- Góc khuất của nghề 'osin bệnh viện'

Để bám trụ được với nghề "o sin bệnh viện", nhiều người đã phải chi tiền “lót tay” cho một số y tá, điều dưỡng viên. Nếu không, họ sẽ bị “nốc-ao” và không có cơ hội kiếm tiền tại đây nữa...



“Osin” cũng phải “quen, thân”
Ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội hiện nay, nghề osin đang trở thành “hot” đối với nhiều người lao động ngoại tỉnh. Những phụ nữ chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện đều cho rằng, so với việc làm nông nghiệp thì làm “osin” còn sướng chán, vì được ăn uống đầy đủ, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, nên dù có vất vả, phải thức đêm, họ cũng cam lòng. 

Kể tiếp câu chuyện những “bí mật” về nghề, chị H. – một người làm nghề “osin” tại viện Lão khoa cho hay, nghề nào cũng phải có mối quan hệ thì mới trụ lại được mà không sợ bị soi mói. Khi chúng tôi băn khoăn rằng nếu không phải là người nhà bệnh nhân thì người ngoài khó mà vào ở hẳn bệnh viện trong một thời gian dài như vậy, chị H. cho biết: “Chỉ cần giữa gia chủ và người giúp việc thống nhất được về thù lao và thời gian là “ok” hết. Vì chúng tôi đều là những người làm việc có thâm niên ở đây nên thân thiết với nhiều bác sỹ, y tá và điều dưỡng. Nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ tự lo được, không cần gia chủ can thiệp...”. 

Chị Trần Thu C. -làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê ở bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tất cả những bác sỹ, y tá ở khoa tôi đang làm “osin” đều biết mặt chúng tôi và họ cũng tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc. Thậm chí, chúng tôi còn nhờ họ tìm việc cho mình. Hiện nay, vì nhu cầu “osin bệnh viện” khá lớn nên công việc của chúng tôi ít khi bị gián đoạn”.

Chị C. cho biết thêm, “osin” còn có thể tìm việc qua “kênh” của những người lao công, dọn dẹp tại bệnh viện. Nếu nhận được việc mới, “osin” phải lót tay cho người giới thiệu một chút, dù số tiền đó không nhiều nhưng nó cũng đủ làm cho cả bên cung và bên cầu cảm thấy... hoan hỉ: Người được tiền, người được việc. Chị C. bảo, theo quy định của các bệnh viện, trong giờ “giới nghiêm” chỉ có người nhà mặc áo vàng của bệnh viện mới được ra, vào chăm sóc người bệnh. “Tuy nhiên, nhiều gia đình thuê “trọn gói” nên chúng tôi được mặc áo vàng và trước mặt bác sỹ, y tá, chúng tôi thường nhận là người nhà của bệnh nhân nên không bị làm phiền. Nghề gì cũng thế, cũng phải “lách luật” thì mới sống được”, chị C. nói.

Chị C. đang chia sẻ về "bí mật nhà nghề" với PV.“Ma mới” phải nộp tiền “bôi trơn” 

Theo tâm sự của chị C., với những người làm nghề “osin bệnh viện” lâu năm, thì việc được các bác sỹ, y tá tạo điều kiện là chuyện thường tình, nhưng với những người mới vào nghề thì phải “lót tay” cho một số y tá, điều dưỡng tại bệnh viện là điều không hiếm. Bùi M. – một “osin” quê ở Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình kể với chúng tôi, thời gian đầu mới ra Hà Nội và muốn vào chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện Việt – Đức, Bạch Mai..., những “osin” bệnh viện đều phải chi tiền “lót tay” cho một số y tá, điều dưỡng, nếu không họ sẽ bị kiểm tra, hoạnh họe thường xuyên. M. cho biết: “Số tiền “lót tay” mà người mới phải chi ra khoảng 200.000 – 300.000 đồng trên một bệnh nhân mà họ chăm sóc, nếu không thì những “osin” này khó mà trụ lại được ở bệnh viện đó”.
Cô Trần Thị A. -“osin” được gần một năm nay tại bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, khi nhận lời làm người giúp việc tại bệnh viện cho một gia đình trên phố Lạc Trung, Hà Nội với số tiền là 300.000 đồng/ngày, khi vừa chăm sóc bệnh nhân được nửa ngày thì cô bị y tá đến hỏi có phải là người nhà bệnh nhân không... Thấy tình hình có vẻ “căng”, cô A. đành phải kéo y tá ra một góc, “dúi” vào tay 300.000 đồng, “nhờ tạo điều kiện”. Từ đó trở đi, cô A. không bị làm phiền nữa. 

Chia sẻ về việc này, cô K. – làm nghề giúp việc tại bệnh viện Bạch Mai cho biết, thật ra số tiền “chào hỏi” mà “ma mới” phải lót tay cho y tá hay điều dưỡng bệnh viện có thể chấp nhận được, bởi họ cũng muốn thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với những y tá, điều dưỡng tại bệnh viện. 

Trong vai người nhà bệnh nhân đi tìm người giúp việc, PV đã có cuộc tiếp xúc với những y tá ở bệnh viện Bạch Mai. Một y tá cho biết, họ không thể giới thiệu cho chúng tôi vì không có mối quan hệ và số điện thoại liên lạc; một số y tá khác thì cho rằng, chúng tôi có thể đến khoa Phục hồi chức năng, khoa Cấp cứu để tìm vì nhiều “osin” có để lại số điện thoại di động cho y tá các khoa này. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu chúng tôi thuê được người giúp việc, có phải “nộp” tiền cho y tá và điều dưỡng không, chúng tôi nhận được câu trả lời là “không có chuyện đó”. Tuy nhiên, nhiều người làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê tại các bệnh viện lại khẳng định là có. Do vậy, những nghi vấn về việc nhận tiền “lót tay” của y tá vẫn là những câu hỏi ngỏ. 

Chị M. chia sẻ, thông thường, việc “lót tay” giữa những người mới vào nghề “osin” với y tá, điều dưỡng tại các bệnh viện thường diễn ra giữa hai người với nhau nên người ngoài khó biết. Thậm chí, việc “lót tay” này, ngay cả người nhà bệnh nhân cũng không biết. Nhiều người bận đến nỗi hai ngày mới vào thăm người nhà một lần, hoặc đi làm cả ngày, tối chỉ vào thăm người nhà được một chút nên nhiều “osin” được thuê ở lại bệnh viện, nhận thuốc, chăm sóc người ốm với tư cách người nhà. Nếu có việc gì đột xuất hay bệnh nhân bỗng nhiên rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” thì “osin” mới điện thoại cho người nhà đến để giải quyết. 

Trong thời gian tiếp xúc với các nhóm giúp việc tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, phần lớn, họ là những người lao động có gia cảnh nghèo khó. Và, những điều thầm kín của họ về nghề “osin bệnh viện” không phải ai cũng hiểu và thông cảm... 

Nghề nào cũng có cái khó riêng...

Chị C. bảo: “Cực chẳng đã mới đi làm cái nghề này em ạ, vì suốt ngày tiếp xúc với người bệnh, thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo và lây nhiễm. Có những ca bệnh, con cái người ta cũng không muốn gần gũi để chăm sóc bố mẹ, nhưng chúng tôi phải tự tay chăm sóc họ. Nghề nào cũng có cái khó riêng, nhưng chúng tôi xác định là “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nên phải cố gắng thôi...” 
Lạc Thành - Hồng Thanh

Nhiều người đã và đang làm nghề chăm sóc bệnh nhân nặng tại các bệnh viện mới biết, không ít người đã phải chăm sóc những bệnh nhân ghê gớm luôn nghĩ ra đủ trò tai quái để hành người chăm sóc, kể cả chửi bới, đánh, xé quần áo người chăm sóc. Thậm chí, có người còn bị chính người bệnh mà họ ngày đêm tận tình chăm sóc “vu oan giá họa” những chuyện mà họ không hề biết, không hề làm.


Nam giới làm “osin” bệnh viện cũng chưa chắc đã an toàn. (Ảnh minh họa).

(PLO) - So với nhiều nghề, nghề chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện có thu nhập khá cao mà không đòi hỏi các điều kiện khắt khe về chuyên môn, chỉ cần người làm khỏe mạnh, cẩn thận, trung thực và tốt bụng. Ít ai biết rằng, để kiếm được đồng lương xứng đáng thì người làm nghề này đã trải qua nhiều tình huống trớ trêu, thậm chí cay đắng mà khó tỏ bày… 

Liệt nửa người vẫn… đánh, xé áo người chăm sóc
Gần 7 năm làm nghề, anh Nguyễn Thanh T. (45 tuổi, quê Phú Thọ) cho rằng “ca khó” nhất gặp phải là khi chăm sóc một bệnh nhân nữ liệt nửa người ở Bệnh viện Đại học Y. Anh T. kể, bà ấy vốn là giám đốc một công ty cổ phần, bị tai nạn giao thông gây liệt nửa người. 

Những ngày đầu vào chăm, bà ấy rất bình thường nhưng sau khi nhận được vài thông tin không tốt từ công ty, từ chồng, bà đâm ra… cáu bẳn. Vì không có ai ở bên nên bà… đổ hết lên đầu anh T. Ban đầu thì bà chỉ khó chịu vì cho rằng anh T. làm bẩn, chỉ hết chỗ này chưa sạch đến chỗ kia dơ… thậm chí, nhiều lần bà ấy còn bắt anh T. phải vệ sinh cá nhân cho bà ấy dù bà vẫn có thể làm được.
Dường như vẫn chưa hết bàng hoàng, anh T. kể lại: “Tôi đưa bà ấy vào nhà vệ sinh để bà ấy tự làm những công việc vệ sinh cá nhân, đang đứng bên ngoài chờ thì nghe tiếng bà gọi giật giọng, hốt hoảng, tôi chạy vào thì bà ta quát lên đề nghị tôi phải hầu hạ bà ta trong khi bản thân bà ta có thể làm được những việc này một cách thuận tiện, dễ dàng”. 

Kể đến đây anh T. ngừng lại, nhỏ giọng nói: “Nói thật với chị, tôi làm nghề này cả chục năm nay rồi, nặng nhẹ, liệt toàn thân tôi đều kinh qua hết cả rồi nhưng chưa bao giờ gặp phải trường hợp tai quái như bà này. Khi bà gọi tôi vào, tôi rất nhỏ nhẹ bảo: “Những gì cá nhân bà tự làm thì bà nên làm, thuận tiện hơn cho cả bà và tôi”. Thế mà bà ấy hét lên: “Vậy tôi bỏ tiền ra thuê anh để làm gì?”. Thế là chẳng đặng đừng, tôi phải giúp bà vệ sinh cá nhân nhưng do vừa làm vừa ức chế, tôi không thể tận tâm với ca này”.

Đưa bà trở lại giường bệnh, đang ngồi chuyện trò với mấy người cùng buồng thì bà lại thét lên, anh lại gần thì bà ấy ra sức dùng tay đánh túi bụi vào người, vừa đánh vừa chửi rồi túm áo và xé toạc áo anh ra. Anh T. tức quá, bỏ ra ngoài khuôn viên bệnh viện, gọi điện cho chồng bà đề nghị đến viện luôn, anh quyết định không chăm sóc bà nữa. 

Chờ đến chiều chồng bà mới vào, anh trình bày sự việc xong thì chồng bà hiểu ra, ân cần bảo: “Cháu thông cảm cho cô ấy. Đang từ một người thành đạt, giao du rộng thành người tàn phế thế này chắc cô ấy sốc quá và trút tất cả cơn thịnh nộ vào cháu”. 

Nghe những lời ông chồng nói, anh T. cũng dịu lại như được chia sẻ nhưng sau đó anh vẫn kiên quyết xin nghỉ dù rất cần việc làm. 

Gặp bệnh nhân… quậy

Những ca như anh T. gặp không phải là hiếm nhưng cũng có những ca mà chỉ vì bệnh nhân lơ mơ nhận thức, gây ra những lúc dở khóc, dở người cho cả người chăm sóc và người nhà bệnh nhân. Đó là ca bệnh mà chị Nguyễn Thị Hương (31 tuổi, quê ở xã Điêu Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ) đang chăm sóc. Một cụ ông 80 tuổi bị tai biến, nhận thức khá lơ mơ nên chị phải để ý rất cẩn thận. 

Chị Hương kể, có những đêm ngủ ông toàn… toan tính để trèo qua thành giường, xuống đất trong khi ông phải nằm một chỗ với các thiết bị y tế chằng chịt trên người. Chị Hương cho biết, có những hôm ông hò hét suốt đêm khiến nhiều người trong phòng cũng bị ảnh hưởng lây. Lại có những lúc ông ăn nhiều nhưng không nhận thức được no, đói, ăn hay chưa. 

Ông lại đặc biệt "hiếu động", liên tục xoay ngược, xoay xuôi, đôi bàn chân lúc nào cũng chực để lên thành giường và tìm cơ hội đặt xuống đất nên chị Hương phải trông nom như trông… trẻ.


Chị Nguyễn Thị Hương đang chăm sóc bệnh nhân.

Chị tâm sự: “Người bị tai biến như bệnh nhân tôi đang chăm là một bệnh nhân “rất quậy” nên tôi mệt vô cùng. Nói nhiều khi ông không nghe, không bằng lòng, ông cấu cho tím cả tay. Đến lúc tỉnh ra, ông bảo “Ông cấu yêu đấy”, rồi ông mắng “Ai bảo mày bắt ông ăn”…”. 

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị cười tủm tỉm bảo nhiều khi cũng vui lắm, ông đã ngoài 80 tuổi nhưng toàn nói mới 15 tuổi và chưa có vợ, dù vợ ông đang ngồi bên cạnh. Nhưng có lúc ông nhận ra, có lúc cũng không nhận ra thành ra nhiều khi cả phòng được một trận cười vui vẻ trước tình trạng… trẻ thơ của ông.

Cũng có trường hợp phải cãi nhau với người nhà bệnh nhân chị mới bảo vệ được cho sức khỏe và tính mạng bệnh nhân, bởi chị làm nghề nhiều, có kinh nghiệm, biết việc nào nên làm. Chị tâm sự: “Bệnh nhân mắng chửi mình còn chịu được vì họ đang bệnh tật, ý thức không tốt nhưng người nhà bệnh nhân mà mắng là ức lắm, mình đã mệt mỏi rồi lại còn ức chế, làm sao chăm sóc tốt cho người nhà của họ được. Những lúc ấy chỉ muốn bỏ việc thôi”…

Chỉ sợ sau này bị… thần kinh

Đó hình như là tâm trạng lo lắng của khá nhiều người làm nghề osin bệnh viện. Gặp những ca bệnh nhẹ thì không sao nhưng những ca bệnh nặng, những ca… quậy thì hết đường… ngủ. Chị Hương cho biết, mỗi đêm chị chỉ chợp mắt được khoảng vài ba tiếng là cùng, còn ban ngày gần như không ngủ. Tiền công dao động trong khoảng 300-500 nghìn đồng/ngày tùy từng ca khó hay dễ khác nhau. Rất nhiều bệnh nhân nặng hoặc nhẹ đã qua tay chị chăm sóc. 

Tuy nhiên, chị luôn thường trực sự lo lắng là không biết sau này già đi, chị có mắc bệnh… thần kinh không vì gần như thiếu ngủ liên miên. “Mỗi ngày tôi chỉ ngủ chập chờn được 2-3 tiếng. Bây giờ thì không thấy ảnh hưởng gì vì quen rồi, chỉ sợ sau này đầu óc sẽ có vấn đề thôi. Người thiếu ngủ dễ bị ảnh hưởng thần kinh mà”, thiếu phụ thở dài. 

Chị Hương cho biết, làm công việc chăm bệnh nhân này, ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, thường thì bệnh nhân ăn xong mới đến lượt mình ăn. Có những bệnh nhân ăn cả 2 tiếng đồng hồ mới xong, lúc đấy chị lại không muốn ăn nữa. Đã nhiều lần chị mua cơm rồi để đấy, nguội ngắt, ăn cơm như bò nhai rơm.
“Kiếm được đồng tiền cũng cực nhọc lắm chị ạ. Bây giờ còn sức khỏe mình cứ… phung phí chứ vài tuổi nữa, với tình trạng sinh hoạt thất thường như em thế này thì khéo mình còn yếu hơn các cụ bây giờ, rồi lại đủ thứ bệnh tật kéo theo vì sinh hoạt thất thường nữa” – chị Hương bi quan. 

Nhưng chưa để cho mình ủ ê được bao lâu, gương mặt chị lại sáng lên rạng rỡ: “Nhưng không có gì, tất cả vì tương lai con em chúng ta, phải tiến lên thôi, phải chiến đấu thôi”. 

Nói rồi thiếu phụ phá lên cười, tiếng cười giòn tan của chị tan vào không gian yên ắng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô khiến buổi sáng một ngày mưa đỡ buồn thảm hơn./.

Nhật Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét