gọi luôn trà sữa cho hai cô Nhật ngồi cạnh, hai cô kia uống ngay, mất gì của mình. Thế là từ đó hai cô kia đi đâu Modi bám theo hai cô đi đấy, nhằng nhẵng khắp trường.

Một hôm anh bạn Guyana là lớp trưởng lớp triết học lôi nó ra hành lang quát cho một trận. Người qua kẻ lại đầy ra, đang là nghỉ giữa giờ. Thì ra tiết học trước, Modi không ngồi lớp ngôn ngữ của nó mà chạy sang ngồi lớp triết. Chắc là sang liếc cô nào bên ấy chứ cả ngôn ngữ lẫn triết nó đều kém, học hành gì. Nó gọi trà sữa bưng bê vào lớp làm mất trật tự. Thầy đang giảng thì nó đứng dậy nhổ toèn toẹt xuống sàn nhà. Anh lớp trưởng mắng nó là đồ con vật, lần sau mày tự tiện vào lớp tao là tao đánh luôn. Anh này là người Nam Mỹ gốc Ấn, to cao như đô vật. Thằng Modi im thin thít.

Rồi có hôm Modi lôi về ký túc xá một anh chàng, nhưng bỏ mặc anh ta luẩn quẩn trong ký túc xá hai ngày, đến bữa thì vào nhà ăn tập thể tự ăn, còn bản thân nó biến đi chơi, không đưa anh chàng kia đi cùng. Cám cảnh cho anh ta, đám sinh viên mới hỏi thì hóa ra có một câu chuyện khá ly kỳ. Modi vừa đi du lịch sang Pakistan. Ở đấy nó làm quen với anh bạn sinh viên người Senegal này, vốn đang học ở Bombay và cũng đi du lịch. Vừa quen một cái, Modi vay tiền luôn, số tiền bằng hai tháng học bổng của anh chàng kia. Khi chúng rời Pakistan về đến ga New Delhi, anh bạn kia đòi tiền, Modi bảo: Mày về Bombay làm gì vội, về ký túc xá chơi với tao. Không đòi được tiền, anh Senegal đành phải theo nó về đây, nó khất lần hai ngày rồi vẫn chưa trả. Thêm nữa, về đến ký túc xá, nó bảo anh kia đưa tiền để nó đóng giúp vào nhà ăn tập thể ba ngày, nhưng nó lấy tiền mà không hề đóng cho quản lý.

Tôi hỏi, bây giờ mày định thế nào? Anh kia trả lời, đành phải chờ thêm vài ngày, lấy được tiền thì tao về Bombay ngay. Bombay cách Delhi một nghìn ba trăm cây số, đi tàu mất một ngày. Tôi hỏi, mày chờ được mãi à? Anh kia bảo, không còn cách nào khác, nó trả cho được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đủ tiền tao mua vé về Bombay thì chấp nhận vậy.

Anh bạn Senegal phải chờ đến năm ngày rồi lặng lẽ ra đi. Chẳng biết anh có đòi được tiền hay không.

Thời ấy chỉ có một mình tôi là người Việt, ở giữa một nhóm sinh viên toàn Âu Á Mỹ Phi và mấy bảo vệ quản lý người Ấn. Vài năm trời không có ai để mà nói tiếng Việt. Lâu lâu nghe có thêm một người Việt sang trường ấy trường nọ, thế là tìm đến trường ấy trường nọ để nói chuyện cho đỡ nhớ tiếng Việt. Rồi một ngày cầu được ước thấy, chỗ tôi có thêm một sinh viên Việt Nam nhập trường. Thắng. Một người chất phác thật thà. Thắng đến được hai ngày thì tôi sực nhớ ra một việc. Cái việc mà các sinh viên trong ký túc xá đều tự thấy có trách nhiệm trước những sinh viên mới. Tôi bảo Thắng nếu Modi hỏi vay tiền thì nhớ là không cho vay.

Thắng bảo, bỏ cha, hôm qua nó hỏi và tớ đã cho vay rồi.

Tôi cau có với Thắng, cứ như anh bạn mới quen này có nghĩa vụ phải hỏi tôi trước khi cho ai đó vay tiền. Tôi cau có cũng còn vì bực với mình đã chậm chân so với cái thằng Modi nhanh như chớp kia.

Vài tháng sau, Modi vẫn không trả tiền cho Thắng. Đến mức ấy thì tôi sôi sục lên. Đang lúc nghỉ mười phút giữa hai tiết học, thấy Modi xun xoe mua cà phê cho hai cô người Nhật uống, tôi bảo nó: Mày trả tiền cho Thắng ngay. Nó hỏi lại: Tiền nào? Tôi khẳng định: Tiền học bổng của Thắng, mày vay ngay hôm đầu tiên nó đến nhập học, quá lâu rồi. Nó bảo: Mày mà nói nữa là tao đánh đấy. Tôi gầm lên: Mày quên à, Việt Nam đánh Mỹ và đã đánh tất cả các loại linh tinh khác? Mày không trả là tao giết. Tôi nhấn vào chữ giết, kill, gằn giọng và nghiến âm vào chữ k.i.l.l. ấy. G.i.ế.t. Nó giật lùi lại ôi ôi ôi, phản ứng tự nhiên, cứ như tôi đang cầm dao trong tay, chẳng phải chơi.

Vài tuần sau, nó phải mang tiền trả cho Thắng. Có lẽ đấy là trường hợp duy nhất nó trả tiền vay của người ta. Nó đưa tiền và bảo Thắng, chuyện giữa tao với mày mà mày để nó nói tao như thế, lại trước mặt bọn con gái.

Nhưng có một biến chuyển. Sau khi tôi quát cho nó một trận trước lớp, có một tiết học, thầy giáo dẫn cả lớp sang vườn hoa ngồi học dưới nắng. Mùa đông năm ấy New Delhi khá lạnh, có ngày nhiệt độ xuống đến năm độ xê. Trong phòng học lạnh quá, cả lớp sang vườn hoa ngồi trên bãi cỏ phơi nắng. Mùa đông nắng chan hòa, nắng vàng mật ong rực rỡ, hoa vì thế cũng nở mùa đông. Ngồi trong nắng mà học thì rất ấm áp. Lối vào công viên phải đi qua một cái cần gạt xoay giống như cái cần gạt ở siêu thị hoặc ga tàu điện ngầm. Hai người bước vào cuối cùng là Modi và tôi. Chúng tôi hầu như cùng lúc bước đến trước cái cần gạt.
Modi dừng lại một bước tỏ ý kính trọng.

Rồi nó hơi cúi xuống, nghiêng mình, khoát tay mời tôi vào, như kiểu nhường lối cho một công tước. After you, nó nói. Xin mời vào trước.

Tôi cũng dừng lại. Tôi không bước vào. Tôi không nghiêng mình. Tôi không mời mọc nịnh nọt. Tôi nói khô khốc. After you.

Mình chẳng thích thú gì nó. Mình mà nhận lời mời của nó thì mình kém.

Tôi dứt khoát không bước vào trước. Một lúc. Cuối cùng nó đành bỏ vẻ nịnh nọt mà cun cút bước đi.

Nó đi được một lúc, bấy giờ tôi mới chịu vào.

*** 

Modi không phải bạn tôi. Tôi cũng chưa cho nó vay tiền. Nhưng chuyện cho bạn vay tiền thì có nhiều. Anh chàng Thắng kia chẳng hạn. Thời Thắng ở Nga, có lần gặp một cậu mới hết phổ thông, sang học về kinh tế. Mùa đông ấy ở Nga tuyết trắng xóa và trời u ám. Cái u ám theo vào lòng người. Cậu sinh viên mới rầu rĩ. Không chỉ rầu rĩ vì lạ nước lạ cái. Rầu rĩ còn vì vừa mới sang thì cậu ta tương tư ngay một cô cùng trường. Rầu rĩ vì tương tư, tương tư tức là ốm, ốm đến mức chán học và quẫn bách. Một thằng thanh niên đang tuổi bẻ gãy sừng trâu bỗng chốc trông chẳng ra hồn người. Vật vờ như một con ma. Một lần nó đến chơi, trước khi nó lê tấm thân tàn ma dại đi thì hỏi vay tiền. Tiền. Nhìn cái xác không hồn kiểu ấy thì ai cũng thấy mình có trách nhiệm phải cho vay. Đây đây đây. Xỉa ra mấy tờ giấy bạc bằng hai phần ba học bổng hằng tháng. Thằng bé cầm tiền đi tàu về một thành phố nào đấy, bám theo cô bé kia. Từ đấy nó biến luôn. Nghe nói nó thất tình bỏ học rồi đi làm ăn ở đâu đấy. Vèo một cái, gần hai chục năm sau Thắng mới gặp lại nó. Đẹp trai, cười tươi, đầy sức sống. Cái con bé khiến nó phải thất tình về sau cũng biến đâu mất ra khỏi cuộc đời nó chứ có lấy được nhau đâu. Thắng vẫn nhớ thằng này dạo trước vay tiền của mình rồi mất tăm, nhưng nó không nhắc lại nữa thì cũng thôi. Những tức tối bẽ bàng như bị lừa sau khi nó cầm tiền đi mất, giờ cũng đã thành chuyện ngày xưa.

Chị bạn tôi có đứa sinh viên con cưng, chị muốn bồi dưỡng cho nó theo đuổi sự nghiệp giảng dạy như chị. Anh chàng không phụ công. Tốt nghiệp, nó được giữ lại khoa, dạy dỗ được vài năm rồi được cấp học bổng sang Úc học tiếp. Trước khi đi nó bắt đầu vay tiền của khắp lượt mọi người. Với cô giáo, nó vay năm nghìn đô Mỹ, hứa sang đến nơi em gửi tiền về trả. Nó sang đến nơi rồi, ba tháng không trả, năm tháng không trả, chín tháng không, mười hai tháng không. Cuối cùng phải hơn hai năm nó mới chịu trả. Mà cũng chỉ vì cô cần tiền quá, cô nặng nhẹ mấy lời: Tôi phải nói với em rằng tôi rất thất vọng về em, người ta đã nói với tôi rằng cho bạn vay tiền là mất bạn, nhưng tôi không nghe, tôi đã phạm vào lời răn ấy.

Phụ lục của câu chuyện này: anh chàng kia sang đến Úc thì chẳng học hành gì cả, mãi cũng không làm xong một cái thạc sĩ. Tại sao? Tại vì tập trung vào buôn bán gì đó. Buôn bán để làm gì? Vì nó sang đấy nó yêu một thằng người Úc, thằng kia tiêu hết tiền của nó.

Phụ lục nữa: đến khi tiền hết tình tan, thì hóa ra nó nợ rất nhiều người ở bên tây lẫn bên ta. Khi buộc phải trả tiền cho cô giáo, nó phải đi vay của những người khác để có món mà trả. Cứ vay thành chuỗi thành dây chuyền như thế.

Lại có chuyện một cô gái, đang tuổi cập kê, bọn con trai cứ kiếm cớ đến nhà chơi, tường đông ong bướm đi về, mất công mất việc. Cô phàn nàn thì được một người bạn chỉ cho cách giải quyết: Thằng nào đến mày cũng cứ hỏi vay tiền xem sao. Quả nhiên hiệu nghiệm. Nghe cô gái hỏi vay tiền, anh nào cũng thành thợ lặn hết.

Chuyện tôi kể về Modi thì đã hai mươi tư năm rồi. Đám bạn bè chúng tôi ngày ấy ai từ đâu đi thì về đấy, tản mác khắp thế giới, không biết tin tức gì của nhau.

Tôi chủ ý không dùng Facebook. Sợ mất thời gian. Chẳng thích thú gì cái trò có gì cũng kể lể hết với người quen và không quen. Đồn nhau rằng có người “phây” đến mức bệnh hoạn. Có khi đang viết lại chuyện đi dự câu lạc bộ văn học ở hội đồng Anh thì bảo chờ một phút, just a minute, phải vào toilet cái đã, vào toilet rồi thì lấy iPad chụp ảnh cái toilet có chậu hoa cây cảnh và màn hình tivi để share chia sẻ cho mọi người trầm trồ.

Nhưng rồi có một người bạn kể nhờ Facebook mà tìm được những người bạn lạc nhau vài chục năm trời. Ừ nhỉ. Sao lại không nhỉ. Mình không kể lể giãi bày thanh minh phô diễn khoe khoang tiếp thị, nhưng mình có thể tìm đám bạn trong ký túc xá ở New Delhi ngày trước.

Thế mà tìm được. Từ những dòng tự sự của mấy đứa bạn cũ.

Vincent Despagne người Pháp viết bằng tiếng Anh trên Facebook của mình:
“Modi đi du lịch sang Paris có lạ không? Nó hẹn gặp mình bằng được để trả bốn mươi đô la. Chà chà, thời ấy bốn mươi đô la tương đương bảy trăm rupi là to lắm, tiền ăn tiêu một tháng của sinh viên đấy”.

Jaime người Colombia:

“Cái gã người Mali mặc áo choàng rộng lùng thùng đến tận gót chân thế mà cũng tìm được mình để trả bốn trăm rupi”.

Lim Jung Gang:
“Hôm vừa rồi Modi bảo có việc sang Hàn Quốc, nó tìm được ra mình để trả ba trăm năm mươi rupi nó vay hai mươi sáu năm trước”.

Mấy đoạn tự sự này đưa lên phây vào những thời điểm khác nhau, có khi là năm trước và năm sau, nhưng tôi xếp theo thứ tự thời gian như trên, như là xảy ra rất gần nhau vậy.

Tôi nhẩm tính: từ Despagne, sang Jaime, sang Lim… như vậy là Modi đã mang tiền đi trả theo thứ tự an pha bê của tên người: vần D, vần J, vần L. Theo thứ tự ấy thì người sắp tới mà nó trả tiền sẽ là Thắng, vần T.

Tôi gọi điện thoại cho Thắng: Chuẩn bị tinh thần mà nhận tiền trả nợ của Modi nhé.

Nói thế vì tôi biết ngày ấy Modi trả chưa hết số tiền nợ của Thắng. Hình như vẫn còn vài ba trăm rupi thì phải.

Thắng hỏi lại như nghe chuyện đùa: Thằng Modi sắp sang Việt Nam à?

Ừ, nó sắp sang.

Nói thế nhưng tôi không biết mình mong thế nào, mong nó sang hay là mong là nó đừng sang.

Theo Thanhtnien

Giả khổ mượn tiền 9 người bạn thân, 7 người từ chối, 2 người còn lại nói rằng


Người ta vẫn thường nói: “Gian nan mới hiểu lòng người”. Cuộc sống này, nếu như có được một người sẵn sàng đưa tay ra với bạn những lúc khó khăn nhất, thì đó chính là người bạn phải trân quý muôn phần.


Tháng trước, một người bạn tên Nam của tôi vì xảy ra chút vấn đề trong việc làm ăn nên anh đang cần gấp một số tiền. Khi anh gọi điện thoại cho tôi, tôi cảm thấy có chút kỳ lạ bởi vì quan hệ của chúng tôi chỉ dừng lại ở bạn bè thông thường mà thôi. Vì vậy, tôi có chút do dự.

Tôi nói: “Lát nữa tôi sẽ gọi lại cho anh nhé!”. 
Tôi suy nghĩ 10 phút rồi quyết định cho anh ta mượn số tiền đó.

Tuần trước, anh ấy đã đem tiền trả cho tôi, sau đó mời tôi đi uống trà.
Anh ta nói:
 “Anh đồng ý cho tôi mượn tiền thực sự là nằm ngoài dự đoán của tôi đó!”.

Tôi hỏi: “Tại sao vậy?”

Anh ta trả lời rằng: 
“Trước khi gọi cho anh tôi đã gọi 9 cuộc điện thoại, anh là người thứ 10. Khi anh nói một lát sẽ gọi lại cho tôi, tôi cho rằng mình cần phải gọi cuộc điện thoại thứ 11 rồi. Tôi dựa vào độ thân thiết mà gọi 10 cuộc điện thoại này, càng gọi về sau thì càng không có lòng tin. Vì vậy, lúc gọi cho anh thì tâm trạng của tôi chỉ là thử vận may mà thôi”.

Với chủ đề này mà chúng tôi đã bàn luận rất nhiều chuyện, cuối cùng anh tổng kết một câu:
 “Nếu không phải lần mượn tiền này, tôi còn tưởng rằng mình có rất nhiều bạn bè, bây giờ tôi mới hiểu thì ra tôi cô đơn đến như vậy”.

Mấy ngày sau tôi đều nghĩ về chuyện này. Sau đó tôi quyết định tìm hiểu xem rốt cuộc mình có cô đơn như người bạn đó của tôi không?

Trước khi bắt đầu, tôi đã gọi điện thoại nói cho người bạn đó biết về dự định của mình, anh cười và nói rằng: “Tôi khuyên anh vẫn không nên làm trò đùa này, nếu không chính nó sẽ khiến anh cảm thấy rơi từ Thiên đường xuống Địa ngục đó”.

Tôi chọn ra tên của những người mà tôi tự cho là thân thiết đang ở bên cạnh tôi hiện nay, những người này đều đang ở trong nước, những người ở nước ngoài tạm thời không cho vào.

Họ và tôi từ trước đến giờ chưa từng có sự vay mượn về tiền bạc và cũng không có liên quan gì đến công việc. Chúng tôi thường đi cùng nhau, hoặc là đi ăn cơm, hoặc là đi uống trà, hoặc là đến quán rượu. Tôi từng giúp họ trong những chuyện nhỏ nhặt rất nhiều lần, có 9 người bạn cùng chơi xưa nay. Vả lại với thực lực tài chính của họ thì cho mượn mấy triệu đồng chắc chắn không phải vấn đề gì to tát.

Tôi gửi tin nhắn với nội dung gần giống nhau cho từng người trong số đó: 
“Bây giờ em gặp phải một chút rắc rối, cần hỏi mượn anh ít tiền, em sẽ trả trong vòng một tháng. Nếu như được thì gọi cho em, không được thì gửi lại một tin nhắn, cũng không sao, em chờ câu trả lời của anh”.

Tôi gửi tin nhắn từ chiều hôm qua, chưa đến giờ cơm tối đã nhận được 7 tin nhắn và 2 cuộc điện thoại. Trong đó có một cuộc điện thoại gọi đến sau khi tôi gửi tin nhắn đi khoảng 20 phút, còn một cuộc điện thoại gọi đến sau khi tôi gửi tin nhắn đi khoảng hai tiếng rưỡi.

7 tin nhắn có nội dung như sau:
1. Tú: Thực sự xin lỗi! Hiện tại anh có chút khó khăn, thật đó, nếu không vấn đề của em chắc chắn không cần phải nói đâu. Em hỏi người khác xem sao, xin lỗi nha.

2. Nam: Tuần trước em vợ anh vừa mới hỏi mượn 33 triệu xong, tháng sau thì may ra anh mới có thể cho chú mượn, thực sự xin lỗi!

3. Hải: Thời gian này bản thân anh cũng rất khó khăn, cách đây không lâu anh chơi cổ phiếu đã thua rất nhiều tiền. Xin lỗi nha, nếu tình hình của anh mà ổn thì không thành vấn đề.

4. Khải: Thực sự xin lỗi, tiền của anh đều ở trong cổ phiếu hết rồi!

5. Thanh: Sao em lại phải mượn tiền vậy? Hôm qua anh mới cho người ta vay 33 triệu, cho vay lấy lời, em lại không nói sớm hơn. Xin lỗi nha, em nghĩ cách khác xem.

6. Sáu: Xin lỗi nhé, gần đây anh đổ tiền vào cổ phiếu hết rồi, trong tay không có tiền mặt, thật ngại quá.

7. Chính: Con trai anh khai giảng là phải chuyển đến trường học mới, khai giảng là phải đóng 11,5 triệu. Thực sự anh không thể nào giúp em, mong em thông cảm.


Cuộc điện thoại là do người bạn Kiên và Tuấn gọi đến.
Cuộc điện thoại đầu tiên:
Kiên: Alô, em phải không?
Tôi: Chào anh, là em đây!
Kiên: Em làm sao vậy hả? Sao có vài triệu đồng cũng phải mượn hả? Em xảy ra chuyện gì vậy?
Tôi: Không xảy ra chuyện gì cả, tiền của em cho người khác vay, hiện giờ chưa lấy lại được. Em trai em có chút việc nên cần dùng gấp.
Kiên: Không có chuyện gì là tốt rồi. Em đang ở công ty hả?
Tôi: À, vâng.
Kiên: Con trai anh đi học bị xe đạp của người ta đâm trúng, chân bị gãy xương, anh đã mấy ngày không đi ra ngoài rồi.
Tôi: Hả? Con trai anh gãy xương sao không nghe nói vậy? Anh cần giúp đỡ không?
Kiên: Anh xin nghỉ phép một tuần rồi, công ty của vợ anh lại không cho nghỉ phép. Anh đang định tuần sau kêu mẹ anh đến giúp chăm sóc con. Thôi, giờ đọc số tài khoản ngân hàng của em cho anh đi, anh bảo vợ anh ngày mai đi làm chuyển khoản cho em.

Cuộc điện thoại thứ hai:

Tuấn: Alô, cậu hả, tớ đây, bây giờ cậu đang ở đâu?
Tôi: Tớ đang ở công ty.
Tuấn: Ồ, tới vừa mới đến cửa hàng, tiền có sẵn đây, tớ mang qua cho cậu hay là cậu qua lấy?
Tôi: Sao có thể để cậu mang đến đây chứ. Như vậy đi, lát nữa tớ qua chỗ cậu lấy.
Tuấn: Vậy cậu gửi số tài khoản cho tớ, bây giờ tớ sẽ chuyển qua cho cậu.
Tôi: OK

Buổi tối, anh Nam lại cùng tôi đến quán rượu và cả hai chúng tôi than thở. Tôi nói với anh: “Hai người bạn cho em mượn tiền đó ngày thường chưa từng làm phiền em bất cứ chuyện gì; những người bạn còn lại thì động một chút là làm phiền em, lúc thì là vấn đề về máy tính, lúc thì là vấn đề cổ phiếu, lúc thì là vấn đề đầu tư…”

Anh hỏi tôi: “Em có nói cho hai người bạn cho em mượn tiền biết sự thật không?”

Tôi nói: “Tất nhiên là không rồi”.

Anh cười xong rồi nói đùa: “Bắt đầu từ bây giờ, em chỉ có hai người bạn đó thôi”.

Tôi không nhớ là đã từng đọc cuốn sách gì nhưng hình như có một câu nói như vậy: “Người đã từng giúp đỡ bạn thì mãi mãi sẽ giúp đỡ bạn, nhưng người bạn từng giúp đỡ thì chưa chắc”.

Tôi cũng cười, nhìn bâng quơ một chút rồi nói rất nhạt nhẽo: “Trong lòng hiểu rồi, ngoài miệng không nói ra, cũng không có gì là không tốt. Như vậy sau này thực sự gặp phải khó khăn, sẽ biết nên tìm người nào giúp đỡ, không phải phí sức cầu xin một số người không đáng tin cậy. Trong lòng mình buồn, trong lòng người ta xấu hổ, còn làm lỡ mất chuyện. Biết được người bạn nào có thể chơi cùng nhau, biết được người bạn nào có thể nhờ cậy.

Bạn bè chính là người đã nhìn thấu con người bạn, mà vẫn bằng lòng chơi với bạn.

Đối với những người bạn có thể chơi cùng thì ngày thường cùng nhau vui vẻ, không dùng việc riêng để làm phiền đến họ; đối với những người bạn có thể nhờ cậy, thì phải đối xử tốt với họ. Đừng tưởng là tôi nhiều bạn bè, người thực sự có thể nhờ cậy chỉ có vài người mà thôi”.

Có câu nói rằng: 
“Yêu quý những người bạn mà mình có thể tin cậy, cố gắng khiến mình trở thành người bạn mà người khác có thể nhờ cậy, như vậy, mới có thể cắm rễ trong thành phố này”.

Thật ra, trước đây tôi từng đọc qua câu nói này. Hình như câu nói đó bắt nguồn từ câu chuyện nhờ giúp đỡ của một thương gia người Do Thái, tôi cũng cho rằng câu nói này rất có lý. Rốt cuộc thế nào mới là bạn bè? Tôi cảm thấy vài câu nói dưới đây có thể minh hoạ điều này rất đúng:
Khi bạn bè tốt ở cùng nhau, đôi khi tâm sự rất nhiều, thậm chí không muốn ngừng lại. Tuy nhiên, dù không có gì để nói, họ vẫn cảm thấy thân thiết, không ngượng ngùng.


Bạn bè chính là người đã nhìn thấu con người bạn, mà vẫn bằng lòng chơi với bạn.


Bạn bè chính là người đến thăm bạn không vì bất cứ lý do gì.


Cho dù nhân duyên của bạn có tốt đến mấy thì người có thể giúp đỡ bạn trong lúc bạn gặp khó khăn chỉ có một số ít mà thôi. Người bạn thực sự chính là người có thể cùng bạn vượt qua lẻ loi, cô độc và sự im lặng.

phunugiadinh

THÁI ĐỘ TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ
Mọi ân oán giữa người với người nảy sinh trong cuộc sống một phần là do chúng ta đã từng quá tốt với nhau. Trong một gia đình, một đơn vị, thậm chí là giữa bạn bè với nhau cũng vậy.


Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm cá nhân của một diễn giả có tên Trần An Chi. Nội dung bài viết cụ thể như sau:

Lúc thân thiết, hai người có thể mặc chung một cái quần nhưng một khi đã mâu thuẫn, có thể chết cũng không nhìn mặt nhau. Nguyên nhân là bởi hai phía đã từng quá tốt với nhau.

Hoằng Nhất – một đại sư người TQ những năm cuối đời có viết một bài thơ, đại ý là: Quân tử kết giao nhạt như nước, bạn bè kết giao nếu nhìn vào biểu hiện bên ngoài cho rằng đó đã là bản chất, đôi khi sẽ nhầm lẫn nghiêm trọng.

Tình cảm giữa người với người, cứ nhạt một chút sẽ tốt, mối quan hệ như thế sẽ duy trì được lâu.

Nếu lúc nào cũng đậm như mật, ắt sẽ có lúc phải phân tách. Lão Tử nói, những mối quan hệ như thế, một khi có mâu thuẫn sẽ trở nên xa cách vô cùng. Tình cảm, nếu được hâm nóng mỗi ngày, nhất định sẽ có lúc giảm nhiệt, đó là quy luật của vũ trụ.

Từ trước đến giờ, tôi rất ít gọi điện thoại cho bạn bè, thậm chí là bạn bè có nhắn tin, tôi cũng ít khi trả lời hoặc quên không trả lời.

Tôi cho rằng cứ bình thường, nhạt nhạt một chút sẽ tốt. Mặc dù có thể rất lâu không gặp nhau nhưng khi đã gặp nhau, mọi người vẫn là bạn, bởi trong ký ức của chúng tôi vẫn giữ những điều tốt đẹp trong quá khứ, vậy là đủ.

Giữa người với người, hãy cứ duy trì khoảng cách, khoảng cách này thể hiện cả ở việc giao tiếp, không nên nói nhiều, bởi nói nhiều có khi sẽ thừa, không có tác dụng.

Cho dù là vợ chồng hay các thành viên trong gia đình, vẫn cần giữ một khoảng cách phù hợp, vừa phải, có khoảng cách mới có tình cảm.

Trước đây tôi có quen một người, quan hệ giữa tôi và người đó rất tốt. Người đó nói với tôi: “Cậu đừng giảng phật pháp với tôi. Cậu có thể siêu độ cho người khác nhưng không thể siêu độ được tôi.”

Tôi nghĩ cũng phải, chúng tôi thân thiết quá mà.

Về sau người đó chuyển đi đến vùng khác. Sau khi anh đi tôi cũng lười, ít liên lạc. Thế nhưng dần dần, anh ta đã nhớ lại công đức, nhớ lại lời nói của tôi và cảm thấy lời của tôi có lý.

Sau này, anh ta vào trang cá nhân của tôi và giác ngộ được khá nhiều. Từ việc này, tôi càng khẳng định, giữa người với người vẫn nên giữ một khoảng cách, như vậy sẽ tốt hơn trong mọi chuyện.

Quá gần gũi, quá thoải mái, mỗi người lẽ tự nhiên sẽ dần đánh mất sự cung kính dành cho đối phương, vì thế mà khó nhìn ra công đức, phẩm hạnh, sự nỗ lực của nhau.

Tình cảm thân thiết tốt đẹp thường sẽ làm nảy sinh lòng tham, lòng tham này chính là nguồn cơn khiến chúng ta hận đối phương. Không có tình yêu sâu đậm, sẽ không có hận thù sâu sắc.

Quá gần gũi, người thầy khó có thể siêu độ cho học trò, trái lại học trò thường nhìn thấy những nhược điềm của người thầy.

Quan hệ giữa người với người thực sự rất thú vị, không có lòng cung kính, rất khó để duy trì lâu dài, giữa vợ và chồng cũng vậy.

Thế nên, giữa người với người, sống được với nhau thực sự là một nghệ thuật, là một môn học mà có lẽ mỗi người phải học chăm chỉ cả đời và không dễ chút nào.

Cá nhân tôi cho rằng có một điểm rất quan trọng khi đề cập đến vấn đề này, đó là đầu tiên mỗi người cần phải có một tấm lòng không mưu cầu, không yêu cầu áp đặt đối phương, những việc mình không muốn, không áp đặt cho người khác, thay vào đó, hãy làm, hãy nghĩ cho họ, như thế, quan hệ giữa người với người mới có thể tốt dần lên được.

Rất nhiều người càng chơi với nhau mối quan hệ càng trở nên xấu đi, bởi lẽ mỗi cá nhân đã yêu cầu quá nhiều, đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái gọi là “lật mặt” ở những người bạn.

Quân tử kết giao, nhạt như nước lã. Cứ để các mối quan hệ của chúng ta nhạt như vậy, đừng yêu cầu đối phương cái gì cũng phải đẹp, phải tốt.

Ngoài ra, hãy giữ lòng biết ơn đến người đã giúp mình. Chỉ có lòng biết ơn tương tác qua lại với nhau mới có thể duy trì những mối quan hệ lâu dài.

Giữa vợ chồng, nếu không tồn tại hai chữ cảm ơn, hai người sẽ trở thành những kẻ đòi nợ không hơn. Hai kẻ đòi nợ sống cạnh nhau, đòi nợ lẫn nhau, thử hỏi liệu có thể vui?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét