Làng khoa bảng: Hành Thiện - vùng đất khoa danh lừng lẫy

Đôi nét về làng Hành Thiện

Hành Thiện là ngôi làng cổ thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, cách TP. Nam Định 35 km. Làng nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, giáp với huyện Vũ Thư (Thái Bình) và huyện Trực Ninh (Nam Định).
Nguyên gốc làng Hành Thiện có tên là Giao thủy (làng Keo) có từ thế kỷ thứ 10. Bản đồ địa lý của làng có hình con cá chép. Nơi đây, con trai chuyên tâm đèn sách, học hành khoa cử, con gái chuyên dệt vải, xe tơ. Năm 1823, vì yêu mến ngôi làng nhỏ có nhiều người đỗ đạt, người dân hay làm điều thiện, vua Minh Mạng đổi tên làng là Hành Thiện, kèm theo 4 chữ vàng "Mỹ tục khả phong".
Làng khoa bảng Hành Thiện  nơi sản sinh nhiều nhân tài đất nước
 

Bản đồ làng Hành Thiện dáng dấp hình con cá chép. Ảnh: internet
Ngôi làng địa linh nhân kiệt, khoa danh lừng lẫy
Cũng giống như Quỳnh Đôi, làng  Hành Thiện cũng được mệnh danh là đất học. Người dân nơi đây truyền tai nhau câu tục ngữ "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện", tức là phía Đông có làng Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện. Hai ngôi làng này đều là vùng đất khoa bảng nổi tiếng với nhiều nhân tài và học giả đỗ đạt.
Ngay từ thời phong kiến, làng đã đứng đầu cả nước với 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Không những học giỏi, người làng Hành Thiện còn nổi tiếng kiên trì và quyết tâm. Có những gia đình có tới 9 người từ cha - con, chú - cháu cùng đi thi. Hay như có vị suốt 40 năm đi thi 15 kỳ thi Hương mà vẫn không bỏ mộng đỗ cử nhân.
Làng khoa bảng Hành Thiện  nơi sản sinh nhiều nhân tài đất nước
Sân đình của làng
Theo sử sách và nhiều tài liệu ghi lại, làng có 4 người làm Thượng thư, 4 người làm Tuần phủ, 4 người làm Tổng đốc cùng hàng chục người khác làm quan trong triều.
Thời Pháp thuộc, làng Hành Thiện có 51 người đỗ tú tài và cử nhân. Trong đó nổi tiếng là Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng bí thư Trường Chinh), Nguyễn Thế Rục (một trong những người Việt Nam đầu tiên được cử đi học trường ĐH Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô), Đặng Xuân Thiều (nhà thơ, nguyên Giám đốc Bảo tàng cách mạng Việt Nam).
Thời hiện đại, dù dân số chỉ khoảng 6.000 người, nhưng làng có tới 88 GS, tiến sĩ, phó tiến sĩ, số cử nhân cũng vượt trên con số 600. Tỷ lệ đỗ ĐH hàng năm của làng khó có vùng nào sánh kịp, với con số lên tới 50, 60, 70 người, đạt trên 90%. Kinh ngạc nhất, năm 2009, số người thi đỗ ĐH của làng gần như tuyệt đối (98,2%). Dẫn đầu tỉnh với số người thi đỗ, nhiều người nhắc đến Hành Thiện, lại nhớ đến câu nói lưu truyền nhiều đời nay: ''Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện''.
Làng có 4 tướng lĩnh quân đội gồm: Thiếu tướng, PGS Đặng Quốc Bảo (nguyện Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường ĐH Kỹ thuật Quân sự), Trung tướng Đặng Kinh, Trung tướng Đặng Quân Thụy, TSKH - Thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quốc. Hai Anh hùng Lực lượng vũ trang là GS Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính (phi công quân sự nổi tiếng của Việt Nam). Ngoài ra, còn có hai người con của làng cũng rất nổi tiếng là Tiến sỹ Đặng Hồi Xuân (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và tiến sĩ Đặng Vũ Chư (nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).
Quê hương của những nhân tài, chính khách họ Đặng
Nếu như làng Quỳnh Đôi là quê hương của những danh nhân họ Hồ, thì làng Hành Thiện là quê hương của những nhân vật họ Đặng ưu tú. Có thể kể gia đình cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Trường Chinh là vị lãnh đạo hai lần giữ chức Tổng Bí thư, từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Ông có tên thật là Đặng Xuân Khu, cha là Đặng Xuân Viện, ông nội là Đặng Xuân Bảng. Cụ Đặng Xuân Bảng là người đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm 1856 (đỗ cao nhất). Cùng với gia đình cụ Đặng Ngọc Định, gia đình cố Tổng bí thư Trường Chinh được Nhà nước tặng thưởng bằng có công với nước.
Làng Hành Thiện còn ghi nhận hai người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là GS, Bác sỹ Đặng Vũ Hỷ (thân phụ của GS - TSKH Đặng Vũ Minh, nhà Hóa học, Viện sỹ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông Minh có cháu gái gọi bằng cậu là Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa) và GS, nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Vũ Khiêu (GS Vũ Khiêu, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam). Năm 2000, GS Đặng Vũ Khiêu còn vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
GS Đặng Vũ Khiêu còn có người cháu nổi tiếng là GS, TS Y khoa Đặng Vũ Thiên Thanh. Anh Thanh sinh năm 1981, từng là trưởng phòng thí nghiệm chuyên khoa não ĐH Harvard (Mỹ), là GS Y khoa người Việt trẻ nhất ĐH Montréal (Canada). Ngoài ra, anh còn giành hàng loạt giải thưởng uy tín của các Hiệp hội nghiên cứu giấc ngủ và Thần kinh tại Mỹ, Bỉ, châu Âu...
Nét văn hóa vẫn được lưu giữ
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cũng như biến động của xã hội, Hành Thiện vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Làng còn có hẳn bia đá để lưu danh tên tuổi của những người học hành thành đạt và cho truyền thanh tuyên dương trên hệ thống loa làng.
Làng khoa bảng Hành Thiện  nơi sản sinh nhiều nhân tài đất nước
Hội khuyến học của làng giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, khoa bảng của quê hương. Ảnh: Việt Thắng
Dành tặng những điều tuyệt vời nhất về quê hương, GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết trên bia đá:
Việc học hành đất dưỡng thông minh; Đường khoa bảng trời ban tài trí
Đã nhiều Tiến sỹ Cử nhân; Lại lắm GS Viện sỹ
Nay toàn cầu vào cuộc đua tranh; Lúc nhân loại gặp thời trí tuệ
Có học thì dân trí cao thăng; Không học thì dân sinh tồi tệ
Hãy học sao trị quốc an dân; Hãy học để kinh bang tế thế
Để Việt Nam bền mãi nghĩa nhân; Để Hành Thiện sáng ngời nhân trí
Nay ghi danh ngưỡng mộ hiền tài; Dựng bia đá tôn vinh học vị.
Chính vì truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nên người làng Hành Thiện luôn định hướng cho con cháu phải đặt việc học lên hàng đầu. Về Hành Thiện, dễ dàng bắt gặp những gia đình cha mẹ là nông dân, làm lụng vất vả nhưng nuôi 2-3 con học ĐH thành tài. Năm nào đến kì thi ĐH, làng cũng có nhiều em thi đỗ. Năm 2010 làng có 58 em, năm 2011 có 69 em thi đỗ, năm 2012, làng có gần 300 con em học ĐH...
Làng khoa bảng Hành Thiện  nơi sản sinh nhiều nhân tài đất nước
Chùa Keo làng Hành Thiện. Ảnh: internet
Như vậy, cùng với những di tích văn hóa lịch sử như chùa Keo, chùa Đĩnh Lan, khu di tích nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh, thì truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài vẫn luôn được người dân Hành Thiện lưu giữ. Năm 1997, làng Hành Thiện được tỉnh Nam Định tặng Bằng chứng nhận Làng văn hóa. Đó là bằng chứng ghi nhận những nỗ lực lưu giữ nét đẹp quý báu của những con người đất học.
Từ vùng đất "địa linh nhân kiệt này", tin rằng, làng Hành Thiện vẫn tiếp tục là cái nôi sản sinh ra những người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét